Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 12

XII

Chính ở Osnabruck, lần đầu tiên em nói với tôi rằng tôi làm em sợ hãi, và như thế là vì tôi từ chối không chịu đi Bonn khi em nhất thiết muốn được thở ở đó “bầu không khí Cơ Đốc giáo” của em. Tôi không thích công thức ấy của em, và khi tôi tuyên bố với em là ở Osnabruck này cũng có đủ tín đồ Cơ Đốc giáo, em nói là tôi không hiểu em, tôi không chịu hiểu em. Chúng tôi đã ở đây bốn mươi tám tiếng đồng hồ - giữa hai hợp đồng - và còn phải ở lại ba ngày nữa. Trời đổ mưa từ sáng sớm, không có bộ phim nào đáng xem, và tôi giữ ý không yêu cầu Marie chơi cờ tào cáo. Hôm trước, em đã phải chấp nhận một cách miễn cưỡng, với vẻ nhường nhịn của một người lớn trước ý thích của trẻ em.

Marie nằm trên giường đọc sách, và tôi đứng bên cửa sổ hút thuốc nhìn sự đi lại trên đường Hansburgerstrass và khu ga, ở đấy dân chúng đương chạy vội đến trạm xe điện dưới trời mưa. Marie ốm. Nói đúng ra không phải là em bị sẩy thai, nhưng gần như thế. Tôi không biết thật rõ chuyện gì đã xảy ra, không ai giải thích cho tôi biết. Dù thế nào đi nữa, em cũng đã cho là em mang thai nhưng rồi không thấy có gì sau khi vào bệnh viện trong mấy tiếng đồng hồ buổi sáng. Em xanh xao, bồn chồn và mệt mỏi, và tôi đã nói thẳng với em là theo ý tôi lúc này không phải là lúc thích hợp cho một chuyến đi dài ngày bằng xe lửa. Tôi rất muốn em cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng em không nói gì với tôi. Em chỉ thỉnh thoảng ngồi khóc, nhưng với một vẻ cáu kỉnh tôi chưa hề thấy ở em làm tôi đâm ra hoang mang.

Tôi thấy một chú bé từ phố Hamburgerstrass đi ngược lên khu ga: chú bị ướt như chuột lột và mở rộng cặp sách đưa lên phía trước người dưới trời mưa như trút nước. Chú chậm chạp bước đi và trên mặt biểu lộ cái vẻ như là thấy trong một số bức họa các quốc sư đang dâng hương, vàng mã và nhựa trám hương cho Jêsu con. Sau rồi, cân nhắc, chú bé lật ngược nắp cặp sách ra, và tôi thấy lộ ra những cuốn sách đã ướt đẫm, vải bìa sách bắt đầu bong. Vẻ mặt chú bé làm tôi nghĩ đến Henriette: ngơ ngác và trang trọng. Marie nằm trên giường hỏi tôi: “Anh nghĩ gì thế?”

“Không có chuyện gì”. Tôi trả lời, tiếp tục chú ý theo dõi chú bé. Chú chậm chạp đi qua khu ga rồi mất hút trong nhà ga, và tôi bỗng thấy lo lắng, đứa trẻ có đáng phải chịu đựng sự nghiệt ngã của một phần tư tiếng đồng hồ trang trọng ấy không? Một bà mẹ giận dữ, một ông bố sầu não, trong nhà không còn tiền để mua sách, vở mới. “Anh nghĩ chuyện gì thế?” Marie lại hỏi. Tôi định trả lời: “Không có chuyện gì”, nhưng hình ảnh của chú bé ám ảnh buộc tôi phải nói ra lời, tôi thổ lộ với em lí do làm tôi suy nghĩ: đứa trẻ về đến nhà, trong một căn hộ nào đó ở vùng phụ cận và có thể sẽ kể lại một câu chuyện dối trá vì không ai có thể chịu hiểu ra sự thật. Em sẽ nói là bị trượt chân, để cặp sách tuột khỏi tay em và đã rơi xuống một vũng nước, hoặc em đã để nó dưới đất bên một máng nước và đột nhiên trời mưa, nước mưa trút đầy vào. Tôi nói giọng nhỏ nhẹ, đều đều và khi tôi nói xong, Marie bảo: “Cái chuyện gì lạ thế? Tại sao anh lại kể với em những chuyện tầm phào như vậy?”

“Vì đấy chính là câu chuyện anh đang nghĩ đến khi em hỏi anh”. Tôi giận điên lên vì em không chịu tin lấy một lời nào trong câu chuyện của tôi. Chúng tôi chưa bao giờ nói dối nhau và chưa bao giờ buộc tội lẫn nhau là dối trá. Giận điên người, tôi buộc em phải đứng dậy, đi giầy vào và chạy theo tôi ra ga. Trong lúc vội vã, tôi quên không mang theo dù, thế là chúng tôi đến nơi, ướt sũng như những con chó bacbe [77].

[77] Chó lông dài và xoăn, màu trắng bẩn.

Không có bóng dáng chú bé trong nhà ga. Chúng tôi đi tìm em ở phòng chờ và cả ở phòng đón tiếp. Cuối cùng tôi lại hỏi nhân viên soát vé xem có chuyến tàu nào vừa mới khởi hành không. “Có, đi Bohmte, đã được hai phút”, anh ta trả lời tôi. Lúc ấy, tôi hỏi anh ta là có nhớ là đã kiểm tra vé một chú bé bị ướt như chuột, vóc người thế này, thế nọ, với bộ tóc hoe. Anh ta nhìn tôi nghi ngờ: “Tại sao anh lại muốn biết? Nó có làm điều gì sai trái không?” “Không, - tôi nói, - tôi chỉ đơn giản muốn biết xem em đã đi chưa thôi”. Chúng tôi bị ướt sũng, Marie và tôi, và người nhân viên khinh khỉnh nhìn chúng tôi với cái nhìn ngờ vực. “Anh người rênan phải không?” anh ta hỏi tôi. Cứ như là anh ta muốn hỏi xem tôi có một lí lịch tư pháp không. “Phải”, tôi trả lời. “Tôi chỉ có thể cung cấp những điều chỉ dẫn loại như thế với sự đồng ý của các cấp trên của tôi” anh ta thốt ra. Hẳn là anh ta đã có kinh nghiệm về một sự rầy rà nào đó, chắc là khi còn ở trong quân đội do lỗi của một dân rênan. Tôi biết một thợ máy, anh ta bị một tay người Berlin trong đơn vị lừa và từ đó tất cả mọi người dân Berlin, nam hay nữ, đều là kẻ thù cá nhân của anh ta. Như thế cho đến một hôm, khi một diễn viên nhào lộn người Berlin bước ra sân khấu, anh ta đột ngột cắt điện. Cô gái đáng thương trượt ngã và gẫy cẳng chân. Người ta không thể chứng minh được tội của anh ta và đành phải dừng lại ở cách giải thích về điện mạch. Nhưng về phía tôi, tôi biết anh ta cắt điện chỉ vì cô nữ diễn viên kia là người Berlin và vì ở đơn vị cũ một dân Berlin một hôm đã lừa anh ta. Người nhân viên ở ga Osnabruck chằm chằm nhìn tôi làm tôi phát hoảng. “Tôi có chuyện đánh cuộc với bà này, - tôi nói, - đây là một sự đánh cuộc”. Tôi mắc một sai lầm: tôi đã nói dối và khi tôi nói dối thì điều đó lộ ra ngay trên mặt tôi. “Ha, ha, một sự đánh cuộc! Anh ta thốt lên, những người rênan bây giờ lại đi đánh cuộc...”. Không còn có lối thoát. Tôi thoáng nghĩ đến việc gọi taxi, lao thẳng đến ga Bohmte đợi chú bé xuống tàu ở đó. Nhưng không gì chắc chắn là chú lại không xuống ở một nơi khỉ ho cò gáy nào đó trước khi đến ga Bohmte, tôi bỏ ý định đó. Chúng tôi trở về khách sạn, đẫm ướt đến tận xương và rét cóng. Tôi đẩy Marie vào quán rượu ở tầng dưới, tựa vào quầy, một tay quàng qua vai Marie, và gọi hai li cognac. Người chủ quán, đồng thời là chủ khách sạn, nhìn chúng tôi như muốn gọi cảnh sát tới. Hôm trước, hàng giờ liền, chúng tôi đã chơi cờ tào cáo và gọi đưa lên phòng chè và bánh sandwich kẹp giăm bông; và ngay sáng nay Marie lại đã đi bệnh viện, trở về người xanh xao. Mắt nhìn đi nơi khác, có vẻ cân nhắc, ông ta đẩy những li cognac trên mặt quầy ra cho chúng tôi một cách thô bạo đến mức làm đổ đến nửa số rượu. “Em không tin anh sao? - Tôi hỏi Marie, em không tin vào chuyện chú bé của anh?”

“Có, em tin anh”. Nhưng em nói thế chỉ vì lòng tử tế, không phải đã thật tin. Còn tôi thì cáu tiết vì đã không đủ can đảm quát vào mặt tên chủ quán đã làm đổ mất nửa rượu ở cả hai li cognac của chúng tôi.

Cạnh chúng tôi, một tay lực lưỡng vừa uống bia vừa chặc lưỡi. Cứ sau mỗi hụm, hắn lại liếm bọt quanh miệng và nhìn tôi sẵn sàng bắt chuyện. Về nguyên tắc, tôi nghi ngờ những câu chuyện của những người Đức ở một thế hệ nào đó khi họ chuếnh choáng hơi men: họ luôn nói về chiến tranh, coi chiến tranh thật là tuyệt vời, và một khi say rượu, họ lộ ra là những tên giết người, hoàn toàn sẵn sàng cho là “việc đó dù sao cũng cứ tốt”. Marie rét run lên, và tôi đẩy hai li không lại cho tên chủ quán. Lần này hắn chuyển các tách rượu trên mặt kẽm quầy rượu một cách thận trọng không làm rớt đến một giọt, tôi thấy nhẹ cả người: vứt bỏ được gánh nặng nỗi ám ảnh và sự hèn nhát của tôi. Tay ngồi cạnh chúng tôi còn làm thêm một vại bia nâu và bắt đầu nói một mình: “Vào năm 44, bọn mình uống bia và rượu cognac cả thùng - năm 44, cả thùng - còn thừa quẳng ra đường châm lửa đốt... không để lại một giọt nào cho bọn co vòi ấy! Hắn cười. “Không một giọt!” Khi tôi đẩy hai li không một lần nữa đến cho tay chủ quán, hắn rót đầy li của tôi và hỏi tôi bằng mắt trước khi rót đầy li thứ hai. Tôi gật đầu đồng ý và hắn rót tiếp rượu vào li thứ hai. Tôi uống cạn kết li nọ đến li kia, và cho đến lúc này tôi mới thấy thực sự khuây khỏa nghĩ rằng dù sao cuối cùng tôi cũng đã có được lối thoát. Trong phòng, Marie nằm lăn ra giường và đang khóc. Khi tôi đặt tay tôi lên trán em, em nhẹ nhàng gạt tay tôi ra, không có vẻ gì là giận dỗi, nhưng vẫn cứ gạt tay tôi ra. Tôi ngồi bên em, nắm lấy tay em và sung sướng thấy em không có ý định rút tay em ra. Đêm đến. Tôi ngồi trên giường bên em nắm tay em trong tay tôi gần cả tiếng đồng hồ trước khi mở đầu câu chuyện. Khe khẽ tôi kể lại về câu chuyện chú bé, và em bóp chặt bàn tay tôi như muốn nói với tôi rằng: vâng, em tin anh, em tin anh. Rồi tôi hỏi em cho tôi biết đích xác điều gì đã xảy ra ở bệnh viện, và em trả lời tôi đấy là một “việc của phụ nữ”, vô hại nhưng xấu xí. Cái từ ngữ “việc của phụ nữ” làm tôi kinh hãi. Tôi thấy ở đấy một âm thanh bí ẩn của một cái gì rất vô duyên, có thể vì tôi vô cùng dốt nát về mặt này. Phải mất ba năm chung sống với Marie, lần đầu tiên tôi mới sáng tỏ về những “việc của phụ nữ!” Tất nhiên tôi biết trẻ con được sinh ra như thế nào, nhưng chỉ trên đại thể, còn không biết gì hơn về chi tiết. Tôi hai mươi bốn tuổi và Marie đã là vợ tôi được ba năm khi lần đầu tiên tôi biết được chút ít về việc này. Tôi nhớ lại là Marie đã không nhịn được cười vì chuyện dốt nát ấy của tôi. Em kéo đầu tôi vào ngực em và nói: “Anh thật đáng yêu, thật đáng yêu!” Tôi cũng tiếp thu được một vài hiểu biết từ một người bạn học cũ, Karl Emondss, anh ta suốt ngày vùi đầu vào những bảng ma quỷ về việc thụ thai.

Đến khuya, tôi đến hiệu thuốc mua cho Marie một liều thuốc ngủ, rồi ngồi lại ở đầu giường em cho đến khi em đã ngủ yên. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn chưa hiểu điều gì đã xảy ra với em và những sự phức tạp mà những việc của phụ nữ đã đem lại cho em. Sáng hôm sau, tôi vào thư viện thành phố tra cứu trong tự điển tất cả những gì tôi thấy cần phải tìm chung quanh vấn đề ấy. Tôi trở về không còn áy náy. Đến trưa, Marie một mình đi Bonn, hành lí mang theo chỉ có một túi du lịch nhỏ của em. Không còn dự tính phải có tôi đi cùng, em đành nói với tôi: “Em sẽ gặp lại anh ở Francfort sau ngày mai”.

Vào buổi chiều, tôi phải tiếp cảnh sát theo dõi gái điếm, vui mừng là Marie đã không còn ở nhà, mặc dù nói cho đúng sự vắng mặt của em đã đẩy tôi vào một tình thế không thoải mái chút nào. Tôi đoán là tay chủ khách sạn đã tố cáo chúng tôi. Tôi có thói quen giới thiệu Marie là vợ tôi, điều đó chỉ mới gây khó khăn cho chúng tôi trong hai hoặc ba trường hợp. Nhưng ở Osnabruck, lại là một chuyện khác! Tôi tiếp hai nhân viên cảnh sát mặc thường phục, một nam và một nữ, họ tỏ ra hết sức lễ độ: hẳn là người ta đã dặn dò là làm như vậy sẽ “có hiệu quả hơn cả”. Một số nghi thức lịch sự của cảnh sát thật ra rất khó chịu. Người phụ nữ trông xinh xắn, trang điểm hẳn hoi và cô ta chỉ ngồi vào ghế khi được mời; cô còn nhận lời hút thuốc trong khi anh bạn của cô ta lén lút quan sát gian phòng.

- Cô Derkum không còn ở đây với ông sao?

- Không, cô ấy đi trước, chúng tôi sẽ gặp lại nhau vào sau ngày mai ở Francfort.

- Ông là diễn viên nhào lộn?

Tôi trả lời là “phải” mặc dầu điều đó không hoàn toàn đúng, nhưng đối với tôi trả lời “phải” có vẻ đơn giản hơn.

- Ông nên hiểu, - người phụ nữ nói tiếp, - chúng tôi bắt buộc phải thực thi một số kiểm tra khi chúng tôi được biết là có một khách vãng lai là phụ nữ bị ốm do - cô ta ho một cái - phá thai.

- Tôi rất hiểu, - tôi nói. (Tôi đã chẳng xem thấy trong tự điển điều gì liên quan đến việc phá thai).

Người đàn ông rất lễ phép từ chối việc được mời ngồi và tiếp tục lén lút quan sát gian phòng.

- Cư trú hợp pháp của ông ở đâu? - Người phụ nữ hỏi.

Tôi cho cô ta biết địa chỉ của tôi ở Bonn. Cô ta đứng lên. Anh bạn đồng nghiệp của cô nhìn vào tủ áo lúc ấy để mở.

- Đây là quần áo của cô Derkum? - Anh ta hỏi.

- Vâng.

Anh ta ném về cô bạn một cái nhìn “hùng hồn”, cô ta nhún vai, anh ta cũng làm thế, rồi xem xét kĩ mặt thảm, cúi nhìn một vết bẩn và ngẩng lên nhìn tôi như muốn đợi tôi thú tội. Sau đó họ rút đi. Trong suốt buổi trình diễn, họ tỏ ra hết sức lễ độ. Ngay sau lúc họ quay gót tôi nhanh chóng đóng gói tất cả đồ đạc, quần áo của chúng tôi lại, gọi thanh toán và yêu cầu nhà ga cho đến một người khuân vác. Tôi quyết định đi ngay chuyến tàu đầu tiên. Tôi còn trả tiền phòng cho cả ngày hôm đó. Tôi đăng kí nhận hành lí ở Francfort và lên chuyến tàu khởi hành đầu tiên về phía Nam. Tôi thấy sợ và muốn chuồn cho mau. Khi chuẩn bị ra đi tôi đã phát hiện ra một vết máu trên khăn tắm của Marie. Trên sân ga, trong khi đợi tàu, tôi phấp phỏng e sợ có một bàn tay bất thình lình đặt lên vai tôi và đằng sau tôi với một giọng lễ phép, có tiếng nói: “Ông thú tội chứ?” Tôi sẽ thú hết. Vào quá nửa đêm, tàu chạy qua Bonn. Tôi cũng không nghĩ đến chuyện xuống đấy.

Tôi tới Francfort vào lúc bốn giờ sáng. Tôi xuống tàu ở đấy, vào một khách sạn quá sang và lập tức gọi cho Marie ở Bonn. Tôi sợ em không có nhà, nhưng em đã nhấc ngay ống nghe lên: “Hans! Em kêu lên sung sướng, ơn Chúa ban phúc lành! Sao mà em lo đến thế!” - “Lo à?”

“Vâng, em đã gọi cho anh ở Osnabrỹck, và người ta trả lời em là anh đi rồi... Em sẽ đến Francfort với anh ngay bây giờ, ngay bây giờ!” Tôi đi tắm, gọi bữa điểm tâm lên phòng cho tôi, sau đó tôi lăn ra ngủ.

Marie đánh thức tôi dậy vào lúc mười một giờ. Trông em như khỏe hẳn, vui vẻ và trìu mến. Khi tôi hỏi xem em đã thở đủ bầu không khí Cơ Đốc giáo chưa, em cười và ôm hôn tôi. Tôi không hé nửa lời với em về chuyện đội cảnh sát theo dõi gái điếm.