Phần Hồn - Chương 14 - Phần 2

Ông Hai Rỡ chứng kiến sự cởi mở của các con với thằng Út, cảm thấy đến lúc nói được điều từ mấy năm nay, ông muốn nói. Gần hai chục năm qua, hết “triều” Ba Bá sang “triều” Hai Vương, Năm Thiên, ông như người thừa, bị bỏ rơi trong ngôi nhà do chính mình gây dựng. Là người lỗi thời, tàn phế theo mọi nghĩa trong cả hai “triều” đó, rút cuộc chỉ có thằng Út chí tình, chí nghĩa bên ông những lúc tắt lửa tối đèn, chỉ mình nó cơm bưng nước rót những lúc ông ốm đau bệnh tật. Cuối cùng, nó, đứa con ông thù ghét nhất, lại là niềm yêu thương duy nhất còn sót lại trong con tim khô cằn của ông, kèm theo niềm ân hận cay đắng. Buổi tối, sau bữa cơm đầu tiên có mặt đủ các con, điều mà suốt bảy năm, kể từ ngày Hai Vương trở về, chưa một lần lặp lại, có ly rượu đưa đà, ông Hai Rỡ bùi ngùi nói:

- Các con ạ. Thường ở đời, người già khi đau buồn nặng trĩu, là lúc sắp đi, nhưng mấy hôm nay, ba nhẹ nhõm trong lòng, lại thấy như ngày ra đi của mình tới gần. - Giọng ông chậm rãi, trang trọng. - Kể từ khi trở thành phế nhân trong cái nhà này, ba làm ít nhưng nghĩ nhiều. Nghĩ lại về đời mình. Về riêng mình, ba có sai lầm lớn nhất là hồi trẻ, lẽ ra thấy gia cảnh mình nghèo phải chí cốt làm ăn để có của ăn của để, ba lại hăm hở đi làm tướng cướp. Do bất bình với những chuyện người giàu người nghèo, ba tập hợp những người cùng tâm trạng đi cướp của người giàu chia cho người nghèo. Người đời một thời ca ngợi ba là anh hùng nghĩa hiệp. Về sau, bị chính quyền truy lùng riết quá, mặt khác, cũng nản lòng khi thấy mình tâm huyết đến mấy, can trường đến mấy, xã hội cũng không hết bất công, chẳng khác gì mình đang làm chuyện bà Nữ Oa đội đá vá trời. Ba đưa cả nhà lên Lộc Ninh làm rẫy, nuôi bò, với hi vọng làm lại từ đầu, an cư lạc nghiệp. Chính những ngày này, nhiều đêm nằm ngủ, ba rùng mình toát hết mồ hôi khi chợt nghĩ: mình đang vắt óc làm giàu, cớ gì lại có thời mình hăng hái say mê với việc cướp đoạt tài sản của những người như mình? Ba hoảng sợ, nhìn nhận lại từng vụ cướp đã xảy ra trong đời dao súng. Có những tên nhà giàu bán nước hại dân, có những tên nhà giàu tàn ác cướp bóc mồ hôi nước mắt của người nghèo, có những tên nhà giàu hội đủ mọi thói xấu đê tiện, hoang dâm vô độ. Nhưng cũng có những người giàu cao thượng, nhân từ đức độ. Họ cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt. Họ phải nặn đầu bóp óc ngày đêm mới ra được đồng tiền, hạt gạo. Ba gộp chung tất cả vào một hạng. Cướp hết. Bọn giàu đều có chung một tội: Tại sao bao nhiêu người nghèo cực khổ, các ngươi lại được sung sướng? Nhưng thường khi tính toán đi cướp, bọn giàu tàn ác, buôn dân bán nước, dân tình thù oán, lại có nhiều vây cánh và thế lực, nhất là thế lực chính quyền nên mình ít khi dám đánh, mà có đánh thì bại nhiều hơn thắng. Nên hầu hết các vụ đánh cướp chỉ nhằm vào những nhà giàu lương thiện vì họ thường thân cô thế cố, do có lòng tự trọng, họ không làm chính trị, không xu phụ chính quyền, không vây cánh quyền lực, chỉ chí thú vào chuyện làm giàu, nên đánh họ lúc nào chắc thắng lúc đó. Bọn giàu tàn ác thường làm ngơ và cũng mong, thậm chí còn khuyến khích mình triệt hạ số giàu này vì chúng không muốn những người lương thiện này vượt lên. Thế là mục đính hành động san bằng bất công của ba thực chất chẳng làm bong nổi vẩy chân bọn xấu lại còn tiếp tay chúng dồn núi oan, sông oán lên đầu người tốt. Còn về chuyện đem của cải cướp được chia cho người nghèo, ba không nhớ được hết những ai chịu ơn ba nhưng ở vài trăm gia đình bà con từng nhận sự san sẻ của ba, là người gần gũi, ba thấy chỉ vài người nhờ có vốn mà ăn nên làm ra, còn hầu hết nghèo vẫn hoàn nghèo, do vẫn chịu đựng bất công cũng có, do đầu óc tối tăm cũng có, do bóc ngắn cắn dài, có được của trời cho tiêu xài vô lối, nhậu nhẹt đánh bạc đến hết sạch cả đồng xu cuối cùng, chưa kể một số nhận được đồng tiền không phải từ mồ hôi nước mắt mình bỏ ra, lại biết đó là đồng tiền kẻ cướp, họ sinh ra hành vi tội ác truyền sang tận đời con, đời cháu. Hóa ra, nghèo cũng năm bảy hạng nghèo... Ngay trong đám cướp của ba cũng năm bảy hạng. Chẳng phải ai cũng từ lòng cao thượng anh hùng nghĩa hiệp, ba biết từ đầu, nhưng mình cần lực lượng nên làm ngơ, chứa chấp trong hàng ngũ mình đủ loại quái thai, ác quỷ. - Hai Rỡ thở hắt. - Đến đây chắc các con hiểu ra sự thật vì sao ba bỏ nghề ăn cướp. Nhưng đã quá muộn. Có thể đời đã tha thứ cho ba, nhưng trời vẫn phạt ba. Chính các con chứ không phải ai đã thay nhau bắt cha phải chịu những hình phạt của trời. Đó là lý do tại sao từ một người ngang tàng nóng nảy, bất chấp cái chết, ba bỗng trở nên kẻ nhẫn nại, nhu nhược, hèn mọn. Cái gia đình và gia tài ba cố công gây dựng bao nhiêu năm đang suy sụp tiêu điều, có lúc tưởng hết cơ cứu vãn. Đó cũng là trừng phạt của trời. - Đôi mắt bạc nhược của con người một thời ngang dọc rưng rưng. - Trời đã bắt mẹ các con đi sớm, trời cũng bắt đi thằng Sáu, trời hành ba làm những điều tội lỗi, trong đó có chuyện con Tư phải chết oan nghiệt. Đời ba gieo nên gió, giờ ba phải gặt bão. Đau đớn mấy cũng là xong một đời. Những chuyện tội lỗi không còn khả năng nào gột rửa, ba đành ngậm đắng nơi suối vàng, còn duy nhất một chuyện có thể sửa chữa, đó là chuyện thằng Út... Út đâu rồi con?

Út bỗng thấy người rét run như rẽ. Trong khi mặt Ba Bá rắn sắt lại.

Ông Hai Rỡ lặng đi một lúc lấy hơi rồi tiếp tục nói:

- Nhắc đến chuyện này, trước hết ba xin các con. Đặc biệt là Ba Bá, tha thứ cho ba. Ba tuy ít chữ nghĩa, nhưng không phải không biết những điều tối thiểu trong luân thường đạo lý. Không phải đến khi thằng Ba từ mặt trận trở về, ba mới đau đớn mà từ khi bị thằng Út phát hiện, ba vô cùng nhục nhã, nhiều lúc ba định chết.

Ba Bá nhăn mặt:

- Sao không dám chết?

Hai Rỡ mệt nhọc xua tay:

- Đừng cắt ngang. Cứ để ba nói hết. Ba dám nói thẳng mọi điều từ hôm nay, có nghĩa nếu các con muốn ba chết ngay lúc này, ba cũng không tiếc cuộc sống thêm một giây nào nữa. Nhưng lúc đó, ba không đủ can đảm để chết. Phần vì sau khi cái lý tưởng của một thời dao súng anh hùng nghĩa hiệp hòng san bằng mọi bất công xã hội, coi cái chết nhẹ như lông hồng không còn, ba cũng hèn nhát như mọi kẻ hèn nhát khác, phần vì ba vẫn làm chủ gia đình. Từ bỏ uy quyền, dù chỉ là mảnh quyền uy nhỏ nhoi trong một gia đình, còn khó hơn mười lần từ bỏ cuộc sống, các con ạ. Cái máu quyền uy gia trưởng đã cho ba ảo tưởng có thể dùng áp lực lấp liếm những sự thật bẩn thỉu nơi mình, để tiếp tục nuôi sống quyền uy, nên ba vẫn không dám chết... Chính vì vậy, ba căm thù thằng Út. Nó là đứa duy nhất trong nhà chứng kiến tội lỗi tày trời của ba. Ngay khi nhận ra điều đó, ba đã đánh nó như đánh kẻ tử thù, bằng bản năng nổi dậy của một tướng cướp. Chỉ vì nó vẫn là đứa con mình dứt ruột đẻ ra, nên ba không thể giết nó. Nó vẫn tiếp tục sống trong nhà như cái gai đâm vào mắt ba. Nó tạo nên cho ba nỗi lo sợ thường xuyên. Cứ mỗi ngày thấy nó là vết thương tội lỗi lại đau buốt. Thế là sau khi nó từ bệnh viện trở về, ba đã gán cho nó bệnh khùng... - Ông Hai Rỡ nghẹn ngào: - Ba là người đầu tiên gọi nó là thằng khùng. Lời nói của thằng khùng dù đúng đến đâu cũng không ai tin... Thực ra, nó không hề khùng... Từ đó, nó phải sống theo đời sống thằng khùng, một loại người phế phẩm. Ba tưởng làm vậy, mình sẽ sống nhẹ nhõm khi sự thật tội lỗi được bao phủ, nhưng ba đã lầm lỗi thêm lần nữa, khi nhận ra càng lớn thằng Út càng như thằng khùng thật. Ba đã phạm thêm tội chôn sống đứa con mình. Che giấu tội lỗi này bằng cách phạm thêm tội lỗi khác tày đình hơn, âu cũng là nhân quả của một đời tội ác. Lẽ ra chân thành phục thiện, ba lại che giấu sự thật, ngụy biện cho tội ác.

Hai Vương sốt ruột:

- Tóm lại, ba muốn gì? Cứ nói thẳng, khỏi móc người này, người nọ.

Đôi mắt lời đờ bạc nhược của Hai Rỡ ngước về phía Hai Vương:

- Chưa lúc nào ba thành khẩn bằng lúc này. Người sắp chết không bao giờ muốn phật lòng ai, làm sao ba còn ham móc máy để rồi sẽ có một đứa con không giỏ lệ bên thây ma của mình. Ba nói về chính mình, những điều sám hối của riêng ba, mà ba còn sợ không đủ thời gian, con ạ. - Ông thở dài nặng nề: - Nguyện vọng cuối cùng của ba trước khi chết là mong những ngày cuối đời được thấy các con không còn nhìn Út là một thằng khùng nữa. Năm nay, hai mươi nhăm tuổi, nghĩa là đã mười lăm năm nó phải chịu khinh miệt và sống kiếp bệnh tật mà nó không có. Không phải chỉ riêng ba biết nó là người bình thường. Suốt mười lăm năm qua, các con cũng đã chứng kiến ở Út những hành động mà người khùng không thể có, những người bình thường nhưng nông cạn, kém hiểu biết, thiếu bản lãnh, cũng không thể hành động. Chính thằng Út đã cứu chị Tư nó trong vụ thầy Tám thú y. Chính thằng Út đã cản trở cơn nóng nảy của thằng Ba khi Ba suýt gây án mạng với ba. Không phải tự nhiên khi chúng ta ruồng rẫy nó, thầy Tám thú y, người bị nó chém suýt chết lại lấy nó làm đệ tử ruột suốt bốn năm năm. Chính nó đã cản trở quyết liệt khiến thằng Hai và thằng Năm không bán hết đàn bò để sau khi vỡ nợ vụ nuôi heo và cá trê phi, còn có cái vốn sinh ra lãi mà trả nợ, và nảy ra đàn bò đông đúc bây giờ. Ai làm ra những của cải đó? Chỉ một tay thằng Út. Thằng Út đã sống như thế, hành động như thế, mà sao các con cũng không thừa nhận nó là người tỉnh táo? Các con ạ. Ba kể ra mọi chuyện chỉ bởi người đời bây giờ không mấy ai chịu thừa nhận người khác hơn mình biết rõ tim đen mình. Ba là một người trong đó. Ba cũng kể để các con tin lời ba nói không chỉ xuất phát từ lòng sám hối của riêng ba mà muốn cùng các con xác nhận sự thật. Chính thằng Út suốt mười lăm năm bị coi là thằng khùng, nó vẫn luôn cao cả và sáng suốt, tự chứng tỏ mình lành mạnh.

Hai Vương làu bàu:

- Tóm lại, lập trường của ba là xóa án cho nó. Ba nói tiếp hướng giải quyết đi.

Hai Rỡ chữa lại:

- Không phải vụ án. Nhưng nếu đã nói vậy thì phải nói thằng Út trắng án.

- Ừ thì trắng. - Hai Vương miễn cưỡng. - Ba còn muốn gì nữa?

- Đời ba có nhiều sai lầm. - Ông Hai Rỡ nói tiếp. - Nhưng bản chất các con thì ba không hiểu sai đứa nào bao giờ. Dùng sai thì có chứ hiểu sai thì không. Bởi vậy, ba muốn từ nay, sau khi thằng Út được cả nhà nhìn nhận là người bình thường, một đứa có công gánh vác, cấp cứu gia đình trong lúc mấp mé bờ vực phá sản, thì tài sản trong nhà, gồm đàn bò và đất, chia đều ra để đứa nào sống trên đất đứa đó, không lệ thuộc vào ai, cũng không ai giành giật, quản lý ai.

Hai Vương cười hềnh hệch:

- Giải tán hả? Cái đó không thể được. Tôi với thằng Năm còn đang công tác, nhận đất để bỏ hoang à? Còn mấy con bò, chia cho tôi, ai trông? Bán lấy tiền, ba lại giận. Tôi đảm bảo với ba, từ nay, thằng Út sẽ không bị coi là khùng. Tôi hỏi mọi người ở đây, có phải từ ngày đầu giải phóng, không cần biết sự thật ba vừa nói, chính tôi đã khởi xướng việc xóa sự phân biệt, và phục hồi nhân phẩm cho thằng Út không? - Gã đứng dậy, trịnh trọng chìa tay cho Út bắt. - Anh mừng chú được ba nhìn nhận ra một con người. - Gã nói với cha. - Còn chuyện giải tán gia đình rõ ràng là biểu hiện tiêu cực, là đi thụt lùi, không được đâu, ba ạ.

Năm Thiên sụt sịt ợ lẫn tiếng nấc toàn mùi bia rượu:

- Nghe ba thổ lộ, con mới hiểu được hết lòng ba. Con thiệt không cầm nổi nước mắt. Lời tâm sự của ba không chỉ là tâm huyết mà còn là định hướng đổi mới có tính cách mạng, có tầm lịch sử... Con rất tán thành. Nhưng con thấy đổi mới vẫn phải trên cái nền cũ. Nếu không, bao nhiêu công lao gây dựng trại bò của ba bị xóa sạch. Còn về phần con, đúng như anh Hai nói, chúng con đang làm cán bộ Nhà nước... Có thể sẽ thực hiện ý ba về việc chia tài sản vào lúc nào hợp lý hơn...

Ba Bá lầm bầm nói:

- Đàn bò không thể chia. Sau này, chuyện chăn nuôi mở mang vẫn cần đất để làm thêm chuồng trại nên đất cũng không chia được. Nhưng phần vườn phía hông chuồng bò, đất còn rộng, ai muốn xây nhà, sẽ cắt đất ở đó ra. Phải giữ đàn bò, kinh tế gia đình mới có thể phồn thịnh, không tan rã. Còn vụ thằng Út, ba khỏi lo.

Bảy Thiện chỉ toét miệng cười với vẻ ngây thơ con trẻ. Thằng Út không nói gì. Nghe cha công khai giãi bày mọi chuyện nó chỉ thấy thương cha. Còn phần mình, nó lo hơn là mừng. Nó đã quen sống như một thằng khùng. Mọi sự phân biệt, ruồng rẫy, miệt thị, chửi rủa, châm chọc, thậm chí là đánh đập tàn nhẫn, đã từ lâu không làm nó tự ái, ấm ức, đến mức nếu như giờ đây, thường ngày thay vì bị khinh rẻ, ngược đãi, ai đấy trong nhà chuyển sang quý mến tôn trọng, nó cảm thấy lo sợ, cảnh giác. Bị coi là hạng bỏ đi, nó sẽ không có ai để tâm đố kỵ, đề phòng. Nó hiểu quá các anh, những người “tỉnh táo”, sống với nhau như thế nào. Bề ngoài, dường như ai nấy thuận hòa, cùng tôn trọng nền nếp truyền thống nào đó, nhưng hễ chạm vào quyền lợi và quyền lực, không người nào chịu để người kia đứng hơn mình. Từ nay, được xếp vào hạng người tỉnh táo, cũng tức là phải trút bỏ bộ áo giáp khùng vẫn bảo vệ hữu hiệu nó bao nhiêu năm qua, để sống trần trụi giữa lũ anh. Và nó hiểu sự tỉnh táo còn non nớt của nó sẽ sớm bẹp dí dưới những gót sắt ganh đua quyền lực trong nhà. Để thoát khỏi tương lai đen tối đó, nó rất tán thành việc chia đều tài sản. Cha nó đã nhìn trước mọi điều. Chỉ một mình, một mái nhà, một mảnh đất và đàn bò, nó mới có đời sống thật sự của người tỉnh táo. Nhưng nó không dám nói điều trái ý các anh. Nó đang yếm thế, lẻ loi. Và thói quen nhẫn nhục của thằng khùng còn quá nặng nề vẫn bắt nó phải câm nín.

Nó nhìn vào mắt cha bằng những tín hiệu cầu khẩn ông hãy kiên quyết với quan điểm của mình.

Nhưng Hai Rỡ đã không nhận ra những truyền cảm từ Út. Ông cũng chưa quen nhìn nhận nó như người tỉnh táo nên không đọc được ở đôi mắt nó điều gì khác hơn vẻ khờ dại. Mặt khác, mọi lời sám hối thống thiết từ ông cũng chỉ là những tự khẩn nhằm giải thoát tâm hồn u tối của mình chứ chưa tới điều kiện kiên quyết đủ để thay đổi tương quan lực lượng giữa người cha tội lỗi, thất thế, bất lực trước lũ con đầy tham vọng và định kiến. Thấy đa số phản đối việc chia tài sản, ông ngậm ngùi im lặng như thừa nhận đề xuất của mình là không đúng.

Hồi lâu, ông lo lắng vớt vát:

- Nhưng chuyện thằng Út, các con có tán thành ý ba? Nếu tán thành, trước khi chết, ba muốn nhìn thấy nó có được người vợ và một mái nhà riêng. Nó xứng đáng được hưởng...

- Cái đó ba khỏi lo. - Hai Vương nói. - Quanh đây thiếu gì nhà có con gái khỏe mạnh, nết na, gia đình thành phần cơ bản.

- Chuyện làm nhà dễ ợt à. Ba đi thì cho vợ chồng nó ở ngôi nhà này. Còn thích nhà mới, con kêu thợ đến làm, vật liệu, vật tư, con nói mấy đứa ở công ty con lo hết. - Năm Thiên thân mật vỗ vai Út. - Chuẩn bị lấy vợ nghe Khùng... À... - Năm vội chữa lại. - ... Nghe Út.

Ông Hai Rỡ đưa mắt qua Ba Bá gửi gắm điều mình trông đợi:

- Con hãy lo cho thằng Út.

Ba Bá lầm bầm:

- Nó sẽ được như ý ba muốn. Nó không khùng thì khỏi sợ gái chê.

Thằng Út nhếch miệng khờ khạo. Chính nó cũng không hiểu đó là biểu lộ sự vui mừng của người tỉnh táo hay nỗi vô tâm của thằng khùng.

Nó chưa quen nhận lòng tốt của mọi người. Nhà ư? Vợ ư? Đời sống của một thằng khùng chưa bao giờ nảy ra trong nó những nhu cầu ấy.

Nó lại nhếch miệng vu vơ.