Người đọc - Phần III - Chương 10 - 11 - 12 (Hết)

10

Sáng hôm sau Hanna đã chết. Cô thắt cổ lúc bình minh.

Khi tôi đến nơi, người ta đưa tôi gặp bà giám đóc. Lần đầu tiên tôi thấy bà, một người phụ nữ nhỏ gầy, tóc vàng sẫm, đeo kính. Trông bà mờ nhạt, cho đến khi bà bắt đầu phát biểu với mãnh lực và nhiệt tâm, ánh mắt nghiêm trang và cử chỉ dứt khoát. Bà hỏi tôi về cuộc điện thoại tối qua và lần gặp nhau trước đây một tuần. Liệu tôi có linh cảm hay phỏng đoán điều gì. Tôi lắc đầu. Cũng không có điều gì trong linh cảm hay phỏng đoán mà tôi cố quên đi.

“Hai người quen nhau từ đâu?”

“Chúng tôi sống gần nhau.” Bà nhìn tôi dò hỏi, và tôi nhận thấy phải nói thêm. “Chúng tôi sống gần nhau, làm quen nhau và kết bạn. Lúc còn là sinh viên tôi đã ở phiên tòa xử bà ấy.”

“Vì sao ông gửi cassette cho bà Schmitz?”

Tôi im lặng.

“Ông đã biết bà ấy mù chữ, đúng không? Sao ông biết?”

Tôi nhún vai. Tôi cho là chuyện Hanna và tôi chẳng liên quan gì đến bà. Nước mắt tôi nghẹn trong ngực và cổ. Tôi sợ không nói lên lời. Tôi không muốn khóc trước mặt bà.

Chắc là bà thấy được tâm trạng của tôi. “Ông đi với tôi, tôi chỉ cho ông xem phòng của bà Schmitz.” Bà đi trước, luôn quay lại để nói với tôi hay giải thích điều gì. Nơi này là nơi có vụ bọn khủng bố tấn công, đây là xưởng may mà Hanna đã làm việc, ở kia Hanna đã ngồi đình công cho đến khi quyết định cắt ngân sách thư viện được chỉnh lý, đây là đường tới thư viện. “Bà Schmitz không sắp xếp đồ đạc. Ông chứng kiến căn phòng như lúc bà ấy sống ở đó.”

Giường tủ, bàn ghế, giá sách gắn ở tường phía trên bàn, ở góc nhà sau cánh cửa là bồn rửa tay và bồn vệ sinh. Thay vì cửa sổ là gạch kính. Bàn trống. Trên giá là sách, đồng hồ báo thức, con gấu vải, hai cốc, cà phê bột, hộp trà, máy cassette và các băng của tôi ghi để trong hai ngăn thấp.

“Không phải tất cả băng ghi âm ở đó.” Bà giám đốc dõi theo ánh mắt tôi. “Bà Schmitz hay cho tổ dịch vụ của tù nhân khiếm thị mượn vài cuốn băng.”

Tôi lại gần giá sách. Primo Levi, Elie Wiesel, Tadeusz Borowski, Jean Améry - sách của các nạn nhân bên cạnh tự thuật của Rudolf Hoess(20), ghi lại của Hannah Arendt về Eichmann ở Jerusalem cũng như sách nghiên cứu về trại tập trung.

(20) Rudolf Hoess: chỉ huy trại tập trung Auschwitz II Birkenau, người đầu tiên dùng hơi ngạt “Zyklon B” để giết tù nhân hàng loạt.

“Hanna đã đọc những sách này?”

“Bà ấy luôn chọn sách với chủ định rõ rệt. Trước đây mấy năm tôi đã phải kiếm cho bà ấy danh mục tổng quát về trại tập trung, rồi trước đây một, hai năm bà ấy nhờ tôi tìm hộ sách về phụ nữ trong trại tập trung - tù nhân và quản tù. Tôi viết thư đến Viện lịch sử hiện đại và cận đại, ở đó người ta gửi cho tôi một danh mục sách đặc biệt. Sau khi học đọc, bà Schmitz bắt đầu đọc ngay về trại tập trung.”

Phía trên giường treo nhiều tranh nhỏ và mảnh giấy. Tôi quỳ chân lên giường và đọc. Câu trích dẫn, thơ, tin ngắn, cả công thức nấu ăn mà Hanna chép lại hoặc cắt trong báo ra. “Mùa xuân thổi dải lụa xanh phất phới bay trong gió”, “Bóng của mây in trên đồng” - những bài thơ tràn đầy vui sướng và khát vọng thiên nhiên, và trong tranh là rừng xuân sáng rực, đồng cỏ sặc sỡ hoa, cây anh đào với những quả anh đào chín, cây dẻ rực lửa thu vàng đỏ. Một bức ảnh cắt trong báo cho thấy hai người đàn ông bắt tay nhau, một già một trẻ trong bộ đồ sẫm màu, tôi nhận ra mình là người trẻ đang cúi mình. Tôi vừa tốt nghiệp phổ thông và nhận quà từ tay thầy hiệu trưởng. Vào thời điểm đó Hanna đã bỏ thành phố đi từ lâu. Hanna không biết đọc, nhưng cô có đặt mua dài hạn tờ báo địa phương mà trong đó có đăng tấm ảnh này? Dù thế nào thì cô cũng đã bỏ ít nhiều công sức để biết đến tấm ảnh và kiếm được nó. Khi xử án liệu cô có tấm ảnh này trong tay? Tôi lại thấy nước mắt nghẹn trong ngực và cổ.

“Bà ấy đã học với ông. Bà mượn ở thư viện những cuốn sách mà ông đọc vào băng rồi lần theo từng chữ, từng câu mà bà đã nghe. Máy ghi âm không chịu nổi bật tắt, tua đi tua lại nhiều lần như vậy, hay bị hỏng và phải đem chữa. Muốn chữa phải viết đơn xin, vì vậy tôi cũng biết bà Schmitz làm gì. Mới đầu bà ấy không muốn nói ra, nhưng khi bắt đầu viết và nhờ tôi tìm một quyển sách có chữ viết thì bà ấy không cố giấu nữa. Đơn giản là bà ấy tự hào đã làm được việc ấy và muốn chia sẻ niềm vui.”

Trong khi bà giám đốc kể, tôi vẫn quỳ trên giường xem các tranh và giấy ghi chép và cố cầm nước mắt. Bà nói, khi tôi quay lại và ngồi xuống giường: “Bà Schmitz luôn hi vọng là ông sẽ viết thư. Bà ấy chỉ nhận được bưu phẩm của mình ông, khi phát thư, bà ấy hỏi ‘Không có bưu phẩm cho tôi à?’ và không ám chỉ gói cassette. Tại sao ông không viết thư bao giờ?”

Tôi lại im lặng. Nếu mở mồm thì tôi cũng không nói được, chỉ nghẹn lời và khóc mà thôi.

Bà đi ra giá sách lấy hộp trà, ngồi xuống cạnh tôi và rút trong túi áo ra một tờ giấy gập đôi. “Bà Schmitz để lại cho tôi một bức thư, một dạng di chúc. Tôi đọc cho ông nghe đoạn nói đến ông.” Bà mở tờ giấy. “Trong hộp trà màu tím còn có tiền. Nhờ bà đưa cho Michael Berg để chuyển số tiền này cùng với bảy nghìn Mark ở quỹ tiết kiệm cho cô con gái đã sống sót trong vụ cháy nhà thờ cùng mẹ. Cô ấy sẽ tự quyết định làm gì với số tiền. Và nhờ bà chuyển hộ lời tôi chào anh ấy.”

Thế nghĩa là cô không để lại lời nào cho tôi. Cô muốn nhục mạ tôi? Cô muốn trừng phạt tôi? Hay tâm hồn cô đã mệt mỏi đến mức cô chỉ còn có thể làm và viết những chuyện cần thiết nhất? “Trong tất cả những năm ở đây, bà ấy như thế nào,” tôi đợi đến khi nói được, “và trong những ngày cuối như thế nào?”

“Bà ấy sống ở đây nhiều năm như trong tu viện. Tựa như tự nguyện lui về đây và tự nguyện chịu đựng nội quy ở đây, tựa như công việc khá đơn điệu ở đây là một kiểu ngồi thiền. Bà thân mật nhưng giữ khoảng cách và có uy tín lớn đối với những người phụ nữ khác. Hơn thế nữa, bà còn được trọng vọng, được hỏi ý kiến khi có vấn đề, và khi bà can thiệp vào một vụ cãi cọ thì quyết định của bà được chấp nhận. Cho đến khi bà buông trôi mọi việc từ cách đây vài năm. Bà ấy luôn chú trọng mình, cao lớn nhưng giữ người thon thả, và sạch sẽ đến phát sợ. Giờ thì bắt đầu ăn nhiều, ít tắm rửa, lên cân và có mùi. Trông bà không có vẻ bất hạnh hay không bằng lòng. Thực ra thì nguyên nhân là rút lui vào tu viện có lẽ chưa đủ, tựa như ngay trong tu viện cũng còn quá đông đảo và ầm ĩ và vì thế bà phải trốn vào một trai phòng cô đơn để không thấy mặt ai, và ở đó thì bộ dạng, trang phục và mùi vị chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Không nói là bà ấy buông trôi mọi việc là sai. Bà tự xác định một chỗ mới của mình, với một phương thức đúng cho mình, nhưng không được những người khác nể trọng.”

“Và những ngày cuối?”

“Vẫn như mọi khi.”

“Tôi có được nhìn thấy bà ấy?”

Bà gật đầu, nhưng vẫn ngồi. “Những năm cô đơn phải chăng đã làm người ta không chịu nổi cuộc đời này nữa? Thà tự sát còn hơn rời chốn tu viện ẩn dật để quay lại với cuộc đời?” Bà quay sang tôi. “Bà Schmitz không viết tại sao tự sát. Còn ông không nói giữa hai người có gì khả dĩ đưa đến chuyện bà Schmitz tự sát trong đêm cuối cùng, trước khi ông đến đón.” Bà gập giấy lại, đứng dậy và phủi váy cho phẳng. “Ông biết không, cái chết của bà Schmitz làm tôi bàng hoàng, và trong giây phút này tôi đang trong cơn thịnh nộ đối với bà Schmitz và với ông. Nhưng ta đi thôi.”

Bà lại đi trước, lần này lặng tiếng. Hanna nằm trong một phòng nhỏ của bệnh xá. Chúng tôi vừa vặn lọt vào giữa xe cáng và tường. Bà giám đốc lật tấm khăn ra.

Người ta buộc một dải khăn quanh đầu Hanna để nâng cao cằm cho đến xác cứng lại. Khuôn mặt không quá bình lặng, cũng không quá đau đớn, cứng đờ tử khí. Tôi nhìn một lúc lâu, và trong khuôn mặt chết hiển hiện khuôn mặt sống, trong khuôn mặt già nua hiện lên khuôn mặt trẻ trung. Đó phải là cảm giác của những đôi vợ chồng già, tôi nghĩ vậy; đối với bà vợ thì trong ông chồng già vẫn còn nguyên chàng trai trẻ, và ông vẫn thấy trong bà vợ già vẻ đẹp và duyên dáng của cô vợ trẻ. Tại sao tôi không nhìn thấy vẻ hiển hiện ấy trước đây một tuần?

Tôi không khóc. Một hồi sau, khi bà giám đốc nhìn tôi dò hỏi thì tôi gật đầu, và bà đậy lại tấm khăn lên mặt Hanna.

11

Đến tận mùa thu tôi mới hoàn thành được việc Hanna giao. Cô con gái sống ở New York, và tôi nhân dịp đi họp ở Boston để đem tiền đến cho cô: một tờ ngân phiếu với số dư trong sổ tiết kiệm và hộp trà đựng chỗ tiền mặt. Trước đó tôi đã viết thư tự giới thiệu mình nghiên cứu lịch sử ngành tư pháp và nhắc đến vụ án. Tôi xin phép được gặp mặt cô, và cô mời tôi đến uống trà.

Tôi đi tàu từ Boston đến New York. Rừng cây bừng sắc nâu, vàng, cam, nâu đỏ, và ánh đỏ rực lửa của lá phong. Tôi liên tưởng đến những bức tranh thu trong phòng Hanna. Mệt vì tiếng bánh xe lăn và tàu lắc, tôi mơ thấy Hanna và tôi ở trong một ngôi nhà giữa những quả đồi đầy sắc thu mà tàu hỏa đang đi qua. Hanna già hơn so với khi tôi mới quen cô, và trẻ hơn khi tái ngộ, già hơn tôi, đẹp hơn ngày xưa, ở tuổi này lại có dáng điệu thanh thản hơn và tự tin hơn với cơ thể mình. Tôi thấy cô ra khỏi ô tô và ôm các túi đựng đồ vừa mua, thấy cô đi qua vườn vào nhà, thấy cô đặt túi và lên cầu thang trước tôi. Khát vọng về Hanna mạnh đến đau đớn. Tôi chống lại khát vọng ấy, phản biện rằng nó đi lệch với thực tế của tôi và của Hanna, lệch với lứa tuổi và hoàn cảnh sống của chúng tôi. Hanna không nói tiếng Anh, làm sao sống ở Mỹ được? Và cô cũng không biết lái ô tô.

Tôi tỉnh dậy và biết Hanna đã chết. Tôi cũng biết rằng khát vọng ấy xoay quanh cô nhưng không xuất phát từ cô. Đó là khát vọng được trở về nhà.

Cô gái sống ở New York, trong một phố nhỏ gần công viên Central Park. Hai bên đường là dãy nhà liền kề bằng sa thạch sẫm màu cũ kỹ, cầu thang lên tầng trên cũng làm từ loại sa thạch sẫm màu đó. Trông khắc khổ, nhà nối tiếp nhà, mặt tiền từa tựa nhau, cầu thang nối tiếp cầu thang, cây bên đường mới trồng với khoảng cánh đều đặn, vài chiếc cây trên cành khẳng khiu.

Cô gái mời tôi uống trà trước cửa sổ lớn nhìn xuống các mảnh vườn nhỏ trong khuôn viên, nơi thì đủ màu, có nơi chỉ toàn đồ lộn xộn. Sau khi ngồi xuống và rót trà, cô không nói tiếng Anh như lúc chào tôi mà chuyển sang tiếng Đức. “Ông có việc gì gặp tôi?” Cô hỏi không thân mật mà cũng không sỗ sàng, giọng hoàn toàn công việc. Tất cả vẻ ngoài của cô - dáng đi, cử chỉ, trang phục - đều mang vẻ công việc. Khuôn mặt không tuổi tác. Như những khuôn mặt đã được căng da. Song cũng có thể nó đã cứng đờ bởi khổ nạn ngày xưa. Tôi cố nhớ lại mặt cô trong phiên tòa nhưng không nhớ nổi.

Tôi kể cô nghe về cái chết của Hanna và nhiệm vụ được giao.

“Tại sao lại là tôi?”

“Tôi đoán vì cô là người duy nhất còn sống.”

“Tôi nên lấy tiền làm gì?”

“Làm bất cứ gì mà cô cho rằng có ý nghĩa.”

“Và qua đó ban phép xá tội cho bà Schmitz?”

Thoạt tiên tôi muốn từ chối. Nhưng quả thật Hanna đòi hỏi nhiều. Những năm ở tù không chỉ là sự trừng phạt, Hanna muốn cho chúng một ý nghĩa, và cô muốn hành vi ấy của cô được thừa nhận. Tôi nói ý đó ra.

Cô lắc đầu. Tôi không hiểu là cô định bác bỏ cách suy luận của tôi hay cự tuyệt không chịu nhận Hanna.

“Cô có thể thừa nhận mà không xá tội được không?”

Cô cười. “Ông yêu bà ấy, đúng không? Thật ra thì quan hệ giữa hai ông bà ra sao?”

“Tôi là người đọc truyện cho bà ấy. Chuyện bắt đầu khi tôi mới mười lăm tuổi, và tiếp tục khi bà ấy ngồi tù.”

“Làm thế nào mà ông...”

“Tôi gửi băng Cassette cho bà. Gần như cả đời bà Schmitz mù chữ, vào trong tù mới học đọc và viết.”

“Tại sao ông làm những việc ấy?”

“Hồi tôi mười lăm tuổi, chúng tôi có quan hệ...”

“Ông định nói là hai người ngủ với nhau?”

“Vâng.”

“Bà này là người vô cùng tàn ác. Ông có chịu nổi chuyện bà ấy hồi ông mười lăm tuổi đã... Không, ông tự nói rồi, lúc bà ấy trong tù ông đã bắt đầu đọc truyện lại. Ông có lập gia đình bao giờ chưa?”

Tôi gật đầu.

“Rồi hôn nhân ngắn ngủi và bất hạnh, còn đứa con, nếu có, đang ở nội trú.”

“Hàng nghìn người như thế, đâu phải viện đến một bà Schmitz.”

“Trong những năm cuối mà ông có liên lạc với bà ấy, ông có cảm giác rằng bà ấy hiểu ra đã gây ra tai họa gì cho ông?”

Tôi nhún vai. “Tối thiểu thì bà ấy đã hiểu ra mình gây tai họa gì cho người khác ở trại tập trung và trong chuyến đi. Bà ấy không chỉ nói ra với tôi, mà còn nghiên cứu kỹ đề tài ấy trong tù.” Tôi kể cho cô nghe những gì bà giám đốc trại đã cho biết.

Cô đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng với những bước dài. “Có bao nhiêu tiền trong đó?”

Tôi quay lại nơi đặt túi ở giá treo áo và quay lại với tờ ngân phiếu và hộp đựng trà. “Đây.”

Cô nhìn tờ ngân phiếu rồi đặt xuống bàn. Cô mở hộp, đổ ra, đậy trở lại và cầm trong tay, mắt chăm chú nhìn chiếc hộp. “Hồi còn nhỏ tôi có một hộp trà để đựng những đồ quý giá của mình. Không giống kiểu hộp này, mặc dù hồi đó đã có rồi, mà có ký tự Kyrill, nắp không ấn vào trong mà đậy úp ra ngoài. Tôi đem chiếc hộp vào tận trại giam, ở đó nó bị đánh cắp mất.”

“Có gì trong đó?”

“Có gì đâu, một lọn tóc lông của con chó xù ở nhà, vé xem nhạc kịch mà bố tôi cho đi cùng, một cái nhẫn được thưởng hoặc tìm thấy trong hộp nào đó. Chiếc hộp không bị đánh cắp vì các thứ bên trong. Mà chính cái hộp hoặc mục đích sử dụng của nó rất giá trị trong trại tập trung.” Cô đặt chiếc hộp lên tờ ngân phiếu. “Ông có đề nghị gì về mục đích dùng tiền? Dùng nó cho mục đích gì liên quan đến vụ thảm sát người Do Thái thì tôi thấy không khác gì ban phép xá tội, đó là chuyện mà tôi không được phép và cũng chẳng muốn.”

“Cho người mù chữ muốn học đọc và viết. Thế nào cũng có những quỹ bất vụ lợi hay hiệp hội để đóng tiền cho họ.”

“Chắc chắn là có.” Cô suy nghĩ.

“Có những hiệp hội kiểu ấy của người Do Thái?”

“Ông tin rằng nếu đã có hiệp hội nào trên đời thì người Do Thái cũng có hiệp hội ấy. Tuy nhiên nạn mù chữ không hẳn là một vấn đề Do Thái.” Cô đẩy tờ ngân phiếu và tiền sang phía tôi.

“Ta hãy làm như sau. Ông hỏi xem có tổ chức Do Thái nào kiểu ấy, ở đây hay ở Đức, và chuyển tiền vào tài khoản của tổ chức mà ông tin tưởng nhất. “Ông có thể,” cô cười, “chuyển tiền dưới tên Hanna Schmitz, nếu ông rất chú trọng đến sự thừa nhận.”

Cô lại cầm lấy chiếc hộp. “Tôi giữ lại chiếc hộp này.”

12

Bây giờ thì tất cả đã lùi xa mười năm vào dĩ vãng. Những năm đầu sau khi Hanna chết, những câu hỏi đã hành hạ tôi là liệu tôi chối bỏ và phản bội cô, tôi có tội gì với cô, tôi yêu cô thì có tội không, tôi lẽ ra có nên và phải thoát khỏi cô mới đúng. Đôi lúc tôi tự hỏi, liệu tôi có chịu trách nhiệm cho cái chết của cô. Và đôi lúc tôi căm tức cô và những gì cô đã gây ra cho tôi. Cho đến khi cơn giận hết hơi và những câu hỏi hết quan trọng. Tôi đã làm gì, không làm gì, cô đã làm gì tôi - đó chính là cuộc đời tôi mà.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Một thời gian rất ngắn sau khi Hanna chết, tôi quyết định ghi lại câu chuyện của Hanna và tôi. Từ thời điểm đó, chuyện chúng tôi đã được viết ra nhiều lần trong óc, mỗi lúc lại khác đi một chút, mỗi lúc lại thêm vào những hình ảnh, những vụn vặt mới về hành động và ý nghĩa. Vậy là bên cạnh phương án mà tôi viết ra còn thêm nhiều phương án khác nữa. Sự đảm bảo cho tính đúng đắn của phương án đã viết là tôi đã viết ra nó, còn các phương án kia không được viết ra. Phương án đã được viết ra thúc giục được viết ra, còn những phương án kia không muốn.

Thoạt tiên tôi viết ra truyện này để thoát được khỏi nó. Nhưng những hồi ức không chịu hiện ra để phục vụ mục đích ấy. Rồi tôi nhận thấy truyện vuột khỏi tay mình, tôi phải viết để níu nó lại, song để làm việc ấy cũng không gợi được hồi ức. Nhiều năm nay tôi để câu chuyện của chúng tôi yên thân. Tôi đã hòa giải với nó. Và nó quay lại, từng chi tiết một, tròn trịa, đầy đủ và ngăn nắp trong một hình thức không làm tôi buồn nữa. Một thời gian dài tôi nghĩ rằng truyện bi ai quá. Song tôi hiểu rằng truyện ấy đúng, và bi ai hay hạnh phúc không quan trọng.

Đó luôn là suy nghĩ của tôi khi tôi chợt nghĩ đến câu chuyện xưa. Khi tôi bị xúc phạm, những xúc phạm ngày xưa lại trào lên, khi tôi cảm có lỗi, những cảm giác tội lỗi ngày xưa hiện ra, và trong khát khao nhớ nhung của hôm nay tôi nhận ra khát khao nhớ nhung của ngày xưa. Những giai tầng trong cuộc đời chúng tôi nằm sát nhau đến mức chúng tôi luôn gặp tương lai trong quá khứ, không phải cái gì đã xong xuôi và hoàn tất, mà hiện tại và sinh động. Tôi hiểu. Mặc dù vậy, nhiều khi tôi thấy khó chịu đựng nổi. Có thể tôi cứ viết ra chuyện chúng tôi để giải thoát khỏi nó, kể cả khi không thành công.

Ngay sau khi từ New York về tôi chuyển số tiền của Hanna đến tay Tổ chức Do Thái chống mù chữ, với tên Hanna. Tôi nhận được một bức thư ngắn viết trên máy tính, trong đó tổ chức ấy cảm ơn bà Hanna Schmitz quyên góp tiền. Với bức thư trong túi tôi ra nghĩa trang, đến mộ Hanna. Lần đầu tiên, và lần duy nhất tôi đứng trước mộ cô.

Hết.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Ariko Yuta - Fuju - trangchic

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)