Yêu hay không yêu cũng mặc - Chương 44 - 45 - 46 - 47 - 48
Gặp mặt
Mẹ tôi luôn không tin tưởng vào cuộc hôn nhân của chúng tôi. Bà cho rằng chúng tôi đã chung sống với nhau lâu như vậy mà không có con cái, quả là nguy hiểm. Bà không nói thẳng điều đó với chúng tôi, chỉ bóng gió xa xôi thôi nhưng tôi hiểu bà muốn ám chỉ điều gì. Ở Thâm Quyến, tôi cảm thấy cuộc sống thật vô vị và nhàm chán. Nhân lúc không phải đi làm, tôi liền mời mẹ đến ở với tôi một thời gian. Lúc đó bố tôi cũng về hưu, ông có thể tự lo liệu mọi việc. Mẹ cũng rất nhớ tôi, nên đã đồng ý.
Trước khi mẹ tôi đến, chồng tôi vô cùng lo lắng. Anh ta luôn nhắc nhở tôi phải lau dọn nhà cửa sạch sẽ, mua quần áo ngủ, các đồ dùng cần thiết và cả dép đi trong nhà cho mẹ nữa. Anh ta nói nhiều đến mức tôi phát chán, thậm chí còn gắt lên với anh ta: “Đó là mẹ tôi hay mẹ anh? Anh căng thẳng thế làm gì.”
Anh ta trả lời: “Đương nhiên là mẹ em rồi, mẹ em anh mới căng thẳng, chứ nếu là mẹ anh thì đã khác.”
Tôi thấy anh ta nói cũng có lí. Khi mẹ anh ta đến, tôi cũng căng thẳng giống như anh ta bây giờ. Cuối cùng mọi việc cũng thu xếp ổn thoả, những thứ cần mua đã mua đủ, mẹ tôi đi tàu hoả đến. Tôi đã nói với bà Thâm Quyến rất nóng, mẹ đừng mang quần áo rét làm gì, nhưng mẹ tôi vẫn tỏ ý nghi ngờ vì lúc đó là tháng Ba, ở quê tôi mới có một trận tuyết, còn chưa tan hết. Khi tôi rag a đón mẹ, bà mặc một chiếc áo len chất liệu khá thịnh hành ở quê lúc bấy giờ, quần len, đi giầy da. Thâm Quyến năm đó nóng hơn mọi năm, nên tôi chỉ mặc áo len mỏng và quần bò. Hai mẹ con đứng cạnh nhau, trông rất buồn cười. Lúc ngồi trên taxi về nhà, mẹ tôi luôn miệng kêu ca: “Nóng quá, không ngờ Thâm Quyến lại nóng đến vậy.” Trên đường từ ga La Hồ về khu Phúc Điền nhà tôi, mẹ tôi chỉ mải cởi bớt quần áo, nên hai mẹ con không nói được câu nào với nhau.
Về tới nhà, mở vali ra, bên trong toàn là quần áo rét. Mẹ tôi mang rất nhiều quần áo, nhưng không có cái nào có thể mặc được vào thời tiết này cả. Sau khi đã ngồi nghỉ ngơi mát mẻ, mẹ mặc bộ quần áo cỡ to nhất của tôi, nhìn tôi đầy lo lắng: “Ăn mặc thế này làm sao dám ra ngoài. Mọi người mặc mỏng manh thế, trong khi mẹ toàn mang quần áo mùa đông.” Tôi nói, mẹ đừng lo lắng, sau bữa tối con sẽ đưa mẹ đi mua. Mẹ mặc tạm bộ quần áo mỏng nhất của mẹ, mua được quần áo thì thay ra. Mẹ tôi càu nhàu nói lẽ ra nên nghe lời tôi, bà bảo thật không ngờ Thâm Quyến nóng như vậy.
Chồng tôi đối xửa với mẹ tôi rất tốt, tiếc là ngôn ngữ bất đồng, chỉ có thể diễn tả bằng nụ cười. Nếu bắt buộc phải nói, thì tôi phải làm phiên dịch. Hôm đó lại đúng vào ngày nghỉ cuối tuần nên anh ta cùng tôi đưa mẹ đi thăm thú các danh lam thắng cảnh ở Thâm Quyến: làng Văn hoá, cửa ngõ Thâm Quyến… mẹ tôi mệt nhoài, nhưng bà không quen đồ ăn Quảng Đông. Bữa sáng, bà chỉ thích ăn bánh bao, còn những đồ hải sản bà không hề đụng đũa. Đi chơi về, chỉ cần còn đủ thời gian, bà dứt khoát đòi về nhà nấu cơm ăn. Tôi thì đương nhiên là không thích vậy, tôi là người khá vụng về chuyện bếp núc. Mẹ ở cùng tôi chưa đầy một tháng, tôi đã tăng ba cân, chồng tôi tăng ba cân rưỡi. Trình độ nấu ăn mấy chục năm của mẹ tôi quả là đáng nể.
Mẹ chồng tôi cũng muốn sang gặp mẹ tôi. Trước ngày gặp mặt, chúng tôi đều hết sức lo lắng, không biết người kia có thích mình không, không biết sự bất đồng ngôn ngữ có gây phiền nhiễu gì không, không biết hai bà mẹ có tôn trọng nhau không.
Nhưng tất cả mọi lo lắng đó là thừa thãi. Mẹ tôi và mẹ chồng tôi nói chuyện hết sức thân thiện. Hai người phụ nữ tuy mới gặp nhau nhưng đã tay bắt mặt mừng, cuời nói rất vui vẻ. Tôi và chồng tôi rất vui vì chúng tôi hiểu họ nói gì.
Mẹ chồng tôi nói: “Chào bà, tôi đã muốn gặp bà từ lâu rồi, nhưng không có thời gian, cuối cùng bà cũng đến đây chơi. Bà có cô con gái thật ngoan, tôi rất ưng ý.”
Mẹ tôi vừa cười vừa nói: “Bà thông gia, bà thật là người có phúc, bà dạo này có bận không?”
Mẹ chồng tôi đáp lời: “Nếu có thời gian rảnh, mời bà và Phong (tên tôi) qua Hồng Kông chơi, bên đó có nhiều chỗ rất thú vị.”
Mẹ tôi nói: “Ở Hồng Kông cũng nóng như Thâm Quyến phải không bà? Lúc đến đây tôi mang rất nhiều quần áo nhưng không mặc được cái nào cả.”
Mẹ chồng tôi nói: “Nghe nói Giang Tây giờ cũng rất đẹp phải không?”
Mẹ tôi trả lời một cách nghiêm túc: “Tôi ăn không quen đồ hải sản ở Thâm Quyến, tôi vẫn thích ăn sữa đậu nành với quẩy hơn.”
…
Buồn chán
Những ngày tháng sống cùng chồng ngày càng trở nên vô vị, chán ngắt, buồn tẻ. Nếu chỉ được dùng một tính từ để diễn tả cuộc sống hiện tại của vợ chồng tôi thì đó chính là buồn chán. Trước đây, khi đi làm, nhìn những đôi nam nữ trẻ trung quấn quýt chuyện trò nồng thắm với nhau, tôi luôn có cảm giác tôi sống với họ sống ở hai thế giới khác nhau. Đôi lúc tôi còn nghĩ bọn họ chỉ đang giả vờ.
Từ khi lấy chồng, chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện qua điện thoại với nhau quá hai phút, mọi chuyện cần nói đều được diễn đạt hết sức ngắn gọn. Muốn đi đâu đó du lịch cũng không cần bàn bạc gì nhiều. Ai muốn đi thì đưa ra ý kiến: “Ngày mai chúng ta đi Chu Hải chơi nhé.” Và người kia sẽ gật đầu không cần suy nghĩ: “Được thôi.” Sau đó, đến giờ ăn cơm thì gọi món, vợ ngồi nghĩ ngợi chuyện của mình, chồng ngồi hút thuốc và ngắm mọi người qua lại, hai vợ chồng chả có gì để nói với nhau. Hằng ngày, tan sở, chồng tôi về nhà, thay xong giày dép, quần áo là cầm ngay lấy tờ báo hoặc xem tivi. Anh ta dường như không có nhu cầu nói chuyện với tôi. Buổi sáng trước khi đi làm, anh ta cũng chỉ nói với tôi ba từ: “Anh đi đây.” Buổi tối về nhà cũng lại ba từ: “Anh về rồi.”
Một hôm, tôi hỏi anh ta một cách hết sức nghiêm túc: “Anh có cảm thấy giữa hai chúng ta có vấn đề gì không?”
Anh ta hỏi lại một cách đầy kinh ngạc: “Vấn đề gì nhỉ?”
Tôi nói: “Hai vợ chồng mình không hề nhiệt tình với nhau, thế không phải là vấn đề sao?”
Anh ta đáp lại: “Đã là vợ chồng rồi, còn muốn thế nào nữa. Ai mà chả sống như vậy.”
Quan sát cuộc sống xung quanh, dường như mọi người ai cũng sống như vậy thì phải. Nhưng tôi vẫn băn khoắn: Chả nhẽ cuộc sống của tôi mãi bình yên phẳng lặng như mặt hồ không gợn sóng vậy sao? Sống như vậy quả thật là vô nghĩa. Tôi thường ở nhà lẻ loi một mình, sống cả đời bên một người đàn ông nhạt nhẽo, không có tình yêu, không sự ham muốn. Hằng tháng, cầm tiền chi dùng do chồng đưa rồi cứ quanh quẩn trong căn hộ hơn một trăm mét vuông. Cuộc sống đơn điệu cứ thế trôi qua, cho đến khi tôi chết. Chả nhẽ đó là cuộc sống mà tôi mong muốn sao?
Đương nhiên, nếu nghĩ thoáng một chút, thì cuộc sống của tôi cũng không tồi. Nghe nói nhiều phụ nữa tỉnh xa sống ở Thâm Quyến lấy chồng Hồng Kông và gặp nhiều bất hạnh. Những người đàn ông Hồng Kông đó thường đã có vợ, sang đây cặp kè với các cô gái đại lục. Thời gian trôi đi, rất nhiều phụ nữ đã quen với cuộc sống an nhàn giàu có mà đàn ông Hồng Không mang lại, nếu họ quyết tâm sinh một đứa con với hi vọng khi đã có con, người đàn ông đó sẽ không thể từ bỏ họ. Nhưng những người đàn ông kia cũng không thể từ bỏ gia đình bên Hông Kông của họ, do vậy họ chỉ có thể nhân lúc rảnh mang tiền sang để vợ con ở đại lục sinh sống mà thôi. Tôi đã cùng một nữ đồng nghiệp đi thăm chị gái cô ấy. Chị gái cô ấy có một đứa con trai với người tài xế xe tải người Hồng Kông, thuê một căn hộ ở thôn Hạ Xa. Người tài xế đó đã có vợ ở Hồng Kông. Đến khi bà vợ biết tin chồng mình có nhân tình và một con trai ở Thâm Quyến, bà ta liền kiểm soát toàn bộ nguồn kinh tế cũng như quỹ thời gian của chồng. Ông chồng chỉ còn cách mỗi tháng lén lút hẹn gặp chị ấy ở gần thôn La Hồ Quan để đưa 2.500 tệ. Mỗi lần họ gặp nhau không quá mười phút. Có lần đứa bé ốm, chị ấy gọi điện cho cô em nói không có thời gian, nhờ cô ấy đi lấy tiền. Cô ấy rủ tôi đi cùng. Tại chỗ hẹn, tôi nhìn thấy một người đàn ông nhỏ bé, mặt trắng bệch đang nôn nóng chờ đợi. Khi thấy bạn tôi, anh ta mừng như vớ được của, vội vã dúi tiền vào tay bạn tôi và lên xe đi ngay không lời từ biệt. Khung cảnh đáng thương, tội nghiệp ngày hôm đó đã khiến tôi – một người xa lạ - cũng cảm thấy chua xót.
Tôi nói với cô bạn đồng nghiệp: “Khuyên chị cậu đừng qua lại với người đàn ông này nữa, vừa xấu trai, vừa không có học thức. Chả nhẽ 2.500 tệ của ông ta mà phải sống khổ sở thế này sao?”
Cô ấy nói: “Cậu không thể hiểu nổi đâu. Chị tớ vốn là người ít học, mới học hết cấp hai thôi; hình thức cũng bình thường, cậu cũng thấy rồi đấy. Sau khi quen anh rể, chị ấy đã quen với cuộc sống vật chất sung túc, sau đó lại sinh con (lúc đó tôi cũng đoán chị cô ấy làm thế vì muốn rang buộc người đàn ông đó) cho nên rất khó tìm việc. Cậu thử nghĩa xem, một người phụ nữ đã ngoài 30 tuổi, không có gì trong tay, lại còn phải nuôi một đứa con nhỏ, sao có thể tìm một công việc có mức lương 2.500 tệ mỗi tháng. Hơn nữa chị ấy đã nói với gia đình và họ hang ở quê rằng chồng chị ấy là người Hồng Kông, nên tất cả mọi người đều nghĩ chị ấy là người tốt số. Ngay cả mẹ tớ cũng nghĩ chị ấy sống rất hạnh phúc, chứ đâu biết những chuyện buồn tủi thế này. Đôi lúc tớ cũng hận chính bản thân tớ. Nếu tớ có khả năng, tớ sẽ giúp chị ấy thoát khỏi gã tài xế đáng ghét đó.”
Cô ấy còn nói với tôi: “Cậu thật may mắn, chồng cậu đối xử với cậu thật tử tế, hơn nữa còn là công chức Hồng Kông, đốt đuốc cũng khó tìm được người như vậy. Cậu nên bằng lòng với những gì mình có.”
Tôi nên hài lòng với cuộc sống hiện tại sao? Nhưng quả thật tôi chưa bao giờ thấy vui vẻ và hạnh phúc.
Mang thai
Tôi đã sống cùng chồng hơn mười năm rồi.
Trong quãng thời gian đó, tôi đã hai lần mang thai. Lần đầu tiên là khi tôi mới 24 tuổi. Lúc đó tôi đã sợ hãi và khóc rất nhiều, tôi thấy anh ta thật là đáng ghét, anh ta đã khiến tôi có thai khi tôi chưa hề có sự chuẩn bị về mặt tâm lí. Anh ta mói muốn lấy tôi. Anh ta nói chị gái anh ta hơn 40 tuổi mà chưa lập gia đình, bố mẹ cũng đã lớn tuổi, hàng chục năm trời gia đình không có tiếng trẻ thơ nên họ rất chờ đợi và hi vọng. Tôi cũng không nỡ làm vậy, nhưng rốt cuộc vẫn đến bệnh viện phá thai.
Từ đó về sau mỗi khi “gần gũi”, chúng tôi đều hết sức cẩn thận. Nếu không dùng bao cao su thì cả hai chúng tôi đều kiềm chế để việc đó không xảy ra. Nhưng sau một lần không cẩn thận, tôi lại mang thai. Lần đó vì sợ chồng nổi giận, nên tôi đã không nói gì cả, một mình lẳng lặng đến bệnh viện. Khi về đến nhà, tôi nói là mình hơi mệt, nghỉ ngơi vài ngày là khỏe thôi. Chồng tôi cũng không để ý việc đó, cho rằng tôi bị cảm xoàng thôi, nên mua vài viên thuốc ép tôi uống.
Thật lòng mà nói, có lẽ chồng tôi cũng không thể nghĩ được rằng ngay từ khi quen anh ta, tôi đã nghĩ đến ngày chúng tôi chia tay. Tôi luôn cho rằng chúng tôi không thể chung sống bên nhau trọn đời, từ khi quen biết cho đến khi sống chung, sau đó mua nhà rồi kết hôn, tôi luôn cảm thấy giữa hai chúng tôi mọi thứ đều hết sức nhạt nhẽo và ảm đạm, không có gì hấp dẫn thú vị cả. Nhưng có những việc bản thân mình không thể tự quyết định được. Tôi đã nghĩ rằng dù sao cũng đã chung sống trong nhiều năm, nên tiếp tục chung sống vẫn là quyết định sáng suốt nhất. Sinh con là một việc mà chỉ nghĩ thôi tôi đã rất sợ. Khi chưa mất việc, tôi vô cùng lo lắng. Không nói đến những chi phí tốn kém khi nuôi một đứa trẻ, mà chỉ cần nghĩ tới việc phải chăm sóc nó là tôi đã thấy mệt mỏi rồi. Hình như tôi chưa bao giờ thích trẻ con.
Trong những lúc nói chuyện, tôi biết anh ta rất mong chờ một đứa con. Anh ta nói chúng tôi không còn trẻ nữa, nên có con là vừa. Chúng tôi đã kết hôn được sáu năm, tôi đã được cấp chứng minh thư của Hồng Kông. Hơn nữa, Các phúc lợi và giáo dục của Hồng Kông rất tốt, không có gì phải lo lắng. Nhưng đối với tôi, tất cả đều phải suy nghĩ. Nếu cứ phải sống một cuộc sống ảm đạm buồn tẻ, thì dù có chứng minh thư của Hồng Kông, dù con đi học không phải đóng học phí cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Đôi lúc tôi tự hỏi mình, tôi cần một cuộc sống như thế nào?
Lần này, do quá chủ quan, nên tôi lại có thai. Khoảng một tháng sau tôi mới cảm nhận được điều đó, trong lòng vô cùng lo lắng, tôi vẫn không dám đối mặt với sự thật. Tôi đã ngần này tuổi rồi, có thai mà lại không muốn sinh con, chưa nói chồng tôi, mà bố mẹ chồng và cả bố mẹ tôi cũng sẽ dứt khoát không đồng ý. Một người phụ nữ ngoài 30 tuổi, nếu giờ không sinh con thì sau này rất khó khăn.
Lòng phập phồng lo lắng khi đến bệnh viện kiểm tra. Đúng là tôi đã có thai.
Bước chân nặng nề, tôi chỉ muốn òa khóc, thật là một sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Đôi lúc nhìn thấy những em bé rất đáng yêu, tôi cũng mong mình có một đứa con như vậy, nhưng tôi lại hi vọng đó không phải là con của tôi với chồng tôi. Giữa chúng tôi có một hố sâu ngăn cách, dù ngày nào cũng chạm mặt, nhưng không hề biết người kia đang nghĩ gì. Tuy chúng tôi cùng nằm trên một chiếc giường nhưng đó là chiếc giường lạng lẽo không hơi ấm. Ngay cả ham muốn âu yếm nhau cũng không có. Tuy chúng tôi là vợ chồng, nhưng chúng tôi không thể gần gũi và trao đổi với nhau. Chúng tôi như hai con người đến từ hai thế giới khác nhau, do một sự sắp đặt vô tình của tạo hóa đã bắt chúng tôi sống cùng nhau.
Sau vài ngày do dự, tôi vẫn quyết định từ bỏ giọt máu của mình. Tôi biết đó là hành đọng vô đạo đức, nhưng cho dù như vậy, tôi vẫn muốn chờ đợi một người đàn ông có thể sẽ không bao giờ xuất hiện, chờ đợi một người dẫn tôi thoát khỏi vùng đất cằn cỗi này. Tôi không cam tâm chấp nhận cả đời sống như thế này, tôi không thể!
Về quê
Thất nghiệp đã một thời gian dài, trong lòng vô cùng buồn chán, nhớ nhà, tôi gọi điện thoại cho mẹ, bố mẹ cũng nói là rất nhớ tôi, tôi muốn về thăm nhà. Tôi bàn với chồng, cứ nghĩ là anh ta sẽ còn do dự, không ngờ anh ta lại đồng ý ngay sau khi tôi nói.
Thế là tôi thu xếp đồ đạc, đặt vé máy bay, và lấy tất cả số tiền tiết kiệm được từ tiền chợ búa mang theo người (Thật đáng xấu hổ. Nhớ lại năm xưa là một sinh viên đầy ý chí nghị lực. Bây giờ đã sa sút tới mức độ này. Không chỉ dựa dẫm vào đàn ông, mà còn phải tiết kiệm cả tiền chợ búa). Đã rất lâu không về quê chơi thỏa thích, lần này không vướng bận gì cả, tôi nhất định phải giả làm một phu nhân Hồng Kông nhàn nhã và giàu có.
Về nhà, tôi không chỉ nhận được sự yêu thương chăm sóc của bố mẹ mà còn có rất nhiều bạn bè cũ nghe tin tôi-phu nhân Hồng Kông giàu có mới trở về đã tìm hẹn gặp. Lần trước tôi và chồng về nhà nghỉ đong, lúc đó là dịp năm mới, ai cũng bận rộn đi thăm hỏi chúc tết người thân bạn bè nên tôi không gặp được nhiều bạn cũ. Lần này thì tôi về thật là đúng lúc, hơn nữa tôi lại ở đây một tháng - một khoảng thời gian khá dài, nên tôi sẽ gặp được hết những người mà tôi muốn gặp.
Không thể không nói đến một người bạn thời đại học của tôi. Năm đó, cô ấy là hoa khôi của khoa. Cô ấy lấy chồng là người một huyện nhỏ tỉnh An Huy. Họ có với nhau một đứa con gái. Cách đấy không lâu, mấy người bạn học của tôi gặp cô ấy mà không thể nhận ra. Cô ấy dường như biến thành một con người khác, đôi mắt vô hồn, nói toàn chuyện không đâu. Để mưu sinh, cô ấy và chồng mở một cửa hàng tạp hóa. Công việc buôn bán bận rộn cả ngày nhưng cũng chỉ đủ ăn và nuôi mấy đứa con đi học, nên đến tận bây giờ vẫn chưa mua được nhà riêng. Năm xưa, cô cán bộ lớp người Hồ Nam vô cùng đáng yêu, mới lấy chồng được ba năm, nghe nói chồng cô ấy còn rất trẻ nhưng đã là Cục trưởng Cục Công thương, họ có một đứa con một tuổi. Hai tháng trước đây, cô ấy bị xuất huyết não và ra đi trong sự bàng hoàng, đau xót của mọi người. Đứa con đáng thương của cô ấy đành phải giao cho bà ngoại nuôi dạy, vì chồng cô ấy cũng còn một ông bố tuổi đã cao. Cậu bạn nghịch ngợm ngày xưa chúng tôi hay gọi là Chuột, giờ kinh doanh địa ốc ở Bắc Kinh, tuy không phải trùm sò, nhưng nghe đâu trong tay cậu ta cũng có hàng tỉ đồng. Lần trước, cậu ta về quê và tập hợp bạn bè, trông rất phong độ, nhưng bụng thì cũng đã to thêm vài phần rồi. Nghe nói hành động buồn cười nhất của cậu ấy là vừa vỗ bụng vừa nói:”Đừng có nhìn cái bụng to của tớ mà chê tớ xấu nhé, tớ đã phải mất hàng vạn tệ để nó được như thế này đấy.”Còn xả Lệ Vân, cô bạn học xinh đẹp người Trùng Khánh, do giận dỗi chuyện bố mẹ li hôn đã lấy một anh chồng ở nông thôn, và họ cũng mới li hôn thời gian gần đây. Giờ cô ấy và con sống ở nhà mẹ đẻ, cuộc sống vô cùng khó khăn. Người thành đạt nhất trong số các bạn học của tôi là Trương Nghiêm, giờ cô ấy là Tổng giám đọc một siêu thị lớn ở tỉnh Giang Tây, chồng cô ấy là một Thị trưởng của tỉnh.
Nói đến những điều này tôi không khỏi ngậm ngùi cho bản thân. Hoàn cảnh của tôi giờ thật chua xót. Bạn bè đều nói tôi là người tốt số nhất. Bạn thử nghe xem các bạn tôi nói gì: “Xem cậu kìa, lấy một ông chồng Hồng Kông, nghe nói chồng cậu vừa đẹp trai vừa phong độ, lại còn là viên chức nhà nước nữa chứ. Viên chức nhà nước thì không thiếu gì bổng lộc đâu. Hơn nữa hai vợ chồng cậu còn tình cảm bao nhiêu năm trời, rất là sâu đậm rồi còn gì. Nghe nói cậu đã mua nhà ở Thâm Quyến, rộng mấy trăm mét vuông. Nhà cậu có thuê ôsin chứ nhỉ? Lại có người nói cậu chưa bao giờ mua quần áo ở Thâm Quyến, lúc nào cần mua thì sang Hồng Kông hoặc nước ngoài, cậu đã đi qua bao nhiêu nước rồi? Nước nào cậu thích nhất? Ô sin nhà cậu nói tiếng gì, cậu có hiểu không?...
Các bạn thân yêu, sao mà các bạn có thể hiểu được nỗi khổ của tôi. Nếu tôi nói tôi chỉ là một người nội trợ, mỗi tháng có vài nghìn tệ tiền chợ búa, còn trong tài khoản của tôi thì hầu như không có tiền. Tôi luôn lo sợ nếu chồng tôi không chu cấp thì tôi sẽ chết đói. Tôi - một người không công việc, không bạn bè ở Thâm Quyến, không dám sài đồ đắt tiền, suốt ngày chỉ lo toan việc nhà; một người hàng tháng trời không gần gũi với chồng, cũng không có cách nào trò chuyện với chồng thì có lẽ các bạn sẽ không ngưỡng mộ tôi nữa đâu.
Đúng vậy, tôi không thể nói ra nhưng điều này, sẽ không ai tin tôi, họ nhìn vào bàn tay nuột nà, làn da căng mịn trẻ trung, mái tóc xoăn có vẻ được chăm sóc rất kĩ lưỡng, lại còn cách ăn mặc hợp mốt của tôi thì có đánh chết họ cũng không dám tin tôi là một con người với hai bàn tay trắng, đầu óc trống không và trái tim rỗng tuếch…
Mối tình đầu
Có một lần nói chuyện với cô bạn đồng nghiệp, cô ấy nói đàn ông Trung Quốc mỗi người có mười chín người phụ nữ, cô ấy hỏi tôi có tin không? Tôi nói tôi không tin. Nếu thu hẹp phạm vi từ Trung Quốc đến Thâm Quyến thì tôi còn có thể tin được. Nhưng cô ấy tin vào điều đó, vì chồng cô ấy là một người đàn ông thật thà mà cũng có tới mười bốn người phụ nữ, đương nhiên là trước khi kết hôn, còn sau khi kết hôn thì không thể nào đếm được.
Tôi nói với cô ấy: “Cậu thử nghĩ ở nông thôn hoặc những vùng xa xôi hẻo lánh, có những người đàn ông cả đời chỉ có một người phụ nữ, thậm chí có những người đàn ông ở những thung lũng hẻo hút cả đời chưa một lần đụng vào một người phụ nữ”. Cô ấy nghĩ một lúc, rốt cuộc cũng đồng ý với ý kiếm của tôi. Cô ấy nói nếu bắt một người đàn ông ngủ với mười chín cô gái thì cũng rất khó.
Tôi là một người khá bảo thủ. Hồi còn đi học cũng có người yêu, đến Thâm Quyến thì có chồng tôi bây giờ, sau đó thì có anh Khai. Tôi có rất nhiều cơ hội, nhưng tôi luôn cảm thấy thật vô nghĩa. Hơn nữa về phương diện này thì tôi khá dè dặt, tôi sợ nhỡ họ có bệnh gì thì thôi rồi. Tôi đã từng nghe kể về một cô gái xinh đẹp người Thanh Đào. Cô ấy làm quen với bạn trai trên mạng, sau khi nhìn webcam, cả hai bên đều thích nhau. Cô gái đó đã có gia đình nên không dám gặp bạn trai ở ngay tại Thanh Đảo, mà một mình bay tới Thâm Quyến và ở đó vài ngày. Lần thứ hai định đến Thâm Quyến, gây bất ngờ cho bạn trai thì thấy trong người có chút bất ổn. Đi bệnh viện kiểm tra thì mới biết mình đã bị nhiễm AIDS. Gọi điện cho bạn trai thì tắt máy; đến Thâm Quyến tìm cũng không thấy vì bọn họ gặp nhau ở khách sạn. Cuộc đời cô ấy đã bị hủy hoại như vậy. Chỉ nghe kể thôi nhưng tôi cũng rùng mình sợ hãi.
Chết thì có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chết vì AIDS thì quả là nhục nhã. Nên tôi không bao giờ có ý định gần gũi với người lạ mặt. Thật lòng mà nói thì có thể tìm bạn, chia sẻ an ủi lẫn nhau, nhưng đừng “ân ái” với nhau.
Lần này về thăm nhà, tôi nhận được cuộc gọi của người yêu cũ. Khi còn đi học, anh ấy đối xử với tôi rất tốt ( Tôi luôn nghi ngờ rằng mình đã bị đứt dây thần kinh “ái tình” rồi, tôi chưa bao giờ có cảm giác đau khổ dằn vặt vì yêu. Nhiều người nói không thể sống thiếu một người nào đó, tôi cảm thấy đó giống như lời nói của một người bị tâm thần ). Hồi đó, tôi cũng rất yêu anh ấy, nhưng mẹ tôi không đồng ý, vì nhà anh ấy quá nghèo. Chúng tôi ở thành phố, còn anh ấy ở một huyện nhỏ, tuy nhà tôi cũng không khá giả gì nhưng ở thành phố mọi điều kiện vẫn tốt hơn ở quê. Anh ấy luôn bảo tôi là một người lạnh lùng. Tôi vẫn giữ lại bức thư tình anh ấy gửi cho tôi, nhưng khi ngồi đọc lại tôi lại chẳng hề có một chút cảm xúc nào. Nhiều người nói, tình đầu luôn khiến người ta xúc động tiếc nuối, nhưng tôi lại không thấy vậy. Chả nhẽ tôi chưa từng trải qua mối tình đầu. Nói ra điều này thật là xấu hổ.
Chúng tôi hẹn nhau cùng đi ăn cơm. Tôi muốn đi ăn ở tiệm, nhưng anh ấy kiên quyết muốn tới nhà tôi, nói là nhân tiện ghé thăm bố mẹ tôi. Mẹ tôi cũng tò mò, bà muốn xem xem người mà trước kia bà ra sức phản đối bây giờ ra sao. Bà nghĩ rằng tôi sống thoải mái hơn anh ấy, nên cũng vô tư mời anh tới nhà chơi. Anh ấy đi xe máy tới. Giờ anh ấy béo hơn trước nhiều, không còn cái vẻ gầy gò da bọc xương nữa ( Thật lạ lùng, trên ti vi tôi thích người đàn ông gầy gò bé nhỏ, nhưng ở ngoài đời tôi lại thích những người hơi béo. Tôi cho rằng người béo mang lại cho người bên cạnh cảm giác an toàn). Anh ấy mua rất nhiều hoa quả và thực phẩm dinh dưỡng. Mà tôi đoán rằng anh vẫn khó khăn như trước nên lộ rõ vẻ khoan dung, nhiệt tình tiếp đón, không ngừng bảo anh ta gắp thức ăn và uống rượu.
Ăn cơm xong, mẹ tôi mới hỏi chuyện, anh ấy kể đến nhà tôi bằng xe máy của em gái. Nghe tôi nói về nhà chơi, anh ấy đã từ Thượng Hải về đây. Anh ấy đã chuyển đến Thượng Hải mấy năm rồi, xe cộ nhà cửa đã mua đủ cả, anh ấy còn mở cả một công ti phần mềm nữa. Điều khiến tôi vô cùng cảm động đó là anh ấy vẫn chưa lập gia đình. Mẹ tôi cũng rất ngậm ngùi, hỏi anh ấy: “Cháu không còn trẻ nữa, tại sao không lấy vợ đi? Cháu phải hiểu là ngần này tuổi rồi mà không lập gia đình thì bố mẹ rất lo lắng.”
Anh ấy trả lời:” Cháu bận lo công việc, có lẽ cả đời cứ sống thế này thôi.” Câu nói này khiến tôi rất đau lòng.