Yêu hay không yêu cũng mặc - Chương 09 - 10 - 11 - 12
Thuốc lắc
Căn nhà mà chúng tôi thuê ở thôn Cảng Hạ có hai phòng ngủ, một phòng khách, tiền thuê nhà một tháng là 1.350 tệ, thêm cả tiền điện nước khoảng 1.000 nữa mà tiền lương của tôi hồi đó còn chưa đến 2.000 tệ nên trong lòng tôi rất lo sợ anh ta sẽ bỏ đi luôn mà không quay trở lại. Cho nên, nếu để ý sẽ thấy tôi đối xử với anh ta tốt hơn tình cảm thực trong lòng nhiều, thậm chí là rất nhiều. Một tuần anh ta sang hai hoặc ba lần (mấy năm trước cửa khẩu La Hồ chưa thông quan). Nói thật lòng, tôi chỉ mong anh ta một tuần sang một lần là đủ rồi, hai bên cùng được thỏa mãn ham muốn tình dục, duy trì tình cảm lứa đôi, rồi sau đó đường ai nấy đi. Oái ăm thay, anh ta không ngại gian khổ, thế mới chán chứ.
Tôi còn đi làm, thế mà anh ta cứ thường sang đây bắt tôi phải cùng anh ta đi ăn cơm, dạo phố, đi mua đĩa phim ở siêu thị La Hồ, có khi là tới cả vũ trường Mèo Béo khiêu vũ và hát karaoke cùng đám bạn anh ta, thậm chí còn phải cùng đám đồng nghiệp của anh ta ở Hồng Kông đến quán bar Long Thắng ở đường Thâm Nam. Ở đó có rất nhiều người Hồng Kông, đàn ông Hồng Kông vào tự do nhờ chứng minh thư, phụ nữ thì được miễn phí, còn những người khác thì mua vé đâu khoảng 10 tệ, tôi không nhớ rõ lắm vì chẳng bao giờ phải mua vé.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy nhiều người cùng uống thuốc lắc đến vậy, từng viên màu hồng nhạt trông giống như viên thuốc cảm thông thường. Đám bạn anh ta có đến mười mấy người, người thì kiếm gái ngồi cùng, người thì mang theo vợ, có người mang theo bạn gái từ Hồng Kông sang. Tất cả cùng lấy một viên hoặc nửa viên thả vào cốc bia và uống cạn. Một người đưa cho chồng tôi một viên và hỏi tôi có muốn thử không? Tôi sự quá cứ lắc đầu quầy quậy, nhìn viên thuốc đang sủi bọt và tan ra nhanh chóng, chồng tôi cầm lên và uống cạn. Chỉ hơn mười phút sau, đã có người có biểu hiện phê thuốc, nhảy vào giữa sàn nhảy lắc la lắc lư cùng đám trai thanh gái lịch đang uốn éo trên sàn. Sau đó, chồng tôi có vẻ cũng hưng phấn, kéo tay tôi lắc lư. Cả đám người đó, trông chẳng khác gì những con ma đang nhảy múa. Nhân lúc tôi còn đang mải nhìn ngó, chồng tôi lại lấy thêm một viên nữa thả vào cốc bia và uống hết. Một lúc sau, anh ta không còn tỉnh táo nữa, đi lại xiêu vẹo, nói năng lảm nhảm, hai mắt thất thần vô hồn. Một người bạn khá quen thân với chúng tôi nhận ra chồng tôi đã dùng thuốc quá liều, khuyên tôi nên đưa anh ta về nhà.
Đây là lần đầu tiên tôi thực sự khó chịu với chồng. Đi taxi về căn nhà thuê, anh ta chẳng buồn tắm rửa mà đổ vật ngay ra giường. Tôi cởi bỏ giày cho anh ta, tắt đèn đi. Sau đó, tôi đi tắm rồi vào nằm tạm ở sofa ngoài phòng khách vì tôi không chịu được mùi bia nồng nặc toát ra từ người anh ta. Bỗng nhiên, anh ta hét lên thất thanh trong phòng ngủ, rằng có kẻ đứng ở đầu giường chằm chằm nhìn anh ta. Tôi đang ở ngoài phòng khách nghe thế sợ nổi cả da gà, cố gắng lấy hết dũng khí chạy vào trong phòng xem tình hình thế nào. Hóa ra là bộ quần áo treo trên mắc áo, do ánh sáng ngoài cửa sổ chiếu vào trông giống như là bóng người, vì anh ta vẫn trong trạng thái mơ màng nên nhìn nhầm.
Ổn rồi, lần này tôi lại tắt đèn, trở ra ghế sofa và lim dim ngủ. Đang mơ màng, anh ta lại hét ầm lên là có kẻ đứng ở cửa đang vẫy tay ra hiệu cho anh ta. Nghe thế, tôi tỉnh hẳn ngủ, nhảy vọt khỏi ghế, cố lấy bình tĩnh mở cửa, bật đèn lên, hóa ra vẫn là do chiếc quần treo sau cánh cửa. Lúc đó, tôi tức đóng rầm cửa lại, kiên quyết không tắt đèn, xem còn thứ đồ khỉ gió gì dọa được anh ta nữa không?
Lần này càng bực hơn, anh ta chẳng đợi tôi ngủ hẳn, đã gào ầm lên là trong phòng có một đôi mắt dữ tợn đang soi thẳng vào mình. Tôi lại lao vào nhưng chẳng tìm thấy cái gì cả, tức tối kệ xác anh ta có kêu trời kêu đất gì tôi cũng không quan tâm. Lúc đó trong lòng quyết tâm, ngày mai chia tay anh ta rồi bỏ đi khỏi chỗ này. Đàn ông kiểu quái gì vậy, hành cho tôi cả đêm mất ngủ.
Hôm sau, tôi gói ghém hành lí để trở về khu tập thể của công ty. Anh ta hỏi tôi tại sao bỏ đi, tôi nói rõ rằng tối qua anh ta đã cư xử tồi tệ như thế nào. Anh ta ra sức biện minh rằng đó là do thuốc lắc quá liều, không quay cuồng nhảy múa để thuốc phát tán ra, để tồn ứ trong cơ thể nên mới có ảo giác như vậy. Thấy tôi vẫn kiên quyết muốn ra đi, anh ta tỏ ra ăn năn mà năn nỉ: “Bà xã à, anh số khổ mà, em thương xót anh một chút được không?”
Nghe giọng nói nài nỉ như trẻ con vậy, tôi không nhịn được, phì cười, đồng ý ở lại, nhưng với một điều kiện: Sau này không được uống thuốc lắc nữa.
Anh ta đồng ý. Điều này thì anh ta đúng là giữ lời hứa (thường người Hồng Kông rất giữ lời hứa, chứ không như người đại lục, chỉ hay nói mồm). Sau này, qua rất nhiều sự việc, tôi thấy người Hồng Kông tương đối biết giữ chữ tín, mà tính tình ngay thẳng, không quanh co.
Tín nhiệm
Ông xã tôi luôn không tin tưởng vào hàng hóa được sản xuất ở đại lục. Song do điều kiện không cho phép nên cũng đành dùng tạm vậy, nhưng hễ có dịp là anh ta lại lôi một lô xích xông đồ từ bên Hồng Kông sang. Ví dụ như máy nghe đĩa, MP3, điện thoại di động, loa đứng, dầu gội đầu, gel chải tóc… Có lần, chúng tôi mua đồ ở siêu thị Vạn Gia. Tôi đã nhặt gói khăn giấy cho vào xe đẩy rồi, anh ta lại bỏ ra bảo rằng anh ta sẽ mua khăn giấy bên Hồng Kông mang sang. Bởi anh ta cho rằng khăn giấy bên này vừa xoa lên mặt đã đầy bụi giấy bay ra. Hôm sau đúng là anh ta không nề hà xách từ Hồng Kông sang một bọc lớn khăn giấy hiệu Tempo. Cho đến khi chúng tôi phát hiện ra ở siêu thị Nhân Lạc có bán khăn giấy hiệu Tempo thì việc này mới chấm dứt.
Nói thực lòng, tôi là một người đại lục mà thấy anh ta coi thường hàng hóa đại lục như vậy cũng cảm thấy tổn thương lòng tự trọng. Thế nhưng cũng phải công nhận rằng, nhiều thứ sản phẩm đại lục sản xuất chất lượng thật không ra gì. Mua chiếc điều hòa nhãn hiệu Media, mới dùng nửa tháng đã hỏng hóc. Mua chiếc máy khử trùng bát đĩa hiệu Xiangmei, chưa được một tháng đã ngừng hoạt động. Về sau, khi chúng tôi đi siêu thị mua đồ, tôi vừa mới nói mua thứ này mua thứ kia là anh lại nhìn chúng như nhìn kẻ thù vậy. Thậm chí, có một hôm khi đang mặc quần áo anh ta phát biểu: “Hình như quần áo hôm nay làm sao vậy, mặc vào rất khó chịu, chắc là do chai nước chống nhăn quần áo mới mua có vấn đề đấy.” Tôi vừa nghe đã tức lộn ruột: “Anh có cần phải mang cả nước chống nhăn từ Hồng Kông sang đây luôn không?”
Anh ta lại chẳng hiểu được sự bực bội trong câu nói của tôi, nghĩ ngợi đăm chiêu một hồi rồi nói: “Thôi thôi, nặng lắm.”
Con người của anh ta vô cùng bảo thủ, bảo thủ đến mức các bạn không thể nào tưởng tượng nổi. Ở cùng anh ta bao nhiêu năm nay tôi chỉ thấy anh ta hút một loại thuốc lá nhãn hiệu Hồng Bì Vạn Bảo Lộ; chỉ đi có một loại giày (chẳng biết là nhãn hiệu gì, hơn 2.000 tệ một đôi, nước da rám màu vàng, những người Hồng Kông tôi từng gặp hình như cũng đều đi loại giày này); chỉ mặc một loại quần bò, mà đều là màu xanh nhạt kiểu ống đứng; đi đến quán bar luôn gọi bia Heineken loại chai nhỏ, đến nhà hàng nhất định là uống Whisky; còn kem dưỡng da thì luôn trung thành với nhãn hiệu I.’Oréal; thậm chí đến giấy vệ sinh cũng chỉ dùng nhãn hiệu Thư Khiết…
Tôi kể về anh ta cho đồng nghiệp và người nhà với một giọng hài hước. Mọi người đều cho rằng anh ta thuộc kiểu người cổ điển, nhưng điều đó cũng chứng tỏ anh ta là một kẻ không ăn ở hai lòng, đã thích cái gì rồi thì không dễ gì thay đổi. Rất nhiều sự việc sau này chứng minh anh ta không phải là không dễ gì thay đổi mà chính xác hơn là không muốn thay đổi (chắc có lấy lựu đạn tạc cho anh ta một phát nổ tung thành trăm mảnh anh ta cũng chẳng thay đổi). Có lúc, tôi tự nhiên nổi hứng mua cho anh ta vài thứ nhưng anh ta chẳng bao giờ động tới. Bởi vì những thứ tôi mua không phải là màu sắc hoặc nhãn hiệu anh ta ưa dùng. Mà anh ta cũng chẳng hay mua quà tặng cho tôi. Tôi thích thứ gì thì đến ngày lễ tết cứ nói với anh ta, anh ta sẽ trả tiền, chẳng có chút tình cảm gì cả. Cuộc sống như vậy bạn không khó tưởng tượng nó vô vị, nhạt nhẽo như thế nào. Có điều như thế cũng hay, sống thực chất, không hoa mĩ lòe loẹt. Mẹ tôi thì thường động viên tôi, người đàn ông như thế mới là người tốt, con đừng có lúc nào cũng mơ mộng, lãng mạn quá. Người đàn ông lạng mạn với con thì cũng lãng mạn với vô khối người đàn bà khác.
Sinh nhật của anh trai tôi, tôi mua tặng anh ấy một chiếc di động hơn 1.000 tệ. Thực ra cũng không phải là đắt. Có điều tôi đã gom hết số tiền tích lũy gửi tiết kiệm kì hạn (tôi chẳng hiểu mấy về tài chính, chỉ biết ra ngân hàng là gửi có kì hạn), nên đến cuối tháng là hết nhẵn tiền. Thế nhưng, lúc đó lại có một người bạn từ Tứ Xuyên lên tìm tôi, rủ đi chơi, tôi giúp cô ấy tìm khách sạn và làm thủ tục nhận phòng. Trở về nhà, trên người chỉ còn hơn 100 tệ, nghĩ rằng cô ấy từ xa xôi ngàn dặm đến thăm tôi, không thể để cho cô ấy trả tiền cơm nước, đi lại được. Tôi mới hỏi mượn anh ta ít tiền, anh ta ngạc nhiên hỏi tôi: “Tiền tiêu tháng này anh đã đưa cho em từ trước rồi cơ mà?”
Tôi nói tôi tiêu hết rồi, bây giờ bạn tôi qua chơi, anh cứ cho tôi mượn một ít để tiêu trước đã, trừ vào tiền chi tiêu tháng sau. Anh ta đưa cho tôi 800 tệ. Đến cuối tháng tôi nhận được lương, trong lòng rất vui vẻ nên mua cho anh ta một cái máy cạo râu hiệu Sony, hơn 400 tệ. Anh ta cầm lấy và hỏi tôi bao nhiêu tiền, tôi thật thà nói với anh ta. Không ngờ ngày mồng một tháng sau, anh ta đưa cho tôi đúng 4.600 tệ. Tôi hỏi sao anh đưa tôi nhiều vậy? Đáng lẽ là chỉ 4.200 tệ thôi chứ, bởi tháng trước tôi đã mượn anh 800 tệ còn gì?
Anh ta trả lời rất nghiêm túc: “Chẳng phải ngày lễ tết gì cả, mà em lại mua cho anh cái máy cạo râu, anh có trách nhiệm phải trả lại tiền cho em!”
Chú chó nhỏ (Phần 1)
Nói lại việc nuôi chó, tôi cảm thấy vô cùng ân hận, không chỉ vì chúng tôi đã vứt một chú chó nhỏ ngộ nghĩnh, đáng yêu ở quảng trường Văn hóa gần nhà, mà còn bởi vì chúng tôi đã trả lại một chú chó becgiê rất đáng yêu khác trở lại cửa hiệu bán chó, nơi mà các chú bị nhốt bất kể ngày đêm.
Mọi chuyện bắt đầu từ một hôm, ông xã nhà tôi chẳng biết nổi hứng gì, về nhà nói với tôi là muốn mua một chú chó nhỏ. Nhớ lại ngày bé tôi cũng từng nuôi chó, mà việc đó cả nhà tôi đều yêu thích còn tôi lúc nào cũng hân hoan nên đồng ý ngay, và còn luôn miệng giục anh ta phải nhanh chóng hoàn thành việc bổ sung thêm một thành viên trong gia đình. Cuối cùng vào một ngày thứ Bảy, chúng tôi đi dạo rồi rẽ vào cửa hàng bán chó gần nhà ga La Hồ, tôi rất thích chú cún con Kaka, giá 1.500 tệ, tôi tiện miệng trả luôn giá 1.200. Nghe ông chủ nói chú cún này mới được mấy ngày tuổi, trông nhỏ xinh đáng yêu như một chú mèo con.
Chúng tôi bế chú cún về nhà, lúc đó bắt đầu mới nghĩ xem nên cho nó ăn gì, và cho ăn như thế nào? May mà chúng tôi có số điện thoại của ông chủ cửa hàng, có gì không hiểu cứ gọi điện hỏi. Buổi tối hôm đầu tiên, sau khi chú cún dùng xong bữa tối của mình thì chẳng chịu đi ngủ, cứ sủa ầm ĩ lên. Tôi nghĩ có lẽ là nó cảm thấy lạ nhà, nên mới mở cửa phòng khách ra (lúc đó chúng tôi để nó trong phòng khách, vì nhà chúng tôi không có phòng dành riêng cho vật nuôi), và bật đèn lên để nó dần dần thích ứng với chỗ ở mới. Không ngờ vừa bật đèn lên là nó không sủa nữa, nhìn thấy bóng người là lúc lắc đầu, đuôi vẫy vẫy, thân thiện sán lại, lúc đó có bật đèn hay tắt đèn cũng chẳng hề gì, chỉ cần có người chơi với nó là nó ngoan ngoãn nghe lời. Tôi không chịu nổi trò này, tìm đủ mọi cách lôi ông xã dậy để chơi với nó. Mọi việc cứ xuôi chèo mát mái, chú cún ngoan ngoãn chơi đùa với ông xã đến sáng luôn. Lúc đó nó mệt rồi liền tìm chỗ, lăn ra ngủ. Hôm đó, chúng tôi lại có bạn đến thăm và ở lại uống trà. Cứ thế cho đến tối ông xã chẳng có cơ hội chợp mắt một cái.
Chú cún con này sau khi đã ăn no, uống đủ, ngủ đẫy giấc rồi, tối hôm đó tinh thần lại tỉnh táo lạ thường. Thế là thêm một tối nữa ông xã chẳng còn cách nào khác đành phải chơi với nó. Chú chó có người chơi cùng nên rất ngoan, có điều sáng hôm sau ông xã phải đi làm, tôi cũng vậy. Thế là chúng tôi bỏ mặc nó, anh chàng kêu gào thảm thiết khiến chúng tôi phát điên lên, hết nhìn nhau lại trợn mắt dọa nạt con chó, chỉ muốn đấm một cái cho nó chết tươi luôn. Cuối cùng, đêm đó, cả hai đều ngủ chập chà chập chờn. Sáng hôm sau dậy nhìn chú chó như nhìn kẻ thù, hai kẻ to đầu chẳng lẽ lại bắt nạt một con cún bé bỏng đáng thương. Thế là chẳng còn cách nào khác, lại phải chuẩn bị đồ ăn, để sẵn đồ chơi và nước ra trước cái ổ của nó.
Buổi chiều, thường thì tôi đi làm về trước ông xã. Mở cửa ra thấy nhà tôi như vừa bị Tôn Ngộ Không đại náo vậy. Khắp nơi vương vãi toàn thức ăn, nền nhà thì toàn nước, chẳng biết là nước thật hay kà nước đái chó. Còn cứt chó cũng lăn lóc lung tung mỗi nơi một cục, nhìn thấy cảnh đó tôi chỉ muốn đập đầu vào tường mà chết luôn. Tôi phải mất đến một tiếng rưỡi để dọn dẹp bãi chiến trường. Còn lúc ông xã trở về, khuôn mặt rạng rỡ tươi cười, vui vẻ chơi đùa cùng chú cún. Tôi bảo ông xã nhân lúc mới mua về hãy đem trả lại cho cửa hàng bên nhà ga La Hổ đi. Anh ta bảo không được, bỏ ra bằng ấy tiền mua được chú cún đáng yêu như thế này làm sao trả được. Tôi nói: “Thế thì được, anh không trả thì tôi chẳng ngó ngàng gì đến nữa đâu. Sau này anh hãy chăm lo cho nó, đừng mong tôi hầu hạ gì nó nữa”. Chú cún lúc đó đang ra sức liếm bàn tay ông xã, ngước đôi mắt trong veo nhìn anh ta, anh ta thì âu yếm chơi với nó nên mở miệng đồng ý luôn. Tối đến, chú cún vẫn theo thói quen cũ đòi phải có người chơi cùng. Tôi mặc kệ, bảo anh ta dậy mà chơi với nó. Đêm đó, anh ta lại không được ngủ, hôm sau mơ mơ màng màng đến cơ quan, nhìn chú cún mà chỉ muốn đá một cái văng ra khỏi cửa.
Tôi chẳng lấy đâu ra lòng kiên nhẫn nên chẳng ngó ngàng gì đến con chó. Còn anh ta cố gắng trụ được mấy buổi tối nữa. Cứ mỗi khi tôi nhắc đến chuyện trả con chó lại cửa hàng là nó lại ra sức lấy lòng anh ta. Không liếm bàn tay thì ngoan ngoãng phủ phục dưới ghế, hoặc là hiểu ý mà lấy đôi dép trong nhà giúp anh ta, đáng yêu đến mức khiến người ta không nỡ buông một câu nói nặng. Nó dính với anh ta như một cô tình nhân bé nhỏ vậy. Nhưng hễ đến tối, nếu chẳng có ai chơi với nó là nó lại sủa lên ầm ĩ, dường như vẻ ngoan ngoãn đáng yêu ban ngày đã biến mất rồi. Cuối cùng, một buổi tối, anh ta không chịu nổi nữa đã quát mắng chú cún một trận tơi bời, đương nhiên tôi cũng không tài nào ngủ nổi. Hai giờ sáng hôm đó, anh ta quyết định mặc quần áo vào, cho hết những đồ dùng của chú chó và chiếc bao chuyên dụng mà mang đi. Tôi hỏi anh đi đâu? Anh ta nói mang con chó này đi vứt. Tôi nói: “Sao anh tàn nhẫn thế, con chó nhỏ thế này, mang nó đi vứt vào giờ này thì biết nó sẽ sống chết thế nào, chi bằng chịu đựng thêm một đêm nữa, ngày mai mang trở lại cửa hàng ở gần nhà ga La Hồ.”
Anh ta không nghe, nói rằng không thể chịu đựng hơn được nữa rồi, dù chỉ là một giây. Giận dữ gói ghém cẩn thận mọi thứ rồi mang đi, khoảng hơn nửa tiếng sau anh ta trở về. Đúng là anh ta đã mang vứt con chó đi rồi.
Từ đó trở đi, đôi khi anh ta cũng nhắc đến chuyện nuôi chó, nhưng tôi luôn chế giễu anh ta: “Có phải là anh muốn mua con chó bị vứt bỏ ở ngoài quảng trường không? Hay bây giờ anh đã ngủ ngon giấc hơn trước rồi?”
Chú chó nhỏ (Phần 2)
Cái đêm mà anh ta đem vứt chú chó đi, thực sự trong lòng chúng tôi cũng không yên tâm. Sáng hôm sau, trời chưa sáng hẳn, tôi đã giục anh ta thử ra lại chỗ vứt con chó xem sao. Mặc dù anh ta chẳng muốn nhúc nhích, nhưng trong lòng anh ta cũng có chút ân hận, nên vẫn cố gắng ra khỏi nhà. Khi về, anh ta nói đêm qua đã vứt chú chó ở gần đài phun nước giữa quảng trường, bây giờ ra chẳng thấy chó lẫn đồ đạc của nó đâu nữa. Chắc có người đi thể dục sớm nhặt nó về nhà rồi. Nghe thấy thế, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Sau đó khoảng một năm anh ta lại nổi hứng mua về một chú chó nhỏ. Chú chó này gần một tháng tuổi, có bộ lông sư tử. Trông chú rất nghịch ngợm, nhưng ông chủ cửa hàng lại nhấn mạnh rằng chú cún này rất ngoan và đáng yêu lắm. Nếu đêm nó gây ồn ào thì ông ta sẽ trả lại cho chúng tôi gấp đôi số tiền mua. Nghe những lời hứa hẹn hấp dẫn như vậy, chúng tôi mua luôn đầy đủ cả vật dụng đi kèm: vòng cổ chó, đồ chơi, bóng da, ổ nằm ngủ, đồ ăn, đĩa đựng đồ ăn, đĩa đựng nước, cũi chó… Tất tần tật mất hơn 1.800 tệ (giá con chó là 1.300 tệ).
Anh ta thích Lưu Đức Hoa, nên gọi tên chú cún là Hoa Từ. Hoa Từ đúng là vô cùng ngoan ngoãn, đến mức khó có thể lí giải được. Buổi tối không bao giờ kêu sủa gì cả, đưa đi tiêm phòng cũng chỉ ngồi lúc lắc cái đầu, thân thiện với mọi người, nhưng khi nhìn thấy những chú chó khác thì phấn khởi ra mặt, rối rít vẫy đuôi. Bạn bè hoặc đồng nghiệp đến nhà tôi đều yêu thích chú chó này. Ai cũng bảo nó quả là đáng yêu. Khi chúng tôi đáng mạt chược hoặc ngồi chơi nói chuyện, nó chỉ đi dạo một vòng để quan sát, rồi núp vào một góc nào đó để ngủ. Chưa được nửa tháng, nó đã trở nên béo ú. Bởi nó còn nhỏ, bốn chân chưa được dài nên cái bụng nhiều mỡ quá đến nỗi sắp lê xuống sàn nhà đến nơi rồi. Thấy vậy, chúng tôi đâm ra lo lắng, tưởng rằng nó bị bệnh, nên đưa nó đến Viện Thú y. Bác sĩ hỏi: “Có phải là anh chị chẳng bao giờ hạn chế khẩu phần ăn với nó đúng không?”
Tôi trả lời: “Chúng tôi thường để một bát đầy đồ ăn và nước của nó ở đó, nó muốn ăn uống lúc nào thì tùy.”
Bác sĩ hỏi: “Con chó này của anh chị không hay vận động lắm có phải không?”
Chúng tôi trả lời: “Đúng, con chó này ngoan lắm, chẳng bao giờ chạy nhảy, nghịch phá gì cả.”
Bác sĩ nói: “Anh chị nuôi chó như thế này là phản khoa học, nuôi chó cần phải để cho nó đói một chút, lại còn phải thường xuyên cho nó chạy nhảy vận động. Khi nào có thời gian, nên dắt nó đi dạo một chút. Nó chẳng có bệnh gì đâu, chỉ là do ăn nhiều quá, tiêu hóa không điều độ thôi.”
Chúng tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn, chúng tôi đã để chú chó sống theo cung cách của chúng tôi, thảo nào hai bên rất tâm đầu ý hợp.
Đã đến bệnh viện rồi nên chúng tôi cho nó vào phòng thẩm mĩ, tân trang cho nó từ đầu đến chân (cắt bớt lông, cắt móng chân, tắm rửa, tổng cộng mất hơn 180 tệ). Sau khi về nhà, chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của bác sĩ, cắt bớt khẩu phần ăn, đi làm về dắt nó đi dạo. Sau một thời gian rõ ràng có hiệu quả, thân hình chú ta trở nên gọn nhỏ, săn chắc, chứ không còn như một chú cún béo phì cả ngày kéo lê cái bụng phệ nữa.
Nhưng chẳng bao lâu sau, chú cún con mọc răng. Do chúng tôi đều mải đi làm, sợ nó ở nhà một mình lại bị nhốt trong cũi nữa thì thật đáng thương, nên đành thả nó ra. Không ngờ anh chàng chạy lung tung, cắn đồ đạc bừa bãi. Chỉ qua vài ngày, từ chiếc kệ đặt đầu giường, đến bộ sofa bọc da rồi đến cả kệ tivi, chỉ cần là nơi mà hàm răng anh chàng với tới được thì đều gây những vết cắn nham nhỏ. Đau xót nhất là chiếc ghế bọc da xanh mới mua hơn 3.000 tệ. Viền phía dưới bị cắn thủng một lỗ to bằng miệng bát ô tô, trông thật phản cảm, rồi sau đó đến những chiếc ghế gỗ, bàn gỗ cũng không thoát khỏi số phận hẩm hiu.
Đến lúc này chúng tôi lại lâm vào tình thế bế tắc, bởi chẳng ai trong chúng tôi có thời gian mà quản lí nó cả. Nếu nhốt nó trong cũi thì thấy nhẫn tâm, mà hơn nữa ngoài thói xấu này ra thì mọi mặt của nó đều làm vừa lòng chúng tôi. Ví dụ: chẳng bao giờ kêu gào ầm ĩ, không kén đồ ăn, luôn vui vẻ thân thiện với chủ. Khi tôi vừa về đến nhà là nó lúc lắc cái đầu chạy ra nghênh đón, nhảy lên ôm vào chân tôi, hoặc khi tôi đi lại nó cứ quấn lấy chân, nếu tôi không cẩn thận đá phải nó một cái, nó lăn một vòng rồi lại sán lại thân mật liếm tay hay quần áo của tôi. Đôi mắt trong veo xinh xắn ấy lúc nào cũng nhìn chủ nhân với một lòng trung thành và tình cảm thắm thiết. Cũng không biết từ lúc nào nó học được thói quen lấy dép trong nhà cho chủ, lại còn biết cách làm cho chủ vui lòng khi chủ sai làm việc nọ việc kia…
Chẳng còn cách nào khác nữa, chúng tôi đã nghĩ đến việc thuê một ôsin làm việc nhà tiện thể trông nom con chó. Nhưng nghĩ kĩ lại thấy làm như thế thì xa xỉ quá. Tính đi tính lại mấy ngày, cuối cùng chúng tôi đành rứt ruột trả nó về cho cửa hàng, trong lòng không nguôi niềm thương nhớ tiểu Hoa Tử.