Yêu hay không yêu cũng mặc - Chương 05 - 06 - 07 - 08

Đồng hương

Tôi có một người đồng hương, sống ở khu La Hồ. Năm đó chuyện của cô ấy ầm ĩ lên một thời gian, cũng là một lời cảnh tỉnh cho rất nhiều cô gái đại lục, đương nhiên là cho những cô gái đại lục đang yêu những anh chàng Hồng Kông.

Năm đó, cô ấy khoảng chừng 18, 19 tuổi, không cam chịu cuộc sống chân lấm tay bùn ở nông thôn, cô quyết tâm bỏ lên Thâm Quyến mong đổi đời. Với trình độ văn hóa mới hết bậc phổ thông cơ sở, nên đầu tiên cô ấy làm việc ở một xưởng chế tạo ống nước. Sau đó nhờ một người giới thiệu, cô ấy đến làm ở một tiệm ăn. Rồi nhờ dung mạo cũng ưa nhìn, cô được vào làm ở một khách sạn hạng trung. Trong quá trình làm việc, cô quen biết với một ông chủ người Hồng Kông kinh doanh đồ may mặc. Mới quen nhau được một tháng, ông chủ đó bảo cô bỏ việc, an tâm ở nhà làm một cô vợ bé.

Lúc đầu, ông ta đối xử với cô rất tốt, muốn gì được nấy, đồ trang sức, điện thoại di động, mĩ phẩm đắt tiền, quần áo hàng hiệu. Các cô gái nông thôn, bạn biết rồi đấy, bỗng nhiên được sống trong nhung lụa, thì thói hư vinh lớn đến cỡ nào? Chẳng bao lâu sau đó, cô góp tiền mua xe máy cho hai đứa em trai, mua thuốc bổ cho mẹ, rồi lại giúp gia đình xây nhà. Cái ông chồng hờ đó - suýt nữa thì tôi quên không nhắc đến - hơn cô đến hơn 20 tuổi, ông ta chẳng có ý kiến gì, mọi việc đều nghe theo ý cô, thật đúng là ước gì được nấy. Thậm chí, sau bốn năm chung sống, ông ta còn bỏ ra hơn một triệu tệ mua cho cô một căn nhà trả góp đứng tên cô ấy ở gần khu La Hồ. Sau khi trả đợt đầu rồi, mỗi tháng trả dần 5.000 tệ, nghe nói phải 20 năm mới trả hết. Vì đã có ông ta làm chỗ dựa rồi nên cô ấy cũng chẳng bận tâm suy nghĩ gì.

Tất cả mọi người ở quê đều ngưỡng mộ cô ấy, các cụ già nhà quê hay kể chuyện nọ xọ sang chuyện kia, nên cả mẹ của tôi cũng nghe nói đến cô ấy. Có một năm cô ấy dương dương đắc ý về quê ăn Tết cũng là đúng dịp tôi về nhà, cô ấy nghe nói tôi làm việc ở Thâm Quyến mới lặn lội từ quê tìm đến nhà tôi, với vẻ mặt tự hào kể về bản thân mình. Mẹ tôi cũng lấy làm ao ước, tuy rằng lúc đó tôi và ông xã bây giờ đã chung sống cùng nhau, nhưng tôi vẫn chưa kể chuyện đó với người nhà, tôi chỉ cho rằng anh ta là đối tác mà tôi “góp gạo thổi cơm chung” thôi, chẳng cần phải nhắc đến làm gì.

Lúc ấy tất cả mọi người đều khẳng định rằng cô ấy hạnh phúc. Một cô gái nông thôn kiếm được một ông chồng giàu có người Hồng Kông, mua cho cô ta một căn nhà xa hoa mà có mơ cũng chẳng dám, hơn nữa lại có một khoản tiết kiệm kha khá, người thân trong gia đình đều được thơm lây, khác nào con cú biến thành thiên nga, khiến cho người ta thèm muốn đến mức thấy đau khổ. Tôi cũng mừng cho cô ấy, cô ấy vốn xinh đẹp, lại được đại gia chu cấp cho đầy đủ nên nhan sắc càng mặn mà, hơn nữa tính tình cởi mở thoải mái, nên trông càng hấp dẫn. Tôi cứ có một linh tính không lành với cô ấy, nhưng cũng chỉ thoáng qua, nên chẳng bận tâm làm gì.

Khoảng một năm sau đó, cô ấy bỗng nhiên gọi điện cho tôi. Tôi vốn tính lãnh đạm, người khác không chủ động tìm tôi thì thôi chứ tôi hầu như không mấy khi tìm gặp họ. Nếu như cô ấy không nói tên của mình thì tôi đã quên hẳn có cô ấy tồn tại trên đời rồi. Giọng của cô ấy lạc hẳn đi vì hốt hoảng, nên tôi cảm nhận ngay được tình cảnh khốn cùng mà cô ấy đang gặp phải. Cô ấy nói muốn tìm một công việc, tôi hỏi tại sao? Cô ấy nói ông chồng cô ấy làm ăn thất bát, nên có một thời gian rất ít đến Thâm Quyến, bây giờ bỗng nhiên mất tăm mất tích, di động tắt máy, cô nhờ người tìm hiểu mới biết địa chỉ lâu nay của ông ta ở Hồng Kông đã có người khác ở, căn nhà ở La Hồ này không có tiền để tiếp tục trả góp được nữa. Nghĩ mà xem, một tháng 5.000 tệ, lại thêm cả chi phí lặt vặt nữa, ít nhất cũng phải hơn 6.000 tệ. Cô ấy nói đã nợ ngân hàng ba tháng nay rồi, nên ngân hàng đòi phát mại, mà người nhà chẳng ai giúp gì được, trước đây kiêu hãnh biết bao nhiêu, nhờ cô ấy mà lên mặt với đời, bây giờ họ làm sao chịu nổi chuyện này? Còn cô ấy cũng xấu hổ nên không dám kể với ai.

Cô ấy nói chẳng còn chút tiền tiết kiệm nào, bởi mấy năm nay sống cùng ông ta chi tiêu hoang phí đã quen rồi, tiền chẳng bao giờ nằm im trong túi, người nhà cũng cấu véo vào nhiều, nhưng đều chi vào việc xây nhà hoặc là mua đồ đạc chứ không giữ tiền mặt. Bây giờ cô muốn tìm việc làm, nhưng một cô gái đã 31 tuổi, trình độ tốt nghiệp phổ thông cơ sở, lại quen sống lười nhác, chơi bời, mấy năm rồi chẳng đi làm, muốn tìm một công việc đâu có dễ? Cứ coi như tìm được việc làm, thì một tháng, kiếm được bao nhiêu đây?

Tôi giúp cô ấy phân tích vấn đề, rồi khuyên cô ấy vài lời, nhưng chẳng ích gì, cô ấy chẳng buồn tìm đến tôi nữa. Cũng khoảng một tháng sau đó, mẹ tôi gọi điện báo cho tôi, rằng ở quê có tin đồn cô ấy đã tự tử. Trước đó tôi có đọc báo, mọi người cũng bàn tán nhiều, nhưng bây giờ mới biết chính là cô ấy, nghe thế, tôi bỗng lạnh toát cả sống lưng.

Luật chia đều

Luật chia đều của người Hồng Kông được họ chấp hành rất nghiêm ngặt và rõ ràng. Mọi người cùng nhau đi chơi, thì số tiền cần phải trả chắc chắn được chia rất rạch ròi, mỗi người trả phần của mình, dù là những người bạn thân thiết cũng nhất quyết không trả sang phần hóa đơn của bạn. Nhưng phụ nữ thì được ưu tiên, lấy ví dụ: Nếu trong số chín người cùng ngồi ăn mà có bốn người đàn ông và năm người phụ nữ chi hết 400 tệ thì mỗi người đàn ông phải trả 100 tệ còn phụ nữ thì không. Nếu ăn xong mà còn đi chơi nữa thì cũng cứ chia đều như vậy.

Từ khi xảy ra việc cô gái đồng hương tự tử tôi mới bắt đầu suy nghĩ, tính toán cho tương lai của mình. Dù gì cũng ở cùng một người Hồng Kông gần hai năm, cũng coi như là có chút “tiếng” rồi, thì cũng phải có cái gì gọi là “miếng” chứ? Tính đi tính lại, tốt nhất là giở một vài mẹo vặt, vừa có thể giữ được thể diện lại kiếm thêm chút tiền dôi dư. Dù rằng sau này có cưới anh ta thật đi chăng nữa, có chút tiền riêng vẫn an tâm hơn.

Một tối, sau khi ăn xong cơm, tôi bảo anh ta tôi muốn mua máy tính. Anh ta hỏi tôi cần mua máy hiệu gì, anh ta có thể mua ở Hồng Kông rồi xách sang đây, anh ta sẽ chọn mua máy xách tay trả góp. Tôi nói tôi cần máy tính để bàn (máy xách tay anh ta có thể cho vào bao xách qua cửa khẩu La Hồ mà không mất tiền thuế. Nếu như mang đồ đạc cồng kềnh qua cửa khẩu mới phải mất thuế, mà tiền thuế rất cao, vì có lần anh ta mua một chiếc đầu DVD chỉ có hơn 3.000 tệ mà tiền thuế mất đến gần 800 tệ). Anh ta hỏi tôi còn thiếu bao nhiêu tiền? Trong lòng tôi thầm nghĩ: “Anh ấm đầu đấy à? Rõ ràng là tôi đang muốn anh bỏ tiền ra mua cho tôi mà”. Nhưng anh ta thật ngốc, tôi đành phải nói là mình còn thiếu 2.000 tệ, vì tiền lương của tôi trước nay không phải động tới, nên nếu nói còn thiếu nhiều thì cũng ngại. Đấy, tôi đúng là kẻ mềm yếu, mềm yếu quá.

Hôm sau, anh ta đưa tôi 2.000 tệ. Tôi thấy cách này có vẻ ngon lành nên tháng sau tôi lại nói muốn mua một chiếc túi nhãn hiệu Louis Vuiton, đang đợt giảm giá nên không đắt lắm, khoảng hơn 3.000 tệ, nhưng tiền tôi không đủ. Anh ta bực mình thấy rõ, nói rằng: “Thế này nhé, sau này mỗi tháng anh đưa em 5.000 tệ, mọi sinh hoạt ăn uống trong nhà em lo hết, em muốn mua gì thì tự tính toán mà mua, nếu đi ăn ngoài thì anh trả tiền.”

Xem ra việc này đã làm anh ta cáu rồi, có điều đã đến nước này cũng đành phải nghe theo anh ta vậy. Tôi tính sơ sơ qua cũng thấy ổn, liền đồng ý. Từ đó, tôi mới biết thế nào là tiền bạc phân minh. Cứ mùng một hằng tháng, anh ta đưa cho tôi 5.000 tệ như là trả lương vậy. Riêng tiền thuê nhà và điện nước đã mất đứt 2.500 tệ, chỉ còn 2.500 tệ. Cứ mỗi lần ăn ở ngoài anh ta trả tiền, nhưng về đến nhà là bắt tôi trả lại cho anh ta. Có một lần chúng tôi đi ăn món cua rang cay, anh ta nói: “Hôm nay ăn hết 190 tệ, hơi xa xỉ một chút.” Tôi nghe mà cảm thấy chán ngán, rút ngay ra 200 tệ đưa cho anh ta. Không ngờ anh ta còn rất cần mẫn lục ra tờ 10 tệ để trả lại cho tôi. Thấy tôi không buồn để ý, anh ta bèn đặt nó xuống bàn trang điểm, tôi không biết nên khóc hay nên cười đây. Sau này, không cần anh ta nhắc nhở, cứ ăn ở ngoài xong, về đến nhà là tôi ngoan ngoãn rút tiền trả lại anh ta. Cuối cùng tôi đòi để tôi trả luôn tại đó cho rồi, cần gì phải qua tay anh ta nữa, nhưng anh ta cho rằng điều đó sẽ làm anh ta mất mặt, nên vẫn kiên quyết tranh lấy việc trả tiền, rồi về nhà bắt tôi đưa lại. Làm cho người ta tức muốn nhảy dựng lên.

Khi đi ra ngoài mua đồ cũng vậy, chúng tôi đi mua quần áo ở bách hóa Mậu Nghiệp thuộc khu Hoa Cường Bắc. Anh ta thích một chiếc la bàn bằng thủy tinh, giá 83 tệ. Lúc đó, trong ví anh ta không có nhân dân tệ, chỉ có mấy tờ đô la Hồng Kông mệnh giá 1.000 đô. Tôi liền trả bằng tiền của mình, thực ra trả xong tôi cũng quên khuấy đi, không ngờ mấy hôm sau anh ta từ Hồng Kông sang trả lại tôi 85 tệ, bảo đây là số tiền hôm nọ tôi mua giúp anh ta cái la bàn. Nhìn vào mấy đồng tiền lẻ này, trong lòng thật buồn vô hạn, tôi bực bội lục lọi trong ví ra hai đồng tiền xu, để trả lại cho anh ta, thì anh ta nói nghiêm túc: “Thôi, không cần trả lại đâu.” Đây liệu có phải là cuộc sống chung mơ ước của những đôi tình nhân? Thật giống như cuộc mặc cả sòng phẳng giữa chủ hàng và khách hàng vậy.

Có lần, nhân cơ hội gặp đám bạn của anh ta, tôi bèn kể chuyện này với đám vợ của bọn họ, không ngờ họ đều trả lời: “Thường thôi, bọn họ đều suy nghĩ theo kiểu đó, lâu rồi thì quen ấy mà.”

Mất bao công sức mới nghĩ ra cách “xoay” được tiền nhưng kết quả thật đáng thất vọng. Chẳng qua chỉ là chuyển đổi hình thức thôi chứ kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh, không dư ra được lấy một đồng. Hai năm trước đó tôi và anh ta ăn tiêu tương đối thoải mái, toàn là ăn tiệm nên bây giờ không thể chốc lát thay đổi thói quen được. Tuy rằng anh ta đưa tôi 5.000 tệ, nhưng trả tiền thuê nhà, tiền ăn và các khoản lặt vặt khác là đã hết nhẵn rồi. Đúng là đau cả đầu. Thế mà tôi lại mang tiếng là theo một người Hồng Kông đấy, thế có khổ không.

Chìa khóa

Khi xảy ra “sự kiện mất chìa khóa”, tôi mới nhận ra anh ta là một kẻ “đầu đất” và vô cùng bảo thủ.

Sự việc vô cùng đơn giản, hôm đó là thứ Ba, lúc tan sở, tôi chợt nhớ ra trong nhà đã hết đồ ăn vặt và sữa tắm liền ghé vào siêu thị để mua. Về đến nhà mới phát hiện ra không thấy chìa khóa đâu nữa, nghĩ mãi không biết đã làm mất ở đâu, hình như là trong chiếc xe chở đồ, mà cũng có thể là rơi trên đường, tôi liền gọi điện cho anh ta. Anh ta nói là vì bận việc nên không thể sang hôm nay được mà thứ Tư mới sang, anh ta bảo tôi gọi một người thợ khóa đến phá khóa ra mà vào nhà. Tôi bèn làm theo, vào phòng mới phát hiện ra chìa khóa để trên bàn trà, tôi đã quên không mang theo, tôi thở dài, nghĩ việc này không có gì lớn cả, nên cũng không gọi điện, đợi sáng mai lúc anh ta về sẽ nói lại.

Hôm sau, khi anh ta về đến nhà, tôi bảo luôn là đã tìm thấy chìa khóa rồi, để trong nhà quên mang đi, anh ta nghe thấy vậy liền tỏ vẻ không vui, hỏi: “Vậy sao em lại nói dối là mất chìa khóa rồi?”

Nghe nói như thế, tôi vô cùng ngạc nhiên, liền nói: “Em có nói dối gì anh đâu, hôm qua khi không tìm thấy chìa khóa em cứ ngỡ là làm mất rồi, về sau thợ khóa phá cửa ra, em vào nhà mới phát hiện nó còn nguyên trong nhà đấy chứ, làm sao có thể kết luận là em dối trá được?”

“Thế mà không phải là dối trá à?” Anh ta vặc lại, “Em không được nói là chìa khóa đã mất rồi, em phải nói là chìa khóa có thể để quên trong phòng, còn nữa, khi em tìm thấy chìa khóa thì nên gọi điện báo cho anh biết chứ.”

Cái tính bảo thủ của anh ta khiến tôi cảm thấy nực cười quá: “Như thế mà là dối trá à? Em nghĩ rằng đằng nào hôm nay anh cũng trở về, chìa khóa thì tìm thấy rồi, khi nào anh về em sẽ nói, đằng nào chẳng thế. Cần gì phải gọi điện thoại cho phiền phức? Việc nhỏ như vậy sao anh phải nặng lời đến thế?”

Anh ta vẫn kiên quyết không từ bỏ lập trường, cho rằng tôi dối trá: Thứ nhất, chìa khóa vốn dĩ nằm trong nhà, mà lại nói với anh ta là chìa khóa mất rồi; thứ hai là khi tôi tìm thấy chìa khóa đã không gọi điện báo cho anh ta biết.

Tôi nhìn anh ta, trong lòng trào lên một niềm căm ghét tột cùng. Một việc nhỏ như vậy sao anh ta chẳng thể nghĩ thoáng ra một chút nhỉ? Thật không tài nào hiểu được. Tôi đem chuyện này kể cho mấy cô bạn đồng nghiệp, mọi người ai cũng cảm thấy buồn cười. Trong đó có một cô cũng lấy chồng người Hồng Kông thì lại rất đồng cảm với hoàn cảnh của tôi, cô kể chồng cô cũng thi thoảng dở chứng như vậy. Ví dụ: một lần cô nói với chồng, cô đã hẹn với đồng nghiệp đi siêu thị Carefour mua đồ. Nhưng sau đó họ thay đổi kế hoạch, sang khu bán hàng Sơn Mẫu mua đồ vì nghe nói ở đó có hàng mĩ phẩm mới nhập rất đẹp. Đáng nhẽ việc đó chẳng cần phải báo cáo với chồng mới phải. Nhưng ông chồng lại cho rằng cô nói dối ông ta, từ đó cứ có dịp là lôi ra lên án cô. Sau này cô rút ra kinh nghiệm thiết thân, nếu xảy ra cái gì khiến ông chồng có thể vin vào được, cô sẽ xóa bỏ hết mọi dấu vết bất lợi cho mình, chỉ giữ lại những gì có lợi thôi, chẳng vì một điều gì to tát cả, mà chỉ mong hai chữ bình an.

Trùng hợp thay, khoảng một tháng sau, tôi lại quên không mang theo chìa khóa. Lúc đó vì lo quá, tôi lại gọi điện cho chồng nói rằng chìa khóa mất rồi. Hôm đó, chồng tôi phải ở lại cơ quan làm thêm ca, sẽ về rất muộn. Tôi lại gọi thợ khóa đến, giống như lần trước, chiếc chìa khóa lại nằm trong nhà. Để không giẫm vào vết xe đổ lần trước, tôi đóng cửa lại, chạy hộc tốc xuống tầng dưới vứt chìa khóa vào sọt rác.

Lần này thì khác hẳn, anh ta quan tâm hỏi han, không nói nặng lời mà chỉ dặn dò tôi lần sau ra khỏi nhà chú ý cất chìa khóa cẩn thận, còn đưa cho tôi 200 tệ, bảo tôi làm một bộ ổ khóa mới. Mẹ nó chứ, biết cái đồ đầu đất như thế này, lần trước tôi cũng quẳng đời chìa khóa đi thì tốt biết bao, khi không lại còn bị tiếng dối trá nữa chứ, thật tức muốn chết.

Làm tình

Đã sống chung với nhau rồi, chuyện quan hệ tình dục cũng là một vấn đề đáng nói. Trước đây khi học đại học tôi cũng từng sống thử với một người bạn trai, nên bây giờ tự nhiên có sự so sánh. Tôi cảm thấy người bạn trai thời đại học có nhu cầu thật mãnh liệt, lại còn lãng mạn, có lúc hứng lên một buổi tối làm đến mấy lần. Về khoản này thì ông xã tôi kém xa; lúc nào cũng một cái điệu đó, không nhanh không chậm, không cao trào chẳng thoái trào giống hệt cái kiểu ăn uống, nhạt như nước ốc. Nói cho công bằng, trong chuyện này tôi đã chủ động lên rất nhiều, rất biết cách phối hợp với chồng để đạt khoái cảm. Mà cứ đúng một tuần làm hai lần, chẳng bao giờ vượt quá con số đó. Khi lâm trận thì cặm cặm cụi cụi làm cho xong nhiệm vụ, chẳng bao giờ sáng tạo cho thêm hưng phấn, cũng chẳng có chút gia vị gì cho đỡ phần nhạt nhẽo. Cứ thế mãi, tôi chán ngấy đến tận cổ.

Một lần, anh ta trở về nhà đưa cho tôi một chiếc hộp nhỏ. Tôi mới nhìn đã nhận ra đó là bao cao su, hỏi anh ta thứ này lấy ở đâu ra? (Bởi vì chúng tôi hay kết hợp mua nó mỗi lần đi siêu thị sắm đồ). Anh ta nói khi đi một hãng xe nào đó ở Hồng Kông được phát miễn phí. Tôi vốn không ưa gì thậm chí xem thường những thứ đồ miễn phí, bảo anh ta vứt nó đi. Anh ta không vứt mà xé vỏ hộp ra, đổ đầy nước vào thứ đó để nghịch. Chẳng hiểu vì sao, nhìn thấy vậy, bỗng nhiên tôi thấy toàn thân nóng bừng ham muốn, trườn đến bên anh ta ra ý mình đang cần chuyện đó.

Chẳng ngờ anh ta không hiểu, thấy tôi sắc mặt đỏ bừng, mắt mơ màng nhìn, thì anh ta hỏi lại: “Em sao thế?”

Tôi nghĩ, anh nhìn khuôn mặt tôi mà không đoán biết được ý tứ của tôi lúc này à? Thật tức muốn chết, nhưng là phụ nữ mà chường mặt ra trơ trẽn chủ động đòi hỏi chuyện đó cũng không phải hay ho gì. Đưa đi đẩy lại một lúc, anh ta dường như cũng hiểu, quay ra âu yếm hôn tôi. Sau màn giao ban, hai bên đều có hứng thì anh ta bỗng nhiên nhớ ra rằng trong nhà hết nhẵn bao cao su rồi. Tôi nói thế thì dùng tạm cái bao anh vừa đổ nước vào ấy. Anh ta bảo không được, đã cho nước vào rồi là không thể dùng được nữa. Tôi nói nếu không dùng được thì chẳng cần đến nữa, nhưng anh ta bảo không được, ngộ nhỡ mà có thai thì sao? Bây giờ chưa có kế hoạch sinh con, cũng đã làm đăng kí kết hôn đâu. Thế này cũng chẳng được, thế kia cũng chẳng xong, ham muốn trong tôi trở thành cơn bực tức và căm giận, tôi chạy vào phòng tắm xối nước lạnh, tự thề với mình cả đời không còn dính dáng gì đến anh ta nữa, sao trên đời lại có kẻ cứng nhắc vô vị đến vậy? Vớ phải anh ta, đúng là đen đủi cả tám đời.

Nói đến đây tôi lại nhớ đến một câu chuyện cười. Một cô bạn kể với tôi lúc cô ấy và ông xã cô ấy mới quen nhau, hai bên đều ham muốn ngùn ngụt, cảm tưởng có thể làm gãy cả giường. Hai người ước định rằng: Năm đầu tiên sau khi cưới thì mỗi ngày làm một lần; năm thứ hai thì cứ hai ngày sẽ làm một lần; năm thứ ba thì ba ngày làm một lần. Cứ như thế đến năm thứ mười lăm sau khi cưới thì mười lăm ngày sẽ làm chuyện đó một lần; năm thứ năm mươi sau khi cưới thì cứ năm mươi ngày lại sẽ làm một lần. Hai người nguyện sẽ cùng cố gắng nỗ lực để hoàn thành mục tiêu. Tất nhiên trong cuộc sống sẽ gặp vô vàn khó khăn, nhưng họ phải kiên định với lập trường của mình, hy sinh bản thân để cống hiến cho tình yêu và lí tưởng.

Khi họ kết hôn được hai năm, một hôm tôi hỏi cô ấy, có giữ được phong độ cứ hai ngày lại làm tình một lần không? Cô ấy mặt mày nhăn nhó nói: bây giờ có đến cả tháng chẳng làm lần nào cũng chẳng thấy sao. Hai con người trần như nhộng lăn lộn trên giường, chẳng buồn có hứng nhìn nhau lấy một cái.

Khi tôi kể chuyện này với anh ta thì anh ta cũng thừa nhận, chuyện này đã chẳng còn sức hấp dẫn như hồi chúng tôi mới quen nhau nữa, nhưng anh ta cũng nói sẽ suy nghĩ xem nên cải thiện nó như thế nào. Có một hôm anh ta phấn khởi trở về, mặt đầy vẻ bí hiểm nói rằng sẽ tiết lộ cho tôi nghe một điều bí mật. Tôi cũng cảm thấy tò mò, không nhịn được, luôn miệng hỏi là cái gì thế? Anh ta định mở miệng nói nhưng lại cảm thấy có gì ngượng ngùng, bảo đến tối khi lên giường sẽ nói. Tôi đành phải kiềm chế tính tò mò đang thiêu đốt mình lại. Đến tối, khi cùng chui vào trong chăn, anh ta ôm tôi mà thầm thì rằng, khi anh ta tán gẫu với đám bạn cùng cơ quan, họ đã nghĩ ra một biện pháp có thể nâng cao chất lượng và hưng phấn cho cuộc sống tình dục lứa đôi. Đó là khi lên giường làm chuyện ấy với vợ, thì nhắm mắt lại, vừa làm vừa đếm nhẩm, nghe nói làm như vậy vừa có thể phân tán đi áp lực mệt mỏi về thể xác, lại có thể tăng thêm niềm hưng phấn. Sau đó, anh ta ngượng nghịu đề nghị: “Chúng mình thử làm như vậy nhé? Khi nào anh đếm em đừng cười anh nhé?”

Tôi vừa nghe anh ta nói thế, tức thì đá văng anh ta ra khỏi giường.