Phần Hồn - Chương 15 - Phần 1

15.

Hắn từ nhà nàng ra về.

Đây là lần thứ năm hắn đến. Vẫn Huy đón. Sau một ngày ở chơi với nàng, Huy lại chở hắn về. Khác với bốn lần trước, lần này hắn buồn và chán nản, thứ cảm giác từ lâu không còn có trong hắn. Kể từ khi bị gọi là thằng Khùng, rồi sống như thằng khùng, phần hồn bị xô dạt từ phía loài người sang phía loài vật, không còn một kích thích đời thường nào có thể làm tâm hồn hắn rung động...

Lần này, sau khi hắn ái ân với nàng suốt buổi sáng, buổi trưa, Lữ Hòa, chồng nàng từ văn phòng công ty trở về đãi hắn bữa ăn thịnh soạn, bia Hen-níc-ken uống thả dàn, rồi nhắc lại yêu cầu hắn sớm đến ở hẳn nhà chăm nuôi đàn chó. Mặc dầu nàng ngầm giẫm chân, đá mắt, thậm chí nhận lời thay, hắn vẫn kiên quyết từ chối. Hắn hiểu làm như vậy không hẳn là sự cắt đứt với nàng, nhưng đã đánh mất cơ hội thuận lợi duy nhất có thể thường xuyên ở bên nàng trong tòa biệt thự kín cổng cao tường hưởng đời sống vương giả, xa cách một trời một vực với xã hội chuồng bò của hắn. Nàng đã giận hắn ra mặt. Buổi chiều, Lữ Hòa, gã mập tốt bụng, lại đi văn phòng công ty, nàng trút mọi tức giận lên hắn. Hàng chục lần, nàng gọi hắn là “thằng khùng”. Lần đầu tiên kể từ khi quen biết, hắn được thấy khi tức giận, nàng dữ tợn như thế nào. Hắn nếm mọi mùi vị của cơn tức giận ấy với vẻ mặt lầm lì, thản nhiên. Bao nhiêu năm qua, làm kiếp thằng khùng, nếu những cơn tức giận, sự khinh miệt của mọi người xung quanh với hắn là giông bão, sấm sét, thì hắn đã quen là cây cột thu lôi. Sấm sét ở điện thế nào đánh vào hắn cũng chui tuột xuống đất. Hắn vẫn tiếp tục từ chối. Nàng bảo hắn: Không lẽ anh yêu đàn bò và cuộc sống nô lệ ở cái địa ngục ấy hơn yêu tôi? Hay anh sợ ngoại tình với tôi là có tội với Lữ Hòa? Hắn không giải thích. Hắn không quen giãi bày những suy nghĩ trong đầu thành lời nói. Khi hiểu ra mọi cơn tam bành trút lên hắn đều như nước đổ lá khoai, nàng dịu đi. Hắn làm tình với nàng đến lúc cả hai cùng kiệt quệ. Rồi nghe nàng thủ thỉ khuyên nhủ, so sánh hơn thiệt. Hắn vẫn một mực bướng bỉnh khước từ ngưỡng cửa thiên đường. Nàng lại bừng bừng nổi giận:

- Cút. - Nàng hét. - Cút ngay. Từ nay tôi không muốn thấy cái mặt thằng khùng của anh nữa.

Nhưng tiễn hắn xuống nhà dưới, lúc hắn ra đến cửa, nàng lại đẩy hắn vào tận bể cá ôm ghì, hôn hít hắn một cách cuồng si, lên mặt, lên môi, lên cổ và cắn nghiến đến rớm máu bên ngực hắn.

- Bỏ qua mọi chuyện nghe cưng. - Nàng lại thì thầm âu yếm. - Chẳng qua em thương anh quá đi. Anh cứ về suy nghĩ. Em sẽ gặp anh sau, Khùng ạ.

Thực ra, mọi chuyện trong hắn đều rất đơn giản. Đối với nàng, chuồng bò là địa ngục, với hắn lại là đời sống. Giống như con chim quen tổ, con chuột quen ở hang hốc, hắn quen ở trại bò với mọi thứ gắn bó, từ việc làm lam lũ vất vả suốt ngày đêm, những bữa ăn kham khổ, đạm bạc, chỗ ngủ trên chiếc ghế bố bên ngoài cửa kho ngay trong chuồng bò với đàn muỗi vo ve như trấu, từ không gian quanh năm ngày tháng lúc nào cũng khăn khẳn mùi phân và nước tiểu bò, mùi tanh mặn và chua nồng của cám tổng hợp và hèm bia, cho đến sự ngược đãi, rẻ rúng đủ mọi kiểu của các anh và các chị dâu hắn. Dù khổ mấy, nhục mấy, trại bò cũng đã là môi trường sinh thái gắn liền với đời hắn. Hòa vào đó, hắn có thức ăn để ăn, không khí để thở, có cả sự tự tin và an tâm như thể cây dại mọc lên từ đất. Chỉ quấn quýt bên đàn bò, phần hồn hắn mới thanh thản. Hắn cũng tin đàn bò đang cần hắn như thế. Còn đến với nàng, dù của cải vật chất thừa thãi, và hắn như con thú hoang chẳng chút mặc cảm nào giữa nơi lầu son gác tía, dù tình yêu đối với nàng nồng nàn, mãnh liệt cũng không giúp hắn bỏ được ý nghĩ ngôi biệt thự có nàng cư trú, không phải chỗ của hắn. Kể từ khi quen biết, trong đầu hắn thường xuyên có hình ảnh nàng, nhưng không bao giờ sự tưởng tượng lại kèm theo nơi nàng đang sống có thằng Huy vệ sĩ, mấy cô người ở và đàn chó dữ hàng chục con. Hơn nữa, bên nàng còn có gã mập Lữ Hòa. Một gã tốt bụng, chân thật, yêu nàng với cả niềm mê muội lẫn tự hào. Gã coi lấy được nàng như đại phúc. Gã quý nàng hơn của gia bảo. Gã cũng tưởng nàng đang yêu hắn chân thành như gã yêu nàng qua những ứng xử yêu thương nàng dành cho gã. Gã cũng tốt với hắn và không gợn chút nghi ngờ nào chỉ bởi gã thấy nàng quý hắn. Điều này cũng là nguyên do khiến hắn không thể vào ở hẳn nhà nàng để tiếp tục lừa dối gã Lữ Hòa tội nghiệp. Về chuyện này, nhiều lúc gần gũi nàng xong, hắn hay chờn chợn và ghê ghê mình khi lờ mờ cảm thấy dường như mình cũng tội lỗi như cha, như Hai Vương, Ba Bá... Vì những chuyện như vậy, dù nàng đã làm hòa, hắn vẫn quyết định chấm dứt quan hệ. Hắn đau buồn bởi ứng xử sáng suốt của ý thức hoàn toàn trái ngược với xung động của con tim đang tổn thương.

Được Huy thả xuống đầu con hẻm vào trại bò, hắn không nói không rằng, cắm đầu đi thẳng. Hắn không quen chào hay nói hai tiếng “cảm ơn” lúc chia tay, nhưng thường hắn hay vỗ nhẹ vào lưng Huy như một biểu lộ thân mật. Lần này hắn quên động tác ấy.

Trời đã ngả chiều. Không khí vùng ngoại vi dịu và thoáng sạch hơn hẳn nội thành làm hắn nhẹ bớt ưu tư nhưng con hẻm quen thuộc lại gờn gợn trong hắn sự ngán ngại giáp mặt với các anh hắn. Việc hắn mất mặt cả ngày ở trại bò, dù bất cứ lý do gì, cũng làm họ tức tối. Lại đi với nàng, sự tức tối trong họ càng cao hơn. Từ ngày có lời thách thức của nàng kèm theo sự có mặt của Lữ Hòa và ông Năm phó chủ tịch, các anh hắn tuyệt nhiên không ai còn chửi rủa hắn, đặc biệt Ba Bá không dám thượng cẳng chân hạ cẳng tay với hắn bởi bất kì lỗi nào như trước. Tuy nhiên, những ánh mắt gườm gườm giá lạnh như mắt chó đói của họ khiến lòng dạ hắn chẳng hề an tâm hơn. Nhiều lúc hắn trở nên cực kì mâu thuẫn. Khi nghe lời kêu gọi của nàng, hắn không sao bỏ nổi trại bò nhưng về càng gần nhà, hắn càng chùn chân, chỉ muốn lánh xa được càng lâu càng tốt.

Lúc sắp qua quán cà phê bà Út Ti, Út bỗng chờn chợn khi một gã thanh niên non choẹt, chỉ chừng mười chín, hai mươi nhưng to con, đang ngồi bên bàn nước với một cô gái mặc đồ bộ vàng quay lưng lại phía hắn, từ hiên quán bước ra chặn hắn lại:

- Chú vô cho tụi này nói chuyện chút.

Cô gái ngoảnh ra với gương mặt u buồn tái nhợt, hai mắt sưng húp như vừa khóc xong. Út nhận ra Chín Hạ, con gái ông Tư Vuông hàng xóm, vừa là chỗ quen thân lâu với gia đình hắn. Chuyện gì đây? Hắn thầm thắc mắc, chưa muốn theo lời mời của gã nọ.

Bà Út Ti đang pha cà phê trong quầy liền xởi lởi nói với ra:

- Vô đi, Khùng. Hai đứa muốn nói chuyện đàng hoàng với mày đó Khùng.

Chín Hạ cũng nhìn hắn bằng ánh mắt khẩn khoản, miệng lúng búng:

- Cháu mời chú.

Út đành miễn cưỡng nhân nhượng.

Gã thanh niên kéo chiếc ghế cóc mời hắn, rồi cũng ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.

Chín Hạ khuyến khích gã bạn trai:

- Anh nói đi. - Nàng nói với Út. - Đây là anh Sáu Đảnh là... là... bạn cháu.

Gã thanh niên có bao nhiêu dũng khí đã vận hết vào việc làm ra bộ mặt lạnh chặn Út giữa đường, giờ trở nên lúng túng, không mở nổi miệng.

Bà Út Ti cười cười, đặt ly cà phê nóng trước mặt Út, và nói với Sáu Đảnh:

- Cứ nói hết đi con. - Bà đặt tay lên vai Út. - Ảnh khùng khùng dở dở nhưng tốt và cũng biết nghe điều phải đó con. - Thấy Sáu Đảnh vẫn làm thinh, bà quay qua giục Chín Hạ. - Hay con Chín nói đại đi. Mày với thằng Khùng cũng như người nhà mà.

Sáu Đảnh run tay cầm bao Jet, chỉ có chừng dăm điếu trên bàn, mời Út:

- Chú hút thuốc.

Út lầm lì, lắc đầu.

- Thế này... chú... - Sáu Đảnh nói, giọng chưa hết hồi hộp. - Vừa rồi... rồi, chú Hai... Hai Vương và chú Ba... Ba Bá... có... có... có sang nhà Chín Hạ... gặp ông bà già cổ... xin... xin gả cổ cho... chú...

Út cau mày chú ý vào câu chuyện.

- Ông bà già cô Chín đã đồng ý và chọn ngày... làm lễ... lễ chạm ngõ... - Sáu Đảnh dè chừng nói tiếp. - Chín Hạ khóc lóc van xin ông bà già đừng ép cổ... Vì nói thiệt với chú... cháu và Chín Hạ đã chót... thương nhau. Bởi vậy, hai đứa cháu mới chờ... chú... để... thưa chuyện. Chỉ có... chú thương tình... thì Chín Hạ mới thoát được.

Út bần thần. Hắn nhớ lại thời gian cha hắn bệnh trước khi qua đời, nhân vợ chồng ông bà Tư Vuông đến thăm, chính cha hắn đã xin ông bà Tư gả hai Xuân, đứa con gái lớn nhất trong mười ba đứa con lớn bé của ông bà cho hắn. Gia đình Tư Vuông là chỗ tình nghĩa và mang ơn cha hắn nhiều chục năm qua. Ông Tư nhà nghèo rớt mùng tơi, cùng lứa tuổi với Hai Vương, nên coi cha hắn như bậc cha chú. Từ năm mười lăm, mười sáu tuổi Tư đã theo cha hắn đi cướp và là một trong những đệ tử ruột trung thành, nhiều lần vào tù ra tội, nhiều lần bị thương đều được cha hắn cưu mang giúp đỡ. Khi Tư Vuông lấy vợ, người vợ cứ đẻ sòn sòn năm một, gánh nặng gia đình kéo níu, chính cha hắn khuyên Tư bỏ nghề, rồi cho tiền mua đất làm nhà, cấp vốn làm ăn buôn bán để an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, do đầu óc nông cạn lại đẻ nhiều con, phần lớn là gái, gia đình Tư Vuông nghèo vẫn hoàn nghèo, thậm chí, thuộc loại nghèo khổ nhất trong toàn xóm. Khi nghe cha hắn gợi ý, ông bà Tư Vuông vô cùng mừng rỡ trước dịp thông gia với gia đình vừa là ân nhân, vừa giàu có. Út lúc đó mới hai mươi nhăm tuổi, vừa được cha công khai xác nhận với toàn gia đình: không khùng, không mát, lại biết Hai Xuân mười sáu tuổi, ngoan nết, khỏe mạnh, coi được mắt nên cũng thầm hài lòng. Chuyện ăn hỏi, cưới xin được cha mang ra bàn với Hai Vương, Ba Bá... Cha hắn muốn lễ cưới phải được tiến hành khi ổng còn sống. Cả Hai Vương lẫn Ba Bá đều hứa sẽ thực hiện sớm mong ước của cha. Nhưng sau đó, cũng lờ đi. Khi cha hắn qua đời. Cả nhà ông Tư Vuông sang dự tang lễ, nghe bà Tư khóc lóc, kể lể bên quan tài, tiếc cho cơ hội thông gia không thành để cho con gái bà có thể sang hầu hạ “cha chồng” những ngày cuối đời và cũng là để trả được một phần ơn sâu nghĩa nặng, Út mới hiểu ra do Hai Vương, Ba Bá, Năm Thiên cùng không muốn vun vào, chứ hoàn toàn không có chuyện Hai Xuân làm khó. Sau này, Hai Vương nói với hắn: Cha đang bệnh muốn mày lấy vợ, chúng tao phải hứa để khỏi phiền lòng ổng, chứ mày tưởng mày hết khùng thiệt đó hả. Năm Thiên nói: Mày khùng lấy vợ về chỉ để nó ngủ với thằng khác rồi chúng tao bị rác tai với thiên hạ. Ba Bá nói: Mày cứ lo chuồng bò đi, những thằng như mày không có vợ không chết đâu. Vốn quen nhẫn nhục, lép vế, lại cũng không thấy lấy vợ là nhu cầu cần thiết, sau một chút áy náy vẩn vơ không rõ nét, hắn cho qua chuyện đó. Hai Xuân sau đó cũng lấy chồng và về nhà chồng ở tận Tây Ninh. Bây giờ, khi hắn đã ngoài ba mươi, chuyện cưới xin lại xảy ra với Chín Hạ, đứa em thứ tám của Xuân, mới chỉ chừng mười bảy, người gầy ốm như còn ở tuổi thiếu niên, khuôn mặt xinh xinh, khá giống chị. Tuy nhiên, về chuyện này, Út hoàn toàn không được ai trong nhà trao đổi nửa câu. Làm sao các anh hắn bỗng nhiên lại chuyển sang tử tế vậy?

- Cháu mong chú thương tụi cháu. - Sáu Đảnh nài nỉ. - Chú muốn đòi bao nhiêu, cháu cũng nói gia đình lo đủ để biếu chú...

- Cháu... cháu... xin chú tha... tha... - Chín Hạ rưng rưng nước mắt. - ... Tha cho cháu... thì chúng cháu sẽ đội ơn... chú suốt đời.

Bà Út Ti lúc đầu đứng xa nghe ngóng, sau bước lại, nói thêm vào:

- Khùng à. Dì là người ngoài cuộc, nhưng cũng là bà con lối xóm gần gũi cả hai nhà, cái gì phải dì vun vào, cái gì không phải dì bàn ra. Chuyện đời người, cái không phải mà cứ nhắm mắt theo là trái đạo, khổ một đời người. Dì không biết thằng Hai Vương và thằng Ba Bá tính toán thế nào mà xin con Chín, bất chấp nó có đồng ý hay không, chứ dì biết bên ông bà Tư Vuông vì nợ nghĩa nợ tình với ông già cháu khi xưa mà phải nghe chuyện này, chứ vụ con Hai Xuân hồi trước, ông bà Tư còn hận thằng Hai, thằng Ba lắm. Vì cái đận quanh co của hai thằng đó mà con Hai cả tin chờ hơn bốn năm thành gái lỡ thì, phải nhắm mắt lấy đại thằng chồng già ở tận Tây Ninh hóa ra là làm lẽ, giờ cực khổ hết biết. Chuyện này, cháu vô tư không hay chứ cả xóm này đều biết mấy thằng anh trong nhà không muốn cháu có đời sống riêng chỉ để bòn rút hết sức lao động của cháu cho cái chuồng bò thôi à. Cả xóm này không ai không biết mấy năm “heo cá”, một tay cháu vực chuồng bò đang lụn bại, trong khi thằng Ba đi tù, thằng Hai, thằng Năm phá nhiều hơn làm. Giờ mấy đứa tính cho cháu lấy vợ chắc chắn không phải chuyện tốt đâu.

Lời bà Út Ti khiến Út nhớ dần lại những sự việc trước đây hắn chỉ ghi nhận mà không hề có sự phân giải và hắn thấy bà Út có lý. Hắn khẽ rùng mình. Chung quy, các anh muốn hắn phải là thằng khùng suốt đời. Khùng thì phải không vợ, không con, không được hưởng phần đất đai tài sản. Khùng sẽ không bao giờ có lời nói đáng tin cậy. Trong trại bò, nơi hắn tồn tại như một chứng nhân biết rõ tận đáy cùng bản chất tội lỗi của mỗi con người trong nhà mà từ cha hắn đến các anh hắn đều muốn hắn đời đời câm miệng. Phải là thằng khùng, hắn mới không có cơ hội vượt lên trên mọi người, đòi hỏi những quyền lực, quyền lợi mà hắn có quyền được hưởng từ sức lực, trí lực và tâm lực mà hắn đã đóng góp để trại bò trở nên thịnh vượng. Hắn phải tiếp tục khùng. Ba Bá mới giật lại được quyền cai quản trại bò sau khi đi cải tạo về. Hắn lừ đừ đứng dậy. Sự tỉnh ngộ với những điều nhận biết như đọc rành rẽ từ vùng đen quá khứ, những điều mà từ trước hoàn toàn mù mờ trong hắn. Khùng mà. Mọi giác quan của hắn đã được hắn tôi luyện đến thành chai đá, mù điếc, không tiếp nhận cũng không cảm xúc trước bất cứ điều gì có thể chứng tỏ mình khôn ngoan, hiểu biết, để giữ được hai tiếng an thân. Hắn lao đao bước đi. Sự tỉnh ngộ tựa hồ như thứ thuốc kích thích bất ngờ tràn vào vùng vô thức trống rỗng, như rượu mạnh uống vào lúc đói đã khiến hắn bị choáng.

- Chú Khùng... - Chín Hạ hoang mang gọi hắn. - Anh... Khùng... - Nàng cuống quýt bước theo níu tay hắn. - Xin chú đừng... cưới cháu...

Sáu Đảnh cũng đứng lên theo hồi hộp nhìn Út chờ đợi sự chấp thuận.

Út sực tỉnh cầm tay Chín Hạ.

- Sẽ không...