Người đọc - Phần II - Chương 04 - 05 - 06

4

Tôi không bỏ một ngày xử án nào. Các sinh viên khác ngạc nhiên. Giáo sư thì vui mừng vì có một người nắm được thông tin để truyền lại cho nhóm sau những gì nhóm trước tai nghe mắt thấy.

Chỉ có một lần Hanna nhìn vào khán giả và về phía tôi. Còn thì trong tất cả các ngày xử án cô chỉ nhìn về phía ghế băng khi được một nữ cảnh sát dẫn vào và ngồi xuống. Trông có vẻ ngạo mạn, và cũng có vẻ ngạo mạn khi cô không nói chuyện với các bị cáo khác và hầu như cũng chẳng nói chuyện với luật sư của mình. Các bị cáo khác cũng ít chuyện trò với nhau hơn, khi phiên xử ngày càng kéo dài. Họ đứng với người nhà và bạn bè trong giờ giải lao. Vẫy tay gọi mỗi sáng khi nhìn vào khán giả. Hanna ngồi tại chỗ trong giờ nghỉ.

Và tôi nhìn cô từ phía sau. Tôi thấy đầu, gáy và đôi vai cô. Tôi đọc ý nghĩ qua đầu, gáy và đôi vai cô. Nếu nói đến cô, cô ngẩng đầu thật cao. Khi cảm thấy mình bị đối xử bất công, vu khống, tấn công và cố tìm lời đáp lại thì vai cô vươn ra trước, gáy vồng lên làm lộ rõ những làn cơ. Những phản ứng của cô thường thất bại, và vai cô cũng thường xuôi xuống. Không bao giờ cô nhún vai, không bao giờ lắc đầu. Cô quá tập trung tinh thần nên không thể vô tình nhún vai hay lắc đầu. Cô cũng không cho phép mình nghiêng đầu, gục đầu hay chống đầu lên tay. Cô ngồi đó như khối băng. Ngồi như thế chắc mỏi lắm.

Thỉnh thoảng vài sợi tóc tuột ra khỏi búi, xoăn lại, thả xuống gáy và bị gió thổi cọ đi cọ lại trên gáy. Thỉnh thoảng Hanna mặc áo dài khoét cổ đủ rộng để lộ ra vết chàm trên vai trái. Lúc đó tôi nhớ đã từng thổi bay tóc khỏi gáy cô, đã từng hôn lên gáy này và vết chàm này. Nhưng hồi ức chỉ là một nhận thức. Tôi không có cảm xúc nào cả.

Trong phiên xử kéo dài hàng tuần lễ, tôi không cảm thấy gì, cảm giác của tôi như bị đánh thuốc tê. Vài lần tôi kích động bằng cách tưởng tượng ra Hanna trong những tội danh người ta buộc cho cô một cách rõ rệt như tôi có thể. Cũng như Hanna trong kỷ niệm trào lên trong tôi khi thấy lọn tóc trên gáy và vết chàm của cô. Tựa như khi cấu vào cánh tay bị tiêm thuốc tê đã mất cảm giác. Cánh tay không biết là bị tiêm thuốc tê đã mất cảm giác. Cánh tay không biết là bị ngón tay cấu, còn ngón tay biết là vừa cấu vào cánh tay, và bộ não thoạt tiên không phân biệt được hai quá trình đó. Nhưng liền đó nó phân biệt chính xác được ngay. Có thể cấu mạnh đến nỗi để lại trên cánh tay một vết trắng bệch. Nhưng máu lại chảy, và vết cấu lại có màu. Nhưng không vì thế mà cảm giác đã có lại.

Ai đã cho tôi mũi thuốc tê? Tự tôi, vì nếu không có thuốc tê thì tôi không chịu đựng nổi? Thuốc tê không chỉ có tác dụng trong tòa án và không chỉ gây hậu quả để tôi coi tôi là một người khác, người ấy đã yêu và thèm khát Hanna, người ấy tôi rất biết, nhưng đó không phải là tôi. Kể cả trong các việc khác, tôi vẫn đứng cạnh tôi, quan sát tôi, thấy tôi ở trường, ở cạnh bố mẹ và anh chị em, ở cạnh bạn bè, nhưng trong thâm tâm tôi không hề tham dự.

Một thời gian sau, tôi cho rằng có thể thấy ở các bạn khác cũng tồn tại cảm giác tê liệt như vậy. Không kể đến các luật sư, vốn là những người trong toàn bộ phiên tòa luôn luôn đao to búa lớn, gây gổ hiếu thắng, tỉ mẩn mổ xẻ hay cũng tàn nhẫn vô liêm sỉ, tùy theo tính khí cá nhân và chính trị. Tuy phiên tòa có khi to mồm hơn, nhưng qua ngày hôm sau họ lại nạp đủ lực để gào thét như sáng sớm hôm trước. Các công tố viên cố giữ cân bằng và thể hiện từ ngày nọ qua ngày kia sự năng nổ hệt như thế. Song họ không thành công, ban đầu vì những sự kiện và kết quả xử làm họ thất kinh, về sau tác dụng mạnh nhất đối với các thẩm phán và bồi thẩm. Trong mấy tuần đầu của phiên tòa, những sự việc khủng khiếp được trình bày lúc thì đẫm nước mắt, lúc thì với giọng nghẹn ngào, lúc thì hoảng sợ và thảng thốt, làm cho họ xúc động ra mặt hay phải cố gắng trấn tĩnh. Về sau các khuôn mặt trở lại bình thường, họ lại có thể mỉm cười thì thầm với nhau một nhận xét nào đó, hay cũng tỏ ra chút sốt ruột khi nhân chứng nhầm lẫn vặt vãnh. Khi nói đến một chuyến đi sang Israel để lấy lời kể của một nhân chứng, ai nấy vui vẻ nghĩ đến chuyến du lịch. Chỉ có các sinh viên khác là lúc nào cũng luôn bị sốc. Mỗi tuần họ chỉ ra tòa có một lần, và lần nào cũng lại tái diễn nỗi kinh hoàng ập vào khung cảnh thường nhật. Còn tôi, do ngày nào cũng có mặt nên tôi quan sát phản ứng của họ từ xa.

Như một tù nhân ở trại tập trung quen sống sót qua từng tháng một và ghi nhận nỗi kinh hoàng của những người mới đến một cách vô cảm, ghi nhận với sự tê liệt mà họ vẫn có khi chứng kiến cảnh giết chóc. Tất cả hồi ký của những người sống sót nói về sự tê liệt này, nó làm mọi động thái của cuộc sống bị thu hẹp, làm con người trở nên vô cảm và tàn nhẫn, biến phòng hơi ngạt và lò thiêu người thành chuyện hằng ngày. Cả trong những bút tích hiếm hoi của các thủ phạm, phòng hơi ngạt và lò thiêu người trở thành môi trường thường nhật, bản thân thủ phạm rút gọn thành một vài động thái, chúng như kẻ bị đánh thuốc mê hay say rượu trong bản tính riêng tàn nhẫn, vô cảm và tê liệt. Các bị cáo trong mắt tôi vẫn và sẽ mãi mãi mắc chân trong nỗi tê liệt ấy, nói cách khác là tê liệt đến trơ như đá.

Ngay từ ngày ấy và đến hôm nay tôi đã có cảm giác nặng nề khi nghĩ đến nỗi tê liệt chung và cả khi nghĩ đến sự tê liệt ấy không chỉ đè lên thủ phạm và nạn nhân, mà cả lên chúng tôi là thẩm phán hay bồi thẩm, công tố viên hay thư ký tòa án. Cảm giác nặng nề đó xuất hiện từ ngày ấy và cả bây giờ, khi tôi so sánh thủ phạm, nạn nhân, người chết, người sống sót và lớp hậu bối với nhau. Có được phép so sánh họ với nhau không? Trong khi nói chuyện, khi đề cập đến so sánh kiểu ấy thì mặc dù tôi vẫn nhấn mạnh rằng so sánh ấy không cào bằng điểm khác biệt giữa những người bị cưỡng bức vào trại tập trung và những kẻ tự bước vào đó. Giữa những người chịu đau khổ và những kẻ gây ra đau khổ, điểm khác biệt đó cần được nêu ý nghĩa quan trọng có tính quyết định toàn diện nhất. Song bản thân tôi vấp phải phản ứng ngạc nhiên và bất bình, kể cả tôi nói ra điều đó không phải để đáp lại lời phê phán của người khác, mà trước khi họ nói ra những lời phê phán.

Đồng thời tôi tự hỏi, như tôi ngày đó đã bắt đầu tự hỏi: kỳ thực thì thế hệ hậu sinh của tôi đã và đang phải hiểu những sự kiện kinh hoàng về cuộc tàn sát người Do Thái ra sao? Chúng ta không nên cho rằng phải hiểu được những gì không thể hiểu, chúng ta không được phép so sánh những gì không thể so sánh, chúng ta không được phép hỏi sâu hơn khi người hỏi - tuy không nghi vấn những nỗi kinh hoàng song vẫn đem ra để bàn luận - không thấy đó là lý do buộc phải câm miệng bởi kinh hoàng, hổ thẹn và mặc cảm tội lỗi. Phải chăng chúng ta nên câm miệng trước nỗi kinh hoàng, hổ thẹn và mặc cảm tội lỗi? Để đi đến kết cục nào? Không phải là lòng hăng hái đi khảo cứu và minh chứng của tôi mang theo đến lớp chuyên đề đã nguội lạnh trong phiên xử, nhưng khi một hậu sinh phải câm miệng trước nỗi kinh hoàng, hổ thẹn và mặc cảm tội lỗi. Có thế thôi sao?

5

Tuần thứ hai để đọc cáo trạng. Đọc mất một ngày rưỡi, một ngày rưỡi với các sự kiện ở thể giả định. Bị cáo ở mục một có thể đã..., ngoài ra có thể...,... thêm vào đó có thể đã..., qua đó vi phạm điều luật số nào đó, ngoài ra bị cáo có thể đã vi phạm..., và đã có hành vi bất hợp pháp. Hanna là bị cáo ở mục bốn.

Năm nữ bị cáo đều là quản tù ở một trại giam nhỏ gần Krakov, trại ngoại vi của Auschwitz. Đầu năm 1944 họ được chuyển tù bị chết hay bị thương trong một vụ nổ ở nhà máy nơi phụ nữ của trại làm việc. Một trong những nội dung cáo trạng xoay quanh hành vi của họ ở Auschwitz, nhưng không quan trọng như những nội dung khác. Tôi không nhớ rõ nữa. Vì không liên quan tới Hanna mà chỉ dính dáng đến những người kia? Vì không có ý nghĩa gì lớn, hay không lớn so với các nội dung khác của cáo trạng? Hay có vẻ như không thể không truy tố hành vi một kẻ từng ở Auschwitz và nay đã sa lưới?

Tất nhiên là cả năm bị cáo không chỉ huy trại. Ở đó có một số chỉ huy, đội lính canh và các nữ quản tù khác. Đa số các lính canh và quản tù bị chết bom khi đoàn tù nhân đi về phía Tây bị ném bom trong đêm. Một số đã trốn trong đêm đó, không sao tìm ra được, giống như viên chỉ huy đã lủi mất trước khi đoàn người xuất hành.

Thật ra không có tù nhân nào qua nổi trận bom. Trừ hai mẹ con sống sót. Cô con gái đã viết một cuốn sách về trại tập trung và đoàn tù đi về phía Tây, xuất bản ở Mỹ. Cảnh sát và sở công tố không chỉ tìm ra năm bị cáo, mà cả một số nhân chứng sống ở ngôi làng mà đêm hôm ấy đoàn tù nhân bị trúng bom. Hai nhân chứng quan trọng nhất là cô con gái được mời sang Đức, và bà mẹ ở Israel. Để lấy lời khai của bà mẹ, tòa án, các công chứng viên và luật sư đi sang Israel - giai đoạn duy nhất của phiên tòa mà tôi không chứng kiến.

Một nội dung chính của cáo trạng nói về quá trình chọn lọc ở trại tập trung. Hằng tháng, Auschwitz chuyển đến khoảng sáu mươi nữ tù mới và cũng nhận lại chừng ấy người, trừ những người chết giữa hai chuyến. Mọi người đều biết rõ là số phụ nữ đó bị giết ở Auschwitz; những người bị chuyển trở lại là do không được nhà máy tuyển dụng nữa. Đó là nhà máy sản xuất đạn, công việc chính cũng chẳng nặng nhọc mấy, nhưng thật ra họ hãn hữu mới làm việc chính, mà phải ra công trường vì vụ nổ hồi xuân đã gây ra hư hại trầm trọng.

Nội dung chính nữa của cáo trạng là đêm đoàn tù nhân bị bom. Đội lính canh và các quản tù đã dồn mấy trăm nữ tù nhân vào nhà thờ của làng và khóa lại. Dân làng đã bỏ đi gần hết. Một vài quả bom nữa có thể nhằm vào tuyến đường sắt gần đó, vào nhà máy, hay chỉ là số bom thừa sau khi oanh tạc vào một thành phố lớn bị quẳng đi. Một quả trúng nhà linh mục, nơi lính canh và quản tù ngủ. Những quả khác xuyên qua tháp chuông. Trước tiên tháp chuông bắt lửa, rồi đến mái nhà, sau đó cả bộ khung rực cháy sập vào trong nhà thờ và các hàng ghế bốc cháy. Những cánh cửa kiên cố vẫn nguyên. Lẽ ra các quản tù có thể mở khóa. Họ không làm gì, và những người phụ nữ bị khóa trong nhà thờ đã chết thiêu.

6

Đối với Hanna, diễn biến phiên tòa không thể tồi tệ hơn được nữa. Ngay từ khi khai về nhân thân, cô đã gây ấn tượng xấu cho tòa. Sau khi cáo trạng được đọc xong, cô xin phát biểu vì có gì đó không đúng; thẩm phán bối rối giải thích cho cô rằng trước khi khai mạc phiên xử chính các bị cáo đã có đủ thời gian để nghiên cứu cáo trạng. Bây giờ là phiên xử chính, đúng hay sai chỗ nào sẽ được sáng tỏ trong phần đánh giá chứng cứ.

Mở đầu phần xét chứng cứ, thẩm phán đề nghị bỏ qua phần đọc bản tiếng Đức từ cuốn sánh của cô gái vì một nhà xuất bản Đức đã chuẩn bị phát hành và các bên liên quan đã nhận được bản thảo, ông ngạc nhiên thấy luật sư của Hanna phải thuyết phục để cô đồng ý. Cô không muốn. Cô cũng không muốn tin rằng, trong một lần thẩm phán lấy cung trước đây cô đã thừa nhận rằng cô có chìa khóa cửa nhà thờ trong tay. Cô nói rằng cô không có chìa khóa, chẳng ai có cả, nhà thờ không có một mà nhiều chìa khóa cắm bên ngoài các cửa. Nhưng trong biên bản lấy cung của thẩm phán mà cô đã được đọc và ký tên thì không phải thế. Câu hỏi của cô - rằng tại sao người ta cứ muốn gán tội cho cô - không làm tình thế tốt hơn. Cô không cao giọng hỏi, không đòi có lý, nhưng dai dẳng và, như tôi đánh giá, rõ ràng là rất lúng túng và bối rối. Qua câu hỏi tại sao người ta muốn gán tội cho cô, cô không định trách cứ thẩm phán bẻ luật. Luật sư của Hanna bật dậy và hăng hái vội vã phát biểu. Khi bị hỏi là có ý định tán đồng lời trách cứ của thân chủ, anh ta ngồi xuống.

Hanna muốn làm đúng. Cô cãi lại khi cảm thấy bị đối xử bất công, và cô thừa nhận cô cho rằng lời buộc tội đúng. Cô cãi bằng được và sẵn sàng thừa nhận, cứ như đã thừa nhận rồi thì được quyền cãi lại, hay đã cãi rồi thì phải có trách nhiệm thừa nhận những gì mà cô không dễ dàng chối cãi được. Nhưng cô không nhận ra rằng ông quan tòa bực mình với lối dai dẳng của cô. Cô không biết cảm thụ ngữ cảnh và luật chơi, không cảm thụ được cách thức phát biểu đối nghịch của mình và những người khác về có tội và vô tội, buộc tội và tha tội. Lẽ ra luật sư của cô phải có nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh hơn, hay đơn giản là phải giỏi hơn, khả dĩ bù lại sự thiếu hụt về linh cảm của cô. Hay lẽ ra Hanna không được làm khó cho anh ta. Rõ ràng là cô không tín nhiệm anh, nhưng cô cũng không chọn một luật sư mà mình tin cậy. Luật sư của cô là luật sư được chỉ định, do quan tòa gọi.

Thỉnh thoảng Hanna cũng đạt được gì đó có thể gọi là thành công. Tôi nhớ đến buổi lấy cung cô về chọn lựa tù nhân ở trại. Các bị cáo khác phủ nhận đã từng dính líu đến việc ấy. Hanna tự giác công nhận không phải mình là người duy nhất, nhưng có tham gia, như những người khác và làm cùng với họ. Quan tòa cho là phải hỏi cô cho rõ thêm.

“Việc lựa chọn như thế nào?”

Hanna tả lại là các nữ quản tù thống thất với nhau để đưa ra một lượng tù nhân tương đương từ sáu ban, mỗi ban chọn mười người, tổng cộng sáu chục. Con số này tuy nhiên cũng khác nhau, tùy theo lượng người ốm trong mỗi ban nhiều hay ít, và tất cả các nữ quản tù trực nhật hôm đó cùng nhau kết luận xem ai bị chuyển trở lại trại tập trung.

“Không ai trong các bà trốn tránh nhiệm vụ, tất cả cùng làm?”

“Vâng.”

“Bà không biết là chuyển họ đến chỗ chết?”

“Có chứ, nhưng có người mới đến, và người cũ phải dọn lấy chỗ cho người mới.”

“Có nghĩa là để lấy chỗ thì bà đã nói: mày, mày và mày nữa phải chuyển về trại và bị giết?”

Hanna không hiểu câu hỏi của quan tòa mang ý gì.

“Tôi đã... tôi muốn nói là... ở địa vị tôi thì ông sẽ làm gì?” Đó là một câu hỏi nghiêm túc của Hanna. Cô không biết là đáng lẽ nên hành động khác ra sao, có thể hành động khác ra sao, do đó muốn nghe quan tòa nói rằng ở địa vị cô ông sẽ làm gì, vì ông là người có vẻ cái gì cũng biết.

Im lặng một hồi lâu. Trong phiên tòa hình sự Đức không có lệ bị cáo đặt câu hỏi cho quan tòa. Nhưng câu hỏi đã đặt rồi, và tất cả đợi câu trả lời của thẩm phán. Ông phải trả lời, không thể bỏ qua câu hỏi hoặc nghiêm khắc cảnh cáo hay phản bác bằng một câu hỏi ngược lại. Mọi người đều biết, bản thân ông cũng biết thế, và tôi hiểu tại sao ông giở mẹo tỏ ra lúng túng. Ông lấy nó làm mặt nạ, nấp sau đó để câu giờ và tìm ra câu trả lời. Nhưng không được quá lâu, ông chờ càng lâu thì sự hồi hộp và mong đợi càng lớn, và câu trả lời càng phải xuất sắc hơn.

“Có những việc mà người ta không được phép nhúng tay vào, và nếu không nhất thiết nguy kịch đến tính mạng thì phải tránh nó ra.”

Nếu ông định nói về Hanna hay cả về chính mình thì câu đó có lẽ là đủ. Song nói về cái gì người ta phải làm và cái gì không được phép làm và nguy kịch đến đâu thì không đáp ứng đúng tính nghiêm túc trong câu hỏi của Hanna. Cô chỉ muốn biết trong tình cảnh ấy đáng lẽ cô nên làm gì, chứ không muốn biết có những việc gì mà người ta không được làm. Câu trả lời của quan tòa thể hiện vẻ bất lực và thảm hại. Mọi người đều nhận thấy thế. Họ phản ứng bằng tiếng thở dài thất vọng và ngạc nhiên nhìn về phía Hanna là người mà về mặt nào đó đã thắng thế trong cuộc đấu khẩu. Riêng cô vẫn tư lự suy nghĩ.

“Nghĩa là... lẽ ra tôi... lẽ ra không được đăng ký ở Siemens mới phải?”

Đó không phải câu hỏi đặt ra cho vị thẩm phán. Cô chỉ nói ra lời, tự hỏi mình, ngập ngừng, vì chính mình cũng chưa tự đặt câu hỏi đó bao giờ, và nghi ngại liệu đó có phải là câu hỏi thích hợp và câu trả lời thích hợp.