Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 50 - 51 - 52

50. THƯỢNG HOÀNG TRẦN MINH TÔNG VỚI VIỆC CHỌN NGÀY

Tháng 7 năm Canh Ngọ (1330), Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu mất tại am Mộc Cảo (Yên Sinh, Hưng Yên). Bà là hoàng hậu của vua Trần Anh Tông và là thân mẫu của vua Trần Minh Tông. Ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Thân, Trần Minh Tông (bấy giờ đã nhường ngôi cho con là Trần Hiến Tông để lên làm thái thượng hoàng) cho phụ táng bà vào Thái Lăng (tức lăng của Trần Anh Tông). Sách Đại Việt sứ kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 5b) và sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 9, tờ 33) có ghi lại việc này vắn tắt như sau:

“Trước đó, thượng hoàng sai các quan chọn ngày chôn cất.

Có người bác đi, nói rằng:

- Chôn năm nay tất hại đến người chủ tế.

Thượng hoàng sai hỏi lại người đó rằng:

- Ngươi biết là sang năm ta nhất định chết à?

Người đó trả lời không biết. Thượng hoàng liền nói:

- Nếu sang năm mà ta chết thì lo xong việc chôn cất mẫu hậu sớm chẳng hơn là chết rồi mà vẫn chưa lo được việc đó ư. Lễ cát hung phải chọn ngày là vì coi trọng việc chứ đâu phải câu nệ họa phúc như các nhà âm dương.

Rốt cuộc vẫn cử hành lễ phụ táng ấy.”

Lời bàn: Âm dương gia cho việc chọn ngày là hệ trọng, vì cho rằng việc này liên can mật thiết đến an nguy của người cử hành. Minh Tông thì khác, nhà vua chọn việc trước, chọn ngày sau, nếu chỉ được phép chọn một trong hai thì nhà vua chọn việc chứ không phải chọn ngày. Xem chuyện này, ai dám bảo người xưa là cổ hủ. Chép xong đoạn sử trên. Quốc Sử quán triều Nguyễn phê ngay ba chữ là: “có kiến thức”, gọn gàng mà đầy đủ lắm thay. Ai đó còn mê muội với chuyện ngày lành tháng tốt há chẳng nên đọc chuyện này cho kĩ đó sao?

51. ĐỨC ĐỘ CỦA THUẬN THÁNH BẢO TỪ HOÀNG THÁI HẬU

Thuận Thánh Bảo Từ là hoàng hậu của vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) và là thân mẫu của vua Trần Minh Tông (1314 - 1329). Bà vốn là con gái của Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng, tức cháu nội của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Bà sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất vào tháng 7 năm Canh Ngọ (1330). Bình sinh, bà là người đức độ, rất được người đương thời kính trọng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 1 a-b và tờ 2a) chép rằng:

“Thái hậu nhân từ. Các con của Anh Tông, dù là do vợ thứ sinh ra, Bà cũng rất yêu dấu, chăm sóc như con mình. Công chúa Huệ Chân được Anh Tông yêu quý, thái hậu cũng rất yêu nàng. Công chúa Thiên Chân là con đẻ của thái hậu, nhưng khi được ban thức gì thì bà cho Huệ Chân trước, sau mới đến Thiên Chân. Anh Tông mất, thái hậu càng chăm sóc Huệ Chân hơn trước. Đến như đối xứ với các cung tần cũng rất thịnh tình, như nữ quan trong cung là Vương thị (mẹ đẻ của Huệ Chân), được vua (Anh Tông - ND) yêu mà có thai, thái hậu đã lấy cả Song Hương Đường (phòng ngủ của chính thái hậu) cho làm nơi sinh nở. Vương thị sinh xong thì mất. Cung nhân ngầm tâu với thượng hoàng (Anh Tông - ND) là thái hậu giết Vương thị, nhưng thượng hoàng vẫn biết thái hậu là người nhân từ, liền nổi giận lấy roi đánh người cung nhân ấy. Thái hậu biết vẫn chẳng để bụng.”

Lời bàn: Sau khi chép lại chuyện này cho gọn hơn, các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 9, tờ 31) phê rằng: “Rất phải đạo đàn bà, nghìn xưa ít có.” Đạo đàn bà là gì? Hẳn là mỗi thời quan niệm một khác, nhưng thời nào mà chẳng sợ sự hẹp hòi và ghen tuông. Dân gian có câu:

Bao giờ bánh đúc có xương

Bao giờ dì ghẻ biết thương con chồng.

Nguyễn Du cũng viết:

Rằng tôi chút phận dàn bà.

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

Ít ra thì Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu cũng là một trong những ngoại lệ khả kính của hai câu tổng kết này vậy.

52. SỞ HỌC CỦA TRẦN NHẬT DUẬT

Không thấy sử chép chuyện quý tộc họ Trần đi thi, nhưng sở học của những nhân vật như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nguyên Đán...v.v quả là đáng phục vô cùng. Đây chỉ xin theo Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 2 a-b và tờ 3a) để kể riêng sở học của Trần Nhật Duật, người được coi là nhà ngôn ngữ học lỗi lạc ở cuối thế kỉ XIII đầu thế kỉ XIV:

“Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi ở thôn Bà Già. Thôn này có từ hồi Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành. Vua Lý bắt được người Chiêm rồi cho về ở đấy, theo tiếng Chiêm mà đặt tên thôn là Đa-gia-ly, sau người đời gọi sai thành thôn Bà Già. Nhật Duật đến chơi, có khi đến ba bốn ngày mới về.

Nhật Duật lại hay đến chơi chùa Tường Phù, nói chuyện với nhà sư người Tống, ở lại lâu mới về. Người nước ngoài đến kinh sư, thường kéo đến nhà ông. Nếu là khách Tống thì ông kéo ghế ngồi gần, chuyện trò suốt buổi, nếu là người Chiêm hay người các dân tộc thì theo phong tục của họ mà tiếp đãi.

Đời Nhân Tông (1278 - 1293), sứ nước Sách-mã-tích (tức nước Tumasik, thuộc nhóm Mã Lai - Đa Đảo - ND) sang cống, (triều đình) không tìm được người phiên dịch, chỉ có Nhật Duật là dịch được. Có người hỏi ông vì sao biết tiếng nước họ, ông trả lời rằng thời Thái Tông (1225 - 1258), sứ nước ấy sang, nhân có giao du với họ nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ. Nhân Tông từng nói: “Chú Chiêu Văn (chỉ Trần Nhật Duật, vai chú ruột của vua Nhân Tông - ND) có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc nên mới giỏi tiếng các nước đó.” Hồi làm tể tướng, ông thường qua nhà một người Tống là Trần Đạo Chiêu, nói chuyện với nhau hàng giờ không mỏi. Anh Tông biết chuyện, nói với ông rằng: ‘Tổ phụ là tể tướng (Nhật Duật vai ông của Anh Tông nên Anh Tông gọi là tổ phụ - ND), Đạo Chiêu tuy là người Tống, nhưng đã có hàn lâm phụng chỉ (chức quan lo phiên dịch - ND), há nên ngồi nói chuyện với hắn.’

Theo lệ cũ, sứ Nguyên sang phải sai người biết tiếng để phiên dịch. Tể tướng không được nói chuyện trực tiếp với họ, làm thế để lỡ có gì sai sót thì đổ lỗi cho người phiên dịch. Nhật Duật thì không thế. Tiếp sứ Nguyên, ông thường nói chuyện thẳng với họ mà không mượn người phiên dịch. Khi sứ xong việc, về nơi nghỉ ngơi thì dắt tay cùng về, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn quen biết. Sứ Nguyên hỏi ông: ‘Ông là người Chân Định (vùng thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc ngày nay - ND) tới làm quan ở đây chớ gì?’ Nhật Duật ra sức cãi lại nhưng họ vẫn không tin, có lẽ vì hình dáng và tiếng nói của ông giống người Chân Định.”

Lời bàn: Ai từng học ngoại ngữ mới biết học ngoại ngữ khó như thế nào. Học một lúc thông thạo cả tiếng Trung Quốc, tiếng Mông Cổ, tiếng Chăm, tiếng Tumasik, tiếng các dân tộc ít người… như Trần Nhật Duật lại càng khó hơn. Học đến độ nói tiếng nước ngoài chẳng khác gì người nước ngoài, khiến không thể tin đó là người Việt học thông thạo đến độ có thể từ tiếng nước này mà suy đoán đúng được tiếng của nước khác cùng một ngữ hệ, thì cổ kim chẳng mấy ai được như Nhật Duật.

Tước đại vương, chức tể tướng, giàu không ai bằng ông, sang cũng chẳng ai bằng ông, và bận quốc gia đại sự chắc cũng chẳng mấy ai như ông, vậy mà ông vẫn ham học dám học và học giỏi. Điều cần nói thêm là Nhật Duật sống rất nghệ sĩ, trong nhà không lúc nào dứt tiếng đàn ca. Đọc sử, có người hỏi rằng: Nhật Duật học vào lúc nào mà giỏi thế. Ôi, cái sai khó sửa đã chứa đựng ngay trong câu hỏi này. Ở đời, chỉ nên hỏi nhau là học như thế nào chớ đừng bao giờ hỏi là học vào lúc nào. Tạo hóa có cho ai thêm riêng một giờ trong một ngày đâu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3