Quê hương tan rã - Phần III - Chương 20
Phần III – Chương 20
Bảy năm xa thị tộc quả là một thời gian dài đằng đẵng. Chỗ của ta đâu có ở
đó mà đợi ta. Khi ta đi thì có người khác đứng dậy tới chiếm liền. Thị tộc như
một con rắn mối, hễ cụt đuôi thì mọc ra khúc đuôi khác liền.
Okonkwo biết như vậy. Ông biết rằng đã mất chỗ trong đám chín hồn thiêng đeo
mặt nạ xử kiện trong thị tộc. Mất cơ hội chỉ huy thị tộc hiếu chiến của ông để
tấn công tôn giáo mới đã bành trướng, theo lời người ta nói. Đã mất mấy năm nếu
không thì đã có thể lên được những cái chức vị cao nhất trong thị tộc. Nhưng có
vài cái mất mát có thể vãn hồi lại được. Lần hồi hương này phải rực rỡ, làm cho
cả dân làng chú ý tới, và ông sẽ ráng gỡ lại bảy năm đã bỏ phí.
Ngay từ năm đầu bị đày ở quê ngoại, ông đã chuẩn bị cho cuộc hành hương này
rồi. Việc đầu tiên ông sẽ làm là xây dựng lại dinh cơ cho lộng lẫy hơn. Ông sẽ
cất một cái lẫm lớn hơn trước, cất thêm chòi cho hai người vợ mới cưới nữa. Rồi
ông sẽ tập cho các con trai vô đoàn ozo để
cho thiên hạ thấy cảnh phú quí của ông. Chỉ những người thực sang trọng trong
thị tộc mới làm được như vậy. Dân làng sẽ kính trọng ông, ông sẽ nhận chức cao
nhất trong miền, điều đó ông tin chắc rồi.
Trong mấy năm lưu đày, càng ngày ông càng thấy rằng thần bổn mạng của ông có
thể đền bù cho ông tai họa trước kia. Khoai mài của ông tăng lên nhiều, chẳng
những tại quê ngoại, ngay cả ở Umuofia nữa vì ở đó, bạn thân của ông vẫn mỗi
năm phân phát cho người ta làm rẽ.
Rồi xảy ra chuyện đau lòng về đứa con trai lớn. Mới đầu, ông tưởng không đủ can
đảm để chịu nổi, nhưng ông vẫn kiên nhẫn, rốt cuộc thắng được nỗi khổ tâm. Còn
năm người con trai nữa, ông sẽ dạy chúng theo tục của thị tộc.
Ông cho kêu năm người con trai đó lại obi ngồi
gần ông, đứa nhỏ nhất mới bốn tuổi và ông bảo:
- Các con đã thấy cái tội của thằng anh các con đấy. Từ nay nó không còn là con
của cha nữa, cũng không còn là anh của các con nữa. Cha muốn rằng con trai của
cha thì phải là hạng nam nhi, hiên ngang đi trong đám dân chúng. Nếu các con có
đứa nào muốn làm đàn bà thì nó nên đi theo thằng Nwoye ngay bây giờ để cha có
thể nguyền rủa nó khi cha còn sống. Khi cha chết rồi mà các con phản lại cha
thì cha sẽ hiện hồn về bẻ cổ đấy.
Okonkwo rất mừng về phía các con gái, luôn luôn tiếc rằng Ezinma không phải là
con trai. Trong đám con, chỉ có một mình nó là hiểu được tính tình ông. Tình
thiện cảm giữa hai cha con càng ngày càng tăng.
Ezinma đã lớn rồi và thành một thiếu nữ đẹp nhất ở Mbanta, bên quê ngoại. Người
ta gọi em là “Thủy tinh đẹp”, như hồi xưa người ta gọi má em. Đứa nhỏ hồi xưa
hay đau ốm thường làm cho mẹ lo lắng khổ sở, nay đã biến đổi một cách gần như
đột ngột, thành một thiếu nữ dồi dào sinh lực, vui vẻ, hoạt bát. Cũng có lúc nàng
rầu rĩ, ăn nói dấm dẳng với mọi người, như một con chó muốn cắn ai vậy. Lâu lâu
nàng trái tính như vậy, mà chẳng hiểu tại đâu. Nhưng những lúc đó rất hiếm mà
chỉ một lát là qua; và trong khi gắt gỏng quạu cọ, người duy nhất nàng chịu
được là cha nàng.
Nhiều thanh niên và phú gia đứng tuổi lại cầu thân với nàng. Nàng từ chối hết
vì nghe lời cha. Buổi tối đó, cha nàng kêu nàng vô bảo:
- Ở đây có nhiều người đàng hoàng và giàu có, nhưng cha muốn rằng khi nào chúng
mình về quê nội ở Umuofia rồi con hãy lấy chồng.
Ông không nói thêm gì nữa. Nhưng Ezinma hiểu rõ ý nghĩ của ông và đoán được câu
đó ngầm chứa những gì rồi. Và nàng đồng ý với cha.
Okonkwo nói thêm:
- Em con, Obiageli không hiểu được cha đâu. Con giảng cho nó nghe.
Tuổi tuy suýt soát nhau, nhưng Ezinma có ảnh hưởng lớn tới Obiageli. Nàng giảng
cho em hiểu tại sao chưa nên có chồng vội và Obiageli cũng nhận là phải. Vì vậy
cả hai đều từ chối những đám cầu hôn ở Mbanta.
Okonkwo nghĩ bụng: “Phải chi nó là con trai”. Cái gì, nàng cũng hiểu rõ. Có người
con nào khác của ông đoán được ý của ông như nàng đâu. Có hai người con gái
diễm lệ tới tuổi gả chồng, thì lần này về Umuofia, tất được mọi người chú ý
tới. Những con rể tương lai của ông sẽ là những người có quyền thế trong thị
tộc. Bọn nghèo và vô danh tiểu tốt đâu dám bén mảng tới.
Umuofia đã hoàn toàn thay đổi trong bảy năm Okonkwo xa quê hương. Giáo hội đã
tới và làm cho nhiều kẻ lầm đường lạc lối. Không phải chỉ riêng những kẻ tầm
thường và bọn tiện dân osu, mà còn có cả một vài người có danh
vọng theo tôn giáo mới nữa. Tức như trường hợp của Ogbuefi Ugonna đã có được
hai chức vị trong làng rồi mà cũng như một thằng điên, cắt đứt cái vòng chức
phận ở cổ chân rồi liệng đi để nhập bọn theo Ki Tô giáo. Nhà truyền giáo da
trắng vinh hạnh về ông ta lắm và ông ta là một trong những người đầu tiên ở
Umuofia được nhận phép ban Thánh Thể, mà người Ibo gọi là Bữa Thánh. Ogbuefi
Ugonna tưởng bữa đó sẽ được ăn uống và chỉ khác các bữa tiệc ở làng là có tính
cách thiêng liêng hơn thế thôi. Vì vậy ông ta bỏ cái sừng uống rượu vào trong
cái đẫy bằng da dê để tới giáo đường.
Nhưng ngoài giáo đường ra, người da trắng còn lập một chính phủ nữa, dựng một
tòa án, cho Ủy viên của khu xử án mặc dầu chẳng biết chút gì. Có bọn sứ giả của
Triều đình bắt phạm nhân tới xử. Nhiều sứ giả từ Umuru lại; Umuru ở trên bờ con
Sông Cái, là nơi mà người da trắng tới đóng trước hết, đã lâu rồi, thành lập
trung tâm tôn giáo, thương mại và chính quyền của họ. Dân chúng Umuofia ghét
cay ghét đắng bọn sứ giả đó vì họ đã là ngoại nhân, mà lại vênh váo tàn bạo.
Người ta gọi họ là bọn kotma[37] vì họ bận quần cụt màu tro, và họ còn
có thêm cái tên là Đít-màu-tro nữa. Họ gác khám đường chật ních những người vi
phạm pháp luật của người da trắng, chẳng hạn như đã liệng những trẻ sinh đôi
vào rừng, hoặc ức hiếp các người theo đạo Ki Tô. Bọn kotma
đánh đập những phạm nhân đó, bắt họ làm việc mỗi buổi sáng: quét dọn khu
vực của chính quyền, kiếm củi cho Ủy viên da trắng và các sứ giả Triều đình
(Anh). Trong số phạm nhân có vài người có chức tước, đáng lẽ không phải làm
những công việc đê tiện đó, sinh lòng oán hận, và than thở rằng phải bỏ công
việc đồng áng. Bọn trẻ vừa phát cỏ buổi sáng bằng chiếc rựa vừa hát theo nhịp:
Thằng kotma có đít màu tro,
Chỉ đáng làm tên nô lệ.
Thằng da trắng chẳng biết cóc khô.
Chỉ đáng làm tên nô lệ.
[37]Kotma: Bọn sứ giả triều đình Anh, như
tụi mã tà ở ta thời Pháp thuộc.
Bọn sứ giả Triều đình
không thích cái tên Đít-màu-tro nên đánh đập họ. Nhưng bài hát cũng lan khắp
Umuofia.
Okonkwo rầu rĩ cúi đầu nghe Obierika kể lại những chuyện đó, rồi nói mà gần như
tự hỏi mình:
- Có lẽ tôi xa quê lâu quá. Nhưng tôi không làm sao hiểu được những điều anh
nói đó. Dân tộc mình ra sao vậy? Tại sao mà mất tinh thần chiến đấu đi?
Obierika hỏi:
- Anh không nghe nói người da trắng đã san phẳng Abame ra sao ư?
Okonkwo đáp:
- Có, tôi được nghe, nhưng tôi cũng nghe nói rằng dân Abame nhu nhược và ngu
ngốc. Tại sao họ không chống cự lại? Họ không có súng và rựa ư? Chúng ta mà tự
so sánh với tụi Abame thì chẳng hóa ra hèn nhát ư? Ông cha họ đâu dám chống lại
ông cha chúng ta. Chúng ta phải đánh đuổi tụi ngoại nhân đó ra khỏi xứ mới
được.
Obierika rầu rĩ đáp:
- Trễ quá rồi. Người của chúng ta, cả con cái chúng ta cũng đi theo phe ngoại
nhân rồi. Họ theo tôn giáo của chúng và giúp chúng duy trì chính phủ chúng lập
nên. Nếu chỉ đuổi người da trắng ra khỏi Umuofia thì là việc dễ. Chỉ có hai
đứa. Nhưng còn những người làng đã theo tục lệ của chúng và được chúng giao cho
quyền hành? Họ sẽ lại Umuru và dắt lính tráng lại, và chúng ta sẽ như Abame
thôi. (Ông ngừng lại một lát rồi nói thêm): Lần cuối cùng tôi lại thăm anh ở
Mbanta, tôi đã kể cho anh nghe chúng treo cổ Aneto ra sao rồi.
Okonkwo hỏi:
- Thế rồi vụ tranh kiện miếng đất đó ra sao?
- Nnama đã tặng nhiều tiền hơn cho bọn sứ giả và cho tên thông ngôn của người
da trắng nên tòa án của tụi đó đã xử cho Nnama thắng, miếng đất phải trả về cho
gia đình Nnama.
- Người da trắng có hiểu tục lệ về đất cát của ta không?
- Làm sao họ hiểu được, ngay ngôn ngữ của mình họ cũng không biết. Nhưng họ chê
phong tục của chúng ta bậy bạ; mà chính những anh em của chúng ta theo tôn giáo
họ rồi cũng chê phong tục của chúng ta bậy bạ. Anh nghĩ coi, làm sao chúng mình
có thể chiến đấu được khi mà chính anh em chúng ta cũng chống lại chúng ta?
Thằng da trắng quỷ quyệt lắm. Chúng ta thấy nó ngu ngốc mà cười và cho phép nó
ở. Bây giờ nó đã chinh phục được anh em của chúng ta và thị tộc không còn đoàn
kết như một người để hành động nữa. Nó đã cắt những dây kết chặt chúng ta với
nhau và chúng ta đã tan rã.
Okonkwo hỏi:
- Chúng làm cách nào mà bắt rồi treo cổ Aneto được?
- Trong cuộc tranh giành đất cát, Aneto giết Oduche rồi trốn lại Aninta để khỏi
bị Thổ Thần trừng trị. Việc đó xảy ra khoảng tám ngày sau cuộc chém lộn, vì
Oduche bị thương nhưng chưa chết ngay, bảy ngày sau mới chết. Nhưng mọi người
đều biết thế nào hắn cũng chết, và Aneto thu thập của cải đồ đạc, chuẩn bị để
trốn. Nhưng tụi theo Ki Tô giáo cho thằng da trắng hay và thằng da trắng phái
bọn kotma lại bắt Aneto.
Nó giam Aneto và tất cả những người lớn trong gia đình Aneto. Sau cùng, Oduche
chết, Aneto bị tụi nó đưa lại Umuru và treo cổ ở đó. Còn những người kia được
thả ra, nhưng tới nay họ vẫn chưa hoàn hồn, để kể nỗi đau khổ của họ được.
Obierika nói xong, hai người ngồi làm thinh một lúc lâu.