Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 44 - 45 - 46

44. CÁI DŨNG CỦA LÊ CƯ NHÂN

Lê Cư Nhân sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông làm quan trải ba đời vua là Trần Minh Tông (1314 - 1329), Trần Hiến Tông (1329 - 1341) và Trần Dụ Tông (1341 - 1369), nổi tiếng là bậc chính trực và liêm khiết. Thời Trần Minh Tông, tuổi tuy còn trẻ nhưng ông đã làm quan đến chức tông chính đại khanh, từng cả gan chê quan hành khiển Trương Hán Siêu làm chính trị chẳng khác gì thôn cầu cước (nghĩa là chân đá cầu nhà quê, sai nhiều mà đúng chẳng bao nhiêu).

Năm Trương Hán Siêu mất (1354) cũng là năm Lê Cư Nhân qua đời. Nhân việc này, sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 18a) có chép lại một mẩu chuyện nhỏ về ông, gọn gàng mà sâu sắc như sau:

“Cư Nhân hồi vua Minh Tông còn trị vì, giữ chức nội mật, lại kiêm cả việc thẩm hình. Có lần Cư Nhân tra xét án ngục ở nhà, bị quan trung úy là Quách Lao hặc lỗi. Vua Minh Tông hỏi ông rằng sao không tránh đi. Ông trả lời rằng, thần thà chịu trách phạt chứ không dám lừa dối. Làm quan mà lừa dối thì làm sao mà thống lĩnh được liêu thuộc của mình. Xem những lời ông chê người khác và những lời ông tự nhận lỗi, cũng đủ biết ông là người ra sao. Khi mất, ông được truy tặng chức nhập nội hành khiển hữu ti lang trung đồng tri tả ti sự.”

Lời bàn: Hành khiển là chức quan thuộc hàng đầu triều, uy quyền lớn lắm. Quan hành khiển Trương Hán Siêu là bậc văn tài xuất chúng, người mà cả đến vua Trần cũng gọi bằng thầy, thì uy quyền lại còn lớn hơn nữa. Lê Cư Nhân chỉ sợ điều đúng chớ không sợ quan to nên mới dám chỉ trích quan hành khiển Trương Hán Siêu. Tra xét án ngục tại nhà thì làm sao mà tránh được lời đàm tiếu thị phi của thiên hạ? Lê Cư Nhân không tránh mặt Quách Lao là sự thường, nhưng ở đời, kể đã mấy ai làm được sự thường ấy.

45. THIỀU THỐN ĐƯỢC PHỤC CHỨC

Thời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369) có vị tướng quân tên là Thiều Thốn (người làng Triệu Xá, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) được vua sai làm thống lĩnh quân ở Lạng Sơn. Bấy giờ, Trung Quốc náo loạn bởi cuộc vùng dậy của Chu Nguyên Chương (sau là vua Minh Thái Tổ) nên tình hình biên giới vùng Lạng Sơn rất căng thẳng. Thiều Thốn là tướng tài nên được vua sai lên đó tìm cách giữ yên biên ải. Các bộ sử cũ như Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 27a) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 10, tờ 19) đều chép rằng, Thiều Thốn do khéo phủ dụ quân sĩ nên ai cũng thích.

Nhưng, khi ông đang thành đạt, được quân dân Lạng Sơn quý trọng thì người em trai ông lại cậy thế mà làm nhiều điều càn quấy, buộc triều đình phải trị tội. Em trai ông bị phạt, ông cũng bị vạ lây, mất hết cả chức tước. Thương ông, quân sĩ buồn lòng, cùng nhau đặt lời mà ca rằng:

Trời chẳng thấu oan,

Ông Thiều mất quan.

Dẫu biết mình bị oan, Thiều Thốn vẫn cam lòng chịu tội, không hé răng kêu nửa lời. Quân sĩ thấy vậy lại càng buồn chán hơn và lại cùng nhau đặt lời mà ca tiếp:

Ông Thiều ra về,

Lòng ta tái tê.

Lời quân sĩ ta thán vang đến tận triều đình. Nhà vua xét lại miễn tội và phục chức cho ông. Quân sĩ bấy giờ mới vui mừng mà đặt lời ca rằng:

Trời đã thấu oan,

Ông Thiều lại làm quan.

Thiều Thốn tuy được phục chức nhưng chẳng bao lâu sau thì mất vì bệnh.

Lời bàn: Thân làm tướng mà chỉ lo ra oai thì quân sĩ sợ mà không kính, việc có thể xong mau trong nhất thời mà cơ nghiệp khó bền lâu. Đem lòng thành mà vỗ về thì quân sĩ cũng lấy lòng thành mà đáp lại, việc có thể chậm trễ chút ít trong nhất thời nhưng ân đức cơ nghiệp thì còn mãi với thiên thu. Lòng quân yên ả thì biên cương sao không yên được. Mới hay, muốn giữ nước, trước phải giữ lòng quân dân.

46. LỜI CUỐI CÙNG CỦA VUA TRẦN MINH TÔNG

Ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357), thượng hoàng Trần Minh Tông mất, thọ năm mươi tám tuổi. Thường thì trước phút lâm chung, sức cùng lực kiệt, trí tuệ thật khó mà minh mẫn nữa. Thượng hoàng Trần Minh Tông xem ra lại không phải vậy. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ quyển 7, tờ 20 a-b và tờ 21a) chép rằng:

“Khi se mình (không được khỏe, bị bệnh), triều đình muốn lập đàn chay cầu đảo. Minh Tông nghe biết chuyện, bèn gọi hữu tướng quốc là (Trần) Phủ vào tận giường nằm để hỏi. Vua (đây chỉ Trần Dụ Tông) sợ, lập tức sai Phủ tâu rằng, Phạm Ứng Mộng xướng nghị việc tự xin lấy mình chết thay cho thượng hoàng. (Trần) Phủ vừa tâu lên thì thượng hoàng nói:

- Ứng Mộng tự nhận làm địa vị của Chu Công thì cứ lấy thân mình mà chết thay cho cha hắn, còn đàn chay thì không được làm.

Bấy giờ, Hiến Từ thái hậu phóng sinh các giống súc vật để cầu cho Minh Tông khỏe lại. Minh Tông bảo bà:

- Thân ta không thể lấy con heo, con dê mà đổi được.

Khi bệnh đã trầm trọng, bèn cho gọi bọn thầy thuốc là Trâu Canh, Vương Định, Phạm Thế Thường vào coi mạch. (Trâu) Canh nói là mạch phiền muộn. Minh Tông liền ứng khẩu đọc một bài thơ cho bọn Trâu Canh nghe:

Coi mạch nói chi những chuyện phiền,

Trâu Canh nên hãy hốt thuốc tiên.

Chuyện buồn nếu kể hoài không dứt,

Chẳng hóa rước thêm nỗi muộn phiền.

Lúc ấy, bởi Trâu Canh thường ra vào cung cấm, vẫn hay dùng những câu khác đời, những lời quỷ quyệt, cốt để huyễn hoặc Trần Dụ Tông nên Trần Minh Tông ghét lắm, bèn mượn bài thơ để châm biếm hắn. Khi thuốc dâng lên, Minh Tông nói:

- Người đời bao nhiêu khổ não, nay thoát được nỗi khổ não này thì mai lại gặp nỗi khổ não khác mà thôi.

Nói rồi, không chịu uống thuốc. Lúc bệnh đã quá nguy kịch, gọi quan hoạn là Nguyễn Dân Vọng đem bản thảo tập thơ ngự chế đốt đi. Dân Vọng còn do dự thì Minh Tông nói:

- Vật đáng tiếc hơn còn không thể giữ được, giữ gì thứ ấy.

Các hoàng tử cùng đứng hầu cạnh, chờ nghe lời dạy cuối cùng. (Minh Tông) liền nói với họ:

- Các con cứ xem việc làm của người xưa, việc hay thì theo, việc dở thì lánh, cần gì phải nghe ta nói.

Minh Tông từng nói rằng:

- Bậc đế vương dùng người không phải là có tình riêng với người đó mà chỉ vì đó là người hiền thôi. Người đó theo đúng ý ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi là hiền mà dùng họ. Nếu ta cũng đúng là người hiền thì những người được ta dùng cũng hiền, kể như Nghiêu, Thuấn dùng Tắc, Khiết, Quỳ, Long vậy. Nếu ta không hiền thì những kẻ ta dùng ắt cũng không hiền, khác chi Kiệt, Trụ dùng Phi Liêm, Ác Lai vậy. Đó là ‘đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’ cùng loại thì hợp nhau. Kiệt, Trụ đâu phải có tình riêng gì với bề tôi của hắn. Bảo hắn là ngu tối thì được chớ bảo hắn có tình riêng thì không.”

Lời bàn: Thượng hoàng Trần Minh Tông chợt nghĩ được những lời tốt đẹp này trước phút lâm chung chăng? Ắt không hẳn vậy. Ngọn đèn sắp tắt bao giờ cũng lóe sáng lên một lần cuối cùng, đời mẫn tuệ trước lúc tàn thường vẫn để lại cho hậu thế những lời châu ngọc. Mới hay, muốn lóe sáng cả ở phút cuối đời thì sinh thời mình phải là một ngọn đèn. Minh Tông quả đúng là ngọn đèn của dĩ vãng, dẫu đã tắt giữa cõi đời vẫn tỏa sáng trong sử sách vậy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3