Khách qua đường vội vã (Tập 2) - Ngoại truyện 04 - Phần 3 (Hết)

Mùa xuân năm 2006

Hôm tết, tôi và em dâu An Nhược gặp Tử Yên.

Tử Yên vẫn xinh đẹp như thế, bồng bềnh thoát tục, kiều diễm như hoa lan trong khe núi. Nếu tôi là đàn ông, tôi cũng sẽ nâng niu thương yêu cô ấy. Còn lúc này, tôi chỉ thấy hổ thẹn trong lòng, như thể kẻ trộm gây án bị bắt.

Ánh mắt cô ấy nhìn tôi rất trấn tĩnh, nhưng lại thay đổi khi nhìn An Nhược, tôi bỗng nhiên bất an.

Quả nhiên hôm đó Thiếu Thần về muộn, cả buổi chiều mùng Một đầu năm, cậu ta ở bên cô ấy.

An Nhược rộng rãi che giấu giúp cậu ta, nhưng tôi thấy hình như cô ấy hiểu rõ trong lòng.

Tôi rất muốn nói với cô ấy, sự thật không phải như cô ấy nghĩ. Nhưng tôi từng đồng ý với Thiếu Thần, mọi thứ về Tử Yên, là bí mật vĩnh viễn không được nói đến nữa.

Tôi không biết Thiếu Khanh có biết Tử Yên về không, tối đó anh ngủ rất sớm.

Sáng sớm hôm sau tôi chạy vào phòng đọc sách gọi điện cho Thiếu Thần chỉ cách một bức tường.

Tôi nói: “Bây giờ cậu đã là người có vợ, cho dù cậu thấy nợ cô ấy rất nhiều, đồng cảm cô ấy, thương hại cô ấy, cậu cũng phải né tránh.”

“Cô ấy sẽ không để ý.”

“Cậu tưởng vậy sao. Không có người vợ nào là không để ý.”

Tôi thật sự lo lắng. Lúc hai người họ bên nhau quá nhạt nhẽo. Có lần bố chồng nói, hai vợ chồng họ trước mặt người khác là điển hình của câu “tương kính như tân”[1].

[1] Tương kính như tân: Tôn trọng, coi nhau như khách.

Phụ nữ luôn phải yếu đuối một chút, dựa dẫm một chút, mới khiến đàn ông thấy mắc nợ, mới khiến đàn ông thấy bất an.

Tôi vô ý trách móc Thiếu Khanh không yêu con. Mẹ an ủi tôi: “Đàn ông mà, luôn phải đợi con sinh ra, mới có tình phụ tử.”

Thật ra không đợi lâu như thế. Lúc đứa bé tám tháng, bụng tôi to như heo, hằng ngày chỉ biết ăn và ngủ. Thiếu Khanh vì phối hợp với tôi, thời gian nghỉ ngơi cũng như học sinh tiểu học.

Tối đó tôi nghe nhạc dưỡng thai trước khi ngủ như thường lệ. Lúc nốt nhạc bắt đầu nhảy múa, đứa bé động lại đạp rất không an phận.

Thiếu Khanh nói: “Trước khi ngủ em đừng nghe nhạc ồn như thế, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ.”

“Nhưng con thích…” Khi tôi nói câu này, đứa bé đang cử động mạnh bên trong, khiến lời tôi nói không hoàn chỉnh. Tôi nghi ngờ nó đang ở trong đó tập gập bụng.

“Lần kiểm tra tới là khi nào?” Lúc Thiếu Khanh nói chuyện, đứa bé hình như lại cử động.

Tôi cuối cùng phát hiện ra quy luật, vội kêu lên: “Anh đi sang bên kia, sang bên kia.” Tôi chỉ một phương hướng.

Thiếu Khanh không hiểu gì làm theo.

“Nói mấy câu.”

“Làm gì thế.”

“Câu dài hơn chút, làm ơn, làm ơn. Ha ha, hóa ra là thật… anh lại sang bên kia.”

Hóa ra đứa bé này có hứng thú với giọng của cha nó, hơn nữa có thể phân biệt được. Chỉ cần Thiếu Khanh nói, nó tự nhiên sẽ hướng về phía anh nói chuyện, giống như hoa hướng dương hướng về mặt trời.

Có lẽ trong tối đó Thiếu Khanh đã yêu đứa bé này. Cả tối anh cũng như đứa trẻ, đi đi lại lại trong phòng, đọc một số bài thơ trẻ con, quan sát bụng thay đổi phương hướng thần kỳ theo hướng anh di chuyển. Sau này chắc đứa bé ngủ rồi, không nghịch nữa, do đó Thiếu Khanh cũng nằm xuống, cả tối tay đặt lên bụng tôi.

Lúc đứa bé chào đời rất thuận lợi, từ lúc bắt đầu trở dạ đến khi sinh chỉ có ba tiếng.

Không có sự cố gì, là một cô bé khỏe mạnh, tính toán thiếu căn cứ khoa học của Thiếu Thần bị sai lệch. Bố chồng đặt tên cho cô bé là Trình Thiển Ngữ, mẹ chồng đặt tên mụ cho cô bé là A Ngu.

Trong phòng sản riêng, tôi luôn nắm chặt tay Thiếu Khanh, cảm thấy anh cứ toát mồ hôi vì mình. Thời khắc nghe tiếng đứa bé khóc, tôi đã ngất đi.

Lúc tôi tỉnh lại, Thiếu Khanh vẫn nắm tay tôi, thấy tôi tỉnh, từng giọt nước mắt lớn rơi trên tay tôi, nhưng một câu cũng không nói.

Tôi quen anh lâu như thế, đây là lần đầu tôi thấy anh khóc. Lúc nhỏ, anh gãy xương làm phẫu thuật cũng không từng rơi lệ.

Tôi lau nước mắt cho anh, nhè nhẹ xoa đầu anh, bỗng nhiên cảm thấy, khoảng cách giữa tôi và anh như lại gần thêm chút nữa, hơn nữa, vì sự ra đời của A Ngu, cuối cùng tôi đã thật sự có được anh, cho dù chỉ là một phần.

Thiếu Khanh rất thương yêu đứa con này, chỉ muốn đem tất cả thế giới đến trước mặt con bé.

Trong thời kỳ dưỡng thai, bạn bè từng nói: “Chỉ cần đàn ông yêu đứa con này, mà đứa bé là do cô sinh ra, vậy còn yêu cầu gì nữa?” Tôi cảm thấy thật sự là vậy.

Nhưng trong lòng tôi vẫn bị ám ảnh. Nếu đứa bé của Tử Yên khi đó cũng được sinh ra, Thiếu Khanh có yêu cô bé hay thằng bé đó như yêu A Ngu không?

Tôi bỗng nhiên có thể hiểu được vì sao Thiếu Thần chấp nhận chăm sóc cho Tử Yên, nhưng khi nhắc đến cô ấy lại rất khó chịu. Đây vốn là tội chung của chúng tôi, bố mẹ chồng, Thiếu Khanh và tôi, mà cuối cùng cậu ta lại lựa chọn một mình gánh vác.

Buổi tối hôm Tử Yên tự sát, có lẽ vì tâm linh tương thông, tôi chìm vào ác mộng không thể tỉnh dậy, nhưng lại lờ mờ nghe thấy tiếng Thiếu Khanh nghe điện thoại, mơ mơ hồ hồ, như xa như gần, tôi cố gắng nghe nhưng luôn không nghe rõ, không biết rốt cuộc là sự thật hay trong mơ.

Cuối cùng vùng vẫy tỉnh dậy, phát hiện Thiếu Khanh không ngủ bên tôi. Tôi tìm thấy anh bên cạnh giường sơ sinh của A Ngu.

Anh không bật đèn, chỉ mượn chút ánh sáng yếu ớt xuyên qua cửa sổ, ánh mắt dừng trên khuôn mặt nhỏ của A Ngu.

“Chưa đến lúc, dây thần kinh đau của anh luôn chậm hơn người bình thường. Hơn nữa, bạn gái đầu tiên sao có thể so với vợ. Mối tình đầu là đồ trang sức, vợ lại là một cơ thể, mất đi rồi, con người sẽ tàn khuyết.”

Nghe nói công ty vẫn rất hỗn loạn, Thiếu Khanh nói với tôi: “Tịnh Nhã, nếu vì gia đình này, anh phải hy sinh, em có thể hiểu được không?”

“Anh muốn nói gì?”

“Nếu lần này phải ngồi tù, anh không biết cần bao lâu, em sẽ đồng ý cùng Tiểu Ngữ ra nước ngoài chứ?”

“Không phải anh nói em là người vợ duy nhất của anh, anh cũng là người chồng duy nhất của em sao. Anh muốn em đi đâu?”

“Thật sự có thể rất lâu, mà đợi chờ quá đằng đẵng. Tịnh Nhã, em vẫn rất trẻ.”

“Thiếu Khanh, anh biết em đã đợi anh bao nhiêu năm? Bắt đầu từ năm bảy tuổi em cùng Thiếu Thần lạc đường trên núi, chỉ có anh tìm thấy bọn em, cõng em về nhà, đến lúc em lấy anh, em đợi anh mười bảy năm. Em không ngại đợi thêm từng ấy nữa.”

Điện thoại anh đặt bên cạnh, đã chuyển về chế độ yên lặng, cứ nhấp nháy thông báo có cuộc gọi đến.

Tôi nói nhỏ nhắc nhở: “Anh có điện thoại.”

Anh lắc lắc đầu: “Gọi nhầm, không cần nghe.”

Chiếc điện thoại đó lại nhấp nháy mấy lần, cuối cùng dừng lại, màn hình chìm vào yên tĩnh, hòa cùng màn đêm.

Tôi đợi A Ngu tỉnh dậy, cho con bé ăn sữa, lại nằm xuống, ngủ rất không yên, mỗi lần tỉnh dậy, đều phát hiện Thiếu Khanh nằm cứng ngắc bên cạnh, như thể sợ làm tôi tỉnh giấc. Tôi biết cả đêm anh không ngủ.

Có lẽ tôi vĩnh viễn cũng không biết, có phải tối đó Thiếu Khanh nói chuyện với Tử Yên, còn Tử Yên có phải vì anh mà uống lượng lớn thuốc an thần không.

Giống như tôi cũng vĩnh viễn không biết, có phải anh biết đứa con anh từng mất đi, Tử Yên vốn định giữ lại không.

Tối đó cuối cùng Tử Yên lựa chọn cầu cứu Thiếu Thần, còn Thiếu Thần dùng một câu “Gần đây tinh thần cô ấy không tốt.” để trả lời toàn bộ nghi vấn của tôi.

Mấy ngày đó Thiếu Khanh lại bắt đầu hút thuốc. Từ khi tôi mang thai A Ngu, anh đã rất lâu không động vào thuốc.

Anh ở trong phòng đọc sách, một lần hút hết nửa bao, sau đó tắm, đánh răng, lại quay lại bế A Ngu, nhưng A Ngu vẫn vùng vẫy không muốn anh bế, quay đi quay lại trong lòng anh, tránh nụ hôn của anh.

Tôi nói: “Anh đi thăm cô ấy đi. Cô ấy một mình, rất đáng thương.”

Thật ra tôi muốn nói, tôi đã có A Ngu rồi, cho dù anh muốn đi, tôi cũng sẽ không cô đơn.

Thiếu Khanh cúi đầu, lúc lâu sau nói: “Tịnh Nhã, em là người vợ duy nhất của anh, còn Tiểu Ngữ là đứa con duy nhất của anh, không ai có thể thay đổi.”

Đây có được coi là lời hứa tôi đợi đã lâu? Nhưng lại trong thời điểm không thích hợp này.Tôi chỉ muốn khóc.

Anh không nhắc đến Tử Yên trước mặt tôi nữa.

Thật ra, từ sau khi chúng tôi kết hôn, anh không hề nhắc đến cô ấy.

Mùa đông năm 2006

Đây là một mùa thu nhiều biến động. Công ty một tay bố chồng gây dựng gặp phải khó khăn lớn, ngay cả Thiếu Thần không hề nhúng tay vào gia nghiệp cũng quay về giúp đỡ. Chỉ có tôi và A Ngu yên ổn trốn trong căn nhà bằng kính mà họ xây dựng, hằng ngày vô ưu vô lo.

Tất cả rất đột ngột. Bố chồng bỗng nhiên qua đời, Thiếu Thần mất đi đứa con chưa chào đời, sự nghiệp nhà họ Trình bốn bề khốn đốn, tuyết thêm sương, một tháng sau, Thiếu Thần ly hôn.

Cậu ấy về nhà tuyên bố với cả nhà một câu không hề báo trước “Con lại một mình rồi.”, và quay đầu về phòng ngủ, ngủ cả hai ngày hai đêm, gọi cũng không tỉnh, phờ phạc gầy rộc đi.

Mẹ chồng ở trong phòng cậu ta, lúc thì mắng, lúc thì khóc, mời hai bác sỹ đến khám, bác sỹ chỉ nói cậu ta mệt mỏi quá độ.

Sau này mẹ chồng cũng mệt, đổi tôi trông nom phòng Thiếu Thần. Xung quanh yên lặng không tiếng động, Thiếu Thần vẫn ngủ say, tôi không ngừng rơi lệ: “Nếu cậu không yêu cô ấy, vậy cậu hà tất khổ thế này. Nếu cậu yêu cô ấy, sao cậu để cô ấy đi?”

Tôi nói câu này rất nhiều lần, không biết rốt cuộc nói cho ai nghe.

“Ôn Tịnh Nhã, cậu đừng ồn như thế có được không?” Cuối cùng tôi thành công gọi Thiếu Thần dậy.

Vì sao Thiếu Thần ly hôn, cũng trở thành một ẩn số, cậu ta chưa từng nói. Tôi luôn nghĩ, có lẽ bản thân cậu ta cũng không rõ.

Từ nhỏ đến lớn cậu ta không có thứ gì thật sự muốn có được, cho nên cậu ta rất điềm nhiên, ít trân trọng với tất cả mọi thứ từng có.

Còn tôi, vì chờ đợi đã thành một thói quen, cho nên chưa từng tham vọng quá đáng, cho nên biết rõ lấy Thiếu Khanh cả đời sẽ bất an, cả đời áy náy, vẫn lựa chọn chấp nhận. Hằng ngày đều như lấy trộm từ tay người khác, coi như không có việc gì, giả vờ không biết trong tim anh ấy có người con gái khác. Cho dù như thế, tôi cũng vẫn thấy đây là hạnh phúc.

Thiếu Thần ly hôn thành công di chuyển nỗi đau của mẹ chồng tôi. Hằng ngày bà càu nhàu lải nhải rất nhiều, khi cậu ta ở nhà thì nói trước mặt, khi cậu ta xa nhà thì nói trong điện thoại. Có lúc, tôi nhớ lại khoảng thời gian vui vẻ cùng An Nhược, cũng ra giọng mắng cậu ta vô lương tâm.

Thiếu Thần không chịu được, oán trách với tôi và Thiếu Khanh: “Lúc này mọi người không phải nên vô cùng đồng cảm với em sao?”

Tôi và Thiếu Khanh cùng lắc đầu, nhưng cũng thở phào. Cậu ta có thể nói ra lời đó, chứng minh cậu ta đã không sao.

Khả năng hồi phục của con người này xưa nay rất mạnh. Tôi nhớ đến dáng vẻ mất hồn của Thiếu Khanh lúc đầu. Hai anh em họ, tích cách quá khác nhau.

Buổi tối, Thiếu Khanh nói: “Thiếu Thần đủ phiền rồi, em đừng nói chuyện đau lòng của nó.”

“Cái dáng vẻ vô tâm vô phế của cậu ấy em nhìn là bực. Anh không biết đâu, ngay cả tên bạn gái đầu tiên cậu ấy cũng không nhớ.”

Hè năm 2008

Chúng tôi sống ở Luân Đôn rất tốt. Ở đó Thiếu Khanh càng có thể phát huy sở trường, lúc rãnh rỗi, anh đưa chúng tôi du lịch khắp nơi, nhẫn nại cùng tôi luyện khẩu ngữ tiếng Anh.

Khả năng học tập không đáng khoe khoang của tôi lại được thể hiện lần nữa, cho nên phần lớn thời gian đều ở nhà trồng hoa, nuôi chó, chỉ huy người làm dọn dẹp nhà cửa. Còn mẹ chồng và A Ngu, rất nhanh liền quen biết với hàng xóm nước ngoài.

Thích hợp với hoàn cảnh mới, chấp nhận một công việc mới, có lẽ rất khó khăn, nhưng tôi không cảm nhận thấy, vì tôi luôn có một bầu trời xanh thẳm trên trần nhà bằng thủy tinh.

Học tiếng Anh nhiều năm như vậy nhưng không thể giao tiếp bình thường với người khác thật sự rất mất mặt, có điều không phải việc xấu, vì tôi luôn ở trong nhà, Thiếu Khanh ngược lại chấp nhận bỏ nhiều thời gian ở bên tôi hơn.

Mẹ chồng nói, Thiếu Thần và An Nhược rất nhanh sẽ kết hôn lại. Sau khi bà và thông gia cũ cũng sắp là thông gia tiếp theo gọi điện thoại quốc tế một tiếng rưỡi, vẫn không che giấu được niềm vui trên mặt, hiếm khi đích thân xuống bếp nấu một bàn thức ăn Trung Tây kết hợp cho chúng tôi.

Tối đó, Thiếu Khanh và A Ngu đều đau bụng.

Tôi gọi điện cho Thiếu Thần chê cười cậu ta một lượt, cậu ta cũng không phản bác một câu.

Tóm lại, tất cả đều tốt đẹp.

Năm 2009

Tháng Tư, cỏ xanh chim hót, xuân ấm hoa nở.

An Nhược sinh một đứa bé trai bụ bẫm. Chúng tôi và mẹ cùng nhau về nước hai tuần, bà vẫn không nỡ rời xa cháu trai, đuổi chúng tôi về Anh, bà tiếp tục ở đó coi như rãnh rỗi làm bảo mẫu giúp đỡ, nhưng thực ra chỉ thêm phiền.

A Ngu nhớ mãi đứa bé sơ sinh còn nhỏ hơn búp bê đó, cứ nói sau này lớn lên có thể lấy thằng bé, như thế nó sẽ càng thêm thân thiết hơn với người chú yêu quý.

Lúc đầu tôi rất kinh ngạc với những lời nói đáng sợ của con bé, nhưng giờ đã không lấy làm lạ. Tôi cười nói: “Cái lý luận con trai gần mẹ của Thiếu Thần lúc đầu vừa đúng vừa thích hợp với nhà họ, đợi Tiểu Già Minh lớn thêm mấy tuổi, có thể bảo vệ An Nhược không bị Thiếu Thần bắt nạt nữa rồi.”

Thiếu Khanh nói: “Lúc không ai giúp đỡ, Thiếu Thần cũng chỉ miễn cưỡng hòa với An Nhược. Lại thêm một đồng bọn nhỏ nữa, vậy cậu ấy nhất định chỉ thua không thắng.

Cảnh tượng đó thật đáng để kì vọng, cũng khiến người khác đố kỵ, tôi vừa nghĩ vừa buồn cười.

Số An Nhược thật tốt, đâu như tôi, một chọi một đã không phải đối thủ của Thiếu Khanh, kết quả còn có một A Ngu luôn cùng hội với anh.

Cuối tuần, cả nhà chúng tôi lái xe đi qua đường hầm xuyên biển đến Pháp du lịch, nhân tiện tham gia buổi từ thiện do bạn Thiếu Khanh tổ chức.

Kết thúc buổi từ thiện, Thiếu Khanh đi lấy xe, tôi và A Ngu đang đợi ở khu nghỉ, bỗng nhiên trong đoàn người nhìn thấy một bóng hình quen thuộc, váy dài phóng khoáng, nụ cười nho nhã, tuổi tác như chưa từng lưu lại dấu vết trên người Tử Yên.

Tôi nán lại giây lát, ôm A Ngu đi lên chào hỏi. A Ngu chủ động bắt tay, tặng cô ấy một món đồ chơi bằng nhung đang ôm trong lòng. Cô bé bình thường rất ít khi thân mật với người khác như thế.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

“Thật là một cô bé xinh đẹp đáng yêu, vừa giống cậu vừa giống anh ấy.” Tử Yên mỉm cười rời đi.

Trên xe, tôi nói chuyện Tử Yên với Thiếu Khanh. Anh nói: “Anh thấy cô ấy rồi, còn cả chồng chưa cưới của cô ấy.” Sắc mặt lúc anh nói chuyện rất bình tĩnh, như thể đang bàn luận về một bạn học bình thường quen biết lâu ngày không gặp mà thôi.

“Cô ấy trông rất tốt.”

“Đúng thế, tốt hơn trước rất nhiều.”

Chúng tôi dừng đề tài này ở đây, nhưng A Ngu trẻ con non nớt: “Mẹ, cái cô lúc nãy thật đẹp.”

Tôi còn chưa kịp trả lời, Thiếu Khanh nói: “Mẹ con cũng rất đẹp.”

Mỗi lần cùng đi du lịch, lúc về luôn là tôi lái xe, vì A Ngu mệt rồi nhất định lấy vòng tay cha nó làm nôi.

Lúc này con bé buồn ngủ, Thiếu Khanh cởi áo khoác bọc lấy con bé, đặt con bé an toàn và thoải mái trong lòng mình. Tôi điều chỉnh âm lượng đài nhỏ xuống.

Đài phát thanh tiếng Trung trên xe vang lên một bài hát cũ tên là Cả thế giới anh yêu em nhất. Lần đầu tiên khi nghe bài hát này, tôi còn rất nhỏ.

A Ngu dụi dụi đầu vào lòng Thiếu Khanh, nửa tỉnh nửa mơ nũng nịu: “Cha, cả thế giới người cha yêu nhất có phải A Ngu không?”

“Vậy con định xếp mẹ con vào đâu hả?”

“Vậy thì yêu nhất hai mẹ con con đi, con là ngón tay này, mẹ là ngón tay này.” Con bé kéo hai ngón tay Thiếu Khanh, tách ngón tay cái anh, sau đó đưa ngón tay nhỏ nhỏ ra, ép anh ngoéo tay. “Nói chắc như vậy rồi, cả thế giới cha yêu nhất là con và mẹ. Như đinh đóng cột, trăm năm không được thay đổi.”

“Được, không bao giờ thay đổi.” Thiếu Khanh nói, thuận theo đưa tay ra bị con bé lắc đi lắc lại.

Tôi chuyên tâm lái xe, giả vờ không để ý đến lời nói trẻ con của một lớn một bé đó, nhưng nụ cười dần dần lan ra từ khóe môi đến từng tế bào trên gương mặt.

Đây là tỏ tình phải không? Tuy hình thức hơi đặc biệt và bất ngờ.

Hết.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Ariko Yuta – streetchick – H.y

(Tìm - Chỉnh sửa – Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay