Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 47 - 48 - 49

47 - CUỘC NÁO LOẠN KINH THÀNH NĂM KỈ TỊ (1209)

Ở những năm cuối đời, quyền lực của vua Lý Cao Tông thực chất chỉ còn giới hạn lại trong phạm vi kinh thành Thăng Long mà thôi. Nhưng, ngay cả trong khu vực kinh thành bé nhỏ này, quyền lực của Lý Cao Tông không phải lúc nào cũng được khẳng định. Cuộc náo loạn kinh thành năm Kỉ Tị (1209) có thể coi là một ví dụ tiêu biểu.

Bấy giờ, quan lại triều Lý chia bè kết cánh, vua chỉ biết ngả theo phe cánh nào mạnh mà thôi. Phe do Thượng phẩm phụng ngự Phạm Du cầm đầu và phe do Thượng phẩm phụng ngự Phạm Bỉnh Di cầm đầu là hai phe không thể đội trời chung với nhau. Hai phe luôn tìm cơ hội để thủ tiêu lẫn nhau, và cơ hội đó đã đến vào năm Kỉ Tị (1209), khi cả Phạm Du và Phạm Bỉnh Di đang đi dẹp loạn đều được vua Lý Cao Tông triệu về. Phạm Du về trước chút ít. SáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 19 - a) chép rằng:

"Mùa thu, tháng 7, Bỉnh Di về đến kinh sư, toan vào triều để phụng mệnh thì có người ngăn lại nói rằng:

- Vua đã nghe lời Du trước, giận ông chưa nguôi đâu.

Bỉnh Di nói:

- Ta thờ Vua hết lòng mà lại bị người ta nói gièm sao? Huống chi ta có mệnh Vua triệu về, trốn đi đâu được?

Nói rồi bèn đi vào. Vua sai bắt Bỉnh Di và con là Phụ (có lẽ là con nuôi, vì Phạm Bỉnh Di là hoạn quan - ND) giam ở Thủy viện và toan làm tội. Tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc nghe được tin đó, liền đem binh lính hò reo mà vào triều. Đến cửa Đại Thành, bị người coi cửa ngăn lại, bọn Bốc phạt ngang cánh cửa mà vào. Vua thấy việc gấp, vội vời ngay Bỉnh Di vào Lương Thạch Sứ ở thềm Kim Tinh. Một lát sau, Du cùng em là bọn Kính đều từ nhà ngự đường đi ra, lấy ngự thương giết Bỉnh Di và con là Phụ. Bọn Bốc nghe tin Bỉnh Di đã chết, bèn sai quân sĩ đột nhập vào Lương Thạch Sứ, lấy cân xa của Vua ngự mà rước thây Bỉnh Di, lấy chiếu ngự bọc thây của Phụ, theo cửa Việt Thành mà ra bến Triều Đông rồi lại vào cung Vạn Diên để rước Vương Tử Thầm và Vương Tử Sảm về Hải Ấp.”

Lời bàn:Quan lại giết nhau ngay trước mặt vua mà chẳng cần xét xử, vậy nhưng vua cũng chẳng dám có ý kiến gì, chuyện đó quả là hiếm thấy trong lịch sử.

Quan lại phá cửa thành mà vào, lại lấy ngay vật ngự dụng mà dùng, chẳng cần hỏi qua thánh ý, chuyện đó lại còn lạ hơn. Mới hay, trong thời loạn, chuyện điên đảo náo loạn là chuyện thường, chỉ có chuyện hợp với đạo lí, kỉ cương là hiếm hoi mà thôi. Vua Lý Cao Tông chưa bị giết lúc đó là may lắm rồi.

48 - TRIỀU LÝ THOÁT NẠN NHỜ SỰ MAY MẮN CỦA LIỆT HẦU CAO KHA

Phạm Bỉnh Di bị giết rồi, phe đảng còn lại đứng dầu là Quách Bốc quyết định trả thù. Tháng 8 năm Kỉ Tị (1209), Quách Bốc cho thủy quân đánh vào kinh sư. Tiền quân của Quách Bốc có nhiệm vụ băng qua khu vực dốc Hàng Than (Hà Nội) để đánh thẳng vào cấm thành mà cướp báu vật, còn đại quân của Quách Bốc thì đóng ở bến Thiên Hà (Hà Nội) rồi đánh thẳng vào cửa Thiên Thu. Tình hình kinh đô trở nên hết sức nguy ngập, ngai vàng của Lý Cao Tông có cơ bị lật nhào.

Song, đội quân hùng mạnh ấy của Quách Bốc đã bị thất bại một cách hài hước chỉ bởi một mũi tên bắn lén của Liệt hầu Cao Kha. SáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 19 - b và tờ 20 - a) cho biết, khi đại quân của Quách Bốc vừa tiến vào đến quán Vũ Sư thì bị Liệt hầu Cao Kha nấp sẵn ở Chấn Vi bắn cho một phát. Mũi tên ấy trúng ngay vú một người lính của Quách Bốc. Cao Kha thấy thế thích quá, quên cả nguy hiểm mà vỗ tay reo hò. Chẳng ngờ mũi tên bắn lén và hú họa mà trúng ấy, cộng với tiếng vỗ tay reo hò rất tự nhiên của Cao Kha đã làm cho toán lính đi đầu hốt hoảng bỏ chạy ra bờ sông. Bấy giờ, lính giữ thuyền thấy vậy cứ tưởng là quân đội triều đình ra đánh, bèn vội chèo thuyền ra giữa sông. Đúng lúc đó, gió bấc thổi mạnh, thuyền bè vì thế mà trôi dạt hết cả. Quân Quách Bốc đang ở trên bờ thấy thuyền trôi thì mất hết tinh thần mà tự tan vỡ, nhân đó, bị tiêu diệt, chết hơn 300 người. Hài hước hơn nữa, người tiêu diệt quân Quách Bốc lại chính là dân kinh thành chứ không phải là quân đội triều đình!

Lời bàn:Trong cuộc chém giết đương thời, không một ai là người có chính nghĩa cả. Không có chinh nghĩa thì chẳng có gì đáng giá để cố kết lòng người. Đội quân ấy chỉ trông cậy ở vũ khí và phương tiện chiến đấu mà thôi. Thuyền mới trôi mà đã mất tinh thần rồi tự tan vỡ, ấy cũng là chuyện dễ hiểu.

Trong chỗ không ngờ, triều Lý đã gặp may nhờ mũi tên tình cờ mà trúng của Liệt hầu Cao Kha. Ở đời, có người nổi tiếng nhờ tài đức, nhưng cũng có người nổi tiếng nhờ sự tàn bạo, hoặc giả là gặp chuyện hi hữu, đại loại như Cao Kha. Ôi, thời loạn quả lả lắm chuyện lạ!

49 - ĐÀM DĨ MÔNG BỊ HẶC TỘI

Thời Lý Cao Tông, Đàm Dĩ Mông làm quan đã có lúc lên tới chức Phụ quốc Thái phó, quyền uy khét tiếng cả triều đình. Bởi cậy quyền mà đánh Nguyễn Bảo Lương nên đến năm 1203, Đàm Dĩ Mông bị phe cánh Nguyễn Bảo Lương trả thù, bị vua giáng xuống hàng Đại liêu ban. Nhưng rồi về sau, kinh thành náo loạn, chính sự rối ren, tên tuổi Đàm Dĩ Mông gần như bị chìm trong quên lãng. Vào năm Kỉ Tị (1209), để trả thù vụ Phạm Du giết chết cả chủ tướng của mình là Phạm Bỉnh Di, Quách Bốc đã đem quân đội đánh thẳng vào cấm cung, bắt cả Vương Tử Thầm và Vương Tử Hạo Sảm về Hải Ấp. Bấy giờ, mặc dù trên danh nghĩa, triều đình Cao Tông vẫn còn đó, nhưng bọn Quách Bốc đã cùng nhau lập Vương Tử Thầm lên ngôi. Sau, họ lại lấy cớ Vương Tử Thầm chỉ là con thứ nên lập Vương Tử Hạo Sảm. Có lẽ lúc ấy do Vương Tử Hạo Sảm chỉ mới mười lăm tuổi, dễ sai khiến hơn nên họ mới lập Hạo Sảm làm vua thay cho Vương Tử Thầm. Một triều đình nhỏ tồn tại ở ngoài một triều đình lớn đã được thiết lập. Trong triều đình nhỏ của Hạo Sảm, Đàm Dĩ Mông bỗng dưng được cất nhắc, cho làm đến chức Thái úy.

Triều đình nhỏ này tồn tại chưa được bao lâu thì bị vua Lý Cao Tông giải tán. Vương Tử Hạo Sảm lại trở về kinh. Đàm Dĩ Mông và tất cả những ai đã nhận chức tước do Hạo Sảm ban đều vì thế mà rất lo lắng cho số phận của mình. Để lập công chuộc tội, Đàm Dĩ Mông đã phản bội những người trước đã cùng mình nhận chức tước của Hạo Sảm, bắt họ về nạp cho Lý Cao Tông. SáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 20 - a) chép rằng:

"Mùa thu, tháng 7 (năm Canh Ngọ, 1210 - ND) Dĩ Mông đem 28 người nhận tước phong của Vương Tử (Sảm) dâng Vua. Đỗ Anh Doãn (cũng có sách viết là Đỗ Anh Triệt - ND) đường đường kể tội Dĩ Mông rằng:

- Mày là đại thần của nước, đã đem lòng vô quân, nhận tước phong của giặc, nay lại cùng ngồi với ta, ta tuy bất tài nhưng còn mặt mũi nào mà nhìn mày nữa.

Dĩ Mông vừa thẹn vừa sợ mà lui.”

Lời bàn:Lúc quyền thế thì coi rẻ tình đồng liêu, khi sa cơ thì nghĩa vua tôi chẳng kể, đến hồi hoạn nạn thì phản bạn mà lo thân, con người Đàm Dĩ Mông quả là thủ đoạn khó lường. Đành là đời Cao Tông, mọi sự đều đảo lộn, nhưng nhân thời đảo lộn mà làm cho đảo lộn thêm, chỉ kẻ tiểu nhân mới có tâm địa ấy. Đàm Dĩ Mông bị hặc tội ngay giữa triều đình, thế cùng phải lắm.