Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất - Phần III - Chương 1

Quyển ba: Vì nàng tiều tụy muốn thành bụi

Phong tình

Có lúc thay vì tỉnh táo, nhiều người lại mong ước có thể sống mơ màng như kẻ trong mộng. Đó là vì đời người có quá nhiều gánh nặng, khi chúng ta không thể trốn tránh, thì đôi khi cũng cần buông thả.

Có lẽ chúng ta đề biết, chỉ cần sinh mệnh không đứt đoạn, câu chuyện đời người sẽ vẫn tiếp tục. Một câu chuyện kết thúc, đồng nghĩa một câu chuyện khác bắt đầu. Biết bao duyên phận đến đến đi đi, chúng ta sẽ có được những gì? Mất đi những gì? Nếu tất cả tình cảm mãnh liệt của một người đều hao mòn hết, phải chăng thế giới của anh ta từ đó sẽ yên lặng vắng vẻ?

Có người nói, nếu bạn thật sự đã chán ngán thành phố xô bồ, hãy chọn cách một mình đi xa đến chân trời. Đến trấn nhỏ Ô Trấn[1] mộc mạc yên tĩnh, đến thành cổ Lệ Giang[2] u nhã mà lại phong tình, hoặc đến Tây Tạng, cao nguyên cách bầu trời rất gần, có thể tiện tay hái lấy mây trắng. Nhưng những nơi ấy thật sự là yên tĩnh ư? Sẽ không xảy ra chuyện gì sao? Trong phim Dòng chảy thời gian[3], cô Anh đến Ô Trấn một lần, liền nảy sinh một mối tình ghi lòng tạc dạ với cậu Văn người Ô Trấn, khó mà thoát ra. Dưới ánh mặt trời[4] trên Kim Đỉnh núi tuyết Ngọc Long[5] ở Lệ Giang, có một đôi nam nữ dùng mạng sống khắc họa tình yêu ở đây. Còn Tây Tạng từng có một vị tăng như Đạt Lai thứ 6 Tsangyang Gyatso, mảnh đất này, dù từng hoang vu ra sao, về sau đều sẽ nở đầy hoa tình.

[1] Ô Trấn: thị trấn cổ nằm ở phía bắc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

[2] Lệ Giang: đô thành cổ nằm ở tây bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, là nơi sinh sống của các dân tộc Bạch, Nạp Tây và Tạng. Thành cổ Lệ Giang (bao gồm Đại Nghiên, Thúc Hà và Bạch Sa) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1997.

[3] Dòng chảy thời gian: phim truyền hình Trung Quốc, tên gốc “Tự thủy niên hoa”, các diễn viên Huỳnh Lỗi (vai Văn) và Lưu Nhược Anh (vai Anh), một phần ngoại cảnh được quay ở Ô Trấn.

[4] Dưới ánh mặt trời: phim truyền hình Trung Quốc, tên gốc “Nhất mễ dương quang”, các diễn viên Hà Nhuận Đông, Tôn Lệ, một phần ngoại cảnh được quay ở Lệ Giang.

[5] Núi tuyết Ngọc Long: một dãy núi gần Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, Trung quốc, có tất cả mười hai đỉnh núi cao trên 5.000m quanh năm tuyết phủ, đỉnh cao nhất là Phiến Tử Đẩu cao 5.596m.

Ở khu phố cổ của Lhasa, có một con đường đi kora là phố Barkhor[6]. Người đến đây nhất định sẽ không quên ghé vào một nơi. Kiến trúc của phố Barkhor đa số đều là màu trắng, riêng góc đông nam của phố Barkhor có một tòa lầu nhỏ hai tầng sơn toàn sắc liệu màu vàng, đây chính là quán rượu Makye Ame[7] nổi tiếng, cung điện bí mật của Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 Tsangyang Gyatso năm xưa. “Makye Ame” là một truyền thuyết đẹp lưu truyền ở Tây Tạng, có ý nghĩa là “người mẹ thánh khiết, thiếu nữ thuần khiết”, hoặc có thể mở rộng là “giấc mơ đẹp đẽ”. Tsangyang Gyatso từng là một anh chàng đẹp trai phong lưu hào phóng ở quán rượu nhỏ này, Dangsang Wangpo. Sự xuất hiện của Ngài sẽ khiến tất cả ánh mắt trong quán Makye Ame đều ngưng đọng.

[6] Phố Barkhor: hay phố Bát Giác, là con đường đi kora xung quanh chùa Jokhang (Đại Chiêu Tự), Lhasa.

[7] Mã Cát A Mễ.

Mặt trăng sáng vằng vặc,

Trên đỉnh núi phía đông.

Khuôn mặt nàng rạng rỡ,

Hiện lên nơi đáy lòng

Bao nhiêu năm đã trôi qua, bài thơ Tsangyang Gyatso viết cho Makye Ame vẫn lưu truyền đến nay. Ngài chân thực bày tỏ tâm ý tốt đẹp của trai gái hồng trần, quán rượu Makye Ame, vì Tsangyang Gyatso, đã chất chứa phong tình mà nơi khác không có. Biết bao khách qua đường đi ngang chốn này, trong quán rượu tràn trề vẻ dịu dàng, nhấm nháp một ly rượu ngon, lưu lại chút ít cõi lòng. Tên tuổi xa lạ, mặt mũi xa lạ, không ai quen biết ai, nhưng họ thật sự đã gặp nhau. Ở cùng một nơi, nghĩ đến cùng một người, một người đã rời xa ba trăm năm, hồn phách của Ngài phải chăng sẽ vào lúc đèn hoa vừa thắp sáng trôi dạt đến chốn này? Ở đây, cùng một cô gái trẻ tuổi thời nay, kết một đoạn duyên phận mỏng manh, chỉ một đêm say thôi, tới khi trời sáng lại ai đi đường nấy.

Tsangyang Gyatso bị cung Potala giam cầm đã năm năm, đã trải qua đau khổ thất tình, đã chịu đựng kiếp sống con rối, trái tim của Ngài bắt đầu rạo rực, như cỏ xanh lan tràn ngoài cửa sổ, như làn gió ấm áp tháng tư. Chẳng biết là thử thách của Phật tổ đối với Ngài, hay là trong số mệnh Ngài định sẵn sẽ có một giấc mơ đẹp đẽ, hoặc là vì nguyên nhân nào khác. Tsangyang Gyatso vào một ngày vô ý, phát hiện trong chiếc lồng son đẹp đẽ này hóa ra có một cửa ngách nho nhỏ không người qua lại, không người canh giữ, điều này có nghĩa là Ngài có thể từ trong cửa ngách lẻn ra ngoài, thông qua con đường này đến thành cổ Lhasa.

Con đường này đem đến cho gian phòng đóng kín một làn ánh sáng ấm áp, cũng tiếp dòng máu mới cho trái tim sắp sửa lạnh ngắt của Tsangyang Gyatso. Ngài vứt bỏ năm năm khép mình vào khuôn phép, không nhu nhược nữa, Ngài phải nhân lúc nửa đêm không người từ cửa ngách đi ra ngoài, đến thành Lhasa tươi đẹp, sống hết mình một lần vì bản thân. Nơi náo nhiệt nhất ban đêm, chính là một quán rượu nhỏ trên phố Barkhor. Tsangyang Gyatso bước ra cửa ngách, thay trang phục hoa lệ, đội mái tóc giả đẹp đẽ, trong nháy mắt Ngài lắc mình biến thành một chàng trai anh tuấn tiêu sái. Ngài tự đặt một cái tên, gọi là Dangsang Wangpo[8]. Ngài phải đến một quán rượu đèn đuốc huy hoàng, dự một buổi yến tiệc thịnh soạn của tuổi thanh xuân, tạm biệt thân phận Phật sống, Ngài sẽ là tình lang đẹp nhất thành Lhasa.

[8] Đăng Tang Uông Ba

Khi ở trong cung Potala,

Là Phật sống Tsangyang Gyatso,

Mua say trên đường phố Lhasa,

Là lãng tử Dangsang Wangpo.

Trên đường phố của thành Lhasa, Tsangyang Gyatso tuấn tú tình cờ gặp một đám hát rong trẻ tuổi, họ đều có tuổi xuân phơi phới, tụ tập một chỗ uống rượu ca hát, cười đùa vui chơi. Trước đây Tsangyang Gyatso chỉ ở địa phương nhỏ Monyu uống rượu ca hát với người trong họ, chưa từng được chiêm ngưỡng vẻ phồn hoa của đô thị này. Ngài đã sớm chán ghét cuộc sống khô khan đơn điệu như kẻ tù tội suốt năm năm, một đêm mua say khiến Ngài thật sự nếm được mùi vị tốt đẹp của tuổi hoa gấm vóc. Tsangyang Gyatso cảm thấy cuộc sống như vậy mới là đãi ngộ một thanh niên tiêu sái hai mươi tuổi nên hưởng thụ. So ra, mỗi ngày ngồi trên ngai Phật của cung Potala, được mọi người cung kính lễ bái, thật là chẳng chút thú vị.

Lẽ nào người trên đời đều là như thế, những thứ mình có được, đều cảm thấy không hoàn mỹ. Nhữnng thứ không có, lại cứ nghĩ đủ mọi cách khát khao đạt được. Con người vì có theo đuổi, có tưởng nhớ, mới vĩnh viễn không có thỏa mãn. Những thanh niên lang thang đầu đường xó chợ của Lhasa kia, lại rất mực hâm mộ Tsangyang Gyatso tuổi tác tương đương với họ. Hâm mộ Ngài sinh ra đã có danh hiệu Phật sống cao quý, không cần phiêu bạt chốn nhân gian khói lửa, không cần thần phục dưới chân bất cứ người nào. Nhưng lại không biết, tất cả những điều đó là khổ nạn ông trời áp đặt cho Ngài, Ngài chỉ muốn cuộc sống bình thường, tự do không gò bó, có thể giống tất cả trai trẻ, ban ngày làm việc, ban đêm uống rượu vui chơi hết mình ở quán rượu.

Có lúc thay vì tỉnh táo, nhiều người lại mong ước có thể sống mơ màng như kẻ trong mộng. Đó là vì đời người có quá nhiều gánh nặng, khi chúng ta không thể trốn tránh, thì đôi khi cũng cần buông thả. Tsangyang Gyatso năm mười lăm tuổi, mơ hồ vì kiếp trước chưa biết của mình, làm Đạt Lai Lạt Ma thứ 6, gánh vác trách nhiệm. Vì đến quá gấp gáp, lại thêm cuộc sống tựa chim lồng năm năm, Ngài càng khao khát cơn say hơn bất cứ ai. Do đó khi Tsangyang Gyatso có cơ hội rời cung Potala, đi trên đường phố Lhasa, người tiêu sái nhất, phong lưu nhất, phóng túng nhất, triệt để nhất, chẳng ai ngoài Ngài.

Chỉ một đêm vui mặc sức đã khiến Tsangyang Gyatso cảm thấy hưng phấn và vui vẻ trước giờ chưa từng có. Trước khi trời sáng, Ngài đúng giờ về đến bên cửa ngách dưới chân Hồng Sơn, dùng chìa khóa mà tự mình lắp để mở cửa, đi vào cung Potala như chẳng có việc gì xảy ra. Trở về tẩm cung của mình, nhanh chóng gỡ tóc giả trên đầu xuống, thay áo sư màu đỏ, đứng trước gương, Ngài lại đã trở thành Đạt Lai thứ 6, vị vua lớn nhất của cung Potala. Lần đầu tiên, Ngài đứng trước gương nở một nụ cười hài lòng ngọt ngào với chính mình. Dù trên mặt vẫn còn tràn trề ý say chưa tỉnh, nhưng Ngài hiểu rõ một cách tỉnh táo, cuối cùng cũng đã triệt để sống một lần vì bản thân.

Thế nhưng rượu ở đầu phố Lhasa tựa như một ly thuốc độc, nếm một lần sẽ ghiền. Người của Tsangyang Gyatso đã trở về cung Potala, lòng của Ngài vẫn lưu lại ở quán rượu nhỏ trên phố Barkhor, không quên được khói lửa nhân gian mù mịt nơi đó, không quên được tiếng cười nói vui vẻ trên đường phố. Năm năm rồi, đây là lần đầu tiên Ngài đi ra cung Potala, hơn nữa là vào ban đêm, một mình khẽ khàng lẻn ra ngoài. Chuyến vi hành của Ngài thật là kích thích, thật chẳng dễ dàng, điều đó khiến Ngài càng thêm lưu luyến và hướng đến thế giới bên ngoài. Trái tim được buông thả một lần giống như chim ưng bay lượn cuồng dại, bay thật cao, thật xa, muốn thu về, đã là không thể.

Ban ngày, Tsangyang Gyatso ngồi nghiêm trang trên ngai Phật chí tôn, nghe Thượng Sư nghiêm cẩn trước mặt thảo luận việc cúng tế, tiếp nhận lễ bái của họ. Đệ Ba Sangye Gyatso trước sau một mực nghiêm khắc với Ngài, nhưng đã không còn quan trọng nữa, Tsangyang Gyatso không để tâm. Ngài đã không quý báu gì vị trí Phật sống này, không quý báu gì cây quyền trượng không có được kia, cũng không muốn quan tâm cục diện chính trị rối rắm của Tây Tạng. Cũng không muốn vì chúng sinh, đọc những kinh văn đã sớm vô vị, nghe tiếng niệm Phật đơn điệu. Một chút lưu niệm cuối cùng còn lại của cung Potala đối với Ngài, cũng bị khói lửa của phố Barkhor phủ kín.

Không kịp nữa rồi, trái tim buông thả ấy đã bay quá xa. Người đa tình xưa nay đều quyết liệt, Ngài có thể không cúi cái đầu cao ngạo vì danh lợi, nhưng sẽ khom người cúi đầu vì một phút tự do. Chúng ta nên biết, Tsangyang Gyatso sẽ không an phận thủ thường sống trong cung Potala nữa, Ngài nhất định sẽ lại chuốc say trong quán rượu nhỏ trên phố Barkhor. Đợi đến khi màn đêm buông xuống, lúc những người đi kora đã rời khỏi, quạ sẻ im tiếng, cả cung điện trầm lắng ngủ say, Ngài sẽ thay trang phục hoa lệ, đội tóc giả, lại làm chàng trai anh tuấn tên Dangsang Wangpo. Mà đa tình như Ngài, lại chỉ cùng những kẻ đàn hát kia uống rượu vui tràn hay sao? Trong quán rượu đèn đuốc lờ mờ kia, nhất định sẽ có một ả dạ oanh xinh đẹp chờ đợi Ngài, nhưng lần gặp gỡ tình cờ đó sẽ đem đến cho Ngài một trận tình kiếp ra sao?

Nếu để Tsangyang Gyatso dùng thân phận Phật sống và tu hành năm năm đổi lấy một cuộc tình, Ngài sẽ chẳng chút do dự rời khỏi cung Potala. Dù lang thang trên đường phố Lhasa, làm một lãng tử, Ngài cũng cam tâm tình nguyện. Tiếp nhận phiêu bạt, là vì e sợ trái tim bị giam cầm, dù lênh đênh trôi dạt là chốn về, Ngài cũng cố chấp không hối hận.

Khói lửa

Tình cảm tựa nước vỡ bờ, ào ạt chảy xiết, đối với Tsangyang Gyatso, giờ đây Ngài sống trong cung Potala là Phật sống đã mất đi hồn phách, còn Dangsang Wangpo tiêu dao ở quán rượu nhỏ trên phố Barkhor mới chân thực là mình.

Gặp gỡ trong năm tháng thanh xuân chẳng cần bất cứ ước hẹn nào, ngẫu nhiên đi lướt qua nhau, lơ đãng ngoái nhìn một thoáng đều có thể kết nên một đoạn duyên phận. Chúng ta đều từng có những năm tháng vô cùng tươi đẹp, vì người mình yêu dốc hết tất cả tình cảm mãnh liệt, thao thao thề thốt trước núi cao sông sâu. Tự cho rằng là giống đa tình, sau khi trải qua quá trình quấn quýt, bắt đầu cảm thấy chán ngán, khi đó, nhận ra thề non hẹn biển lúc trước chỉ là một trò chơi của tuổi trẻ. Sống trên đời này, chúng ta phải tuân thủ quy tắc, quy tắc nhân sinh, quy tắc tình yêu, bèo nước gặp nhau định sẵn sẽ là khách qua đường, khi duyên hết chớ nên khổ sở cưỡng cầu.

Sau này cuối cùng tôi đã hiểu vì sao Tsangyang Gyatso không giữ thanh quy giới luật, lưu lạc nơi đầu đường xó chợ của thành cổ Lhasa. Vì là một chàng trai hai mươi tuổi, nội tâm Ngài tuôn chảy dòng máu sôi sục, buộc Ngài an phận ngồi trên ngai Phật chí cao vô thượng không động lòng phàm, vinh dự áp đặt ấy là một sự tàn nhẫn.

Tsangyang Gyatso là Phật sống, nhưng Ngài cũng là một người có máu có thịt. Một ngày kia Ngài cũng sẽ già cỗi rồi chết đi, chúng ta sẽ nhìn thấy một vị Phật sống độ hóa chúng sinh, một sinh mệnh tươi tắn, chỉ còn lại một bộ hài cốt yên tịnh. Dù linh hồn Ngài không chết, có thể chuyển thế, nhưng đó đã là kiếp sau, kiếp này tất cả đều sẽ chấm dứt cùng với kết thúc của sinh mệnh. Nhiều người cho rằng Tsangyang Gyatso lựa chọn tình yêu, là vì Ngài không hiểu thấu Phật pháp cao thâm, là vì Ngài vẫn chưa nhìn thấu bản chất đời người. Còn tôi lại không nghĩ thế, Tsangyang Gyatso mà tôi cảm nhận, phải hiểu rõ đời người ngắn ngủi, mọi nhường nhịn và trốn tránh đều là phụ bạc bản thân. Ngài tin nhân quả, tin kiếp sau, càng tin kiếp này là duy nhất của mình.

Nhiệt tình tích tụ nơi đáy lòng Tsangyang Gyatso một khi được thắp sáng, phải rừng rực bừng cháy, buông thả hết mình. Khi Tsangyang Gyatso từ cửa ngách cung Potala bước ra đường phố Lhasa vào đêm đó, có nghĩa cánh cửa tình cảm của Ngài lại bị đẩy ra. Một sinh mệnh bị giam cầm năm năm, có được một lần cơ hội sẽ không còn nhân nhượng cầu toàn sống qua ngày nữa. Tình cảm tựa nước vỡ bờ, ào ạt chảy xiết, đối với Tsangyang Gyatso, giờ đây Ngài sống trong cung Potala là Phật sống đã mất đi hồn phách, còn Dangsang Wangpo tiêu dao ở quán rượu nhỏ trên phố Barkhor mới chân thực là chính mình.

Quán rượu nhỏ về đêm, đèn đuốc rực rỡ mê ly, nhiều trai gái trẻ tuổi trong thành Lhasa không hẹn mà đến, ở đây uống rượu vui đùa, ca hát nhảy múa, chỉ để phô diễn đến cùng tuổi xuân nóng bỏng. Tựa hồ chỉ có họ có thể tùy ý làm càn, có thể say khướt trong ánh trăng trong suốt, chẳng chút bận tâm. Đây là một cuộc hẹn ước vô tình, đêm đến tụ tập, trời sáng giải tán, chẳng ai hỏi ai đến từ nơi nào, và sẽ trở về nơi nào. Gặp nhau hôm nay hoặc là gặp lại ngày mai, cũng có thể là chia tay vĩnh viễn. Nhưng những điều này đều không quan trọng, điều họ cần là hiện tại, là sở hữu đương nhiên, là đoạn tuyệt đột ngột.

Dangsang Wangpo chắc chắn là chàng trai phóng khoáng nhất, phong lưu nhất trong quán rượu, khuôn mặt tuấn tú, ánh mắt tựa sóng nước mùa thu và khí độ xuất sắc của chàng, khiến những cô gái xinh đẹp ở đó tim đập thình thịch. Nhưng ở đây cũng có một cô gái người Qonggyai dung mạo siêu phàm như tiên nữ tên là Dawa Dolma[1], nụ cười ngọt ngào, giọng hát du dương của nàng khiến nàng đương nhiên là phượng hoàng mỹ lệ nhất trong đám người rộn ràng nhộn nhịp. Một đôi người ngọc như vậy, chỉ một thoáng ánh mắt nhìn nhau, đã có giao kết tâm linh.

[1] Đạt Oa Trác Mã

Nàng mỉm cười tươi tắn,

Nhìn khách khứa đang ngồi.

Con ngươi đẹp xoay chuyển,

Lại đăm đăm nhìn tôi.

Giữa đám đông Lhasa,

Người Qonggyai nổi bật.

Ý trung nhân của ta,

Chính là người đẹp nhất.

Tsangyang Gyatso thông tuệ tất nhiên hiểu rõ, cô gái người Qonggyai Dawa Dolma sẽ là kiếp nạn trong số mệnh của Ngài. Có lẽ do rượu trong quán quá đỗi khiến người mê say, cũng có thể nụ cười dịu dàng, sóng mắt khêu gợi của giai nhân quá đỗi khiến người si luyến, bất kể là phúc hay họa, Ngài đều phải để mình chìm đắm. Tsangyang Gyatso biết rằng, Ngài cần nàng, cần tình yêu thương vỗ về êm ái của nàng, ngửi hơi thở thơm tho của nàng, để từ từ san bằng vết thương trong lòng Ngài. Một mối tình rời xa, cần một mối tình khác bù đắp, dù là Phật sống cũng không cam chịu tịch mịch, cũng không ngăn cản nổi cám dỗ ôn nhu.

Nhờ bà chủ quán rượu nhỏ ân cần mai mối, họ đã đêm đêm gặp nhau, bên nhau như thế, quấn quít bịn rịn, không nỡ chia lìa. Người đẹp Qonggyai đã cho Tsangyang Gyatso nhu tình và hoan lạc trước giờ chưa từng có, đó là một niềm cực lạc nhân sinh được giấu kín. Ngài nghĩ, dù ở cõi Phật, tu luyện đến cảnh giới cao nhất, cũng chẳng qua đến thế mà thôi. Đến nay cũng không ai có thể nói rõ, khoái lạc thể xác và khoái lạc tinh thần, loại nào khiến con người càng hồn xiêu phách lạc. Có lẽ chỉ đích thân cảm thận mới nói ra được loại khoái lạc nào thích hợp với mình. Tsangyang Gyatso cảm thấy bản thân cách cõi Phật ngày càng xa, Ngài lúc này, chỉ nguyện ý là Dangsang Wangpo sa vào phàm trần, hưởng thụ khoái lạc tột cùng của tình yêu.

Gặp nhau không dễ, tuy rằng khi màn đêm buông xuống, đợi cung Potala ngủ say Tsangyang Gyatso liền có thể xuống núi gặp gỡ Dawa Dolma. Nhưng chờ đợi luôn dài đằng đẵng, dùng chờ đợi mòn mỏi ban ngày để đổi lại giai nhân một đêm, Tsangyang Gyatso vẫn cảm thấy chưa đủ thỏa ý. Tình yêu đến lúc nồng nàn, phân ly khoảnh khắc đều là dày vò. Huống chi trong lòng Tsangyang Gyatso vẫn luôn lo lắng, chỉ sợ một ngày nào đó, hành tung của mình bại lộ, lúc ấy lời thề Ngài đã hứa với người đẹp Qonggyai trên giường êm đệm ấm liệu còn có thể là vĩnh hằng? Không lo nổi nhiều như thế, mỗi một đêm, họ đều hận đêm xuân ngắn ngủi, gà sớm gáy sáng.

Gà trống đừng gáy sớm,

Vì ta và người yêu,

Lời trong lòng muốn nói,

Vẫn còn rất nhiều điều.

Chụp mũ lên trên đầu,

Bím tóc hất ra sau.

Người nói ngồi chơi nhé,

Người dặn chớ đi mau.

Người tham lòng khó chịu,

Người hẹn sớm gặp nhau.

Đây chính là tình yêu, chỉ có người lún sâu trong tình yêu, khi bên nhau mới cảm thấy thời gian không nhiều, không đủ. Khi xa nhau, lại sẽ oán trách thời gian trôi quá chậm, đợi đến bao giờ mới có thể gặp lại lần nữa. Chỉ một cơn gió nhẹ hay một ngọn cỏ lay đều sẽ kinh động đến giấc mơ của họ. Điều họ mỗi ngày mong mỏi, là đêm tối mau đến, là chú gà trống lúc sớm mai kia, phải chăng có thể quên gáy, như vậy họ sẽ giả vờ bình minh chưa đến, giả vờ đêm còn tối.

Vì sao đời người hợp hợp tan tan liên tiếp như vậy? Người đẹp Qonggyai Dawa Dolma không biết, sau khi trời sáng, vị tình lang đối với nàng rất đỗi dịu dàng này đi về chốn nào. Nàng cũng không biết, trong cung Potala trang nghiêm hoa lệ, có một cửa ngách nhỏ bí mật, dẫn đến tẩm điện của Phật sống. Còn chàng Dangsang Wangpo anh tuấn là vị vua đến từ cung Potala, là Phật sống chí cao vô thượng. Nàng phải rạp mình dưới chân Ngài, vì tình yêu kiếp này cầu xin nguyện vọng vĩnh cửu. Con người chỉ có tự cứu mình rồi mới có thể cứu người, Tsangyang Gyatso vướng sâu vào lưới tình, không thể giải thoát bản thân thì làm sao có thể giải thoát chúng sinh? Tình cảm là nút thắt sâu nhất trong lòng, trăm quanh ngàn quấn, phải chăng nếm hết yêu hận, mới có thể hờ hững dửng dưng một chút?

Tsangyang Gyatso mỗi ngày đều diễn cùng một vở kịch, ban ngày Ngài là Phật sống của cung Potala, dạo bước trên mây, nhìn xuống chúng sinh. Ban đêm Ngài là lãng tử của đường phố Lhasa, rơi vào bụi trần, nếm thử khói lửa. Ngài không ngại phiền phức hóa trang hai nhân vật, nhiều lần thay đổi trang phục, liên tục đội cởi tóc giả, đi về trên con đường núi giữa cung Phật và thế tục. Tất cả những điều này, Ngài làm không chút sơ hở, kẻ biết sự tình chỉ có con chó vàng già nua trung thành.

Chó vàng lông rậm rạp,

Lòng sáng láng vô cùng.

Chớ nói ta đi vắng,

Trời sáng mới về cung.

Con chó trung thành, trước khi bình minh đến sẽ canh giữ bên cửa ngách nhỏ, đợi người chủ trẻ tuổi. Chỉ khi nhìn thấy con chó vàng già này, Tsangyang Gyatso mới yên tâm. Hoan tình một đêm khiến Ngài càng thêm dồi dào tinh lực, sải chân nhanh nhẹn bước qua ngưỡng cửa, đi về phía thềm đá dài, trở về tẩm điện. Không ai biết, chiếc giường Phật này đã rất lâu không có hơi ấm con người, mỗi tối chỉ có ánh trăng nhẹ nhàng rải lên trên, đem bí mật phơi bày không sót chút nào.

Phương đông đã trắng, bầu trời nhuộm ráng mây sớm, đặc biệt say lòng người. Lúc này sư sãi dậy sớm quét dọn lá rụng trong sân, tưới nước cắm sen, chờ những người đi kora từ trời nam đất bắc xa xôi đến tòa điện Phật thánh khiết này, được tắm mình trong ánh sáng Phật. Đây là tín ngưỡng, đời người không có tín ngưỡng sẽ thật là thiếu thốn, thật là nông cạn. Đã tín ngưỡng Phật, có nghĩa là từ đó thanh đạm yên ổn; đã tín ngưỡng tình yêu, có nghĩa là đòi sống đòi chết. Hôm nay tôi chọn theo đuổi hồi ức trong câu chuyện của người khác, ngày mai sẽ là ai đứng trước cửa sổ tuyết rơi, giả vờ tưởng nhớ tôi của ngày hôm nay?