009 - Phần hai - I, II, III

PHẦN HAI

THÀNH LOA

Thành Loa! Thành Loa (1)

Đất xưa thành cũ

Chuyện từ đây muôn thuở vẫn truyền

T.V.

(1) Cổ Loa hay Loa Thành là tên quen gọi sau này như các sử liệu và khảo cổ học đã cho biết. Cổ Loa nằm trong đất Phong Khê, thuộc bộ lạc Tây Vu thời vua Hùng (nay thuộc Hà Nội).

I

Một ngày cơm chẳng buồn ăn!

Hai ngày cháo không nhìn!

Ba ngày Bé Hà bưng chén thuốc đến!

Mỵ Châu lắc đầu vẫn mơ màng như trong giấc mộng.

- Bé Hà! Chị vẫn nhớ những ngày bên suối hoa đào, lòng không vương vấn. Em đừng để vua Chủ biết, nào ta đau ốm gì mà hết cháo lại đến thuốc thang. Chẳng qua về đất lạ, ta chưa quen…

- Hẳn là thế! Nhưng mệ nàng phải gắng ăn chút ít để giữ sức. - Bé Hà quỳ một chân bên cạnh Mỵ Châu ngồi.

Mỵ Châu vuốt mái tóc, đứng lên đi ra phía cửa. Nhìn trời mây. Khẽ thở dài.

Bé Hà bước theo đứng bên cạnh Mỵ Châu.

Trời đang về chiều.

Ánh nắng đã dịu bớt.

Mỵ Châu đến bên khóm trúc đào. Cây đang mùa nở hoa. Màu hoa đỏ tươi. Mỵ Châu vịn cành hoa nhưng không ngắt hoa.

- Hoa trúc đào có sắc không hương! - Tiếng Mỵ Châu nghe thoáng qua làn môi.

Bé Hà cúi đầu xuống, nhưng vẫn hỏi:

- Sao mệ nàng lại nói vậy?

- Thì hoa nó vốn thế, ta nói thế.

Bé Hà im lặng.

Mỵ Châu đặt tay lên vai Bé Hà:

- Hẳn đâu con người cũng thế, nhưng mà chính như thế. Tùy người, tùy loại hoa, phải không Bé Hà? Ôi, ta muốn cái đẹp tự lòng. Bé Hà đã nghe mế già kể chuyện nàng Lộng Ngọc, con gái Tần Mục Công chưa?

Bé Hà nhìn sâu vào mắt Mỵ Châu, lắc đầu.

- Về chuyện nàng Lộng Ngọc! Cái đẹp chẳng những tự lòng người mà cái đẹp là cho muôn thuở, không bị hủy diệt.

- Mệ nàng nói hay quá, nhưng khó hiểu.

- Hiểu hay không cũng chính tự lòng ta như cái đẹp vậy. Mế già kể với ta là Tiêu Sử người nhà Chu thổi sáo hay như tiếng chim phượng. Nàng Lộng Ngọc con gái Tần Mục Công nghe tiếng sáo đó, tìm đến với Tiêu Sử và được Tiêu Sử dạy cho thổi sáo cũng hay như tiếng chim phượng kêu. Vậy là chim phượng nghe Lộng Ngọc thổi sáo liền bay đến Đan thành nơi Lộng Ngọc ở. Mế già nói chỗ ấy liền được đặt tên là Đan thành phượng. Mế già lại kể thêm rằng sau Lộng Ngọc và Tiêu Sử cưỡi chim phượng bay lên trời cùng thành tiên. Khi đang ngồi trên lưng chim phượng, họ vẫn thổi sáo để chào vĩnh biệt trần gian.

Mỵ Châu im lặng một lúc rồi nói tiếp:

- Chuyện kể đó không phải của ta mà ta nghe mế già kể. Bé Hà! Bé Hà, ta đã nghe được tiếng tiêu…

Nước mắt Mỵ Châu ràn rụa…

Bé Hà quì xuống lay nhẹ người Mỵ Châu:

- Mệ nàng! Mệ nàng nói mê hay sao?

Mỵ Châu bừng tỉnh. Cô nhìn thấy Bé Hà:

- Ôi, Bé Hà đó sao? Đúng là chị vừa nằm mơ và nói mê đó phải không Bé Hà. Chị nói cái gì?

Bé Hà úp đầu lên ngực Mỵ Châu:

- Đúng là mệ nàng nói mê! Em bưng chén thuốc đến. Mệ nàng đang mở mắt nói là không uống thuốc và không ốm đau gì cả. Thế rồi mệ nàng ngủ thiếp luôn. Lát sau mệ nàng gọi tên em: Bé Hà! Bé Hà, ta đã nghe được tiếng tiêu! Ôi, thật thế không mệ nàng? Giấc mơ thoáng qua giữa ban ngày.

Mỵ Châu ngồi hẳn dậy.

- Mà giấc mơ đẹp quá đi, Bé Hà!

- Đã là giấc mơ thì bao giờ chả đẹp. Mệ nàng kể cho em nghe đi, vì mệ nàng nói trong mơ là đã nghe được tiếng tiêu.

- Mình quên hết rồi! Thật đó, chẳng nhớ cái chi cả. Nhưng dư âm của tiếng tiêu hình như vẫn còn vẳng bên tai mình đó, Bé Hà!

- Mộng và thực!

- Mộng bao giờ cũng đẹp, nhưng vẫn có những cái thật đẹp hơn mộng. À, ta nhớ rồi! Ta thiếp đi và gặp Lộng Ngọc, con gái vua Tần Mục Công.

- Nhà Tần không còn nữa!

- Bé Hà! Đúng, khi hồi trong giấc mơ, Bé Hà hình như cũng nói với chị câu đó. Vậy là mộng và thực cũng có thể giống nhau ư?

- Có thể, như mệ nàng vừa nói.

Mỵ Châu bật cười hồn nhiên:

- Nhưng cái thực của Bé Hà đẹp hơn giấc mơ của chị gặp nàng Lộng Ngọc.

- Sao? Em không hiểu.

Vẫn tiếng cười hồn nhiên của Mỵ Châu.

- Giấu à? Ta biết rồi.

- Mệ nàng! Em có chuyện gì đâu mà phải giấu.

- Có chứ! Ta nói hộ nhà ngươi sao?

- Mệ nàng! Em chả hiểu gì cả.

- Này…

- Mệ nàng!

- Bên đồi chè…

Bé Hà cười phá lên… Trưa qua cô có gặp đô Đống. Cô chạy trốn Mỵ Châu, hai tay úp che mặt. Cô đến núp bên khóm trúc đào. Mỵ Châu cũng cười vui, đuổi theo…

Hai cô gái chạy vòng quanh khóm trúc đào. Lát sau Mỵ Châu mệt, đứng lại. Vịn một cành hoa trúc đào nhưng không ngắt hoa.

- Hoa trúc đào có sắc không hương! - Tiếng Mỵ Châu nghe thoáng qua làn môi.

- Sao mệ nàng nói vậy?

Bé Hà đến bên Mỵ Châu, đưa những ngón tay chải vuốt những sợi tóc Mỵ Châu vừa bung ra.

- Thì hoa nó vốn thế, chị nói thế.

Mỵ Châu nắm tay Bé Hà, nhìn sâu vào mắt Bé Hà, nói tiếp:

- Đúng nhá, đừng chối.

Bé Hà ôm lấy Mỵ Châu, gục đầu trên vai Mỵ Châu.

- Mệ nàng! Em đã giấu mệ nàng! Anh ấy…

- Thôi đừng nói nữa… Chuyện thực nhiều khi cũng chỉ là… giấc mộng.

Lát sau, vẫn tiếng Mỵ Châu:

- Nhưng đó là cái gì?

- Mệ nàng! Đó là…

Mỵ Châu vội bịt miệng Bé Hà:

- Phải chăng đó chính là…

- Tình yêu!

- Chưa hẳn vậy, Bé Hà. Đó là cái Đẹp, cái Đẹp của muôn thuở, cái Đẹp không bị hủy diệt. Ôi, đâu phải chỉ từ một bông hoa, một cánh chim. Bé Hà! Chính nhờ em, chị mới có thể hiểu được điều đó.

- Đâu riêng mình em!

- Phải rồi! Đâu riêng mình em, như đôi chim uyên ương…

II

Bà chúa Quỳnh Anh nói với Mỵ Châu:

- Em có về dưới Dương Tuyền với ả ít lâu không? Ả sẽ xin phép vua Chủ.

Mỵ Châu nhìn bà chị lớn tuổi, khác mẹ, lắc đầu.

Bà Quỳnh Anh nhìn em, nói tiếp:

- Mấy hôm nay, ả thấy em không được khỏe, sắc mặt hơi xanh. Nhớ mế trên đó hay nhớ núi rừng Nam Cường? Đi chơi ít lâu với ả. Từ đây về Dương Tuyền nhiều sông mà ít núi, có những vùng đầm lầy và những hồ nước mênh mông. Từ trung châu về đồng bằng khác xa miền núi nơi em đã ở và lớn lên…

Mỵ Châu vẫn im lặng. Lát sau cô nói:

- Em sẽ đi với ả về thăm Dương Tuyền. Ả cho Bé Hà cùng đi.

Bà Quỳnh Anh nhận lời ngay:

- Phải có Bé Hà cùng đi với em chứ, nó cũng mến em lắm.

- Nhưng khi về Dương Tuyền, ả có ghé Kẻ Loa không? Em nghe nói vua Chủ đang cho xây thành lớn ở đó phải không ả? Hôm trước vua Chủ đi Kẻ Loa cùng ông Cao Lỗ và ông Nồi Hầu có dặn em là xây thành xong sẽ cho em về bên đó ở. Em muốn ghé Kẻ Loa.

Bà Quỳnh Anh đang vui bỗng trở nên đăm chiêu. Bà nói.

- Ừ, thì xây xong thành Chủ, thế nào em cũng được về, nhưng nay đang gặp nhiều khó khăn lắm; vua Chủ và các lạc tướng, lạc hầu đang vất vả, cả dân các bộ về xây thành cũng vậy. Em thấy đó, sau mấy ngày giỗ Tổ, mọi người đều theo vua Chủ đi Kẻ Loa hết, cả bồ chính Đinh Công Tuấn và cả chồng chị là tổng binh Võ Quốc và người anh em kết nghĩa với ông là Công Nguyên dưới Dương Tuyền, công việc vùng biển đâu có rảnh khi bọn Triệu Đà bên Nam Hải có thể mò đường biển đánh vào Âu Lạc ta lúc nào không biết.

Mỵ Châu cầm tay bà Quỳnh Anh:

- Xảo xứng Bé Hà nói với em…

- Lại con Bé Hà đó! - Bà Quỳnh Anh bực mình cắt ngang lời em khi nghe em nhắc tên Bé Hà.

Mỵ Châu lắc đầu:

- Ôi ả, Bé Hà bao giờ cũng đưa chuyện tốt thôi…

- Ả biết vậy, nhưng sao nó biết lắm thế!

- Không đâu, ả! Em vừa nói là mọi chuyện Bé Hà đưa đều hay, đều lành cả. Bé Hà nghe ai nói chuyện gì hay cũng mách lại với em. Hay thôi…

- Không, không! Ả có nói gì về Bé Hà đâu. - Bà chúa Quỳnh Anh vội phân bua sợ cô em út không đi với mình về Dương Tuyền chơi nữa. - Vậy Bé Hà nó nói cái gì với em?

Mỵ Châu cúi đầu chưa trả lời vội. Cô đưa tay vuốt vuốt mấy sợi tóc mai rồi kéo về phía miệng. Cô rùng mình, nói rất nhanh với bà Quỳnh Anh:

- Em nghe nói vua Chủ ta xây thành đã xong, nhưng đêm đêm yêu quái thường hay hiện về giết hại người và phá thành. Mấy lần rồi… Có phải chuyện…

Bà Quỳnh Anh cũng rùng mình! Cái chuyện mà bà đã biết, hay đúng hơn là đã nghe người ta đồn, người ta thì thầm nói với nhau một cách sợ hãi, nay bà không ngờ Mỵ Châu cũng biết. Bà làm như chưa hay biết gì cả, cốt hỏi em để xem cô em gái vốn hồn nhiên, ngây thơ lại hay tin chuyện nghe được, biết những gì về việc vua Chủ xây thành Loa:

- Chuyện gì đó em?

- Chị biết rồi!

- Thì ả biết rồi cũng được, nhưng còn em, em biết chuyện gì, nói cho ả biết để ả nói cho em rõ chứ.

Mỵ Châu lại rùng mình. Cô nắm chặt tay chị, nói:

- Nghe nói có con gà trống trắng thành tinh… Mỵ Châu không nói hết câu, cô ngồi nép người vào sát chị.

Bà Quỳnh Anh ngồi lặng giây lâu rồi thong thả nói.

- Chuyện em nghe người ta kể không phải thế đâu. Chắc xảo xứng già đã kể với Bé Hà rồi Bé Hà kể lại với em chứ gì?

Mỵ Châu im lặng đợi chị nói tiếp, nhưng thấy chị hỏi mình mà mình chưa đáp lại nên khẽ gật đầu.

Tiếng bà Quỳnh Anh:

- Thế này này… Ừ, thì ả biết đến đâu ả kể đến đó cho em yên lòng. - Bà ho nhẹ lấy giọng rồi bắt đầu kể.

III

Triệu Đà

Hắn là ai?

Hắn người huyện Chân Định (2), tỉnh Hà Bắc bên Trung Quốc. Làm một chức huyện Long Xuyên ở quận Nam Hải (tỉnh Quảng Đông), hắn bàn với quan úy Nhâm Ngao, kẻ nắm quyền ở Nam Hải là phải tràn quân xuống đất Âu Lạc, khi nhà Tần vừa bị diệt.

(2) Nay là huyện Chính Định (Trung Quốc).

Triệu Đà đặt tiệc lớn đãi Nhâm Ngao. Khi biết Nhâm Ngao đã say, Triệu Đà hỏi:

- Ai diệt Tần? (3)

(3) Thời Đông Chu có bảy nước xưng bá tranh hùng, đánh nhau liên miên là Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, Ngụy và Tần, gọi là Đông Chu liệt quốc (403 - 221 trước CN). Tần Doanh Chính nước Tần diệt được 6 nước kia, thống nhất Trung Quốc, xưng Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, là Tần Thủy Hoàng. Nhà Tần chỉ giữ ngôi được 15 năm (221 - 206 trước CN thì bị Lưu Bang diệt, lập nên nhà Tây Hán (202 trước CN - 8 sau CN). Phù Tô là con trưởng, bị em là Hồ Hợi - tức Tần Nhị Thế - giết.

Nhâm Ngao tuy say vẫn không khỏi ngạc nhiên, hỏi lại Triệu Đà:

- Ngươi là kẻ hạ chức dám động đến chân thiên tử?

Triệu Đà cười lớn:

- Thiên tử Tần Thủy Hoàng nay không còn mà kẻ nối nghiệp là Phù Tô, con trưởng cũng không còn, kẻ hạ quan này chỉ muốn hỏi về Tần Nhị Thế.

- Kẻ giết Tần Nhị Thế ai cũng biết, sao lại hỏi thế?

- Biết mà không biết! Đại quan cho là Sở Bá vương Hạng Võ giết Tần Nhị Thế như mọi người hay sao?

Nhâm Ngao cứng lưỡi chưa biết trả lời ra sao thì Triệu Đà đã nói:

- Kẻ diệt Tần tưởng là Hạng Võ, nhưng chính là Hán vương Lưu Bang.

- Vì sao?

- Sở Hoài vương Hạng Võ cùng Hán vương Lưu Bang hợp quân đánh Tần, cùng nhau ước hẹn: ai chiếm được đất Trung Nguyên vào kinh đô Tần là Hàm Dương trước sẽ được thay Tần trị vì thiên hạ. Lưu Bang vào Hàm Dương trước. Tần Nhị Thế là Hồ Hợi đem ngọc tỷ vốn là viên ngọc bích của họ Hòa mà trước kia Tần Thủy Hoàng đã chiếm đoạt của vua Triệu, dâng cho Lưu Bang và quy hàng. Lưu Bang nhận mà tha, nhưng khi Hạng Võ vào Hàm Dương thì lại cho giết Hồ Hợi, chiếm lại ngọc tỷ. Chưa hết! Hạng Võ đã cho đốt cung A Phòng với ba ngàn cung nữ của Tần Thủy Hoàng, cháy ba tháng ngọn lửa vẫn chưa tắt và khi đi tuần đêm nghe quân Tần đã hàng khen Lưu Bang mà chê Hạng Võ, nên Hạng Võ đã cho chôn sống ba vạn quân Tần.

Triệu Đà ngừng nói sau khi một hơi kể tội Sở Bá vương Hạng Võ. Hắn uống luôn hai chung rượu, thở khà một tiếng rõ to rồi tiếp:

- Như thế, Sở Bá vương đã đem lại cho mình cái chết trước khi bị Hán vương Lưu Bang dồn quân vào thế bí ở trại Cai Hạ phải tự sát ở bến Ô Giang.

Nhâm Ngao gật gật cái đầu:

- Thế cờ của Lưu Bang rất cao!

Triệu Đà lại cười lớn:

- Không phải đánh cờ mà đuổi hươu! Hẳn ngài không quên cái câu: Tần thất kỳ lộc, thiên hạ công trục (4)? Nhà Tần đã xổng mất hươu, vậy là Hán bắt được hươu chiếm cả thiên hạ, diệt luôn cả Sở. Còn ta?

(4) Nhà Tần mất hươu, thiên hạ đều đuổi theo. - “Hán thư”.

Nhâm Ngao tròn mắt:

- Ta? Nghĩa là tôi và quan huyện lệnh? - Bỗng tiếng cười vãi ra khặc khặc. - Ta? Dám tranh hùng đuổi hưu với Hán vương Lưu Bang?

Tiếng Triệu Đà đanh lại:

- Không! Ta không cần đuổi hươu ở phương Bắc mà ta phải săn gấu ở phương Nam.

Nhâm Ngao ngồi thẳng người.

- Làm tiếp cái việc của quan thái thú Đồ Thư? Cái đó ta đang làm và là quyền trong tay ta, nếu có săn gấu đuổi hươu chính ta làm việc đó, ông là huyện lệnh dưới quyền sao lại đem chuyện đuổi hươu săn gấu bàn với ta? Cái chết của Đồ Thư với ba vạn quân lính chưa đủ hay sao? - Nhâm Ngao đập tay xuống bàn:

- Việc đó ta lo.

Triệu Đà đứng lên xá Nhâm Ngao.

- Đại quan không dám đuổi hươu như Hán vương Lưu Bang vì đại quan không có một mưu sĩ như Trương Lương, một tướng tài như Hàn Tín cho nên đại quan không thể có áo long bào mà mặc, cỗ long xa mà ngồi. Tôi bàn việc lớn với đại quan tất nhiên không phải có lòng muốn lấn át đại quan.

Nhâm Ngao ngồi lặng yên.

Triệu Đà vẫn đứng chứ không ngồi.

Bỗng Nhâm Ngao quơ rộng tay làm những món ăn trên bàn bị đổ tung tóe. Hắn nhìn Triệu Đà nói gắt:

- Hạng Võ và Lưu Bang cùng đuổi hươu là chuyện không khó vì Tần Nhị Thế là kẻ yếu không thể như Tần Thủy Hoàng. Ngôi hoàng đế của Tần Thủy Hoàng là béo bở như con hươu kia khi vào được đất Hàm Dương. Nhưng điều ta muốn nói là hai kẻ cùng đuổi hươu kia! Quan lệnh thấy đó, đuổi được hươu nghĩa là vào được đất Hàm Dương, chiếm được ngọc tỷ làm ấn tín, nhưng Hạng Võ và Lưu Bang vẫn là hai kẻ luôn hằm hè tìm cách giết hại nhau, lưỡng hổ bất đồng lâm - hai hổ không thể cùng chung sống một rừng. Kết quả là Hạng Võ, kẻ tưởng là thắng lại bị diệt.

Triệu Đà lạnh xương sống. Rõ ràng là Nhâm Ngao muốn ám chỉ giữa hắn và Nhâm Ngao. Quận Nam Hải chỉ có quan úy là Nhâm Ngao nắm quyền, còn quan thái thú Đồ Thư (5) kéo quân đánh chiếm đất Văn Lang mười năm đã thất bại chịu bỏ thây nơi thành Luy Lâu (6) cùng ba vạn quân lính. Nay nhà Hán đã được lập, đất Nam Hải vẫn là đất ngoại di, Nhâm Ngao không thể để cho Triệu Đà đứng bằng chân như vại được. Nghĩa là, Nhâm Ngao đã nói thế - hai hổ cùng rừng - một hổ tất phải bị diệt, như Lưu Bang đã diệt Hạng Võ. Vậy là cái mộng xưng vương ở phương Nam của Nhâm Ngao đã rõ!

(5) Thời đó các chức quan cai trị các châu, quận theo thứ tự sau: đứng đầu bộ máy châu là thứ sử, quận là thái thú. Cấp úy coi về quân sự.

(6) Thành Luy Lâu, nay thuộc vùng Chùa Dâu, huyện Thuận Thành - Bắc Ninh.

Nhưng Triệu Đà đã biết quá rõ về tài và sức của quan úy Nhâm Ngao! Hắn nói:

- Quan úy nghĩ vậy chỉ mới thấy được việc đuổi hươu của phương Bắc mà chưa nghĩ đến cái chuyện săn gấu ở phương Nam. - Triệu Đà đến ngồi nơi ghế đối diện với Nhâm Ngao, nói dằn từng tiếng:

- Nói đuổi hươu là đuổi một con thú hiền lành, tưởng khó nhưng không khó, mà… như quan úy vừa nói, cái chính là giữa hai người cùng săn hươu là Hạng Võ và Lưu Bang. Hai người đó đều đâm trúng hươu, nhưng Lưu Bang lại là người được hưởng và Hạng Võ cuối cùng phải tự sát, nghĩa là bị diệt. Còn săn gấu ở phương Nam? Gấu là con thú dữ, nói đến săn là khác với đuổi. Tần Thủy Hoàng đã giao cho Đồ Thư việc săn gấu đó ở phương Nam, kết quả là Đồ Thư bỏ xác!

Nhâm Ngao bật một tiếng hừm từ cổ họng, mắt nhìn xoáy vào Triệu Đà.

Tiếng Triệu Đà vẫn rành rọt:

- Cho nên việc săn gấu ở phương Nam không phải là chuyện dễ. Tần Thủy Hoàng là người tàn ác, hung hãn nhưng Tần Nhị Thế là kẻ hèn nhát, hoang dâm vô độ và độc ác hơn Tần Thủy Hoàng. Còn con gấu phương Nam thì lại khác. Vua nước Văn Lang, Hùng Vương thứ mười tám, là kẻ nhu nhược, thích của ngon vật lạ không biết giữ nước nên đã phải nhường ngôi vua trị nước cho một tướng tài là Thục Phán, tức An Dương Vương ngày nay. An Dương Vương là người tài, lắm mưu trí, quân tướng đều dũng mạnh như tên Cao Lỗ là người đã giết chết quan thú Đồ Thư ở thành Luy Lâu chả hạn. Tôi đã theo quan thú Đồ Thư dự nhiều trận đánh, nhưng chỉ đến đất Vũ Ninh là phải đóng quân lại không dám tiến. Bọn di hạ đó đúng là những con gấu phương Nam khó trị…

Triệu Đà đứng lên. Tiếng nói của hắn gầm gừ từ miệng thốt ra:

- Ngài vẫn ngồi ở Nam Hải, an bài trong thành Phiên Ngung, chưa hề đặt chân lên đất Lĩnh nam thì thử hỏi làm sao ngài có thể một mình săn nổi con gấu phương Nam đó? Triệu Đà ngừng nói để Nhâm Ngao thấu cái ý sâu mà hắn muốn nêu ra, rồi tiếp:

- Đại quan vừa nói: Việc đó ta lo! Vậy ngài định lo ra sao? Lo đây là lo liệu, toan tính hay là lo sợ, khiếp hãi?

Nhâm Ngao chùn! Y thở hắt ra, cả cái thái độ hùng hùng hổ hổ của y vừa rồi cũng xìu. Y đành dịu giọng:

- Vậy quan huyện lệnh tính sao?

Triệu Đà thưa:

- Tôi chỉ là kẻ trợ thủ của ngài, nguyện vì ngài mà lo tất cả mọi việc săn gấu ở phương Nam đó. Đại quan có mặc long bào, ngồi long xa, lẽ đâu tôi không được cùng hưởng?

Nhâm Ngao lại thở hắt ra:

- Nghĩa là ta chia đôi thiên hạ sau khi chiếm được Lĩnh Nam?

Triệu Đà cười nham hiểm:

- Ôi, chim đại bàng cất cánh thì đâu dễ để một lúc hai con cùng chế ngự bầu trời!

Nhâm Ngao không hiểu:

- Nghĩa là chỉ có mình ngài… Triệu Đà không nói hết ý sau: Hoặc chỉ có mình tôi! Hắn tự kìm lòng đúng lúc, vì Nhâm Ngao đã vội nói:

- Vậy mà ta đã hiểu lầm quan huyện lệnh.

Triệu Đà lại xá Nhâm Ngao, để cho hắn đắc ý.

Lát sau Triệu Đà hạ giọng, tiếng như thì thầm:

- Ba quận phương Nam đất không hẹp, người không ít, tại sao nhân cơ hội Hán vương vừa diệt Sở Bá vương Hạng Võ, Bắc triều chưa thật ổn định ta không hợp nhất ba quận Tượng, Nam Hải và Quế Lâm vào làm một và xưng vương, lập riêng một nước ở cõi Nam này?

- Hán vương sẽ đem quân xuống đánh thì sao, vì đây vẫn là đất xưa của Tần. - Nhâm Ngao ngần ngại nói.

Triệu Đà cười:

- Khi ta xưng vương, nếu Bắc triều kéo quân xuống, việc thuần phục họ để giữ đất đâu có khó. Họ xâu xé nhau lâu rồi, tất cũng muốn nghỉ ngơi xả hơi, lẽ đâu họ không chịu.

Nhâm Ngao gật gật cái đầu:

- Quan huyện lệnh nói nghe được!

- Việc sẽ đến phải đến: Khi ta lập xong một nước riêng, tất phải bắt nước Âu Lạc kia thần phục và sát nhập vào nước ta, không thuận ta cất quân đánh chiếm, dù khó cũng chiếm cho bằng được.

Giọng Nhâm Ngao tin tưởng:

- Việc quân tôi xin phó thác cho… cho ngài tể tướng!

Nhâm Ngao cười khà khà thích thú khi thốt ra được hai tiếng tể tướng coi như chức phong trước cho Triệu Đà.

Tất nhiên con người vốn xảo quyệt và lắm mưu mô như Triệu Đà đâu dễ phản ứng. Hắn chỉ tỏ sự khuất phục Nhâm Ngao bằng cách rót đầy chung rượu đưa hai tay kính cẩn vờ dâng Nhâm Ngao. Bước đầu của một âm mưu lớn của hắn đã thành công. Trước mắt hắn như đã hiển hiện cái đầu của Nhâm Ngao lăn long lóc trên thềm đá khi lưỡi gươm của hắn đưa ngang.