Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 47 - 48 - 49
47. VUA TRẦN DỤ TÔNG
Trần Dụ Tông tên thật là Trần Hạo, con thứ mười của vua Trần Minh Tông, sinh ngày 19 tháng 10 năm Bính Tí (1336), lên ngôi ngày 21 tháng 8 năm Tân Tị (1341) lúc mới được năm tuổi, làm vua hai mươi tám năm, mất năm Kỉ Dậu (1369), thọ ba mươi ba tuổi.
Ngày 15 tháng 8 năm Kỉ Mão (1339), Trần Dụ Tông (lúc ấy còn là thái tử Hạo, mới ba tuổi) đi chơi ở Hồ Tây, chẳng may bị té xuống nước, ngỡ đã bị chết đuối rồi. Bấy giờ, may có bậc danh y là Trâu Canh tận tâm cứu chữa mới thoát được. Trâu Canh có nói trước rằng: dùng kim châm thì sống lại nhưng sẽ bị liệt dương, sau quả y như vậy.
Trong mười sáu năm đầu đời Trần Dụ Tông, chính sự tạm cho là ổn, nhưng từ năm niên hiệu Đại Trị thứ nhất (1357) trở đi, Dụ Tông chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy đốn rất mau. Năm 1366, vào một đêm cuối mùa hạ, Trần Dụ Tông đi chơi đêm ở xa trở về, bị kẻ cướp chặn đường lấy mất cả gươm báu lẫn ấn báu. Nhà vua cho đó là điềm báo trước sự chẳng lành, khó mà sống lâu hơn nữa nên lại càng thả sức chơi bời. Ba năm sau (1369) Dụ Tông mất, năm ấy, nhà Trần bị Dương Nhật Lễ cướp ngôi, phải mất một năm mới lấy lại được.
Thầy của Trần Dụ Tông là quốc tử giám tư nghiệp Chu Văn An từng nhiều lần khuyên can, dâng “thất trảm sớ” vẫn không được Dụ Tông ngó tới, bèn treo mũ áo từ quan mà về.
Ngai vàng của nhà Trần từ ấy càng ngày càng mục ruỗng, không cách gì cứu vãn nổi.
Lời bàn: Thời mà dân thường bị cướp là thời loạn, còn như thời mà cả đến hoàng đế cũng bị cướp thì phải gọi là đại đại loạn. Nịnh thần lũng đoạn, Chu Văn An dâng “thất trảm sớ” mà Dụ Tông vàn làm ngơ để Chu Văn An ôm thất vọng ê chề xuống suối vàng. Ôi, triều đình bất ổn, bảo sơn hà yên làm sao được. Dương Nhật Lễ cướp ngôi, ấy là loạn tiếp loạn, có gì lạ đâu!
48. NGÔ DẪN MẤT GIA TÀI
Tháng 6 năm Quý Mão (1363), đời vua Trần Dụ Tông (1341- 1369), triều Trần có một vụ án hơi khác thường. Bị can là Ngô Dẫn, lúc ấy đang làm trại chủ xã Đại Lai, bị triều đình ra lệnh tịch thu toàn bộ gia sản. Đầu đuôi vụ án này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 25b) chép lại vắn tắt như sau:
“Trước đây, về đời vua Trần Minh Tông, cha của Ngô Dẫn có bắt được một viên ngọc rết rất lớn, bèn đem đến Vân Đồn (để bán). Các thuyền buôn tranh nhau mua. Một người chủ thuyền do muốn được vật lạ đó, liền dốc hết của cải để mua. Dẫn nhờ vậy mà giàu có. Vua Trần Minh Tông đem công chúa Nguyệt Sơn gả cho Dẫn. Dẫn cậy giàu có, thông dâm với người con gái khác, lại có những lời lăng nhục công chúa. Công chúa đem những việc ấy tâu vua. Dẫn được tha tội chết nhưng bị tịch thu gia sản.”
Lời bàn: Cha của Ngô Dẫn bắt được ngọc rết, cứ tưởng phút chốc trở nên giàu có là may, có biết đâu ham của mà quên dạy con, kể cũng như bỏ mất một viên ngọc con quý hơn cả ngọc rết nhiều lần nữa.
Vua Trần Minh Tông cũng vì ham của mà gả con cho nhà giàu, cho nên, công chúa Nguyệt Sơn thực đã bị rẻ rúng trước khi về nhả chồng rồi đó vậy.
Một viên ngọc mà làm mờ mắt không biết bao người, kể cả thiên tử, chuyện khó tin mà có thật, quả đáng sợ lắm. Một khi của quý hơn người thì hạnh phúc đành phải ngậm ngùi mà chào vĩnh biệt thôi.
Triều đình tịch thu gia sản của Ngô Dẫn là để trừ mầm hại cho phong hóa chăng? Xem ra, triều đình lúc ấy cũng coi của hơn người, nếu không thì đã dùng hình pháp khác.
Viên ngọc rết, gớm thay!
49. PHÉP XỬ THẾ CỦA TRẦN NHẬT DUẬT
Trần Nhật Duật (1254 - 1330) là hoàng tử thứ sáu của vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông (1225 - 1258), tước Chiêu Văn đại vương, làm quan thờ trải bốn đời vua là Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông và Minh Tông. Vào triều, Nhật Duật là tể tướng, chính sự nhờ ông mà thêm phần rành mạch; về thái ấp, Nhật Duật là bậc nghiêm cẩn mà nhân từ, phong lưu mà vẫn liêm khiết, phong hóa một vùng cũng nhờ ông mà thêm phần tốt đẹp. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 3b và tờ 4a) có đoạn chép về ông như sau:
“Ông là người hòa nhã, độ lượng, mừng vui hay giận dữ đều không lộ ra nét mặt, trong nhà không bao giờ chứa roi để đánh gia nô, nếu có đánh thì cũng kể rõ tội rồi sau mới đánh. Có lần ông sai gia đồng giữ thuyền, tên này bị gia đồng của quốc phụ (chỉ Trần Quốc Chẩn - ND) đánh. Có người đến mách, ông hỏi:
- Có chết không?
Người đó trả lời:
- Chỉ bị thương thôi.
Ông nói:
- Không chết thì thôi, mách làm gì?
Lại có người kiện thị tì của ông với quốc phụ, quốc phụ sai gia đồng tới bắt. Người thị tì chạy vào trong phủ, người đi bắt đuổi đến nhà giữa, bắt trói ầm ĩ. Phu nhân khóc lóc nói với ông:
- Ân chúa là tể tướng, Bình Chương (chỉ Trần Quốc Chẩn) cũng là tể tướng. Vì ân chúa nhân từ, nhu nhược, nên người ta mới coi khinh đến nước này.
Nhật Duật vẫn ung dung không nói, xong, chậm rãi sai người ra bảo kẻ thị tì rằng:
- Mày cứ ra đi, ở đâu cũng đều có phép nước cả.”
Lời bàn: Làm cho tướng giặc hung hãn phải khiếp sợ như ông từng làm mới là khó, chứ làm cho đám gia nô thân phận thấp hèn phải khiếp sợ thì có khó gì. Nhà Nhật Duật không chứa roi, ấy là bởi ông muốn chí nhân với thiên hạ. Không chấp nhất sự vụn vặt, ấy cũng là phép xử thường của đấng đại trượng phu. Nhật Duật ung dung nên giữ được hòa khí, trong thì cốt nhục được tương thân, ngoài thì đồng liêu được hòa hiếu. Thế gọi là đại nghĩa. Ông tin ở phép nước, nước nhà há lại chẳng tin ông?