008 - Phần một - VIII

VIII

Tiếng An Dương Vương Thục Phán rành rọt:

- Nước Tần là nước thế nào? Mạnh hay yếu? Rộng hay hẹp? Không mạnh sao diệt được sáu nước, thôn tính cả Đông Chu? Đã thôn tính cả thiên hạ, nước Tần không phải là nước nhỏ? Chỉ một quận của nước Tần cũng có thể sánh bằng hay hơn cả nước Âu Lạc của chúng ta. Thế mà gần mười năm không thể gặm nổi của nước Âu Lạc ta một khoảnh đất nhỏ, không thể thắng nổi dân ta một trận lớn. Chúng đã nối sông Tương ở Hồ Nam với sông Ly ở Quảng Tây để tiện đường thủy lẫn đường bộ kéo xuống phương Nam, dựa vào quân Nam Hải với thái thú Nhâm Ngao và Long Xuyên lệnh Triệu Đà để đánh ta, nhưng thống tướng Đồ Thư đã phải bỏ mạng, nước Tần phải triệt quân.

Tiếng An Dương Vương dồn dập theo hơi thở khi sự hào hứng đã dâng lên trước thắng lợi tự hào:

- Mười năm chống giặc Tần và gần đây khi nhà Tần bị mất về tay Lưu Bang, kẻ lập nên nhà Hán, từ Phiên Ngung, bọn Triệu Đà lại quấy phá nước ta. Khí giặc mạnh, dân Âu Lạc dựa vào núi rừng, ngày đêm lo toan việc cứu nước. Cung tên, rìu xéo, giáo nhọn của ta đã chặn những lần tiến quân của giặc. Ta lấy đêm làm ngày, lấy núi rừng, sông ngòi, hang động làm chỗ dựa, ăn củ mài, đóng khố vỏ cây vẫn giữ được đất Tổ Phong Châu. Nhưng Phong Châu ngày nay không thể là đất giữ nổi giặc khi chúng chiếm đóng cả vùng Vũ Ninh, tràn mãi tận bờ sông Cái. Mà ta thì ở bên này sông, từ ngã Ba Hạc…

An Dương Vương nhấn mạnh từng lời nói:

- Đất cũ của ta từ Tây Vu! Trước đây Lý Ông Trọng đã từng nhắc ta vùng đất Kẻ Loa, Kẻ Vang và ta đã cho khởi công xây thành bấy lâu nay người người đều biết. Việc này ta đã giao cho tả tướng Cao Lỗ và Nồi Hầu. Nay nhân ngày giỗ Tổ vua Hùng, chư tướng và chư quân đều về Nghĩa Lĩnh, ta nhắc lại lời thề khi dựng cột đá buổi đầu ngày Hùng Duệ Vương nghe lời Tản Viên Nguyễn Tuấn nhường ngôi vua cho ta là nguyện đời đời giữ gìn non sông bền vững và trông nom linh miếu họ Hùng

An Dương Vương vừa dứt lời thì tiếng trống đồng dậy lên hưởng ứng cùng tiếng reo hò của quân các bộ và của dân các làng hành hương về dự ngày giỗ Tổ vua Hùng.

An Dương Vương rót rượu mừng mọi người thứ rượu mộng ướp hương sen của vùng Thụy Chương, Long Đỗ. Rượu ngà ngà say, vua Chủ đặt bát xuống nhìn mọi người, bắt gặp đôi mắt con gái út Mỵ Châu đang cùng nữ lệ Bé Hà đứng sát bên nhau nhìn về phía ông. Ông vẫy tay gọi Mỵ Châu lại gần:

- Con gái ta mau lớn quá! Bà mế Nam Cường nuôi giỏi thật, lánh giặc trên vùng ngược, ăn củ mài củ sắn mà cứ lớn phổng ra…

Cách nói bộc trực của vua cha làm Mỵ Châu đỏ mặt, nhưng mọi người lại thích thú. Mỵ Châu lúng túng… Chính lúc đó có tiếng reo từ ngoài xa:

- Khách từ phương Nam ra!

Mọi người hướng về mấy người đang bước lên các bậc thềm gạch đất nung đi tới.

Vua Chủ không kìm được lòng khi thấy một người tóc hoa râm để xõa, có cắm mấy lông chim hạc phía trên trán đang sải chân bước về phía nhà Đại bái. Dáng khỏe mạnh, nước da đỏ hồng, dường như không chút mệt nhọc sau chặng đường đi xa. Ông ta bận một chiếc áo ngắn thân, hở nách, lưng quấn một dải khố màu. Cổ và tay chân đều đeo vòng đồng ống. Lưng đeo cung tên, tay cầm một cái rìu xéo cán dài có chạm trổ.

Vua Chủ vội bước ra đón khách:

- Người Rào Rum - Ngàn Hống!

Tù trưởng Mường Vạc - Mường Bồi (31), ôi đất xưa của những người khổng lồ, đất từ đó Long Nữ gặp Kinh Dương Vương! Đi sau tù trưởng Mường Vạc là bốn chàng trai không đóng khố mà bận áo vải chàm rộng tay, quần trắng rộng ống, có thắt lưng khóa đồng to bản cùng bốn cô gái đầu chít khăn màu, bận váy đen thêu hoa, dây lưng dài chấm đất. Cả tám người đều đeo vòng ống ở cánh tay, cổ tay có gắn những lục lạc nhỏ bằng đồng. Bốn chàng trai khiêng hai trống đồng khá lớn, tang trống chạm hình chim lạc đang bay và chim đậu cùng những vòng người chèo thuyền được cách điệu vừa khỏe vừa duyên dáng.

(31) Vùng đất thuộc huyện Nghĩa Đàn, trên sông Hiếu hiện nay, có đường cổ xưa, phía bắc ra Thanh Hóa qua làng Mực, Chuối, phía nam theo sông Hiếu, một chi lưu tả ngạn sông Lam (Rào Rum) - và huyện Anh Sơn rồi lên huyện Con Cuông, miền tây Nghệ An cũ; phía dưới xuống Trại Ổi, huyện Quỳnh Lưu rồi theo ven biển vào Diễn Châu đến khu vực núi Mộ Dạ.

Bốn cô gái mang toàn đồ gốm: một cái nồi to đáy tròn cổ cao và loe cùng mấy cái bình cổ khá cao có vai vẽ hình và tô màu vàng, màu thổ hoàng (son đỏ). Trên vai bình có trang trí một đường kẻ màu đen ánh chì chạy tròn bao quanh cổ bình.

An Dương Vương vui vẻ đón khách:

- Từ làng Vạc ra? Mang gì mà nhiều thế?

Tù trưởng Mường Vạc xá vua Chủ và Cao Lỗ, Nồi Hầu cùng mọi lạc tướng, lạc hầu rồi nói, giọng oang oang:

- Choa ra chậm, xin vua Chủ và chư tướng xá cho. - Ông cười lớn. - Mang chi nhiều, chút ít lễ vật quê hương của người Ngàn Hống đó thôi.

Tiếng choa tự xưng của người Ngàn Hống - Rào Rum như vỡ ra từ cửa miệng, gây một âm thanh vang dội từ lồng ngực, tạo một thái độ tự hào làm mọi người thích thú.

Vua Chủ vui vẻ mời khách phương Nam ngồi rồi nói:

- Của ít lòng nhiều, quý hóa biết bao nhiêu. Trống đồng, rìu đồng có chuôi đuôi cá là đặc sản làng Vạc mang từ trong đó ra dâng lễ, vậy còn chuông đồng đen ông Đùng đúc sao không mang ra nốt?

Mọi người cười ran. Nồi Hầu ngắm nghía cái nồi đất nung đỏ tỏ vẻ khâm phục, nghe vua Chủ hỏi tù trưởng Mường Vạc như vậy liền nói thêm vào:

- Ừ, cái chuông đồng đen mà thuở xưa ông Đùng qua chữa bệnh cho con gái vua bên Trung Nguyên khỏi bệnh, được thưởng chuông, vàng bạc châu báu không lấy, chỉ vơ vét đồng đen để đúc sao không mang ra để đánh lên gọi vàng bạc châu báu tụ về đây?

Tướng Cao Lỗ cũng gật đầu tán thưởng:

- Đồng đen là mẹ vàng mà! Mẹ gọi, con là vàng đang ngủ trong đất đều giật mình tỉnh dậy tìm về với mẹ mà.

Tù trưởng Mường Vạc cười ha hả khi thấy mọi người đón tiếp mình niềm nở, nhiệt tình. Ông bỏ miếng trầu vào miệng, nhai cho giập rồi đáp:

- Ôi, đó là chuyện xa xưa từ thuở mới dựng trời mở đất.

- Nhưng nghe nói trên Ngàn Hống nhà ông bây giờ vẫn còn dấu tích lò rèn của ông Đùng với lại những tảng đá lớn như núi gọi là Đá Đa, Đá Búa cơ mà…

- Ừ, thì… còn! Choa biết, nhưng cái chuông thì nghe nói lặn đi mô mất, nay chỉ còn con cháu ông Cao Sơn giỏi nghề rèn, đúc được lưỡi cày đồng ở Rú Trăn, Rú Nhóm (32), còn Mường Vạc choa chỉ có mấy thứ ni…

(32) Rú Trăn, Rú Nhóm (hay núi Nhóm) nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ Tĩnh.

Tù trưởng Mường Vạc vừa nói vừa giơ cao ngọn rìu xéo chuôi hình đuôi cá có hoa văn hình rẽ quạt và một lưỡi dao găm bằng đồng có cán đúc hình hai con rắn quấn vào nhau, một con có mào, một con không. Miệng con rắn có mào ngậm hai chân sau một con voi trên lưng có bành lót trên một tấm da như da cọp, còn miệng con rắn kia ngậm hai chân trước của con voi.

Mọi người trầm trồ về kỹ thuật đúc đồng tinh xảo của Mường Vạc. Có người kể:

- Cán hình rắn nuốt voi! Rắn bây giờ nhỏ chứ rắn thời ông Đùng to hơn voi gấp bội. Thuở đó, rắn nuốt nổi voi mà! Nay làng Vạc đúc chuôi dao rắn nuốt voi là để nhắc thuở ông Đùng khổng lồ đó…

- Bây giờ voi lại là con to nhất!

- Chứ thuở ấy hạt thóc cũng to hơn cả bàn tay xòe ra thì sao?

An Dương Vương để cho mọi người xem chán rồi nói:

- Đất Ngàn Hống - Rào Rum là vậy đó! Nghề rèn trong đó có thua gì nghề rèn ở Đa Nội, Văn Chàng ngoài này (33).

(33) Đa Nội: thuộc Hà Bắc, Văn Chàng thuộc Nam Định. Văn Chàng và Trung Lương cũng là tên hai làng rèn nổi tiếng ở Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Tù trưởng Mường Vạc ngạc nhiên:

- Ơ! Văn Chàng, phía sông La của Ngàn Hống chứ mô phải ngoài ni!

Cao Lỗ gật đầu:

- Thì hai nơi cùng một tên vì cùng một ông Tổ nghề rèn nhà ta là ông Cao Sơn cả đó mà.

Lát sau, vua Chủ hỏi riêng tù trưởng Mường Vạc:

- Ông trong đó ra đi, có biết việc xây thành ở Hồ Păng, gần Kẻ Bọn, đến đâu rồi không? Ngoài này, ta đang cho xây thành ốc ở Kẻ Loa, nhưng đã mấy năm rồi chưa xong.

Tù trưởng Mường Vạc không trả lời câu hỏi của vua Chủ mà hỏi lại:

- Vậy là vua Chủ cho dời đô về Tây Vu?

- Thì việc đã rõ ràng là thế khi ta đã cho xây thành Loa. Sau giỗ Tổ Hùng Vương, ta sẽ về đó. Trước kia, khi còn đánh giặc Tần, ta có gả một mỵ nương của ta cho chúa đất Mường Pha, khi ông ta lấy quân giữ Ngàn Hống - Rào Rum giúp ta ở vùng đất phía nam. Ta có bàn với ông ta xây một thành đất gần Kẻ Bọn, phía Mường Pha và lấy quân Ngàn Hống - Rào Rum để giữ đất, nếu giặc ngoài biển tràn vào phía đó.

Tù trưởng Mường Vạc cười qua tiếng nói thì thầm:

- Thưa, xong rồi! Nhưng cái ông đó đã chết, người con lên thay đang giữ đất, giữ thành…

Vua Chủ bùi ngùi:

- Vậy mà không báo cho ta biết! Còn con gái ta?

- Thưa, cũng không còn nữa! Nghe đâu bà ấy hóa rồng. Còn thành trì, xin vua Chủ an lòng! Bầy choa trong đó tự lo liệu được hết! Đất Ngàn Hống - Rào Rum không phải là đất dễ dàng để cho giặc đến.

Tiếng vua Chủ cảm động:

- Ta tin bà con trong đó. Hồi gả con gái ta cho chúa Mường Pha, ta có về Ngàn Hống - Rào Rum, đến vùng Con Cuông (34) rồi xuống vùng biển, xuống mãi Cồn Đất (35) rồi vào La Nham, cửa Lò, cửa Hội (36). Ta có bàn với mấy chúa các bộ lạc trong đó về việc xây thành giữ nước, lúc đó có ông. Nay chúa Mường Pha không còn nữa, ta tin cậy ở ông.

(34) Con Cuông, tiếng địa phương, tức con Công. Nay là một huyện miền tây Nghệ An giáp giới huyện Nghĩa Đàn phía ngoài và huyện Anh Sơn (Đô Lương) phía trong.

(35) Cồn Đất thuộc huyện Quỳnh Lưu.

(36) La Nham cuối huyện Diễn Châu, đầu huyện Nghi Lộc.

Tiếng tù trưởng Mường Vạc trầm hẳn xuống:

- Thì bầy choa đã nói rồi, vua Chủ khỏi lo. Cái thành xây ngoài ni đặt tên chi chưa, xây trên đất Kẻ Loa thì cứ gọi là thành Loa. Trong đó, thành tuy nhỏ hơn xin cứ cho gọi cũng là thành Loa, vua Chủ ưng cái bụng không?

- Cái đó tùy ông, tùy bà con trong đó. Đất Ngàn Hống - Rào Rum là đất sinh ra bà Long Nữ, ôi quê mẹ, công ơn sâu rộng nào ta có quên! (37)

(37) Ngàn Hống - Rào Rum nằm trong hai bộ Hoài Hoan của cội nguồn dân tộc, phía nam là bộ Việt Thường (Quảng Bình - Quảng Trị cũ) trong 15 bộ thuộc nước Văn Lang các vua Hùng, với di chỉ Bầu Tró - Cồn Nền (Quảng Bình).