Yêu hay không yêu cũng mặc - Chương 58 - 59 - 60 - 61 - 62

Lụi tàn

Các bạn yêu quý của tôi, tôi biết đọc đến đây chắc các bạn chán rồi, chắc các bạn cũng khó chịu với sự yếu đuối và vô dụng của tôi. Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng xin cảm ơn các bạn đã theo chân tôi tới tận bây giờ. Tất cả những gì tôi đã viết ra đều là những lời nói từ tận đáy lòng, tuy chỉ là nhật kí, nhưng tôi cũng muốn kể với các bạn mọi suy nghĩ chân thật nhất của tôi.

Tôi đã nghĩ rất kĩ, tôi căm ghét anh ta cũng chính là căm ghét bản thân tôi, vì ở anh ta, có tất cả những khuyết điểm mà tôi có: ích kỉ, bảo thủ, lười biếng, thiếu nghị lực, không cầu tiến, thiếu can đảm để thoát khỏi cuộc sống và môi trường cũ.

Nhưng cái con người tồn tại tất cả các nhược điểm như của tôi lại là người tôi buộc phải cùng chung sống. Tôi giờ giống một con bướm, chẳng may bị vướng vào lưới, tìm mọi cách, dùng hết sức mình mà vẫn không thoát được ra ngoài để trở về bay lượn trên bầu trời tự do.

Nhiều đêm tôi trằn trọc, đi đi lại lại trong phòng, tôi căm ghét sự yếu đuối nhu nhược của chính bản thân tôi, tôi hi vọng mình có đủ dũng cảm để vứt bỏ tất cả, làm lại từ đầu, không sống mãi trong tuyệt vọng và mê muội. Tôi sẽ tìm một thành phố nơi tôi có thể tự lập, dùng trí thông minh còn sót lại và đôi bàn tay vẫn còn khả năng cử động này để kiếm tiền nuôi thân. Nhưng sau đó, khi mặt trời vừa xuất hiện, tôi lại lo sợ. Tôi sợ nếu rời khỏi Thâm Quyến tôi sẽ không tìm được việc làm, không có chỗ ở, tôi sẽ phải lang thang ngoài đường.

Rất nhiều lần, bị ảnh hưởng bởi một nhân vật nào đó trên sách báo hoặc tivi nghĩ rằng mình có thể giống như những nhân vật kia, sẵn sàng chị mọi khổ cực luôn cố gắng để rồi sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Thậm chí, tôi còn tưởng tượng rằng mình sẽ trở thành một người thành danh, nổi tiếng. Thế là trong một phút bốc đồng, tôi lại thu dọn tất cả mọi vật dụng cần thiết. Nhưng khi nhìn lại bản thân tôi bây giờ, một người luôn buồn bã chán nản, tiều tụy, thế là, đang thu dọn được một nửa đồ đạc thì mọi nhiệt tình của tôi đã bay hết, chỉ còn lại nỗi sợ hãi vô hình. Tôi đã tận mắt nhìn thấy nhiều phụ nữ ở độ tuổi tôi đã phải vất vả, khổ sở ra sao để tồn tại. Vì thế, tôi càng lo sợ hơn bao giờ hết.

Cũng có lần tôi lang thang trên đường phố, nhìn dòng người hối hả. Họ là những con người bận rộn, vội vã nhưng tràn đầy sức sống, rạng người hi vọng. Tôi lại thầm mong mình có thể hòa vào dòng người đó. Tôi lại có thể có mục tiêu và động lực đề phấn đấu, lại có thể có một khoảng trời dành cho riêng mình. Nhưng tất cả những điều dung dị đó tôi đều không có. Lúc đó, tôi chán nản hòa mình vào dòng xe tấp nập, tôi căm ghét những gì thuộc về mình, nhưng tôi hoàn toàn bất lực, tôi sợ!

Có lần tôi nghĩ, tôi sẽ về nhà với mẹ, tìm một công việc gì đó, sống một cuộc sống bình yên, một cuộc sống của riêng tôi hoặc sẽ tham gia một lớp học nâng cao, hoặc học cắm hoa, thêu thùa, vi tính, khiêu vũ, yoga… Tôi sẽ sống như vậy, không phải lo lắng tiền trả góp hằng tháng, không còn phải nhìn thấy những người đàn ông Hồng Kông mà tôi khinh ghét, không còn phải đơn độc trong căn phòng ngột ngạt này nữa. Nhưng tất cả mọi người ở quê đều ngưỡng mộ tôi, ngưỡng mộ cái cuộc sống mà họ tưởng rằng là hạnh phúc, giàu sang này.

Tôi bước từng bước khó nhọc. Tôi biết tôi đã gần như một kẻ tàn phế rồi. Bao nhiêu năm qua, mặc cho thời gian trôi đi, mặc cho dòng đời xô đẩy, phó mặc mọi thứ cho số phận, tôi đã tàn phế thật rồi.

Tiểu Nghiên

Một hôm, tôi vừa rời khỏi giường định ra sofa ngồi thì nghe thấy chuông điện thoại reo. Là Tiểu Nghiên, một cô bạn thời phổ thông. Năm đó, nhân dịp tôi thăm nhà, cô ấy đã đến thăm tôi. Cô ấy lấy chồng ở Chiết Giang, đã có một đứa con gái, cuộc sống tương đối khó khăn. Lúc đó, tôi đã tặng cô ấy chiếc áo tôi chưa mặc và còn mừng tuổi con cô ấy 1.000 tệ (thực ra tôi chưa bao giờ có nhiều tiền cả, nhưng tôi luôn rộng rãi trong chi tiêu, tóm lại tôi là một người khá sĩ diện). Tôi tin rằng ở một thành phố nhỏ như Giang Tây, ít ai có thể cho con của bạn mình nhiều tiền như vậy. Nhưng tôi nghĩ tôi làm vậy là muốn giúp cô ấy chút gì đó, coi như tôi mua tặng con gái cô ấy vài bộ quần áo đẹp, giúp cô ấy đóng cho con vài kì học phí. Con gái cô ấy bé nhỏ ngoan ngoãn, lại rất nhát người lạ. Tôi lại rất có cảm tình với nó, mọi người còn bảo tôi làm mẹ nuôi của nó. Tôi đồng ý ngay, chẳng qua chỉ là thay đổi cách xưng hô, chứ tôi biết tôi cũng chẳng phải nuôi nó.

Cô ấy kể, vài năm nay, cuộc sống cũng tạm ổn. Cô ấy và chồng làm ăn ở Thanh Viễn, đứa bé ở với bà nội. Cô ấy hỏi tôi đã lấy được chứng minh thư của Hồng Kông chưa. Tôi nói là chưa được, nhưng nhanh thôi, năm sau sẽ có. Cô ấy nói rất ngưỡng mộ tôi, giờ tôi sắp trở thành người Hồng Kông, rất mừng cho tôi. Tôi và cô ấy là bạn học từ khi bước chân vào cấp một cho đến tận cấp ba, tôi rất quý cô ấy. Có thể nói cô ấy là người bạn thân thiết nhất của tôi thuở niên thiếu. Thời đó, chúng tôi thân với nhau tới mức một chiếc kẹo cũng chia đôi, một chiếc bút chì cũng dùng chung. Thậm chí khi thi vào cấp ba, dù nhà chuyển đi nơi khác nhưng cô ấy cũng dứt khoát không học trường điểm, mà chọn học trường bình thường cùng tôi. Cô ấy không may mắn, thi trượt đại học, sau đó nghe nói cô ấy đã đi làm, rồi lấy chồng. Từ đó, chúng tôi ít liên lạc hơn. Nhưng mỗi khi nghĩ tới cô ấy, tôi lại có cảm giác ngọt ngào và vui vẻ.

Có thể là do tôi rất tin tưởng cô ấy, vả lại hôm đó tôi cũng rất muốn tâm sự; nên hôm đó tôi đã kể cho cô ấy nghe phần nào cuộc sống hiện tại của tôi. Cô ấy rất thông cảm cho hoàn cảnh của tôi, cô ấy tưởng tôi sống rất hạnh phúc, không ngờ cuộc sống của tôi lại vô nghĩa tới mức độ đó. Cô ấy nó đang mở một cửa hàng quần áo, làm ăn cũng khá tốt. Khi nào tôi đến Thanh Viễn, cô ấy là “thổ dân” ở đó, nên có thể giúp tôi thuê một cửa hàng. tôi chỉ cần đầu tư một số vốn nhỏ, còn về hàng hóa và các mối quan hệ khác thì cô ấy sẽ giúp.

Nghe cô ấy nói vậy, tôi thấy khá thú vị. Cuộc sống của tôi vốn đã quá nhàm chán, tôi không muốn mình chết chìm trong đó. Dù có chết cũng phải chết trong cố gắng, phấn đấu. Tôi thu dọn hành lí, để lại mẩu giấy nói rằng tôi đến chơi nhà bạn, một thời gian mới về, sau đó lên đường đến Thanh Viễn.

Đây là lần đầu tiên sau vài năm tôi mới đi xa. Ngoài một lần về thăm nhà, còn thì tôi chỉ đi loanh quanh ở Thâm Quyến mà thôi. Lúc đi dạo ở công viên gần nhà, khi thì ra siêu thị mua đồ, có lúc đến chơi nhà một vài người bạn chơi. Nói chung là tôi không ra khỏi Thâm Quyến, tôi làm gì còn chỗ nào mà đi nữa cơ chứ. Chiếc xe chạy quá sóc khiến tôi sau không còn biết trời đất trăng sao gì nữa. Suốt quãng đường cố gắng hết mức để không bị nôn, cuối cùng cũng tới nơi. Vừa xuống xe tôi đã nghe tiếng cô ấy gọi tôi. Quả thật tôi suýt không nhận ra cô ấy. Cô ấy thay đổi nhiều quá, vừa già nua, vừa tiều tụy. Tuy mới 35 tuổi, nhưng trông cô ấy giống như một người đã ngoài 40. Mặt cô ấy đầy vết nám đen, mắt thâm quầng và trũng sâu, mái tóc xơ xác và khô cháy. Khi cô ấy giúp tôi cầm túi, tôi mới thấy hai bàn tay cô ấy vừa đen vừa thô ráp như bàn tay của phụ nữ nông thôn mà tôi đã nhìn thấy nhiều năm trước khi cùng bạn về quê chơi. Tôi buộc miệng hỏi: “Sao cậu lại tới mức này?”

Cô ấy nhìn tôi đầy vẻ thân mật, nhưng ánh mắt có vẻ rất lạ và giọng trách cứ: “Ai tốt số như cậu chứ. Chỉ ở nhà làm mệnh phụ phu nhân, cơm cũng không phải nấu. Mình phải phục vụ bao nhiêu người, già trẻ lớn bé đủ cả nên tất nhiên là già nua như vậy rồi. Sao làm cậu sợ à?”

Tôi biết nếu cứ tiếp tục câu chuyện thì không biết bao giờ mới kết thúc, nên tôi liền hỏi: “Cửa hàng quần áo của cậu ở đâu? Bây giờ đến cửa hàng hay về nhà cậu?”

Cô ấy nói: “Không còn sớm nữa, có lẽ chúng ta về nhà mình đã nhé, cậu để đồ đạc ở đó rồi tính sau.” Sau đó cô ấy kéo tôi lên chiếc xe bus gần đó, tôi cũng không kịp nhìn biển số xe nữa.

Cái bẫy

Chiếc xe đi được khoảng nửa tiếng thì Tiểu Nghiên nhấc chiếc túi lên và bảo tôi là đã đến nơi. Cô ấy kéo tôi xuống xe, chúng tôi đi bộ khoảng mười phút thì đến một tòa nhà bốn tầng. Đó đúng là một chỗ hiếm có.

Đừng vội tưởng nhầm nhé. Tôi nói đó là một chỗ mà bạn khó có thể hình dung ra nó như thế nào. Một căn hộ hai phòng và một phòng khách. Bước vào phòng khách, tôi thấy có mấy người đang đứng ngồi nhấp nhổm chơi bài. Trên sàn nhà, đầu thuốc lá vương vãi, khói thuốc dày đặc có thể hun người ta thành thịt xông khói. Kì lạ nhất là không hề có tủ quần áo, không có giường, ngay cả bàn ghế cũng không có. Thứ đáng giá duy nhất là một cái tivi cũ rích màn hình mờ ảo, đặt trên một cái giá sắp gãy nhặt ở đâu đó về, hình như đang bật kênh Trung ương. Mấy người đó thấy Tiểu Nghiên dẫn tôi vào, rất nhiệt tình chào hỏi tôi. Họ ném mấy quân bài xuống dưới đất, nhìn tôi như thể nhìn sinh vật lạ. Tiểu Nghiên nói với họ: “Mọi người chơi bài đi nhé, tôi phải nói chuyện với bạn tôi đây.” Nói xong, cô ấy kéo tôi vào một căn phòng khác và đóng cửa lại. Căn phòng đó khá yên tĩnh và sạch sẽ. Nhưng cũng không hề có một thứ đồ đạc nào. Chỉ có một chiếc giường được khép lại từ những mảnh gỗ bào vụn, bên trên trải chiếu và một cái chăn. Chăn có lẽ là loại hàng thứ phẩm bày bán dọc đường, loại đó chỉ khoảng 20 tệ mà thôi. Cũng may mà nó còn khá mới. Trên đó có hai cái gối màu đỏ cũng loại rẻ tiền được đặt ngay ngắn.

Tôi thấy vô cùng kì lạ bèn hỏi cô ấy với vẻ nghi ngờ: “Đây là nơi… cậu ở sao?” Trong lòng tôi thầm nghĩ: “Cậu nói cậu bán quần áo, sao mà lại phải ở một chỗ như thế này? cho dù cậu không kiếm được nhiều tiền, thì cũng phải có một chỗ ở cho ra hồn chứ? Nơi này còn không bằng chỗ ở của công nhân. Họ ít nhất cũng có giường, ghế đàng hoàng.”

“Ừ, thì sao chứ?” Cô ấy đặt cái túi của tôi xuống góc phòng, nhìn tôi cười cười.

Tôi lại càng nghi ngờ, tôi có cảm giác đây là một cái bẫy, một sự sắp đặt, tôi thận trọng hỏi cô ấy: “Cậu làm ăn buôn bán, tại sao ở đây chẳng nhìn thấy hàng hóa gì cả thế. Mà bây giờ lẽ ra cậu phải đi bán hàng chứ nhỉ? Sao lại ở đây thế này?”

Cô ấy ngắt lời tôi, nói hàng hóa để ngoài cửa hàng, vì ở đó vừa an toàn vừa thuận tiện. Vì hôm nay tôi đến, cô ấy phải đi đón tôi nên đã nói chồng trông cửa hàng rồi.

Tôi vẫn cảm thấy có gì đó không ổn. Tất cả những đồ đạc trong căn phòng này cộng lại có lẽ không tới 200 tệ. Cái vali ở góc phòng không đóng chặt nắp, thòi ra mấy cái quần áo rách nát, rồi cả chiếc giường chắp vá này nữa chứ. Càng nhìn, tôi càng không thể hiểu nổi, nên đã buột miệng hỏi cô ấy: “Cậu có vẻ vất vả quá?”

Cô ấy nói: “Mọi thứ mới chỉ bắt đầu nên còn rất vất vả. Mình đâu có sướng như cậu, chỉ ở nhà làm phu nhân, an nhàn thảnh thơi. Cậu nhìn xem, cậu trông chỉ khoảng 28, 29 tuổi thôi, còn mình ít nhất phải già hơn cậu 10 tuổi. Bàn tay cậu trắng trẻo mịn màng, còn tay mình… Tất cả đều là số phận.”

Tôi nói: “Cậu than thở mà làm gì? Thế mà còn nói sẽ hướng dẫn tớ kinh doanh. Sao giờ lại đa sầu đa cảm thế? Tớ ở nhà chán quá nên mới đến thăm cậu. Đúng rồi, cậu dẫn tớ ra xem cửa hàng cậu đi.” Tôi vừa nói vừa cầm túi lên.

Cô ấy rất hốt hoảng ngăn tôi lại: “Vội gì, cậu từ xa mới tới đây, hôm nay nghỉ ngơi nói chuyện với mình đã. Sắp đến bữa tối rồi. Ngày mai mình sẽ đưa cậu đi.”

Thấy cô ấy nói vậy nên tôi cũng đành ở lại. Nói chuyện với cô ấy một lúc tôi mới biết tại sao ngay khi mới gặp lại cô ấy, tôi lại thấy cố ấy có gì đó khác thường. Thái độ của cô ấy có vẻ rất bất ổn, ánh mắt vô hồn trống rỗng, nói chuyện ngắt quãng, câu sau không ăn nhập với câu trước. Ngay cả tôi, trong trạng thái như thế này mà tôi còn nhận ra điều đó thì những người bình thường khi tiếp xúc với cô ấy họ sẽ nghĩ sao? Tôi càng nghĩ càng thấy có điều gì đó không ổn. Cô ấy định làm gì thế nhỉ? Chắc cô ấy không định bán tôi đấy chứ? Tôi già thế này thì đáng bao nhiêu tiền? Cô ấy chắc cũng không định lừa tôi, làm như vậy cô ấy được cái gì chứ? Nhưng thôi, không nghĩ ngợi lung tung nữa, ngày mai đi ra xem cửa hàng là biết ngay thôi.

Buổi tối

Bữa tối, chị cô ấy nấu một nồi lẩu. Cũng có đầy đủ mọi thứ: cải thảo, đậu phụ, dạ dày, thịt miếng, rau sống… Nhưng tôi đang lo lắng nên cũng chả có tâm trạng nào mà ăn uống cả. Tôi gắp vài miếng, rồi thoái thác, lấy lí do là đau bụng vì ngồi xe quá lâu nên không thể ăn được nữa. Sau đó tôi ngồi nghe họ nói chuyện.

Bữa ăn có sáu người: vợ chồng Tiểu Nghiên, vợ chồng chị gái cô ấy, còn một người là em trai của anh rể cô ấy, mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Chị cô ấy hỏi tôi: “Chồng em làm gì ở Hồng Kông? Các em kết hôn lâu chưa? Căn hộ của vợ chồng em có rộng không? Mỗi tháng chồng em đưa cho em bao nhiêu tiền? Em ở nhà không đi làm có buồn không? Em có gửi tiền về nhà không? Chồng em một tháng lương bao nhiêu? Em giờ còn đi làm không? Em dùng mỹ phẩm của hãng nào? Ở Thâm Quyến một tháng em tiêu bao nhiêu tiền? Bố mẹ lương hưu một tháng bao nhiêu? Hằng ngày em hay làm gì? Em có hay đi chơi với bạn bè không? Ở Thanh Viễn em còn người quen nào khác không?...”

Các câu hỏi được đưa dồn dập khiến tôi còn không kịp thở nữa. Thấy tình hình như vậy nên tôi nghĩ chắc họ nghĩ tôi nhiều tiền lắm, nên mới định lừa lọc gì tôi đây. Có điều họ chọn nhầm đối tượng rồi. Lần này tôi chỉ cầm 3.000 tệ tiền mặt, và có hơn hai vạn tệ trong thẻ ngân hàng; cùng lắm là tôi huỷ cái thẻ, còn tiền mặt thì đưa cho họ. Dù sao cũng là bạn bè, chắc họ cũng không đến mức vì vài đồng tiền mà giết tôi.

Đêm hôm dó, cô ấy ngủ cùng tôi trên chiếc giường chắp vá đó. Chồng cô ấy và cậu thanh niên ngủ ngoài phòng khách, còn chị gái và anh rể thì trải chiếu nằm ở phòng bên cạnh. Tôi bảo cô ấy: “Mình mới đến Thanh Viễn lần đầu, còn cậu đã ở đây lâu rồi, cậu đưa mình đi chơi đi.” Cô ấy nói nơi này là vùng nông thôn, chả có chỗ nào chơi cả, làm sao sánh với Thâm Quyến được. Không còn chuyện gì để nói, tôi lại hỏi cô ấy chuyện cửa hàng quần áo; nhưng cô ấy cứ ấp a ấp úng, chả nói được chuyện gì rõ ràng, nên càng làm tôi nghi ngờ. Nghe mấy người bọn họ nói chuyện, hình như không hề nói gì tới cửa hàng quần áo cả. Chẳng lẽ cố ấy lại lừa tôi? Cô ấy muốn lừa tôi cái gì mới được?

Cả đêm hôm đó tôi trằn trọc không sao ngủ nổi, một phần vì trong lòng tôi có bao nhiêu câu hỏi chưa được giải đáp, một phần vì chiếc giường này. Khoảng năm giờ sáng, tôi đang mơ màng, thì bỗng nghe thấy tiếng người rì rầm to nhỏ ngoài phòng khách. Tôi tỉnh hẳn, nhưng vẫn giả vờ ngủ say, tim đập thình thịch không hiểu họ đang giở trò gì. Sớm như vậy mà họ đã dậy rồi, khiếp thật. Không ngờ cả cô bạn tôi cũng bật dậy, “tách”, đèn bật sáng. Ánh đèn sáng ròi rọi thật khó chịu, cô ấy gọi tôi: “Phong ơi, dậy thôi.”

“Á”. Tôi giật thót người, nhỏm dậy xem điện thoại, lúc đó mới năm giờ hơn. Tôi hỏi bằng giọng ngái ngủ: “Dậy sớm thế này làm gì?”

“Đi nghe giảng.” Cô ấy nói.

“Nghe giảng cái gì cơ?” Tôi càng thấy khó hiểu.

“Không có gì, chỉ là đi nghe một tiết học ý mà. Thầy giáo giảng hay lắm. Cậu dậy đi thôi.” Cô ấy cười cười, vừa nói vừa chải đầu.

“Mình không đi đâu, cậu đi đi. Giờ còn sớm lắm. Lâu lắm rồi mình không dậy sớm thế này.”

“Đồ lười biếng, cậu dậy đi. Tiết học này rất có ích. Mình đã nói với thấy giáo từ mấy hôm trước là cậu sẽ đến. Thầy giáo đã đồng ý rồi. Tiết học này vô cùng lí thú đấy.” Cô ấy vừa nói vừa cúi người kéo tôi dậy.

Tôi co người lại, giả vờ không thể mở nổi mắt nói: “Không, mình không muốn nghe gì hết. Dù có quan trọng đến đấu, có ý nghĩa gì đi nữa mình cũng không muốn nghe. Mình lười lắm, mọi người đi đi. Khi nào về thì gọi mình, mình sẽ cùng cậu ra chỗ cửa hàng quần áo.”

“Dậy đi mà, ở đây rất lộn xộn. Cả nhà mình mọi người đều đi hết, để cậu ở lại đây một mình, mình thấy không yên tâm.” Cô ấy nói.

Tôi vừa nghe xong câu này đã nổi hết da gà. Câu này như muốn ám chỉ rằng mọi người đi hết rồi, tôi có thể sẽ bị ám hại mà không có ai có ý định cứu giúp tôi cả.

Hoặc cũng có thể là một trong số người nhà của cô ấy, họ sẽ quay lại và ám hại tôi, mà không ai có thể biết tôi đang ở một chỗ rách nát như thế này. Đến giờ tôi vẫn không biết đây là chỗ nào của Thanh Viễn, đi xe nào tới đây tôi cũng không còn nhớ nữa.

Tôi nhẹ nhàng ngồi dậy, vào phòng vệ sinh nhét 3.000 tệ tiền mặt vào túi xách, còn thẻ ngân hàng thì tôi để vào túi quần bò sau. Chẳng may có chuyện gì xảy ra, tôi sẽ huỷ cái thẻ đó.

Chạy trốn

Sáu người chúng tôi ra khỏi cửa khi đã thu xếp xong xuối đồ đạc. Lúc đó trời vẫn tờ mờ sáng. Sau khi đi qua vài căn nhà lộn xộn, tôi bất giác nhìn thấy phía trước có vài người cũng đang cắm cúi bước. Tôi giật thót tim, toàn thân lạnh toát. Tôi sống tới nay đã 35 năm nhưng chưa bao giờ gặp cái cảnh câm lặng, không âm thanh mà lại rợn người thế này. Những người bên cạnh tôi cũng không hề nói gì, họ lầm lũi đi, tôi có cảm giác chúng tôi đang dấn thân vào con đường tử thần.

Tôi dừng lại, run rẩy lo sợ. Bạn tôi cũng dừng lại, nhìn tôi, mắt cô ấy trắng dã, không chút sinh khí như ánh mắt người chết. Ánh đèn đường mờ ảo rọi vào mặt cô ấy, trông cô ấy như một con ma nữ.

“Mình không muốn đi nữa đâu, cậu đi đi. Mình sẽ ở lại đây đợi cậu.” Tôi run rẩy nói.

“Đi đi mà, cậu ở lại đây một mình thế này mình không yên tâm. Hơn nữa, còn sớm thế này, cậu biết ngồi đâu bây giờ?” Cô ấy bắt đầu hết kiên nhẫn.

“Mình không đi đâu, không thể đi được đâu. Mình có cảm giác, nếu mình đi theo mọi người, mình sẽ bước chân vào cái chết. Mọi người đi như vậy đâu có giống đi nghe giảng. Nó giống như một buổi hẹn hò ma quỷ gì đó thì đúng hơn.”

Cô ấy quay sang kéo tôi, tôi vẫn đứng im không động đậy. Sau đó, tôi chăm chú nhìn cô ấy. Tuy ánh mắt của cô ấy khiến tôi sợ hãi, vô cùng sợ hãi nhưng tôi không thể không làm như thế. Tôi nói: “Cậu nói cho mình biết đi, từ trước đến nay, chúng ta luôn là bạn bè tốt, có phải cậu có điều gì khó nói không?”

Cô ấy chần chừ trong chốc lát rồi đáp: “Mình chả có gì khó khăn cả.”

“Cậu lừa mình, ánh mắt cậu đã cho mình biết điều đó.” Tôi gào lên.

“Nếu cậu đã nói chúng mình là những người bạn tốt, thì cậu nên giúp mình khi mình đang trong hoàn cảnh nước sối lửa bỏng thế này chứ?” Cô ấy cúi đầu khẽ nói.

“Nếu có khả năng, mình dứt khoát sẽ giúp cậu, nhưng ít ra cậu cũng phải nói cho mình biết có chuyện gì đang xảy ra chứ?” Tôi nói.

Anh rể của cô ấy quay lại, dù anh ấy đã đi trước chúng tôi một đoạn khá xa. Anh ấy nói: “Hai cô đang làm gì vậy? Sao vẫn không đi? Sắp đến giờ rồi đấy.”

Tôi khẩn khoản nói: “Anh rể, em và Tiểu Nghiên là bạn tốt của nhau, chắc anh cũng đã nghe cô ấy nói rồi. Anh biết đấy, em tuý đã ngần này tuổi đầu nhưng thật ra vẫn rất ngốc nghếch. Em coi anh như anh ruột vậy. Hơn nữa, chúng ta còn là đồng hương. Mẹ em và mẹ anh cũng là hai người bạn tốt của nhau. Chúng ta ở nơi xa xôi này, nếu không giúp đỡ nhau, thì cũng sẽ rất an tâm khi qua lại với nhau, phải không anh? Em đã nói với Tiểu Nghiên là em không muốn đi nghe giảng, nhưng cố ấy không đồng ý. Theo anh, liệu em có buộc phải đi không?”

Anh rể cô ấy nhìn tôi, có vẻ như đang nghĩ ngợi điều gì đó. Một lát sau anh nói: “Được rồi, hôm nay cô ấy không cần đi nữa. Hai cô bàn bạc lại với nhau đi nhé.” Nói xong, anh ấy lại vội vã bước đi.

Tôi nhìn Tiểu Nghiên, cô ấy cũng nhìn tôi. Dường như cô ấy cũng đang nghĩ ngợi chuyện gì đó. Trời đã sáng rõ từ lúc nào. Người qua đường ngày một đông lên. Những bóng người câm lặng với dáng đi vội vã đã hoàn toàn biết mất. Tiểu Nghiên nói: “Thế này nhé, chúng mình đi ăn sáng rồi buổi trưa mình sẽ đưa cậu đi dạo phố.”

Lúc này, tôi đã biết chắc chắn là cái cửa hàng quần áo mà cô ấy nói là hoàn toàn giả dối. Thật ra, ngay từ hôm qua, tôi đã nghi ngờ, nhưng vẫn không dám khẳng định một cách chắc chắn. Bây giờ, lời cô ấy nói đã phá tan mọi ước mơ và mong muốn của tôi. Tôi bỗng cảm thấy khó chịu, cái cảm giác muốn khóc nhưng phải kìm nén. Cái thời thiếu nữ một đi không trở lại, những năm tháng tươi trẻ đẹp đẽ đó chỉ còn là những kí ức tươi đẹp và ngọt ngào nhất. Nhưng tất cả đã bị cô ấy vứt bỏ thật dễ dàng và vô cùng đơn giản. Cô ấy không chỉ là kí ức của một thời vô lo vô nghĩ, mà còn là một thời tỏng trắng, ngây thơ. Vậy mà giờ đây, kết thúc rồi, thời mộng mơ, và kí ức tươi đẹp, tất cả đã kết thúc.

Tôi quay người, lấy 3.000 tệ từ trong túi xách ra, vo tròn lại và nghĩ cách đưa cho cô ấy. Cô ấy đáp lại bằng ánh mắt khó hiểu. Thấy một chiếc xe treo biển “Thanh Viễn – Quảng Châu” đang chầm chậm đi tới, tôi vội vã dúi tiền vào tay cô ấy, rồi nhảy ngay lên xe. Lúc xe chạy, tôi oà khóc.