Người đọc - Phần III - Chương 04 - 05 - 06

4

Sau kỳ tập sự tôi phải quyết định chọn lấy một nghề. Tôi chần chừ một dạo. Gertrud bắt tay ngay vào làm thẩm phán, bận túi bụi, và may là tôi ở nhà trông Julia. Khi Gertrud đã qua được những khó khăn ban đầu và Julia đi nhà trẻ thì đến lúc phải quyết định.

Tôi lưỡng lự, không ưa bất cứ một vai trò nào của các luật gia mà tôi đã thấy trong phiên tòa xử Hanna. Làm công tố viên tôi thấy cũng kỳ quặc như luật sư, và thẩm phán thì, để nói cho đơn giản, có lẽ là nghề kỳ quặc nhất. Tôi cũng không thể tưởng tượng ra mình sẽ làm viên chức hành chính; hồi đi tập sự tôi đã làm việc ở sở thị chính và thấy phòng làm việc, hành lang, không khí và các nhân viên ở đó thật là vô vị và buồn tẻ.

Thế thì chẳng còn nhiều việc trong ngành luật nữa để mà chọn, và tôi không biết là mình sẽ làm gì nếu như một giáo sư về lịch sử tư pháp không mời tôi làm việc ở chỗ ông. Gertrud nói rằng đó là sự trốn tránh, đào tẩu trước thử thách và trách nhiệm của cuộc sống, và cô có lý. Tôi đã trốn tránh và vui mừng vì đã trốn được. Cũng chẳng phải làm việc này mãi, tôi nói với cô và với chính mình; tôi còn trẻ, đủ thời gian để sau vài năm lịch sử tư pháp còn kiếm được một nghề tử tế dành cho luật gia. Nhưng rồi việc ấy cứ kéo dài mãi, tiếp theo cuộc trốn tránh này là một cuộc trốn tránh khác, khi tôi rời trường đại học chuyển sang một cơ sở nghiên cứu và tìm được ở đó một địa hạt ngách để theo đuổi đề tài lịch sử tư pháp của mình, ở đó tôi không cần ai mà cũng chẳng phiền đến ai.

Tuy nhiên, trốn tránh không chỉ là chạy trốn, mà cũng là đến đích. Và quá khứ, nơi tôi là nhà nghiên cứu lịch sử tư pháp đặt chân đến, không hề kém sinh động hơn hiện tại. Cũng không phải, như người ngoài cuộc có thể nhận định, là người quan sát cuộc sống quá khứ và vẫn tham gia cuộc sống hiện tại. Nghiên cứu sử là bắc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là quan sát cả hai bên bờ và làm việc ở cả hai bên bờ. Một trong những hành vi nghiên cứu của tôi là luật pháp của Đế chế thứ ba, và ở đây có thể mục sở thị quá khứ và hiện tại gặp nhau trong thực tế ra sao. Trốn tránh ở đây không là nghiên cứu quá khứ, mà chính là quyết định tập trung vào hiện tại và tương lai đang nhắm mắt trước di sản của quá khứ. Chúng ta mang dấu ấn của di sản ấy và phải chung sống với nó.

Ở đây không muốn che giấu cảm giác mãn nguyện khi được thâm nhập vào quá khứ mà ý nghĩ của nó đối với hiện tại không nhiều nhặn gì. Lần đầu tiên có cảm giác đó là khi tôi khảo cứu về các bộ luật và dự duật của thời kỳ Khai sáng. Cơ sở của các tác phẩm ấy là niềm tin rằng trên thế giới đã được định sẵn một nền trật tự tốt đẹp và vì thế có thể đưa thế giới vào một nền trật tự tốt đẹp. Tôi mãn nguyện khi thấy các điều khoản được tạo ra từ đức tin ấy như những người kính gác vinh hạnh cho nền trật tự tốt đẹp, và chúng tụ họp thành các bộ luật tốt đẹp, đem vẻ đẹp ấy đi minh chứng cho chân lý của luật pháp. Một thời gian dài tôi đã tin vào tiến bộ trong lịch sử luật, dù có những thất bại và thoái trào khủng khiếp vẫn là bước phát triển hướng tới tầng cao hơn của cái đẹp và chân lý, hợp lý và nhân đạo. Từ khi ngộ ra niềm tin đó chỉ là ảo vọng, tôi phát triển một hình ảnh khác về tiến trình của lịch sử luật. Theo đó thì tiến trình lịch sử tư pháp có hướng về mục đích, song mục đích đó khi đã đạt được sau vô vàn chấn động, rối ren và lầm lạc là điểm xuất phát ban đầu, và chưa kịp ngồi nóng chỗ ở đích đã phải xuất phát lại từ đầu.

Hồi đó tôi đọc lại Odyssey, sau lần đầu tiên đọc ở trường và ghi nhớ là truyện một chuyến hồi hương. Nhưng đó không phải truyện một chuyến hồi hương. Người Hy Lạp, vốn biết rằng không ai lội hai lần xuống cùng một dòng sông, làm sao có thể tin vào hồi hương. Odysseus không quay về để dừng chân, mà để lên đường lần nữa. Odyssey là câu chuyện về chuyển động, vừa có hướng lại vừa vô hướng, thành công và hoài công. Lịch sử tư pháp nào có khác gì!

5

Tôi bắt đầu đọc Odyssey sau khi chia tay với Gertrud. Nhiều đêm ròng tôi chỉ ngủ vài tiếng; tôi nằm chong mắt, và khi tôi bật đèn thì mắt díu lại, tắt đèn đi tôi lại tỉnh. Vậy tôi đọc thành tiếng để mắt không díu lại nữa. Trong cơn suy tưởng rối rắm về cuộc hôn nhân, về đứa con gái và cuộc đời mình, vòng vo trong những cung tròn cam go, chập chờn nửa thức nửa ngủ, trộn lẫn ký ức và mộng mị, Hanna liên tục ẩn hiện chế ngự. Vì vậy tôi đọc cho Hanna. Tôi đọc cho Hanna vào băng cassette.

Đợi đến lúc gửi băng đi, kéo dài mất vài tháng. Đầu tiên tôi không muốn gửi từng đoạn và chờ đến khi thu băng xong toàn bộ Odyssey. Sau đó tôi nghi ngại, liệu Hanna có thích Odyssey đến mức ấy không, và tôi thu vào băng những truyện tôi đọc sau Odyssey. Truyện của Schnitzler và Chekhov. Rồi tôi cứ lần lữa cho đến khi gọi điện cho tòa án đã xử Hanna và tìm ra địa chỉ nơi cô thụ hình. Sau khi đã có mọi thứ - địa chỉ của Hanna ở một nhà tù gần thành phố xử án ngày trước, một máy chạy băng cassette và các cuộn băng đánh số từ Chekhov cho đến Schnitzler và Homer - tôi đã gửi gói bưu phẩm với máy casette và các băng ghi âm.

Mới đây tôi tìm lại được cuốn vở ghi những truyện mà tôi đã đọc cho Hanna trong nhiều năm. Mười hai cuốn đầu rõ ràng là ghi vào cùng một hôm; hình như tôi cứ đọc bừa phứa rồi mới nhận ra nếu không ghi chép thì tôi sẽ không nhớ được đã đọc gì. Ở các truyện tôi đọc sau đó thỉnh thoảng có ghi ngày tháng, thỉnh thoảng không, nhưng kể cả không có ngày tháng thì tôi cũng vẫn biết là tôi gửi bưu phẩm đầu tiên cho Hanna vào năm thứ tám trong tù, bưu phẩm cuối cùng là năm thứ mười tám. Đến năm thứ mười tám thì đơn xin ân xá của cô được phấp thuận.

Nhìn chung, tôi đọc cho Hanna những truyện mà tôi cũng đang muốn đọc. Lúc đọc Odyssey, ban đầu tôi thấy khó khăn vì khi phải đọc to thì không tập trung lĩnh hội được như đọc khẽ cho riêng mình. Rồi cũng quen dần. Một điểm yếu cố hữu của việc đọc truyện là lâu hơn. Nhưng bù lại thì tôi ghi nhớ tốt hơn những gì đọc to. Cho đến tận hôm nay tôi còn nhớ rất rõ nhiều đoạn.

Tôi cũng đọc cả những sách mà tôi đã biết và yêu thích. Vì vậy Hanna nhận được nhiều tác phẩm của Keller và Fontane, Heine và Moerike. Lâu lâu tôi không dám bạo gan đọc thơ, nhưng sau đó tôi rất thích và tôi nhớ thuộc lòng một loạt bài thơ đã đọc. Hôm nay tôi cũng đọc thuộc lòng được.

Tổng cộng các đầu sách thể hiện một sự tin tưởng cội rễ vào giáo dục kinh điển. Tôi cũng không nhớ là có bao giờ tự đặt câu hỏi rằng tôi nên đọc những tác giả khác ngoài Kafka, Frisch, Johnson, Bachmann, Lenz, và cả văn học thử nghiệm là thứ văn học tôi không nhận ra cốt truyện và không ưa các nhân vật. Đối với tôi thì đã rõ, văn học thử nghiệm là thử nghiệm với độc giả, thứ đó thì cả Hanna và tôi đều không thiết.

Khi chính tôi cũng bắt đầu viết văn, tôi đọc cho Hanna cả tác phẩm của riêng tôi. Tôi chờ đến khi đọc xong bản thảo viết tay cho đánh máy, sau đó chữa bản thảo đánh máy, rồi có cảm giác là tất cả đã hoàn thành, khi đọc lên, tôi xét xem cảm giác ấy có chuẩn không. Nếu không, tôi còn chữa lại lần nữa và ghi âm đè lên bản thu cũ. Nhưng đó là việc tôi không ưa. Tôi muốn đọc lên là kết thúc. Hanna trở thành cấp bậc khiến tôi tập trung mọi sức lực, sáng tạo và trí tưởng tượng phê phán một lần nữa trước khi gửi bản thảo cho nhà xuất bản.

Tôi không ghi âm thêm câu chữ nào của riêng mình vào cassette, không hỏi thăm Hanna, không kể về mình. Tôi đọc đầu đề, tên tác giả và truyện. Khi hết truyện, tôi đợi một lát, đóng sách lại và ấn nút tắt máy.

6

Đến năm thứ tư trong quan hệ nhiều chữ ít lời của chúng tôi thì một bức thư đến: “Truyện vừa gửi hay quá, cậu bé ạ. Cám ơn. Hanna.”

Giấy kẻ dòng, xé ra từ một quyển vở và xén cạnh. Câu chào viết tận trên cùng, trải ra ba dòng. Chữ viết bằng mực bút bi xanh chảy lem nhem. Hanna ấn bút rất mạnh trong khi viết, chữ hằn cả ra mặt sau. Cả dòng địa chỉ cũng mang dấu ấn mạnh của cô, hằn rõ từng chữ lên đầu và cuối trang giấy gấp đôi.

Thoạt tiên vừa xem, người ta có thể tưởng đó là chữ trẻ con. Song trẻ con viết cứng và thô, còn đây thì quá mạnh tay. Có thể nhìn thấy trở lực mà Hanna phải vượt qua để nối các nét thành chữ cái mà chữ cái thành từ. Tay trẻ con đưa xiên vẹo ra hướng nọ hướng kia và được hàng chữ níu lại, còn tay Hanna không muốn đưa vào đâu cả, phải bị ép đi tiếp. Những nét tạo ra chữ cái được liên tục viết lại từ đầu, ở đầu nét, cuối nét, trước vòng cung và móc. Mỗi chữ cái là một cuộc chiến mới, mang một độ nghiêng khác nhau, nhiều khi sai về độ cao và bề rộng.

Tôi đọc bức thư, lòng rộn ràng vui sướng và hân hoan. “Hanna viết, Hanna viết!” Trong những năm ấy, bất kể tìm được gì về đề tài mù chữ thì tôi đều đọc cả. Tôi biết sự bất lực của người mù chữ trong những việc cần thiết hằng ngày, khi tìm đường và địa chỉ hay chọn món ăn ở nhà hàng, tôi biết họ sợ hãi ra sao khi làm theo các khuôn mẫu có sẵn và các thói quen đã định hình, biết đến nỗ lực cần thiết để che giấu thiểu năng đọc viết, sự nỗ lực mà đáng lẽ dành cho cuộc sống. Mù chữ là chưa trưởng thành. Khi Hanna có được dũng khí để học đọc và viết thì cô đã bước từ trẻ con lên người lớn, một bước khai sáng.

Tôi ngắm hàng chữ của Hanna, nhìn thấy bao nhiêu sức lực và tranh đấu mà cô phải trả. Tôi tự hào về Hanna. Đồng thời tôi buồn cho cô, buồn cho cuộc đời muộn màng và hụt hẫng của cô. Buồn cho sự muộn màng và hụt hẫng của cuộc đời nói chung. Tôi nghĩ, khi thời điểm lý tưởng đã lỡ, khi ta chối bỏ quá lâu thì cuộc đời đã quá muộn, ngay cả khi nó được vận hành mạnh mẽ và cuối cùng cũng được tưng bừng đón chào. Hay là không có chuyện quá muộn, chỉ có muộn, và muộn vẫn còn hơn là không bao giờ? Tôi không biết nữa.

Sau thư đầu tiên là đều đặn các thư kế tiếp. Luôn chỉ là vài dòng, một câu cảm ơn, mong được nghe thêm của tác giả ấy hoặc không muốn nữa, nhận xét về một tác giả, một bài thơ hoặc nhân vật trong tiểu thuyết, kể lại những quan sát trong tù. “Cây đầu xuân trong sân nở hoa rồi” hay “Em thích hè này có nhiều dông” hay “Qua cửa sổ em nhìn thấy chim chóc tụ thành đàn để bay về phương Nam” - lắm lúc nhờ tin báo của Hanna mà tôi mới để ý đến cây đầu xuân, những cơn dông và lũ chim. Những nhận xét của cô về văn học nhiều lúc cũng chính xác đến ngạc nhiên. “Schnitzler sủa”, “Stefan Zweig chó chết”, “Keller thiếu đàn bà”, “Thơ của Goethe như các bức tranh nhỏ đóng trong khung đẹp” hay “Chắc là Lenz đánh máy chữ”. Vì không biết gì rõ rệt về các tác giả nên khi không biết thì cô cho rằng họ còn sống. Tôi sửng sốt khi nhận thấy rất nhiều khi văn học ngày xưa đọc được như thể của hôm nay, và ai không biết gì về lịch sử thì lại càng dễ cho rằng những khung cảnh ngày xưa chỉ là khung cảnh ở các nước xa xôi.

Tôi không bao giờ viết thư cho Hanna. Nhưng tôi vẫn đọc truyện tiếp cho cô. Lúc tôi sang Mỹ một năm, tôi gửi cassette từ đó. Khi nào đi nghỉ hay bận việc, có thể rất lâu mới xong băng mới; tôi không đặt ra một nhịp điệu cố định, mà gửi cassette khi thì mỗi tuần, khi thì mười bốn ngày hoặc cũng có thể là ba, bốn tuần một lần. Tôi không quan tâm đến việc Hanna giờ đây đã học chữ và có thể không cần các băng ghi âm của tôi nữa. Cô vẫn có thể đọc thêm. Đọc truyện là hình thức để tôi nói chuyện với cô.

Tôi giữ lại tất cả thư của cô. Dạng chữ biến đổi. Đầu tiên cô ép các chữ cái theo cùng một hướng nghiêng, độ cao và bề rộng. Xong việc đó rồi, cô viết nhẹ nhàng và chắc chắn hơn. Hanna chưa bao giờ viết trôi chảy. Nhưng chữ cô đạt được một chút vẻ đẹp nghiêm chỉnh riêng biệt của người lớn tuổi ít viết lách trong đời.