Quê hương tan rã - Phần II - Chương 17
Chương 17
Bốn năm đêm đầu, các nhà truyền giáo ngủ ngay ở sân
chợ, rồi sáng dậy vô làng giảng Phúc Âm. Họ hỏi ai là vua trong làng, người ta
đáp rằng không có vua, mà chỉ có những vị hào mục, các thầy pháp, các bô lão.
Sau sự náo động ngày đầu, không dễ gì mời các vị hào mục và các bô lão tụ họp
lại được. Nhưng các nhà truyền giáo chịu kiên nhẫn và sau cùng được các nhà cầm
quyền trong làng Mbata tiếp đón. Họ xin một khu đất để cất giáo đường.
Thị tộc nào, làng nào cũng có một khu Rừng Ác để chôn những kẻ chết vì “ác
bệnh”, như bệnh cùi, bệnh đậu mùa, mà cũng để chứa chất các ngẫu tượng, bùa
phép của các thầy bùa khi họ chết. Vậy Rừng Ác là nơi của các ma quái rùng rợn.
Các nhà cầm quyền Mbanta cho các nhà truyền giáo một khu rừng như vậy. Không
muốn họ ở trong làng, tưởng cho khu đó thì chỉ có kẻ điên mới nhận.
Khi bàn bạc với nhau, Uchendu bảo các bô lão các hương chức:
- Họ xin một miếng đất để cất đền thờ, thì chúng ta sẽ cho họ một miếng (Cụ
ngừng lại, có tiếng lào xào ngạc nhiên và không tán thành). Chúng ta sẽ cho họ
một miếng đất trong Rừng Ác. Họ khoe rằng thắng được Thần Chết. Chúng ta cho họ
một chiến trường thực sự để xem họ trổ tài.
Mọi người cười và gật đầu, cho mời các nhà truyền giáo lại. Khi bọn này lại, họ
bảo để họ “thì thầm với nhau” một chút. Rồi họ cho bọn truyền giáo một khu lớn
trong Rừng Ác, lớn bao nhiêu tùy ý. Họ ngạc nhiên làm sao khi thấy các nhà
truyền giáo cảm ơn họ rồi vui vẻ ca hát.
Vài bô lão bảo:
- Họ chưa hiểu, nhưng sáng mai, tới khu đất đó họ sẽ hiểu.
Rồi các cụ ra về.
Vậy mà sáng hôm sau, bọn người điên khùng đó bắt đầu dọn dẹp một phần khu rừng
để cất nhà chứ. Dân làng Mbanta chắc chắn chỉ trong bốn ngày bọn họ sẽ chết
hết. Ngày đầu trôi qua, rồi tới ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng trôi qua nữa,
họ vẫn sống nhăn. Mọi người ngạc nhiên vô cùng. Thế này thì ra bùa của người da
trắng có sức mạnh phi thường thật. Người ta bảo họ đeo kính ở mắt thành thử
trông thấy được ma quỷ và nói chuyện được với ma quỷ. Ít lâu sau họ dụ được ba
người theo đạo.
Nwoye đã bị tôn giáo mới quyến rũ ngay từ ngày đầu, nhưng giữ kín trong lòng,
không nói cho ai hay. Nó không dám lại gần các nhà truyền giáo quá, vì sợ cha.
Nhưng mỗi khi bọn đó lại thuyết giáo ở giữa trời, tại sân chợ hay sân chơi của
làng thì Nwoye đều tới nghe. Và nó bắt đầu biết được vài chuyện giản dị bọn đó
kể.
Người thông ngôn tên là Kiaga, bây giờ coi về đoàn thiếu nhi, bảo:
- Chúng tôi đã cất được một giáo đường rồi.
Người da trắng đã trở về Umuofia, nơi đó ông ta lập đại bản dinh, và đều đều
đúng hạn lại thăm giáo đường của Kiaga ở Mbanta.
Kiaga bảo:
- Chúng tôi đã cất được một giáo đường rồi, và muốn rằng từ nay, cứ bảy ngày
một lần, các anh em lại đó phụng thờ đấng Chúa chân chính.
Ngày chủ nhật sau, Nwoye đi qua, đi lại mấy lần trước căn nhà nhỏ bằng đất đỏ,
mái rạ, mà không đủ can đảm để bước vô. Nó nghe thấy tiếng hát ở trong và mặc
dầu chỉ có một nhóm người mà giọng hát cũng vang lên, vui vẻ, tự tín. Giáo
đường cất trên một chỗ rừng thưa hình tròn, tựa như cái miệng há ra của Rừng
Ác. Cái miệng đó sẽ ngậm lại, hai hàm răng phập vào nhau chăng? Đi qua đi lại
mấy lần trước giáo đường rồi Nwoye trở về nhà.
Dân làng Mbanta đều biết rằng thần và tổ tiên của họ đôi khi rất kiên nhẫn, cố
ý để cho một kẻ nào đó tiếp tục khiêu khích mình. Nhưng trong những trường hợp
đó, các vị đã có giới hạn là bảy tuần chợ, tức hai mươi tám ngày. Quá giới hạn
đó, thì không để cho kẻ nào khiêu khích nữa. Vì vậy trong làng, sự xôn xao,
kích thích tăng lên khi gần tới tuần thứ bảy, kể từ khi bọn truyền giáo báng bổ
đó cất xong giáo đường trong Rừng Ác. Dân làng tin chắc thế nào bọn đó cũng bị
thần quật chết, tới nỗi một hai kẻ mới vô đạo, cũng đâm sợ, tạm bỏ tín ngưỡng
mới trong ít lâu.
Sau cùng tới ngày mà tất cả các nhà truyền giáo đáng lí phải chết. Nhưng họ vẫn
sống, lại cất thêm một căn nhà mới bằng đất đỏ, mái rạ, cho ông Kiaga, người
dạy đạo cho hội. Tuần lễ đó, họ dụ thêm một nhóm người vô đạo nữa, và lần đầu
tiên, có được một người đàn bà. Nneka vợ của Amadi một chủ ruộng phong lưu.
Nàng có mang, sắp tới thời sinh đẻ.
Nneka có mang bốn lần rồi, lần nào cũng sanh, nhưng lần nào cũng là những trẻ
sinh đôi, phải liệng bỏ vô rừng tức thì. Chồng và gia đình bên chồng bắt đầu
chê bai nàng dữ dội, nên không rầu rĩ gì lắm khi hay nàng trốn đi theo các
người Ki Tô giáo. Thế là thoát nợ.
Một buổi sáng, Amikwu, em con cô con cậu của Okonkwo, từ làng bên đi về ngang
qua giáo đường thấy Nwoye trong đám tín đồ Ki Tô giáo. Chàng ngạc nhiên lắm, và
về tới nhà rồi, đi thẳng lại chòi của Okonkwo và cho Okonkwo hay. Bọn đàn bà
nổi giận lên, nói này nói nọ, nhưng Okonkwo cứ ngồi yên, chẳng tỏ vẻ xúc động
gì cả.
Xế chiều hôm đó Nwoye mới về nhà, vô obi chào
cha. Okonkwo không đáp. Nwoye quay gót vô nhà trong thì Okonkwo bỗng nổi cơn
điên lên, nhảy phắt tới, túm lấy cổ con, lắp bắp:
- Mày đi đâu về hả?
Nwoye cố vùng vẫy thoát ra cho khỏi bị nghẹt thở.
Okonkwo gầm lên:
- Mày trả lời tao đi, trước khi tao giết mày.
Nwoye đứng trân trân ngó cha, chẳng nói chẳng rằng. Phía ngoài bọn đàn bà la
hét, nhưng không dám vô. Có tiếng ở ngoài trại vọng vô.
- Buông ngay thằng nhỏ đó ra. Điên đấy hả?
Đó là tiếng của Uchendu, cậu của Okonkwo.
Okonkwo không đáp, nhưng buông con ra, nó bỏ ra đi và không bao giờ trở về nữa.
Nó lại giáo đường, nói với ông Kiaga rằng muốn lại Umuofia, nơi mà truyền giáo
da trắng đã mở một lớp dạy các thanh niên Ki Tô giáo tập đọc tập viết.
Ông Kiaga rất đỗi mừng rỡ, tụng câu này: “Kẻ nào quên cha mẹ mà theo ta thì sẽ
được ban phước. Người nào nghe lời ta là cha, mẹ ta.”
Nwoye không hiểu hết lời đó. Nhưng nó mừng được xa cha. Sau này nó sẽ về với mẹ
và các em và sẽ thuyết phục họ theo tôn giáo mới.
Đêm đó, Okonkwo ngồi trong chòi, mắt mông lung nhìn ngọn lửa củi, mà nhớ lại
chuyện đó. Ông lại nổi giận đùng đùng, muốn vác cái rựa lại giáo đường, quét
sạch cái bọn báng bổ thần thánh đê tiện đó. Nhưng suy đi nghĩ lại, ông cho rằng
Nwoye không đáng cho ông đánh nhau với tụi kia vì nó. Ông rên rỉ trong lòng:
tại sao các thần linh lại bắt chính ông, Okonkwo chứ không phải một người nào
khác, phải cái tội có một đứa con trai như vậy? Rõ ràng là tại thần bổn mạng
của ông rồi. Nếu không thì làm sao giảng được tai họa của ông, phải xa quê mà
bị đày lại đây, rồi bây giờ đứa con trai khốn nạn đó lại đổ đốn như vậy. Bây
giờ có thì giờ suy nghĩ, ông càng thấy tội của nó lớn quá: bỏ những thần của
ông cha mà đi theo cái bọn đàn ông mà như đàn bà, cục tác như những con gà mái
già kia, thật là nhơ nhuốc, khả ố đến cùng cực. Thử tưởng tượng khi ông mất đi,
bao nhiêu đứa con trai của ông theo cái thằng khốn kiếp Nwoye đó mà bỏ ông bà
ông vải! Nghĩ tới đó Okonkwo thấy ớn lạnh cùng mình, như sẽ bị tuyệt diệt vậy.
Ông thấy mình và ông cha mình đứng túm tụm chung quanh bàn thờ, đợi con cháu
cúng lễ mà chẳng thấy gì cả, chỉ thấy tro tàn của thời trước, trong khi đó các
con ông đương khấn vái Chúa của người da trắng. Nếu sự đó mà xảy ra thì ông,
Okonkwo, sẽ quét sạch chúng cho khỏi ô uế mặt đất này.
Trong làng người ta thường gọi Okonkwo là “ngọn lửa bừng bừng”. Ngồi nhìn ngọn
lửa, ông sực nhớ tới tên đó. Ông là ngọn lửa bừng bừng. Làm sao lại có thể sinh
một đứa con trai đồi trụy, nhu nhược như thằng Nwoye đó? Có lẽ nó không phải là
con ông chăng? Không! Nó không thể là con ông được. Vợ ông đã ngoại tình. Phải
cho mụ đó biết tay ông mới được! Nhưng Nwoye giống ông nội nó, Unoka mà.
Okonkwo gạt bỏ ý đó đi. Ông, Okonkwo, được người ta gọi là ngọn lửa bừng bừng.
Làm sao lại có thể sanh một đứa con trai mà là đàn bà? Ở cái tuổi của nó ông đã
nổi danh khắp Umuofia nhờ can đảm, thắng các cuộc đấu vật.
Ông thở dài và như để tỏ tình thương hại ông, khúc cây đỏ rực cũng xèo xèo thở
dài. Tức thì Okonkwo mở mắt ra, hiểu rõ cả rồi. Ngọn lửa bừng bừng kia cháy rồi
thành tro lạnh, vô lực. Ông lại thở dài nữa, não ruột.