Ông Già Và Biển Cả - Chương 07
Chương 7
Bàn tay phải nắm chặt
sợi dây, đùi lão kẹp lấy bàn tay khi lão dồn hết sức nặng tựa vào mạn thuyền.
Rồi lão đẩy sợi dây trên lưng xuống thấp một tí và quàng tay trái qua giữ lấy.
Tay phải của mình có thể giữ chắc sợi dây cho đến khi nó còn nắm chặt, lão
nghĩ. Nếu trong lúc ngủ nó buông sợi dây ra thì tay trái sẽ đánh thức mình dậy.
Tay phải sẽ chịu khổ đấy. Nhưng nó đã quen chịu đựng rồi. Dẫu cho mình có ngủ
hai mươi phút hay nửa tiếng thì nó cũng không sao. Nằm quắp người tới trước,
dồn hết trọng lượng cơ thể đè lên sợi dây, lên bàn tay phải, lão chìm vào giấc
ngủ. Lão không mơ về sư tử, thay vào đó là đàn cá heo đông như kiến cỏ, trải
dài tám đến mười dặm; đấy là mùa chúng giao phối, nhảy lên và rơi xuống đúng
điểm nhảy trên mặt nước. Rồi lão mơ, lão đang ở làng, đang trên giường, gió bấc
thổi làm lão lạnh cóng, cánh tay phải của lão tê buốt vì lão đã gối đầu lên
thay gối. Sau đó lão bắt đầu mơ về bãi cát dài vàng rực, lão thấy con sư tử đầu
tiên bước ra trong bóng tối chập choạng rồi tiếp đó là những con khác, còn lão
thì tựa lên mạn con tàu đang thả neo trong làn gió nhẹ buổi tối từ đất liền
thổi đến; lão cứ đợi xem thử còn có thêm con nào nữa không, lão hạnh phúc.
Trăng mọc đã lâu mà lão vẫn ngủ vùi, con cá vẫn lững thững kéo, còn con thuyền
thì chui vào đường hầm mây. Lão choàng tỉnh bởi cú đập từ nắm tay phải va vào
mặt, sợi dây bỏng rát trong lòng bàn tay phải. Lão không có cảm giác về bàn tay
trái nhưng đã dồn hết sức lên tay phải, hãm sợi dây khi bị kéo đi. Cuối cùng
tay trái lão cũng đã tìm thấy sợi dây, lão oằn người ra giữ và bây giờ lưng và
bàn tay trái lão bị sợi dây làm bỏng rát; độ căng dồn lên bàn tay trái, cắt nát
nó. Lão nhìn lại mấy cuộn dây và thấy nó nhẹ nhàng tuôn ra.
Đúng lúc ấy, con cá
nhảy lên, xé toang một mảng đại dương rồi rơi ầm xuống. Nó cứ tiếp tục nhảy,
con thuyền lao đi vùn vụt mặc dù dây vẫn không ngừng tuôn ra; ông lão cứ tiến
đến điểm sắp đứt, làm chùng xuống rồi cứ lặp đi lặp lại. Rốt cuộc lão bị kéo
sập xuống mũi thuyền, mặt đập vào chỗ thịt cá dorado và nằm bất động. Đây là những
gì ta chờ đợi, lão nghĩ. Vậy thì ta hãy nhận ngay đi. Bắt nó trả sợi dây, lão
nghĩ. Bắt nó trả sợi dây. Lão không thể nhìn thấy những cú nhảy của con cá mà
chỉ nghe thấy tiếng rách của đại dương và tiếng đập xuống nặng nề khi con cá
rơi. Tốc độ của sợi dây đang cứa nát hai bàn tay lão nhưng do lường trước được
chuyện này sẽ xảy ra nên lão đã cố giữ sợi dây lướt trên vùng chai sần, không
để nó tuồn qua lòng bàn tay hay cứa đứt mấy ngón tay. Nếu thằng bé ở đây thì nó
sẽ thấm ướt mấy cuộn dây, lão nghĩ. Đúng đấy. Nếu thằng bé ở đây. Nếu thằng bé
ở đây. Sợi dây cứ tuồn, tuồn, tuồn ra mãi nhưng giờ thì nó chậm dần và lão chỉ
để con cá nhích, nhích dần từng tí một. Lúc này lão đã ngẩng đầu lên khỏi tấm
ván và miếng cá mà lão đã đập má vào. Lão quù gối
rồi từ từ đứng lên. Lão đang tiếp tục nới thêm dây nhưng luôn giữ cho chậm hơn.
Lão lần lại nơi lão có thể đưa chân sờ được cuộn dây mà mắt lão không nhìn
thấy. Vẫn còn nhiều dây và bây giờ con cá phải đeo thêm cái gánh nặng của cả số
dây vừa mới bị kéo chìm xuống nước.
Phải đấy, lão nghĩ. Đến
giờ nó đã nhảy hơn mười hai lần và đã lùa đẩy không khí vào những chiếc túi dọc
lưng nó; nó không thể lặn xuống sâu mà chết ở nơi mình không thể kéo lên. Chốc
nữa nó sẽ bắt đầu lượn vòng và lúc ấy mình sẽ ra tay. Mình không rõ chuyện gì
làm nó bất thình lình giật mình như vậy... Có phải cơn đói khiến nó liều mạng
hay là đêm tối có cái gì làm nó sợ hãi... Có lẽ đột nhiên nó cảm thấy sợ. Nhưng
nó là con cá điềm tĩnh, khỏe mạnh cực kỳ cơ mà, như thể nó chẳng biết sợ là gì
và rất tự tin. Lạ thật.
“Tốt hơn là mày không
được sợ và hãy tự tin”, lão nói.
“Mày đã kìm được nó
nhưng chẳng thu về được tí dây nào. Chẳng mấy nữa con cá sẽ lượn vòng.” Bây giờ
ông lão dùng tay trái và vai giữ con cá rồi cúi người đưa bàn tay phải vốc nước
rửa chỗ cá dính trên mặt. Lão sợ mùi cá khiến lão buồn nôn và khi nôn thì lão
mất sức. Khi mặt đã sạch, lão rửa bàn tay phải bên mạn thuyền rồi ngâm nó trong
làn nước mặn trong lúc dõi theo tia nắng đầu tiên hắt lên từ phía mặt trời mọc.
Con cá gần như bơi về hướng Đông, lão nghĩ. Đấy là dấu hiệu chứng tỏ nó đã thấm
mệt, phải xuôi theo dòng nước. Chốc nữa nó sẽ phải lượn vòng. Khi ấy công việc
của chúng ta mới thực sự bắt đầu. Sau khi nghĩ bàn tay phải đã ngâm lâu trong
nước, lão nhấc lên quan sát.
“Cũng không đến nỗi
tồi”, lão nói.
“Và nỗi đau nhức thì
chẳng hề gì đối với một người đàn ông.” Lão thận trọng nắm sợi dây để nó không
lọt xuống những đường vừa bị cứa và di chuyển người để bàn tay trái có thể
nhúng xuống nước bên phía mạn thuyền kia.
“Kể ra mày cũng được
việc đấy”, lão nói với bàn tay trái.
“Nhưng có lúc tao đã
không tìm thấy mày.” Tại sao ta không được sinh ra với hai bàn tay khỏe? Lão
nghĩ. Có lẽ đấy là lỗi của ta vì ta không chịu tập luyện đúng cách. Nhưng Chúa
biết nó có đủ cơ hội để học hỏi. Dẫu sao tối qua nó cũng không đến nỗi quá tồi.
Nếu nó lại bị chuột rút thì ta cứ để sợi dây cắt phăng nó đi. Khi nghĩ như thế,
lão biết đầu lão không còn minh mẫn nữa và lão nghĩ nên ăn thêm ít thịt cá
dorado. Nhưng mình không thể, lão tự nhủ. Thà rằng hơi váng đầu một chút còn
hơn là bị xuống sức do nôn. Kể từ lúc mặt mình vùi vào đó, mình biết mình chẳng
kiềm được nôn nếu mình ăn chỗ cá ấy. Mình sẽ để đấy đến lúc thật cần thiết dẫu
cho nó có hỏng thì thôi. Bây giờ đã quá muộn để giữ gìn sức khỏe dẫu cho đấy có
là chất bổ dưỡng gì đi nữa. Mày thật ngốc, lão tự mắng. Ăn ngay con cá chuồn kia đi. Con cá nằm đó, sạch sẽ
và sẵn sàng; lão đưa tay phải nhặt lên, nhai xương thật cẩn thận, ăn hết, từ
đầu đến tận đuôi. Thịt cá chuồn nhiều đạm hơn nhiều loài cá khác, lão nghĩ. Chí
ít thì cũng giúp mình phục hồi sức đến mức cần thiết. Giờ thì mình đã làm xong
những việc có thể, lão nghĩ. Nó cứ lượn vòng đi và trận đấu hãy bắt đầu. Mặt
trời đang mọc lên lần thứ ba kể từ lúc lão ra khơi thì con cá bắt đầu lượn
vòng. Lão chưa thể nhìn độ nghiêng của sợi dây để biết con cá đang bơi tròn.
Hãy còn quá sớm cho điều đó. Lão chỉ cảm nhận áp lực của sợi dây hơi chùng lại
và dùng tay phải, lão nhẹ nhàng kéo vào. Sợi dây chững lại, như mọi khi, nhưng
lão kéo đến điểm sắp đứt thì sợi dây bắt đầu thu vào. Lão lách vai và đầu ra
khỏi sợi dây và bắt đầu từ từ kéo nhịp nhàng. Lão dùng cả hai tay, lắc người,
dồn hết lực của cả cơ thể, của chân trụ ra mà kéo. Đôi chân già nua và vai lão
bắt nhịp với mỗi cử động qua lại của đôi tay.
“Vòng tròn rất lớn”,
lão nói.
“Nhưng con cá đã quay
tròn.” Rồi sợi dây không nhích thêm tí nào nữa, lão kéo cho tới lúc lão thấy
trong ánh nắng, những giọt nước từ sợi dây bắn ra. Thế rồi sợi dây bị kéo
xuống, ông lão quỳ gối để nó lao hút trở lại vào trong vùng nước tối.
“Bây giờ nó đang lượn
đến chỗ xa nhất của vòng tròn rồi đấy”, lão nói. Mình phải dốc sức ra mà níu
lại, lão nghĩ. Độ căng sẽ dần thu hẹp các vòng lượn. Có lẽ độ tiếng nữa mình sẽ
nhìn thấy nó. Bây giờ mình phải khuất phục nó rồi sau đó mình phải giết nó.
Nhưng con cá vẫn chậm rãi lượn vòng và hai giờ sau mồ hôi ướt đẫm người ông
lão, lão mệt đến tận xương. Bây giờ vòng tròn đã hẹp hơn nhiều; nhìn độ chếch
của sợi dây lão có thể biết con cá dần ngoi lên trong lúc bơi. Ông lão thấy hoa
mắt suốt cả tiếng đồng hồ, mồ hôi làm mắt lão cay xè, vết cắt trên trán và mắt
lão ran rát. Lão không ngại chuyện hoa mắt. Chứng ấy bình thường khi cứ phải
căng người ra mà kéo sợi dây. Nhưng đã hai lần lão cảm thấy chóng mặt và choáng
váng; điều ấy khiến lão sợ.
“Ta không thể lả người
chết vì một con cá như thế này được”, lão nói.
“Bây giờ là lúc ta đưa
nó lên một cách thật hoàn hảo, Chúa giúp ta chịu đựng. Ta sẽ đọc một trăm lần
kinh lạy Cha và một trăm lần kinh Mừng Đức Mẹ. Nhưng lúc này thì ta chưa thể.”
Cứ xem như mình đã hứa, lão nghĩ. Mình sẽ đọc sau vậy. Đúng lúc đó lão cảm thấy
sợi dây nảy mạnh, đột ngột; lão dùng cả hai tay giữ. Sợi dây nặng nề, nghiến
mạnh, bỏng rát. Lưỡi kiếm của con cá đang quật vào đoạn dây thép đáy, lão nghĩ.
Chuyện ấy tất xảy ra. Nó phải làm như thế. Nhưng điều đó sẽ làm con cá nhảy
lên, bây giờ mình muốn nó hãy lượn vòng đi thôi. Những cú nhảy cũng cần để nó
chứa đầy không khí. Nhưng sau mỗi lần nhảy, chỗ lưỡi câu móc vào sẽ bị rộng hơn
rồi nó có thể hất văng ra.
“Đừng nhảy, cá”, lão
nói.
“Đừng nhảy.” Con cá
quật sợi dây thêm vài lần nữa và cứ mỗi lần nó văng đầu, ông lão lại nới thêm
chút dây. Mình phải giữ cho nó đừng đau quá, lão nghĩ. Nỗi đau của ta thì không
thành vấn đề. Ta có thể chế ngự. Nhưng nỗi đau của con cá thì có thể khiến nó
cuồng lên. Lát sau, con cá không quật dây đáy nữa và bắt đầu lại lượn vòng chầm
chậm. Bây giờ ông lão thong thả thu dây. Nhưng lão lại cảm thấy choáng váng.
Lão đưa tay trái vốc ít nước biển vỗ lên đầu. Rồi lão tiếp tục vỗ thêm, xoa cả
xuống gáy.
“Ta không để bị chuột
rút”, lão nói.
“Chốc nữa nó sẽ ngoi
lên và ta có thể cầm cự. Mày phải cầm cự. Chớ có nói lằng nhằng.” Lão tì gối
vào mạn thuyền một lúc rồi lại quàng sợi dây lên lưng. Bây giờ mình sẽ nghỉ một
lát trong lúc nó mải lượn vòng dưới kia rồi khi nó ngoi lên mình sẽ đứng dậy
chiến đấu, lão quyết định. Được nghỉ ngơi ở đằng mũi thuyền, để mặc con cá bơi
vòng mà không phải kéo dây thì quả thật là cám dỗ quá mức. Nhưng khi độ căng
của sợi dây cho thấy con cá quay về phía thuyền, ông lão nhổm người dậy, xoay,
lắc người dốc sức kéo sợi dây vào. Chưa bao giờ mình mệt như thế này, lão nghĩ,
bây giờ gió mậu dịch đang nổi lên. Hướng gió thuận lợi để đưa con cá vào bờ.
Mình rất cần thứ gió này.
“Lát nữa nó lượn ra, ta
sẽ nghỉ”, lão nói.
“Ta cảm thấy đỡ hơn
nhiều. Chỉ hai ba vòng nữa thôi thì ta sẽ giáp mặt với nó.” Chiếc mũ rơm của
lão trật ra sau gáy, để ý sức kéo của sợi dây, khi cảm thấy con cá lượn lại,
lão ngồi xuống mũi thuyền. Bây giờ mày cứ lượn đi, cá, lão nghĩ. Tao sẽ đợi khi
mày quay lại. Biển dậy sóng. Nhưng gió ấy chỉ xuất hiện vào những lúc thời tiết
tốt và lão cần nó để trở về đất liền.
“Ta chỉ việc lái theo
hướng Tây Nam”, lão nói.
“Người ta không bao giờ
lạc trên biển và xứ sở của mình lại là một hòn đảo dài.” Đến vòng thứ ba, lão
thoáng thấy con cá. Thoạt tiên lão thấy một cái bóng đen trùi trũi vượt dài qua
dưới con thuyền, đến mức lão không thể tin nổi độ dài của nó.
“Không”, lão nói.
“Nó không thể lớn như
thế được.” Nhưng đúng là con cá lớn như thế và đến cuối đường vòng, chỉ cách
chừng hai lăm mét, nó trồi lên và lão nom thấy cái đuôi nhô lên khỏi mặt nước.
Cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương
xanh thẫm. Nó lại lặn xuống và khi con cá hãy còn mấp mé mặt nước, ông lão có
thể nhìn thấy thân hình đồ sộ và những sọc tím sẫm trên mình nó. Cánh vi trên
lưng xếp lại, còn bộ vây to lớn bên sườn đang xòe rộng. Lần lượn này, ông lão
có thể nhìn thấy mắt con cá và cả hai con cá chét xám bơi bên cạnh. Thỉnh
thoảng hai con cá này rúc vào mình nó. Rồi có lúc chúng dạt ra. Chốc chốc chúng nhẹ nhàng bơi trong bóng của
con cá lớn. Mỗi con dài cả thước và khi bơi nhanh, chúng vặn vẹo toàn thân như
thể loài lươn. Bây giờ ông lão đang toát mồ hôi đầm đìa nhưng không phải vì mặt
trời mà là vì một nguyên nhân khác.
Cứ mỗi vòng bơi bình
lặng của con cá thì lão lại thu dây vào và lão chắc chỉ chừng hai vòng nữa thôi
thì lão sẽ có cơ hội phóng lao vào nó. Nhưng mình phải để nó đến gần, gần, thật
gần, lão nghĩ. Mình không cần nhằm vào đầu. Mình phải nhằm thẳng vào tim.
“Hãy bình tĩnh và giữ
sức, lão già ạ”, lão nói. Vòng lượn tiếp theo, lưng con cá đã nhô lên nhưng hãy
còn khá xa thuyền. Vòng tiếp theo đó, nó vẫn ở xa nhưng đã nhô mình lên cao hơn
và ông lão tin chắc rằng nếu thu thêm dây thì con cá sẽ cặp sát thuyền. Lão đã
chuẩn bị mũi lão trước đấy khá lâu; cuộn dây nhỏ của nó để trong cái xô tròn và
một đầu dây đã được buộc vào cái mấu ở mũi thuyền. Bây giờ con cá lại tiếp tục
lượn theo vòng tròn của nó, chỉ có cái đuôi đồ sộ cử động, trông điềm tĩnh và
tuyệt đẹp. Ông lão dốc hết sức ra kéo con cá vào gần hơn. Con cá khẽ nghiêng
mình trong chốc lát. Rồi trở mình thẳng dậy và bắt đầu lượn thêm vòng nữa.
“Ta đã điều khiển nó”,
ông lão nói.
“Ta đã điều khiển được
nó rồi.” Lúc này lão thấy xây xẩm mặt mày nhưng vẫn gượng hết sức bình sinh ra
mà kéo. Mình khuất phục được nó, lão nghĩ. Có lẽ lần này mình sẽ cho nó đi đứt.
Kéo đi, tay ơi, lão thầm giục. Hãy đứng vững, đôi chân kia. Tỉnh táo vì tao,
đầu à. Hãy tỉnh táo vì tao. Bọn mày chưa bao giờ bại trận. Lần này ta sẽ khử
nó. Nhưng khi lão tập trung hết sức lực, chuẩn bị dốc kiệt ra trước khi con cá
bơi song song với mạn thuyền thì con cá chao mình tránh ra, lật thẳng người lên
bơi đi.
“Cá ơi”, ông lão nói.
“Cá này, dẫu sao thì
mày cũng sẽ chết. Mày muốn tao cùng chết nữa à?” Cứ cái đà này thì không ổn
rồi, lão nghĩ. Miệng lão khô khốc không thể nói nổi, nhưng lúc này lão không
thể với lấy chai nước. Lần này mình phải kéo nó cặp mạn, lão nghĩ. Cứ thêm vài
vòng nữa thì mình sẽ đuối sức. Không, mày khỏe, lão tự nhủ. Mày sẽ luôn khỏe.
Vòng lượn tiếp theo,
lão gần như kìm được con cá. Nhưng lần nữa nó lại lách mình, từ từ bơi ra xa.
Mày đang giết tao, cá à, ông lão nghĩ. Nhưng mày có quáền làm như thế. Tao chưa
bao giờ thấy bất kỳ ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày,
người anh em ạ. Hãy đến và giết ta đi. Ta không quan tâm chuyện ai giết ai. Giờ
thì đầu óc mày đang lú lẫn lên hết cả rồi, lão nghĩ. Mày phải giữ đầu óc tỉnh
táo. Hãy giữ đầu óc tỉnh táo và biết cách chịu đựng như một con người. Hay như
một con cá, lão nghĩ.
“Đầu ơi, hãy tỉnh táo”,
lão nói bằng giọng mà bản thân hầu như không còn nghe nổi.
“Hãy tỉnh táo.”