Làm gái
Tôi là một cô gái làm nghề gái. Nghe thì thật lố bịch và buồn cười nhưng đúng là như vậy.
Người đời vẫn hay nhìn những người như chúng tôi là thứ cặn bã cần loại bỏ của xã hội, những thứ tởm lợm và đáng khinh bỉ nhất, họ cũng không coi việc chúng tôi làm là nghề. Nhưng chúng tôi lại khác, đây là cách mà chúng tôi sống, bằng công sức và nước mắt, thậm chí là cả máu. Nếu được chọn nghề, có lẽ không ai chọn nghề làm gái, nếu tôi được chọn lại thì tôi cũng không bao giờ chọn nó. Nhục nhã và hèn mọn, những kiếp sống đêm khốn khổ trong những đô thì xa hoa, lộng lẫy nhưng cạn kiệt tình người.
Tôi cùng hai “đồng nghiệp” sống trong một căn nhà trọ nhỏ cuối ngõ. Những người như chúng tôi, ban ngày tránh càng xa mọi người bao nhiêu thì càng đỡ bị khinh khi, rẻ mạt bấy nhiêu. Không khí Tết đang tới gần trong những đợt gió rét buốt của đông, mỗi đứa chúng tôi một quê, mỗi đứa có một tâm trạng khốn khổ khác nhau. Linh – cô gái hộ khẩu ở miền núi phía bắc ít hơn tôi hai tuổi, từ khi bố mẹ biết Linh làm cái nghề này đã nhất quyết một hai từ mặt, cấm cửa không cho về cũng không nhận đồng tiền nào của con gái. Bao nhiêu tiền Linh chắt bóp gửi về cho đứa em trai còn đi học đều bị bố mẹ gửi trả lên. Không biết có phải vì thế mà mắt Linh buồn lắm, ngay cả khi cô ấy cười, cả khi đã trang điểm lên sắc sảo, tôi vẫn nhìn ra chút cô đơn đọng lại, và mỗi tối khi tiễn nhau đi làm, trên đôi giày cao gót lênh khênh, tôi thấy sao phía sau con người ấy có cái gì bấp bênh và vô định quá. Trâm thì khác, cô gái Hải Phòng bằng tuổi tôi nhưng lại là đứa cứng rắn và nghị lực nhất. Bố mẹ Trâm không biết con gái mình làm nghề gì, họ chỉ nghe loáng thoáng rằng con gái mình đi tiếp thị rượu và hàng tháng có tiền gửi về nuôi các em, thi thoảng về thăm nhà Trâm vẫn ăn mặc bình thường như những cô gái đơn giản khác, không son phấn, không giêm giúa, hở hang. Tôi nhớ, có lần ở nhà nấu cơm cùng nhau, không nhanh không chậm Trâm nói như đùa như thật :”Nhiều khi tao nghĩ tại sao mình lại làm cái nghiệp này, nhưng tao lại thấy rằng, với nhà tao, bố đã có tuổi, mẹ bệnh tật, không có bằng cấp, ở lại Hải Phòng rồi cũng vậy thôi, thế thì sao không lên thành phố làm gái thành phố có phải sang hơn gái ở nhà không, mày nhỉ, chúng mình đứa nào cũng là gái thành phố cả…” Lúc ấy tôi không nói gì, Linh cũng chỉ cười, tôi biết, sau câu nói ấy là tiếng thở dài chua chát và bất lực của kẻ đã cùng đường, quẫn bách giữa cuộc sống xô bồ khắc nghiệt.
Hơn ai hết, chúng tôi hiểu làm gái chẳng có gì là vẻ vang hay hào nhoáng, thế mà không hiểu sao trên báo hàng ngày, hàng giờ người ta vẫn mang cuộc đời của những người như chúng tôi ra mổ xẻ, phân tích. Hình như là để thỏa mãn trí tò mò của độc giả rồi sau đó là những chỉ trích gay gắt từ người đời. Cả ba chúng tôi hiểu, không phải chỉ vì hoàn cảnh mà chúng tôi như thế này, bởi lẽ thiếu gì người có hoàn cảnh khó khăn hơn mà họ vẫn sống tốt bằng sức lao động của mình, nhưng đến chính chúng tôi cũng không hiểu vì sao mình lại làm cái nghề này. Tôi không nhớ nổi mình bắt đầu làm gái từ khi nào, Trâm hay Linh cũng không, chúng tôi chỉ biết rằng mình cũng là những người làm ra tiền bằng mồ hôi và nước mắt, không đi ăn cướp, không trộm cắp hay giành giật của ai. Chẳng phải làm gái cũng có quy tắc của gái hay sao? Nếu không phải những người đàn ông chủ động và đốn mạt thì chúng tôi cũng đâu phải làm nghề của những đứa lẳng lơ. Xã hội này chỉ cung khi có cầu, chúng tôi cũng sống theo quy luật ấy, chỉ có điều nó khắc nghiệt và khốn khổ hơn thôi.
Hôm nay là chủ nhật, trời cũng bớt lạnh, khi cả ba đứa rời khỏi giường đã là hơn 9 giờ sáng. Trâm dậy từ trước đã mua đồ ăn sáng cho cả ba, vừa cầm bánh trên tay nó vừa chầm chậm nói:
- Hình như đang mùa hoa cải vàng, tao thấy bọn trẻ đi chụp ảnh nhiều, nhìn cũng đẹp lắm, mình ở đây, lăn lộn mấy năm rồi mà không biết cái chỗ chết tiệt ấy nó ngang dọc như nào.
- Thì đi mà xem thôi… - Linh hút sữa trong hộp sùn sụt, lửng lơ đáp lại.
Tôi không nói gì, tôi biết nơi ấy, chỗ mà mấy đứa con gái, sinh viên hay chụp ảnh kỉ niệm, vàng rực, ấm áp. Có lần, khi còn đang đi học, thầy giáo của tôi từng bảo, không đâu tuyệt như Hà Nội, mỗi mùa lại có một loại hoa cho bọn trẻ chơi, mùa xuân là hoa đào Nhật Tân, mùa hè có hoa sưa, hoa phượng, mùa thu có hoa cải vàng,… tôi cười, hoa thì đúng rồi, còn không đâu đẹp như Hà Nội thì hình như không đúng lắm, những mảnh đời như ba đứa chúng tôi gắn bó với Hà Nội mà chưa bao giờ thấy nó đẹp, hay là tại vì chúng tôi chỉ sống về đêm, hay tại vì bởi chúng tôi là những mảnh đời không đẹp, méo mó, lầm lũi và dị dạng. Tôi không biết nữa.
2 giờ chiều, chúng tôi ba đứa đứng tẩn ngẩn giữa bãi hoa cải vàng đang độ nở rực rỡ bên bờ sông Đuống. Đẹp lắm, rực rỡ và thơ mộng, mong manh.
Sau khi thuyết phục được tôi và Linh đi chụp ảnh hoa cải với lí do là lưu giữ nét đẹp thanh xuân, Trâm xúng xính quần áo, đồ đạc cùng máy ảnh đi tác nghiệp, cũng không quên rồng rắn đằng sau thêm hai đứa tôi như mẹ bồng con. Cái cảnh tay xách nách mang của Trâm, túi to túi nhỏ tự nhiên làm tôi nhớ mẹ tôi. Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, bà làm nghề chạy chợ, sáng nào đi cũng đùm to đùm nhỏ, gần trưa thì lại về, lủng lẳng trên xe những thứ lặt vặt mua cho gia đình, đôi khi là món bánh cho bọn con nheo nhóc. Nhà nghèo lúc nào cũng khổ, những khi rảnh rỗi ở nhà không đi chạy chợ, mẹ tôi một tay tay bế thằng út khi ấy còn ẵm ngửa, một tay đan lát kiếm thêm. Cũng chẳng được mấy đồng, nhưng mẹ tôi hay bảo, tích tiểu thành đại, sau có lúc dùng. Bố tôi bỏ mẹ tôi khi mẹ tôi đang chửa thằng út. Nghe bà ngoại kể, bố tôi đi làm xa trên tỉnh rồi có vợ to vợ bé trên ấy, chê mẹ tôi quê mùa, ít học lại quanh năm ăn bám nên bỏ lại, không về nữa. Mẹ tôi có lần vác cả cái bụng to năm, sáu tháng đi lên trên ấy tìm bố tôi mà không được, về sau, bà làm đơn ra tòa đơn than li dị. Một người đàn bà với hai đứa trẻ nheo nhóc, cuộc sống không có đàn ông. Bà tôi từng bảo với tôi khi bé rằng “vì bố mày phải lòng mấy con mắt xanh mỏ đỏ tối tối đứng ở đường mà bỏ mẹ mày với lại chị em mày, cái lũ trên ấy toàn yêu tinh hết cả.” Bà tôi nào biết, hơn 10 năm sau, cháu bà hình như cũng thành yêu tinh mất rồi, chỉ là tôi chưa quyến rũ được thằng đàn ông nào để cho anh ta phải đến mức bỏ vợ thôi.
Trâm với Linh đã trang điểm xong, đang đứng tạo dáng bên mấy cây hoa cải nở rộ lên vàng óng. Chúng nó vừa chụp, vừa chỉ tay cười khúc khích vì nhìn thấy mấy đôi đứng bẽn lẽn chụp ảnh kỉ niệm với nhau. Hóa ra, chúng tôi là những cô gái có hai cuộc sống. Về đêm, khi bắt khách kiếm cái mưu sinh, chúng tôi dữ dằn, chúng tôi giành giật. Còn ở đây, chúng tôi cũng chỉ là những cô gái bình thường đang trong độ tuổi đẹp nhất của con gái. Tôi nhìn cái ảnh của Linh, lại nhìn cái ảnh của Trâm, của tôi, đứa nào cũng cười tươi như nhau, như những bông cải vàng đang cố khoe sắc trong quãng thời gian ngắn ngủi nhất của đời mình để làm đẹp, tô sắc cho đời. Chỉ khác là, chúng tôi không tô đẹp được gì cho cuộc đời cả, mà giống như người ta hay khinh khi nói, thì những người làm nghề như chúng tôi chỉ làm ô tạp cái xã hội này thôi. Nhưng tôi lại nhớ câu nói của Trâm lúc mấy đứa ngồi trên xe bus, Trâm nói đúng, làm gái thì sao, cứ đi chụp chứ, ai biết mình làm gái, ai biết ở đấy những người khác họ làm cái gì, làm gái cũng có tuổi xuân, cũng cần giữ cho mình khoảnh khắc tươi đẹp chứ, không quan tâm người ta nghĩ gì, cứ đi chụp, sau già có cái để nâng niu là tốt rồi.
Cả 3 đang tỉ mẩn tết hoa làm thành cái vòng đeo trên đầu, bất chợt Linh dừng lại, hướng mắt ra xa, ngây ra như tượng. Tôi và Trâm thấy lạ cũng nhìn theo, thì ra là một cặp đang chụp ảnh cưới.
- Không biết những đứa như mình sau này có được mặc áo cô dâu rồi chụp ảnh cưới cùng chú rể đẹp trai không chúng mày nhỉ?
- Tao thích chụp ảnh một mình, mình tao là đẹp rồi, thêm thằng khác chỉ dìm hàng tao thôi – Trâm cúi xuống tiếp tục loay hoay với mớ hoa đang tết dở.
Tôi cũng không nói gì, cái ước mơ ấy, xa xôi quá, nói làm gì, đau khổ thêm ra. Sau mấy tiếng quần mệt trên cánh đồng, Linh gọi một em gái đến lại chụp ảnh cho ba đứa. Tôi can
- Đừng chụp ba, đen lắm, người ta kiêng đấy.
- Sao không, mày sợ thì tao đứng giữa cho, mê tín quá. – Linh đứng chen ngay vào.
- Thôi, chụp kiểu làm kỉ niệm cho mấy chị em, ở chung rõ lâu mà không thấy có cái nào chụp chung. Chụp đi, sau có con cái mang ra cho nó nhìn rồi chỉ đây là các đồng nghiệp của mẹ khi còn trẻ đấy. – Trâm ngoác miệng cười rồi cũng túm tụm vào chụp lấy chụp để.
……
Con hơn tháng nữa là đến Tết âm, trời Hà Nội rét buốt vào tận xương, tê tái. Bữa cơm chiều trước khi đi làm, mấy đứa chúng tôi nhìn nhau chẳng nói gì.
- Tao thấy nhớ nhà quá, Tết rồi, hai năm nay rồi….. Linh hờ hững nói.
Tôi cũng nhớ nhà, nửa năm tôi mới đáo qua nhà một lần, tôi không dám về, vì không biết phải đối mặt với mọi người thế nào, không dám về nhìn vào mắt của mẹ, của bà. Tôi sợ.
- Ăn đi rồi còn đi, trời rét đừng có lề mề mà tới sáng vẫn còn phải phơi mặt ra vỉa hè ấy, nhớ thì kiếm thêm tiền rồi cố mà dứt khỏi cái kiếp này đi rồi về. Khổ lắm….
Trâm buông đũa, đứng dậy chuẩn bị đồ rồi đi. Chúng tôi đi làm nhưng không đứng chung góc với nhau. Mỗi đứa đứng mỗi góc, cũng không cố định. Tối hôm ấy, hơn 2 giờ tôi về đến phòng. Mở cửa, tháo giày ra dặt vào giá để, tôi thấy Linh đang ngồi bưng mặt khóc, hình như Trâm chưa về, hơi muộn.
- Sao thế, bị quỵt tiền công hả mày.
Nó vẫn ngồi khóc như mưa, hình như càng khóc to hơn.
- Nín đi, đừng khóc nữa, con Trâm về nó lại ầm ĩ lên bây giờ….
- Trâm nó chết rồi mày ơi…….
Tay tôi đang rót cốc nước thì đánh rơi xuống sàn nhà, mảnh thủy tinh văng ra tung tóe. Tôi vừa nghe thấy cái gì vậy?
- Tao về đến phòng không thấy nó đâu, tao thấy lạ vì nó hay về sớm, ngồi một lúc thấy có điện thoại, bệnh viện người ta bảo mình đến nhận mặt nó mày ơi, nó chết rồi, hình như nó đuổi theo khách đòi đồ thì bị một cái taxi đi vượt đường đâm phải…. mày ơi,…… Trâm nó chết rồi………
Tôi ngồi bần thần, tôi không hiểu Linh đang nói cái gì nữa, tôi càng nghe càng thấy tai mình ù ù như gió đêm ngoài kia vậy, tôi thấy trên má mình ươn ướt. Linh khóc càng ngày càng lớn, nó gục đầu vào vai tôi run rẩy. Tôi không hiểu được chuyện gì đang xảy ra đây, tôi ôm Linh, cả 2 cứ thế ngồi ôm nhau khóc, mascara lem nhem trên vai áo, che kín tầm mắt tôi, che đen cả tương lai của 2 đứa chúng tôi. trời ngoài kia vẫn tối, về sáng, gió rít lên ghê rợn hơn bao giờ, đập vào cửa nghe chua chát và đau đớn.
…
Người nhà Trâm lên đưa cô ấy về quê mai tang, chúng tôi vẫn giấu không cho họ biết Trâm làm nghề gì. Cái gì đã trôi qua cứ để nó ngủ yên cùng bí mật, nếu khi sống Trâm muốn giấu thì khi cô ấy đi rồi, cứ để cho nó trọn vẹn thì hơn. Mẹ cô khi nhìn thấy mấy bức ảnh chụp hôm ở vườn hoa cải vàng thì khóc ngất đi vì đau đớn quá, những người làm cho mẹ có ai chịu đựng nổi nỗi đau khi mất đi máu thịt của mình đâu. Bố Trâm chỉ lặng lẽ ngồi bên bà và chiếc vali hành lí đựng đồ đạc hồi còn sống của con gái mình, ông không nói gì, nhưng sâu trong đôi mắt từng trải ấy, tôi nhận ra nỗi đau đang vùng vẫy đến tuyệt vọng và từng mảnh vụn của xót xa.
Chúng tôi đưa cho bố mẹ Trâm sổ tiết kiệm của cô trong suốt mấy năm lăn lộn khi tiễn họ về nhà. Số tiền cũng không nhiều vì hàng tháng cô vẫn gửi về nhà đều đặn, tôi và Linh biết, cuốn sổ ấy là ước mơ của Trâm khi còn sống, muốn tích cóp cho đủ rồi về quê học lấy cái nghề, bỏ xa thành thị, bỏ xa chuyện làm gái mỗi đêm đáng khinh bỉ này. Tiếc rằng ước mơ ấy vẫn còn chưa thực hiện được thôi.
Linh ngồi trong góc giường nhìn bức ảnh chụp cả ba đứa hôm đi vườn hoa cải khóc nấc lên.
- Tao mới là người đứng giữa, mà sao lại không phải là tao…..
Tôi không nói được gì, cũng không dám nhìn bức ảnh nào trong số ấy, tôi sợ nhìn thấy nụ cười của Trâm, tôi sợ Linh hay tôi rồi một ngày nào đó cũng chỉ còn giữ lại nụ cười trên ảnh như cô ấy, những người con gái như chúng tôi, làm sao biết được ngày mai là nắng hay là bão. Tối nay, tối mai, tối ngày hôm sau nữa cả tôi và Linh vẫn sống như những ngày trước đây, vẫn về đây vào 2 giờ sáng. Nhưng năm sau, năm sau nữa rồi chúng tôi sẽ như thế nào, tôi không biết, Linh không biết, Trâm bây giờ cũng không thể biết.
Đêm Hà Nội trở gió, tôi quấn khăn đi ra khỏi ngõ. Tiến giày cao gót nện xuống đường khô khốc và cô đơn. Cuối con ngõ này là đèn đường sáng rực, còn cuối cuộc đời tôi, cuối cuộc đời những cô gái như tôi, như Linh không biết sẽ như thế nào, sáng hay tối, hay chỉ còn trên tấm ảnh mong manh thôi...