Yêu hay không yêu cũng mặc - Chương 67 - 68 - 69 - 70 - 71

Bị ốm

Tôi bị ốm. Kiểu ốm lạ lùng, từ trước tới nay tôi chưa bị như thế bao giờ, sốt, tay chân lạnh toát. Bác sĩ kê đơn, toàn là thuốc bắc. Bắc sĩ nói tôiphải chịu khó bồi bổ. Mấy hôm đầu tiên tôi còn chịu khó sắc thuốc, nhưng được vài hôm tôi bắt đầu thấy phiền toái quá nên từ một hai lần tôi chỉ uống có một lần. Sau đó tôi cũng không sắc thuốc để uống nữa. Tôi thấy ngoài việc chân tay tôi bị lạnh, thì sức khoẻ tôi vẫn ổn cả, không có vấn đề gì nên tôi cũng yên tâm phần nào. Nhưng rốt cuộc tôi lại mất việc. Tôi nghĩ có lẽ là do tôi không chuyên tâm làm việc.

Tôi biết giờ tôi là kẻ vô dụng, tôi không có tinh thần cầu tiến, đầu óc tôi cũng chậm chạp không học được thêm thứ gì mới, lại thiếu nghị lực, thiếu sự lạc quan yêu đời. Đã thế cứ mỗi khi nghĩ tới tương lai tôi lại thấy cuộc sống hết sức ảm đạm đen tôi. Tôi biết chồng tôi chờ tôi gọi điện. Mọi lần đều là anh ta chủ động về nhà tìm tôi hoặc gọi điện cho tôi. Lần này cũng không ngoại lệ. Tiền trong thẻ của tôi ngày càng ít đi, tôi thấy vô cùng hoang mang lo sợ nhưng biết làm sao bây giờ. Một hôm, tôi đến một công ty tư vấn về bất động sản. Tôi muốn nếu chồng tôi không về thì tôi có thể bán căn hộ này đi, có một số tiền tôi có thể kiếm sống ở một thành phố khác hoặc thuê một căn hộ nhỏ hơn và tìm một công việc để tồn tại. Tôi giờ không cần một cái gì ngoài việc được tiếp tục sống.

Nhưng sau khi nghe tư vấn, tôi mới biết rằng: Tôi không thể bán căn hộ này, vì giấy tờ nhà ghi tên cả hai vợ chồng tôi.

Lúc đó, không phải nói quá, nhưng tôi thật sự cảm thấy tuyệt vọng và rơi vào đường cùng. Trước đây, tôi vẫn nghĩ nếu có chuyện gì đó xảy ra tôi sẽ bán căn hộ này và biến mất. Nhưng lúc đó, tôi không nghĩ rằng tôi chỉ được sở hữu một nửa căn hộ thôi, nên tôi không được quyền quyết định việc mua bán, chuyển nhượng.

Tôi không biết mình có thể làm gì và nên làm gì vào lúc này. Có lẽ nếu tôi gọi điện thì chồng tôi sẽ về nhà. Nhưng như vậy thì có nghĩa lí gì? Một người đàn ông mà chỉ cần nghĩ đến việc phải sống chung với anh ta là tôi muốn chết. Tôi bỗng nhớ tới người tình cũ, cái người mà tôi chạm mặt ở siêu thị trong lúc bán hàng. Hoá ra chính anh ấy là người đã mang đến cho tôi những kí ức tươi đẹp về tình yêu đôi lứa, còn người yêu thời đại học lại cho tôi sự dịu dàng ấm áp của mối tình đầu trong sáng. Chỉ có anh ấy mới mang đến cho tôi niềm đam mê, ham muốn yêu đương. Anh ấy đã từng muốn cùng toi chung sống nhưng tôi đã bỏ qua cơ hội. giờ tôi mới hiểu, quảng thời gian mười ba năm chung sống với chồng không bằng ba tháng ngắn ngủi ở bên anh ấy. Tất cả đã trôi qua mất rồi, giờ chỉ còn sót lại chút hồi ức vỡ vụn mà thôi.

Đã rất lâu rồi tôi không tới bar. Nhưng hôm đó bỗng nhiên tôi lại muốn uống cho thật say nên tôi đã tìm đến quán Cowboy. Tôi gọi một ly vang đỏ. Ca sĩ đang hát bài Hoa trong nước. Những ca từ quen thuộc đã khiến tôi không kìm được nước mắt.

Trong mưa rơi gió bấc bao nhiêu phồn hoa như giấc mộng

Ngàn vạn sắc hồng sắc tím đã tan biến trong gió

Những lời yêu thương thuở ban đầu cũng tan vào mây

Như dòng nước cuốn trôi đi nhưng năm tháng tươi đẹp

Tôi ngắm bông hoa trong nước

Vẫn muốn lưu giữ được sắc mây ngày xưa

Tôi nhìn thấy tôi đang khóc

Mà không thể giữ lại mọi thứ

Chỉ còn lại trong những men say

Một chút kí ức

Bông hoa kia đã úa tàn

Tình yêu tươi đẹp đã thành dĩ vãng

Dòng nước cứ lững lờ trôi

Ai có thể giữ nó ngừng lại

Cánh hoa mỏng manh kia

Không thể kiếm được bến bờ nơi đô hội

Sẽ bị vùi dập bởi gió mưa

Dường như tôi

Trong lúc mơ mơ màng màng, tôi nhìn thấy anh ấy. Có thể là anh ấy, mà cũng có thể là người khác. Tôi chỉ nghe thấy người đó nói: “Tôi lấy vợ rồi, cô gái trẻ đó là vợ tôi.”

Dì tôi

Tôi vẫn chưa hoàn toàn bình phục thì dì tôi và cháu nội của dì tới Thâm Quyến chơi. Lúc đó, tôi đành phải tiếp đón dì vì không tìm được lí do nào để từ chối. Ngày xưa, lúc về quê, tôi đã tuyên bố nếu dì đến Thâm Quyến tôi sẽ đưa dì đi chơi, ít nhất là mấy thắng cảnh nổi tiếng phải đi hết, thử hết những của ngon vật lạ.

Dì tôi cũng rất cẩn thận, dì đã sắp xếp lịch trình rất kĩ lưỡng cho nửa tháng trời ở Thâm Quyến. Ngày nào đi công viên Thế Giới, ngày nào đi biến Tiểu Mai, ngày nào đi Chu Hải, ngày nào ăn hải sản ở Nam Ma Cao. Tôi biết tất cả những cái này đều do mẹ tôi nói cả. Có điều dì đã thêm vào đó sự tưởng tượng của mình, sau khi sắp xếp cẩn thận, dì mới nói lại với tôi. Dì không hề biết cuộc sống của cô cháu gái lấy chồng Hồng Kông đang vô cùng khó khăn. Nhưng tôi biết, có đánh chết dì tôi cũng không tin tôi rơi vào hoàn cảnh này, vì tôi luôn là một người phụ nữ giàu có, sang trọng được mọi người ở quê ngưỡng mộ.

Tôi không có nhiều tiền nên chi tiêu cũng không được thoải mái cho lắm. Dì tôi thì luôn miệng nhắc nhở: “Phong à, cả đời dì chắc chỉ đến Thâm Quyến một lần này thôi. Làm con tốn kém rồi”. Hoặc có lúc lại nói: “Con quả là một đứa cháu ngoan, dì không hoài công yêu thương con. Khi nào con về quê thì đến nhà dì chơi. Nhà dì thì quả thật không có của ngon vật lạ, nhưng dì sẽ mang những gì ngon nhất của nhà đãi con.” Hoặc dì lại nói với đứa cháu: “Cháu xem cô đối xử với cháu tốt như vậy, cháu phải học hành chăm chỉ, lớn lên báo đáp lại cô.”

Tôi nghĩ mãi mà không nhớ nổi dì tôi đã từng đối tốt với tôi thế nào. Chỉ nhớ dì hơn tôi 13 tuổi. Khi tôi học tiểu học, dì thường đến nhà tôi, lúc thì nói cho tôi những quyển vở dì dùng thừa, lúc thì nói cho tôi mấy bộ quần áo mà dì không mặc, lại có lúc nói đưa tôi đi chơi. Bạn thử nghĩ xem, những bộ quần áo và những điểm vui chơi của một cô gái ngoài 20 tuổi có sức hấp dẫn thế nào đối với một cô bé 10 tuổi? Nhưng đó chỉ là lời nói suông chứ chưa bao giờ tôi thấy dì thực hiện cả. Tôi mong chờ, cho đến một ngày mẹ nói với tôi dì đã mang tất cả những cái đó cho người khác rồi thì lúc đó tôi mới hết chờ đợi và hi vọng. Sau đó, tôi không hay gần gũi với dì nữa. Mấy năm gần đây, do tôi ở Thâm Quyến, lần nào tôi về dì cũng đến thăm tôi. Tôi cũng thấy hơi ngại vì sự nhiệt tình đó, nên lần nào tôi cũng tặng dì một món quà nhỏ.

Tôi phải cố gắng tỏ ra vui vẻ nhiệt tình dẫn dì đi chơi những chỗ mà dì đã nói với tôi khi mới đến. Ngày đầu tiên đi công viên thế giớ, chụp ảnh và ăn KFC. Ngày thứ hai mệt nên nghỉ ở nhà, và đi ăn mì Đế Vương ở một quán gần nhà. Ngày thứ ba đi thăm làng Văn hoá, ăn cá hấp. Ngày thứ tư đi biển, thuê phòng ngủ ở đó một tối. Ngày thứ năm…

Nói chung là dì tôi vô cùng mãn nguyện, sung sướng. Có vài lần dì hỏi thăm chồng tôi. Tôi chưa kịp nói gì thì dì đã tự nói: “Dì biết rồi, chắc là chồng cháu đi công tác nước ngoài hả?” Tôi chả biết nói thế nào đành cười trừ vậy.

Một buổi tối, khoảng mười một giờ, tôi đang nằm mơ màng trong phòng ngủ (từ khi dì tôi đến chơi, tôi lại trở về phòng ngủ. Tại vì quê tôi có một tục lệ bất thành văn, khách đến nhà không được tuỳ tiện ngủ trong phòng ngủ của chủ nhà, chỉ trừ trường hợp trong nhà rất ít chỗ ngủ), tôi nghe thấy dì gọi điện (chắc là cho em họ tôi) bằng máy điện thoại đặt trong phòng của khách, và nói thầm thì: “Con biết không, chị con thật là sướng, ăn ngon, mặc đẹp, lại được ở trong một căn hộ to đẹp xinh lung linh. Chồng thì thường xuyên đi nước ngoài. Đồ đạc nào của nó cũng tinh xảo, toàn là nhưng thứ mẹ chỉ nhìn thấy trên tivi thôi. Đúng là số phận rồi. Giá mà nó sinh được đứa con thì tốt. Phụ nữ mà không có con sẽ khổ cả đời. Mẹ sẽ tìm cơ hội khuyên nhủ nó em sao, có lẽ bảo nó nhận nuôi một đứa trẻ. Chứ không có con thì khó mà giữ chân đàn ông lắm…”

Tôi trùm kín chăn để không phải nghe nữa.

Mẹ tôi

Dì tôi về quê với tâm trạng rất mãn nguyện. Để tôi ở lại với cái túi tiền trống rỗng. Dì đến chơi nửa tháng, ăn tiêu đi lại vui chơi mua sắm và cả tiền vé máy bay về quê đã hao tốn của tôi hơn một vạn tệ. Tôi biết đó chỉ là dì, chứ không phải mẹ, nên dì không thể nào biết được đêm nào tôi cũng trăn trở than thở một mình, dì cũng không nhìn thấy bàn tay run rẩy ngần ngừ của tôi khi rút tiền ra khỏi ví và dì càng không thể tin rằng tôi không thể trả nổi tiền trả góp nhà trong tháng sau.

Tôi gọi điện cho mẹ, tôi muốn nghe thấy tiếng mẹ tôi nói, muốn nghe thấy giọng nói ngọt ngào bà âu yếm gọi tôi như khi tôi còn nhỏ. Tôi chưa kịp mở miệng nói gì cả, là mẹ tôi đã nói rồi: “Dì con đến chỗ con chơi tiêu hết nhiều tiền lắm phải không? Con biết rồi đấy, dì con là một người hay ba hoa. Dì ấy có thể tiêu của người khác mười vạn, nhưng không muốn rút ví tiêu một đồng nào đáp trả lại đâu. Việc gì con phải đối tốt với dì ấy như thế? Dì ấy nghĩ rằng con rất giàu có sung túc. Khi về còn đến nhà mình chơi, kể hết cho mọi người rằng con ở trong một căn họ to thế nào, đồ đạc đẹp thế nào. Còn nói con không phải động tay động chân vào việc gì, sống như một mệnh phụ phu nhân. Tiền tiêu thoả mái, chồng thường xuyên đi công tác nước ngoài.”

Mẹ ơi, con không biết nói gì bây giờ? Con chỉ muốn khóc thật to thôi, mà không khóc nổi. Con nghĩ mẹ sẽ hiểu những nỗi khổ mà con đang chịu đựng. Thậm chí sẽ có những đêm mẹ mất ngủ nằm nghĩ xem con đang sống ra sao. Nhưng chắc mẹ không thể tưởng tượng nổi đứa con gái 36 tuổi của mẹ lại tay trắng, không một đồng xu dính túi, không có quyền đối với ngôi nhà của mình đã góp vốn mua chung. Mẹ cũng không thể nghĩ rằng giờ con muốn tìm một công việc nhưng lại vô cùng khó khăn, con không nuôi nổi bản thân mình. Đáng sợ hơn cả là cái ông chồng Hồng Kông của con mà mọi người đều ngưỡng mộ, chúng con đã không gần gũi nhau hai năm rồi, chúng con đã vài tháng không gặp nhau, không điện thoại. Và đáng lo nhất là nếu tháng sau anh ta vẫn không quay về và không đưa tiền cho con, con sẽ không còn tiền nộp tiền trả góp, con sẽ bị đuổi ra khỏi nhà, đến một chốn dung thân cũng chẳng có.

Không còn một sự lựa chọn nào khác, con không còn đường thoát nữa. Mọi người đều bận rộn, chỉ có con cô độc, mọi thứ đều xa vời đối với con. Trong mắt con mọi con đường đều là ngõ cụt, giờ chỉ còn đường chết mà thôi. Mà con nghĩ sống và chết có lẽ cũng không khác nhau nhiều lắm. Con vô dụng, bất tài, thì còn sống để làm gì chứ?

Tôi nói: “Mẹ ơi, mẹ còn nhé bài hát hồi con còn nhỏ mẹ đã dạy con không? Bài hát đó là do mẹ tình cờ nghe một người Hồ Bắc hát. Đêm qua, con nằm nơ nghe thấy bài hát đó, cảm giác thật gần gũi thân thương và con nhớ mẹ quá.”

“Hồi con bé mẹ dạy con bao nhiêu bài hát, con nói bài hát nào cơ? Con hát thử xem nào.” Giọng nói của mẹ thật là ngọt ngào ấm áp.

“Một hai ba bốn năm

Trên núi có hổ

Hổ không ăn thịt người

Trên núi có kẻ địch

Kẻ địch không nói gì

Trên núi có kèn

Kèn thổi không thành tiếng

Trên núi có hoà thượng

Hoà thượng không cạo đầu

Trên núi có chiếc trống da bò

Trống không còn hình nguyên vẹn

Trên núi có chim công

Chim công không đẻ trứng

Em có còn xinh không?

Tôi nhắm mắt lại, nhớ lại âm điệu của bài hát và hát một lần. Tôi có cảm giác mẹ tôi đang nghĩ ngợi gì đó. Bất chợt mà hỏi tôi: “Phong à, con không sao chứ?”

Tôi nói: “Mẹ ơi, con không sao, con chỉ nhớ mẹ thôi.”

“Hay là con về nhà đi, mẹ sẽ nấu cho con ăn những món mà con thích ấy.” Mẹ tôi nói.

“Vâng, nếu có thời gian con sẽ về. Con còn phải đi làm mà mẹ. Con bận lắm.” Tôi nuốt nước mắt nói với mẹ.

Bạn bè

Các bạn thân mến, cảm ơn các bạn đã nghe câu chuyện chán ngắt của tôi cho tới tận lúc này. Tôi biết tôi thế là hết rồi. Tôi là một kẻ thất bại. Tôi đã có một thời ấu thơ hạnh phúc. Khi mới lớn bước vào tuổi cập kê, tôi cũng đã sống rất tự tin thoải mái. Khi vào đại học, tôi yêu một cậu bạn nhưng không lâu sau, tôi và cậu ấy chia tay. Tôi chỉ luôn muốn rời khỏi thành phố quê hương. Sau đó ước mơ của tôi đã thành hiện thực. Tôi đến Thâm Quyến, và tôi gặp chồng tôi. Các bạn biết rõ cuộc sống của tôi trong những năm qua rồi đấy.

Tôi không muốn tiếp tục sống trên thế giới này nữa, vì thế giới này không còn gì đáng để tôi lưu luyến nữa cả. Mẹ tôi chắc sẽ rất buồn khi tôi mới ra đi, nhưng mẹ rất kiên cường. Mẹ tôi luôn là một người cứng rắn, hơn nữa bố tôi sẽ luôn bên cạnh mẹ, nên mẹ sẽ không đau buồn quá lâu. Bao nhiêu năm nay tôi cũng ít khi ở gần nhà nên chắc mẹ tôi cũng đã quen với sự thiếu vắng của tôi. Tôi giống như một bức tranh hoặc một kí hiệu, khi nhìn thấy thường xuyên thì cũng có chút gì đó lưu luyến. Nhưng khi một người ra đi cũng sẽ không làm thay đổi cuộc sống của người kia. Tôi và mẹ cũng như vậy.

Còn bố tôi, bao năm nay ngoài việc nghĩ bố hằng ngày đi làm kiếm tiền, thì tôi cũng không biết tôi và bố còn có mối liên hệ nào khác nữa. Đương nhiên là tôi nói thế cũng không hoàn toàn chính xác. Nếu tôi nhớ không lầm, thì hồi tôi 3 tuổi, bố tôi mang một chậu nước ra sân cho tôi ngắm trăng qua mặt nước lung linh. Còn năm tôi 11 tuổi, một buổi tối mưa tuyết, bố tôi đã lặn lội mang tiền tiêu vặt đến trường cho tôi. Một lần hồi tôi học cấp một, tôi đã thi trượt, kết quả kém tới mức không thể tưởng tượng nổi, nhưng bố không trách mắng gì chỉ cười với tôi và nói: “Đó chỉ là một thất bại nhỏ mà thôi, lần sau chắc chắc con sẽ thi tốt hơn.” Còn một lần khác bố đèo tôi bằng xe đạp đến một quán nhỏ ăn đồ cay, tôi và bố còn uống rượu, khi đó tôi mới 6 tuổi… Mọi chuyện tôi đã quên gần hết rồi. Tôi còn trẻ như thế mà đã quên bao nhiêu chuyện, huống hồ bố tôi đã ngần này tuổi, bố chắc đã quên hết những chuyện này rồi.

Cho nên, các bạn thân mến, các bạn đừng buồn vì tôi. Tôi không thấy buồn, tôi chỉ hơn đau lòng thôi. Tôi đã 36 tuổi mà không có gì trong tay, không nuôi nổi bản thân, bị chồng bỏ rơi. Tất cả mọi người đều cho rằng tôi nhiều tiền, người thân ở quê đều muốn đến Tâm Quyến, muốn đến hưởng cuộc sống an nhàn sung sướng của một mệnh phụ phu nhân.

Xin lỗi các bạn, tôi đã kể lể quá dài dòng câu chuyện chán ngắt của tôi. Chắc các bạn cũng chán rồi. Có lẽ tôi nên viết một vài bức thư. Có một số người mà tôi nên viết vài chữ cho họ. Có thể thư không đến được tay họ nhưng tôi vẫn sẽ viết.

Trong tủ còn một ít nho, tôi mua từ lúc dì tôi đến đây. Tôi nhớ khi dì tôi về cầm hai túi đồ to đùng. Trong đó, có quần áo mà tôi không mặc dì đem về cho con gái. Ngày xưa dì có nói tặng tôi quần áo, tôi chưa hề nhận được. Giờ tôi lại tặng cho con gái dì rất nhiều quần áo, có ít đồ hải sản kho vì dì rất thích thứ này. Tôi nhớ dì còn lấy đi cả đồ mĩ phẩm mà tôi không dùng. Tôi nghĩ nó đã hết hạn, nhưng không ngờ trong đó có cả những thứ mà hạn sử dụng là năm năm dì cũng cầm luôn. Trước khi lên máy bay, tôi mua một ít hoa quả, nước uống và nho để dì cầm theo ăn đường. Mua ở sân bay rất đắt, tôi tốn mất 240 tệ. Những thứ đó nếu mua ở siêu thị chắc chỉ mất hơn một trăm tệ thôi. Chỗ nho dì để lại được mua ở siêu thị trước hôm dì về. Dì không cầm đi. Tôi không biết nên ăn hay vứt đi đây?

Cuộc sống đối với tôi giờ thật tuyện vọng và vô vị. Tôi ngồi một mình trên ghế sofa lạnh lẽo, mắt nhìn vào tivi mà không hề biết mình đang xem chương trình gì. Có thể vẫn còn vài thứ thuộc quyền sở hữu của tôi. Ví dụ như chiếc váy cưới, rồi chiếc dây chuyền bạch kim tôi mua khi mới đi làm, vài bộ trang sức bằng vàng đi mua cùng chồng tôi. Khi mua những thứ này đã tiêu tốn vài vạn tệ nhưng giờ bán đi chắc không được một nửa giá trị ban đầu. Nhưng cũng chả sao hết, những thứ này đối với tôi không còn ý nghĩa gì nữa.

Đúng vậy, mọi thứ đối với tôi đều vô nghĩa. Kể cả những tấm ảnh chụp từ nhỏ tới giờ, thư từ, nhật kí, những ghi chép và tin nhắn. Trong ngăn kéo còn có vài bao thuốc Đại Trung Hoa nữa chứ. Thật kì lạ quá. Không biết chúng được để trong đó từ bao giờ nữa? Tôi nghĩ mãi mà vẫn không hiểu, thế giới này đúng là có bao điều kì lạ, đã nghĩ kĩ mà chẳng nghĩ ra, thôi cứ kệ nó vậy.

Thư từ

Hiện nay thuốc ngủ được quản lí hết sức chặt chẽ. Tôi đã đi rất nhiều cửa hàng thuốc nhưng họ chỉ bán cho tôi thuốc cảm cúm, thuốc hỗ trợ an thần, hoặc thuốc giúp cải thiện giấc ngủ trong thành phần có pha đông dược. Tôi mất mấy ngày trời lang tháng đi đến đủ mọi loại hiệu thuốc, cả những phòng mạch treo những tấm biển khá kín đáo, công khai có, giấu giếm có mới gom đủ chín mươi viên thuốc ngủ. Tôi rất ít khi uống thuốc ngủ. Ngày xưa cũng đã từng uống một, hai lần và tôi biết thuốc rất có tác dụng với tôi. Tôi rất cẩn thận nên mới mua nhiều như vậy, chứ người ta nói chỉ cần bốn năm mươi viên là có thể chết người rồi.

Trên bàn có giấy A4, trong ngăn kéo có mấy chiếc phong bì đã mua từ rất lâu mà không có cơ hội dùng.

“Mẹ thân yêu!”

Con muốn nói cho mẹ biết một dự định của con. Tuy rất khó nói, nhưng con vẫn phải nói với mẹ.

Con biết mẹ luôn yêu thương con, luôn coi con là báu vật của mẹ và cũng luôn tự hào về con. Nhưng số phận luôn trêu ngươi con người, nó đưa đẩy chúng ta bước vào con đường mà không thể quay đầu lại, rồi nhìn ta bằng con mắt thách thức. Con đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, con không còn thấy ánh sáng mặt trời, không nhìn được con cá bơi lội trong nước; sau lưng có rất nhiều thứ đáng sợ truy đuổi con. Con không biết nên làm thế nào bây giờ, con đã cố gắng hết sức, đã giãy giụa đủ cách nhưng vô hiệu.

Mẹ ơi, hãy tha lỗi cho con. Con chưa bao giờ là con gái ngoan của mẹ, chưa làm được gì cho mẹ, chẳng gánh đỡ được gì cho mẹ, cũng chưa đem hạnh phúc sung sướng đến cho mẹ.

…”

Tôi không thể viết tiếp được nữa, những điều tôi muốn nói đâu phải như vậy? Có lẽ đầu óc tôi đang rất hỗn loạn. Tôi rời khỏi bàn viết và nằm xuống giường. Tôi nghe thấy tiếng người nói và tiếng gió thổi nhẹ ngoài cửa sổ. Đằng xa có tiếng một chiếc xe đang tiến lại, và tiếng một đứa trẻ cười nói. Nhưng tất cả những thứ này đều không liên quan gì tới tôi cả.

Lúc đó, tôi bỗng thấy buồn ngủ khủng khiếp. Thật là lạ, tôi chưa hề uống thuốc ngủ mà đã thấy buồn ngủ rồi. Tôi nhanh chóng bước vào một giấc mơ, một giấc mơ thật đẹp và ngọt ngào. Trong mơ, tôi là một cô bé mới 15, 16 tuổi, trên đầu cài rất nhiều hoa dại, tôi chạy như bay trên núi, bên cạnh có rất nhiều bạn bè, những người tôi không nhớ tên, nhưng nhìn họ rất quen. Đằng xa, có người đang hát một bài hát rất quen thuộc. Tôi cũng ngân nga hát theo, thì bỗng bị một con rắn cắn. Từ nhỏ tối rất sợ rắn, sợ đến mức giật mình và tỉnh dậy.

Hoá ra chuông cửa đang kêu.

Tôi không hiểu ai lại đến giờ này, nhưng tôi không thể không mở cửa. Đồng hồ trên tường chỉ mười một giờ đêm. Tôi nghĩ không thể là người đến xem đồng hồ ga, cũng không phải là thông báo của khu, tôi mở của. Hoá ra là anh Khai.

“Anh có thể vào chứ? Hôm nay anh không uống rượu.” Anh ấy nói.

Tôi đứng tránh ra một bên, để cho anh ấy vào. Anh ấy không hề ngập ngừng, vừa cởi giày vừa hỏi: “Chồng em không ở nhà?”

Tôi không nói gì. Chả cần tôi trả lời bởi vì cả căn hộ này đều không có dấu vết của người đàn ông. Hình như một hôm nào đó, tất cả đồ đạc của chồng tôi cũng biến mất. Có lẽ anh ta nhân lúc tôi không có nhà đã đến thu dọn đồ đạ và chuyển đi rồi.

“Anh lấy vợ chưa?” Tôi hỏi anh ấy. “Cô gái hôm đó là vợ anh à?”

“Anh vẫn chưa, vì anh còn muốn cho mình một cơ hội, xem mình có thế toại nguyện được không.” Anh ấy nói.

Tôi không biết mình phải nói gì bây giờ. Mấy năm gần đây, đầu óc tôi luôn trống rỗng. Tôi thường không biết nên đáp lời thế nào khi nói chuyện với người khác, thậm chí đôi lúc tôi còn nói huyên thuyên mà không biết mình nói gì nữa.

“Em sống không hề vui vẻ, tại sao em không thử thay đổi? Chả lẽ cái tiếng phu nhân Hồng Kông quan trọng đến thế sao?” Anh ấy hỏi.

Anh ấy quả là một người đàn ông chân thành và nhiệt tình. Con người anh ấy luôn toát lên vẻ mạnh mẽ và tràn đầy sức sống. Tôi không hiểu lời anh ấy nói, nhưng cũng cười và trả lời: “Chúng ta không thể nào ở bên nhau. Kể cả khi thế giới này xoay ngược 180 độ cũng không thể.”

“Tại sao? Anh không hiểu tại sao trên thế giới này lại có những việc không thế nào xảy ra?” Anh ấy nói.

“Bởi vì anh không hiểu em. Anh và em không cùng một hoàn cảnh sống.” Tôi trả lời.

“Em biết không, hôm qua anh nằm mơ rất lạ. Một giấc mơ không hay ho cho lắm, và nó có liên quan tới em. Anh đã đau buồn tới mức bật khóc trong mơ. Hôm nay ở công ty có rất nhiều việc, quả thật là không định đến làm phiền em. Nhưng em tắt máy, nên anh lo quá đành phải đến tìm em.” Anh ấy nói.

“Em khoẻ mà, anh yên tâm.” Tôi trả lời.

“Thế em phải hứa với anh là hãy sống thật vui vẻ thoải mái. Con người chỉ được sống một lần, nếu sự sống kết thúc thì mọi việc lúc đó sẽ không thể thay đổi được nữa.” Anh ấy nói.

Sao mà anh ấy có thể hiểu được tôi đang chán chường buồn bã đến mức nào? Giờ sống một trăm năm và sống một ngày cũng không có gì khác biệt với tôi. Nhưng tôi vẫn nói với anh ấy: “Em hứa với anh, em sẽ sống vui vẻ.” Tôi không dám nói gì nhiều vì quả thật tôi không muốn tiếp tục sống nữa. Giờ tôi chỉ còn biết chờ đợi sự sắp đặt của số phận mà thôi.