Ngang trái phủ Tây Hồ - Chương 06

6

Làng Tây Hồ xôn xao về một cô gái đẹp… Cô Nguyễn Thị Lộ. Lộ con một ông đồ, không biết từ đâu, ông đến ngồi dạy học ở đây! Lúc cô mười ba, mười bốn tuổi, đám học trò đã không sợ đòn thầy, rất hay chọc ghẹo cô. Nhưng cô ta đâu có để cho mà chọc… Cái đám “nhãi ranh”, học hành chưa sạch nước cản, đối một câu không nổi, cô khinh.

Ông đồ ngồi dạy học, rất bình thản. Ông không còn thích thú một thứ gì. Đám học trò, học hành, cần quái gì đến những tri thức uyên bác giấu kín của ông. Lai lịch, tung tích ông từ đâu về, chẳng rõ…

Buổi sáng, ông bảo ban lũ trẻ, đem lời lẽ thánh hiền giảng giải cho đám học trò… Buổi chiều, ông mặc chiếc áo the đen giản dị, chít chiếc khăn nhiễu tím, xỏ chân vào đôi hài cỏ, lững thững đi vào những chốn sương chiều mở ảo, vườn chùa, hoặc một chỗ yên tĩnh, buông cần, thả câu, nghe tiếng cá đớp dưới chân bèo, mắt chăm chú vào cái phao nhấp nháy…

Có đám trẻ chăn trâu nghịch ngợm ném những hòn sỏi nhỏ, phá đám. Ông lững thững đứng dậy, đi tìm một chỗ yên tĩnh hơn.

Có hôm, ông mải đắm vào một cuộc bình thơ của mấy thầy giám sinh học ở Quốc Tử Giám. Có hôm, ông đàm đạo về Phật học với một đại sư, từ Yên Tử về thuyết pháp ở chùa Kim Liên… Có hôm, ông uống rượu gỏi cá và đem thắp đèn lồng ra thăm vườn mai của bạn, mãi tít phía làng Thượng Cát…

Thị Lộ ở nhà một mình với một bõ già gù lưng. Cô trở thành người cai quản mảnh đất nhỏ bé này. Với người lão bộc gù già, cô coi như một người cha, một người bạn, nhưng khi công việc đến dưới mắt cô, ông ta chỉ là một tên đầy tớ, không hơn không kém…

Ông già Lê thật lắm chuyện… Ông ngồi lê đôi mách ở đâu chẳng rõ, việc gì ông cũng biết. Suốt đời ông không lấy vợ, nhưng với người đẹp, ông mê say âm thầm. Ông nhìn trộm, ông chiêm ngưỡng. Đêm về ông mơ thành hoàng tử và đến với những người đẹp với đủ các buổi vui mà ngoài đời đang có. Sáng dậy già Lê vẫn ngon lành là một lão bộc. Bây giờ ông có một cô gái đẹp lớn dậy ở trong nhà rồi. Ông không phải đi ra chợ, lên phố mà tìm tòi, mà ngó nghiêng hoặc đần mặt ra mà ngắm nữa…

Thị Lộ nghịch ngợm, dãi nắng suốt ngày mà vẫn trắng trẻo. Cô bé này mồ côi mẹ rất sớm, nên khôn nhiều hơn trước tuổi. Cô tháo vát, dễ bảo, gần gũi với hết thảy mọi người. Đám con trai lớn tuổi không thể chọc ghẹo nổi cô. Cô biết tỏ ra vẻ là con nhà thầy để tụi học trò phải giúp cô nhiều việc. Cô thông minh để người khác phải nể sợ. Từ lúc mười hai, mười ba tuổi, thì già Lê đã phải một phép khi cô sai phái.

Làng Tây Hồ có đủ hạng người. Có những nhà giầu nứt đố đổ vách, trong nhà hàng chục gia nhân, nô tỳ. Họ vừa buôn bán, vừa dệt lụa. Các cô gái xinh đẹp trong làng, nhà nghèo, thường phải lên phố nửa buổi, chiều lại về nhà lo cai quản đám thợ dệt này… Vợ gã xấu xí trông như một mụ phù thuỷ. Gã mấy lần muốn bỏ vợ không xong. Gã chỉ ở nhà khi vợ ra khỏi nhà, là thường hay xuống chỗ dệt cửi, và để ngắm các cô gái, vừa nhìn thấy cô nào có vẻ buông thả, thì ghé vào tai thì thầm một câu nào đó. Khi hắn bước ra khỏi ít phút thì cô cũng giả bộ ra ngoài và lén ra nhà phía sau. Gã đã chờ ở đó. Gã rủ cô về phòng riêng, lột quần áo của cô bé, ngủ rất nhanh chóng, vội vã, rồi giúi vào tay cô ta một nén bạc… Sau đó, gã mới mở chiếc cổng cánh lim để đón vợ về…

Một bận, gã gặp Thị Lộ ở giữa đường. Gã mặc áo sa tím, lồng áo lương trắng, trông khá bảnh bao. Lúc ấy, Lộ vừa đi hái dâu về. Con gái mười lăm, cổ cao, mắt đen lay láy, lóng lóng, má đầy đặn, môi như một đóa hồng ban sớm. Khi đi ngang qua, bất chợt, gã như bị một làn chớp rọi ngang người, à lên một tiếng, giọng khá đểu giả:

- Ồ, con bé này là con nhà ai mà kháu nhỉ? Này, này dừng lại một chút.

Hái dâu về hả?

Một câu hỏi vô duyên. Thị Lộ đốp lại luôn:

- Cái thằng lái buôn này đừng có hỗn, để cho ta đi.

Gã lái buôn ớ cổ ra… Gã cau mặt lại như khỉ ăn mắm tôm:

- Ơ, ơ… Cô là… cô là…?

- Ta là con ông Sấm, cháu bà Thiên Lôi…

Nói đoạn, Thị Lộ đùng đùng đi thẳng trước sự ngơ ngác của một thằng giàu hợm của…

Gã tức lắm. Gã uất. Gã muốn trị cho con ranh con này một trận: Gã đã biết được Thị Lộ là con ông đồ Nguyễn. Một bữa, gã dẫn một bọn chục gã công tử đàng điếm, bất chợt ùn ùn kéo vào nhà Thị Lộ. Ông đồ vẫn đang ngồi dạy học ở trong nhà. Thấy ồn ào ở phía cổng, ông đồ Nguyễn bảo già Lê:

- Ông ra xem có đám nào quấy quả, đuổi chúng nó đi…

Cả đám học trò thấy có chuyện lạ, đều nghếch đầu lên như thể lũ vắt đói thấy hơi người. Ông Nguyễn đặt ngọn roi xuống thềm:

- Học đi…

Lũ học trò lại gào lên những câu chữ nho vỡ lòng. Chợt ông Nguyễn thấy già Lê bị du bật vào trong và từ ngoài tuôn vào mấy thằng con quan vốn lang thang ở những cao lâu, tửu điếm như những con chó hoang. Ông Nguyễn cau mày:

- Ơ hay, có chuyện gì lạ vậy?

Những lũ người kia đã ùa vào trong sân, vây chặt lấy Thị Lộ, không hề biết ông đồ là ai cả. Chúng buông lời chọc ghẹo, đùa cợt, có thằng con quan lớn đã sấn sổ muốn bế thốc Thị Lộ lên người. Lũ học trò, từ trong nhà cũng chạy ùa ra, giương mắt coi thử chúng quấy quả gì cô con gái đẹp, con thầy giáo!

Thị Lộ bực lắm, nhưng vẫn đứng trân trân giữa đám người. Khi gã công tử côn đồ sấn lại, cô nói:

- Này, chàng kia, mặc áo vóc, quần lụa mà không biết rằng, vào nhà người ta, chỉ có bọn cướp mới phá cổng ùa vào nhà hả!

Rồi cô kêu toáng lên:

- Bà con làng nước ơi, cướp cướp.

Người bé, tiếng to, cô kêu la ầm ĩ. Nhân lúc chúng bất ngờ, cô nhảy tót vào trong nhà, đứng giữa thềm. Đám học trò, đứng giăng hàng trước mặt, mắt gườm gườm. Tuy lớn bé khác nhau, nhưng chúng cũng sẵn sàng chấp bọn công tử mặt trắng, trừ mấy thằng mắt trắng dã, lông mày xếch, môi dầy, da xỉn màu sắt rỉ…

Bà con hàng xóm nghe tiếng Thị Lộ kêu cũng chạy ào đến. Ông đồ cũng từ trong nhà, bước ra. Ông bước xuống thềm, thản nhiên, điềm đạm hỏi:

- Chẳng hay các công tử muốn gì?

Bọn quý tộc mới lớn này, quen lấn hiếp ở phố phường, cậy tiền phá phách ở đám lầu xanh, lầu hồng. Chúng không lường được lâm vào tình thế này. Phía sau chúng đều là những dân chài, vai to ngực nở, bắp thịt nổi cuồn cuộn. Đám trai cày, lại nhanh nhẹn hơn cả dân chài, tay cầm liềm, cầm dao, mặt nào cũng dữ tợn cả. Chưa gã nào trong đám công tử mặt búng ra sữa nói lên được một tiếng. Thì, từ phía ngoài, một gương mặt vuông, sẹo đầy trên mặt, nhướn cao lên trên mọi người, thét ầm ầm vào phía trong:

- Ghẹo gái thì ra đường mà ghẹo, nhảy vào trong nhà ăn hiếp, thì cứ đánh tan xác ra, vứt ở bờ rào, dân làng làm chứng, không sợ vua bắt tội đâu!

- Đánh bỏ mẹ chúng nói đi. Láo, khinh làng khinh xóm mình thế à?

- Ngày trước thời Lý, thời Trần, đến quan lớn vào làng Tây Hồ còn không muốn mặc áo đại trào, mà chỉ mặc áo thầy đồ thôi. Bọn này là bọn lếu láo đầu đường xó chợ, biết đâu chúng ăn mặc giả quyền quý!

Ông đồ, thấy tình thế gay gắt, vội tiến ra cổng, hòa nhã nói:

- Cảm ơn dân làng đã đến kịp. Vả lại, các cậu đây cũng chưa để xẩy ra điều gì đáng tiếc, mong các bác, các anh tĩnh trí.

Rồi ông quay ra nói:

- Các công tử, nếu không có gì hỏi han, thì xin mời về để thầy trò tôi tiếp tục buổi học.

Rồi ông quay sang bảo:

- Thị Lộ, con vào mài son cho thầy chấm bài.

Lũ ăn chơi đàng điếm, bẽ mặt, lùi ra… Dân làng dãn ra một lối cho chúng đi. Những ngực trai rắn như bức tường thành ưỡn về phía trước, như bảo chúng… “Bọn mày muốn mất xác thì hãy đụng đến người đẹp của làng tao”.

Chúng lủi thủi ra về. Lên đến tận bờ đê, mới chí chéo cấu, cắn lẫn nhau… Có đứa làm phách hoa chân, múa tay. Những gã cầm đầu phất tay, giọng kẻ cả:

- Thôi các cậu. Thiếu gì chỗ chơi! Làm gì cái con gái nhóc nhà quê ấy. Ta về với đám hoa da mặt hoa da phấn còn thơm tho bằng mấy… về… về…

Ông đồ, Thị Lộ ra cảm tạ dân làng. Mọi người lại kéo nhau về, vẻ mặt đầy đắc thắng!

*

Nguyễn Trãi buồn. Ông nhớ Côn Sơn. Nhớ núi, nhớ suối, nhớ thông, nhớ trúc. Về kinh đô đã mấy năm rồi, tưởng là được đem những kiến thức, những suy tư từng ấp ủ, từng bị hụt hẫng ra thêm một lần nữa giúp cho vương triều hưng thịnh. Về đến nơi, mới thấy đám quyền thần vẫn tung hứng được mình. Chẳng làm được gì hơn… Nguyễn Trãi buồn lục lọi trong đám danh thiếp, tẩn mẩn xem có người nào thân thì đến chơi.

Lục tìm mới thấy ông đồ họ Nguyễn ở Tây Hồ, trong thư có viết: “Tôi đã luống tuổi, khi trước có một thời phiêu bạt ở Côn Sơn, nếu được đại nhận quá gót đến tệ xá để hầu hạ, đàm đạo học hỏi đôi chút về văn chương thì hay quá…”

Nguyễn Trãi nảy ra ý định đến thăm. Ông gọi người hầu:

- Ta muốn đi chơi Tây Hồ ngắm cảnh!

- Dạ, đại nhân có dùng kiệu chăng?

- Không! Ta đi bộ. Ta có người bạn cũ, muốn ghé chơi, kiệu tàn mà làm gì!

Ông mặc áo lam, đi giày cỏ, chít khăn nhiễu tam giang. Trông ông thật phong độ. Hai thầy trò khoác một tay nải đỏ như một học quan đi chơi chiều.

Nguyễn Trãi bước vào nhà, ông đồ còn ngơ ngắc. Mãi phút sau mới lúng túng đứng dậy:

- Ối, có phải ông Trãi đó không?

- Tôi, Trãi đây.

- Ông nhận ra tôi chứ.

- Phải rồi, người quen cũ ở chân núi Chí Linh xưa đây. Ông đi đâu mà biệt tăm tích hàng chục năm nay?

- Xin lỗi tướng công, hàn sĩ ngồi dạy học thì chỗ nào ai gọi thì đến. Dạo ông từ biệt vào Lam Sơn, tôi vì mẹ già, con nhỏ, không tụ nghĩa được, vả lại văn dốt, võ dát, nên chẳng ai dùng. Tôi về Chí Linh, náu ẩn ở trong chùa để che mắt giặc. Viết kinh, viết sớ gì cũng làm. Đến khi ông theo vua Lê về Đông Quan cũng muốn ra mắt song cũng ngại…

- Ôi, thế thì hay quá! Gia đình ta có ai lên đây cùng ông không?

- Buồn lắm, ly tán liên miên, bây giờ tìm được một mảnh đất dừng chân thì chỉ có hai cha con… Để tôi gọi cháu lên chào ngài.

Ông đồ cất tiếng gọi:

- Lộ ơi, con đem rượu lên đây cho cha nhé!

- Dạ…

Một lát sau, Nguyễn Trãi, nhìn ra sân, một cô gái bước vào. Ông sửng sốt! Ông ngẩn người, tự nhủ thầm:

- Nàng đẹp quá!

Nguyễn Thị Lộ nhanh nhẹn bước vào, bưng khay, trên có một chiếc bình và hai chiếc chén Tống!...

Nàng khẽ cúi chào. Gương mặt thanh tú, đôi mắt sắc sảo long lanh đen, có chiều sâu. Da nàng trắng hồng mịn màng, mũi hài hòa. Đôi môi thật quyến rũ… Chiếc cổ cao làm tôn lên bộ ngực tươi non mỡ màng. Nguyễn Trãi chưa thấy người nào đẹp thế, mặc dù ông chính là người cũng được dự phần chọn các bậc người đẹp ở khắp nước về xung vào làm cung tần, mỹ nữ cho vua. Ông cho rằng tam cung, lục viện ở hoàng thành của hai đời vua cũng không ai đẹp bằng Thị Lộ.

- Tiện nữ xin cúi chào đại nhân!

- Chào cô! Đừng làm thế. Cứ coi như tôi như người nhà mà.

Nguyễn Thị Lộ không ngờ Nguyễn Trãi lại giản dị đến thế. Nàng ngước mắt nghé nhìn. Gương mặt ông như tự phát sáng. Biết bao huyền thoại về con người này. Chính ông là người khóc tiễn cha lên Mục Nam Quan, cũng chính ông vào Lam Sơn tụ nghĩa, dâng Bình Ngô Sách. Chính ông là người viết ra những thư từ dụ giặc trong Quân Trung từ mệnh tập. Ông là người chối từ vàng lụa của Công bộ thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc, để lặn lội đi tìm chân chúa, lại là người bắt gọn Hoàng Phúc, Thôi Tụ, sai diễu đi vòng quanh thành Đông Quan để dụ Vương Thông đầu hàng… Con người tuyệt vời về tài năng, về học vấn nhất nước Nam này, lại giản dị trong bộ quần áo thường thường bậc trung thế kia ư?

Ông đồ Nguyễn cười nói:

- Con bé Thị Lộ nhà tôi cũng học đòi thơ văn kia đấy.

Nguyễn Trãi rất vui nói:

- Thế vậy ư? Con gái mà lại thích văn học là điều hiếm xưa nay đấy?

Thị Lộ ửng hồng đôi má, trông lại càng đẹp, bẽn lẽn lui ra…

Ông đồ nâng chén mời Nguyễn Trãi, rồi hỏi đùa:

- Quan lớn ở trong hoàng thành, chắc thưởng thức nhiều loại rượu ngon lắm.

Nguyễn Trãi ghé tai ông đồ thân mật nói:

- Rượu để trong bong bóng trâu, ở bên quán núi, mới thật là rượu tăm cất nếp hoa vàng…

Ông đồ cũng vui nói:

- Ông quả là người lịch thiệp, không một điều gì không tường tận. Quan lớn thấy vùng Tây Hồ ở đây thế nào?

- Mai đây nó sẽ là nơi du ngoạn của vua chúa, không còn là thứ làng nông, làng cá nghèo thế này đâu…

- Mời ông ra thăm vườn.

Thị Lộ vẫn đang tưới cây ngoài vườn, nhưng tai vẫn nghe lỏm câu chuyện giữa hai người. Lạ chưa kìa, sao tim cô lại cứ đập xốn xang, rộn ràng cả lên…

Ông đồ đem đồ nhắm bên vườn hoa, cùng ngồi. Ông đồ nói:

- Tôi đang dậy học trò tập văn… nhưng ở đây cảnh đẹp quá, thỉnh thoảng con Lộ nhà tôi cũng ngồi học cùng. Con bé bướng lắm. Người ta nộp bài văn, thì nó lại nộp cho tôi một đoạn thơ… Mà toàn là thơ Tây Hồ cả…

- Ông cho tôi xem qua thơ của cô ấy được không!

Ông đồ xua tay:

- Thôi đi, thơ con trẻ, đọc làm gì. Tôi nghe ngài về Côn Sơn nức danh là một Thi ông… Mong được nghe đôi bài thơ thì hay quá.

- Ồ, thơ nhàn mà làm ấy mà. Vả lại cũng là thứ nôm na mách qué.

- Ngài nói vậy chứ thơ nôm mới là thơ quý. Đã có bài thơ nôm nào cho ra hồn đâu…

Có lẽ tôi đọc ông nghe bài thơ về cây chuối nhé. Và Nguyễn Trãi cất giọng ngâm, mắt vời vợi nhìn về dáng người đang lấp ló sau vườn cây ở xế ngay cạnh đó:

Cây chuối

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mùi thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem…

Ông đồ rót thêm rượu vào chén, cười vang:

- Hay quá, xem ra quan lớn vẫn còn đa tình lắm! “Tình thư một bức phong còn kín… Gió nơi đâu gượng mở xem”. Nhìn một cái cây tầm thường như cây chuối mà nhận ra vẻ đẹp nhất của nó là ở nõn lá, là ở buồng quả… Thật là tuyệt…

Nguyễn Thị Lộ nghe cha bình thơ của Nguyễn Trãi lòng lại càng chộn rộn hơn.