Yêu hay không yêu cũng mặc - Chương 01 - 02 - 03 - 04

Tình yêu đối với tôi thật vô vị

Tôi chỉ là một phụ nữ làm công ăn lương bình thường ở Thâm Quyến, quê tôi ở Giang Tây, vì cuộc chiến sinh tồn và vốn tri thức của mình mà tôi luôn luôn tự nhắc nhở bản thân rằng tôi rất xinh đẹp và vô cùng tự tin. Nhưng hễ soi mình vào gương thì tôi như nhìn thấy người khác vậy, đâu còn dáng điệu xinh đẹp tự tin nữa. Suy nghĩ của ti khi đến Thâm Quyến rất đơn giản, muốn kiếm ít tiền và mở rộng thêm tầm mắt rồi sau đó về quê lấy chồng, sinh con. Kì thực tôi không muốn bất kì ai nhận thấy những suy nghĩ của mình - mong mình như cô bé Lọ Lem gặp được chàng hoàng tử cưỡi bạch mã trong truyện cổ tích. Nhưng thực tế thì sao đây? Có lẽ vì cái người ta gọi là duyên phận mà tôi đi lại với một người đàn ông ở thành phố láng giềng, Hồng Kông, rồi sau đó là một câu chuyện mà vẻ ngoài hoàn mĩ nhưng bên trong thật buồn thảm. Biết bắt đầu câu chuyện nghe có vẻ như rất riêng tư này thế nào đây? Mà tôi lại chẳng biết cách tái hiện một câu chuyện, nên có lẽ cứ để tôi viết một cuốn nhật kí chân thật vậy.

Lần đầu gặp gỡ

Nói thật lòng là những gã đàn ông Hồng Kông đến Thâm Quyến tìm vợ thì có đến bảy, tám mươi phần trăm là những kẻ chẳng ra gì. Để tìm được người có vẻ ngoài hấp dẫn lại lắm tiền trong số đó là vô cùng khó. Nói thẳng ra là những người Hồng Kông thường chẳng coi người đại lục ra gì hết, phải đến đây để tìm vợ tức là họ cũng chỉ là kẻ “vô danh tiểu tốt” ở Hồng Kông. Hay là nói cách khác, ở Hồng Kông họ chỉ là “cu li” nhưng qua bên đại lục thì trở thành “đại gia”, bởi đi làm ở Hồng Kông, bét nhất một tháng cũng được vài chục ngàn đô la Hồng Kông, (mà ít nhất tiền trợ cấp thất nghiệp cũng là 4.000 đô, tương đương với tiền lương của một cử nhân ở đại lục), thì làm sao mà không dương dương tự đắc cho được?

Chồng tôi có ngoại hình khá được. Cứ nhìn khuôn mặt anh ta là tôi lại nghĩ đến những nhân vật nam trong truyện tranh, chẳng khác gì khi xem bức tranh biếm họa về một người đàn ông mà lại nghĩ đến con búp bê ngoại cỡ vậy. Chỉ có điều chồng tôi không được cao lắm, đứng bên cạnh những người đàn ông Hồng Kông đi sang đại lục thì chỉ vào loại trung bình khá. Lớn rồi nhưng vẫn giống như một đứa trẻ, cứ đi làm về là chỉ chúi mũi vào đúng ba thứ: truyện tranh xuất bản tại Hồng Kông, kênh truyền hình Phượng Hoàng và khoai tây chiên.

Có lẽ trước tiên nên kể một chút về việc tôi và ông xã quen nhau như thế nào. Năm đó, tôi vừa tốt nghiệp đại học, làm nhân viên văn phòng cho một công ty xây dựng ở Thâm Quyến, còn ông xã thì làm ở Tổng công ty bên Hồng Kông. Một lần, anh ta đi cùng sếp sang Thâm Quyến làm công tác kiểm tra chất lượng. Anh ta ngồi ngoan ngoãn trong phòng họp, chốc chốc lại lén nhìn tôi, không biết có phải anh ta đã trúng tiếng sét ái tình không, nhưng về phía tôi thì chẳng có chút rung động gì cả, thật đấy, tôi vốn chẳng mấy cảm tình với những người đàn ông có chiều cao khiêm tốn. Sau đó, anh ta thường mời tôi đi ăn cơm, tặng tôi quà; bạn biết rồi đấy, cuộc sống của kẻ đi làm thuê thật buồn chán, vô vị, tôi chẳng từ chối cũng chẳng nhiệt tình, đằng nào chả thế, mời tôi thì tôi đi, cũng chỉ là một cách giết thời gian, còn hơn là nằm dài ở nhà một mình. Hơn nữa, chị em, bạn bè đồng nghiệp đang yêu đương sôi nổi, chẳng lẽ tôi lại cam chịu thua kém? Những lúc anh ta không gọi điện, tôi chẳng nhớ nhung mà cũng chẳng buồn gọi lại cho anh ta. Có lẽ cũng chỉ khoảng hai, ba tháng sau đó thôi, chúng tôi đã thuê chung một căn hộ và lên giường cùng nhau.

Nói là vì hư vinh cũng được, nói là vì duyên phận cũng được, hay có lẽ là do cái vô vị của cuộc đời, đằng nào tôi cũng đã lựa chọn cuộc sống chung với anh ta rồi. Lúc đó, tôi cũng có vài người theo đuổi và đối xử với tôi rất tốt, nhưng họ không tiêu pha phóng khoáng như anh ta, cũng không cư xử có chừng mực như anh ta, và nói như thế nào nhỉ, những người đàn ông đại lục - đặc biệt là những người đàn ông Thâm Quyến - họ cứ cho rằng bạn chẳng thèm lên giường với họ, nghĩa là sẽ chẳng cho họ cái mà họ muốn, và sẽ chẳng bao giờ chịu cưới họ, nên họ cũng sẽ chẳng bao giờ muốn tiêu tốn tiền bạc và thời gian vì bạn. Họ một khi đã bỏ công đầu tư, theo đuổi mục tiêu là phải thu về ngay được lợi nhuận; chỉ cần nhận thấy thái độ của bạn có vẻ chần chừ là họ vội nhảy xổ vào cô gái khác ngay, không chừng trong lòng còn chửi thầm: Hứ, tỉ lệ nam và nữ ở Thâm Quyến là 1:7, bỏ qua cô vẫn còn sáu cô đang xếp hàng đợi tôi đoái hoài đến, ra vẻ kênh kiệu cái gì chứ.

Hôm đầu tiên dọn đến căn nhà thuê thật là buồn cười, cứ như đứa trẻ con về nhà mới. Lúc đó, hai chúng tôi cùng đi mua đồ, tôi thầm nghĩ: Tôi không thể cưới con người này được - tôi thấy nhiều cô gái Thâm Quyến sống bấp bênh lắm, đã sống chung với một người đàn ông mà chẳng hề có ý muốn kết hôn với anh ta, cho nên tôi cũng chẳng buồn để tâm mua những thứ mà mình yêu thích. Nhưng có lẽ tôi sẽ ởchung với anh ta một thời gian, cũng có thể bạn bè sẽ đến thăm nên đồ đạc cũng phải tươm tất một chút, không thì mất mặt lắm.

Khi đi dạo ở siêu thị Gia Tư Thành để chọn đồ, tôi luôn miệng hỏi anh ta: Cái này anh thấy được không, cái kia anh thấy thế nào? Anh ta chỉ trả lời: “Tùy ý em”. Cứ như vậy, cuối cùng thì tất cả đều là “Tùy ý em” hết. Ông chủ cửa hàng thấy vậy đoán tôi mới là chủ gia đình nên cứ lẵng nhẵng bám sau lưng bợ đỡ, nịnh nọt. Tôi được phen hỉ hả, ra sức thể hiện vốn hiểu biết của mình, cứ như mọi sự đều đã nằm trong tính toán của tôi rồi. Tôi tỏ vẻ am hiểu, gõ gõ ngón tay vào chiếc tủ này, xoa xoa lên chiếc bàn trang điểm kia, ghé mũi ngửi nước sơn mới phủ. Một người phục vụ vẫn đi theo tôi góp ý chân tình: “Chị ạ, đây là gỗ chứ không phải là gốm sứ, chị gõ như vậy chẳng có tác dụng gì đâu.” Lời của anh ta làm tôi đỏ mặt xấu hổ. Cuối cùng, tôi đã chọn được hai chiếc tủ quần áo, một chiếc giường đôi, một kệ tivi, một bàn trà, một bộ sofa, một chiếc bàn trang điểm, bốn chiếc ghế dựa, tổng cộng tiêu hết 6.000 tệ.

Đêm đó, chúng tôi làm tình với nhau. Tôi thì thấy mệt mỏi, chẳng có gì sung sướng cả. Nhưng anh ta lại có vẻ rất thỏa mãn. Thường ngày anh ta tỏ ra là một người rất nghiêm túc và điềm tĩnh, không ngờ lúc này lại lắm chuyện đến vậy. Tôi hỏi anh ta cuộc sống tình dục trước đây của anh ta như thế nào? Anh ta vô cùng thẳng thắn, trả lời rằng: “Mỗi tuần đến Thâm Quyến một lần, kiếm một ả cave ở vũ trường, qua đêm.” Tôi nói thật đáng ghê tởm. Anh ta nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên: “Đây là nhu cầu rất bình thường mà, lẽ nào lại phải che giấu sao?”

Hàng mới

Tụ điểm ăn chơi đầu tiên anh ta đưa tôi đến chính là cái ổ mà anh ta từng qua lại kiếm gái - bar Lam Long.

Hôm đó, đi cùng chúng tôi còn có ba người đàn ông và một người phụ nữ. Rõ ràng bọn đàn ông đều là khách quen ở đây, vừa lên tầng bốn của tòa nhà, “má mì” đã nhào đến, các em thì thi nhau õng ẹo, có cô vừa khéo làm dáng lại tỏ vẻ e lệ, nhưng đa số là uốn éo ôm choàng lấy các anh. Rõ ràng sự xuất hiện của tôi khiến các cô gái ấy có vẻ ngạc nhiên, nhìn tôi từ đầu đến chân bằng ánh mắt dò xét. Đến khi một người đàn ông trong bọn gọi tôi là “chị” thì ánh mắt của bọn họ mới dịu lại. “Má mì” kéo tụi tôi khỏi bọn họ, dẫn đến phòng karaoke mà chắc chắn là chỗ ngồi quen của cánh đàn ông.

Trà, rượu, các loại đồ ăn nhẹ đều được đưa lên. Bài hát cũng chọn xong rồi. Hai người đàn ông không mang bạn gái theo vẫn đang bàn bạc xem nên gọi hai em nào lên để ngồi cùng bọn họ. “Má mì” đề nghị hay là cứ gọi hai cô đã ngồi cùng họ khi họ đến đây một tháng trước. Ông xã tôi không đồng ý, cho rằng hai cô đó không hấp dẫn, nên gọi cái cô gì người Tứ Xuyên có dáng cao cao và ánh mắt đong đưa, linh hoạt ấy. Họ nghe là hiểu ý ngay, tôi có đần độn đến mấy cũng hiểu ngay rằng, chắc chắn cô ả đã từng hầu hạ gã đểu cáng này.Một người đàn ông nữa cũng đi cùng bạn gái lại đưa ý kiến rằng nên gọi cô gái có dáng dấp giống Lí Gia Hân và khuôn mặt giống Phí Văn Lệ ấy. Nhưng rõ ràng là cả hai gã không có bạn kia không vừa ý lắm, họ lần lượt đi theo “má mì” ra khỏi phòng hát, một lúc sau, mỗi người dẫn theo cô gái mà mình ưng ý vào phòng, tiếp đó là những tiếng bàn luận xôn xao như đang nói về chuyện thời tiết thường ngày vậy: “Đây là hàng mới.”

Cái gã cũng mang bạn gái theo kia hỏi một trong hai cô “hàng mới”: “Em đến đây bao lâu rồi?”

Cô gái “hàng mới” kia trả lời một cách trơn tru: “Chỉ mới một tuần thôi.”

Ông xã ghé đầu nói với tôi, hai cô “hàng mới” kia chắc chắn là nói dối. Thứ nhất, ánh mắt của họ rất giảo hoạt; thứ hai, bọn họ là người Tứ Xuyên mà lại nói được tiếng Quảng Đông; thứ ba, phong cách phục vụ của bọn họ rất thành thạo. Nếu nói là “hàng mới”, thì có lẽ là vì bọn họ mới đến bar này phục vụ, chứ không chừng hai cô nàng đã mặt dày mày dạn ở bao nhiêu tụ điểm ăn chơi ở những thành phố khác cũng nên.

Điều này có lẽ đúng. Qua lớp son phấn dày bự chỉ có thể đoán hai cô “hàng mới” khoảng 23 đến 38 tuổi. Tôi rất ít khi đến những chốn như thế này, trước đây tôi chỉ đi cùng bạn bè hoặc đồng nghiệp đến vui chơi tại những quán rượu, hoặc đến các phòng karaoke ngồi hát vui vẻ với nhau. Hai cô gái “hàng mới” ôm chặt khách hàng của họ mà hôn, mà sờ soạng, chẳng thèm đếm xỉa đến tôi và cô gái nhà lành cũng đi cùng bọn tôi hôm ấy. Còn tôi như ngồi trên đống than, toàn thân toát mồ hôi, nhưng lại có chút hiếu kì với cảnh này, nên không muốn bỏ về ngay. Sau khi đã hát vài bài, tôi kín đáo hỏi thầm ông xã: “Anh đã gặp gỡ bao nhiêu cô gái của bar này rồi?”

Anh ta nhìn tôi với ánh mắt đề phòng, hỏi lại: “Em hỏi điều này làm gì chứ?”

Tôi nói tôi không ghen, mà chỉ là tò mò thôi.

May mà anh ta vẫn còn có lương tâm, kiên quyết không mở miệng nói cho tôi biết đã qua đêm cùng bao nhiêu cô gái trong cái bar này. Không biết rằng đầu óc cái lũ đàn ông này có vấn đề hay là kiểu tư duy của họ có vấn đề, mà bọn họ không hề che giấu bạn gái hay vợ của mình chuyện đến đại lục để tìm gái giải khuây; hoặc cũng có thể, những cô gái đại lục như chúng tôi không đáng để họ phải giữ hình ảnh hay thể diện gì cả.

Vì có hai “bà xã” đi cùng nên cánh đàn ông này không thấy thoải mái lắm, hơn mười một giờ đêm đã giải tán rồi. Đương nhiên, hai người đàn ông không có bạn gái đi cùng thì chở hai cô “hàng mới” đi đâu không rõ. Trên đường về nhà, tôi gặng hỏi ông xã, anh ta giấu giấu giếm giếm nhưng vẫn bật mí cho tôi biết: “Các cô gái ở bar đó đều có bảng giá riêng, nếu là “hàng mới” thì thường là từ 800 đến 1.000 tệ một đêm; còn các cô khác là 800 một đêm; nếu là kiếm một chỗ nào đó “tàu nhanh” thì giá là 400; còn chỉ ngồi cùng hát hò thường là 200. Đương nhiên, nhân dân tệ hay đô la Hồng Kông đều được, bởi vì khi quy đổi thì không hơn kém nhau bao nhiêu.”

Tôi tự nghĩ, thảo nào nhiều cô gái đi làm cave thế, họ chỉ ngủ với một người đàn ông một đêm, thù lao bằng một cô công nhân làm việc vất vả cả tháng trời. Nếu gặp phải ông chủ lừa đảo thường xuyên nợ lương, lật mặt hoặc ẵm tiền biến mất thì cũng chỉ biết giương mắt mà chịu thôi, chứ tôi rất ít khi nghe nói khách làng chơi giở thủ đoạn lật lọng, xong việc rồi cuốn gói chuồn hay nợ nần tiền thù lao cho gái cả.

Gọi dậy

Mọi người đừng nghĩ lung tung nhé, gọi dậy đây là gọi người ta dậy mỗi sáng.

Khi hai con người đã quyết định sống cùng nhau, cả ngày phải đối mặt với những việc nhỏ nhặt như mắm muối dưa hành thì không thể lãng mạn như những đôi tình nhân thi thoảng mới hẹn hò được nữa. Tôi là một người dễ tính, mọi việc chỉ cần phiên phiến cho xong. Còn anh ta là người kĩ lưỡng, chi li đến từng tiểu tiết một. Lấy ví dụ nhé, khi lấy quần áo đã vắt khô từ trong máy giặt ra, anh ta luôn luôn gấp nếp phẳng phiu rồi mới đặt vào máy sấy, sau đó lại treo ra ban công, tôi cho rằng hành động này chẳng khác gì tụt quần ra mà đánh rắm cả; rồi bàn chải đánh răng và kem đánh răng lúc nào cũng phải cắm sẵn sàng trong chiếc cốc chuyên dụng, chứ không được đặt trong chiếc cốc súc miệng vẫn được sử dụng thường xuyên; đôi dép trong nhà vệ sinh nhất định không được đi ra ngoài; báo đọc xong rồi nhất định phải gấp lại gọn gàng đặt dưới bàn trà; nếu đã gọi món canh thì nhất định phải ăn trước bữa cơm; trước khi bóc một bao thuốc lá mới, nhất định phải gõ gõ phần đầu lọc vào lòng bàn tay ba cái; cốc uống nước trước khi dùng nhất định phải tráng bằng nước sôi. Có lần, tôi không nhịn được nữa, chất vấn: “Anh có nhất thiết cứ phải cả ngày rửa cốc như vậy không?”…

Tôi cho rằng cuộc sống không giống như chương trình cài sẵn trên máy vi tính, cũng nên có chút ngẫu hứng mới thú vị, chỉ cần không ảnh hưởng đến người khác, còn thì muốn thế nào cứ làm theo thế ấy. Nhưng anh ta không nghĩ như vậy, mọi việc đều phải có qui tắc rạch ròi, salon, tủ quần áo, bàn trà, tivi, giường, đầu đĩa CD, giá sách, rồi ngay cả bức tranh treo trên tường nữa… tất cả mọi thứ đều phải để im một chỗ vĩnh viễn không được di chuyển. Chuyện này tuy khiến tôi cảm thấy cuộc sống có phần đơn điệu, nhưng tôi lại được nhẹ thân hơn nhiều. Ví dụ khi không muốn làm việc gì đó, tôi chỉ việc làm rối tinh chúng lên, hoặc là cố ý làm thật tồi tệ, anh ta nhất định sẽ làm lại từ đầu, còn nhất quyết bắt tôi lần sau không được mó tay vào nữa.

Việc khiến tôi chán ngán nhất là mỗi sáng phải gọi anh ta dậy đi làm. Thời gian làm việc của chúng tôi giống nhau, đều từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều. Vì tôi làm việc ở trong khu Phúc Điền nên thời gian tương đối thoải mái; còn anh ta lại phải qua cửa khẩu La Hồ, rồi đi tàu điện ngầm, chí ít cũng phải mất thời gian hơn tôi đến ba mươi phút mới đến được công ty. Thế nên tôi nghiễm nhiên được thêm một nhiệm vụ, mỗi sáng gọi anh ta dậy đi làm, chúng tôi cùng hồ hởi đặt tên cho việc đó là: Gọi dậy.

Lúc mới đầu, anh ta chấp hành khá tốt, vừa đánh thức là dậy luôn. Vài ngày sau, có lẽ là do anh ta đến công ty có sớm vài phút, nên khi tôi gọi, anh ta càu nhàu: “Cho anh ngủ thêm năm phút nữa thôi.”

Năm phút trôi qua, tôi lại gọi, anh ta lại lơ mơ trả lời: “Cho anh ngủ thêm năm phút nữa.”

Lại năm phút trôi qua, tôi lại gọi, vẫn một câu đó: “Cho anh ngủ thêm năm phút nữa.”

Cái kiểu cứ “năm phút” triền miên không dứt này làm tôi bực bội phát điên, lật hẳn chăn ra, quắc mắt nhìn, anh ta ngượng ngùng nói: “Bà xã à, từ ngày mai anh sẽ không như thế này nữa đâu.” Rồi anh ta ngoan ngoãn trở dậy. Nhưng hôm sau lại đâu vào đấy, chẳng hề thay đổi. Đến một hôm tôi kiên quyết chẳng gọi anh ta dậy nữa, cứ thế đi làm, anh ta cũng ngủ liền một mạch đến mười hai giờ trưa, lúc dậy còn gọi điện trách cứ tôi, tôi chẳng buồn để tâm, dập điện thoại cái “bụp”, tôi có phải cái đồng hồ báo thức hay con gà gáy sáng đâu, việc gì tôi cứ phải theo đuôi anh ta để thêm bực mình cơ chứ.

Buổi tối hôm đó, về nhà, anh ta vừa dỗ dành vừa năn nỉ tôi sáng mai hãy tiếp tục gọi anh ta dậy, lại còn nịnh bợ là sẽ mua sôcôla Kim Sa cho tôi nữa chứ. Tôi thấy mềm lòng, ngày hôm sau lại lo đánh thức anh ta, kết quả không cần nói cũng biết, anh ta mắt cứ nhắm nghiền còn mồm lải nhải cái điệp khúc “Cho anh ngủ thêm năm phút nữa”.

Lần này thì dù anh ta có mua gì cũng chẳng dỗ được tôi, tôi kiên quyết không để ý gì đến anh ta nữa, mỗi sáng dậy cứ việc lo lắng tươm tất cho mình rồi đến cơ quan, mặc anh ta ngủ đến khi mặt trời lặn tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Chẳng còn cách nào khác, anh ta mua một chiếc đồng hồ báo thức phát ra tiếng chuông gà trống gáy, hôm nào cũng đặt ở chế độ bảy giờ sáng là reo. Hai buổi đầu dậy rất đúng giờ, đến ngày thứ ba thì giống như đã quen tai với tiếng chuông rồi, nên không thể nào dậy đúng giờ được nữa. Vài hôm sau đó, anh ta lại mua chiếc đồng hồ báo thức có tiếng reo giống tiếng mưa rơi, vẫn chẳng ăn thua gì. Về sau, khắp nhà tôi lăn lóc các loại đồng hồ báo thức, chỉ tính riêng trong phòng ngủ của chúng tôi đã có bốn cái rồi. Hằng ngày, cứ đến giờ là các đồng hồ nối tiếp reo vang đủ loại âm thanh kì quặc. Tôi đến phát điên lên, còn anh ta vẫn ngủ ngon lành, cứ như đang được nghe bản hòa âm của bài hát ru vậy.

Đến một hôm, không chịu nổi nữa, tôi tháo sạch pin cả lũ đồng hồ kêu réo không nghỉ này ra, rồi vứt hết vào sọt rác để ở ngoài cửa nhà, bực bội đi làm. Buổi tối hôm đó anh ta về rất muộn, gương mặt rầu rĩ, nhưng chẳng dám làm gì tôi cả, cố nặn ra một nụ cười, hỏi tôi:

“Em giấu đám đồng hồ báo thức của anh đi đâu rồi?”

“Vứt vào sọt rác rồi.” Tôi nói với giọng lạnh lùng.

“Tại sao em lại vứt vào sọt rác chứ?” Anh ta ngạc nhiên.

“Đằng nào lũ đồng hồ báo thức ấy cũng có gọi được anh dậy đâu, còn giữ chúng làm gì?” Tôi trả lời, thầm chuẩn bị cho một cuộc khẩu chiến sắp xảy ra, nên chẳng thèm để ý đến nét mặt của anh ta.

Không ngờ anh ta bật cười nói với tôi: “Bà xã à, anh xin em đấy, ngày mai em lại gọi anh dậy đi làm nhé, ông sếp của anh đã nhắc nhở những kẻ đến muộn như anh rồi. Sau này anh sẽ không dám ngủ nướng nữa đâu.”

Ấy, cuối cùng thì lời nói của người cho anh ta cơm ăn là có trọng lượng hơn cả; từ đó, tuy rằng trong nhà chỉ có mỗi một cái đồng hồ báo thức, nhưng sáng nào anh ta cũng dậy rất đúng giờ, làm cho tôi cũng đỡ đi bao nhiêu phiền phức, cảm thấy thoải mái hơn nhiều.

Lương tháng

Anh ta là công chức nhà nước ở Hồng Kông. Khi mới quen nhau, lương tháng của anh ta là 20.000 đô la Hồng Kông (sau này có lúc lên lúc xuống tùy theo việc điều chỉnh mức lương công chức của chính quyền, nhưng chênh lệch không nhiều lắm). Cứ mồng một hằng tháng, không bao giờ sai lịch, anh ta sẽ gửi cho mẹ 6.000 tệ, còn đúng lịch hơn công ty phát lương nữa. Mẹ anh ta cả đời ở nhà làm nội trợ, còn bố anh ta bị trúng gió nằm viện đã mấy năm nay (cũng may là con cái không phải chu cấp gì, phúc lợi xã hội ở Hồng Kông tương đối tốt). Anh trai anh ta cũng tốt nghiệp đại học, nhưng thay đổi công việc liên tục, chẳng lúc nào được ổn định, nên chẳng trợ cấp được cho bố mẹ là mấy. Còn chúng tôi sống ở đây, tiền thuê nhà, tiền điện nước, đi quán bar v.v… tổng cộng một tháng ít nhất cũng mất 7.000 tệ. Anh ta cũng còn có quan hệ này nọ ở Hồng Kông nên càng tốn kém. Anh ta nói với tôi một tháng chỉ có thể để dành được 3.000 - 4.000 tệ thôi. Anh ta nói nếu tôi muốn mua những thứ xa xỉ như điện thoại di động, dây chuyền hay quần áo hàng hiệu anh ta sẽ trả tiền, anh ta sẽ trả cả tiền ăn uống, còn tiền lương của tôi thì tôi cứ giữ lấy mà tiêu, vì thế, tôi chẳng bao giờ có ý nghĩ sẽ đòi hỏi anh ta tiền nong gì cả. Hơn nữa, anh ta cũng chẳng mấy khi để ý đến việc riêng của tôi nên tôi thấy cuộc sống như vậy tương đối ổn định.

Một lần, anh ta đưa tôi đi ăn hải sản ở đường Nam Viên cùng đám bạn Hồng Kông. Khi trở về, chúng tôi vào một trung tâm bowling trên đường Chấn Hoa chơi bowling. Các ô đánh đều đông người, cũng chẳng đến lượt đám phụ nữ chúng tôi, nên chúng tôi ngồi túm tụm lại buôn chuyện. Bởi vì trước đó chúng tôi đã gặp nhau khá nhiều lần, nên chẳng lạ lẫm gì nhau. Chẳng biết thế nào chuyện lại vòng sang vấn đề tiết kiệm. Trong đám bọn tôi có một cô gái người An Huy tên là Tiểu Bình, nói rằng ông chồng cô ta mỗi tháng ngoài tiền thuê nhà, sinh hoạt phí đưa đều đặn cho cô ta ra mà không đưa thêm 15.000 tệ nữa thì đừng hòng bước chân vào phòng ngủ, tôi nghe mà thấy kinh ngạc.

Mấy cô gái khác cũng công nhận cô ta lợi hại. Nhưng cũng chẳng có gì quá ngạc nhiên, bởi họ đều hiểu một điều rằng đàn ông Hồng Kông rất ít khi cưới vợ đại lục mà chỉ muốn vui chơi qua đường thôi, cho nên hai bên hãy tự kiếm lấy cái mình cần, chẳng có gì phải nghĩ ngợi cả. Nếu có cơ hội kiếm được nhiều hơn một chút thì cứ việc, để phòng về sau, nếu không đến khi mỗi người một đường, hay có bên nào lật mặt, thì cũng không đến nỗi tay trắng. Trước đây, khi đi ăn uống cùng bọn họ, thấy cảnh bọn họ âu yếm săn sóc rất tình tứ, không ngờ trong lòng mỗi người đều có những toan tính sâu xa, khiến tôi phải giật mình. Đặc biệt là cô gái tên Tiểu Bình kia, nghe đâu cô ở với ông chồng đã năm năm rồi, làm sao có thể vô tình đến vậy được nhỉ? Không đưa tiền thì đừng có vào phòng ư? Sau đó mỗi người đều tiết lộ số tiền mình tiết kiệm được mỗi tháng, ít là 3.000 tệ, nhiều thì đến hàng vạn, nhiều nhất là Tiểu Bình, 15.000 tệ. Họ hỏi tôi tiết kiệm được bao nhiêu, tôi ngớ ra chẳng biết trả lời thế nào.

Nói thực lòn, tôi chỉ cảm thấy cuộc sống hiện tại giữa mình với ông xã rất yên ổn, chẳng có áp lực gì, mà tôi không phải lo chuyện tiền nong, tiền lương của tôi một mình tôi tiêu, thế là thỏa mãn lắm rồi. Nhưng đấy là chuyện trước khi xảy ra buổi nói chuyện này, bây giờ nghe họ kể mỗi tháng tiết kiệm được bao nhiêu tiền, trong lòng tôi cảm thấy bất an, họ đều không có việc làm, mà chẳng có ai trong bọn họ tốt nghiệp đại học cả. Tôi chẳng có gì kém họ, sao lại kiếm tiền không bằng họ?

Suốt tối hôm đó, thấy tôi mang bộ mặt khó coi, anh ta cũng không hiểu tại sao, tôi hậm hực nói với anh ta: “Cái cô Tiểu Bình ấy, đến là lợi hại, cô ta nói nếu chồng cô ta mỗi tháng không đưa 15.000 tệ tiền tiêu riêng thì cô ta sẽ chẳng cho ông ta bước vào phòng.”

Ông xã tôi nói: “Em đừng để ý chuyện nhà người khác, anh Tiêu đó (chồng của Tiểu Bình) đã có vợ ở Hồng Kông rồi, mà cô ấy theo anh ấy bao nhiêu năm trời, không lấy tiền để bù đắp thì lấy gì đây? Có cưới xin gì được đâu.”

“Hứ!” Tôi vẫn chưa chịu, không nhịn được lại thăm dò anh ta: “Thế anh có định cưới em không?”

“Chắc chắn rồi, mẹ anh nói sẽ sang đây gặp em đấy, chẳng qua chưa có thời gian, em có sợ mẹ anh không?” Anh ta cao hứng hỏi tôi.

Tôi thầm nghĩ: Ai mà thèm kết hôn với anh chứ? Đến lúc anh đá tôi rồi chuồn mất thì tôi biết đi đâu tìm anh bây giờ? Đất Hồng Kông, tôi hoàn toàn lạ lẫm, thôi cứ đưa tôi ít tiền tôi tiết kiệm là tốt nhất. Nhưng tôi vốn trọng thể diện, cho nên trong lòng dù rất không thoải mái, nhưng lại chẳng thể nói ra được. Chán quá!