Yêu hay không yêu cũng mặc - Chương 63 - 64 - 65 - 66

Tìm việc

Từ Thanh Viễn trở về, một thời gian dài sau đó tôi vẫn không dám tin những chuyện đã xảy ra là sự thật, tôi không tin bạn tôi lại có thể trở thành một người như vậy. Càng nghĩ tôi càng thêm đau khổ, thậm chí tôi rơi vào trạng thái hoảng loạn. Những hồi ức tươi đẹp năm xưa đều đổ vỡ như lâu đài lộng lẫy trên cát vậy. Trên con đường mưu sinh trắc trở, những lúc mệt mỏi muốn gục ngã, tôi lại ẩn mình trong những kí ức đó như một tổ ấm dịu êm. Chẳng ai có thể hiểu hết giá trị của những kí ức đó, chỉ có mình tôi thôi.

Ám ảnh của cơn ác mộng đó rồi cũng dần dần qua đi. Tôi đã tỉnh táo hơn, có thể nhìn và xét đoán sự việc từ góc độ khách quan nhất. Nghĩ tới khuôn mặt già nua, đầy nếp nhăn của cô ấy, nghĩ tới hoàn cảnh hiện tại của cô ấy, tôi thấy thật tội nghiệp và đáng thương. Ngẫm lại mình, hoàn cảnh của tôi đâu có đến nỗi nào, cô ấy ngượng mộ tôi đến vậy cơ mà? Nghĩ thế tôi đã lấy lại được tinh thần, bắt đầu gửi hồ sơ tới một số nơi, hi vọng tìm được việc gì đó.

Ngày thứ ba có một cuộc điện thoại hẹn tôi tới phỏng vấn. Đó là vị trí Giám đốc kĩ thuật của một công ty truyền thông di động. Ngày trước, tôi cũng từng làm trong lĩnh vực này và đã có một số thành công nhất định. Mấy năm nay, tôi không biết đến bên ngoài, nên không biết giờ đã có thay đổi gì rồi. Nhưng thôi, dù gì thì người ta cũng đã gửi thông báo, tôi cũng nên thử một lần xem. Tôi tìm được vài bộ quần áo công sở đã không mặc từ nhiều năm nay, chiếc nào cũng rộng, như là rộng hơn một size so với cơ thể tôi bây giờ. Người ta thường nói phụ nữ sau 30 tuổi đều phát tướng, nhưng tôi thì khác, càng ngày càng gầy. Có lẽ là do tâm trạng của tôi không thoải mái.

Rốt cuộc tôi cũng quyết định cắn răng bỏ tiền đi mua một bộ quần áo mới. Tuy cũng chả phải là đồ hàng hiệu, hoàn cảnh của tôi hiện nay khiến tôi không còn quan tâm đến hàng hiệu nữa, nhưng cũng không mất đến 800 tệ. Công ty đó nằm ở khu kĩ thuật Nam Sơn. Người phỏng vấn tôi là một anh chàng mới chỉ 25, 26 tuổi. Mới nhìn thấy cậu ta, tôi cảm thấy hơi ngần ngại. Tôi lớn hơn cậu ta gần một chục tuổi vậy mà cậu ta lại là người phỏng vấn tôi, có lẽ tôi được nhận hay không cũng do cậu ta quyết định. Nghĩ tới đó tôi đã mất hứng. Anh chàng đó có lẽ cũng không hào hứng với tôi. Câu ta hỏi vài câu, rồi nói tôi về đợi thông báo của Tổng giám đốc, chứ cậu ta không có quyền quyết định. Tôi biết là không hi vọng gì rồi, nhưng vẫn chào một cách hết sức lịch sự và ra về.

Lần phỏng vấn thứ hai là vị trí Giám đốc bộ phận chăm sóc khách hàng của một siêu thị ở khu La Hồ. Riêng đi taxi đã hết 30 tệ mà vẫn chưa vào được tận nơi. Tôi thầm tính nếu đi xe bus từ nhà tôi tới đó chắc phải mất bốn mươi phút, không kể có tắt đường. Mỗi ngày, riêng thời gian ở trên đường đã khoảng hai tiếng đồng hồ, thật mệt mỏi. Chưa vào phòng Giám đốc, tôi đã mất hết hứng thú. Người phỏng vấn tôi đã đứng tuổi, rất có cảm tình với hồ sơ xin việc của tôi. Khi ông ta nói siêu thị này đang muốn làm một cuộc cách tân lớn nên muốn tìm một người có năng lực để chịu trách nhiệm mọi vấn đề thì tôi biết ngay đây là một công ty sắp phá sản. Tuy lương không thấp, nhưng vẫn khiến người ta nghi ngờ. Hơn nữa, lúc tối ngồi đó, điện thoại gọi đến liên tục, ông giám đốc có vẻ luống cuống và lo lắng. Nhân lúc đó tôi tìm cớ thoái thác rồi ra về.

Hai lần phỏng vấn đã khiến tôi vô cùng thất vọng và nản chí, nhưng tôi biết nếu tôi cứ tiếp tục ở nhà như thế này thì chẳng khác nào ngồi mãi ở ngõ cụt. Tôi vẫn kiên trì gửi đơn xin việc đến một số công ty khác, và cuối cùng cũng tìm được việc. Công ty này khá có tiếng tăm, do một nghệ sĩ tấu hài nổi tiếng một thời thành lập. Nghe nói phía sau công ty còn nhận được sự hậu thuẫn của một số cán bộ Văn hoá đầu ngành của Thâm Quyến. Tên công ty cũng rất kêu “Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển văn hoá quốc tế Phương Châu”, có nghĩa là con thuyền hi vọng của nền văn hoá Phương Châu.

Tổng giám đốc của công ty là một người khá oai vệ. Mặt cắt ngang cái bụng của ông ta mà chiếu lên tường phải rộng một mét. Khi nói chuyện thì âm điệu giống như đang tấu hài trên sân khấu vậy. Ví dụ, khi ông ta cần nhờ bạn đánh máy một văn bản nào đó, ông ta dài giọng ra: “Em à, làm cho tôi cái hợp đồng này nhé, phải nhanh nhanh lên đấy nhé.” Nghe giọng của ông ta khiến người ta nổi da gà, không muốn cười cũng phải cố cười theo ông ta. Ông ta ngỡ mình nói câu nào cũng thú vị, hài hước. Nhưng có điều khó hiểu là ông ta rất đào hoa, cứ vài ba ngày lại có một cô gái đến tìm ông ta, mà cô sau lại xinh đẹp hơn cô trước. Tôi không hiểu nổi khi họ ân ái với nhau thì cái bụng to kềnh càng của ông ta sẽ phải xử lí thế nào để không ảnh hưởng tới mức độ thân mật giữa họ?

Công ty có khoảng mười người. Ngoài Tổng giám đốc, thì có một người là trưởng phòng tài vụ (quản lí sổ sách chi tiêu, hoá đơn, phụ trách việc mua sắm các vạt dụng cần thiết của công ty như giấy ăn, nước khoáng, khách đến thì rót nước tiếp đãi v.v…); một người là trưởng phòng mĩ thuật (công việc chính là thiết kế đồ hoạ rồi tung lên mạng quảng áo lừa phỉnh). Tôi là Giám đốc bộ phần thị trường (nói thật ra thì xấu hổi, công việc của tôi chủ yếu là nghe điện thoại, rồi gọi điện thoại tiếp thị cho công ty. Để ý xem nơi nào sắp khai trương để mừng lẵng hoa, xem nhân viên kinh doanh nào kiếm được hợp đồng). Còn một người nữa cũng là trưởng phòng trong công ty, nhưng nói thật cho đến lúc tôi rời bỏ công ty cũng không hiểu nổi công việc thực tế của anh ta là gì nữa. Chỉ thấy ngày nào anh ta cũng viết các bản kế hoạch, phương án. Anh ta đã viết không dưới một trăm cái như vậy, ví dụ kế hoạch quảng cáo cho một tiết mục truyền hình hoặc kế hoạch tổ chức năm mới cho một công ty nào đó. Nhưng hình như chưa có một kế hoạch nào của anh ta thành công thì phải. Tất cả mọi công trình của anh ta đều được trưng lên một bước tường tại văn phòng công ty. Tôi nghĩ điều đó vừa là hạnh phúc mà cũng là một nỗi đau khổ của anh ta. Đau khổ vì tất cả các công trình đó không cái nào thành hiện thực. Còn hạnh phúc vì dù sao đó cũng là những thứ được làm từ tâm huyết, thế hệ đi sau có thể tham khảo.

Công ty còn một vài người nữa, trong đó có Giám đốc nghiệp vụ. Sau khi làm việc một thời gian, tôi đã dần dần thích nghi với môi trường ở đó.

Tiền lương

Lương của tôi hiện nay là 3.500 tệ. Mức lương này không thể sánh với tiền lương ngày xưa của tôi. Nhưng thôi, giờ tôi đã ngần này tuổi rồi, lại nghỉ làm một thời gian dài, nên cũng không dám đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần yên ổn làm việc thoải mái rồi. Ông chủ của tôi luôn bận bịu chủ trì tổ chức đám cưới hoặc các buổi lễ khai trương; nếu không thì dành thời gian cho mĩ nhân. Tôi làm việc ở công ty đó một thời gian ngắn là hiểu ngay cách thức làm việc nửa vời, vớ vẩn của nó. Ví như có hôm Trưởng phòng nói phải dựng một vở kịch cho đài truyền hình. Thế là mọi người ngồi lại thảo luận bàn bạc hết sức nhiệt tình; nhưng chỉ sau đó vài ngày là không thấy động tĩnh gì nữa. Lại có hôm Tổng giám đốc nói có một công ty địa ốc nhờ chúng tôi giúp họ một kế hoạch tuyên truyền quảng cáo, nên yêu cầu chúng tôi phải nhanh chóng đưa ra phương án để còn tham gia đấu thầu. Không ngờ vài ngày sau Tổng giám đốc lại buồn bã thông báo cho chúng tôi: “Việc đó có người rồi, không đến lượt chúng ta”. Tóm lại, với bất cứ việc gì không cần đợi cũng biết được kết quả. Chồng tôi biết tôi đã có việc làm, thế là mỗi tháng ngoài tiền trả góp, anh ta không đưa tiền chi dùng cho tôi nữa. chúng tôi gặp nhau, không ai muốn nói với ai câu nào. Cứ nhìn thấy anh ta, là tôi có cảm giác cổ họng mình nghẹn lại, không thể nói được. Tôi nghĩ anh ta cũng như tôi thôi. Có hôm, tôi đoán là anh ta ở nhà. Thế là tôi cố tình đi chơi với bạn, rất khuya mới về nhà. Tắm xong tôi lại mau chóng quay về phòng mình. Buổi sáng tôi luôn cố gắng dậy thật sớm, sắp xếp đồ đạc, nhanh nhanh chóng chóng ra khỏi nhà để khỏi phải gặp anh ta. Nếu chẳng may khi tôi dậy, nghe bất cứ động tĩnh gì từ phòng anh ta thì tôi thà đi muộn còn hơn là ra khỏi phòng lúc đó. May là cái công ty vớ vẩn đó cũng chẳng bao giờ quan tâm xem nhân viên mấy giờ đến. Bởi vì Tổng giám đốc của chúng tôi là một người rất hiện đại theo trào lưu văn hoá mới, ông ta không bao giờ tới công ty trước mười một giờ sáng cả. Những người khác cũng vậy, Tổng giám đốc không quản lí nên mọi người rất tự do về giờ giấc.

Cuối cùng đã đến ngày thứ mười lăm của tháng thứ hai, ngày tôi được lĩnh lương. Tất cả mọi người đều đã đến phòng tài vụ lĩnh rồi, còn mỗi mình rôi thôi. Tôi rất thắc mắc nhưng không dám hỏi. Tôi đành hỏi dò một người đồng nghiệp cũng hay trò chuyện với tôi. Hoá ra công ty có một quy định, nếu bạn chưa làm việc được tròn một tháng thì bạn không được lĩnh lương. Hơn nữa, bạn còn phải đặt cọc ở công ty nửa tháng lương. Tức là nếu tôi không đi làm từ mùng một của tháng trước thì tháng này tôi không được lĩnh lương mà phải đợi đến tháng sau lĩnh một thể. Nghĩ đến việc phải đợi một tháng nữa mới lấy được mấy đồng lương bèo bọt, tôi đã thấy chán lắm rồi.

Từ đó, tự nhiên tôi cũng mất hứng thú với công việc, hơn nữa cái công việc này cũng làm cho người ta chán ngấy. Một công việc không đòi hỏi phải động não suy nghĩ, chỉ cần giấy bút ghi chép hôm nào có cửa hàng mới khai trương, khách sạn nào sắp khánh thành, nhân viên nào mới kéo thêm được một hợp đồng kinh doanh, nhân viên nào kinh doanh kém. Tôi có cảm giác hình như công việc này đối với tôi ngày càng nhạt nhẽo, vô vị. Do áp lực về kinh tế nên ông chủ có vẻ cũng không thoải mái như trước. Còn tôi thì luôn nghi ngờ về khả năng tồn tại của công ty này. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản thế này, công ty có khoảng hơn mười người, tuy là lương của nhân viên kinh doanh không cao và cho dù Tổng giám đốc không cần tiền, nhưng các vị trưởng phòng và Giám đốc thì đương nhiên phải có lương rồi. Lại còn tiền thuê phòng, tiền điện nước? Tất cả những tiền đó lấy ở đâu ra? Tôi làm việc ở công ty được hơn một tháng thì toàn công ty mới thực hiện được ba hợp đồng nhỏ. Một cái là lễ khai trương của một quán rượu, cái thứ hai là tổ chức lễ mừng năm năm ngày thành lập một xí nghiệp, hợp đồng còn lại là tổ chức đám cưới. Cả ba hợp đồng đó, nhiều nhất cũng chỉ thu về được khoảng 5 hay 6 vạn tệ. Không đủ một phần năm chi phí của công ty hằng tháng.

Sau đó tôi mập mờ biết được rằng: Tổng giám đốc đã li hôn, chưa có con, và đang cặp bồ với một bà hơn 60 tuổi rất giàu có. Chồng bà ta ở nước ngoài, có ba xưởng sản xuất, hai công ty. Cái công ty có cái tên khiến người nghe kính nể này chính là do bà ta lập nên với mục đích chính là để ông ta khỏi buồn chán. Thỉnh thoảng có thể hội kiến bạn bè, ngoan ngoãn ở Thâm Quyến làm ông chủ. Nghĩ tới việc một người đàn ông đã ngoài 40 tuổi mà lại phải dựa vào việc bán thân làm đĩ đực để kiếm sống khiến tôi càng thấy ngao ngán cuộc sống này.

Trong lúc tôi đang mong chờ tới ngày được lĩnh lương thì một hôm ông chủ tới và đau lòng tuyên bố với chúng tôi là công ty phá sản. Ông ta trả tiền lương cho chúng tôi và nói chúng tôi nghỉ việc. Hôm đó tôi mới đi làm được năm mươi lăm ngày. Và thế là tôi lại trở thành kẻ thất nghiệp.

Mất tích

Tôi lại thất nghiệp. Sau mười mấy ngày mệt mỏi, tôi mới chợt phát hiện chồng tôi đã rất lâu rồi không về nhà.

Tôi tính nhẩm. Trước khi thất nghiệp, đã một tuần tôi không gặp anh ta. Từ ngày tôi thất nghiệp đến nay đã mười hai ngày. Từ ngày tôi thất nghiệp đến nay đã mười hai ngày. Như vậy, chúng tôi có ít nhất mười bảy ngày không gặp nhau. Thậm chí còn không thèm gọi điện. Đôi lúc tôi có cảm giác chồng tôi như người không còn tại nữa vậy.

Tháng trước khi biết tôi đã đi làm, anh ta không đưa tiền chi dùng cho tôi nữa. Tôi nghĩ tôi có công việc rồi nên cũng không thèm quan tâm. Nhưng nếu tình hình như thế này, tôi nghĩ tiền tiết kiệm của tôi cùng không dùng được bao lâu nữa. Tôi biết miệng ăn thì núi lở. Đáng lo nhất là nếu anh ta không đưa cả tiền trả góp thì quá thật tôi không biết phải làm sao.

Tôi thử gọi số máy của anh ta ở Thâm Quyến thì phát hiện số máy đó đã không còn dùng nữa. Lại gọi số ở Hồng Kông thì tắt máy. Đầu óc tôi lúc đó trống rỗng, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi chợt nhớ tới một người đồng hương, mấy năm trước đây, cô ấy không trả nổi tiền nhà, chồng cô ấy cũng không quay về Thâm Quyến, cô ấy xấu hổ quá nên đã tự sát.

Tôi không thể nào tự sát được. Đầu óc tôi hỗn độn bao nhiêu ý nghĩ, nhưng không hề có ý muốn tự sát. Nhưng nếu anh ta không quay về Thâm Quyến, không giúp tôi đóng tiền trả góp thì số tiền hiện nay của tôi chỉ đủ dùng trong nửa năm. Tôi phải tìm được một công việc, mà tiền lương phải trên 8.000 tệ. Một con số nghe thì có vẻ đơn giản, tiền trả góp gần 5.000 tệ, tiền điện nước điện thoại và phí quản lí cũng khoảng 1.000 tệ. Cho dù tôi ăn tiêu rất tiết kiệm, mức chi dùng chỉ như mười ba năm trước đây thì tôi cũng không thể sống nổi với mức 2.000 tệ một tháng. Một người phụ nữ 36 tuổi đang thất nghiệp như tôi, tìm một công việc đã vô cùng khó khăn, giờ làm sao có thể tìm một công việc có mức lương trên 8.000 tệ và phải đảm bảo không bị thất nghiệp?

Thực tế tàn nhẫn như vậy đấy. Một người đã chung sống với tôi mười ba năm, kết hôn năm năm; vậy mà bỗng dưng biến mất không tin tức gì. Tôi đi đi lại lại trong căn phòng, mà vẫn không thể tin nổi vào những gì đã diễn ra. Tôi cố gắng kiềm chế không gọi điện cho bạn bè anh ta. Trong di động của tôi vẫn lưu số điện thoại của một vài người, nhưng tôi không muốn làm vậy, tôi không muốn biết bất kì tin tức gì từ họ cả. Tôi nghĩ nếu anh ta không muốn trở về thì tôi cũng đành chấp nhận thôi. Nhưng quả thật tôi không dám nghĩ rằng sáu tháng nữa, tôi không còn một đồng xu dính túi thì cuộc sống sẽ thế nào đây?

Đó là quãng thời gian chờ đợi vô cùng mâu thuẫn trong cuộc đời tôi. Bạn chờ đợi sự xuất hiện của một người, bạn ghét người đó nhưng bạn vẫn chờ người đó xuất hiện. Bạn không cần con người anh ta nhưng lại cần tiền của anh ta. Bạn không hề quan tâm đến anh ta nhưng thực tế anh ta là chồng bạn. Bạn muốn cự tuyệt xa lánh anh ta nhưng bạn không thể xa rời anh ta. Đây có lẽ là chuyện bi thảm trong cuộc đời tôi, nhưng tôi lại không có cách nào thay đổi nó.

Một hôm, Lan – cô vợ anh bạn của chồng tôi bỗng dưng gọi điện cho tôi. Cô ấy nói là chắc tôi không thể tưởng tượng rằng chồng tôi đang ở Thâm Quyến. Và còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là anh ta đang ở cùng với một cô gái mà đã đâm anh ta bị thương. Cô gái đó vẫn tiếp khách ở hộp đêm, thi thoảng thì nấu cơm cho anh ta. Họ cùng nhau tới nhiều chỗ vui chơi. Bạn bè của anh ta điều biết cả. Duy chỉ mình tôi là không hay biết gì.

Tôi thấy quả là thú vị. Cuộc sống của chúng ta ngập tràn sự châm biếm mỉa mai. Một người đàn ông đã chán ngấy bà vợ già của mình, đến sống cùng một vũ nữ trẻ trung yểu điệu. Cô ta đã vì tiền mà đâm anh ta. Anh ta không chịu được cái kiểu đòi hỏi đầy vũ lực đó nên đã quay về với bà vợ. Nhưng không lâu sau, anh ta lại về với cô vũ nữ. Lần này thì không biết là vì tiền hay vì tình. Nếu quả thật vì tình thì cũng khiến cho người ta phải cảm động. Câu chuyện này có thể viết thành một vở kịch.

Người đàn ông bỏ vợ vì không chịu nổi cuộc hôn nhân lạnh lẽo.

Anh ta vui sướng khi được sống bên người tình.

Cuộc sống không như ý khiến anh ngại ngùng trở về bên người cũ.

Không bao lâu lại hoan hỉ nói lại với nhân tình.

Nhân viên bán hàng

Một buổi cuối tuần, Lan đến nhà tôi chơi, và nói lời mời tôi đi ăn cơm. Danh nghĩa là như vậy, nhưng khi tôi ăn cơm cùng vợ bạn của chồng tôi, tôi chưa bao giờ để họ phải trả tiền cả. Một phần là do tính tôi như vậy, thứ hai là tôi không thích cái cách lấy tiền ra khỏi ví một cách đầy tiếc nuối của họ; hơn nữa lúc đó tôi còn đi làm nên tiền nong cũng thoải mái hơn họ.

Tôi chọn quán lẩu Tứ Xuyên ở gần nhà. Cô ấy vừa ăn, vừa kể cho tôi nghe về chuyện chồng tôi và cô vũ nữ kia cùng sống với nhau, vừa khuyên nhủ tôi không nên tức giận làm gì. Cô ấy nói đàn ông luôn xấu xa như vậy đấy, “chán cơm thèm phở”. Cô ấy còn nhắn lại cái chuyện ngoại tình của chồng cô ấy ngày xưa. Có một giai đoạn chồng cô ấy rất lạnh nhạt với cô ấy, cô ấy có cảm giác chồng mình có cái gì đó thay đổi, nên đã tìm đủ mọi cách, cuối cùng cũng kéo được chồng về bên mình. Cô ấy nói với tôi đầy vẻ kinh nghiệp và từng trải: “Đàn ông Hồng Kông thực ra rất coi trọng gia đình, lại còn sĩ diện nữa. Nếu cậu không làm anh ta mất mặt, chỉ âm thầm khuyên nhủ cầu xin anh ta, thì anh ta dứt khoát sẽ về với cậu. Mà cậu và anh ta đã chung sống bao nhiêu năm, tình cảm sâu nặng, nên ai mà tin các cậu lại chia tay nhau chứ. Mà cho dù có muốn chia tay, thì còn phải làm thủ tục li hôn. Chồng cậu cũng đâu có nói là li hôn cơ chứ.”

Tôi giả vờ không quan tâm đến những gì cô ấy nói, chỉ ngồi cười cười và lắng nghe. Cô ấy còn dạy tôi các kéo chồng về nhà nữa: “Thực ra chồng cậu cũng chỉ là tức giận vì thấy cậu không coi anh ta ra gì, không thèm hỏi han quan tâm nên anh ta mới định thử cậu một lần xem sao. Hơn nữa anh ta cũng quá cô đơn nên mới cặp bồ. Giờ cậu gọi điện cho anh ta, anh ta nhất định sẽ về. Cậu kết hôn gần sáu năm rồi, sắp được làm chứng minh thư Hồng Kông rồi. Đợi đến lúc đó cậu thích làm gì mà chả được. Hơn nữa, cậu cũng ngần này tuổi rồi, không còn trẻ trung nữa, muốn tìm một người tốt hơn anh ta chắc cũng khó đấy. Tốt nhất là cậu cứ sống như bây giờ, mọi người đều sống như vậy cả mà.

Giờ tôi mới hiểu cô ấy đến đây để làm thuyết khách, nên mới cố ý nói: “Tớ gọi điện rồi, nhưng số đó không liên lạc được.”

“Vậy cậu thử gọi lại xem, có lẽ anh ấy nạp tiền rồi đấy.” Cô ấy nói rất chắc chắn. Tôi cảm ơn cô ấy, sau đó trả tiền và về nhà. Đương nhiên là tôi sẽ không gọi điện cho chồng rồi.

Tôi lại tìm được việc. Tôi sẽ là nhân viên bán hàng mĩ phẩm trong một siêu thị cỡ lớn. Có lẽ do tôi có một làn da đẹp, cũng có thể do dáng vẻ của tôi đã gây chú ý cho người phỏng vấn, nên cô ấy đã chọn tôi. Đó là một nhãn hiện khá nổi tiếng ở trong nước. Tôi nhận được đồng phục và mã số nhân viên. Mấy ngày đầu tôi tham gia một khoá huấn luyện, sau đó tôi và một cô gái nữa sẽ luân phiên đổi ca cho nhau. Cuộc sống của tôi ổn định hơn, công việc bận rộn nên tôi cũng quên mất việc mấy tháng nữa là tôi không còn đủ tiền để đóng tiền trả góp. Nhưng thực tế là mỗi khi nghĩ đến việc lương tháng của tôi chỉ hơn 1.000 tệ, tôi lại thấy buồn bã chán nản. Tôi thường tự oán tránh mình, tại sao ngày xưa lại bỏ việc. Nếu không thì có lẽ tôi không bao giờ lại phải làm nhân viên bán hàng như thế này. Hơn nữa, những cô gái cùng làm với tôi đều rất xinh tươi, trẻ trung, duyên dáng, đáng yêu. Họ đã làm tổn thương chỗ yếu đuối nhất, mẫn cảm nhất trong tâm hồn tôi. Tôi cảm thấy mình đã già mất rồi.

Cũng trong thời gian làm nhân viên bán hàng tôi lại gặp lại anh Khai. Anh ấy còn đẹp trai phong độ hơn ngày xưa. Anh ấy đi cùng một cô gái trẻ đẹp, chỉ khoảng 23, 24 tuổi. Tôi biết anh ấy đã nhận ra tôi, tôi quay người đi giả vờ dọn dẹp quầy hàng. Tôi tin rằng anh ấy cũng muốn lướt nhanh qua chỗ tôi đang đứng, vì sợ tôi xấu hổ. Nhưng cô gái đó không muốn vậy, tiếng của cô ấy lảnh lót: “Em muốn xem kem dưỡng ẩm của hãng này, anh vào xem cùng em nhé!”

Tôi không thể lảnh tránh đi đâu được vì lúc đó chỉ có mình tôi ở quầy mà thôi. Tôi quay người lại, mặt nóng bừng như bị sốt. Cô gái vừa nói vừa kéo tay anh ấy vào gần chỗ tôi đang đứng: “Chị ơi, cho em xem kem dưỡng ẩm loại mới nhất.”

Tôi đáp lời và cúi xuống tìm. Lúc đó, tôi thấy mặt nóng bừng, tay run rẩy. Tôi chỉ muốn biến thành một hạt bụi và biến mất ngay tức khắc. Anh ấy vẫn phong độ, ngời ngời còn tôi thì như thế này đây. Tôi thậm chí còn nghĩ nếu lúc đó tôi bỏ chồng đi theo anh thì giờ tôi sẽ sống thế nào nhỉ? Nhưng đó là chuyện không tưởng, những thứ đã mất đi không bao giờ quay trở lại nữa. Nhất là cơ hội tình cảm.

Tôi không dám nhìn anh ấy, cứ cắm cúi tìm đồ cho cô gái. Tôi biết anh ấy cũng không hề thoải mái, vì anh ấy cũng không nói gì. Sau cùng, lúc thanh toán, cô ấy nhận tiền anh ấy đưa và trả tiền tại quầy thanh toán. Tôi quả thật không biết mình nên làm gì lúc đó cả, anh ấy cũng nhìn tôi.

Thực ra, lúc đó, tôi rất muốn nói chuyện với anh ấy, nhất là chuyện anh ấy uống say và đến bấm chuông cửa nhà tôi, nhưng tôi cảm giác cổ họng bị chẹn lại, nói không ra lời. Thời gian lúc đó như ngừng trôi, anh ấy định nói gì đó thì cô gái đã quay lại, cười nói vui vẻ: “Kem dưỡng ẩm của hãng này còn tốt hơn của Laneige. Chị ơi, gói lại cho em với.”

Tôi cố vui vẻ bỏ hộp kem vào túi và đưa cho cô ấy. Họ quay đi và anh ấy nói: “Cảm ơn.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3