Ngôi nhà bí ẩn - Chương 11

Qua cửa sổ anh chỉ cho cô khu vườn có hàng cây và tường cao bao bọc. Phía cuối là căn nhà bỏ không và đoạn tường thấp hơn có cánh cửa sau mà Arlette đã mở ra được. D’ Enneris bảo đội trưởng:

- Béchoux, đưa Fagéraull lại đây. Xe của anh nên đến sát thềm nhà và các nhân viên của anh chờ ở đấy. Chúng ta sẽ cần đến họ.

Béchoux vội đi ra. Tiếng cánh cửa xe ra vào rít lên ở đường Urfé. Tiếng xe đi cũng vang theo cách như vậy.

Vừa đi lên, Béchoux nói ngay với một người của mình:

- Anh bố trí hai bạn ở dưới ấy, trong tiền sảnh và chạy về Sở Cảnh sát xin ba nhân viên đề phòng. Công việc gấp. Anh dẫn họ đến, bố trí ngồi ở những bậc đầu tiên của thang hầm. Có lẽ chúng ta sẽ không cần đến họ nhưng cẩn thận là hơn. Đừng giải thích gì cho Sở biết. Giữ riêng thành quả mẻ lưới này cho chúng ta. Hiểu chứ?

Người ta đưa Fagérault vào ngồi trên một chiếc phô-tơi. D’ Enneris đóng cửa lại.

Antoine bắt đầu cựa quậy. D’ Enneris tháo tấm gạc vứt qua cửa sổ rồi nói với Gilberte:

- Để nghị bà bỏ mũ và áo ngoài, làm như vẫn ở nhà bà tại đường Urfé. Đối với Antonie Fagérault, chúng ta chưa rời khỏi đường phố ấy. Và tôi khẩn thiết đề nghị không ai nói một lời mâu thuẫn với điều tôi sẽ nói. Tất cả chúng ta đều làm sao để đạt được mục đích của chúng ta.

ntoine thở sâu hơn. Anh ta đưa tay lên trán như muốn xóa bỏ giấc ngủ làm mình mê mệt. D’ Enneris không rời mắt khỏi anh ta. Bá tước không dằn lòng được, hỏi ngay:

- Thế con người này là kẻ kế thừa dòng giống ấy ư?...

- Đúng - d’ Enneris nói - dòng giống mà lúc nào ông cũng cảm nhận thấy. Một phía là gia đình Mélamare và phía kia là những người hành hạ họ, vô hình và không biết rõ. Đúng vậy, nhưng không đủ. Điều ấy hoàn toàn bí ẩn và chỉ giải thích được không chỉ bằng cách nêu lại sự việc mà cả cảnh trí của bi kịch, mỗi gian phòng hợp thành và mỗi đồ vật trang trí. Phải nói rằng Régine và Arlette thực sự thấy những đồ vật trong phòng khách của ông nhưng thực tế họ thấy những đồ vật ở đây.

Anh ngắt lời, nhìn quanh để chắc chắn mọi thứ đều bố trí như anh muốn. Và chính trong không khí chú tâm ấy, giữa những người trong tâm trạng thoải mái hoặc buộc phải có, Antoine tỉnh lại dần. Liều lượng thuốc mê ít, anh ta lấy lại ý thức để nghĩ về điều đã xảy ra, anh ta nhớ lại đã nhận được một cú đấm mạnh. Nhưng từ đó trong trí nhớ chỉ là tối tăm và anh ta không phân biệt được sau đó như thế nào và không đoán ra mình đã ngủ.

Anh ta nói thong thả, vẻ suy nghĩ:

- Có việc gì vậy? Tôi cảm thấy người ê ẩm và thời gian kéo dài lâu rồi...

- Không - d’ Enneris vừa cười vừa nói - Mười phút thôi, không hơn. Nhưng chúng tôi bắt đầu ngạc nhiên. Anh có thấy bao giờ một quán quân đánh bốc bị một cú đấm mà ngất đi trên sàn đến mười phút không? Tha lỗi cho tôi. Tôi đánh mạnh hơn ý mình muốn.

Antoine nhìn anh giận dữ.

- Tôi nhớ lại rồi - Anh ta nói - Anh điên lên vì tôi đã phát hiện ra Lupin dưới lốt ngụy trang của anh.

D’ Enneris có vẻ xin lỗi:

- Thế nào, anh vẫn bám vào chỗ ấy ư? Nếu giấc ngủ của anh chỉ mười phút thì những sự kiện đã qua nhanh rồi. Lupin, Bamett, chuyện cũ lắm rồi! Không ai ở đây còn quan tâm đến những điều vớ vẩn ấy nữa!

- Thế người ta quan tâm điều gì? - Antoine hỏi, nhìn những khuôn mặt vô cảm của những người vốn là bạn mình mà bây giờ tránh nhìn anh.

- Quan tâm điều gì à? - Jean kêu lên, - về câu chuyện của anh! Chỉ về câu chuyện của anh và của gia đình Mélamare, vì hai câu chuyện chỉ là một.

- Chỉ là một?

- Thế đấy! Có lẽ anh nghe cũng có lợi vì anh chỉ biết từng phần và là từng phần không đúng của nó.

Qua mấy lời hai người trao đổi, mỗi người tham dự giữ đúng vai trò im lặng và đồng tình như d’ Enneris yêu cầu. Tất cả đều đồng lõa và không ai có vẻ đã rời phòng khách đường phố Urfé. Nếu Antoine Fagérault hơi nảy ra nghi ngờ thì anh ta chỉ cần quan sát Gilberte và ông anh để chắc chắn là họ ở nhà họ.

- Nào, kể đi - Anh ta nói - Tôi muốn biết rõ câu chuyện của tôi do anh thấy và nói ra. Sau đó sẽ đến lượt tôi.

- Sẽ kể lại chuyện của tôi?

- Đúng.

- Dựa vào những tài liệu anh có trong túi?

- Phải.

- Anh có còn đâu nữa.

Antoine lục túi và thốt ra một lời rủa.

- Đồ vô lại! Anh lấy trộm chúng rồi.

- Tôi đã bảo chúng ta không có thì giờ quan tâm đến tôi. Chỉ anh thôi là đủ. Bây giờ, hãy im lặng.

Antoine cố nhịn. Anh ta ngồi khoanh tay, đầu ngoảnh đi không nhìn vào Arlette, giữ một thái độ lơ đãng và khinh khi.

Từ bây giờ d’ Enneris xem như không có anh ta nữa. Anh nói với Gilberte và ông anh. Đã đến giờ trình bày tổng thể và chi tiết về điều bí mật của gia đình Mélamare. Anh không nói những lời vô ích, không như người ta đưa ra một giả thuyết theo sự việc mà như kể lại một câu chuyên dựa vào những tài liệu không tranh cãi được.

- Tôi xin lỗi nếu phải đi ngược lên sâu hơn về lịch sử gia đình ông. Nguồn gốc điều tai hại xa xôi hơn ông nghĩ và khi ông bị ám ảnh về hai ngày thê thảm, ngày hai vị gia tiên vô tội của ông chết, ông không biết hai ngày đó do một cuộc phiêu lưu tình cảm tạo nên. Cuộc phiêu lưu này xảy ra vào khoảng ba phần tư thế kỉ XVIII, nghĩa là thời kì ngôi nhà của ông đã xây dựng được hai mươi lăm năm đúng không?

- Vâng - Bá tước xác nhận - một viên gạch tường có mặt được khắc năm 1750.

- Và đến năm 1772, cụ cố Frangois de Mélamare, bố cụ tướng và đại sứ, ông nội cụ, chết trong xà lim, sau khi trang trí lại nội thất đúng như hiện nay, đúng không?

- Vâng. Mọi hóa đơn chứng từ những công việc ấy tôi đang còn giữ.

- Ông cụ Frangois de Mélamare lúc đó vừa cưới con gái một nhà tài chính giàu có, rất đẹp, Henriette mà ông yêu say mê và rất được yêu, muốn có một khung cảnh xứng đáng với bà vợ. Ông chi tiêu không xa hoa vô ích, có chọn lọc và dựa vào những nghệ sĩ lớn. Frangois và Henriette hiền dịu sống rất hạnh phúc. Dưới mắt người chồng trẻ không một phụ nữ nào đẹp hơn vợ mình. Không có gì thẩm mỹ và tuyệt vời hơn những tác phẩm nghệ thuật và đồ đạc ông đã chọn hoặc đặt mua để bày biện trong nhà. Ông để thì giờ thu xếp, lên biểu liệt kê chúng.

Cuộc sống bình lặng, vui thú, trong lúc bà bá tước chú tâm vào nuôi dạy con cái thì về phía Frangois de Mélamare hơi bị xộc xệch. Vận không may đưa ông tới chỗ yêu đương một cô gái nhà hát, la Valnéry rất trẻ, xinh đẹp, hóm hỉnh, có ít tài nghệ nhưng nhiều tham vọng. Bề ngoài không có gì thay đổi, Frangois de Mélamare vẫn yêu thương, tôn trọng vợ hết mức như ông nói, dành bảy phần tám cuộc đời mình cho vợ. Nhưng mỗi buổi sáng, từ mười giờ đến một giờ chiều, lấy cớ đi dạo hoặc đến các xưởng vẽ của những họa sĩ nổi tiếng, ông đi chơi, ăn uống với người tình. Ông giữ ý cẩn thận đến nỗi Henriette hiền dịu không bao giờ biết gì.

Một điều làm suy giảm sự thỏa mãn của người chồng bay bướm là rời bỏ ngôi nhà thân yêu của mình ở đường Urfé giữa trung tâm ngoại ô Saint-Germain và những đồ vật thân yêu để đến một căn nhà thô thiển không một nguồn vui nào làm vừa lòng ông. Không chung thủy đối với vợ chẳng làm ông ân hận gì, ông đau khổ không được sống với người tình trong nhà mình. Vậy là ở đầu kia của Paris lúc ấy, trên một khu đầm lầy cũ mà những nhà giàu và ông lớn xây dựng nhà nghỉ nông thôn, ông cho xây dựng một ngôi nhà giống từng chi tiết ngôi nhà đường Urfé và ông trang trí nội thất đúng như trong ngôi nhà ấy. Bên ngoài có khác nhau để không ai phát hiện ra lối sống tùy tiện của con người hào hoa. Nhưng một khi đã bước vào sân ngôi nhà Folie - Valnéry, tên ông gọi chỗ ở mới của mình, Frangois có thể nghĩ rằng mình lại sống trong ngôi nhà cũ. Cánh cửa đóng lại cũng vang tiếng lên như thế.

Khoảng sân được lát gạch cùng nguồn gốc, thềm nhà cũng những bậc như vậy, tiền sảnh cùng những tấm lát, từng phòng cùng những đồ gỗ, những đồ vật như ở nhà kia. Không có gì trái với thẩm mỹ, thói quen của ông. Ông lại ở trong nhà mình, cũng lo toan công việc theo cách ấy, tiếp tục sắp xếp, liệt kê với thói quen không để thiếu một vật nhỏ nhặt hoặc đặt không đúng chỗ.

Sự cầu kì thật tình, niềm khoái lạc tế nhị nhưng than ôi! Đưa ông đến mất mát và làm số phận dòng giống của ông bi thảm trong nhiều thế hệ! Câu chuyện được truyền miệng qua nhiều phòng khách và đường phố. Người ta cười nhạo: các văn nghệ sĩ ám chỉ trong hồi ký, thư từ. Đến nỗi la Valnéry, cho đến lúc đó Frangois vẫn giấu giếm, cũng biết được nội tình.

Bị xúc phạm nặng nề, tin tưởng vô bờ vào người yêu, cô buộc ông phải chọn, không phải giữa cô và vợ ông mà giữa hai ngôi nhà. Frangois chẳng ngập ngừng: ông chọn ngôi nhà đường Urfé và viết cho người tình mấy chữ:

“Tôi đã có hơn mười năm, em cũng thế. Vậy là chúng ta đã có hai mươi năm quan hệ. Sau hai mươi năm, phải chăng chúng ta nên kính cẩn chào nhau thì hơn.”

Vậy là ông từ biệt la Valnéry, để lại cho cô ngôi nhà ở đường vùng đầm lầy cũ, vĩnh biệt những đồ vật của ông ít luyến tiếc vì sẽ tìm lại chúng ở nhà mình và lần này sống với Henriette không chia sẻ.

La Valnéry giận dữ cực điểm. Một hôm cô đến ngôi nhà ở đường Urfé, may mắn Henriette đi vắng. Cô kêu gào đến nỗi Frangois đánh đuổi cô ra khỏi nhà.

Từ đấy cô chỉ nghĩ đến trả thù. Ba năm sau, cuộc cách mạng nổ ra. Đã xấu đi, cáu kỉnh nhưng còn giàu, cô lấy một ông Martin có thế lực, tố cáo bá tước de Mélamare và mấy ngày trước tháng mười một lịch Cộng hòa, đưa bá tước lên máy chém cùng Henriette.

D’ Enneris ngừng lời. Người ta hết sức lắng nghe câu chuyện kì lạ, riêng Fagérault có vẻ thờ ơ. Bá tước de Mélamare lên tiếng:

- Câu chuyện của gia tiên không truyền lại cho chúng tôi. Nhưng qua đồn miệng chúng tôi đã biết có một bà Valnéry, diễn viên tầm thường đã tố cáo ông bà cụ cố. Còn lại thì mất mát trong buổi lộn xộn; tài liệu lưu trữ của gia đình chỉ để lại sổ sách kế toán và những bản thống kê tỉ mỉ.

- Nhưng điều bí mật - d’ Enneris nói tiếp - vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ của bà Martin. Góa chồng (vì ông chồng có thế lực cũng bị lên máy chém), bà về ở ngôi nhà Folie - Valnéry, sống ẩn dật với một đứa con trai, giáo dục nó về mối hận thù với dòng họ de Mélamare. Cái chết của vợ chồng Frangois không hề làm bà hài lòng và khi con trai cả của gia đình ấy, Jules de Méiamare lập được chiến công dưới thời Napoléon và sau đó dưới thời Phục hưng, có những vị trí cao về ngoại giao là một lý do làm bà không ngừng giận dữ và hiềm khích. Quyết tâm hãm hại, bà theo dõi ông này suốt đời và khi đầy vinh dự, ông mở lại ngôi nhà đường Urfé, bà tổ chức một âm mưu đen tối làm ông phải vào tù.

Jules de Mélamare sụp đổ trước những bằng chứng đáng sợ chống lại ông. Ông bị kết tội giết người mà ông không làm nhưng trong một phòng khách được nhận ra là của nhà ông, giữa những đồ đạc của ông, trên tấm thảm của ông. Lần thứ hai, la Vainéry đã trả thù.

Hai mươi năm sau bà chết, thọ gần một trăm tuổi. Con trai bà chết trước bà. Nhưng bà để lại một đứa cháu trai mười lăm tuổi, Dominique Martin mà bà truyền lại mối hận thù, tội giết người và cho biết có thể thực hiện qua điều bí mật của hai ngôi nhà Mélamare. Anh này chứng tỏ khả năng khi đến lượt mình âm mưu với sự tự chủ vô bờ, quyết định vụ tự sát của Alphonsse de Mélamare, sĩ quan cận vệ của Napoléon III, bị kết tội giết hai người đàn bà trong một phòng khách chỉ có thể là phòng khách của ngôi nhà đường Urfé. Dominique Martin ấy, chính là ông già pháp luật đang truy tìm và là bố của Laurence Martin. Bi kịch thực sự bắt đầu.

Theo cách nói của d’ Enneris, bi kịch thực sự đã bắt đầu. Trước đây chỉ mới là dạo đầu và chuẩn bị. Người ta đã ra khỏi thời kì xa xưa mà mọi câu chuyện mang hình dáng truyền thuyết, để đi vào thực tế ngày nay. Các diễn viên đang tồn tại. Điều tai hại họ gây ra, người ta cảm thấy rõ.

D’ Enneris tiếp tục:

- Như vậy là hai nhân vật nối phần cuối thế kỉ XVIII với những năm đầu của thế kỉ XX. Cả một thế kỉ, người tình của Frangois de Mélamare tiếp tay cho kẻ giết ông cố vấn hội đồng. Bà ta chuyển sự trừng phạt, truyền nỗi oán giận sang cho cháu.

Việc làm có một sự thôi thúc mới... Lòng hận thù ngang nhau. Nhưng ở Dominique Martin, sự căm ghét luân hồi và theo bản năng phối hợp với một sức mạnh cho đến nay chưa đặt ra: cần tiền. Vụ tấn công Alphonse de Mélamare đi đôi với cướp bóc. Nguồn lợi thu được cũng như tài sản thừa kế của bà Dominique hoang phí hết ngay. Hắn sống bằng mưu mô và trộm cắp. Có điều không còn loại bằng chứng ngoại phạm là ngôi nhà đường Urfé nữa vì ngôi nhà này đã rào chắn, đóng cửa và gia đình Mélamare hơn một thế hệ trở về, ẩn náu ở tỉnh lẻ, hắn không thể làm một vụ nào lớn và càng không thể tấn công những kẻ thù truyền kiếp của hắn.

Tôi không biết rõ được cả một thời kì ấy Dominique sống bằng gì và chi tiết những phi vụ ít béo bở hắn tổ chức một số bè bạn làm. Từ đầu hắn cưới một phụ nữ rất lương thiện, hình như chết vì sầu não, để lại cho hắn ba đứa con gái, Victorine, Laurence và Félicité. Chúng lớn lên, tự sinh sống trong ngôi nhà của la Valnéry. Victorine và Laurence sớm phụ với bố trong các phi vụ. Félicité tiếp thu được của mẹ bản chất trong sạch, bỏ trốn đi thay vì vâng theo, lấy một người trung thực tên họ là Fagérault và theo chồng sang Mỹ.

Hơn mười lăm năm trôi qua. Công việc không thuận lợi. Bằng bất cứ giá nào, Dominique và hai đứa con gái không muốn bán ngôi nhà, di sản thừa kế duy nhất. Không chuyển nhượng, không cầm cố. Phải tự do, ở nhà mình, và tranh thủ lợi dụng khi có dịp. Và không hi vọng sao được? Ngôi nhà kia, ở đường Urfé, mở cửa trở lại. Bá tước Adrien de Mélamare và bà em Gilberte quên những bài học đáng sợ, đến ở Paris. Phải chăng có thể sử dụng việc họ có mặt, bắt đầu việc chống họ như đã thành công đối với Jules và Alphonse de Mélamare?

Đây là lúc số phận lên tiếng. Félicité, một trong ba con gái của Dominique, sống lưu vong ở Mỹ, đã chết tại Buenos Aires, ông chồng cũng thế. Họ có một đứa con trai, đã mười bảy tuổi. Anh ta nghèo. Sẽ làm gì đây? Anh mong muốn được biết Paris. Một hôm, bất thình lình anh gõ cửa nhà ông ngoại và các dì. Cánh cửa hé mở:

- Anh muốn gì? Anh là ai?

- Antoine Fagérault.

Nghe nhắc tên mình, Antoine Fagérault vốn khó che giấu sự quan tâm càng tăng về câu chuyện u tối của gia đình mình, hơi ngoảnh đầu lại, nhún vai.

- Những chuyện ngồi lê đôi mách ấy có nghĩa lý gì? Anh lượm lặt ở đâu cả đống việc hèn hạ ấy? La Valnéry ư? Ngôi nhà ở đường vùng đầm lầy cũ? Hai ngôi nhà à?... Chưa bao giờ tôi nghe nói những chuyện ngốc nghếch ấy... Thực sự, anh cố óc sáng tạo đấy.

D’ Enneris không để ý đến việc Antoine ngắt lời mình. Một cách có phương pháp, anh tiếp tục:

- Antoine Fagérault đến nước Pháp, chỉ biết quá khứ qua những gì người ta có thể và muốn kể lại với anh ta, nghĩa là không nhiều. Đây là một chàng trai tốt, thông minh, tôn thờ mẹ và lối sống theo những nguyên tắc của mẹ đã khắc sâu vào trí óc anh. Ông ngoại và các dì chú ý không sử dụng anh ngay. Qua thời gian họ mau chóng nhận ra chàng trai tuy có tài nhưng uể oải, lười biếng và có xu hướng phóng đãng. Thay vì ngăn cản, họ khuyến khích anh về mặt này. “Cậu bé, cứ chơi bời, vào đời đi. Hãy tăng cường quan hệ hữu ích. Cứ tiêu tiền; khi không còn người ta sẽ tìm ra.” Antoine tiêu tiền, chơi, mang nợ và dần dần trượt theo một số việc tổn hại đến thanh danh mà không biết. Cho đến một hôm các dì cho anh biết gia đình đã xơ xác và phải làm việc. Dì cả, Victorine không làm việc sao? Bà đang phụ trách cửa hàng bán đồ cũ ở đường Saint Denis đấy thôi!

Antoine chán ngán. Làm việc ư? Khi người ta hai mươi bốn tuổi, khôn khéo như anh, dễ mến, đẹp trai, không có việc gì tốt hơn để làm sao.? Lúc đó hai chị em mới kể cho cháu nghe câu chuyện quá khứ, về Frangois de Mélamare, La Valnéry, cho anh biết bí mật về hai ngôi nhà giống nhau và không ám chỉ những việc giết người, chỉ cho anh một số việc làm béo bở. Hai tháng sau, Antoine tác động để được giới thiệu với nữ bá tước de Mélamare và ông anh Andrien, gặp những điều kiện thuận lợi, được đưa vào ngôi nhà ở đường Urfé. Từ đó anh tìm ra việc. Nữ bá tước Gilberte vừa ly dị chồng, đẹp, giàu có. Anh sẽ cưới bà.

Đến chỗ buộc tội này, Fagérault cãi lại mãnh liệt:

- Tôi không bác bỏ những lời vu khống ngu xuẩn của anh vì như vậy sẽ là hạ thấp mình. Nhưng có một điều tôi không công nhận, đó là anh làm sai lạc tình cảm của tôi đối với Gilberte de Mélamare.

- Tôi không nói không có - Jean không trả lời thẳng vào câu hỏi. - Chàng trai Fagérault, có lúc hơi lãng mạn và thực lòng. Nhưng trước hết đối với anh ta đây là một vụ có triển vọng. Và để giữ được vẻ thoải mái, có tiền nhiều, anh buộc các dì bán một số đồ đạc của nữ diễn viên Valnéry mặc dù ông ngoại rất giận. Suốt một năm anh thầm tán tỉnh bà bá tước. Mất công vô ích. Thời kì ấy ông bá tước không hề tin tưởng ở anh. Còn bà de Mélamare đã gọi đầy tớ đuổi anh ra khỏi cửa vào một hôm anh tỏ ra táo tợn.

Mọi giấc mơ của anh sụp đổ. Tất cả phải bắt đầu lại, và trong những điều kiện ra sao! Làm thế nào để ra khỏi nghèo túng? Sự nhục nhã, căm hận bào mòn những gì còn ảnh hưởng của mẹ và những bản năng xấu của dòng họ Valnéry thâm nhập vào anh qua lỗ hổng ấy. Anh thề trả thù. Trong lúc chờ đợi anh làm những công việc lặt vặt chỗ này chỗ kia, đi xa, trộm cắp, làm giả và khi đi qua Paris, hết tiền, đem bán đồ đạc dù phải tranh cãi ghê gớm với ông già Dominique. Việc bán đồ đạc ấy, nhãn hiệu Chapuis và gửi chúng ra nước ngoài, Béchoux và tôi đã có bằng chứng!

Ngôi nhà trống dần đồ đạc. Không sao. Điều thiết yếu là giữ nguyên phòng khách, vẻ ngoài chiếc cầu thang và tiền sảnh, khung sân. Về điều này, chị em Martin không thỏa hiệp. Hai phòng khách phải tuyệt đối giống nhau, nếu không một lúc nào đó người ta có thể phát giác. Có bản sao thống kê của Frangois de Mélamare, họ không để thiếu một vật nhỏ nào.

Nhất là Laurence Martin, hăng say lắm. Mụ giữ chìa khóa ngôi nhà Mélamare đường Urfé do la Valnéry và bố giao lại.

Ban đêm mụ đến đấy nhiều lần và ông de Mélamare nhận thấy mất đi một số vật lặt vặt. Laurence đến cắt một đoạn dây kéo chuông vì ở nhà mụ đoạn dây ấy cũng không còn, lấy trộm chiếc chiếc đĩa đèn, miếng đồng áp lỗ khóa tủ vì ở nhà mụ những vật ấy cũng thất lạc mất. Những vật chẳng giá trị gì. Nhưng còn có bà chị cả Victorine, bán đồ cũ, thì mọi cái đều có giá. Mụ ta tiêu thụ một số ở chợ và tình cờ tôi thấy có một phần trong quán của mụ hôm tôi đến tìm kiếm và gặp Fagérault ở đấy.

Lúc này mọi việc đã tồi tệ. Gia đình Martin không còn tiền, thậm chí ăn không đủ no, hầu như không còn gì để bán và ông già trông chừng cẩn thận những gì còn lại. Người ta sẽ ra sao đây? Lúc ấy đại hội từ thiện được tổ chức ở nhà hát nhạc vũ kịch, quảng cáo rầm rộ. Trí óc xoay sở của Laurence Martin nảy ra ý nghĩ làm một cú táo bạo: trấn lột chiếc yếm kim cương.

Chà, thật tuyệt! Antoine Fagérault sốt sắng vô cùng. Trong hai mươi bốn giờ, anh ta chuẩn bị tất cả. Tối đến anh lẻn vào hậu trường, châm lửa vào những bó hoa giả, bắt cóc Régine Aubry vứt lên một chiếc ô tô ăn cắp. Là một vụ quyết định, không có gì khác ngoài việc cướp chiếc yếm kim cương trong ô-tô. Nhưng Laurence Martin muốn hơn thế. Cháu gái của La Valnéry đã không quên. Để cuộc phiêu lưu có một ý nghĩa truyền kiếp, mụ muốn việc trấn lột tiến hành trong phòng khách ngôi nhà đường vùng đầm lầy cũ giống hệt phòng khách của nhà Mélamare. Nếu công việc vỡ lở, người ta sẽ hướng việc điều tra về đường phố Urfé, lặp lại việc chống bá tước hiện nay như đã thành công đối với Jules và Alphonse de Mélamare.

Vậy là vụ trấn lột xảy ra trong phòng khách la Valnéry. Cũng như bà bá tước, Laurence đeo vào ngón tay một chiếc nhẫn có ba viên ngọc trai nhỏ bố trí theo hình tam giác. Cũng như bà bá tước, mụ bận chiếc áo dài màu mận chín viền nhung đen. Như ông bá tước, Antoine Fagérault đi những đôi ghệt màu sáng... Hai giờ sau, Laurence Martin lẻn vào nhà Mélamare, giấu chiếc áo chẽn bạc trong tủ sách và mấy tuần sau đó, đội trưởng Béchoux tìm thấy một bằng chứng không chối cãi được. Bá tước bị bắt giữ. Bà em trốn đi. Lần thứ ba, gia đình Mélamare bị mất danh dự. Một vụ bê bối, nhà tù rồi tự sát, còn những kẻ hậu duệ của la Valnéry vẫn không bị trừng phạt.

Không ai ngắt những lời giải thích của Jean. Anh cứ tiếp tục giọng dứt khoát hơn, tay đưa nhấn mạnh từng câu nói và làm sống lại câu chuyên u tối mà cuối cùng các biến cố xảy ra hợp lý và rõ ràng.

Antoine cười, khá tự nhiên:

- Lý thú thật. Mọi việc được trình bày vững vàng. Một tiểu thuyết nhiều kì với những diễn biến kịch tính. Xin chúc mừng, d’ Enneris. Không may, cái gọi là họ hàng của tôi với les Martin và ngôi nhà thứ hai mà anh nói tôi hoàn toàn không biết. Không may vai trò của tôi hoàn toàn trái ngược với điều anh gán ghép. Tôi chưa bao giờ bắt cóc ai, không trấn lột chiếc yếm kim cương nào. Tất cả những gì các bạn Mélamare của tôi, Arlette, Béchoux và chính anh có thể nhận thấy trong hành động của tôi chỉ là trung thực, vô tư, giúp đỡ và thân thiện. Anh sai rồi, d’ Enneris.

Lời phản bác đúng, về một số mặt, và không ít tác động đến bá tước và bà em. Thái độ bề ngoài của Fagérault vẫn luôn luôn không có gì đáng trách. Mặt khác, anh ta có thể không biết có ngôi nhà thứ hai. D’ Enneris không né tránh, vẫn trả lời một cách gián tiếp:

- Có những khuôn mặt lừa phỉnh và những cách xử sự đưa ta đến sai lầm. Tôi thì không bao giờ mơ hồ về bề ngoài trung thực của quý ông Fagérault. Ngay lần đầu gặp ông ta ở quán hàng bà dì Victorine, tôi đã nghĩ đây là đối thủ của chúng ta và buổi tối nấp sau tấm màn cùng Béchoux nghe ông ta nói, sự nghi ngờ của tôi trở thành một điều chắc chắn. Quý ông Fagérault đóng một vai trò chủ chốt. Có điều, tôi thú nhận, từ ngày tiếp xúc, cách xử sự của ông ta làm tôi lạc hướng. Bỗng nhiên đối thủ này có vẻ mâu thuẫn với chính mình và với những kế hoạch tôi nghĩ ông ta đang tiến hành. Ông ta bảo vệ gia đình Mélamare thay vì tấn công và xem như thay đổi ý đồ. Vậy thì có việc gì đây? Ô! Một điều rất đơn giản. Arlette xinh đẹp và dịu hiền của chúng ta đã đi vào cuộc đời ông ta.

Antoine nhún vai cười:

- Lại càng buồn cười. Nào, d’ Enneris, Arlette có thể thay đổi bản chất của tôi sao? Và làm cho tôi trở thành đồng lõa của những tên vô lại tôi đã theo dõi trước anh và tôi đang lùng bắt ư?

D’ Enneris trả lời:

- Arlette vào trong cuộc đời ông ta đã một thời gian rồi. Ông nhớ chứ, thưa ông Mélamare, ông đã đi theo cô ta nhiều lần vì cô rất giống cô gái ông từng yêu. Antoine vốn thường trông chừng ông, hoặc trực tiếp hoặc qua các dì, chú ý đến cô gái ông đi theo, đã bám theo cô từ xa đến tận nhà, lòng vòng trong bóng tối, thậm chí đã đến hỏi chuyện trong một buổi tối cô ra khỏi nhà. Sự tò mò ban đầu trở thành một tình cảm rõ rệt hơn và tăng thêm qua mỗi lần gặp. Chúng ta không quên quý ông Fagérault là một người đa cảm có thể lẫn lộn ước mơ thơ mộng với những việc trục lợi, cũng là một người si tình không dừng lại giữa đường. Bạo dạn lên qua việc bắt cóc Régine, thống nhất với Laurence Martin tuy mụ này thấy đây là một việc làm nguy hiểm, ông ta không ngần ngại bắt cóc tiếp Arlette.

Ông ta định giam giữ cô, lợi dụng có ngày sẽ thuộc về mình. Arlette chạy trốn; ông ta hoàn toàn thất vọng. Trong mấy ngày ông đau khổ thực sự, không thể quên cô được, làm mọi cách để được yêu. Một buổi tối đột ngột làm đảo lộn mọi dự án, ông ta đến gặp Arlette và bà mẹ tại nhà. Ông tự giới thiệu là bạn của gia đình Mélamare, xác định bá tước và bà em vô tội; Arlette có muốn giúp ông chứng minh sự vô tội ấy không?

Ông thấy đấy, thưa ông de Mélamare, ông ta đã có lợi như thế nào trong trò chơi mới này. Bỗng nhiên ông ta nhận được cảm tình của Arlette sung sướng sửa chữa sai lầm. Ông ta hợp tác với cô, được bà em bá tước hàm ơn, đưa ra một kế hoạch bảo vệ, cứu bà và ông. Trong lúc đó tôi ngỡ ngàng, tốn công suy nghĩ. Ông ta ở trong phòng khách của ông như nhà mình; mọi người đón tiếp ông ta như một thần hộ mệnh. Ông ta đề nghị tự mình cung cấp hàng triệu (có đáng gì với ông ta đâu!) cho những ước mơ làm việc từ thiện của Arlette và được những người ông ta cứu vớt ủng hộ, ông ta được Arlette hứa hôn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3