Khách qua đường vội vã (Tập 2) - Ngoại truyện 04 - Phần 1

Ngoại truyện 4: Thanh mai trúc mã

Năm 1988

Cơ quan cha hàng năm đều có chương trình đáng ghét tên là “Liên hoan gia đình vui vẻ”, hàng năm tôi đều bị họ coi như búp bê lừa đến vừa hát vừa nhảy như trò hề. Năm nay may mà Trình Thiếu Thần cá cược thua với tôi, cho nên cậu ấy không thể không cùng tôi diễn. Cậu ấy đàn piano, tôi kéo violon.

Tôi vẫn kém cỏi như trước, vừa bắt đầu diễn đã mắc lỗi. Lần này vừa lạc nhịp vừa quên nhạc, may mà Thiếu Thần lanh lợi ngẫu hứng biến tấu, giúp tôi che đậy mỗi chỗ sai. Sau việc đó còn có người khen chúng tôi trình bày rất mới mẻ.

Chỉ là không tránh khỏi lại bị Thiếu Thần khinh thường triệt để. Kệ cậu ấy chứ, lúc tập luyện vì kéo theo cậu ấy, đã bị cậu ấy khinh thường vô số lần rồi.

Anh Thiếu Khang cũng đến rồi. Trước khi tôi lên sân khấu, anh xoa đầu tôi nói: “Đừng lo, có thể phát huy tám mươi phần trăm trình độ lúc tập luyện là được.”

Vì câu nói khích lệ này của anh, tôi miễn cưỡng phát huy đến tám mươi mốt phần trăm.

Tôi biết anh đến xem Thiếu Thần biểu diễn, nhưng tôi giả vờ anh đặc biệt đến là vì tôi.

Biểu diễn kết thúc, lúc tôi thay quần áo nghe thấy mẹ và cô Tiêu nói chuyện bên ngoài.

Cô Tiêu nói: “Hai đứa trẻ này phối hợp thật ăn ý.”

Mẹ nói: “Hai đứa từ nhỏ tình cảm đã tốt. Chị Tiêu, nếu sau này hai nhà chúng ta thành thông gia thật quá tốt.”

“Ừ, biết rõ nguồn gốc luôn tốt. Mong là như thế, tụi trẻ bây giờ vẫn còn nhỏ.”

Người lớn thật buồn cười. Tôi và Thiếu Thần là anh em tốt thật sự, là quan hệ bạn bè triệt để loại bỏ sự khác biệt nam nữ. Tại sao họ luôn ghép đôi lung tung cho chúng tôi, mà chưa từng ghép tôi với anh Thiếu Khanh chứ?

Sau này tôi lấy đó làm chuyện cười kể cho Thiếu Thần nghe, cậu ta “Ồ” một tiếng: “Nếu sau này cậu không lấy được chồng, tớ làm chút việc thiện cũng không phải không được.”

“Xì, tớ mới không thèm lấy cậu ấy. Tớ thích anh Thiếu Khanh, kiểu con trai vừa chín chắn vừa vững vàng khiến người khác có cảm giác an toàn.”

Trình Thiếu Thần quan sát tôi một lát: “Vậy từ bây giờ cậu phải tranh thủ thời gian cải tạo bề ngoài, hành động, khí chất, nội tâm. Anh tôi không thích kiểu như cậu bây giờ.”

Tôi tức giận: “Cậu nói lung tung, anh Thiếu Khanh rõ ràng rất thích tớ.”

“Anh ấy coi cậu như em gái. Mục tiêu đầu tiên của cậu chẳng lẽ không phải là làm bạn gái anh ấy sao?”

Thế là, kế hoạch tự mình cải tạo khí chất dịu dàng thanh nhã của tôi bắt đầu từ ngày hôm đó. Tuy không thành công lắm, nhưng tôi luôn rất cố gắng.

Năm 1990

Sau khi tôi viết xong đáp án của câu hỏi cuối cùng trong bài tự kiểm tra Số học, Trình Thiếu Thần cũng đúng lúc diệt nốt con quỷ mạnh nhất trên màn hình. Cậu ta dùng nửa tiếng đồng hồ đã chơi hết trò chơi điện tử mà tôi chơi một tháng vẫn dừng ở level 5.

Thế giới này chính là bất công như thế. Ví dụ, trước đây chúng tôi học nhạc cụ, thời gian cậu ta tập luyện hằng ngày không bằng một nửa tôi, ngoài violon luôn kéo hay hơn tôi, còn học hơn tôi piano. Ví dụ nữa, hôm nay cậu ta dùng bốn mươi lăm phút làm xong bài kiểm tra với điểm tuyệt đối, tôi làm một tiếng rưỡi, còn sai một đống.

Mỗi lần sắp đến kỳ thi, chúng tôi đều cùng làm bài tập ở nhà cậu ta, thuận tiện hỏi bài bất cứ lúc nào, ví dụ như bây giờ.

“Thiếu Thần, Thiếu Thần, tại sao câu ba số nghịch đảo tớ tính ba lần đáp án đều là 35, mà đáp án chuẩn là 3?”

“Bước thứ tư số nghịch đảo cậu lại làm sai công thức rồi.”

“Ôi, đúng thật. Cậu không nhìn sao biết được?”

Thiếu Thần lườm tôi một cái, tôi giả vờ không thấy.

“Có thể giảng giúp tớ câu cuối không? Các bước cậu viết tớ đọc không hiểu.”

“Đại tiểu thư, kiểu bài như vậy tôi giảng cho cậu hơn bốn lần rồi.”

“Nhưng tớ vẫn không hiểu.”

Thiếu Thần làm ra vẻ “mình thật sự không chịu nổi cậu”, đứng dậy nói: “Tôi không dạy nổi đồ ngốc như cậu, tôi đi xem anh hai có rảnh không?”

Cậu ta quay lại rất nhanh: “Anh hai bảo cậu qua đó.”

Còn mấy ngày nữa là anh Thiếu Khanh tham gia kỳ thi đại học, tôi rất ngại đi làm phiền anh.

Thật ra tôi cũng không ngốc đến thế. Ngay cả giáo viên cũng nói cách giải của Thiếu Thần quá kì lạ, quá khác thường. Cho nên tôi không hiểu cũng là chuyện bình thường.

Anh Thiếu Khanh mới giảng cho tôi một lần, tôi đã hiểu hết. Anh ấy thậm chí còn nhẫn nại liệt kê mấy khả năng biến thể của dạng bài này cho tôi.

Tám rưỡi, anh Thiếu Khanh gõ cửa phòng Thiếu Thần: “Tịnh Nhã phải về rồi, em đưa con bé về đi.”

Thiếu Thần nói: “Em vừa mới trật chân.”

Tôi vội nói: “Em tự về được.”

“Anh đưa em, con gái không nên đi một mình trong đêm.” Anh Thiếu Khanh nói.

Hai nhà chúng tôi ở rất gần nhau, quãng đường chỉ năm phút, chớp mắt đã đến. Tôi mong muốn biết bao con đường này có thể đi đến năm mươi phút.

Thi xong, tôi chán nản giúp Trình Thiếu Thần viết hai bài văn hè. Một bài là thù lao, một bài khác là lãi.

“Giai cấp bóc lột vô liêm sỉ! Cậu chỉ cần mở miệng, tốn không đến ba phút của cậu, nhưng tớ phải tốn công sức hơn ba tiếng!”

“Đó là cái giá anh hai đưa cậu về nhà, chứ không phải là giá tôi mở miệng. Cậu cho rằng không đáng sao? Vậy sao này tôi sẽ không nhiều chuyện nữa.”

Tôi cứng họng.

Năm 1992

Chia khối phân khoa đã bắt đầu. Tuy tôi ghét học thuộc chính trị và lịch sử, nhưng suy nghĩ đến thành tích Toán Lý Hóa vô cùng thê thảm của mình, tôi đành chọn khoa học xã hội.

Bạn cùng bàn Tử Yên nói, cô ấy chọn lớp khoa học tự nhiên.

“Đùa à! Thành tích môn Lịch sử và Chính trị của cậu tốt như vậy. Trông cậu đã thấy giống sinh viên khoa học xã hội.”

Nói ra thì, tôi và Tần Tử Yên từ trung học đã bắt đầu cùng lớp, nhưng đến phổ thông mới thật sự quen nhau.

Cô ấy là một cô gái đẹp, kiểu đẹp đến hút hồn, yếu đuối mà lãnh đạm.

Học sinh nữ không muốn gần gũi với cô ấy, vì bất luận ai đứng bên cạnh cô ấy, đều bị lu mờ. Học sinh nam lại rất tích cực, nhưng sau vô số lần bị làm khó, cũng dần mất hứng. Cô ấy trầm lặng ít nói, cũng ít tham gia hoạt động tập thể, nhưng thành tích rất tốt, lại là người mẫn cảm và lương thiện.

Tử Yên nói: “Tớ thích Vật lý và Hóa học.” Thật ra thành tích hai môn này của cô ấy không tốt lắm, ít nhất cũng không tốt như Chính trị và Lịch sử.

Bắt đầu từ phổ thông có tự học buổi tối, thật đáng ghét. Mọi người hầu hết đều đặt một đống sách vở lên trước bàn thành một hàng dài, hình thành một Trường Thành kiên cố.

Tôi viết bài xong, gục trên bàn vừa học công thức Toán vừa oán hận: hằng ngày sau khi tan học cho dù về nhà với tốc độ nhanh nhất, bộ phim truyền hình đã xem hơn hai mươi tập cũng đã chiếu đến giới thiệu cuối phim, chỉ có thể xem vài giây cuối cùng. Thật đáng hận.

Tử Yên vẫn chuyên tâm viết, cúi đầu rất thấp, thỉnh thoảng ngẩng đầu nhìn gương trong chiếc hộp bút hơi mở.

Đẹp đến vậy còn cần soi gương, là không tự tin hay quá tự phụ? Tôi cười trộm.

Số lần cô ấy nhìn về phía gương càng ngày càng nhiều, mỗi lần nhìn lại cúi đầu viết viết vẽ vẽ, còn dùng tờ giấy nháp che lại. Cuối cùng tôi hiếu kỳ, nhìn theo hướng trong gương, sau đó, tôi nhìn thấy bí mật của cô ấy.

Ở phía cuối bên trái bàn học chúng tôi, tên nhóc Trình Thiếu Thần ngang nhiên gục trên bàn ngủ, gối vào cánh tay, lộ ra nửa khuôn mặt, tóc che nửa trán, lông mi dài dài.

Trên tờ giấy đó Tử Yên vẽ cậu ta thành nhân vật nam chính trong truyện tranh thiếu nữ.

Ồ, hóa ra là vậy. Chẳng trách Tử Yên luôn vừa học bài nghe giảng, vừa vẽ những thứ kỳ quái trên giấy, giống như đường viền trang trí trên gạch, từng hàng, từng đường, vẽ kín một tờ vứt một tờ. Bây giờ tôi đã biết, đó rõ ràng là từng hàng chữ “Thần” nối với nhau.

Chẳng trách cô ấy chọn lớp khoa học tự nhiên.

Chủ nhiệm lớp rất tốt, mỗi lần trước khi vào lớp đều ho nhẹ hai tiếng ngoài cửa.

Tử Yên nhanh chóng giấu tờ giấy đó dưới quyển vở, tôi lại nhanh chóng vo tờ nháp thành một cục ném về phía đầu Trình Thiếu Thần.

Tên mọt sách cùng bàn với cậu ấy hôm nay xin nghỉ, không ai nhắc cậu ta.

Nhưng cậu ta quay mặt đi hướng khác, tiếp tục ngủ.

Được thôi, lát nữa cho cậu ta bị mắng chết.

Giáo viên đi đến bên Thiếu Thần, lại ho hai tiếng, cuối cùng cậu ta nể mặt dụi dụi mắt ngẩng dậy.

“Thiếu Thần, em không khỏe à?”

“Không sao ạ.”

“Đừng cố, không khỏe thì về nhà sớm đi. Thành tích quan trọng, nhưng sức khỏe cũng thế.” Cô giáo trung niên béo béo, khuôn mặt thương cảm bỏ đi.

Thật không có đạo lý, đẹp trai học giỏi là hưởng thụ đãi ngộ đặc biệt như vậy?

Cậu ta buồn ngủ như thế, là vì tối qua chơi game đến hơn nửa đêm. Sáng nay lúc đi học cậu ta nói với tôi.

Tôi nhìn trộm Tử Yên. Cô ấy đã bắt đầu mở sách Lịch sử, đáng tiếc là cầm ngược, khuôn mặt trắng đến gần như trong suốt của cô ấy hơi gồng lên.

Sau này tôi nói với Thiếu Thần: “Tớ biết một bạn nữ yêu thầm cậu, cậu muốn biết là ai không?”

“Bạn học nữ thích tôi rất nhiều đấy.” Tôi mất hứng. Thật là tự phụ.

“Nhưng bạn cùng bàn của tớ là đại mỹ nữ, nữ sinh xinh đẹp nhất được toàn trường công nhận. Cậu không động lòng chút nào?”

“Bạn cùng bàn nào của cậu? Trường chúng ta còn có mỹ nữ?”

Thật không chịu nổi cậu ta.

Tôi hơi buồn, nghĩ đến bản thân mình.

Bạn thích một người như thế, thích lâu như thế, đối phương vốn không biết, còn bạn lại không dám nói ra.

Cảm giác hụt hẫng này, nhiều quần áo mới và chocolate hơn nữa cũng không thể nào bù đắp.

Năm 1994

Tuy tôi và Thiếu Thần không cùng lớp, nhưng hằng ngày kết thúc tự học buổi tối, vẫn là cậu ta đưa tôi về nhà.

Nghe nói công viên phố Tây có cuộc thi nhảy đường phố, tôi kéo cậu ta đi xem, chúng tôi đi về hướng ngược lại với nhà.

Nhưng hôm đó không xem được nhảy được phố, ngược lại nhìn thấy hai tên lưu manh trêu chọc con gái nhà lành. Tử Yên luôn đi xe đạp đi học, hôm đó xe bị hỏng, đi bộ về nhà lại có người chặn đường cô ấy.

Vào lúc này con đường ấy rất ít người qua lại.

Thiếu Thần cởi áo khoác vứt cho tôi: “Cầm lấy, trốn vào nơi an toàn.”

Tôi run rẩy kéo cậu ta: “Đừng đi, chúng sẽ đánh chết cậu. Chúng ta báo cảnh sát thôi.”

“Thấy chết không cứu khó coi lắm.” Cậu ta nhẹ nhàng nhảy từ bậc cao xuống.

Tôi nhìn thấy anh cảnh sát tuần tra ở phía xa, vui mừng tột độ chạy vụt đến báo án.

Khi chúng tôi quay lại hiện trường xảy ra, Tử Yên trốn bên gốc cây, hai tên lưu manh ngã trên đất rên rĩ, Thiếu Thần đang vặn cổ tay. Không biết là cậu ta giấu tài không để lộ, hay là hai tên lưu manh kia quá kém cỏi.

Anh cảnh sát nói với cậu ta: “Không được động đậy, đưa tay lên! Cô bé, sao có một người? Không phải em nói có hai người sao?” Anh cảnh sát này chắc mới vào nghề.

Hôm đó Thiếu Thần bị trật cổ tay, có lẽ vì cậu ta đánh quá đà.

Tử Yên thấy có lỗi, chủ động hằng ngày chép bài cho cậu ta. Hai người cùng một lớp, đó là công việc mệt nhọc nhưng cô ấy rất vui.

Tôi cũng vui thay Tử Yên, ít nhất Thiếu Thần đã biết sự tồn tại của cô ấy.

Lúc thi đại học, tôi làm bài cũng không tồi.

Cái này phải cảm ơn Thiếu Thần, cậu ta rất kiên nhẫn, lật đề thi mẫu của cô, đánh dấu ba mươi đề mục lớn các môn của tôi, ép tôi cho dù học nát đầu cũng phải hiểu hết. Kết quả lúc thi, những kiến thức cậu ta đánh dấu đa phần đều liên quan đến đề.

Anh Thiếu Khanh cũng nghỉ hè, anh ấy hứa khi tôi có thông báo đỗ, có thể đòi anh ấy một món quà, chỉ cần anh ấy có thể làm được.

Tôi định nói với anh tôi thích anh, xin anh ít nhất làm bạn trai tôi một ngày.

Mà anh lập tức lại phải về trường, lần sau gặp anh phải đợi nửa năm nữa. Còn tôi không muốn giấu bí mật đó đến tận năm mười tám tuổi.

Hôm nhận được giấy thông báo nhập học, tôi cẩn thận cầm trên tay, trong lòng đang đắn đo chạy về hay bắt xe tìm anh Thiếu Khanh, vì đường rất gần.

Tôi đi qua con đường nhỏ kín đáo bên cạnh hồ trong vườn trường. Bên cạnh cây liễu buông mành gần như chạm mặt nước, tôi nghe thấy tiếng khóc nho nhỏ. Người khóc là Tần Tử Yên, cô ấy khóc đến thương tâm nghẹn ngào.

Trình Thiếu Thần đứng cách mấy mét, dáng vẻ như không liên quan nhưng không thể bỏ đi, như thể sợ cô nhảy xuống hồ.

“Cậu ở lại với cô ấy, lát nữa đưa cô ấy về nhà an toàn, ngày mai tôi xây nhà cún cho cậu.” Thấy tôi xuất hiện, Thiếu Thần nói nhỏ giao dịch với tôi.

Tối đó, tôi cho anh Thiếu Khanh xem thông báo đỗ của mình. Anh hỏi tôi: “Em muốn quà gì?”

Câu đó tôi đã diễn tập hơn trăm lần, cuối cùng cũng không có dũng khí nói ra.

Anh Thiếu Khanh cười: “Vậy đợi em nghĩ xong hãy nói với anh.”

Sau này mọi người đều quên mất chuyện này.

Năm 1997

Tuy đánh chết tôi cũng không thi được vào trường của Thiếu Thần, nhưng chó ngáp phải ruồi, thêm điểm năng khiếu, cùng với châm chước quan hệ của người lớn, tôi vẫn rất thuận lợi vào một trường đại học ở cùng thành phố với cậu ta.

Tử Yên cùng trường với tôi. Bình thường hai học viện cách nhau rất xa, không dễ gặp mặt. Cứ cuối tuần, hoặc là tôi đi tìm cô ấy, hoặc là đi xe buýt đến làm phiền Thiếu Thần.

Tử Yên vẫn có tính cách hướng nội buồn tẻ đó, nhưng cô gái xinh đẹp không dễ cô đơn. Rất nhiều bạn học nam theo đuổi cô ấy, cô ấy không kịch liệt bài trừ, nhưng quan hệ cũng không bền, ít thì mấy ngày, nhiều nhất một tháng là chia tay.

Tuy tôi và cô ấy chưa từng là bạn thân không gì không kể, nhưng so ra tôi đã là người bạn thân thiết nhất của cô ấy.

Cuộc sống của Thiếu Thần lại rất phong phú đặc sắc. Cậu ta rất nghĩa khí, mỗi lần tôi đến, nếu cậu ta có hẹn với bạn bè, đều đem tôi theo, nếu cậu ta có hẹn với bạn gái, thì trực tiếp cho họ leo cây. Đứng ở lập trường bạn bè, lòng hư vinh của tôi rất lớn, cảm thấy cậu ta rất trượng nghĩa. Nhưng đứng ở lập trường phái nữ, tôi rất đồng cảm với bạn gái cậu ta, cảm thấy tên này thật khốn nạn.

Thỉnh thoảng cậu ta cũng đến trường thăm tôi, có lúc gặp Tử Yên, cậu ta đều bình thản mời cô ấy cùng đi ăn với chúng tôi. Tử Yên thỉnh thoảng đồng ý, vẻ mặt cũng bình thường như cậu ta, chỉ là lúc ăn cơm không hề ngẩng đầu, tay gắp thức ăn hơi run.

Thiếu Thần thường tặng tôi hai phần quà, không nói rõ dùng làm gì, tôi liền đưa cho Tử Yên một phần.

Thật ra từ nhỏ đến lớn cậu ta từ chối không ít con gái, đối đãi với Tử Yên có lương tâm hơn một chút chắc vì Tử Yên là bạn tôi.

Nhưng có một lần cậu ta thật sự giúp một việc lớn. Lần đó Tử Yên bị người ta đeo bám theo dõi, trường cũng không làm gì được, không biết Thiếu Thần làm sao giúp cô ấy dẹp yên.

Có một dạo tôi hối hận vì đã nhờ cậu ta giải quyết phiền phức của Tử Yên. Vì có một lần cô ấy ốm, tôi đi chăm sóc cô ấy, lúc giúp cô ấy dọn dẹp sọt để giấy phát hiện, cả sọt đều là những bức tranh phác họa bị vo thành từng cục, mỗi bức đều là cậu ta.

Khi tôi học năm nhất, anh Thiếu Khanh đã ra nước ngoài học thạc sỹ. Tôi lấy lý do thích tem đóng dấu đỏ nước ngoài, tiếp tục duy trì liên lạc với anh, lải nhải kể chuyện trong thư.

Anh ấy quan tâm Thiếu Thần nhất, nhưng Thiếu Thần ghét viết thư, điện thoại cũng chỉ nói vài câu, cho nên nội dung trong thư của tôi quá nửa đều nói về Thiếu Thần. Gần đây làm việc gì, béo lên hay gầy đi, chọn những môn học nào, thích môn thể thao và giải trí nào, tôi đều kể hết. Còn về việc của bản thân tôi, lại rất ít nhắc đến. Có một lần anh Thiếu Khanh viết thư đến tiện thể nhắc nhở một câu: “Tịnh Nhã, bây giờ em để tóc dài hay ngắn.”, tôi kích động đến phát khóc.

Thiếu Thần luôn nói, tôi trọng sắc khinh bạn, vì bản thân không tiếc bán rẻ việc riêng của cậu ta. Câu này nói ra thật khó nghe.

Lúc đó máy tính bắt đầu dần dần phổ cập, nhưng anh Thiếu Khanh vì nguyện vọng sưu tầm tem của tôi, mỗi lần đều thay đổi các loại tem xanh xanh đỏ đỏ khác nhau để viết thư, trong đó có mấy chiếc tem, bạn học tôi nói, đó là tem tuyệt bản, rất quý.

Số thư đó là vật tôi yêu quý nhất, cất giữ rất cẩn thận, ba năm tích được một tập dày. Chỉ là nội dung trong thư luôn chỉ có mấy chữ, chủ yếu hỏi thăm tôi việc của Thiếu Thần.

Mùa xuân năm 1998

Học kỳ hai năm thứ tư, anh Thiếu Khanh về nước, vào công ty gia đình. Còn tôi chỉ muốn thuận lợi tốt nghiệp, sớm về nhà, cho nên ngày ngày bận thực tập và viết luận văn.

Thiếu Thần cũng thực tập tại đó. Tuy chuyên ngành của cậu ta và tôi cách biệt rất lớn, nhưng báo cáo thực tập và luận văn đều nhờ cậu ta giúp đỡ, cho nên tôi rất kém cỏi mà bám lấy cậu ta, phải thực tập cùng công ty, hằng ngày nhận ân huệ của cậu ta đồng thời cũng bị cậu ta khinh thường, giống y như lúc nhỏ.

Tử Yên về nhà vì dì cô ấy mắc bệnh nặng, đó là người thân duy nhất của cô ấy. Cô ấy tìm một đơn vị thoải mái thời gian vừa thực tập vừa chăm sóc dì.

Trước khi Tử Yên đi, tôi đưa cô ấy một tấm thẻ ngân hàng, trong đó có tiền tiêu vặt còn lại trong bốn năm của tôi, tuy không nhiều, nhưng cũng đủ cho một sinh viên không quá xa xỉ sinh hoạt bốn năm. Tử Yên tuy tiều tụy và mệt mỏi, nhưng ánh mắt kiên định từ chối ý tốt của tôi.

Tôi rất tổn thương. Sau này Thiếu Thần nói: “Cậu đưa cô ấy số điện thoại của anh trai tớ. Tớ sẽ nói với anh trai một tiếng, nhờ anh ấy giúp đỡ khi cần thiết.”

Một tháng sau dì của Tử Yên qua đời. Cô ấy gọi điện cho tôi, cảm ơn tôi quan tâm và giúp đỡ mình. Cô nói anh Thiếu Khanh giúp cô ấy tìm một bác sĩ giỏi nhất, bệnh viện cũng cho ưu đãi tốt nhất, tuy không giữ được mạng sống của dì, nhưng khiến bà đỡ phải chịu nhiều đau đớn trong những ngày cuối cùng.

Anh Thiếu Khanh là người lương thiện, thậm chí còn đích thân ra mặt giúp cô ấy lo chuyện hậu sự của dì. Tử Yên nói, đây hoàn toàn là nể mặt tôi, vì anh Thiếu Khanh coi cô ấy là bạn tốt nhất của tôi.

Hè năm 1998

Cách tốt nghiệp không đến một tháng, anh Thiếu Khanh đi công tác qua trường thăm tôi, tôi vô cùng vui mừng.

Anh ấy mời tôi và Thiếu Thần ăn cơm, còn cả Tử Yên.

Trong bữa ăn, tôi hiểu một chuyện, anh Thiếu Khanh thích Tử Yên, còn Tử Yên đã chấp nhận, hai người giờ là một đôi.

Tôi mượn cớ vào phòng vệ sinh, ở trong đó khóc. Vì sợ người khác phát hiện, tôi đến phòng vệ sinh ở tầng trên. Lúc đi ra, tôi nghe trộm anh em họ, hóa ra họ cũng lên cùng một tầng.

Thiếu Thần nói: “Anh, Tịnh Nhã thích anh mười mấy năm, bình thường anh giả vờ không biết thì thôi, bây giờ lại chọn bạn tốt của cô ấy, anh ép cô ấy vào đường nào hả?”

Anh Thiếu Khanh nói: “Đó chỉ là tình cảm bồng bột của trẻ con, anh cũng chỉ coi cô ấy là em gái. Em đừng trách Tử Yên, cô ấy không biết gì.”

Thiếu Thần im lặng, anh Thiếu Khanh lại nói: “Thiếu Thần, có phải em có điều muốn nói với anh không?”

“… Không.”

“Lúc nãy rõ ràng em có điều muốn nói.”

“… Anh biết cô ấy là con gái của ai không?”

“Biết. Thiếu Thần, không phải em cũng cố chấp và báo thù như cha mẹ chứ, cho rằng cha nợ con trả? Lúc đó cô ấy chỉ là cô bé, tất cả không liên quan đến cô ấy.”

“Cha mẹ sẽ không đồng ý. Anh không nên động đến cô ấy.”

“Thiếu Thần, nếu có một ngày em cũng sẽ yêu một người con gái, em sẽ hiểu, lý trí và tình cảm không thể phân định rõ ràng.”

“Cha mẹ sẽ không đồng ý.”

“Nhưng em sẽ chúc phúc anh, đúng không.”

“… Đúng, anh trai. Bất cứ lúc nào em cũng đều mong anh hạnh phúc.”

Anh Thiếu Khanh và Tử Yên cùng đi xem phim. Tôi và Thiếu Thần từ chối lời mời của họ, Thiếu Thần đưa tôi về trường.

“Muốn khóc thì khóc đi, đừng có nhịn. Tôi đảm bảo không cười cậu.” Thiếu Thần nói.

“Tớ không sao. Cậu phải biết, khi thật lòng thích một người, sẽ mong anh ấy hạnh phúc.”

“Làm ơn đừng cười. Cậu cười còn khó coi hơn khóc.”

Sắc mặt Thiếu Thần trắng bệch, môi tím xanh, cũng chẳng đẹp hơn tôi bao nhiêu. Cậu ta cúi đầu nhìn bóng mình, lúc lâu sau nói: “Nếu anh hai bị tổn thương, vậy kẻ đầu sỏ nhất định là tôi. Bây giờ tôi bắt đầu hối hận, nếu lúc đầu ở bên cô ấy là tôi thì tốt.”

Tuy đầu óc tôi không thông minh lắm, nhưng tôi hoàn toàn hiểu lời của Thiếu Thần.

Cậu ta hy vọng người bên Tử Yên là bản thân cậu ta, không có nghĩa cậu ta thích Tử Yên. Tuy cậu ta cũng không ghét cô ấy, hy vọng như vậy chỉ vì cậu ta vừa nghi ngờ Tử Yên ở bên cạnh Thiếu Khanh là vì khuôn mặt tương tự với mình, lại khẳng định cha mẹ cậu ta nhất định sẽ ngăn cản tình yêu đó của anh. Có lẽ cậu ta còn lo lắng Tử Yên sẽ trả thù gia đình họ. Còn anh Thiếu Khanh chìm đắm quá sâu, nhất định sẽ tổn thương.

Mấy năm trước, Thiếu Thần đã kể về khúc mắc của nhà cậu ta với cha mẹ Tử Yên. Cha Tử Yên vốn là nhân viên của nhà họ Trình, ông ta phản bội lại hãm hại nhà họ Trình, cuối cùng cũng chịu sự trừng phạt của pháp luật, chết trong tù.

“Nhưng cô ấy vô tội. Bố tôi vốn không nên tuyệt tình như thế, có lẽ lần đó triệt để chạm đến giới hạn cuối cùng của ông ấy.” Lúc đó Thiếu Thần nói như vậy, rồi nhờ tôi quan tâm chăm sóc hơn cho Tử Yên.

Bây giờ, cậu ta đích thân đẩy Tử Yên đến bên cạnh anh trai yêu quý nhất của mình. Cậu ta không thể chịu nổi sự việc thoát khỏi khống chế của mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay