Yêu hay không yêu cũng mặc - Chương 13 - 14 - 15 - 16

Lễ Tình nhân

Mười người con gái thì có đến mười một cô mong ước rằng ngày nào trong năm cũng là Lễ Tình nhân, tất nhiên trừ những cô gái không có người theo đuổi, hoặc có người yêu bủn xỉn, không lãng mạn. Chồng tôi vô cùng coi trọng ngày lễ này, cho nên cứ đến gần ngày này, anh ta lại hỏi tôi: “Valentine năm nay, em muốn ăn mói gì?”

Thật đúng là như lợn vậy, lúc nào cũng nghĩ tới ăn. Tôi thầm mong một lần nào đó đầu óc anh ta được khai sáng, tặng cho tôi một tập chi phiếu hoặc là một bó hoa to rực rỡ, hay sôcôla cũng được. Nhưng tiếc rằng trong đầu anh ta chỉ có mỗi một ý niệm, đó là đi ăn. Tôi đành phải cố gắng tận hưởng niềm hạnh phúc và ý nghĩa cao cả của ngày Lễ Tình nhân bằng việc nhiệt tình ăn uống vậy.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn láng máng nhớ về không khí những ngày Lễ Tình nhân hồi ấy, đơn giản đến độ tầm thường. Năm đầu tiên còn tạm chấp nhận, chúng tôi đến tiệm cà phê Tình Duyên ăn một suất trọn gói có tên là Đôi lứa, giá 298 tệ. Để tăng thêm không khí ngày lễ, quán cà phê còn tặng miễn phí cho mỗi người một ly rượu vang đỏ, tặng cho mỗi cô gái một bông hồng đỏ. Nhìn bông hoa đã tàn tạ héo úa, tôi chẳng có hứng thú mang nó theo. Ăn xong, chúng tôi đến tầng hai một quán bar để hát karaoke, hát đến khi hai mắt hoa lên, hai tai ù đặc, rồi lại đến một con phố ẩm thực ăn đêm, nhưng với hai người yêu nhau đã già cỗi thì chúng tôi chẳng còn cảm thấy một chút dư vị gì là Lễ Tình nhân cả. Chúng tôi cứ gì những đôi âu yếm, tình tứ xung quanh mà thèm khát được như vậy. Lúc đó tôi nghi ngờ, có lẽ mình chỉ coi ông xã như một đối tác để cùng sống cho qua ngày đoạn tháng, hay là chỉ như hai kẻ vô tình bị máy bay thả lạc ở đảo hoang, chẳng còn cách nào khác phải dựa vào nhau mà sống như người Nguyên thủy vậy. Mượn hơi rượu, tôi hỏi anh ta một vấn đề nghiêm túc (nhưng đối với chúng tôi lại vô cùng nhàm chán): “Anh có yêu em không? Sao trước tới giờ sống với anh mà em chẳng thấy yêu anh nhỉ? Cái cảm giác tình yêu nó như thế nào?”

Anh ta nghe tôi hỏi, với vẻ coi thường, lạnh nhạt buông một tiếng: “Xì…”

Cái tiếng “xì” buông ra từ miệng anh ta khiến trong lòng tôi hụt hẫng, nhưng rồi lại tự cười mình. Cái điều thường tình ai cũng biết này mà cứ hỏi đi hỏi lại, có đáng chán không cơ chứ?

Ngày Lễ Tình nhân năm sau càng nhạt nhẽo hơn. Trước đó, có một thời gian tôi rất thích ăn món thịt dê hầm. Cứ hễ anh ta sang là tôi lại kéo anh ta đi ăn món đó. Còn nếu không có anh ta thì tan sở tôi đi ăn một mình. Rồi đến một ngày tôi chán ngấy món thịt dê hầm đến tận cổ, đến nửa tháng trời chẳng nhắc tới món đó với anh ta. Hôm đó, chúng tôi vào hiệu ăn đồ Tây, tôi đang mắc vội vào nhà vệ sinh. Trở ra, anh ta hớn hở nói rằng anh ta đã gọi cho tôi món ăn tôi yêu thích rồi. Lúc đó tôi đang mê mẩn món cá, nên cứ ngỡ rằng anh ta gọi món này. Không ngờ khi dọn lên lại là món thịt dê. Lúc đó tôi chẳng muốn ăn một chút nào cả, mà chán nhất là anh ấy gọi hai suất đều là thịt dê, coi đó là suất ăn đôi trong ngày Lễ Tình nhân. Tôi bặm môi, trong lòng thầm chửi anh ta là đồ đầu bò, nhưng cũng đành phải cố gắng ăn một hai miếng rồi bỏ đũa. Thấy tôi bỏ dở, không ngăn được cơn bực tức, anh ta mới hỏi tôi tại sao không nói trước một tiếng. Mẹ kiếp! Tại sao anh ta không biết là tôi đang kết món cá chứ? Lườm anh ta mấy cái rát mặt, tôi chẳng nói gì, có cãi nhau với anh ta cũng chẳng để làm gì, vì dẫu sao, với cái giọng chửi mang đậm chất quê hương của tôi, anh ta nghe cũng chẳng hiểu, có nói lắm cũng chỉ phí lời. Sau đó, chúng tôi cùng đến quán bar, mặt cứ dài như cái bơm, nhìn nhau mà phát chối. Rượu càng uống càng thấy nhạt, cứ như là đang uống phải nước đái khỉ vậy, nên chúng tôi nhanh chóng kết thúc mà nhăn nhó ra về.

Đến ngày Lễ tình nhân năm thứ ba, chúng tôi chẳng còn hứng thú gì làm điều gì đó để tăng phần ý nghĩa cho cái ngày đặc biệt này. Để từ chối đi chơi với anh ta, tôi nói rằng đã hẹn tụ tập với đám bạn cũ rồi. Anh ta cũng đồng ý. Vì không có tôi thì anh ta lại chạy đi kiếm đám bạn độc thân cùng tới hộp đêm. Không ngờ, người bạn đồng nghiệp mà tôi đã hẹn đi ăn cơm nhắn lại là bận không thể đến được vừa lúc tôi đặt chân vào quán. Người yêu cô ấy đã mang đến cho cô ấy một điều bất ngờ, từ Thiên Tân lặn lội đến thăm cô đúng vào ngày lễ đặc biệt này, nên cô đành cáo lỗi với tôi. Tôi thất thểu trở về, càng nghĩ càng cảm thấy phẫn uất, lẽ nào một con người không thể sống một mình cho có ý nghĩa một chút sao? Tôi liền gọi taxi đến quán bar Cowboy ngồi thiền ở đó. Quán đang bật bài hát Một ngày Lễ Tình nhân vắng bóng tình nhânTình yêu nào sẽ còn ở lại, với giọng hát da diết trong nỗi cô đơn, khiến tôi mắt lệ tuôn trào. Tôi thề rằng sau này sẽ không bao giờ phải cô đơn trong ngày Valentine nữa.

Ngày Lễ Tình nhân năm thứ tư, tôi và ông xã lại cùng ra ngoài ăn, bởi cũng chẳng nghĩ ra được cái gì khác hay ho hơn. Nhìn lên lịch thấy đúng là mười bốn tháng Hai, tôi nói với ông xã: “Hôm nay lại đến Lễ Tình nhân rồi đấy.” Anh ta nói: “Ừ đúng rồi, em thích đi ăn món gì?” Đúng là đồ lợn, ngoài ăn ra anh ta không nghĩ được việc gì thú vị hơn sao? Trong lòng tôi chỉ còn nỗi oán ghét và khinh bỉ anh ta, nhưng cũng chẳng có cách nào khả dĩ hơn để trôi hết cái ngày buồn chán này. Thôi lại đành đi ăn vậy, đồ lợn ạ!

Cuộc sống lứa đôi của chúng tôi là như thế đấy. Lúc mới bắt đầu thì tràn đầy nhiệt tình và ảo tưởng, càng về sau này càng thấy ảm đạm vô vị, chẳng buồn thay đổi, ngày nào cũng như ngày nào. Thậm chí thâm tâm tôi thường mong anh ta kiếm lấy một cô ả nào đó ở ngoài, đừng có hễ tan sở là về nhà ám quẻ. Hai người nhìn nhau tẻ ngắt, lại gây cản trở, không cho nhau làm những điều mình thích. Đến một ngày Lễ Tình nhân nọ, tôi đã mở miệng nói với anh ta: “Anh đi kiếm lấy một ả nhân tình đi!”

Anh ta nói: “Cái gì?”

Tôi nói: “Anh đi kiếm lấy một ả nhân tình đi, chứ vào Lễ Tình nhân mà chẳng có tình nhân thì rất lãng phí.” Anh ta lườm tôi, khinh bỉ nói: “Cô có ấm đầu không đấy! Muốn kiếm nhân tình thì cô đi mà kiếm.”

Mua xổ số

Ông xã tôi không bỏ được cái mộng trúng xổ số, giống như tôi không từ bỏ được giấc mộng mãi là một thiếu nữ 18 xuân xanh. Nhưng đáng tiếc là ông xã chẳng có duyên gì với xổ số cả, cũng như tôi trong đời chỉ có một năm duy nhất là tròn 18 thôi. Ông xã từng thổ lộ với tôi là lúc hơn 10 tuổi, anh ta đã từng dùng tiền tiêu vặt của mình mua xổ số. Cho đến bây giờ, hơn 30 tuổi rồi, suốt bao nhiêu năm đó, kỉ lục đáng tự hào nhất của anh ta là có một lần trúng được 300 đô la Hồng Kông.

Giấc mộng làm giàu của tôi xem ra cũng mãnh liệt không kém, nhưng cách làm của tôi còn điên cuồng hơn anh ta nhiều. Mỗi tuần anh ta cứ đều đặn hai lần mua vé số, mỗi lần mua 20 tệ, một tờ 4 cọc số. Nếu Hồng Kông có xảy ra động đất hoặc tiền thưởng của anh ta tháng này lên đến hàng trăm triệu anh ta cũng chỉ mua có vậy. Còn tôi nếu như tâm trạng vui vẻ tôi có thể mua đến hàng trăm tệ. Có một lần diễn ra World Cup, tôi và một đồng nghiệp mua liền tám lượt xổ số bóng đá, mỗi người bỏ ra không dưới 2.000 tệ, trúng một giải được một trăm mấy chục tệ. Tôi xót của đến mức 10 ngày liền, bữa trưa tôi chỉ ngồi gặm mì khô để trừng phạt bản thân. Sau đó nghĩ lại, thấy chẳng việc gì phải làm như vậy. Tiền thì đã mất rồi, bây giờ mà sức khỏe cũng mất nốt thì chỉ thiệt mình, lập tức bỏ ra toàn bộ số tiền còn lại ăn trong một tuần cho hết, ăn đến mức mỏi cả răng, êm ẩm cả dạ dày tôi mới cảm thấy thoải mái đôi chút.

Có một hôm, ông xã tan sở về, phấn khởi nói: “Hôm nay Hồng Kông phát hành xổ số giải đặc biệt cao nhất là 60 triệu tệ, em có muốn mua không?”

Tôi nghe đến giải thưởng sáng cả mắt, tưởng tượng ngay ra một nhà chất đống toàn là tiền mặt, nên gật đầu cái rụp. Tôi rút ra 300 tệ, bảo anh ta mua xổ số hộ tôi. Anh ta ngạc nhiên hỏi: “Mua nhiều thế để làm gì?”

Tôi nói mua xổ số nên mua nhiều một chút thì cơ hội trúng sẽ cao hơn, miệng nói mắt vẫn mơ màng giấc mộng đổi đời.

Anh ta như hắt một gáo nước lạnh vào lòng nhiệt tình của tôi: “Làm gì có ai mua xổ số kiểu như em. Đây có phải là đánh bạc đâu, anh chỉ mua hộ em 20 tệ thôi, nếu em thấy ít thì tự mình sang bên Hồng Kông mà mua.”

Nói xong, anh ta cầm lấy một tờ 20 tệ và bỏ đi. Thấy thế, tôi tức lộn tiết nhưng chẳng làm gì được. Tối đó tôi nằm mơ thấy mình đã trở thành một nữ triệu phú. Sáng hôm sau tỉnh dậy trong đầu đầy hình ảnh các loại tiền: đô la Mỹ, đô la Hồng Kông, nhân dân tệ, bảng Anh và cả vàng bạc lấp lánh ánh kim… Khi nhìn thấy ông chồng đang ngồi trước tivi ngoài phòng khách xem tiểu phẩm hài của Châu Tinh Trì, cười ngặt nghẽo, tôi lại lộn ruột, bụng bảo dạ: Việc đầu tiên sau khi ta đây trúng xổ số là sẽ đuổi phắt ngữ nhà anh đi, ta sẽ kiếm một anh bạn trai cao to, lịch lãm; việc thứ hai là sẽ mua một ngôi nhà đàng hoàng; việc thứ ba là bỏ phắt công việc này đi; việc thứ tư là làm một tour du lịch vòng quanh thế giới; việc thứ năm là mua một chiếc Ferali màu đỏ; việc thứ sáu là…

Đáng tiếc là mộng đẹp chóng qua. Khi kết quả xổ số được công bố thì tôi chẳng trúng giải nào, kể cả giải bét.

Lần thứ hai mua là do tôi cảm thấy cuộc sống vô vị quá. Đến khi tivi chiếu một bộ phim mì ăn liền nào đó của Hồng Kông có nhắc đến chuyện xổ số, tôi lại nói với ông xã: “Ngày mai anh mua cho em 20 tệ nữa nhé.” Ông xã đồng ý, bảo tôi đưa tiền. Tôi nói: “Anh cứ mua cho em trước đi, bây giờ trong túi em không có tiền lẻ, mai anh đi làm về em sẽ trả anh 20 tệ.” Nói thuận miệng vậy rồi tôi cũng quên bẵng đi.

Không ngờ tối hôm sau vừa đi làm về, ông xã đã hớn hở nói với tôi: “Xổ số em mua hôm qua trúng rồi!”

Tôi lơ đãng hỏi lại: “Trúng rồi à? Bao nhiêu tiền?”

“1.800 tệ.” Ông xã hồ hởi trả lời.

“Ôi!” Thật là vận may ngoài dự kiến. Tôi không ngờ nó lại trúng thật, thế nhưng số tiền 20 tệ mua xổ số tôi vẫn chưa trả cho ông xã.

Ông xã vừa lôi ra một tập các tờ 100 đô la Hồng Kông vừa than thở: “Thật trời không có mắt. Kì xổ số nào anh cũng mua mà chẳng trúng gì cả. Em mới mua đến lần thứ hai đã trúng rồi. À mà này, trả lại anh 20 tệ mua xổ số đi chứ.”

Tôi cầm lấy tiền mà thắc mắc mãi, sao con người này lại thật thà đến vậy nhỉ? Anh ta mua xổ số hộ tôi nhưng tôi thì chẳng buồn biết nó là số nào, tôi làm sao mà biết nó có trúng giải hay không? Nếu anh ta không lôi nó ra thì tôi làm sao biết được. Không nén nổi tò mò, tôi bèn hỏi lại anh ta: “Sao anh biết là xổ số mua hộ em thì trúng mà xổ số mua cho anh thì không trúng?”

Anh ta trả lời: “Anh mua hai tờ xổ số, tờ của anh cất ở trong ví, tờ của em anh kẹp trong quyển truyện tranh để trong cặp sách (anh ta gọi ba lô là cặp sách, đúng là dở hơi), nên không thể lẫn vào đâu được.”

Từ lúc đó, tôi thường ôm giấc mơ làm giàu, cũng thường bảo anh ta mua giùm tôi một tấm vé số 20 tệ. Thế nhưng đáng tiếc là chẳng trúng lần nào nữa, buồn thay!

Mua nhà

Chúng tôi đã ở căn nhà thuê này mấy năm nay. Chắc các bạn cũng biết người ở nhà thuê thì thế nào rồi đấy. Thuê nhà vừa không có cảm giác an toàn, vừa chẳng có cảm giác là tổ ấm thực sự của mình. Không phải chủ nhà nào cũng làm mình vừa lòng. Lần đầu tiên, chúng tôi thuê nhà của một bà chủ người Chiết Giang. Nghe nói sau khi li dị, bà ta kiếm được khoản tiền và dùng khoản tiền đó mua căn nhà này. Tiền cho thuê nhà bà dùng để chi tiêu cho bản thân và nuôi con trai ăn học. Người đàn bà này rất đa nghi, cả ngày nếu không lo lắng người thuê nhà sẽ bôi bẩn lên tường nhà thì cũng đau đầu chuyện khách thuê nhà sẽ làm hỏng chiếc máy hút mùi của bà ta. Một hôm, nhân chúng tôi không ở nhà, bà ta gọi thợ điện đến sửa chữa lại toàn bộ hệ thống điện trong nhà chúng tôi. Chúng tôi chẳng còn bụng dạ nào ở trong ngôi nhà này nữa, lập tức tìm ngay nơi ở mới.

Nơi ở mới này của chúng tôi không được vừa ý lắm, nó ở tầng ba của một ngôi nhà, nhưng chủ nhà có vẻ rất dễ tính. Ở tầng một, bà ta mở một cửa hàng bán băng đĩa. Ông chồng người Hà Nam đang dạy học ở quê. Bà ta sống cùng cô con gái hơn 20 tuổi không có công ăn việc làm ở Thâm Quyến này. Chúng tôi cũng không hiểu được tại làm sao cả nhà họ không đoàn tụ về một mối. Đầu tiên, chúng tôi nghĩ mẹ con họ tính tình rất phóng khoáng và thoải mái. Nhưng mới ở gần một tháng chúng tôi đã nhận ra hai mẹ con nhà này có vẻ gì rất bất thường. Họ thường đưa những gã đàn ông trông chẳng đàng hoàng chút nào về nhà. Có lần, vào nửa đêm, một gã uống say ngật ngưỡng đã gõ nhầm cửa phòng chúng tôi. Gã bấm chuông cửa liên hồi, lúc đó lại chỉ có mình tôi ở nhà, tôi sợ đến mức cả đêm không tài nào chợp mắt được. Sau đó, may mà bà chủ đó ra kéo lão ta đi tôi mới được yên thân.

Chủ của căn nhà thứ ba mà chúng tôi thuê là một người đàn bà to béo ngoại cỡ, người Hồ Bắc. Sự khôn ngoan của người đàn bà này tỏa ra rừ khắp con người của bà, chúng tôi được lĩnh giáo từ bà ta vô số bài học. Lúc đầu, khi chúng tôi mua chú cún nhỏ về, đúng là chú ta làm ầm ĩ cả ngôi nhà. Tôi cứ phải nói năng khéo léo, nhũn nhặn trước mặt bà ta. Sau này, khi chúng tôi mua chú chó ngoan ngoãn, cả ngày chẳng kêu ca gì, bà ta gặp tôi vẫn khinh khỉnh, mặt vênh lên tận trời. Nếu như không có lực hút Trái Đất thì có lẽ đến tóc bà ta cũng dựng ngược hết lên cả rồi. Nhưng tôi vốn có tính lười nhác, cứ nghĩ đến chuyện chuyển nhà sẽ kéo theo bao nhiêu phiền hà là tôi lại tặc lưỡi mặc kệ, đành nhún nhường, nhịn nhục bà ta.

Nhưng bây giờ thì không thể không chuyển đi. Một hôm, bà ta đến bắt chúng tôi phải chuyển xuống tầng bốn bởi vì người thuê nhà ở tầng bốn đã chuyển đi rồi. Căn hộ tầng năm chúng tôi đang ở đã kết kì hạn thuê, bà ta phải trả lại cho người chủ đích thực của nó, lúc này chúng tôi mới biết hóa ra bà ta là người môi giới ăn chênh lệch. Nhưng xuống ở tầng bốn thì chồng tôi lại kiên quyết không đồng ý. Vì các bạn cũng biết đấy, người Hồng Kông rất kị số bốn, vì “Tứ” đọc gần âm với “Tử”, “Tử” nghĩa là chết. Thế nhưng chúng tôi cũng không thể ở tầng năm được nữa. Còn những căn hộ ở các tầng khác đều đã có người thuê, và sắp tới dường như chẳng có ai muốn trả phòng.

Đến lúc này, chúng tôi buộc phải nghĩ đến việc tìm nhà mới để thuê. Một lần, chúng tôi đi ăn lẩu với một người bạn ở khu ẩm thực gần Phúc Điền. Khi đi qua siêu thị Nhân Lạc, một nhân viên tiếp thị của trung tâm giao dịch nhà đất nhét vào tay chúng tôi một tờ quảng cáo. Lúc đó, chúng tôi cũng chẳng để ý, cứ vừa nói chuyện vừa tiện tay cầm lấy. Khi quay trở về vẫn gặp đúng người đó và lại được phát thêm một lần nữa. Tôi mở ra xem, thì ra họ đang rao bán một khu chung cư nổi tiếng vừa xây xong bên đường Phúc Điền. Mỗi mét vuông giá chỉ 7.800 tệ trong khi giá khởi điểm là từ 8.500 tệ đến 9.000 tệ một mét vuông.

Ông xã tôi chăm chú xem xét nội dung của tờ quảng cáo màu mè đó, rồi nói: “Bà chủ nhà đã báo chúng ta chuyển đi, kiểu gì chẳng phải thuê một căn nhà mới. Cứ chuyển đi chuyển lại như thế, chi bằng mua hẳn một căn nhà cho xong.”

Tôi thì thế nào cũng được, việc mua nhà tôi hoàn toàn đồng ý, chí ít không phải lo lắng bị chủ nhà đuổi ra đường bất cứ lúc nào. Hơn nữa, tiền thuê nhà của chúng tôi một tháng cũng mất 1.350 tệ rồi. Nếu mua nhà thì trả góp một tháng chỉ thêm khoảng 1.000 nữa thôi, chỉ cần tiết kiệm một chút là đủ trả, mà lại là của mình.

Chúng tôi lập tức quyết định cùng người nhân viên phát tờ rơi đi xem chung cư đó luôn. Chung cư có tên là Hào Đình, bây giờ chỉ còn khoảng hơn mười căn chưa bán. Có mấy căn ở tầng hai, có một căn ở tầng mười ba, một căn ở tầng mười. Chúng tôi đều ưng ý với căn ở tầng mười, nhưng nó rộng hơn 140 mét vuông, vượt quá khả năng của chúng tôi. Ở tầng mười ba thì vướng phải số xấu (lại mê tín rồi). Tầng hai thì thấp quá, lại chỉ có hai phòng ngủ, một phòng khách. Cuối cùng chúng tôi chỉ còn băn khoăn hai căn ở tầng chín; một căn rộng hơn 100 mét vuông, ba phòng ngủ một phòng khách; căn còn lại chỉ có hai phòng ngủ, một phòng khách, rộng hơn 60 mét vuông. Ông xã nói mua căn có hai phòng ngủ, một phòng khách thôi, bởi tiền tiết kiệm của anh chỉ đủ trả đợt đầu cho căn đó. Tôi nói căn đó nhỏ quá, nếu như đã quyết định mua thì mua căn to một chút, tôi có thể góp thêm một chút tiền của mình.

Nữ nhân viên tiếp thị dẫn chúng tôi đi cứ một mực giục chúng tôi nên mua ngay. Cô ấy nói: “Khu chung cư này bán chạy lắm, nếu anh chị đã quyết định thì nên đặt cọc ngay đi. Khu chung cư này chất lượng rất tốt, lại gần ga tàu điện ngầm, trước mặt sắp mở một siêu thị, phía sau là phố ẩm thực…” Tóm lại, như cô ấy nói, nếu chúng tôi không quyết định mua ngay, người khác mua mất thì sau này hối không kịp.

Ông xã tôi hỏi:“Em thấy thế nào?”

Tôi trả lời: “Em cũng không biết nữa, em thấy cũng được.”

“Em có muốn mua không?”

“Tùy anh.”

“Anh thì thế nào cũng được.”

“Thế thì thôi đi.”

“Mình cứ nên xem xét thêm, thuê nhà thì phiền phức mà đằng nào cũng phải tìm nhà để ở chứ.”

Tôi nói nếu đã thế thì quyết định mua đi, ông xã đồng ý luôn.

Chúng tôi quyết định mua nhà chóng vánh thế đấy. Cầm lấy tờ quảng cáo, trở về nhà là anh ta ra ngân hàng rút ngay 20.000 tệ. Chúng tôi đến văn phòng giao dịch đặt cọc luôn, rồi hẹn với nhân viên kinh doanh của họ tuần sau sẽ giao tiền đợt đầu. Cả căn nhà hơn 80 vạn tệ, bớt đi số lẻ còn 80 vạn, tiền giao đợt đầu là 30%, tức 24 vạn tệ. Anh ta bỏ ra 15 vạn tệ, còn tôi bỏ ra 9 vạn tệ (đó là toàn bộ số tiền tích cóp của tôi và có một ít mẹ tôi cho thêm), số còn lại tính ra sẽ trả hết trong vòng 20 năm, mỗi tháng trả góp 4.000 tệ. Nhìn con số này, nghĩ đến việc 20 năm trời mỗi tháng đều phải bỏ ra 4.000 tệ, ý nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là: Tiêu đời rồi, cả đời mình sẽ phải sống với kẻ này rồi.

Thiết kế nội thất

Chắc chắn mọi người sẽ thấy chúng tôi là những kẻ lười nhác, ngại khó và thậm chí là hồ đồ, ngốc nghếch nữa. Riêng chúng tôi thì luôn tuân thủ một nguyên tắc sống: đơn giản, tự do, vui vẻ, phóng khoáng, nhàn hạ.

Chuyện thiết kế nội thất của những người xung quanh tôi thì vô khối. Ví dụ như một cô bạn học cũ của tôi có mua một căn nhà ở Thâm Quyến. Khi phải hoàn thiện phần nội thất, vì lo công nhân bên công ty xây dựng làm ăn qua quýt, ăn bớt nguyên vật liệu hay là kết quả không như ý, nên cô quyết định bỏ việc, một tháng rưỡi liền ở nhà lo đôn đốc việc hoàn thiện căn nhà. Còn mẹ tôi có lần kể cho tôi, mấy năm trước khi cậu tôi xây lại ngôi nhà mới, do trông nom công trình quá vất vả nên đến khi hoàn thành, cậu gầy mất mười mấy cân, rồi mợ cũng sụt hẳn chín cân, cộng cả hai người vào là xọp đi hơn hai chục cân. Đến khi khánh thành nhà mới thì hai người chỉ còn là hai bộ xương khô. Tôi còn nghe nói nhiều chuyện tương tự như vậy nữa… Tóm lại, rất nhiều người mua được một căn hộ xong, khi hoàn thiện nội thất đều kêu ca rầm trời lên là khổ cực quá.

Hai vợ chồng tôi có lợi thế hơn những người khác vì ông xã đang làm trong lĩnh vực giám sát xây dựng còn tôi cũng đã từng làm ở một công ty xây dựng, đáng lý ra căn hộ của chúng tôi phải được thiết kế, bài trí hơn người mới phải. Nhưng chúng tôi đều là loại ngại động tay động chân, nên chẳng ai có hứng thú gì với màn chỉnh trang hoàn thiện này cả. Thậm chí việc tìm người thân quen để giúp cũng lười nốt. Tôi có hai người bạn làm trong công ty chuyên thiết kế nội thất, nhưng tôi chẳng muốn nhờ đến họ. Thứ nhất, tôi ngại người khác biết được việc tôi cùng một người đàn ông đã mua một căn hộ ở chung; trong thâm tâm tôi cũng cùng quan điểm với mấy cô gái nọ, lúc nào cũng cảm thấy cuộc hôn nhân với một người đàn ông Hồng Kông là rất khó thành. Thứ hai, tôi ngại mọi người nghĩ tôi đang bám lấy một đại gia lắm tiền, bởi rất nhiều người cho rằng cứ là người Hồng Kông thì phải giàu có lắm. Nên chúng tôi nhờ luôn bên bán giới thiệu cho một công ty thiết kế nội thất mà họ quen biết để họ làm cho mình. Bọn họ mang đến một loạt catalog các kiểu mẫu nội thất, chúng tôi chọn lấy một kiểu trông có vẻ tạm được, giá cả là 8 vạn tệ bao thầu trọn gói. Sau này một người bạn làm trong lĩnh vực nội thất mà tôi quen đến xem nhà đã nói với chúng tôi: “Loại vật liệu nội thất này, cùng lắm là 4 vạn tệ là làm ngon lành rồi.” Thật xót xa quá.

Nhà mới vẫn đang bừa bộn nhưng chúng tôi vẫn sống ung dung như trước đây. Đi làm cứ đi làm, đi hát karaoke cứ đi hát. Một vài người bạn của ông xã biết chúng tôi mua nhà lại cứ tưởng chúng tôi giỡn chơi, chẳng thể tin nổi chúng tôi lại nhàn hạ như không vậy. Nhưng thật ra thì mọi chuyện chẳng có gì thay đổi so với trước cả. Thậm chí đến một hôm Chủ nhật, công ty bên đó gọi chúng tôi sang xem nhà, tôi còn kiếm cớ để khỏi phải đi. Bởi lúc đó là tháng Tám, Thâm Quyến nóng đến mức cả ngày chỉ muốn chui vào tủ lạnh ngồi không buồn chui ra. Cho đến một hôm họ gọi chúng tôi báo rằng đã hoàn thiện nội thất, mời chúng tôi sang nghiệm thu. Thời gian giao ước trong hợp đồng là bốn mươi ngày, bọn họ làm chậm mất ba ngày, nhưng tôi chẳng để tâm. Bởi nếu chiếu theo điều khoản đã giao hẹn thì bọn họ chỉ phải đền bù một chút thiệt hại không đáng kể.

Căn nhà mới của chúng tôi chẳng đẹp được như trong tưởng tượng nhưng cũng không đến nỗi quá tệ. Nói cho cùng chúng tôi còn trẻ, mới hai mươi mấy tuổi mà đã có nhà riêng thì cũng cảm thấy có một chút tự hào. Sau khi thanh toán cho công ty nội thất phần lớn, còn khoảng 5.000 tệ thì thỏa thuận ba tháng sau sẽ trả nốt (đấy là thông lệ, qua ba tháng nghiệm thu công trình không có sai sót gì mới thanh toán hết, coi như là tiền đặt cọc để nếu có chuyện gì không vừa ý xảy ra họ phải có trách nhiệm sửa chữa). Sau đó là gọi nhân viên bên công ty vệ sinh sang lau dọn, sắp xếp lại mọi thứ. Bởi chủ nhà nơi chúng tôi đang thuê thúc chúng tôi phải chuyển đi nên nhằm vào hôm thứ Bảy, chúng tôi vội gọi dịch vụ chuyển nhà, rồi nhờ thêm mấy người bạn của anh ta và hai người bạn của tôi đến giúp đỡ chuyển luôn về nhà mới.

Không phải nói quá lên đâu, mà đây đúng là lần đầu tiên tôi có thể ngẩng cao đầu tự tin chứ không phải là tự ti như trước ở cái đất Thâm Quyến này. Đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác mình có nhà ở Thâm Quyến, lần đầu tiên cảm thấy mình không phải là kẻ ăn nhờ ở đậu không bắt nổi gốc rễ ở đây. Khi đám bạn ra về, nhìn đống đồ đạc bày bừa trước mắt, chúng tôi cảm động mà hét tướng, nhảy cẫng lên. Cũng là lần đầu tiên, tôi vô cùng nghiêm túc cùng anh ta tính toán cho tương lai của chúng tôi. Anh ta nói,căn nhà này chúng tôi phải trả góp trong vòng 20 năm, mỗi tháng phải trả góp gần 5.000 tệ. Cho nên từ bây giờ anh ta sẽ không đưa cho tôi tiền tiêu vặt nữa. Lương tôi kiếm được bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu, còn chi phí sinh hoạt trong gia đình anh ta sẽ lo liệu. Ngoài ra, anh ta sẽ cố gắng sống tằn tiện hơn một chút, bớt giao du với đám bạn bè đồng nghiệp ở bên Hồng Kông nữa. Đề phòng trường hợp thất nghiệp hoặc xảy ra những chuyện không mong muốn trong cuộc sống thì mỗi tháng cũng phải cố gắng để dư ra một ít. Bởi để trả tiền đợt đầu cho căn nhà này, chúng tôi đã phải bỏ ra toàn bộ số tiền tiết kiệm.

Nhìn dáng vẻ vui sướng hớn hở của anh ta, tự nhiên tôi lại cảm thấy mất hứng. Tôi đứng dậy dọn dẹp đống đồ đạc bừa bộn, tôi nghĩ đến việc cả đời phải gắn bó với con người này, nghĩ đến việc sau này không thể dứt bỏ chỗ này để đến một thành phố khác phát triển sự nghiệp, hay sau này chẳng thể có cơ hội gặp một người đàn ông nào khác. Rồi tôi nghĩ đến áp lực mình không được phép thất nghiệp, chẳng có tiền tiết kiệm, rồi lại phải sinh con nữa chứ, trong lòng tôi tự nhiên cảm thấy lo sợ và hoang mang, tự cảm thấy mình thật thiệt thòi, bất giác nước mắt lăn dài trên má.