Người đọc - Phần II - Chương 13 - 14 - 15

13

Tháng Bảy. Các thành viên tòa án bay sang Israel hai tuần. Lấy cung ở đó mất vài hôm là xong, nhưng các thẩm phán và công tố viên kết hợp công việc tòa án với du lịch, đến Jerusalem và Tel Aviv, Negev và Hồng Hải. Xét về nguyên tắc công vụ, nghỉ ngơi và chi phí thì chắc chắn cũng ổn. Tuy nhiên tôi thấy chuyện đó kỳ cục.

Tôi dự định hai tuần ấy hoàn toàn dành cho học hành. Nhưng nó không diễn ra như tôi tưởng tượng và dự kiến. Tôi không thể tập trung theo dõi bài học, giáo sư và sách vở. Chốc chốc đầu óc tôi lại phiêu lãng tận đâu đâu và chìm vào những hình ảnh.

Tôi nhìn thấy Hanna bên nhà thờ bốc lửa, với khuôn mặt rắn đanh, quân phục đen và roi quất ngựa. Cô lấy roi vẽ những hình ảnh ngoằn ngoèo trên tuyết và đập vào thân ủng. Tôi nhìn thấy Hanna bảo người khác đọc truyện cho mình nghe. Cô chăm chú lắng nghe, không hỏi, không nhận xét. Khi giờ đọc kết thúc, cô báo với cô gái đọc truyện là ngày mai bị chuyển đi Auschwitz. Cô gái đọc truyện, một tạo vật nhom nhem tóc đen cạo lởm chởm và cặp mắt cận thị òa khóc. Hanna đập tay lên tường, hai phụ nữ bước vào, cũng là tù nhân trong bộ đồ kẻ sọc, và lôi cô gái đọc truyện ra ngoài. Tôi nhìn thấy Hanna đi dọc con đường trong trại giam, bước vào lán gỗ và giám sát công tác xây dựng. Cô làm mọi việc với khuôn mặt rắn đanh, ánh mắt giá lạnh và mồm mím chặt muôn thuở, còn tù nhân rúm người, còng lưng làm việc, ép sát vào tường, lún vào tường, muốn biến mất trong tường. Đôi khi có nhiều tù nhân xuất hiện hoặc chạy đôn chạy đáo, xếp hàng hay hành quân, Hanna đứng trong đám ấy và quát tháo ra lệnh, khuôn mặt quát tháo biến dạng kinh tởm, quất roi ngựa thúc giục. Tôi nhìn thấy tháp chuông đổ ập lên khung mái và những tia lửa bắn tung tóe lên, nghe thấy âm thanh tuyệt vọng của những người đàn bà. Tôi nhìn thấy nhà thờ cháy rụi trong buổi sớm hôm sau.

Cạnh những hình ảnh đó tôi thấy những hình ảnh khác. Hanna đi tất trong bếp, Hanna giữ ấm khăn bông trước bồn tắm, Hanna váy tung bay trên xe đạp, Hanna trong phòng làm việc của bố tôi, Hanna nhảy múa trước gương, Hanna ở trong bể bơi nhìn về phía tôi, Hanna lắng nghe tôi, nói với tôi, cười với tôi, yêu tôi. Thật kinh khủng khi những hình ảnh ấy bị xáo trộn lẫn nhau. Hanna yêu tôi với ánh mắt giá lạnh và mồm mím chặt, Hanna yên lặng nghe tôi đọc truyện và xong rồi thì đập tay lên tường, Hanna nói chuyện với tôi trong khi khuôn mặt biến dạng kinh tởm. Khủng khiếp nhất là những giấc mơ mà trong đó Hanna rắn đanh, hống hách, tàn bạo kích động nhục cảm của tôi, và chúng khiến tôi bừng tỉnh trong khát khao, tủi hổ và căm giận. Và trong nỗi lo sợ: đó là tôi thật sao?

Tôi biết rằng những hình ảnh trong tưởng tượng chỉ là những hình rập khuôn thảm hại, không phù hợp với một Hanna như tôi từng biết và đang biết. Tuy thế, chúng chứa một sức mạnh đủ nghiền nát những hình ảnh hồi ức về Hanna và hòa trộn với những hình ảnh của trại tập trung mà tôi có trong đầu.

Bây giờ, khi nghĩ về thời kỳ ấy tôi thấy nổi bật một điều là thật ra có quá ít cách nhìn, quá ít hình ảnh thể hiện cuộc sống và cái chết ở các trại tập trung. Chúng ta biết Auschwitz qua cánh cửa với hàng chữ bên trong, những phản gỗ nhiều tầng, đống tóc và kính và va li, chúng ta biết Birkensen qua ngôi nhà có tháp cao ở cổng vào, dãy nhà ngang, đường ray tàu hỏa xuyên qua, chúng ta biết Bergen-Belsen(17) qua núi xác người mà quân đồng minh phát hiện và chụp ảnh hôm giải phóng trại. Chúng ta đọc một vài lời thuật lại đã được công bố ngay sau chiến tranh và mãi đến thập kỷ tám mươi mới được tái bản, giữa hai thời điểm ấy chúng không nằm trong chương trình của các nhà xuất bản. Ngày nay có nhiều sách và phim đến nỗi thế giới trại tập trung là một phần của thế giới tập thể tưởng tượng làm hoàn thiện thế giới tập thể hiện hữu. Trong thế giới ấy có đủ chỗ cho trí tưởng tượng, và từ khi có bộ phim nhiều tập Holocaust, phim truyện Sự lựa chọn của Sophie và đặc biệt là Danh sánh Schindler, trí tưởng tượng trở nên sống động trong thế giới ấy, không những chỉ được lĩnh hội mà còn bổ sung và thêu dệt thêm. Hồi ấy trí tưởng tượng hầu như không sinh động, nó cho rằng sự sinh động ấy không phù hợp với nỗi kinh hoàng mà thế giới trại tập trung gây ra. Nó nhìn đi nhìn lại mấy bức tranh từ ảnh chụp của quân đồng minh và hồi ức của tù nhân cho đến khi chúng đông cứng thành rập khuôn.

(17) Bergen-Belsen: trại tập trung ở tỉnh Hannover (Đức).

14

Tôi quyết định phải lên đường. Nếu tôi có điều kiện đứng dậy đi ngang ngay đến Auschwitz thì tôi cũng làm. Nhưng cần mấy tuần lễ để xin thị thực nhập cảnh. Vì vậy tôi đến Struthof(18) ở Alsace là trại tập trung gần nhất. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một trại tập trung. Tôi muốn để thực tại xóa đi những rập khuôn.

(18) Struthof: trại tập trung ở Alsace (Pháp).

Tôi vẫy xe đi nhờ và còn nhớ chuyến đi trên một chiếc xe tải mà người lái xe uống hết chai bia này đến chai bia khác, nhớ đến một người lái chiếc Mercedes đi găng tay trắng. Qua Strasbourg tôi gặp may, chiếc xe ấy đi về Schirmeck, một thành phố gần Struthof.

Khi tôi kể cho người lái xe đích đến cụ thể, ông im lặng. Tôi nhìn sang ông nhưng không nhận ra trên nét mặt ông lý do gì khiến ông đang sôi nổi trò chuyện bỗng dưng im bặt. Ông đã đứng tuổi, khuôn mặt gân guốc, thái dương trái có vết chàm hay vết bỏng đỏ sẫm, tóc đen chải thành vệt và rẽ ngôi nghiêm chỉnh. Ông chăm chú quan sát mặt đường.

Phía trước mặt là những quả đồi của vùng đất trũng sắp chấm dứt. Chúng tôi đi qua những đồi nho, tới một thung lũng rộng, hơi dốc lên. Bên phải và bên trái là cánh rừng pha tạp bao phủ sườn đồi, thỉnh thoảng thấy một bãi khai thác đá, một nhà máy xây bằng gạch mái nhấp nhô, một trại an dưỡng cũ kỹ, một biệt thự lớn với những tháp nhọn nho nhỏ giữa những tán cây cao, đường tàu hỏa lúc bên phải, lúc bên trái đường.

Sau đó ông lại nói tiếp. Ông hỏi tại sao tôi đi thăm Struthof, tôi kể về phiên tòa và cách nhìn hụt hẫng của tôi.

“À, thì ra anh muốn hiểu tại sao con người có thể làm những chuyện kinh khủng như thế.” Giọng ông nghe có chút gì mỉa mai. Nhưng có thể đó chỉ là pha âm hưởng của giọng nói và tiếng địa phương. Trước khi tôi kịp trả lời ông đã nói tiếp: “Thật ra anh muốn ngộ ra điều gì? Rằng người ta giết người vì đam mê, vì tình, hay vì căm ghét, hay vì danh dự và phục thù, anh hiểu chứ?”

Tôi gật đầu.

“Anh cũng hiểu rằng người ta giết người vì tiền bạc hay quyền lực? Rằng người ta giết người trong chiến tranh hay trong cách mạng?”

Tôi gật đầu tiếp. “Nhưng...”

“Nhưng những người ở trại tập trung không làm gì phương hại đến kẻ giết họ, anh định nói thế chứ gì? Anh định nói là ở đó chẳng có lý do để căm ghét, và chẳng có chiến tranh?”

Tôi không muốn gật đầu tiếp. Những gì ông ta nói thì đúng, nhưng cách ông nói ra thì không.

“Anh có lý, không có chiến tranh và không có lý do để căm ghét. Nhưng tên đao phủ tuy không ghét kẻ tử tội mà vẫn cứ hành quyết kẻ đó. Vì hắn bị ra lệnh chứ gì? Anh cho là hắn hành động vì bị ra lệnh? Và anh cho rằng tôi đang nói về mệnh lệnh và sự tuân thủ, về nhân viên trong trại bị ra lệnh và họ phải tuân lệnh?” Ông cười khinh miệt. “Không, tôi không nói đến mệnh lệnh và sự tuân thủ. Đao phủ không tuân thủ lệnh nào. Hắn làm công việc của hắn, không ghét những người hắn hành quyết, không trả thù gì họ, không giết họ vì họ cản chân hắn hay đe dọa hoặc công kích hắn. Hắn hoàn toàn dửng dưng trước họ, dửng dưng đến mức giết họ hay để họ sống cũng như nhau.”

Ông chăm chú nhìn tôi. “Không nhưng nữa à? Nói đi chứ, anh hãy nói là không người nào được phép dửng dưng như vậy trước người khác. Anh không được học điều đó à? Đoàn kết với tất cả những gì có nhân diện? Phẩm giá con người? Sùng kính sự sống?”

Tôi tức tối và bất lực. Tôi lục tìm một chữ, một câu khả dĩ phủi băng những gì ông ta vừa nói và khiến ông ta câm miệng.

“Đã có lần,” ông nói tiếp, “tôi xem một tấm ảnh chụp cảnh xử bắn người Do Thái ở Nga. Những người Do Thái trần truồng đứng thành một hàng dài, có mấy người đứng cạnh mép hố, sau họ là lính dùng súng bắn họ vào gáy. Vụ xảy ra ở một bãi khai thác đá, phía trên đám người Do Thái và lính tráng là một viên sĩ quan ngồi trên bệ vách, thả chân đung đưa và hút thuốc. Trông anh ta có vẻ ngán ngẩm, có thể vì công việc không chóng vánh như anh ta muốn. Nhưng anh ta có gì đó hài lòng trên nét mặt, thậm chí vui thích, có lẽ vì ít nhất thì công việc hôm nay đang tiến hành và sắp hết ngày rồi. Anh ta không ghét người Do Thái. Anh ta không...”

“Đó là ông chứ gì? Ông ngồi trên vách đá đó và...”

Ông ta dừng xe. Mặt xám bệch, và vết chàm trên thái dương ửng đỏ. “Cút!”

Tôi xuống xe. Ông ta quay xe sát sạt làm tôi phải nhảy vội sang bên. Tôi còn nghe tiếng xe ở mấy khúc rẽ. Sau đó là tĩnh mịch.

Tôi đi theo đường lên dốc. Không có xe nào vượt tôi, không xe nào đi ngược lại. Tôi nghe tiếng chim, tiếng gió trong tán cây, đâu đó có tiếng suối chảy. Tôi thở khoan khoái. Mười lăm phút sau tôi đến trại tập trung.

15

Mới đây tôi lại đến Struthof vào một ngày đông trong trẻo và lạnh giá. Đi qua Schirmeck là rừng ngập tuyết, phủ trắng cây cối và nền đất. Khuôn viên của trại tập trung là một khoảnh đất thuôn dài trên nền đồi dốc xuống với tầm nhìn xa xuống vùng đất trũng trắng xóa dưới ánh mặt trời. Những tháp canh hai, ba tầng và dãy lán quét sơn xanh xám tương phản thân thiện trên tuyết. Dĩ nhiên, có cổng vào chăng mắt cáo mang dòng chữ Struthof-Natzweiler và quanh trại là hai lớp rào dây thép gai. Nhưng nền đất giữa những lán gỗ còn sót lại bị lấp dưới lớp tuyết phủ lóng lánh, nơi ngày xưa các lán xây sít nhau, không nó gợi lại chút gì về trại giam nữa. Có thể lẫn nó với sườn dốc trượt tuyết cho bọn trẻ con đang nghỉ đông trong những lán gỗ thân thiện có cửa sổ chia ô ấm cúng, và người ta sắp gọi chúng vào nhà uống ca cao nóng.

Trại giam đóng cửa. Tôi dò dẫm đi lại trong tuyết và ướt cả chân. Có thể nhìn sâu vào khu trại và nhớ lại hôm xưa, khi đến đây lần đầu, tôi đo bước chân dọc những bậc thang giữa móng tường của những lán gỗ bị dỡ đi ra sao. Tôi cũng nhớ đến những lò thiêu người mà ngày xưa người ta trưng bày trong lán, và trong một lán khác là các xà lim. Tôi nhớ hồi đó đã cố gắng vô ích ra sao để mường tượng cụ thể ra cảnh trại giam đầy tù nhân và lính gác cũng như nỗi khổ ải ở đó. Thật sự là tôi có cố gắng ngắm nghía một lán gỗ, nhắm mắt lại và xếp những lán gỗ như thế sát vào nhau trong tưởng tượng. Tôi lấy bước chân đo lán, dựa theo tờ hướng dẫn tham quan để tính ra số lượng tù nhân và tưởng tượng ra cảnh chật ních. Tôi được biết là những bậc thang giữa các lán được dùng làm nơi điểm danh và nghĩ ra những tấm lưng sít cạnh nhau trên các bậc từ đầu trại đến cuối trại. Nhưng nhọc công vô ích, và tôi thấy mình bất lực đến thảm hại và xấu hổ. Trên đường về tôi thấy ở chân dốc một ngôi nhà nhỏ đối diện quán ăn, ghi là phòng hơi ngạt. Nhà quét màu trắng, cửa ra vào và cửa sổ có viền khung sa thạch, có thể coi là kho đựng rơm cỏ hay nhà ở của lao động cũng được. Ngôi nhà ấy cũng đóng, tôi nhớ là ngày xưa đã vào bên trong rồi. Tôi dừng xe một lát để nhìn ra nhưng không tắt động cơ, rồi lại đi tiếp.

Mới đầu tôi ngại đi quanh co qua các làng xóm của vùng Alsace trên đường về nhà và tìm quán ăn. Nhưng nỗi ngại ngần ấy không xuất phát từ linh cảm nào rõ rệt, mà do suy nghĩ, sau khi đến xem một trại tập trung người ta phải có cảm xúc gì. Tôi tự nhận ra điều đó, nhún vai và tìm thấy ở cuối dốc một quán ăn mang tên Cậu bé. Từ chỗ ngồi, tôi có thể nhìn ra vùng đất trũng. Hanna vẫn gọi tôi là cậu bé.

Lần đầu đến xem trại tập trung, tôi đi quanh quẩn cho đến giờ đóng cửa. Sau đó tôi ngồi xuống bên đài kỷ niệm phía trên trại giam và nhìn xuống khu trại. Tôi thấy cực kỳ trống trải trong lòng, tựa như khi đi xem tôi đã không tìm gì ngoài trại, mà tìm ngay trong chính mình và nhận ra là trong tôi chẳng có gì.

Trời đã tối. Tôi phải chờ một tiếng trước khi một chiếc xe tải không mui cho tôi leo lên sàn chở hàng và đi đến ngôi làng gần đó. Tôi bỏ ý định vẫy xe đi nhờ về đến nhà trong cùng ngày. Tôi kiếm được một phòng trọ rẻ ở quán ăn trong làng, gọi một lát thịt mỏng dính với khoai tây và đỗ.

Ở bàn bên cạnh, bốn người đàn ông ầm ĩ chơi bài. Cửa mở, một ông già nhỏ thó bước vào. Ông mặc quần ngắn, có một chân gỗ. Ông gọi một cốc bia ở quầy. Ông quay lưng và cái sọ to tướng hói trụi lại với bàn bên. Mấy người đang chơi đặt bài xuống, moi trong gạt tàn mấy đầu mẩu thuốc và ném trúng ông. Ông già đứng bên quầy huơ tay sau gáy như đuổi ruồi. Chủ quán đem bia lại. Không ai nói gì.

Tôi không nhịn được, đứng dậy đi đến bàn bên. “Các ông thôi đi!” Tôi giận run. Đúng lúc đó ông già nhảy lò cò lại gần, nghí ngoáy đùi rồi chợt cầm chiếc chân gỗ trong tay và nện đánh rầm lên mặt bàn làm cốc chén và gạt tàn nhảy tưng rồi thả phịch người xuống chiếc ghế trống vừa cười hinh hích với chiếc mồm móm, những người khác cũng cười theo, tiếng cười ồn ã của hơi men. “Các ông thôi đi!” Họ cười và chỉ tay vào tôi. “Các ông thôi đi!”

Buổi đêm gió thổi như bão quanh nhà. Tôi không thấy lạnh, và tiếng gió hú, tiếng cành cây nghiến và thỉnh thoảng tiếng cửa sổ đập cũng không to đến mức khiến tôi phải mất ngủ. Nhưng trong lòng tôi xáo động càng lúc càng dữ, đến lúc tôi run khắp người. Tôi kinh hãi, không phải vì đợi chuyện gì khủng khiếp xảy ra, mà vì thể trạng mình. Tôi nằm đó, lắng nghe tiếng gió và thở phào khi thấy gió nhẹ và lặng dần, chỉ sợ nó lại mạnh lên và không biết ngày mai làm sao thức dậy để vẫy xe đi nhờ về nhà, tiếp tục học hành và tương lai có công việc, có vợ con.

Tôi vừa muốn thấu hiểu vừa muốn lên án tội ác của Hanna. Nhưng nó quá ghê rợn. Nếu tôi cố thấu hiểu tội ác ấy thì lại có cảm giác không thể lên án nó ở mức độ xứng đáng. Nếu tôi lên án nó ở mức độ xứng đáng thì không có chỗ cho sự thấu hiểu. Nhưng đồng thời tôi muốn hiểu Hanna; không hiểu cô sẽ đồng nghĩa với phản bội cô lần nữa. Tôi không đến được hồi kết. Tôi muốn đương đầu với cả hai: thấu hiểu và lên án. Nhưng cả hai đều bất thành. Ngày hôm sau lại là một ngày hè tuyệt đẹp. Vẫy được xe ngay, vài tiếng sau tôi về đến nhà. Tôi đi qua thành phố, cứ như vắng mặt lâu lắm; phố xá, nhà cửa và mọi người đều lạ. Nhưng thế giới xa lạ của trại tập trung không vì thế mà nhích lại gần tôi hơn. Ấn tượng về Struthof hòa đồng vào một vài hình ảnh của Auschwitz, Birkenau(19) và Bergen-Belsen mà tôi đã sẵn có, và đông cứng lại cùng chúng.

(19) Birkenau: tên Đức của hạt Brzezinka thuộc Oswiecim, địa điểm trại tập trung Auschwitz II.