Yêu hay không yêu cũng mặc - Chương 54 - 55 - 56 - 57

Lạnh nhạt

Tình cảm giữa hai chúng tôi ngày càng nhạt nhẽo, như hai kẻ xa lạ. Anh ta tránh mặt, buổi tối thường không về nhà. Tôi cũng chán tới mức không thèm nhìn mặt anh ta. Tôi biết chúng tôi không thể trốn tránh nhau mãi được. Chúng tôi đã bị trói buộc với nhau vì căn nhà này, và vì tờ giấy đăng kí kết hôn. Không ai có thể thấu hiểu được sự chua xót và đau khổ này của tôi.

Bây giờ đến cơm chúng tôi cũng rất ít khi ăn cùng nhau, anh ta tránh về nhà vào bữa cơm, tôi cũng lấy lí do cùng bạn học hoặc bạn cũ hẹn nhau đi ăn cơm. Kì thực cả hai đều biết rõ là nói dối, chỉ là giữ thể diện cho nhau một chút thôi. Anh ta cũng đoán khi quay về nhà, thì tôi sẽ đi vào phòng mình đọc sách, tránh không gặp anh ta.

Tôi không hiểu trên thế gian này có đôi vợ chồng nào giống như vậy không? Tôi đã quá hiểu sự cay đắng này, thậm chí nếu không phải tôi đang trải qua nó thì tôi cũng không thể tin rằng lại có những cặp vợ chồng có thể sống với nhau như vậy. Điều duy nhất để an ủi là ngày mùng một hằng tháng, anh ta vẫn đều đặn để tiền chi dùng và tiền trả góp vào ngăn kéo.

Cả đời này sẽ sống như vậy sao? Nhiều đêm tôi không ngủ, mắt mở to nhìn lên trần nhà và nghĩ: “Người đàn ông này không có điểm gì đáng chê trách, ít nhất thì cũng là một người có trách nhiệm, có học thức, cư xử đúng mực, nhiều người đã từng nói như thế. Anh ta ra ngoài tìm gái, là vì hơn một năm nay chúng tôi không còn sinh hoạt chăn gối. Mà cũng không có bằng chứng sát thực về việc anh ta làm những điều có lỗi với tôi. Cho dù anh ta có như thế đi chăng nữa, tôi cũng không oán trách. Sau khi lập gia đình, tôi cũng đã có tình nhân. Nhưng chắc chắn phải có gì đó không ổn, nhất định là tôi đã làm sai cái gì đó, mà điều đó khiến tôi không thể quay đầu lại nữa rồi.”

Ban đầu, cách hai, ba ngày anh ta mới về nhà, thường gọi điện cho tôi và bảo công ty phải làm thêm giờ. Sau đó thì một tuần, cuối cùng thì nữa tháng mới về một lần. Ít nhất là nửa tháng tôi không phải gặp anh ta. Tôi cũng chưa bao giờ thử gọi điện cho anh ta cả. Thật ra rất đơn giản, nếu anh ta ở Hồng Kông thì sẽ dùng số điện thoại bên đó. Nhưng tôi chưa bao giờ bấm số 00852. Thậm chí tôi còn không nhớ số điện thoại của anh ta, nếu cần thì phải mở danh bạ.

Tôi đã đặt ra rất nhiều giả thiết. Nếu anh ta không quay về căn nhà này nữa, tôi sẽ bán nó đi. Lúc đó tôi sẽ có một số tiền, tôi có thể đến một thành phố khác hoặc về quê làm ăn sinh sống. Nếu không, tôi sẽ cho thuê căn hộ này, sau đó thuê cho mình một căn hộ nhỏ hơn và tìm một công việc để có thể tự nuôi sống bản thân. Nếu còn cơ hội, tôi sẽ tìm và lấy một người đàn ông đại lục. Tuy tôi đã 34 tuổi, nhưng tôi vẫn còn khả năng sinh đẻ, có một đứa con tôi sẽ không còn cảm thấy trống trải vô vị như bây giờ. Hơn nữa, một người phụ nữ mà không được làm mẹ thì quả là đau xót và đáng thương.

Nhưng đó chỉ là sự tưởng tượng của tôi mà thôi. Tôi là một kẻ lười biếng và ỷ lại. Phải có ai đó thúc giục tôi, hoặc kích thích tôi, tôi mới bắt đầu hành động. Một tháng trôi qua. Đã đến ngày phải đưa tiền cho tôi, nhưng cuối cùng anh ta không trở về.

Tôi cũng hơi lo lắng. Tiền trả góp một tháng gần 5.000 tệ. Một người phụ nữ đã hơn một năm không đi làm, lại không có nhiều tiền tiết kiệm liệu có thể duy trì được bao lâu? Nhưng tôi không muốn cầu xin anh ta, hơn nữa tôi có trực cảm rằng anh ta không dễ dàng bỏ đi như vậy. Đến ngày mùng năm tháng đó, tôi phải rút tiền tiết kiệm để đóng tiền trả góp bởi vì số tiền đó phải nộp trước ngày mười lăm hằng tháng.

Tôi tự nhủ với mình: “Mình sẽ cố đợi một tháng nữa. Nếu tháng sau anh ta vẫn không trở về, mình sẽ bán căn hộ này và không ở Thâm Quyến thêm một ngày nào nữa.”

Trở về

Ngày mười hai của tháng đó, anh ta quay về nhà.

Cánh tay của anh ta băng bó, xem chừng bị thương khá nặng. Nói thì có vẻ tàn nhẫn nhưng thực ra lúc đó tôi cũng không định quan tâm hỏi han gì. Tôi chỉ tiện miệng hỏi một câu: “Anh làm sao thế?”

Anh ta giả vờ như không có gì, nhưng ngượng ngập nói: “Không sao đâu.”

Tôi biết ưu điểm lớn nhất của anh ta là không biết nói dối, hơn nữa tôi cũng đoán anh ta đã làm một việc gì đó không hay ho cho lắm nên cũng không thèm hỏi nữa. Ngày hôm sau, anh ta đi làm, vợ một người đồng nghiệp của anh ta gọi điện cho tôi. Mấy năm trước, tôi và cô ấy rất thân, chuyện gì cũng kể với nhau, vì cả hai đều có những cảm xúc và quan điểm khá giống nhau. Sau đó, tôi nghỉ việc, còn cô ấy có chứng minh thư của Hồng Kông, thường xuyên qua lại Hồng Kông và Thâm Quyến nên chúng tôi ít có cơ hội chuyện trò tâm sự. Lần này, cô ấy chủ động gọi điện cho tôi, chắc là có chuyện gì đó ghê gớm lắm đây.

Quả đúng như vậy. Cô ấy nói với tôi, giọng rất bí hiểm: “Chị Phong ơi, chồng chị bị thương phải không?”

Tôi nói đúng vậy, nhưng không rõ nguyên nhân tại sao.

Cô ấy nói với vẻ rất đắc ý: “Em kể chị nghe, nhưng chị không được nói lại với chồng chị là em nói đấy nhé. Nếu không chồng em lại bảo em đưa chuyện, lắm lời. Anh ấy đã dặn em là không được nói ra mà.”

Tôi cười thầm trong bụng: “Đúng là phụ nữ!”

Cô ấy kể với tôi bằng giọng điệu hết sức thần bí. Chồng tôi sau khi cãi nhau với tôi, chán đời đã đến hộp đêm giải sầu. Ở đó, có một vũ nữ đã nói với tất cả mọi người là yêu anh ta, muốn lấy anh ta. Điều đó làm anh ta rất xúc động, nên đã thuê một căn hộ ở gần La Hồ và chung sống với cô gái đó. Thời gian đầu cô gái đó tỏ ra an phận thủ thường, nhưng không lâu sau, vì đã quen với cuộc sống hộp đêm nên nhân lúc chồng tôi không về Thâm Quyến, cô ta đã quay lại hộp đêm tiếp khách. Chồng tôi sau khi biết được đã rất tức giận, khuyên cô ấy đừng quay về nơi đó nữa, nhưng cô ấy lại nói: “Không về đó làm không có tiền ăn chơi, tiền mua quần áo đẹp. Tiền anh đưa cho em hằng tháng không đủ tiêu.”

Chồng tôi hỏi cô ta có yêu mình không mà lại coi trọng tiền bạc đến vậy. Cô ấy nói cô ấy yêu chồng tôi nhưng cũng yêu cả tiền của anh ta. Họ cứ tranh cãi với nhau không dứt. Nhưng nói cho cùng, cô gái đó là gái hộp đêm, rất biết cách chiều đàn ông, nên cô ấy đã làm cho chồng tôi nguôi giận ngay, lại còn cuỗm được một món tiền của anh ta. Khoảng một tuần sau, cô gái đó uống say và khóc, nói là bố bị ốm nặng, cần gấp một vạn tệ để chữa bệnh và muốn chồng tôi đưa cho cô ta số tiền đó. Chồng tôi nói không có đủ số tiền đó. Anh ta cũng đang nghi ngờ cô gái đó định lừa tiền của mình, vì rất nhiều chuyện tương tự như vậy đã xảy ra ở hộp đêm. (Các vũ nữ thường kể lể hoàn cảnh với khách, nào là nhà đang xây thiếu tiền, nào là nhà có người ốm cần tiền chữa bệnh, nào là nhà có anh em sắp kết hôn… Tóm lại đó chỉ là mánh khóe để họ moi tiền của khách.)

Cô gái đó rất tức giận, phải lúc say nên đã mắng chồng tôi một trận thậm tệ, nói rằng chồng tôi không yêu cô ta thật lòng, không muốn đưa tiền cho cô ta, đã thế còn không cho cô ta tiếp khách ở hộp đêm, khiến cô ta mất đi nhiều khách quen. Cuối cùng cô ta đòi chia tay với chồng tôi, bắt chồng tôi đưa cho cô ta sợi dây chuyền vàng đeo trên cổ để bồi thường cho cô ta. Tất nhiên là chồng tôi không đồng ý. Đến nước này rồi, không lấy được một xu một cắc nào, cô gái đó điên cuồng tới mức chạy vào bếp cầm một con dao và đâm chồng tôi. Rất may là con dao đó không sắc lắm, nên mới chỉ đâm vào phần mềm mà thôi. Chồng tôi vào viện khâu tám mũi và thất thểu quay về nhà.

“Chị đừng nói cho chồng chị biết là em kể cho chị chuyện này nhé!” Sau khi kể xong, cô ấy còn dặn lại tôi như vậy.

Đồng xu

Chỉ có ánh sáng mới che phủ được Trái Đất

Chỉ có mưa mới khiến cầu vồng xuất hiện

Chỉ có tuyết mới phủ trắng mặt đất

Chỉ có gió mới khiến cây lá xao động

Em có nhìn thấy ánh mắt tuyệt vọng của mình không

Em có nghe thấy tiếng thổn thức đau khổ của con tim

Em có cảm thấy trái tim mình tàn úa như bông hoa héo tàn

Em có biết cuộc đời này có biết bao nhiêu nỗi buồn chán

Chỉ có em mới khiến anh nhớ thương vô bờ

Chỉ có sự đau khổ là đáng để lãng quên

Chỉ có sự khoan dung độ lượng khiến con người ta nhẹ nhõm

Chỉ có tình yêu mới khiến số phận con người đổi thay

Em có nhìn thấy sợi dây số phận vô cùng mong manh không

Em có nghe thấy tiếng gọi não nề của mình sau khi bị bỏ rơi không

Em có cảm thấy mình chỉ có thể nhìn nhau mà không thể gặp gỡ

Em đã bao giờ tung đồng xu để tìm đáp án cho sự lựa chọn của mình chưa?

Đó là bài hát của Uông Phong. Tôi đang nằm mơ màng ở trên sofa, ngày hôm nay tôi đã nghe đi nghe lại bài hát này không biết bao nhiêu lần. Tôi càng nghe lại càng muốn nghe, càng nghe lại càng bị kích động. Chồng tôi vẫn như trước đây, mọi thứ dường như không có gì thay đổi cả, chúng tôi vẫn lạnh nhạt và thờ ơ với nhau. Cuộc đời này không còn gì để lưu luyến, tiếc nuối cả. Tự sát, đó quả là một hành động hấp dẫn người khác.

“Em có nghe thấy tiếng gọi não nề của mình sau khi bị bỏ rơi không?” Có chứ, tôi luôn muốn gào thét thật to. Nhưng không ai nghe thấy, nên càng ngày tôi càng ít muốn tiếp xúc với người khác, cũng không có cách nào tiếp xúc với người khác, và cũng không có cách nào nói ra được những đau khổ và buồn chán của mình. Tôi đã bị bạn bè, đồng nghiệp, người yêu, thậm chí cả người thân nữa bỏ rơi. Họ càng ngày càng xa cách tôi, họ luôn ở một nơi xa xôi nào đó, bận bịu với công việc của họ, sống cuộc sống của họ. Chỉ có tôi ở đây sống một cách vô ích, lãng phí cuộc đời và thời gian.

Cuộc sống của tôi thật vô nghĩa, không có mối liên hệ nào với mọi người, bản thân không thể hòa nhập vào thế giới này. Tôi lấy ra một đống tiền xu, tôi muốn thử một lần, biết đâu lại có thể thay đổi một cái gì đó. Dùng một đồng xu để thay đổi cuộc sống tương lai, đó quả là một ý kiến hay. Nhưng tôi bỗng cảm thấy bất lực. Dường như tôi không tự quyết định được một việc nào hết.

Lần thứ nhất: mặt chính. Lần thứ hai: mặt sau. Lần thứ ba: lại là mặt chính. Đúng thế, đã đến lúc phải kết thúc ván bài này. Tôi đã nhìn thấy sợi dây sinh mệnh mỏng manh trên tay tôi.

Tôi gọi điện thoại cho mẹ và nói: “Con muốn li hôn.”

Mẹ tôi vô cùng ngạc nhiên, giọng nói thảng thốt của bà khiến tôi có cảm giác như bà vừa nghe được tin tôi đã giết người vậy, bà nói: “Con muốn li hôn? Con làm sao thế? Nói đối xử không tốt với con à? Con không còn trẻ nữa đâu, đừng có cứng đầu như vậy, nhiều người còn đang thèm muốn cuộc sống của con đấy. Hôm qua mẹ đi chợ gặp Lan - bạn cấp ba của con, nó bảo nó đã được nghe kể nhiều về con. Nó nói con thật may mắn, còn nói nếu có dịp tới Thâm Quyến thì sẽ tới thăm con. Con biết không, con trai nó đã 7 tuổi rồi, trông nó béo và xấu xí lắm, hai đứa cùng tuổi nhưng nhìn nó phải già hơn con 5, 6 tuổi ấy...”

Tôi cố gắng chờ mẹ tôi nói xong, rồi mới nhẹ nhàng đáp lời: “Vâng, mẹ ơi, con đùa một chút thôi, con không li hôn đâu.”

Đúng thế, tôi sẽ không li hôn, tôi phải tiếp tục sống. Sống cuộc sống không hi vọng, hằng tháng nhận tiền tiêu dùng của chồng, mười ngày không nói một câu, một năm có lẽ cũng không ân ái một lần. Cuộc sống đơn điệu này có lẽ nên thay đổi một chút. Chồng tôi về khi tôi vẫn đang nghe bài hát Đồng xu của Uông Phong.

“Anh có hài lòng với cuộc sống hiện tại không?” Tôi hỏi khi chồng tôi đang thay giày.

“Cũng tàm tạm, mọi người đều sống như vậy mà.” Anh ta đáp.

“Chúng ta đã từng yêu nhau chưa nhỉ?” Tôi hỏi, đầy vẻ nghi ngờ.

“Tình cảm của anh dành cho em chưa bao giờ thay đổi. Tuy anh đến hộp đêm chơi, nhưng anh chưa bao giờ làm gì có lỗi với em cả. Lần trước anh không về nhà hơn một tháng trời, thực ra là muốn chia tay em và sống chung với một người con giá khác. Nhưng sau đó anh phát hiện ra anh và cô ta không thể hòa hợp với nhau và cô ta còn đâm anh bị thương.” Chồng tôi kể lể.

Anh ta rất thẳng thắn, nhưng tôi không cần những thứ đó. Những thứ anh ta cho tôi là những thứ mà tôi không thích. Giống như anh ta thích đọc truyện tranh, thích xem những bộ phim rẻ tiền, những phim tình cảm của Hàn Quốc dài lê thê và ướt át, thích hát bài hát Hồng Kông và thích chơi điện tử. Trong khi tôi không thể hấp thu, không thể tiếp nhận nổi những thứ đó. Và cả mái tóc, kiểu cách quần áo. giày dép, loại thuốc lá, cách hút thuốc, rồi thói quen húp canh trước khi ăn cơm không bao giờ thay đổi của anh ta cũng làm tôi chán ngấy và không chịu nổi.

“Chả nhẽ chúng ta cứ sống mãi như vậy sao, không có sự thay đổi gì sao?” Tôi hỏi với giọng điệu chán chường.

“Mọi người đều sống như vậy mà, em muốn sống thế nào?” Anh ta nhắc lại câu nói đó như một cái máy vậy.

Cuộc sống ái ân nhạt nhẽo

Tôi để quyển sách lên đầu giường, tắt đèn và điện thoại. Đang định ngủ thì cửa phòng bật mở.

Tuy tôi và chồng ngủ riêng nhưng chúng tôi chưa bao giờ chốt của phòng cả. Cho nên thấy cửa bật mở, tôi biết ngay là anh ta. Tôi nghĩ đằng nào chúng tôi cũng không thể li hôn, không thể tách rời nhau. Nếu anh ta có đòi hỏi tôi, tôi cũng miễn cưỡng chấp nhận. Dù sao thì không thể sống mãi như thế này được. Không nhường nhịn một chút thì biết làm gì bây giờ. Chúng tôi không thể mãi là một cặp vợ chồng trên giấy tờ được.

Anh ta bật đèn rồi nói: “Vừa nhìn thấy phòng em sáng đèn. Vậy mà mở cửa lại thấy tối om rồi. Em buồn ngủ rồi sao?”

Tôi cố gắng hết sức, tỏ vẻ dịu dàng nói với anh ta: “Vâng, cũng buồn ngủ rồi.”

Anh ta vừa tắm xong, mặc mỗi chiếc quần đùi, tóc vẫn còn ướt. Anh ta ngồi xuống mép giường tôi, nhìn tôi cười cười.

Nhìn cái bộ dạng ngốc nghếch của anh ta, tôi bỗng cảm thấy thật là đáng ghét. Cảm giác đó đến thật đột ngột, khiến tôi không kịp kiềm chế. Tôi hi vọng anh ta chủ động lao vào hôn tôi, như vậy thì tôi sẽ không kịp căm ghét anh ta. Hoặc nếu anh ta cứ cố tình chui vào chăn của tôi đòi hỏi được âu yếm thì có lẽ tôi cũng không kháng cự. Chứ nhìn cái bộ dạng muốn nhưng lại không dám đòi hỏi, cứ thụ động yếu ớt ngồi chờ đợi hi vọng tôi đồng ý, tôi càng thấy khinh bỉ hơn bao giờ hết. Tôi xoay người, lạnh nhạt nói với anh ta: “Muộn thế này, anh vào đây có việc gì không?”

Anh ta hết sức thất vọng, nói đầy vẻ chán nản: “Anh định nói với em một việc, ngày mai mẹ anh và vài người họ hàng đến Thâm Quyến mua sắm. Mẹ anh nói muốn rủ em cùng đến Đông Môn chơi, ăn tối xong mẹ mới quay về Hồng Kông.”

Tôi biết đây chỉ là cái cớ của anh ta mà thôi. Anh ta biết tôi và mẹ anh ta không bao giờ tìm được tiếng nói chung, không bao giờ có thể hòa hợp. Bao nhiêu năm rồi, ngoại trừ hồi chúng tôi mới mua căn hộ này và lần mẹ tôi đến Thâm Quyến chơi, còn đâu mẹ anh ta không bao giờ muốn gặp tôi cả, càng không thể rủ tôi cùng đi mua sắm. Hơn nữa, lần nào bà ấy đến Thâm Quyến cũng đều đi cùng người khác. Nghĩ vậy, nên tôi nói với chồng: “Anh nói với mẹ, ngày mai em bận, em hẹn đi ăn cơm cùng một người đồng nghiệp rồi.”

Anh ta đáp: “Ừ, đành vậy.” Sau đó xoay người, bước ra khỏi phòng và nhẹ nhàng khép cửa lại. Tôi nghĩ lại cái dáng điệu tội nghiệp của anh ta, cảm thấy có chút bùi ngùi. Nhưng tôi không thể chịu đựng nổi khi nghĩ đến cảnh anh ta hôn tôi, bàn tay anh ta vuốt ve khắp cơ thể tôi. Nói thật, khi anh ta ngồi xuống cạnh giường tôi, ngay lúc đó tôi có cảm giác muốn nhảy dựng lên.

Tôi nhớ tới một cô bạn đồng nghiệp đã li hôn. Cô ấy bảo cô ấy cứ nhìn thấy chồng là thấy chán ghét đến mức không thể chịu đựng nổi. Chồng cô ấy cầm tay, sau đó cô ấy chỉ muốn rửa tay xà phòng hàng trăm lần. Bi kịch hơn, cô ấy còn tìm mọi cách để tránh chồng mình, tránh cả những nơi anh ta thường lui tới.

Cuộc sống buồn tẻ như mặt nước hồ không chút gợn sóng. Lòng tôi nặng trĩu như có hòn đó đè lên vậy. Chẳng nhẽ cuộc sống là như vậy, là chán chường, là sống trong mệt mỏi đau khổ vây sao? Một người đàn ông gần gũi thân quen nhất với tôi, một người tôi từng yêu thương, kề môi áp má, vậy mà tại sao giờ đây tôi lại căm ghét anh ta đến vậy. Tôi nhớ tôi đã nhiều lần tự nhủ với bản thân mình: “Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng anh ta là người yêu đầu đời hoặc là người tình tôi có sau khi tôi đã lấy chồng, tôi sẽ lấy lại cảm xúc để tự nguyện hiến dâng cho anh ta, để hâm nóng lại tình cảm vợ chồng của chúng tôi, và để cuộc sống của chúng tôi được chắp nối lại bằng những sợi dây tình cảm đó.” Nhưng tôi không thể. Cứ nhìn thấy khuôn mặt, dáng điệu cử chỉ và cách nói năng của anh ta, là tôi không còn nghĩ được gì ngoài một điều: “Nếu bắt tôi làm gì đó với anh ta, thì tôi thà chết đi còn hơn.”

Tối hôm đó anh ta cứ loay hoay hết ngoài phòng khách rồi lại vào trong phòng ngủ, lúc thì nghe thấy tiếng nhạc, lúc thì tiếng giở truyện, rồi tiếng tivi. Trời gần sáng, tôi mới thiếp đi.

Tê tái cõi lòng

Từ sau buổi hôm đó, chúng tôi chính thức ngủ riêng phòng. Chúng tôi giống như hai kẻ thuê nhà xa lạ, tôi là chủ nhà, còn anh ta là kẻ đi thuê. Ngày mùng một hằng tháng, anh ta để tiền trả góp, tiền chi dùng vào ngăn kéo chung. Chúng tôi ai cũng có cuộc sống riêng, không ai can thiệp vào cuộc sống của người kia. Anh ta vài ngày không về nhà, tôi cũng không quan tâm. Thậm chí đến nửa tháng không về tôi cũng không thèm gọi điện thoại. Hoặc giá như, tôi có dẫn một người đàn ông về nhà, anh ta có lẽ cũng không thể biết được. Như thế cũng tốt, ai làm việc nấy, mỗi người tự lo cho cuộc sống của mình.

Tôi không hiểu nổi giờ tôi còn có thể làm được gì, còn việc gì đáng để làm. Tôi đã thất nghiệp khá lâu rồi, giờ muốn tìm một công việc quả là khó. Tôi đã vài lần thử nộp đơn xin việc, vừa chờ đợi vừa lo lắng. Tôi chờ đợi một cơ hội để tôi lại có thể làm chủ cuộc sống của mình. Nhưng tôi lại cũng vô cùng lo lắng vì nếu có công ty nào nhận tôi, thì tôi không biết tôi sẽ gặp họ với bộ dạng như thế nào. Giờ đây tôi rất sợ tiếp xúc với người ngoài, thà rằng ở nhà một mình cả ngày không nói gì, không làm gì còn hơn nói chuyện, gặp gỡ ai đó. Lúc chán quá thì tôi xem tivi, xem mấy cuốn tạp chí hoặc nghe mấy bài hát cổ. Cuộc sống của tôi dường như chỉ luẩn quẩn quanh cái giường và ghế sofa mà thôi. Tôi sợ phải tiếp xúc với cái mới. Tôi căm ghét tất cả những thứ gì mới mẻ tân tiến. Chỉ cần chúng không liên quan đến tôi, cho dù đó là một trái lựu đạn ở tầng dưới hay ngay trên nóc nhà tôi, tôi cũng có thể làm ngơ.

Đã hơn một năm rồi tôi chưa mua quần áo, giày dép và đồ lót mới. Thậm chí cả một chiếc cặp tóc cũng không mua. Phòng bếp thì đã trở thành một nơi vô cùng xa lạ với tôi, vì có khi đến hai, ba ngày tôi không hề bước chân vào đó. Tôi không nhớ mấy quả táo trong tủ lạnh được mua từ bao giờ nữa. Chỉ nhớ lần có người đến dọn dẹp vệ sinh, thì quả táo đã nhăn nheo khô héo như da bà lão rồi.

Có mấy lần tôi định gọi điện thoại nhưng hình như tôi đã quên tất cả các số điện thoại. Ngay cả số điện thoại của bố và anh trai tôi cũng không còn nhớ nữa. Thậm chí có lần tôi cầm bút định viết vài chữ, vậy mà nghĩ mãi vẫn không nhớ chữ “kết” viết thế nào. Đầu óc tôi trống rỗng như một chiếc máy tính bị hỏng vậy. Lúc đó, tôi chỉ muốn cầm dao chặt phăng cánh tay hoặc cái đầu của mình cho bớt bực bội.

Giờ tôi không thèm quan tâm tới hình thức bên ngoài nữa, càng không để ý xem quần áo có hợp mốt không. Tôi không thể nhớ nổi thời gian gần đây tôi mặc loại quần áo nào nữa. Đôi lần tôi xem lại những bức ảnh ngày xưa, có cái khi tôi còn nhỏ, cái thì chụp khi tôi mới lớn, có cái chụp lúc tôi học đại học và chụp cả khi mới lấy chồng. Nhìn lại những tấm hình đó, tôi như thấy lại thời kì xinh tươi, trẻ trung, hạnh phúc của mình. Điều đó càng khiến tôi buồn khổ trống rỗng đến tái tê.

Có lúc tôi chợt nhớ ra một số điện thoại. Tôi cứ nghĩ rằng đó là số điện thoại của một người bạn đại học. Hóa ra không phải. Đó là một người tôi quen khi mới đi làm, người đó làm ở cửa hàng ăn nhanh cạnh công ty. Tôi gọi tới đó và được biết cửa hàng đó đã đổi thành cửa hàng quần áo. Có khi tôi có một chuyện gì đó buồn cười và muốn kể với một người đồng nghiệp, liền vào phòng lấy di động để tìm số điện thoại. Sau khi vào phòng, tôi lại ngồi đọc sách. Đến lúc nhớ ra là mình muốn gọi điện thì đã không còn nhớ định gọi cho ai và định nói chuyện gì. Có một lần khác, tôi thèm ăn lê, nhưng khi ra đến chợ, lòng vòng một hồi lâu, tôi vẫn không nhớ nổi là ở nhà định mua gì. Sau đó tôi lại mua rất nhiều đậu. Về tới nhà, thấy giỏ đựng hoa quả trống không, mới nhớ ra lúc trước mình định làm gì. Thậm chí có lần khóa cửa bị hỏng, khi loay hoay tìm cách sửa khóa tiện tay đã đóng sập cửa lại, cuối cùng phải gọi 110 đến trợ giúp.

Tôi nghĩ: Thế là xong rồi. Cuộc đời tôi thế là kết thúc, không còn gì nữa. Còn đâu cô gái xinh tươi, hoạt bát, tự tin ngày nào. Còn đâu nữa cô quản lí năng động, lời lẽ sắc sảo, lãnh đạo hàng trăm con người. Giờ chỉ còn một phụ nữ đầu óc trống rỗng, vô dụng, trì trệ, sống câm lặng như một xác chết. Chính vì lẽ đó mà khi nhìn thấy chồng tôi càng thấy đáng ghét. Tôi căm ghét mọi cử chỉ hành động của anh ta, ghét cái bụng ngày một to ra, ghét cái dáng vẻ ngày một bệ vệ và ghét cả ánh mắt của anh ta nữa.

Tôi thầm nghĩ bây giờ mà có một trận động đất thì hay biết mấy. Như vậy sẽ có thể chấm dứt mọi đau khổ.