005 - Phần một - IV

IV

Bạch Hạc!

Từ ba con sông hợp lại: Sông Đà - Sông Hồng - Sông Lô.

Gọi là ngã Ba Hạc!

Nước xanh đậm sông Đà và nước đỏ phù sa sông Hồng hợp lại gặp con nước xanh trong của sông Lô xuôi về. Ôi, một ngã Ba, hai ngã Ba của mấy con sông! Hỡi sông Đà, dòng chảy cực nhọc lách qua bao hẻm núi, vực sâu và thác ghềnh dữ dội để rồi mở rộng ra đón lộng gió trời với đôi bờ đỏ rực màu hoa chuối, hoa bông trang, trắng muốt hoa ban và tím ngát hoa sim.

Hỡi con sông Lô với thượng nguồn sông Gâm, sông Chảy xanh um núi rừng cổ thụ, tre nứa ngút ngàn, như cánh quạt xòe ra chưa kịp khép lại thuở hoang sơ của những nguồn nước ân tình. Nước sông biếc xanh như dải lụa muôn đời của những cô gái giỏi nghề tầm tang dệt hoài không mệt mỏi, truyền đời cho bao thế hệ con người.

Và đây sông Hồng, sông Cái - sông mẹ của những dòng sông đất Việt, dù xa xôi vạn dặm phương trời cũng bào đá xẻ núi tìm về với quê hương đất tổ, đón những chi lưu như mẹ đón con, cùng hợp lại ở một ngã ba sông, ngã Ba Hạc.

Ba dòng nước đỏ lựng phù sa, mở hội cho cảnh thiên nhiên đôi bờ với màu xanh của ruộng lúa nương dâu, với ngàn hoa phô sắc tỏa hương và những mùa cây trĩu quả. Và con người, con người từ buổi hoang sơ đã tụ về đây như ân tình được thiên nhiên ban cho, khai khẩn đất màu thành những dải ruộng mà người dân tự hào gọi là ruộng Hùng (ruộng Lạc).

Đất xưa Phong Châu thuở vua Hùng của đất nước Văn Lang, với mười lăm bộ. Vua Hùng! Từ Lộc Tục, hiệu Kinh Dương Vương và con nối ngôi là Lạc Long Quân, hiệu Sùng Lãm. Con Rồng, cháu Tiên, từ đây sẽ chia năm mươi người con lên núi và năm mươi người con xuống biển. Người mẹ Âu Cơ đã đẻ ra trăm trứng…

Nhưng đất Phong Châu (17) là đất cũ, đất gốc của dòng dõi Vua Hùng.

(17) Phong Châu: Vùng đất nằm giữa sông Lô và sông Hồng, gồm từ ngã ba Bạch Hạc tới các vùng đất quanh núi Nghĩa Lĩnh và thị trấn Việt Trì, một phần thuộc các huyện Lâm Thao và Phù Ninh, nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú.

Còn Ngàn Hống - Rào Rum (18)? Ngàn Hống hùng vĩ có chín mươi chín ngọn núi cao chập chùng dường như chạy song song theo Rào Rum trấn ra tận cửa biển Hội Thống. Đó là vùng đất cổ từ thuở hoang sơ với những người khổng lồ, những ông Đùng, ông Bưng dời non lấp biển và những cô tiên đẹp hơn tất cả những người đẹp trên đời. Đẹp người tốt nết, hay lam hay làm…

(18) Ngàn Hống - Rào Rum: thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh. Ngàn Hống, tên cổ tức dãy Hồng Lĩnh hay Hồng Sơn, Rào Rum tên cổ của sông Lam ngày nay. Hiện còn một đoạn sông vẫn giữ tên Rào Rum. Hiện nay một đoạn sông từ sau rú Quyết lên gần chợ Tràng còn gọi Rào Rum. Tiếng Rào (sông) nhiều địa phương Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên (nhất là Quảng Bình) hiện nay vẫn dùng. Sông Lam còn có tên chữ là Lam Giang. Thanh Giang hay Thanh Long. Trong “Lĩnh Nam Chích quái” và các sách khác ghi chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy kể thần Kim Quy tự xưng là sứ Thanh Giang, có thể là sông Lam (Rào Rum).

Vậy đất xưa từ đó, từ Ngàn Hống - Rào Rum và những ông Khổng lồ từ thuở khai thiên lập địa kia đến đời Lộc Tục, tức vua Dương Vương, quen gọi là Kinh Dương Vương xa lắc xa lơ. Vợ Kinh Dương Vương không phải là một nàng tiên trên trời, mà là Long Nữ, con gái Long Vương, một nàng tiên dưới nước - nàng tiên cá Long Nữ ở với vua cha và vùng sóng nước mênh mông ngoài biển Đông trải rộng ra mãi đại dương ngàn trùng mờ mịt.

Nàng tiên cá Long Nữ sinh con là Sùng Lãm trên vùng đất Ngàn Hống - Rào Rum có nhiều chim Lạc lông trắng như tuyết, mỏ đỏ như son, chân vàng như nghệ. Con theo họ mẹ nên xưng hiệu là Long Quân, sống vùng đất Ngàn Hống - Rào Rum bộ tộc Lạc Việt nên gọi là Lạc Long Quân.

Mẹ sinh ra con, con khôn lớn, thành người trai dũng mãnh, bèn gửi con cho đất Ngàn Hống - Rào Rum có chín mươi chín ngọn núi cao vút mà trở về với biển rộng.

Chàng trai Lạc Long Quân là một thủ lĩnh hùng mạnh, sức khỏe muôn người khó địch nổi, có tài đi trên bộ thì phá rừng xẻ núi, đi dưới nước thì rạch biển đào sông. Chàng có nhiều kỳ tích anh hùng không kém gì các ông Khổng lồ thuở khai sơn phá thạch ở vùng đất hoang sơ, giúp dân có cuộc sống yên lành bên ruộng lúa nương dâu, trên bờ sông bãi biển. Trong những kỳ tích đó, truyền lại cho con cháu về sau là việc chàng đã diệt Ngư tinh hung dữ ngoài biển Đông. Từ vùng biển phía nam Ngư Tinh chạy trốn lên vùng biển phía bắc, Lạc Long Quân đuổi theo, chém nhát thứ nhất đứt đầu Ngư tinh. Cái đầu biến thành con chó định lặn xuống biển chạy trốn, Lạc Long Quân vươn tay dìm cho chó xuống biển chết cứng, cái đầu nó cố nhô lên biến thành hòn núi gọi là núi Đầu Chó, về sau thành hòn đảo gọi là đảo Cẩu Đầu (19). Lạc Long Quân chém nhát thứ hai đứt phăng đuôi Ngư tinh. Cái đuôi này biến thành con rồng trắng chạy trốn. Lạc Long Quân lại vươn tay tóm cổ rồng trắng dìm xuống biển cho chết. Cái đuôi rồng trắng vẫn nổi lên sau này biến thành một dãy đảo nhỏ gọi là đảo Đuôi rồng trắng, tức đảo Bạch Long Vĩ ngày nay; còn cái mình của Ngư tinh thì biến thành một đàn cá khổng lồ hốt hoảng chạy xuống vùng biển phía nam của biển Đông mong trốn thoát. Nhưng Lạc Long Quân đã dồn hơi thổi một luồng gió nóng đuổi theo đàn cá dữ, đám cá chạy gần hóa đá biến thành quần đảo Hoàng Sa, còn lúc nhúc đám cá chạy xa hơn thì biến thành quần đảo Trường Sa.

(19) Đảo Đầu Chó (Đầu Cẩu) và đảo Bạch Long Vĩ ở vịnh Bắc Bộ hiện nay.

Ở quê mẹ vùng biển, Lạc Long Quân giỏi nghề sông nước. Sức trai cường tráng, Lạc Long Quân không chịu sống mãi vùng Ngàn Hống - Rào Rum. Chàng muốn đi xem khắp vùng đất Lĩnh Nam mà mẹ cha đã để lại. Vậy là chàng chu du ra miền Bắc trước khi đi vào miền Nam. Và không phải cảnh đẹp của núi sông thiên nhiên hùng vĩ của miền Bắc đất nước đã giữ chân chàng lại sau kỳ tích anh hùng của chàng giết Hồ tinh ở vùng núi Tản Viên - Ba Vì và giết Mộc tinh từ tinh cây Chiên Đàn ở vùng sông Thao - sông Đà. Tuổi trai vốn đa tình. Lạc Long Quân đã gặp nàng Âu Cơ…

Một hôm chàng trai thủ lĩnh đang đi tìm đất để đóng đô từ vùng sông Thao qua sông Đà. Khi tới động Lăng Xương (20) bỗng chàng đứng lặng người trước sắc đẹp một người con gái đang hái dâu trên bãi cát bên sông Đà. Mình là thủ lĩnh cả nước, chọn vợ đâu có khó, nhưng chọn được người đang hái dâu kia quả thật là không dễ, bèn ướm hỏi:

(20) Động Lăng Xương thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy cũ (nay là huyện Thanh Sơn), tỉnh Vĩnh Phú. Tại đây có nhiều miếu thờ mẹ thần núi Tản Viên Nguyễn Tuấn.

- Nàng ở đâu ra?

Cô gái ửng hồng đôi má, không trả lời. Nhưng có tiếng vọng tới:

- Nó ở cái đất vùng này.

Lạc Long Quân cứ ngẩn ngơ, không biết nói sao nữa trước người đẹp, rồi buột miệng:

- Sao nàng đẹp thế?

Có tiếng cười rồi lại tiếng vọng:

- Ừ, nó đẹp thế, muốn lấy làm vợ hay sao, hỡi chàng trai?

Lạc Long Quân không đáp, chỉ hỏi:

- Nàng tên chi?

Tiếng vọng:

- Âu Cơ…

Người mẹ Âu Cơ đã sinh được trăm người con. Lạc Long Quân chọn đất Phong Châu làm kinh đô, xây cung điện trên đỉnh Hy Cương, dựa vào dãy núi Nghĩa Lĩnh cũng có chín mươi chín ngọn như Ngàn Hống, có sông Cái ven đô như dòng Rào Rum xanh biếc nơi mẹ là Long Nữ đã sinh ra mình. Chính trên đỉnh Hy Cương tại bãi bằng giữa núi là nơi mẹ Âu Cơ chuyển dạ sinh người con trai đầu lòng, đặt tên Lân Lang.

Lạc Long Quân đặt tên nước là Văn Lang, tự phong mình là Hùng Hiền Vương, tức vua Hùng thứ nhất rồi truyền ngôi cho con trai đầu lòng Lân Lang là Hùng Quốc Vương, tức vua Hùng thứ hai.

Lạc Long Quân nói với bà Âu Cơ:

- Ta là loài rồng, nàng là loài tiên. Mẹ ta là con gái Long Vương (vua Rồng) ngoài biển Đông, nay con cái đầy đàn ta phải trở về với mẹ, vì tiên và rồng không thể ở mãi bên nhau. Vậy ta dẫn năm mươi đứa về với biển, còn nàng dẫn năm mươi đứa ở lại cho đi giữ các miền, kẻ ven rừng, kẻ ven biển, nếu gặp nguy thì cứu giúp nhau. Con theo nàng sẽ lập bộ Sơn tinh, còn con theo ta sẽ lập bộ Thủy tinh.

Rồi Lạc Long Quân nói với người con trai cả Lân Lang:

- Ta cho con nối ngôi giữ nước từ đất Phong Châu này nên lấy hiệu là Hùng Quốc Vương. Phong Châu là đất kinh đô, nơi ta dựng nghiệp lấy họ Hùng, coi như đất tổ, nhưng ta do mẹ ta, bà Long Nữ sinh ta ra từ vùng Ngàn Hống - Rào Rum. Con lo giữ nước nối đời, dặn con cháu sau này nếu có mệnh hệ nào thì hãy sớm về Ngàn Hống - Rào Rum gọi ta: Bố ơi mau về cứu chúng con! Nếu ta không về được sẽ có sứ thay ta…

Đã có chuyện Thánh Gióng với ngựa sắt gậy tre, từ ba tuổi vươn mình trở thành người khổng lồ cứu nước đánh đuổi bọn giặc Ân.

Đã có chuyện vua Hùng chống cự lại kịch liệt âm mưu dụ hàng của Việt Vương Câu Tiễn (505 - 462 trước CN), một tên vua của một nước nhỏ miền Triết Giang vốn đã chịu nhục mười năm ở Cối Kê khi bị nhà Ngô của Ngô Hạp Lư chiếm đất. Vua Hùng đã giữ tình giao hảo tốt đẹp với nhà Chu.

Đã có chuyện chàng trai Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang với đôi bàn tay trắng vẫn gây nên cuộc sống phồn vinh khởi đầu từ những mùa dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng ăn ngọt lịm.

Đã có chuyện chàng trai con út vua Hùng tên là Lang Liêu mở đầu cho sự tích “bánh chưng bánh dày” và nàng công chúa con vua Hùng thứ sáu, Hùng Huy, gây nghề tầm tang dệt nên những tấm lụa Cổ Đô mịn màng, mát rượi truyền đến muôn đời sau.

Và đẹp hơn cả mùa hoa rực rỡ sắc hương là chuyện chàng Trương Chi có tiếng hát tuyệt vời trên dòng sông trăng Tiêu Tương đất Vũ Ninh, khiến nàng Mỵ Nương kiều diễm con quan Thứ sử phải ốm tương tư.

Rồi chuyện thời vua Hùng Định Vương (21), tức Hùng Vương thứ chín có nàng công chúa Tiên Dung lấy chàng trai dân chài của thôn Chử Xá bên bờ sông Hồng, thường gọi là Chử Đồng Tử. Tên như vậy - người con nhỏ của thôn Chử - chứ không rõ tên cúng cơm của chàng trai nghèo đến mức không có mảnh khố che thân kia mà lấy được con gái cưng của vua, là gì? Hai cô nàng - Mỵ Nương và Tiên Dung - chốn lầu son gác tía lấy hai chàng trai nghèo vùng sông nước. Song, một trong hai chàng trai đó, chàng trai thôn Chử, lại trở thành lái buôn rồi sau tu tiên tạo nên câu chuyện đầm Nhất Dạ - đầm Một đêm - và bãi Tự Nhiên cho chuyện tình thêm đẹp (22).

(21) Có tài liệu nói là vua Hùng Duệ Vương tức vua Hùng thứ mười tám.

(22) Chử Đồng Tử nói là tu tiên cùng Tiên Dung, nhưng chính là rủ nhau vào núi Nam Giới (Cửa Sót - Nghệ An), trú ở động Quỳnh Viên. Vua Lê Thánh Tông nhân đi Nam chinh (1470), qua đó có thơ nhắc chuyện đó: Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên (Núi nổi tiếng nhờ chuyện Quỳnh Viên). Tại cửa Sót còn dấu tích thờ Chử Đồng Tử (theo Bùi Văn Nguyên, tr.143 sách “Việt Nam truyện cổ triết lý và tình thương”, 1991).

Đó là chưa kể chuyện công chúa Ngọc Hoa, con vua Hùng Duệ Vương với chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh. Phải chăng đúng là vào thời Hùng Duệ Vương, vua Hùng thứ mười tám hay chuyện xảy ra trước nữa, nhưng chuyện thần Tản Viên vốn người thực của trần gian là Nguyễn Tuấn đã lấy được công chúa Ngọc Hoa đón lên núi Tản có đánh nhau tơi bời với chúa đất Tây Vu là Thục Chế, bố của Thục Phán, nay là vua Chủ An Dương Vương…?

*

- Nhưng Bé Hà à, đó là chuyện của các thời vua Hùng chứ đâu phải chuyện của Bạch Hạc!

Tiếng Mỵ Châu thì thầm khi nghe chuyện. Lòng cô hơi bâng khuâng về chuyện nàng Mỵ Nương với chàng Trương Chi. Dường như quên đi nỗi nhớ Mường, nhớ mế.

- Vậy ra vì tiếng hát hay của Trương Chi đã khiến cho Mỵ Nương thương nhớ sinh bệnh?

- Thưa mệ nàng, bệnh đó người ra gọi là bệnh tương tư. Bé Hà trả lời cô chủ đang tuổi trăng tròn của mình.

- Bệnh tương tư? Vậy ai tương tư ai? Anh chàng Trương Chi tương tư Mỵ Nương hay Mỵ Nương tương tư tiếng hát của chàng ta?

Bé Hà lúng túng trước câu hỏi của Mỵ Châu suy nghĩ một lát rồi nói:

- Ai tương tư ai? Trước hết phải là Mỵ Nương tương tư tiếng hát của Trương Chi chứ không phải tương tư cái anh chàng người thì thậm xấu đó. - Bé Hà cười: Tương tư là bệnh của người mà lại…

Mỵ Châu lắc đầu:

- Ý chị cho người tương tư chính là anh chàng Trương Chi đó…

Bé Hà lại cười:

- Thì em đã nói tương tư là bệnh của người! Mà… đã là bệnh của người thì ai tương tư ai lại không được.

Mỵ Châu khẽ nhíu lông mày:

- Mình chỉ thấy thương anh chàng Trương Chi đó.

- Đúng rồi, mệ nàng! Em cũng thương anh chàng Trương Chi đó, nhưng em lại thương cô nàng Mỵ Nương hơn. Vì…

- Bé Hà!

- Vì… Mỵ Nương cảm thương cái chết tương tư của Trương Chi. Nhưng, mệ nàng đoán ra không? Em thương nhất là…

Bé Hà ngừng nói, nhìn Mỵ Châu trêu chọc. Mỵ Châu giục:

- Thương nhất là… là cái chi?

Bé Hà ngồi lánh xa Mỵ Châu rồi nói nhanh:

- Em thương nhất là… là cái chén!

- Bé Hà!

- Thì… cái chén chứ mệ nàng! Giá như nước mắt Mỵ Nương không rơi vào chén làm cho cả chén, cả anh Trương Chi lẫn con đò và tiếng hát trong chén tan đi, có phải mình vẫn giữ được cái chén quí không?

Mỵ Châu xô nhẹ người Bé Hà:

- Trời đất! Nói như thế là hết chỗ nói…

- Thì… chính em đang tương tư cái chén quí đó mà lỵ.

Hai chị em đang vui chuyện, bỗng nghe tiếng người các thuyền nhốn nháo:

- Có thuyền vua Chủ cho đi đón…

- Đến ngã Ba Hạc rồi!

Mọi người ùa ra khỏi khoang thuyền. Tiếng ồn ào rộn lên.

Một chiếc thuyền ngược dòng áp mạn vào thuyền dẫn đường. Lát sau có tiếng người nói loa:

- Bồ chính Lâm Thao được tin là vua Chủ cho đón mệ nàng Mỵ Châu ở Kẻ Sủ (23), không về Kẻ Gát.

(23) Kẻ Sủ: (tức Lâu Thượng) là nơi làm việc bên bờ sông Lô của vua Hùng trước đây, Kẻ Gát: (tức Tiên Cát), nơi ở của các vợ thứ (các bà phi) của vua Hùng. Hai nơi này đều ở phía trên ngã Ba Hạc, thuộc Việt Trì ngày nay.

Mỵ Châu xúc động ôm lấy Bé Hà:

- Được gặp vua Chủ trước! Chị thấy… sợ!

Bé Hà ghé tai Mỵ Châu nói nhỏ:

- Con gái út yêu quí mà! Chắc vua Chủ mong lắm.

Mấy đoàn thuyền hộ tống dừng lại để về nơi cũ của mình, riêng thuyền chở Mỵ Châu vẫn xuôi dòng.

Lát sau, Mỵ Châu nhìn Bé Hà như trách móc:

- Qua ngã Ba Hạc mà vẫn chưa được nghe chuyện Bạch Hạc.

- Khắc có người kể cho mệ nàng nghe, có buồn cũng không bằng cái buồn của chàng Trương Chi. Chuyện tình… thật hay!

Mỵ Châu gật nhẹ đầu:

- Ừ, nhưng mỗi chuyện mỗi khác, phải không Bé Hà? Chử Đồng Tử vui, Trương Chi buồn! Kẻ chết người sống, lạ thật…