Tây du @ ký - Tây Thiên nào có xa.

Cách đây khoảng bốn năm, một người bạn rất mê sách đã giới thiệu với tôi quyển sách “Tam Quốc @ diễn nghĩa” hay “Tam @ quốc” của tác giả Thành Quân Ức. Bạn tôi nói đây là quyển sách về kinh doanh thú vị mà bạn rất thích. Tôi nghe xong liền gạt phắt:

“Thôi đi, tao không học kinh tế như mày, đọc sách kinh doanh thì có hiểu gì đâu mà hay với không hay”.

Bạn tôi không bỏ cuộc, đề nghị tôi đọc thử vì bạn nói quyển sách hay như vậy mà ít người đọc thì thật tiếc.

Tôi lắc đầu, thở dài vì sự hào hứng và có phần cưỡng ép của bạn nhưng rồi cũng đọc thử “Tam quốc @ diễn nghĩa”.

Một hai trang, rồi lại một hai trang, rồi đọc một mạch hết cả cuốn sách.

“Hay quá” – Tôi không khỏi thốt lên.

Thế là từ đó, Thành Quân Ức là một trong những tác giả mà tôi yêu thích.

Khi đọc phần giới thiệu về tác giả này, tôi được biết ngoài cuốn “Tam quốc @ diễn nghĩa”, tác giả còn có cuốn “Tôn Ngộ Không là nhân viên tốt”. Nhìn thấy cái tựa sách thôi là tôi đã có hứng thú muốn tìm đọc rồi vì vốn dĩ Tôn Ngộ Không là nhân vật thần thoại mà tôi thích nhất trong bộ phim Tây Du Ký, nhưng mà lúc ấy quyển này chưa xuất bản tại Việt Nam.

Mãi đến năm 2011, tôi mới được cầm trong tay quyển “Tôn Ngộ Không là nhân viên tốt” bản tiếng Việt có tựa là “Tây du @ ký”.

Nếu “Tam quốc @ diễn nghĩa” là một quyển “giáo trình” về kinh doanh với văn phong vô cùng hài hước, sống động và gần gũi thực tế thì “Tây du @ ký” lại là một quyển “giáo trình” khác của Thành Quân Ức về kỹ năng lãnh đạo và quản trị nguồn nhân lực vô cùng phong phú về mặt nội dung thông qua câu chuyện về bốn thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh chân Kinh.

Cách đây gần 20 năm khi mà bộ phim Tây Du Ký của đạo diễn Dương Khiết được chiếu lần đầu tiên tại Việt Nam đã tạo ra một làn sóng hâm mộ vô cùng lớn không chỉ đối với thiếu nhi mà còn với người lớn.

Tôi còn nhớ hồi đó, sau mỗi bữa cơm tối, gia đình tôi đều tập trung tại màn hình ti vi 14 inch cũ kỹ để chờ coi từng tập phim Tây Du Ký được phát sóng trên truyền hình. Mỗi khi tiếng nhạc vui tai của bài hát chủ đề trong phim được phát ra cùng với hình ảnh hòn đá nổ tung rồi một chú khỉ từ đó bay lên không trung, lộn nhào vài vòng rồi đáp xuống đất, chạy tung tăng là lũ con nít chúng tôi lại reo hò ầm ĩ, mắt sáng long lanh.

Rồi khi bài hát cuối phim vang lên với hình ảnh bốn thầy trò Đường Tăng băng qua núi cao, biển rộng, vượt sa mạc hoang vu, đối mặt Hỏa Diệm Sơn hừng hực là tôi lại tiếc vì phim sao mau hết đến thế và lại phải chờ đến ngày hôm sau mới được coi tiếp.

Tôi chưa bao giờ thấy một bộ phim nào mà hầu như mùa hè nào cũng được các đài truyền hình sắp lịch chiếu đi chiếu lại trên ti vi để phục vụ các em thiếu nhi. Và cũng chưa có bộ phim nào dù chiếu lại nhiều lần vẫn thu hút được nhiều người xem đến vậy như Tây Du Ký.

Phim Tây Du Ký được xây dựng dựa trên tác phẩm văn học Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân. Tác phẩm này cùng với Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Thủy Hử của Thi Nại Am (La Quán Trung hiệu đính), Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần được xếp vào hàng tứ đại danh tác nổi tiếng nhất của văn học Trung Quốc.

Nói thật là bản thân tôi đã xem phim Tây Du Ký nhiều lần nhưng chưa bao giờ đọc tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.

Chính vì vậy mà khi tôi nhìn thấy “Tây du @ ký” của Thành Quân Ức là tôi không chút do dự, đọc ngay lập tức.

“Cuốn sách này thử sử dụng một phương thức đọc hiểu mới để nghiên cứu về tác phẩm văn học trứ danh Tây Du Ký. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, tại sao cùng là một Tôn Ngô Không, trước kia đại náo thiên cung, muốn thay đổi mạnh mẽ thế giới này thế kia mà kết quả lại gặp thất bại thảm hại, bị áp chế dưới Ngũ hành Sơn 500 năm và bị áp chế trên đường đi lấy Kinh muôn ngàn gian khổ.”

Bằng những kiến thức về quản trị học nói chung và quản trị nguồn nhân lực nói riêng, tác giả đã có những phân tích và cái nhìn rất riêng về hành trình nghìn dặm đi thỉnh chân Kinh của thầy trò Đường Tăng rồi thông qua đó, chỉ ra những nét tính cách của từng cá nhân trong đoàn đi thỉnh Kinh, vạch ra những bài học và phương pháp xử lý tình huống cụ thể.

Và đây chính là điều lý thú của “Tây du @ ký” đã thu hút tôi từ đầu đến cuối.

Với tôi, “Tây du @ ký” như một quyển giáo trình chứa đựng trong đó rất nhiều kiến thức về quản trị học và kỹ năng lãnh đạo. Ngoài ra, trong sách còn trình bày khá nhiều các điển tích và triết lý Phật giáo thông qua những câu chuyện về thầy trò Đường Tăng. Tuy nhiên, quyển sách này lại không phải là quyển sách dành riêng cho bất cứ đối tượng nào mà dành chung cho tất cả mọi người dù học hay không học chuyên về quản trị, kinh tế.

Tôi nghĩ là mỗi người sẽ có những đánh giá riêng và bị thu hút bởi những phần kiến thức khác nhau được trình bày trong quyển sách tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích tìm hiểu của bản thân.

20140106_122943.jpg


Nếu bạn nghe được một thông tin như thế này, bạn có cảm thấy thú vị không?

Tôn Ngộ Không là người ngoài hành tinh.

Không biết các bạn thì sao nhưng tôi thì vô cùng thú vị với điều này đấy.

Trong tập đầu tiên của bộ phim truyền hình Tây Du Ký, chúng ta thấy hình ảnh một hòn đá nổ tung rồi Tôn Ngộ Không xuất hiện. Như vậy, hầu hết chúng ta đều biết Tôn Ngộ Không được sinh ra từ một hòn đá tiên. Thế nhưng, hòn đá ấy từ đâu mà có, nó ở đâu và vì sao trong hòn đá lại có một con khỉ thì hầu như không ai biết. Thân thế của Tôn Ngộ Không vẫn luôn là một câu hỏi khiến mọi người khó lý giải và tò mò.

Vì vậy mà ngay từ những trang đầu tiên của “Tây du @ ký”, tác giả đã đi vào tìm câu trả lời cho câu hỏi về xuất thân của Tôn Ngộ Không.

“Theo lời bàn trong sách thì Tôn Ngộ Không là người ở Hoa Quả Sơn thuộc nước Ngao Lai ở Đông Thắng Thần Châu. Thế nhưng, Đông Thắng Thần Châu nằm ở đâu?

Phật Giáo cho rằng, trái đất là một quả cầu hình tròn dẹt, vận hành trong hư không. Trong đó, trên bề mặt các vì sao xoay quanh trái đất đều có các sinh mệnh tồn tại, đó được gọi là Tứ đại bộ châu, bao gồm: Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hạ Châu và Bắc Câu Lô Châu.

Nam Thiệm Bộ Châu tức là địa cầu mà chúng ta đang ở. Trong ba nơi còn lại có sinh mệnh tồn tại thì loài người ở Đông Thắng Thần Châu và Tây Ngưu Hạ Châu có tuổi thọ gấp 2,5 lần tuổi thọ của con người trên địa cầu chúng ta; còn thọ mệnh của con người ở Bắc Câu Lô Châu thì gấp mười lần tuổi thọ chúng ta.

… Tuy nhiên, cho đến nay, con người trên địa cầu của chúng ta vẫn chưa tìm ra được hình tích của ba nơi còn lại mà có con người sinh sống nhưng trương truyền có một vị cao tăng là Mục Kiền Liên có thể bay khắp Tứ đại bộ châu trong một ngày đêm.

Dựa theo truyền thuyết đó thì Tôn Ngộ Không phải là người ngoài hành tinh.”

Và người ngoài hành tinh này lại là một người không có đạo đức nghề nghiệp, là một quản lý ăn cắp và buông thả, làm càn.

Tôi chắc chắn một điều rằng với những ai là “fan” hâm mộ nhân vật thần thoại kinh điển này, khi nghe được những nhận xét trên sẽ rất sốc. Ngay cả bản thân tôi khi đọc những điều này trong “Tây du @ ký” cũng cảm thấy sốc và khó chịu bởi lẽ trong tâm trí tôi, Tôn Ngộ Không là một nhân vật hoàn mỹ, thần thông quảng đại với 72 phép biến hóa, một cú cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không có thể đi xa tới 10 vạn 8000 dặm, trong tay của Tôn Ngộ Không là cây gậy Như Ý không binh khí nào có thể đỡ nổi, không yêu ma nào mà không khiếp sợ Tôn Ngộ Không và cũng không có vấn đề nào mà Tôn Ngộ Không không giải quyết được.

Thế nhưng, dưới góc nhìn của một nhà quản lý học cùng với những lý luận của quản trị học hiện đại, tác giả đã có những phân tích để khẳng định điều ấy.

Chắc hẳn ai cũng nhớ, sau khi vượt biển tìm thầy học đạo, Tôn Ngộ Không đã được Bồ Đề Tổ Sư thu nhận làm đệ tử và truyền dạy phép thuật. Sau đó, vì khoe khoang tài năng trước chúng bạn đồng môn mà Tôn Ngộ Không đã bị thầy đuổi đi, trở về Thủy Liêm động trên đỉnh núi Hoa Quả tiếp tục làm một Mỹ Hầu Vương. Và cũng kể từ đó, Tôn Ngộ Không đại náo Long cung thủy vực, đoạt lấy “cột chống thiên” để làm binh khí rồi xuống Âm tào địa phủ xóa tất cả sổ sinh tử của loài khỉ để được trường sinh bất lão.

Để dẹp yên con hầu tinh này, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã gọi y lên thiên đình và trao cho y chức quan Bật Mã Ôn. Nếu là thời nay thì Tôn Ngộ Không rõ ràng là một nhân viên công vụ làm việc tại một cơ quan nhà nước. Nhưng chỉ sau 15 ngày, khi đang còn trong giai đoạn hai tháng thử việc theo quy định của luật lao động, Tôn Ngộ Không đã tự ý rời bỏ nhiệm sở mà không hề thông báo với cấp trên, cũng chẳng bàn giao công việc cho người khác. Xét về đạo đức nghề nghiệp, rõ ràng Tôn Ngộ Không đã vi phạm điều này.

Rồi khi quay lại thiên đình lần thứ hai, được giao canh giữ vườn Bàn đào, Tôn Ngộ Không lại tiếp tục lợi dụng chức vụ quyền hạn trộm hết tất cả những quả đào ngon tại vườn đào, trộm linh đan của Thái Thượng Lão Quân tại cung Đâu Suất và đỉnh điểm là náo loạn cả thiên đình đòi giành “ghế” của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Cuối cùng, con hầu tinh thích ngang tàng, khoe khoang, rời bỏ đại đạo ấy đã bị giam dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm.

Thế đấy, một con khỉ đá sinh ra từ hòn đá tiên hấp thụ linh khí của trời đất đã từng là một yêu quái lợi hại và đáng sợ vô cùng cho đến khi thành tâm hướng Phật, một lòng phò tá sư phụ vượt ngàn dặm sang Tây Thiên thỉnh Kinh.

Và câu chuyện về Tây Du Ký cũng bắt đầu từ đó.

Quả thật là tôi hoàn toàn bị thuyết phục vì những lý lẽ và nhận xét của tác giả về Tôn Ngộ Không mà tôi đã nêu ở trên.


Không biết các bạn có biết không, trên trang facebook cách đây vài tháng lan truyền một ứng dụng có tên là “Bạn là nhân vật nào trong Tây Du Ký”. Theo đó, bạn truy cập vào ứng dụng, nhấn “Like” rồi ứng dụng sẽ tự động cho ra một kết quả ngẫu nhiên. Và dĩ nhiên, kết quả sẽ kèm theo những lời chú thích vui vui khiến bạn hài lòng. Tôi cũng đã thử chơi ứng dụng này và kết quả của tôi là nhân vật Sa Tăng trong “Tây Du Ký”.

Khi tôi đọc “Tây du @ ký”, tôi cũng tham gia một bài trắc nghiệm nhỏ mà tác giả đã nêu ra trong sách.

“Giả sử bạn có cơ hội để đảm nhận một vai diễn trong Tây Du Ký, vậy thì bạn sẽ lựa chọn vai diễn nào? Đường Tăng có bộ óc triết học, Tôn Ngộ Không có khả năng hành động, Trư Bát Giới hài hước, đáng yêu, Sa Tăng hiền hòa, điềm đạm.”

Dĩ nhiên là tôi chọn đóng vai Tôn Ngộ Không rồi vì tôi thích nhân vật này nhất khi xem phim mà.

Và đây là kết quả của bài trắc nghiệm trên.

“Nếu bạn chọn Đường Tăng thì chứng tỏ rằng bạn muốn tìm tòi khám phá ý nghĩa của nhân sinh. Nếu bạn lựa chọn Tôn Ngộ Không thì chứng tỏ bạn xem trọng kết quả thực tế. Nếu bạn lựa chọn Trư Bát Giới thì chứng tỏ bạn thích hưởng thụ vui vẻ. Nếu bạn chọn Sa Tăng thì chứng tỏ bạn là triết học nhân sinh, quan sát sự biển đổi trong tâm thái điềm tĩnh để tránh xung đột và gây dựng quan hệ tốt với mọi người, vừa có thể ung dung lấy cái bất biến để ứng phó với cái vạn biến.”

Tuy nhiên, “như vậy không hoàn toàn chứng tỏ bạn có thể diễn tốt bất kỳ vai diễn nào trong cuộc sống của mình. Bởi vì trong bốn loại tính cách cơ bản này, sẽ có một loại tính cách cơ bản giữ vai trò chủ đạo.”

Thật ra thì bài trắc nghiệm này cũng tương tự ứng dụng facebook mà tôi vừa nói ở trên chỉ khác ở chỗ, bài trắc nghiệm này được xây dựng dựa trên những nghiên cứu khoa học về tính cách và hành vi con người còn ứng dụng kia chỉ là một trò chơi thư giãn với kết quả ngẫu nhiên. Nhưng nói như vậy không có nghĩa ứng dụng đó là một trò chơi vô bổ. Ở một khía cạnh nào đó, nó cũng khiến tôi phải suy nghĩ rốt cuộc mình là người như thế nào.

Khi tôi nhận được kết quả tôi tương ứng với nhân vật Sa Tăng trong Tây Du Ký, tôi đã tự hỏi có thật bản thân là người ôn hòa, điềm tĩnh đến thế không?

Trong bốn loại hình tính cách của bốn thầy trò Đường Tăng, tôi thích nhất là tính cách của Tôn Ngộ Không nhưng lại có ấn tượng sâu sắc với tính cách của Trư Bát Giới bởi lẽ “Trong Tây Du Ký, những nét tính cách điển hình của Trư Bát Giới được khắc họa là: háu ăn, tham sắc, tham tài. Đã thế hắn còn ham ngủ cho dù tình hình gấp gáp như thế nào thì hắn cũng đều tìm cách để ngủ, chỉ cần đặt lưng xuống là hắn sẽ ngáy như sấm cho dù đó là giường, đá, cỏ hay cành cây. Xét từ góc độ giới tính thì Trư Bát Giới là hình tượng tiêu biểu cho tất cả những nhược điểm thế tục của đàn ông.”

Tôi không phải vì muốn “khác người” mà nói bản thân ấn tượng với nhân vật Trư Bát Giới cùng những nét khắc họa tính cách như trên. Tôi ấn tượng với nhân vật này bởi lẽ đây là nhân vật mà tôi cho rằng có những nét tính cách “đời” nhất, “thật” nhất và phổ biến nhất mà tôi từng thấy trong cuộc sống so với tính cách của các nhân vật còn lại.

Còn nhớ, khi coi phim “Tây Du Ký”, tôi vô cùng khó chịu và rất ghét hai nhân vật Thanh Phong – Minh Nguyệt, đệ tử của Trấn Nguyên Tử tại Ngũ Trang Quán, Vạn Thọ Sơn, nơi có cây nhân sâm hình hài nhi đã dọa Đường Tăng một phen khiếp vía.

Bản thân tôi khi coi đến tập phim đó cũng thấy sợ sợ quả nhân sâm 3000 năm mới nở hoa, 3000 năm mới kết quả rồi lại 3000 năm nữa mới chín đó. Khi coi tập phim này, tôi tự hỏi tại sao quả nhân sâm lại có hình dạng giống đứa trẻ mới sinh mà không phải là một hình dạng nào khác? Tác giả Ngô Thừa Ân và đạo diễn Dương Khiết có ẩn ý gì thông qua hình ảnh quả nhân sâm hình dạng hài nhi này?

Và tôi đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi của mình trong “Tây du @ ký”.

“Sâm (cãn) trong quả nhân sâm cũng chính là tam (sãn) trong ‘tam nhân hành, tất hữu ngã sư’ (vài người cùng đi ắt có người làm thầy của ta). Vài người thành nhóm, chính vì vậy, hàm nghĩa đúng của nhân sâm là một khái niệm xã hội học chứ không phải là một loại lê có vị ngon hay một loại rễ củ của loại cây leo. Nói một cách đơn giản thì nhân sâm tượng trưng cho tình hữu nghị hay là một loại quan hệ xã hội giúp mọi người làm điều tốt.

… Sở dĩ quả nhân sâm có hình dạng giống đứa trẻ mới sinh là nói tình hữu nghị chân chính mãi mãi giống như một đứa trẻ thuần chân. Còn sở dĩ nó gặp kim mà rụng, gặp mộc mà khô, gặp thủy mà hóa, gặp hỏa mà cháy, gặp thổ mà nhập là ý nói tình hữu nghị dễ bị tổn hại bởi vật dục nên phải hết sức che chở.

… và bởi nó quý hiếm như thế nên chẳng phải tình hữu nghị đáng quý biết bao hay sao?”

Thế là tôi lại biết thêm ý nghĩa biểu trưng của quả nhân sâm và càng thêm quý trọng tình hữu nghị trong mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, người thân vì nó đáng quý biết bao.

Một trong những nhân vật gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi trong Tây Du Ký có lẽ là nhân vật Hồng Hài Nhi – một đứa oắt con, một tiểu yêu tinh với vũ khí là cây kích bén nhọn và ngọn lửa tam muội vô cùng lợi hại.

Và khi tôi đọc “Tây du @ ký”, tác giả đã phân tích cho tôi thấy hình tượng nhân vật Hồng Hài Nhi là một hình tượng ẩn dụ hết sức phổ biến trong tính cách con người: sự giận dữ.

“Từ rất xa xưa, mọi người đã nhận thức được nóng giận có một sức mạnh mang tính hủy diệt, nó không chỉ phá hoại khả năng suy xét lý tính mà còn khiến cho các mối quan hệ của bạn bị tổn hại”

Ai cũng biết điều này nhưng không phải ai cũng biết cách khắc chế sự nóng giận trong tính cách của mình.

Tưởng rằng ngọn lửa tam muội càng thổi càng cháy, càng phun nước càng dữ dội của Hồng Hài Nhi là thứ không thể dập tắt nhưng thật ra mọi việc trên đời hầu như đều có cách giải quyết của nó. Ngọn lửa tam muội hừng hực của Hồng Hài Nhi cuối cùng cũng bị khắc chế bởi nước Cam Lộ trong bình Tịnh Thủy của Quan Âm Bồ Tát.

Có một chi tiết rất thú vị mà không biết mọi người xem phim có để ý không. Quan Âm Bồ Tát có tất cả ba vòng kim cô, một đội trên đầu của Tôn Ngộ Không, một đội trên đầu của con gấu đen trên núi Hắc Phong và một đội trên đầu Hồng Hài Nhi. Nhưng đối với Hồng Hài Nhi, vòng kim cô ngoài đội trên đầu còn siết chặt cả hai tay và hai chân của tên tiểu yêu này.

Lúc xem phim, tôi đã không để ý chi tiết này, cũng chẳng hỏi vì sao nhưng khi đọc “Tây du @ ký”, tôi mới biết được ý nghĩa đích thực của việc này.

“… Vì con người trong lúc tức giận, ngoài việc vung lời mắng chửi bừa bãi còn gây ra một số hành vi thô lỗ ví dụ như đánh nhau, phá hoại đồ vật thậm chí là tự hại bản thân mình. Một người bản chất rất tốt nhưng dưới sự sai khiến của cơn thịnh nộ có thể thực hiện bất cứ hành vi bạo lực nào.”

Do đó mà vòng kim cô của Hồng Hài Nhi lại đặc biệt đến thế.

Rất thú vị đúng không?

Trong một lần nói chuyện với nhau về Tây Du Ký sau khi xem xong bộ phim truyền hình Tây Du Ký phiên bản năm 2011 do Trương Kỷ Trung làm nhà chế tác, cùng với các diễn viên chính là Nhiếp Viễn trong vai Đường Tăng, Ngô Việt vai Tôn Ngộ Không, Tang Kim Sinh vai Trư Bát Giới và Từ Cẩm Giang vai Sa Tăng, một người bạn của tôi phát biểu quan điểm như sau:

Đường Tăng có ba đệ tử thần thông quảng đại là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng nhưng tại sao ông ấy không yêu cầu ba đệ tử của mình dùng phép thuật giúp ông bay vèo tới Tây Thiên thỉnh Kinh luôn cho khỏe. Cớ gì mà ông ấy phải lặn lội vượt núi cao, biển sâu, băng qua sa mạc hoang vu, gặp bao khổ nạn suốt 14 năm mới tới được đất Phật?

Thật ra, câu hỏi này không phải chỉ của riêng bạn tôi mà còn là của tôi và của rất nhiều người nữa.

Nhiều người nói “nếu mà bay vèo một cái” là tới đất Phật thì còn gì là thành ý để thỉnh được chân Kinh. Tôi thấy đúng đấy chứ và tôi đồng ý với ý kiến này nhưng để hiểu rõ ràng và có logic vì sao lại như vậy thì chỉ đến khi đọc “Tây Du @ ký” tôi mới biết.

Để thỉnh được chân Kinh “ngoài việc lựa chọn người thích hợp thì còn cần hai điều kiện. Thứ nhất, bản thân người đi lấy Kinh phải trải qua quá trình đi lấy Kinh. Thứ hai phải liên tục suy nghĩa trong quá trình đi lấy Kinh. Từ ý nghĩa này thấy rằng Đường Tăng không còn con đường nào ngắn hơn, những người khác cũng không thể thay ông lấy chân Kinh về được. Giống như bạn có thể thông qua việc đọc sách và giao tiếp để tiếp nhận tri thức nhưng nếu như bản thân bạn không tự mình thẩm thấu những tri thức đó thì bạn không thể cảm ngộ được.

Cái gọi là Tây Thiên thực ra chính là Tây Thiên trong tâm hồn của chúng ta mà thôi, mà chân Kinh cũng là cái đã được cất giấu ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta.”

Ừ nhỉ? Tây Thiên nào có xa nhưng để đến được Tây Thiên nào có dễ.

Thầy trò Đường Tăng phải trải qua 81 kiếp nạn mới đến được Tây Thiên thỉnh chân Kinh, còn bản thân mỗi chúng ta để đến được Tây Thiên trong tâm hồn mình, tôi cho rằng bản thân mỗi người cũng phải biết vượt qua những khó khăn. Quá trình chiến thắng khó khăn là quá trình chiến thắng bản thân. Quá trình chiến thắng bản thân cũng là quá trình cuộc sống trưởng thành. Và quan trọng nhất trên con đường đi đến Tây Thiên ấy là mỗi người cần phải có mục tiêu cho riêng mình.

“Đối với những người không có mục tiêu, cái gọi là cuộc đời chẳng qua chỉ là năm tháng qua đi và nỗi bi thương còn lại sau này khi mái đầu đã bạc. Thế nhưng, nếu chúng ta tự đặt ra một mục tiêu và luôn tiến về phía trước thì cuộc sống của chúng ta cũng sẽ mở ra một trang mới.”

Đọc những dòng này khiến tôi nhớ đến ước mơ và hành trình thực hiện ước mơ của cô gà mái Mầm Lá trong tác phẩm “Cô gà mái xổng chuồng” của tác giả Hwang Sun-Mi quá đỗi. Hình ảnh Mầm Lá bỗng thấy mình nhẹ bẫng rồi bay qua những cánh đồng, qua khu đầm lầy đến vườn nhà thấy cây hoa mimosa trụi lá trong khung cảnh tuyết rơi lất phất khiến tôi vô cùng cảm động.

Trong suốt cuộc đời của Mầm Lá, cô luôn đấu tranh để vượt qua khó khăn và mỗi lần vượt qua khó khăn cô lại trưởng thành hơn. Rồi khi những mục tiêu đều đã đạt được, cô đã "bay" lên không trung với nụ cười nhẹ nhàng và thanh thản. Điều ấy há chẳng phải Mầm Lá đã đến được với Tây Thiên của riêng mình rồi sao?

Tôi chắc là tất cả mọi người đều hài lòng với kết thúc của Tây Du Ký khi mà cả bốn thầy trò Đường Tăng sau bao gian khổ đi từ Đông thổ Đại Đường đến Tây Thiên đã thỉnh được 5048 quyển Kinh.

Đồng thời cả bốn thầy trò đều được Phật Như Lai trao Phật hiệu: Đường Tăng được phong là Chiên Đàn Công Đức Phật, Tôn Ngộ Không được phong là Đấu Chiến Thắng Phật, Trư Bát Giới được phong là Tịch Đàn Sứ Giả, Sa Tăng được phong là Kim Thân La Hán.

Khi xem xong cảnh trao Phật hiệu tại Phù Liên Hoa ở Tây Thiên, tôi thấy vui sướng vô cùng với kết thúc mỹ mãn đó và chưa bao giờ hỏi tại sao cả bốn thầy trò đều vượt qua khổ nạn như nhau trong suốt 14 năm nhưng Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đều có thể thành Phật còn Trư Bát Giới và Sa Tăng lại chỉ là Sứ Giả và La Hán cho đến khi tôi đọc “Tây du @ ký”.

Còn bạn, có bao giờ bạn tự hỏi điều này chưa? Nếu chưa tại sao bạn không thử hỏi tại sao và tìm câu trả lời trong Tây du @ ký nhé.

Sẽ thú vị lắm đấy.

Lam Diệp - theo Diễn Đàn Gác Sách.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay