Con gái
Tôi nhìn về mảnh trời có khung kẽm gai rạch ngang rạch dọc, xanh thẳm, miếng
trăng non mọc sớm lọt thỏm trong ô kẽm gai cứ như nó tự giam mình trong nhà tù
tưởng tượng. Không bao giờ muốn mình như thế, tôi lôi điện thoại ra nhắn
tin cho gã trai yêu nhau sau tháng, một gã trai đa tình: "Tạm biệt anh, em
rời thành phố để bắt đầu cuộc sống mới".
Xốc lại ba lô trên vai, tôi mỉm cười khi nghĩ đến phản ứng của gã lúc đọc tin
nhắn, có lẽ là lần đầu tiên gã bị đá. Xã hội này không thể tin vào đàn ông,
nhất là loại đàn ông đẹp trai lại dẻo miệng, càng không thể dựa dẫm vào họ, chỉ
có tự bước trên đôi chân của mình thì vấp ngã mới đứng dậy được… Đôi giày Tom
đã cũ dưới chân bỗng nhẹ tênh, chỉ cần vượt qua con dốc trước mặt là tôi có thể
đến được nơi mình muốn.
Trong cảm giác của chính mình, con dốc trước mặt bỗng chốc đầy bậc thang.
Vượt qua con dốc thì trời sập tối, phớt lờ sự mời mọc của mấy tay xe ôm, tôi sải những bước chân dài trên con hẻm khá dài đầy sỏi dẫn vào nhà ngoại, thật ngạc nhiên khi mọi thứ xung quanh sau mấy năm vẫn còn nguyên vẹn với tốc độ đô thị hóa hiện nay. Một trận gió lớn làm bay em mũ lưỡi trai trên đầu tôi xuống, làm mái tóc ngắn rối bù và lũy tre sau lưng va vào nhau vang lên những tiếng kẽo kẹt dựng tóc gáy, lúc này đây tôi mới thấy hối hận cho sự mạnh mẽ quá mức của mình khi dám một mình vượt qua khu nghĩa địa trong khi trời đã tối. Ông trời thật biết chiều lòng người khi sau lưng tôi vang lên những bước chân rất đều, đều đến nghẹt thở, tôi rảo bước nhanh hơn rồi thu hết can đảm quay đầu nhìn, đúng lúc sét rạch ngang một đường thật dài. “Aaaaaaaaaaaaaa” – tôi hét lên một tràng dài rồi co giò chạy, bỏ luôn em mũ ngược gió mà rơi xuống đất, tiếng giày dưới chân va vào sỏi lạo xạo, sau lưng tiếng bước chân càng lúc càng nhanh hơn, tôi cứng đờ khi ba lô của mình bị giật ngược, quýnh quáng té xuống thì được một cánh tay cứng như thép đỡ lấy. Lúc này, biết chắc không phải ma tôi mới len lén thở ra, mở to mắt nhìn người đang đỡ mình. Hóa ra mái tóc dài mà tôi tưởng là con ma nữ nào lại là của hắn, khuôn mặt thật khó ưa, tướng tá trông cứ như mấy tay anh chị.
- Khép bớt đôi mắt lại, cô có bị điên hay không giờ này đi một mình qua nghĩa địa, thêm chục mét nữa là nơi thường xuyên xảy ra trấn lột…
Hắn bỏ lửng câu nói ở đó, tôi cụp đôi mắt của mình xuống như một đứa con nít làm sai bị mắng như quán tính, đã rất lâu rồi… nhưng vốn là một cô gái ngạo mạn, rất nhanh tôi giãy khỏi người anh ta.
- Anh làm gì mà mắng tôi như con vậy? Tôi đâu phải dân ở đây mà biết! Với lại ai bảo anh theo tôi làm gì?
Hắn cúi người nhìn vào khuôn mặt tôi.
- Tỉnh ngủ đi! Theo tôi.
Ba chữ của hắn đập nát bét sự ngạo mạn trong tôi nhưng lại kích thích tính háo thắng của một cô gái trẻ.
- Anh có thấy ai ngủ giống tôi chưa hả? Lấy gì đảm bảo với tôi anh là người tốt mà theo?
Tôi đắc thắng khi hắn quay đầu, nụ cười thầm làm tôi nghẹt thở khi hắn nói:
- Tùy cô.
Rốt cuộc thì cái đói, cái sợ chiến thắng lòng tự trọng, tôi theo chân hắn về đến nhà ngoại.
Tôi ngạc nhiên khi hắn bước vào nhà cô Năm hàng xóm nhà ngoại và đóng cửa trong khi nhà ngoại tôi tối om và cửa khóa ngoài. Tôi mệt mỏi vứt phịch cái ba lô xuống đất và thả người trượt dài theo cột cổng, lôi điện thoại từ túi ra, 7 cuộc gọi nhỡ và 5 tin nhắn mới, tin nhắn gần nhất là của gã, tôi bấm mở: “Thật may là tôi đã hết yêu cô.”. Dấu chấm cụt ngủn như phủi sạch mọi quan hệ, chúng tôi chẳng còn liên quan gì đến nhau, thật hài hước khi điện thoại giống chủ, nó cạn kiệt năng lượng và tắt nguồn, cố đến mấy vẫn không mở lên, nhìn vào màn hình cảm ứng tối đen, tôi òa khóc như một đứa trẻ bị bỏ rơi.
Một cô gái dù mạnh mẽ đến mấy cũng cần một bờ vai dựa vào lúc khóc.
Tôi khóc như giọt nước tràn li, khóc một cách hiển nhiên không chút che giấu, khóc vì mệt mỏi, vì đau lòng, khóc vì bước sai đường, khóc cho sự ngốc nghếch của mình. Con gái vốn mâu thuẫn như vậy, rõ ràng là người lựa chọn kết thúc trước nhưng con trai quá phũ phàng sẽ làm con gái khó chịu. Khóc mệt, tôi đưa tay quệt nước mắt và ngẩng đầu lên, suýt chút nữa đánh rơi cái điện thoại đang cầm trên tay khi thấy hắn đang bưng bát cháo đứng trước mặt, có vẻ như đứng cũng khá lâu rồi.
- Ăn đi, tôi không biết vì sao cô như vậy, nhưng tôi thấy cô đói.
Tôi đón bát cháo từ tay hắn, không ngại ngần cầm muỗng qua tay và đưa lên miệng húp lấy húp để, Chí Phèo lúc ăn cháo hành của Thị Nở chắc cũng thua tôi lúc này, trả bát khi hắn ngồi xuống cạnh tôi, mái tóc dài đã túm lên thật gọn.
- Anh đến nhà cô Năm chơi hả?
- Tôi là con trai cô Năm đó.
Tôi mở to mắt nghiên cứu hắn.
- Khép bớt mắt lại, mới khóc xấu lắm chứ không đẹp đâu.
Tôi mân mê cốc nước rỗng trong tay mình, không nhìn hắn hỏi nhỏ:
- Anh không tò mò tôi bị sao hả?
- Tôi đâu phải con gái tụi cô mà có bệnh tò mò đến nhiều chuyện chứ… Mà nói xem, cô gặp phải chuyện gì nào? – Hắn hạ giọng khi thấy tôi trừng mắt.
- Không có gì, anh về đi, cảm ơn anh về bát cháo.
- Cảm ơn mẹ tôi ấy, bà ấy nấu mà. Lúc nhỏ, tôi thích nhất là truyện cổ tích Thạch Sanh và Tấm Cám, thích vì luật nhân quả ở hiền gặp lành, ác giả ác báo của nó, sau này ra đời tôi đâm ra thích nhân vật Lý Thông, Thạch Sanh hiền quá hóa ngu, mà muốn tồn tại được trong cái xã hội này phải như Lý Thông kia chỉ cần biết giới hạn của cái gọi là đạo đức. Đến Tấm – nhân vật nữ hiền lành nhất cổ tích còn muối mắm hai mẹ con Cám thì cớ sao ta lại không học cách tự bảo vệ mình. Không phải lúc nào luật nhân quả cũng tồn tại đâu.”.
Hắn nói xong thì đứng dậy vào nhà, tôi ngơ ngác lẩm nhẩm câu “không phải lúc nào luật nhân quả cũng tồn tại đâu”, hắn ta nói thật đúng, tôi phủi đồ xách ba lô kêu cửa nhà hắn, tôi là cô gái mạnh mẽ cơ mà, nhất định tôi sẽ trở lại thành phố cho gã trai đa tình biết thế nào là chọc giận “Tấm”…
Tôi ở nhà hắn hai ngày thì bà ngoại về, ra hắn là con trai cô Năm thật, là do tôi ít về ngoại nên không biết, cũng có thể là không nhớ rõ vì trong phòng hắn có hình tôi với hắn chụp chung. Đúng là không thể trông mặt mà bắt hình dong được, cánh tay cứng như thép cùng tướng tá bặm trợn như thế lại thuộc sở hữu của một họa sĩ trẻ có tên tuổi trong giới.
Cũng khó tin khi đứa con gái 25 tuổi như tôi lại bị bà ngoại chăm như đứa 2,5 tuổi, bà qua nhà cảm ơn cô Năm và hắn rối rít. Tôi nhìn nhan sắc 70 tuổi chẳng thay đổi gì trong 5 năm qua mà mếu máo, tôi là bản sao của bà nhưng tính tình chẳng có chút gì giống. Bà kéo tôi về nhà và nắn khắp người, tôi khóc không ra nước mắt nhìn chân dung ông ngoại đang mỉm cười trên bàn thờ, nổi da gà khi có cảm giác ông mỉm cười đầy trêu chọc.
- Đầu tóc dài xinh đẹp của con đâu hả?
- Dạ con cắt được 3 năm rồi – tôi cười xoa ngoại – để tóc ngắn vừa năng động vừa nhẹ đầu, lại không tốn nhiều thời gian chăm sóc.
Tôi luồn tay vào tóc, cười chắc gượng gạo lắm, vì bà ngoại chỉ thở dài rất nhẹ rồi cười rõ tươi. Tôi xót xa khi thẳng thắn đối diện với sự thật những thứ của con người tôi lúc này đều vì gã mà ra, cả mái tóc ngắn, cá tính mạnh mẽ và không có bạn gái thân.
Tôi thích gã từ lúc còn là cô bé cấp 2, tình cảm ngây ngô ấy làm tôi quyết tâm học cùng trường gã lúc cấp 3 rồi cả đại học, cô bạn thân nhất ủng hộ tôi theo đuổi gã để rồi làm tôi đau lòng đến không thể khóc khi cô ấy và gã công khai quan hệ tình cảm. Tình bạn và cả tình yêu là tôi thất vọng đến khi tốt nghiệp đại học, làm tôi không còn tin vào tình bạn của con gái và tình yêu của những gã đẹp trai để rồi cắt phăng mái tóc dài thứ mà gã thích nhất của mẫu con gái gã thích và sống mạnh mẽ lên. Thật điên rồ khi hai năm sau vô tình gặp lại trong một công ty, gã lại công khai theo đuổi tôi để rồi có kết quả ngày hôm nay. Có thể ngày xưa tôi có yêu gã, chỉ yêu mà con gái mới đủ dũng cảm thay đổi như vậy, nhưng trong 6 tháng quen nhau, sự háo thắng trong tôi bị dập tắt, thứ mà tôi yêu thích mà không có được ngày xưa lại quay đầu muốn chui vào vòng tay làm tôi phát ngán. Và lòng tự trọng của một cô gái không cho phép tôi bị đau hai lần bởi một con dao, tôi quyết định làm mẻ nó trước và rời xa.
Nhưng hắn lại dạy tôi thứ khác, làm mẻ gã thì tôi cũng đau chút ít, chi bằng làm mình cứng lên để gã không dám chạm vào, huống chi tôi đẹp mà hoa hồng thì luôn có gai…
Tôi ở nhà ngoại chơi không một tháng, không biết được nhờ vả hay tự nguyện hắn hay sang nhà kéo tôi đi khắp xóm, cái xóm nhỏ được bọc bởi núi, sông và khu nghĩa địa, phải thú nhận rằng nơi này đẹp cực kì, không một chút ô nhiễm, nếu có chắc là đám trấn lột nơi nghĩa địa mà một lần làm hắn bị thương vì cứu người. Tôi thảnh thơi quên điện thoại, quên face, được ngoại chăm thể xác, hắn chăm tinh thần, tôi khỏe lên trông thấy.
Bởi vì đang là mùa hè, cây nhãn không rõ ai trồng giữa cổng nhà ngoại và nhà hắn ra chi chít quả, bà ngoại và cô Năm nói năm nay nhãn vui, tôi ngạc nhiên khi hắn tủm tỉm cười…
Tôi từng hỏi hắn:
- Anh thích tóc dài sao?
- Thế em thích đầu tóc ngắn của mình sao?
Tôi lắc đầu, giải thích của tôi với ngoại chỉ là ngụy biện.
- Chúng ta giống nhau thật.
Hắn cười rộ lên thật hiền và thật đẹp, con trai ít khi cười, cười rộ lên rất dễ làm tim con gái run rẩy. Tôi dời tầm mắt qua bức tranh hắn đang vẽ trên giá, rõ ràng cây nhãn trước mặt chi chít quả nhưng thứ hắn vẽ là một cây nhãn cao ngang đầu người, dưới tán cây có hai đứa bé một trai một gái đang chụm đầu vào nhau chôn thứ gì đó nơi gốc cây, bé gái cười hồn nhiên trong khi bé trai nhìn bé gai bằng đôi mắt thật ấm áp. Tim tôi đã run giờ lại được dịp đập nhanh hơn, tôi không hiểu những nét vẽ bằng chì đang hiện diện kia có ý nghĩa gì nhưng tôi thấy vô cùng quen thuộc và quan trọng với hắn. Hắn gập giá vẽ, xoa đầu tôi.
- Thời thơ ấu của anh.
Lúc này hắn cười thật buồn, bé gái trong tranh rốt cuộc là ai vậy chứ, không hiểu sao tôi vừa muốn phát cáu vừa muốn khóc.
Hết mùa nhãn, hắn tôi tiễn tôi quay lại thành phố làm cô gái mạnh mẽ, tôi khoác ba lô hứa với mọi người đến Tết sẽ quay lại, hắn ôm tôi thật chặt và cười thật hiền. Tôi đưa tay vẫy và quay đi thật nhanh để ngăn sự nghẹn ngào trong lồng ngực, tóc tôi đã dài thêm mà tôi không hề hay biết. Hình như tôi là một cô gái vô tâm.
Thời gian đầu lúc mới về thành phố, tôi thấy nhớ mọi người da diết nên thường xuyên liên lạc, rồi liên lạc thưa dần, tôi vô tâm bị kéo đi thật xa, quên luôn lời hứa trở về lúc Tết, và phải đến Tết của ba năm sau tôi mới trở về.
Bà ngoại, cô Năm, mọi thứ vẹn nguyên, chỉ thiếu hắn, cây nhãn to giữa hai nhà giờ thay bằng cây hơn đầu người. Bà ngoại nhìn tôi thở dài, cô Năm ôm tôi mếu máo.
- Con hứa Tết về, rồi bẵng tin, nó chờ con nguyên Tết, cây nhãn có lẽ lạnh quá dần rụng lá và chết đi, nó thay ngay bằng cây mới, lúc trồng chỉ bằng gang tay…
Tôi cúi đầu hối lỗi, nghỉ Tết 2 tuần tôi chỉ loanh quanh cạnh ngoại và cô, ngoại già rồi đang yếu dần lại không bao giờ để ba mẹ tôi đón lên thành phố. Tôi thay hắn chăm cây, đây ắt hẳn là thứ quan trọng với hắn lắm, trớ trêu là nhìn cây nhớ hắn, nhớ da diết, nhớ đến thắt lòng, tôi tự hỏi với chính mình có phải lại để vuột đi thứ gì.
Thật khó để phủ nhận tình cảm đang nhen nhóm trong tôi đã bùng lên mạnh mẽ.
Ba năm nay, nhớ lời hắn, tôi mạnh mẽ để sống, mạnh mẽ đến mức quên đi rất nhiều điều, đến suýt nữa quên mình cũng cần một bến đổ.
Tôi về rồi tôi lại đi, về thường xuyên hơn, cây nhãn hắn trồng đã lớn nhanh vươn qua khỏi mái nhà ba gian của ngoại và cô. Tôi giờ đã thành gái ế, hình như là tôi chờ hắn trở về…
Cô Năm bệnh, bà ngoại và gia đình giục lấy chồng, tôi nghỉ làm về chăm sóc cô. Lúc dọn nhà vô tình tìm thấy giá vẽ năm xưa trong phòng hắn, bỏ qua bức thứ nhất đã biết, bức thứ hai là bé trai tiễn bé gái, khuôn mặt bé gái chẳng khác gì tấm hình tôi và hắn chụp chung lúc nhỏ, là tôi sao?
Tôi ôm đầu chạy nhanh ra gốc nhãn, nước mắt cứ rơi, đã 5 năm từ ngày gặp hắn, khoảnh đất dưới gốc cây được tôi tay không đào bới, rốt cuộc thì tôi cho qua gì chứ, chỉ vì một lần bị tổn thương mà tôi để mất cơ hội được yêu, liệu tôi có còn cơ hội. Nước mưa quyện cùng nước mắt, mái tóc dài của tôi bị ai đó kéo ra, cánh tay bị giữ chặt, cứng đờ, tôi điên cuồng giãy ra, nấc không thành tiếng, mưa Tết thấm vào người ướt mẹp, lạnh lẽo, tôi tỉnh táo quay đầu, hắn đứng cạnh, nước mưa thấm ướt người, đầu tóc ngắn rũ xuống che đi đôi mắt, khóe miệng lạnh lùng. Tôi lao vào người hắn, nước mắt vẫn cứ rơi:
- Em xin lỗi, xin lỗi anh.