Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 17 - 18

17. CHỨC TƯỚC CỦA PHẠM ỨNG MỘNG VÀ TRẦN LAI

Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) và vua Trần Nhân Tông (1278 - 1293), mỗi người có một lần ban chức tước khá đặc biệt, khiến cho hậu thế cứ băn khoăn mãi không thôi.

Vua Trần Thái Tông thì ban chức cho Phạm Ứng Mộng vào năm 1254. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 20a) có đoạn: “Trước đó, vua nằm mơ thấy mình đi chơi, gặp thần nhân và được thần nhân chỉ cho một người rồi bảo là người này có thể làm chức hành khiển. Tỉnh dậy, vua chẳng biết đấy là người nào. Một hôm tan chầu, vua ngự ra ngoài thành, thấy người con trai ngồi học ở cửa nam thành, hình dáng giống hệt người trong mộng. Vua gọi đến hỏi, người đó ứng đối chẳng khác gì những lời trong mộng. Vua muốn trao cho chức hành khiển nhưng thấy khó, mới cho bốn trăm quan tiền bảo tự hoạn, ban tên Ứng Mộng. Sau này thăng dần đến chức hành khiển.”

Vua Trần Nhân Tông thì ban chức cho Trần Lai vào năm 1285. Cũng sách nói trên (tờ 44b) chép rằng: “Lúc đó, vua ngự thuyền nhẹ ra Hải Đông, chiều rồi mà vẫn chưa ăn cơm sáng. Có người lính là Trần Lai dâng cơm gạo xấu, vua khen là trung, ban cho chức thượng phẩm kiêm chức tiểu tư xã của xã Hữu Triều Môn ở Bạch Đằng.”

Lời bàn: Đành cũng có ứng đối để xét thực hư, nhưng xem ra, cái chức hành khiển của Phạm Ứng Mộng vốn đã được Trần Thái Tông định sẵn trong mơ rồi. Hóa ra, trường hợp của Phạm Ứng Mộng quả đúng là “may hơn khôn” vậy.

Trần Lai thực tâm, nghĩ vua cũng như bao người khác, đói là phải ăn cái đã. Nhân Tông cảm cái nghĩa “một miếng khi đói bằng một gói khi no” nên mới ban chức tước hậu cho Trần Lai. Vả chăng, lúc ấy đang khi trận mạc, vua cũng muốn nêu cao lòng trung của binh sĩ. Thế là trong chỗ không ngờ, nhở hảo tâm dâng bát cơm gạo xấu mà Trần Lai được vinh hiển.

Cái đức của Trần Thái Tông và Trần Nhân Tòng thì thật lớn, nhưng lẽ đâu, chỉ vì một giấc mộng, một bát cơm gạo xấu mà đem chức tước hậu hĩ ban cho người. Mầm hại cho xã tắc đã có ngay trong cái tốt không phải chỗ của Trần Thái Tông và Trân Nhân Tông rồi đó vậy!

18. YẾT KIÊU VÀ DÃ TƯỢNG

Thời Trần, tất cả quý tộc và quan lại đều có gia nô, thậm chí, có quý tộc gia nô đông đến hàng ngàn người. Đã là gia nô thì phải suốt đời phục dịch cho chủ, và trong xã hội, không ai có địa vị thấp hèn như họ cả. Thường thì họ bị chủ khắc dấu vào thân thể, kể như vật sở hữu riêng. Khi chủ chết, có khi họ còn bị đem đi hỏa thiêu hoặc chôn sống theo chủ.

Thân phận tuy khổ nhục như vậy, nhưng khi vận nước lâm nguy, chính họ lại có những cống hiến rất xuất sắc. Thời ấy, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô... là những đại biểu nổi bật nhất của họ.

Năm 1285, quân Nguyên ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Trong trận Bãi Tân (một địa điểm trên sông Lục Nam) có một mẩu chuyện về họ rất cảm động. Số là khi đến chỉ huy trận đánh này, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dùng thuyền, có hai gia nô của ông là Yết Kiêu và Dã Tượng cùng đi. Đến Bãi Tân, Trần Quốc Tuấn giao cho Yết Kiêu ở lại giữ thuyền, còn Dã Tượng thì theo hộ vệ. Quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không sao cản nổi bước tiến vũ bão của giặc, trở lại đường cũ thì có phần nguy hiểm nên Trần Quốc Tuấn định theo đường núi mà rút lui. Dã Tượng thấy vậy liền thưa: “Yết Kiêu chưa thấy đại vương thì nhất định không rời thuyền.” Trần Quốc Tuấn trở lại Bãi Tân, quả thấy Yết Kiêu đang cắm thuyền đợi, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy đến. Vừa mừng vừa cảm động, Trần Quốc Tuấn nói: “Chim hồng hộc muốn bay cao tất phải nhờ ở sáu trụ xương cánh. Nếu không có sáu trụ xương cánh ấy thì cũng chỉ như chim thường mà thôi.” Nói xong, liền lên thuyền mà đi, giặc không sao đuổi kịp.

Lời bàn: Chó ngắn mõm thì gọi là Yết Kiêu, voi rừng thì gọi là Dã Tượng. Lấy tên thú đặt cho gia nô, không bàn cũng đủ biết thân phận gia nô thấp hèn như thế nào. Song, tận trung vì đại nghĩa cứu nước, ai dám bảo Yết Kiêu và Dã Tượng không thể sánh ngang hàng với các bậc hào kiệt khác. Đúng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói, sở dĩ có được các bậc anh hùng cái thế như chính Trần Quốc Tuấn, tất nước phải có được sự trợ thủ đắc lực của những người như Dã Tượng, Yết Kiêu.