Quê hương tan rã - Phần I - Chương 01
Phần I – Chương 1
Nhờ những thành công vững
vàng, Okonkwo được mọi người biết tiếng chẳng riêng trong vùng chín thôn mà còn
xa hơn nữa. Hồi còn là một thanh niên mười tám tuổi, chàng đã hạ được
Amalinze-Con-Mèo, làm vẻ vang cho hàng xã. Amalinze là một đô vật đã giữ giải
vô địch luôn bảy năm từ Umuofia tới Mbaino. Hắn có biệt danh là Con-Mèo vì lưng
hắn không khi nào chạm đất. Vậy mà Okonkwo đã vật ngã được hắn trong một trận
đấu mà các ông già bà cả đều nhận rằng từ cái hồi vị tiền hiền sáng lập thị
trấn này, tấn công một con quỷ trong truông, luôn bảy ngày bảy đêm, tới nay
chưa có trận đấu nào kịch liệt hơn nữa.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com/ - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Trống đánh
thùng thùng, sáo thổi véo von và khán giả đều nín thở. Amalinze là một đô vật
nhà nghề quỷ quyệt, nhưng Okonkwo uyển chuyển thoăn thoắt như một con cá
trong nước. Gân và bắp thịt nổi vồng lên trên cánh tay, lưng, đùi của hai đối
thủ, tưởng chừng như nghe được tiếng bật bật muốn đứt. Sau cùng Okonkwo vật ngã
được Con-Mèo.
Chuyện đó xảy ra đã lâu rồi, hai chục năm trước - hoặc hơn nữa, và từ đó đến
nay, danh tiếng của Okonkwo mỗi ngày mỗi lan rộng như đám cháy rừng dưới ngọn
gió bấc. Thân hình cao lớn đồ sộ, lông mày rậm, mũi lớn, coi vẻ rất nghiêm. Thở
phì phì, và ngáy như sấm, tối vợ con ở nhà dưới cũng nghe thấy, người ta đồn
vậy. Khi chàng đi thì gót gần như không chạm đất, nhún nhẩy như bước trên lò
xo, như thể muốn thoi ai. Mà quả thực, chàng thường thoi thiên hạ lắm. Có tật
nói hơi lắp bắp và mỗi lần nổi đóa lên, ấp a ấp úng, nói không kịp thì dùng
ngay hai quả đấm. Chàng không chịu nổi những kẻ không thành công. Không chịu
nổi ông bố.
Ông tên là Unoka, mất mười năm trước. Thời sinh tiền, ông biếng nhác mà không
biết lo xa, không bao giờ nghĩ tới ngày mai. Có được đồng tiền nào - trường hợp
đó hiếm hoi - là mua ngay vài bầu rượu kè, kêu hàng xóm lại nhậu nhẹt. Ông bảo
mỗi lần trông thấy miệng một người chết thì lại thương cho những kẻ ngu xuẩn
còn sống mà không ăn uống cho thích khẩu. Dĩ nhiên Unoka nợ đìa ra, không có
người hàng xóm nào mà ông không thiếu nợ, từ vài cái vỏ sò tới những số tiền
rất lớn.
Ông cao nhưng gầy đét và hơi gù. Chỉ trừ khi uống rượu hoặc thổi sáo, còn thì
vẻ mặt lúc nào cũng bơ phờ, ủ rũ. Thổi sáo rất hay, và những lúc sung sướng
nhất đời ông là hai ba tuần trăng sau mỗi mùa thu hoạch: bọn nhạc công trong
làng rảnh rang hạ những nhạc cụ treo ở trên bếp xuống và Unoka hòa tấu với họ,
vẻ mặt bình tĩnh, hân hoan. Đôi khi một làng khác mời ban nhạc của Unoka cùng
với viên egwugwu[1] nhảy múa
lại dạy nhạc, và họ được cung phụng trong một thời gian là hai ba tuần chợ suốt
ngày đờn sáo và ăn uống thỏa thuê. Unoka thích ăn ngon, thích có bạn chơi bời,
và thích mùa đó trong năm, mưa đã hết mà mặt trời sáng nào cũng hiện lên rực rỡ
ở phương Đông. Thời tiết lúc đó cũng không nóng quá, nhờ ngọn gió bấc lạnh mà
hanh. Có năm gió bấc lạnh quá và một lớp sương mù dày đặc lơ lửng trong không
khí. Những người già và trẻ con quây quần chung quanh bếp củi để sưởi. Unoka
thích cảnh đó lắm, thích những con chim ó đầu tiên xuất hiện báo tin mùa nắng,
thích những trẻ em ca hát những khúc mừng đón ó về. Và ông nhớ lại tuổi thơ của
ông, nhớ lại những khi lang thang đi tìm một cánh ó lặng lẽ lượn trên nền trời
xanh, và hễ thấy được thì hát vang lên, chào mừng ó từ nơi xa xăm nào đó đã trở
về, hỏi ó có mang về nhà được tấm vải nào không.
[1]Egwugwu: Hồn
thiêng tổ tiên; người đóng vai hồn
thiêng tổ tiên.
Chuyện đó đã xa lắc xa lơ, từ hồi Unoka còn nhỏ. Lớn lên, ông thành một con
người hư hỏng. Nghèo khổ, vợ con không đủ ăn, bị thiên hạ mỉa mai là biếng nhác
và thề không khi nào cho mượn tiền nữa vì mượn rồi không khi nào trả. Nhưng
Unoka thuộc vào cái hạng người vẫn luôn luôn có cách mượn thêm được, thành thử
số nợ mỗi ngày mỗi chồng chất.
Một hôm, một người hàng xóm tên là Okoye lại chơi. Ông đương ngả mình trên cái
giường bằng đất trong chòi, và thổi sáo, vội nhỏm dậy, nắm chặt bàn tay của
khách. Okoye cắp theo dưới nách một tấm da dê, mở ra trải nó xuống mặt giường
rồi ngồi. Unoka vô phòng trong rồi bưng ra một cái đĩa bằng gỗ đựng một trái
cola [(kola): Một cây cao, lớn, trái quý
và bổ, có chất cà phê.], một chút “ớt” cá sấu và một cục phấn trắng, ngồi
xuống, chìa đĩa ra mời khách:
- Tôi có trái cola đây.
Okoye đẩy cái đĩa về phía chủ nhân, đáp:
- Cảm ơn bác. Tặng cola tức là tặng sinh khí. Nhưng xin để bác đập bể nó mới
phải chứ.
- Không, để xin mời bác.
Họ nhường lẫn nhau như vậy một lát rồi Unoka nhận cái vinh dự đập trái cola.
Trong lúc đó Okoye cầm cục phấn vẽ vài nét trên mặt đất rồi bôi trắng ngón chân
cái của mình.
Unoka vừa đập trái cola vừa khấn ông bà ông vải phù hộ cho được mạnh khỏe, khỏi
bị kẻ thù quấy phá, ăn xong rồi, họ nói với nhau đủ chuyện: về những trận mưa
lũ làm ngập ruộng khoai mài, về lễ tổ tiên sắp tới, về chiến tranh sắp xảy ra
với làng Mbaino. Có chiến tranh thì Unoka khổ tâm lắm, vì tánh hèn nhát, không
dám nhìn máu đổ. Cho nên ông lái qua chuyện khác, nói về âm nhạc, và vẻ mặt tức
thì tươi lên. Ông có thể nghe thấy trong trí óc những âm tiết phức tạp, rộn rã
của chiếc ekwe[2], cây udu[3], chiếc ogène[4],
và có thể nghe thấy tiếng sáo của mình hòa vào từng quãng, làm cho khúc điệu
thêm rực rỡ, ai oán. Xét toàn thể thì bản nhạc có vẻ vui tươi, linh hoạt, nhưng
tách rời tiếng sáo ra, lúc bổng lúc trầm, rồi bỗng ngắt lại, thổn thức, thì có
giọng buồn và đau khổ.
[2]Ekwe: Mõ bằng gỗ.
[3]Udu: Một nhạc cụ.
[4]Ogène: Mõ hay
chuông bằng kim thuộc.
Okoye cũng là một nhạc sĩ, chơi chiếc ogène, nhưng không hư hỏng như Unoka, có
một cái lẫm đầy khoai mài, và ba người vợ. Bây giờ đây, ông ta sắp lên chức Idemili[5],
như vậy là khắp trong miền, chỉ kém có hai người khác. Khao vọng tốn tiền lắm,
có bao nhiêu của cải phải dốc hết vào, vì vậy mà hôm nay lại thăm Unoka. Ông ta
đằng hắng rồi cất tiếng:
- Cảm ơn bác cho ăn cola. Chắc bác đã nghe đồn tôi có ý sắp nhận chức đó chứ.
[5]Idemili: Một
chức cao thứ ba trong làng. Cũng
trỏ một vị thần.
Nói thẳng ra như vậy rồi, Okoye kể ra một hồi năm sáu câu tục ngữ nữa. Bộ lạc
Ibo này trọng nghệ thuật ăn nói và các câu tục ngữ như thứ dầu kè, làm cho trơn
tru câu chuyện. Okoye ăn nói hoạt bát, xoay quanh vấn đề một hồi lâu rồi mới
tiến thẳng vô, xin Unoka trả cho hai trăm vỏ sò đã vay mượn, trên hai năm rồi.
Unoka khi hiểu ý bạn rồi, cất tiếng cười sằng sặc. Cười lớn tiếng một thôi một
hồi, vang như tiếng ogène, cười tới chảy nước mắt. Khách
ngạc nhiên, làm thinh. Sau cùng Unoka mới đáp, mà thỉnh thoảng vẫn không nhịn
được vài tiếng cười giòn. Đưa ngón tay chỉ bức tường xa nhất ở cuối chòi, bức
tường đã được chà láng bóng bằng đất đỏ, Unoka bảo:
- Bác ngó bức tường đó coi, ngó những vạch phấn ở đó.
Okoye nhìn theo, thấy những nhóm vạch dọc, ngắn, vẽ bằng phấn; hết thảy có năm
nhóm, và nhóm nhỏ nhất có mười vạch.
Unoka có khiếu đóng kịch, cố ý ngừng một chút, lấy một nhúm bột thuốc lá đưa
lên mũi hít mạnh, rồi nói tiếp:
- Mỗi nhóm vạch đó là số tiền thiếu một chủ nợ, và cứ một vạch là một trăm vỏ
sò. Bác coi tôi thiếu chủ nợ này một ngàn vỏ sò. Mà ông ta đâu có lại đánh thức
tôi buổi sáng, để đòi nợ. Tôi sẽ trả bác, nhưng xin một ngày khác. Các cụ vẫn
bảo rằng mặt trời chiếu trước vào những người đứng, rồi sau mới chiếu vào những
kẻ quỳ ở dưới chân họ. Tôi sẽ trả trước những món nợ lớn đã.
Nói xong rồi lại lấy một nhúm thuốc hít nữa có vẻ như lấy tiền trả những món nợ
lớn vậy. Okoye cuộn tấm da dê lại, bước ra.
Khi mất, Unoka vẫn chỉ là một kẻ bạch đinh và nợ đìa ra. Vậy thì Okonkwo xấu hổ
vì cha, có gì đâu mà lạ? Cũng may, trong xã hội đó, người ta xét ai theo giá
trị của chính người đó chứ không theo giá trị của ông cha. Ai cũng thấy rõ rằng
Okonkwo sẽ có một sự nghiệp lớn lao. Mới còn trẻ mà đã nổi danh là vô địch về
môn vật trong chín làng. Vào hạng phú nông, có hai lẫm đầy khoai mài, lại mới
cưới người vợ thứ ba. Sau cùng, lại được thêm hai chức phận, và tỏ ra can đảm
phi thường trong hai cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc. Vì vậy, Okonkwo mặc dầu
hồi đó còn trẻ mà đã vào hàng danh vọng nhất trong miền. Dân chúng tuy kính
trọng tuổi tác, nhưng chỉ ngưỡng mộ sự thành công. Các ông già bà cả thường
nói: tuy còn bé mà biết rửa tay thì có thể ngồi ăn chung với các vua chúa.
Okonkwo hiển nhiên là đã rửa tay rồi nên được ăn chung với các vua chúa và các
bô lão. Và khi một làng bên cạnh muốn tránh chiến tranh và đổ máu, đưa một đứa
con trai nhỏ qua làng Umuofia làm vật hi sinh thì Okonkwo được làng giao cho
nhiệm vụ săn sóc nó. Đứa nhỏ xấu số tên là Ikemefuna.