006 - Phần một - V, VI

V

Khóc trọn ba ngày, gần suốt ba đêm, cơm không muốn ăn, nước không buồn uống, nhưng lòng dạ Mỵ Châu vẫn không khuây. Dần dà như thế mãi đến khi trăng đã gần tròn, Mỵ Châu bỗng hỏi nữ lệ Bé Hà:

- Ta nghe như có tiếng chim trời vỗ cánh! Bé Hà, phải chăng có lần em đã nói là chim họa mi gọi dậy bình minh?

Thấy Mỵ Châu đã vui, Bé Hà vui lây. Cô ngưng tay thêu, nhìn Mỵ Châu lắc đầu nói:

- Mệ nàng vẫn nhớ, còn em thì quên! Đúng là chim họa mi gọi dậy bình minh, còn đêm nay trăng sáng bầu trời, có tiếng chim vỗ cánh, hẳn là cánh vạc ăn đêm hay có thể…

- Sao em?

- Nếu từ đây, từ đất Tổ vua Hùng phải là đàn hạc trắng bay về tìm cây chiên đàn cổ thụ.

- Chuyện xưa hả, Bé Hà?

- Mệ nàng, chuyện xưa mà là chuyện ngày nay cũng là chuyện của mai sau.

- Lại mai sau! Em cứ nhắc đến mai sau, cái mai sau xa lắc, mịt mù chị không thể nào nghĩ tới được.

Mỵ Châu đưa tay đỡ lấy ngực:

- Cám ơn Bé Hà, một chuyện lo xa tưởng là không cần thiết, cho đó là cái nghĩa của đời người.

- Vậy đó, thưa mệ nàng.

- Còn Bạch Hạc? Những cánh chim hạc trắng?

- Đêm nay và cả những đêm nào đó nữa, cánh trắng chim hạc đã bay về…

- Đậu trên cây chiên đàn cổ thụ?

- Bay khắp giải sông Thao, sông Lô, lượn về sông Cái rồi đậu trên cây chiên đàn cổ thụ. Em đã kể cho mệ nàng cây chiên đàn đó rồi, ngay buổi chiều khi ta vừa tới đây.

- Nơi đỉnh Hy Cương, trước sân đền Thượng, nơi thờ đức Quốc tổ Hùng Vương? Em nhớ chứ, Bé Hà?

Mỵ Châu xúc động nắm tay Bé Hà cùng đi ra ngoài sân. Giọng Bé Hà kính cẩn:

- Nơi bãi bằng kia có miếu thờ Tổ mẫu Âu Cơ đã chuyển dạ sinh ra đức Hùng Quốc Vương. Và kìa, Cửu trùng tiêu điện phải chăng như giữa chín tầng mây vời vợi?

Trời đầy trăng. Lồng lộng. Sáng xanh sông nước.

Mỵ Châu thì thầm:

- Sương đêm bàng bạc bầu trời…

- Bàng bạc ánh trăng chứ, mệ nàng! Ôi, vậy mà em tưởng thấy được đỉnh Hy Cương như đầu rồng hướng về phía nam, còn núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo như mình rồng đang lượn với những gò con Cá, con Tôm theo chầu. Và kia, mờ mờ từ xa tít Kẻ Lú là nơi ngày xưa vua Hùng đã dạy dân Lạc Việt làm ruộng có voi kéo cày.

- Voi kéo cày! Bé Hà, kể lại chị nghe chuyện núi Nghĩa Lĩnh có một trăm con voi từ mọi nơi trong nước kéo về chầu mừng đất Tổ…

- Đâu phải một trăm con, mệ nàng! Chỉ có chín mươi chín con thôi, nay là những quả đồi quanh núi Nghĩa Lĩnh có đền Hùng này, còn một con thì mãi xa bên Phù Ninh. (24) Con này là con voi phản bội, đầu ngoảnh về hướng khác nên vua Hùng đã nổi giận trao kiếm báu cho nàng Bầu, con gái vua, chém đầu voi.

(24) Tức là 99 quả đồi lớn nhỏ quanh đền Hùng thuộc địa phận Lâm Thao, Việt Trì và Phù Ninh, con voi phản bội là quả đồi nằm ở xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh (cũ).

Bé Hà ngừng kể, cố nhìn xa trong đêm trăng để mong nhận ra ngọn đồi đơn độc bên phía Phù Ninh. Không thấy gì, cô kể tiếp:

- Con voi đó mang nỗi nhục lẻ loi muôn đời và mỗi năm cứ đến mùa mưa, từ hình núi con voi đơn chiếc đó, một dòng nước đỏ tựa máu tủa ra…

Mỵ Châu khẽ rùng mình:

- Con voi phản bội! Mình nó lẻ loi giữa quần tượng đang quy chầu đất Tổ… Ôi, Bé Hà, có thật là con voi ấy đã phản bội hay người đời không thể hiểu nổi nó, oán trách và quy tội cho nó?

Bé Hà cúi đầu xuống. Cô đi đến bên đền Ngọc có giếng sâu, ngắm hình con rồng cuốn bằng gạch màu đất nung, đợi Mỵ Châu đến gần rồi thong thả nói:

- Em lại nghĩ là con voi tội nghiệp không phản bội! Nó vẫn theo đàn đó chứ, mệ nàng! Họa chăng người đời đã nghi oan về nó, nên nó tủi thân, vừa đi vừa ngoái đầu lại…

Tiếng thở nhẹ hắt ra từ lồng ngực Mỵ Châu:

- Ngoái đầu lại để làm gì, Bé Hà?

Bé Hà cười nhẹ:

- Ôi, mệ nàng! Nó nhìn lại để làm gì? Để nhìn những chặng đường đã qua của đời mình.

- Sao em lại cười được, Bé Hà? - Nước mắt Mỵ Châu lăn trên gò má. - Mà chặng đường đã qua của đời mình là thế nào?

- Ôi chuyện đời! Em cười thật ư? Nếu thế, chỉ là tiếng cười trong mơ khi em vẫn tỉnh, có lẽ… chỉ là thương hại cho người đời.

- Về những chặng đường đã qua?

- Chặng đường đã qua là chặng đường đáng nhớ nhưng vẫn có thể là những chặng đường quên đi, không nên nhớ lại vì con người đâu như dòng suối lúc nào cũng trong xanh. Em sợ những dòng suối đục!

- Bé Hà! Chị không hiểu…

Bé Hà bỗng khóc nấc lên, quỳ xuống bên chân Mỵ Châu:

- Mệ nàng, đừng chấp lời em nói…

VI

An Dương Vương mở hội đền Hùng.

Ngày mồng mười tháng ba của năm tháng mùa trăng.

Đoạn đường dài, dốc cao từ làng Hy Cương, nơi ngàn năm trước vua Hùng cắm đất, lấy xứ Phong Châu làm đất Tổ. Núi Nghĩa Lĩnh bao quanh bởi những đồi chè, đồi bạch đàn và rừng cọ, rừng cây sơn. Những ruộng lúa, bãi sắn, nương dâu…

Ngọn Nghĩa Lĩnh rợp bóng thông già những cây kim giao, chò, thiên tuế từ buổi cổ sơ và cả những lùm tre cong ngọn cao vút. Những cây hoa đại thân sù sì, gân guốc, lá xanh dài, to bản nhưng đơm hoa một màu trắng toát.

Cờ đại, cờ đuôi nheo, cờ ngũ hành cắm dài hai bên đường đi. Đường mòn đất đỏ từ những ngã năm, ngã sáu tụ lại cho những ngày hành hương.

Đền Hùng mở rộng cho bốn phương trời, mười phương đất. Không tường thành, không bờ lũy vây bọc.

Muốn lên đến đền Thượng, đến Cửu trùng tiêu điện trên đỉnh Hy Cương, phải trèo hai trăm chín mươi sáu bậc thang gạch.

Hôm mới từ xứ Nam Cường trên đất Cao Bằng theo sông về Lâm Thao đến đây, Mỵ Châu đã phải trèo đủ từng ấy bậc thang gạch. Cô không mệt! Sức gái, tuy chưa đến mười bảy để bẻ gãy sừng trâu, nhưng cô bỗng thấy bàng hoàng, ngây ngất giữa đất thiêng hùng vĩ, khi được quỳ lạy trước đền thờ Đức Quốc tổ Hùng Vương nhất là khi được gặp bố, vua Chủ An Dương Vương mà cô đã phải xa từ hồi nhỏ dại. Loạn ly do giặc phương Bắc gây nên, hết Tần Thủy Hoàng đến bọn Nhâm Ngao, Triệu Đà ở đất Quảng Đông vốn là quận úy của nhà Tần. Xa bố, sống theo mẹ, Mỵ Châu quen nếp sống của núi rừng, với nương rẫy và suối và hoa, nay được về đất Tổ Phong Châu cô không tránh khỏi những ngỡ ngàng trong tiếp xúc đầu tiên, mặc dù nữ lệ Bé Hà luôn bên cạnh cô. Việc đầu tiên là cô được thay đổi y phục, bỏ váy thủy ba, bỏ dải khăn màu trắng với những đường thêu sóng nước, chân chim. Ôi, những tấm lụa Cổ Đô màu xanh hoa lý, màu đỏ hoa hiên, màu tím hoa cà với những đường thêu hoa lá, nét lượn nét cong và những tấm vải bông Bạch Điệp. Một bà xảo xứng tuổi già tóc bạc đã dạy cho Mỵ Châu, cả Bé Hà những đường thêu trên lụa và xổ tấm vải bông Bạch Điệp - bướm trắng - như giấc mộng của ước mơ trong trắng đời người con gái bên khung cửi, đã nói với hai cô gái đang độ lớn lên:

- Thôn Chử của Chử Đồng Tử thuộc đất Phong Châu bên này sông Cái, gần Kẻ Sủ. Còn Cổ Đô, quê lụa ở bên kia sông Cái. Vải Bạch Điệp là sản vật quý của người Âu Lạc chúng ta. Người phương Bắc từ lâu, trước Tần Thủy Hoàng, đã giỏi nghề tầm tang. Tơ tằm của họ đã dệt nên bao tấm lụa mịn cho vua chúa nhưng bên họ vẫn đang dệt vải bằng sợi đay, sợi gai, bằng tơ tre đàm trúc không thể sánh được với tấm vải bông trắng Bạch Điệp. Người con gái bận tấm áo, khoác tấm choàng phủ vai trông xa như cánh bướm trắng trước gió. Vì vậy, mỗi lần trước đây sứ ta qua Hàm Dương giao hảo, đưa cống vật ngoài ngà voi, sừng tê, lông trĩ bao giờ cũng phải có thêm những tấm lụa Cổ Đô và những súc vải Bạch Điệp…

Lời mế kể đầy tự hào rồi mế hạ thấp giọng:

- Chỉ có trống đồng và thạp đồng là chúng không đòi vì bên ấy chúng cho là trống bịt da trâu da bò kêu vọng hơn.

Bé Hà nghe mế kể, thích quá, chạy đến bên mế, ôm lấy cánh tay gầy của mế:

- Mế biết nhiều chuyện hay quá. Vậy còn Bạch Hạc, sao lại gọi vùng ngã ba sông kia là Bạch Hạc? Mệ nàng Mỵ Châu đã hỏi con…

Mỵ Châu đỏ mặt, rụt rè trong tiếng chối:

 - Không phải, không phải đâu xảo xứng!

Người xảo xứng già bỏ khung dệt, đứng lên đến bên Mỵ Châu:

- Mệ nàng đừng ngại! Già này sống hầu vua Chủ bao năm ở vùng đất Bạch Hạc, mệ nàng hỏi, cái gì biết thì già kể cho mệ nàng nghe.

Già mở lá trầu đã têm, bớt ít vôi rồi lấy thêm miếng cau tươi, lát chay mỏng bỏ vào miệng nhai giòn tan. Già cười nói:

- Già rồi, răng nhai trầu vẫn khỏe nên chuyện xưa ít quên. Miếng trầu là đầu câu chuyện, chuyện đây là chuyện kể từ đất xưa Bạch Hạc, những con chim hạc trắng lượn mình bay lả lướt trên những đầm lầy khi trời về chiều.

Chuyện xưa…

Thuở đó đức Lạc Long Quân chưa gặp bà Âu Cơ. Người từ giã đất mẹ Ngàn Hống - Rào Rum để đi ngao du khắp đất đai Lĩnh Nam, tìm nơi chiêu dân lập ấp, mở mang bốn cõi, người đi theo các dòng sông, dù sông lớn hay sông bé, nước sông đục hay trong, dòng chảy xuôi hiền hòa hay sóng cuồng dữ dội rồi người đặt tên. Rào Rum hay sông Cả là một, người coi đó như là con sông khởi đầu cho mọi con sông, như người chị lớn, người anh cả. Sông Cả thuộc bộ Hoài Hoan (25) thời các vua Hùng.

(25) Hoài Hoan sau này là Châu Hoan tức Nghệ Tĩnh; Cửu Chân, tức Thanh Hóa đều nằm trong số 15 bộ lạc lớn của Văn Lang thời Hùng Vương.

Theo hướng bắc, đến bộ Cửu Chân, núi rừng lớp lớp như muốn đua nhau chạy xuôi ra biển lớn. Giữa các triền núi có vách đá dựng cao, một con sông hẹp lòng hơn sông Cả - Rào Rum - nhưng nước cuộn như thế ngựa phi khi nhập lưu với một con sông khác: đó là con sông Bà Mã và sông Lương. Tại đây Lạc Long Quân thích thú trước những đàn chim lông trắng bay lượn dày đặc trên bầu trời. Ông nói với những người dân ven sông Bà Mã:

- Đất này như là tổ chính của chim hạc, nếu có xây thành giữ đất thì phải gọi là thành chim hạc. Ta chúc bà con sống lâu như chim hạc vì chim hạc sống được ngàn năm.

Từ đó vùng đất trải rộng quanh sông Bà Mã và sông Lương (sông Chu) có tên là Hạc Sào, Hạc Thành và là nơi Lạc Long Quân nghỉ ngơi gọi là Thọ Hạc.

Ra đến sông Cái (sông Hồng), Lạc Long Quân ngược dòng đi lên. Ôi, đất rộng bao la, cây xanh trái ngọt, con gái đẹp như tiên, con trai khỏe như gấu. Ở đây người dân cũng biết nấu đồng để đúc làm thuyền, rèn đồng làm mũi giáo, lưỡi rìu, lưỡi liềm gặt lúa như trong Ngàn Hống - Rào Rum. Con trâu lặn xuống nước, lên bờ húc nhau, khi sừng mềm xuống nước lại lên; con cá lớn vượt qua cửu sông hóa rồng, sông có chín mươi chín dòng hội tụ. Kia Tây Vu, Châu Diên, Phong Châu, núi dậy như voi kéo đàn ra biển.

Vậy là Lạc Long Quân tìm đất đóng đô, ngắm trông tám phương bốn hướng, gọi cả chim đại bàng lấy đá đắp thành, chim phượng hoàng đào hồ xây móng. Quanh đô ba mặt sông tụ hội là sông Thao, sông Cái, sông Lô, phía đông có núi Tam Đảo, phía tây có núi Tản Viên chầu về. Ở giữa có một ngọn núi đột ngột nổi lên như con voi mẹ nằm giữa đàn con, Lạc Long Quân bèn trèo lên núi nhìn ra bốn phía thấy ba bề bãi rộng bồi đắp phù sa, bốn mặt cây xanh quả ngọt, thế đất trùng điệp, quanh co, có rộng mà phẳng, có hẹp mà sâu. Lạc Long Quân rất mừng, nhất là khi qua động Lăng Xương gặp cô gái tên là Âu Cơ lấy làm vợ, bèn chọn đất đó làm đô, tên gọi Phong Châu.

Một hôm, Lạc Long Quân đi đến chỗ ngã ba sông, nơi con sông Lô đổ vào sông Cái, rất đỗi ngạc nhiên thấy từng đàn chim hạc từ bốn phương bay đến, cánh trắng rợp trời xanh. Phải chăng chim hạc từ Hạc Sào sông Bà Mã đã bay ra theo người đến ngã ba sông này, báo tin lành cho người Việt chọn đất làm đô? Chúng đậu khắp ngã ba sông, đậu dài xuống tận làng Cả, đồi Giám, Kẻ Đọi là nơi Lạc Long Quân mới cho luyện quân. Chúng đậu vòng sang đất Cổ Đô dệt lụa.

Lạc Long Quân hỏi vọng lên đàn hạc trắng:

- Hỡi chim! Phải chăng chim đã rời tổ từ đất Hạc Sào - sông Bà Mã có làng Thọ Hạc mà ta đã dừng chân trước đây, bay theo ta về nơi đô mới?

Chim hạc từng đàn bay lượn vòng rồi tụ lại như đáp lời khẩn của Lạc Long Quân. Bỗng đàn chim hạc bay tản ra: trước mắt Lạc Long Quân hiện lên một cây chiên đàn cao vút, ngọn đụng trời xanh, tán rợp, xòe rộng ra phía đông đến núi Tam Đảo, vào hướng tây đến núi Ba Vì.

Đàn chim hạc bay lượn một lúc rồi cùng chao cánh đậu về chỗ cũ, đậu trắng cả cây chiên đàn.

Lạc Long Quân bỗng sửng sốt khi thấy dưới gốc cây chiên đàn cổ thụ một cụ già râu tóc trắng như bông. Cụ đang mê mải gỡ một mớ sợi gai rối.

Lạc Long Quân đến gần cụ, định hỏi cụ từ đâu tới mà mang theo cả đàn hạc và cây chiên đàn cao tận trời như vậy. Nhưng lạ lùng thay! Lạc Long Quân chưa kịp chợp mắt thì cả cụ già, cả cây chiên đàn bỗng biến mất. Trước mắt Lạc Long Quân chỉ còn có đàn chim hạc đậu khắp ngã ba sông…

- Từ đó có tên ngã Ba Hạc, (26) đúng chớ mế? - Bé Hà thích thú hỏi.

(26) Dựa theo sách “Lĩnh Nam chích quái”. Truyền thuyết Vĩnh Phú cho rằng ở ngã ba sông, trước thành Văn Lang có một cây chiên đàn rất lớn. Một con hạc trắng thành tinh thường bắt người ăn thịt. Sau có một chàng trai đã giúp vua Hùng giết con hạc đó rồi biến mất.

Mế già cười tủm tỉm không trả lời. Mế lại mở lá trầu để têm, bớt đi tí vôi rồi bỏ vào miệng cùng với miếng cau tươi và lát rễ chay. Mế nói với hai cô gái:

- Ngã Ba Hạc, chính là chuyện đất lành chim đậu. Vua Hùng chọn đất Phong Châu làm đô cũng vậy. Chính chim hạc đã mang lúa từ trên cao xanh về cho con người…