Ngang trái phủ Tây Hồ - Chương 07

7

Từ ngày đưa được con gái vào cung, Lê Ngân có nhiều dự định mới. Lê Sát là một kẻ võ biền, trung thì như chó với chủ, tham thì như một gã lái buôn ngửi thấy mùi tiền. Lê Lợi khi chưa được quốc gia, thì dùng người ta. Lên ngai vàng rồi chỉ thích dùng bọn cúc cung tận tụy… Vua là vua, bề tôi là bề tôi, nhưng tình bè bạn, có lẽ bao giờ quên nổi. Xưa kia, Nguyễn Trãi vào Lam Sơn. Vốn dựa vào đám võ biền, được một người thức giả, Lê Lợi như người đang ăn tép rang, được một bữa thịt gà… Nhưng sau khi lên ngôi vua, thì Nguyễn Trãi, Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, lại là kẻ đáng gờm, cần phải loại bỏ hoặc cách ly, mà Lê Lợi lại quây quần bên đám bạn võ biền thuở dấy quân chống lại Trương Phụ.

Mình so với Lê Sát nào có thua kém gì? Ngân tự nghĩ… Bởi Sát có công trong trận Chi Lăng, lại khéo nịnh vua… Mà công trận Chi Lăng là Lê Nhân Chú kia… Chú có học. Chú biết tới biết lui, còn Lê Sát, thì trên chỉ biết có vua, và sau đó là mình, dòng họ của mình… Sát vu hãm giết Chú, lại ghét cả em Lê Nhân Chú…, để tự mình độc tôn đó hẳn phải là điều suy tính sâu xa…

Bây giờ vua còn nhỏ, Sát và Ngân đều là những người được ở bên màn vua cha nghe di chiếu. Vậy mà Sát lộng quyền, mọi việc đều tự mình quyết định. Vua càng chơi bời, Sát càng thả lỏng… Sát là kẻ hiện đang làm vua mà chẳng cần phải ngồi lên ngai vàng. Thái Tổ triệu Nguyễn Trãi về lần này, hẳn là muốn Trãi giúp Thái Tôn chế ngự Sát. Nhưng quyền bính đã có ở trong tay Sát rồi…, thì làm gì được nữa… Nghe đâu, Thái Tổ muốn Nguyễn Trãi về thật kịp để người dặn dò những lời cuối cùng về việc trị nước, Lê Sát biết ý, cố cho người đón muộn để Nguyễn Trãi về thì mọi sự trăng trối đã xong, tách Trãi ra khỏi hai người. Sát mưu mô tế nhị như thế, hẳn cũng khá thành thạo trong việc muốn giành quyền lực vào tay. Lê Ngân, khi Sát đưa con gái Sát vào cung, cũng mặc cả thẳng thừng với Sát, là con gái Ngân cũng phải được vào cung, thì Ngân mới nghe. Suy đi tính lại Sát chịu. Đưa con vào cung cho ông vua trẻ con mười một tuổi, Ngân cũng thương con lắm… Mà con bé hiền dịu, đoan trang đẹp thật sự, chứ có đâu tầm thường như con gái Lê Sát…

Sát biết con mình đẹp không bằng con của Lê Ngân nên lót cho bọn hoạn quan, gièm pha với Thái Tôn, chỉ cho con gái Lê Ngân dự vào hàng tư dung (vợ bậc thứ 4) thôi.

Lê Ngân tức Sát lắm nhưng không làm gì được. Lê Ngân có một tên nô tỳ thông minh, lanh lợi. Ngân cho hầu bên mình. Tên nô tỳ láu lỉnh, nhưng chữ nghĩa lại không biết lấy một mảy may… Hắn được Ngân cho một ít ruộng ở quê nhà, không ngờ có một tên hào lý lại lấn át, hoạnh hoẹ, bảo đây vốn là đất của công, chứ không phải là đất của vua phong cho Ngân. Tên nô tỳ ở quê lên ức lắm, bảo:

- Thưa quan đại tư khấu…

Ngân đang vui, cắt ngang:

- Ta là tư khấu thôi? Chỉ có tư đồ mới được thêm chữ đại thôi.

Gã nô tỳ nói:

- Tôi nghe tam công ở triều đình chỉ có ba chức một người giữ một việc là tư đồ, tư khấu, tư mã. Tư đồ bao quát mọi công việc, tư khấu lo toan dàn dựng rường mối, còn tư mã thì lo việc quân… Quan lớn từ chức tư mã được lên chức tư khấu còn tư đồ thì làm lúc nào chẳng được… Còn hơn Lê Sát nhiều. Lê Sát làm tư đồ, lại được phong lên một chữ đại… Chẳng qua là các quan nịnh phong đấy thôi. Nếu đại thì đại cả. Đại tư đồ, đại tư khấu, đại tư mã, bằng không thì không tất. Đấy là Sát muốn cho mình vượt lên trăm quan, hơn cả quan lớn, và quan tư mã Trịnh Khả…

Lê Ngân vỡ lẽ, càng ức Sát. Tên nô tỳ vì thế càng được yêu. Chuyến này về quê ra, có chút ruộng đất Ngân cho bị Phạm Mấn, một tên quan phản bội nhà vua ở đất Lam Sơn xưa, nay là một điền chủ lớn, biết Lê Ngân không về làng, nên ruộng nương của Ngân, liền bờ với ruộng đất của Mấn, nó lấn hết.

Gã nô tỳ từ quê ra mang biếu Lê Ngân mấy thứ quý, đó là đôi gạc nhung của hươu vùng Bái Thượng. Ngân chẳng thiếu thứ gì, nhưng lại được chút quà quê hương cũng rất thích. Lê Ngân xa quê, lâu chưa về, hỏi han tình hình làng xóm. Gã nô tỳ đã có chủ ý, nói hết cho Ngân nghe. Lại kể chuyện việc Phạm Mấn hoành hành lộng quyền ở địa phương, không coi Ngân ra gì cả! Lê Ngân tức lắm, đập bàn hỏi:

- Phạm Mấn là thằng nào? Họ Phạm chúng nó xưa nay thay nhau ăn hiếp mọi người. Ta mà không bứt khỏi làng, theo Đức Thái Tổ, có lẽ cũng không mọc mũi xủi tăm được với cánh nhà họ Phạm.

Gã nô tỳ nói:

- Mấn là thằng phản bộ Đức Thái Tổ, quan lớn không biết hay sao? Chính ngày trước biết quan lớn đóng quân ở Bái Thượng, hắn chẳng dẫn bọn quân Minh vào tận sào huyệt truy lùng quan đấy thôi!

- À ta nhớ rồi! Thằng Mấn ấy thì ta biết!

- Hắn lại còn nói láo, xúc phạm đến gia đình quan lớn.

- Hắn nói thế nào?

Tên nô tỳ giả bộ ấp úng, sợ hãi:

- Dạ, con, con không dám nói!

- Nó nói sao thì ngươi cứ việc kể lại, việc gì mà sợ.

- Dạ, nó nói quan lớn vốn là dòng hạ tiện xuất thân, nếu không gặp vua Lê, không được dùng, thì bất quá chỉ ăn mày và làm mõ…

Lê Ngân tức điên lên, đập bàn quát:

- Được rồi, thằng giặc Mấn láo thế, nó lại dám vuốt râu hùm. Nó sẽ biết tay ta!

Hôm sau, Lê Ngân đi họp Nội Mật viện, liền đưa chuyện tội phản quốc của Mấn ngày xưa, kiêm tội lấn át đất đai của đại thần hiện nay, cộng hai tội, bắt điệu về triều đình và đem chém…

Lê Sát xem xét công việc, đã mệt mỏi, liền cau mày nói:

- Bao nhiêu chuyện lớn phải lo toan, ông không lo, lại lăm le trả thù đứa mạt hạng ở làng ấy!

Lê Ngân tức lắm, cãi:

- Ông xem chuyện này là nhỏ sao. Một thằng cường hào ở xã dám đụng đến một vị đại thần thứ nhất, thứ nhì ở triều đình, sao lại là chuyện riêng tư được.

Lê Sát vẫn chưa hết cơn bực:

- Ông nhớ cho, chính là đại thần nên càng phải rộng lượng khoan thứ. Nó mắc tội phản quốc, sao ngay lúc ấy, ở Lam Sơn, không lôi nó ra mà trị? Bây giờ vì một mẫu đất của một đứa nô tỳ quèn, ông cũng bênh! Tư cách đại thần, tôi nghĩ là không nên thế.

Lê Ngân cho rằng Lê Sát không chịu giúp mình, lên mặt tể tướng, càng tức, liền nói:

- Nếu như là việc của ông, chắc là ông không cho là nhỏ đâu! Tôi đã bắt nó về kinh đô rồi! Tội nó đáng chém. Ông không ra tay, tôi sẽ tâu thẳng lên Hoàng thượng.

Lê Sát thở dài… Lê Ngân vẫn chưa tha nói tiếp:

- Năm trước ông giết Cao Sư Đăng, tôi khuyên ông, ông vẫn khăng khăng giết bằng được. Năm nay, thằng Phạm Mấn có tội thật với quốc gia, tôi muốn trị tội nó, ông lại làm ra vẻ nhân đức… Như vậy là sao?

Sát tức quá, rũ áo, bỏ đi, hờn Lê Ngân từ đó. Tuy nhiên, Sát càng thấy rằng, mình cần phải nắm lấy quyền bính, không nên để cái bọn đô tổng quân như Trịnh Khả, Lê Ngân, Lê Văn An đòi hỏi, chia quyền với mình.

Lê Ngân trở về, hậm hực lắm. Gã nô tỳ hầu hạ bên, thẽ thọt hỏi:

- Thưa đại nhân, công việc thế nào? Hoàng thượng có chuẩn tấu không?

Lê Ngân đang bực nói:

- Lê Sát có chịu nghe lời ta đâu. Hắn cho rằng ta vì thù riêng bới ra…

Tên nô tỳ tai quái nói:

- Ông cũng có quyền, ông làm già đi! Sợ gì Lê Sát. Nếu được nắm quyền, có khi ông còn làm giỏi hơn…

Lê Ngân ức lắm, không muốn cộng tác với Sát từ bữa ấy…

*

Nguyễn Trãi từ buổi đến chơi thăm Thị Lộ ở Tây Hồ, hồn cứ bâng khuâng mãi, không dứt… Cô bé đẹp thật. Làm thằng đàn ông, ai thấy đàn bà đẹp, trẻ lại không mê! Chao ơi, mình năm mấy tuổi đầu mất rồi! Không biết nàng có cảm tình với mình chút gì không?

Lởn vởn mãi không làm việc được, Nguyễn Trãi bèn đi sang chơi nhà Nguyễn Tử Tấn, hai bên đàm đạo thêm về việc Nội Mật viện giao cho soạn nhạc điển ở hoàng thành.

Nguyễn Trãi hỏi:

- Ông đã giúp ta lo những Điển lễ nhà nước chưa.

Nguyễn Tử Tấn thưa:

- Tôi làm xong cả rồi, đưa thầy xem, rồi thầy hiệu đính lại cho quy củ.

Nguyễn Trãi ngồi xem qua một lượt, thỉnh thoảng dừng lại đọc một vài chỗ, rồi nói:

- Ông soạn như thế này là được. Lễ nghi phổ cập trong quốc gia làm phải tỏ rõ được đó là một nước văn hiến. Nhưng phong tục của tổ tiên ông bà xưa, sao bỏ được. Tế trời đất ở đất vua, ở kinh thành, thì theo sự uy nghiêm, trang trọng nhất, như người nghèo bày lên một bát nước, đặt một miếng thịt luộc, lòng thành cầu trời, cũng là một cách tâm thành đó sao. Hôm qua, ta vào Nội Mật viện được Lê Sát trao cho bài soạn về vựng điển của Lương Đăng. Xem ra hắn cứ đem những vựng điển có sẵn ở các triều đại Trung Quốc sang ứng dụng cho mình, chẳng có chút chú ý gì đến bản sắc dân tộc, thật khó chịu… Mà cái đám võ quan thì học hành ít, nói cho họ lọt tai, khó lắm!

Nguyễn Tử Tấn thở dài.

Cùng lúc ấy, Lê Sát cũng ngồi với Lương Đăng, đang nghe Đăng nói về bản tường trình về Nguyễn Trãi, Lương Đăng nói:

- Tôi tưởng quan Hàn Lâm thừa chỉ Nguyễn Trãi là người thức thời lắm, mà xem bản tâu về sửa định nhã nhạc, không thể chấp nhận được.

Lê Sát hỏi:

- Sao vậy?

- Nguyễn Trãi, gốc bên ngoại là đời Trần. Kỳ vừa rồi, về Côn Sơn, há chẳng phải là chỗ Băng Hồ Trần Nguyên Đán ở đấy sao? Ông ta dùng nhạc trong triều đình mà còn thích những điệu man rợ, dâm dật cũ của triều trước lại cho đó là cốt cách của người Đại Việt thì e không hợp lý…

Lê Sát vốn ghét Nguyễn Trãi, liền nói:

- Vậy mà ông ấy vẫn thường cho ông ấy là người am hiểu nhất nước về văn hiến đấy.

Lương Đăng nói:

- Ông ấy già rồi, nghĩ ngợi cổ hủ mất rồi. Đã văn hiến, nhạc phải thánh thót, rạng rỡ, chứ có đâu đeo mo nang trong ngày hội, hát rí ren ở trước cung vua, lại còn hội tắt đèn, trò tàng câu, toàn những thứ của nhà dân gian hạ tiện, chốn triều nghi phải khác chứ.

Lê Sát gật gù:

- Ông nói có lý đấy! Phen này thử xem Nguyễn Trãi cãi ra sao?

Rồi đọc kỹ bản dâng trình của Đăng có ý muốn tâu Vua theo bản của Đăng, làm bẽ mặt Nguyễn Trãi trước triều đình…

Vua Thái Tôn coi chầu như một hình phạt. Cậu bé con nào có chú ý gì đến những nghi thức vớ vẩn. Cậu rất khó chịu về những ràng buộc đối nghịch. Tại sao mình thì bé tí thế mà bao nhiêu người phải quỳ lạy, muốn gì được ấy. Lắm lúc nhà vua trố mắt nhìn cả đám người giỏi giang nhất nước làm cái việc chính họ tự đầy đọa mình như thế. Xem kìa, gã Lê Sát kia, việc gì hắn cũng nhúng mũi vào. Việc to, việc nhỏ, hắn đều cũng phán xét. Mình chỉ là người nói theo những điều hắn ưng thuận hay chối bỏ. Có lúc quên đi thì thằng hoạn quan phía sau sẽ nhắc Vua nói cho trúng ý tể tướng. Thái Tôn thấy Nguyễn Trãi xì xụp lạy trước mặt mình, thì chăm chú nhìn xem ông ta xin điều gì? Xem ra ông già này là người lành hiền, tử tế, không khó chịu như những gương mặt hằm hằm của mấy tên quan võ. Nguyễn Trãi vẫn đang trần tình về việc làm điển lệ triều đình. Ông tâu:

- Mới rồi thần được cùng Lương Đăng sửa định nhã nhạc, nhưng sở kiến hai bên khác nhau, thần xin trả lại mệnh ấy.

Vua hỏi:

- Tức là ông không biết nhã nhạc chứ gì?

Các quan xuýt nữa thì phì cười, phải cố nhịn mới nổi. Viên hoạn quan thấy vua gác chân lên ngai, liền nhắc vua ngồi lại cho đúng tư thế, vừa lúc ấy Lê Sát đưa mắt cho Lương Đăng, Đăng xuất ban tâu rằng:

- Tâu Hoàng thượng, thần Lương Đăng, xin tâu về việc nhã nhạc. Nhã nhạc ở chốn triều nghi, không ỷ vào thói quen nước mình mà dùng những thứ tiếng thô lỗ, man rợ được. Kể nhạc thì có nhạc tế giao, nhạc tế miếu, nhạc tế ngũ tự, nhạc cứu hộ nhật, nguyệt thực, nhạc đại triều, nhạc thường triều, nhạc đại yến chín lần tấu, nhạc trong cung, không thể dùng trùng nhau được.

Vua hỏi cộc lốc:

- Thế hả? Những điều này ông Trãi có biết không?

- Dạ ông Trãi biết, nhưng ông Trãi cho rằng phải dùng nhạc dân mình quen dùng thì mới hay, còn nhạc Trung Hoa thì của nước khác không nên dùng.

Vua quay lại hỏi Nguyễn Trãi:

- Lương Đăng nói vậy có đúng không?

Nguyễn Trãi tâu:

- Tâu Hoàng thượng quả có như thế. Một nước phải biết lựa lấy những âm nhạc hay nhất đẹp nhất của mình mà dùng nơi triều nghi thì sứ nước ngoài đến mới hiểu được cái đẹp của người nước ấy. Mình đã từng mười năm chinh chiến để có được giang sơn gấm vóc hôm nay, văn hiến kém gì nước Trung Hoa, nhạc cũng có nhạc tế, nhạc dâng, nếu đơn điệu thì tổng phổ thêm vào cho âm thanh giầu lên, việc gì mà phải dùng nhạc ngoại bang kia chứ.

Vua cười:

- Các khanh nói những điều gì rắc rối quá, trẫm chưa hiểu ra. Thôi ta giao cho Nội Mật viện, cho quan đại tư đồ Lê Sát toàn quyền quyết định. Ta mệt lắm rồi.

Và vua Thái Tôn đứng dậy ra về…

Chầu vua ra, các văn thần khó chịu lắm. Phan Thiên Tước, mời Nguyễn Trãi, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân về nhà mình để bàn bạc công việc.

Tước nóng nảy nói:

- Lê Sát đứng sau rèm, mọi việc lớn nhỏ đều phán quyết hết thẩy. Đừng để chúng ta là lũ ruồi vo ve bay quanh hắn.

Nguyễn Mộng Tuân cật vấn lại:

- Ông Tước, chẳng lẽ chúng ta là ruồi nhặng cả sao? Nhà nho sao lại hạ mình đến như thế?

Phan Thiên Tước vẫn còn cáu, vặc thêm:

- Chúng ta đừng tự ví mình là Phượng Sồ, Phục Long (1), chẳng qua chỉ là một lũ ruồi nhặng mà thôi.

(1) Tên hiệu của Khổng Minh và Bàng Thống, thời Tam Quốc.

Bùi Cầm Hổ nói:

- Việc nóng nảy để dành cho bọn võ biền, lũ ta là văn nhân kia mà.

Tước vẫn chưa nguôi cơn giận:

- Các ông có cái đồng và có cái bất đồng, cho nên Lê Sát mới bắt nạt được! Ông nào thấy Lê Sát cũng sợ như sợ hùm. Đến Nguyễn tiên sinh, thầy của chúng ta kia, tài sức hơn thằng Lương Đăng như trời với vực, vậy mà để cho chúng nó vênh vang giữa triều đình, sao thầy chịu được…

Nguyễn Tử Tấn, kéo áo Phan Thiên Tước, rỉ tai:

- Này anh bạn trẻ. Anh thuê thợ trích, trích bớt cái máu Trương Phi đi, ăn nói hơi quá lời đấy.

Phan Thiên Tước vẫn khăng khăng:

- Được rồi, buổi chầu sau, tôi sẽ làm một việc động trời cho các ông biết. Tôi khác các ông. Vào chỗ chen lấn, cứ lùi là có khi chết bẹp. Họ chen lấn, tội gì mình không chen lấn…

Tình thế có vẻ gay gắt, Nguyễn Trãi thấy cần phải nói cho mọi người biết chủ định của mình:

- Chúng ta là những bậc thức giả, đều muốn phò vua giúp nước cả. Tôi có cách nghĩ cách làm của tôi. Ông Cúc Pha Nguyễn Mộng Tuân, ông Nguyễn Tử Tấn đều không chịu làm theo cách của người này người kia đâu, có phải không, ông Phan Thiên Tước. Cái hay cái dở của chúng ta đều ở thứ tính nết quá tin ở mình ấy. Nhưng không sao, không sao, miễn là chúng ta đều là những bậc người sống không xấu hổ với xung quanh… Ông Tước này, bàn luận nhiều rồi, phải có thứ gì mà giải những buồn phiền này đi chứ.

Phan Thiên Tước, à lên một tiếng, rồi cho người đem rượu ra…

Ở trong hậu cung, bọn Đinh Thắng, Nguyễn Cung, cũng đang sốt ruột chờ Lương Đăng về. Lương Đăng xúng xính, oai vệ bước vào.

Đinh Thắng hỏi:

- Công việc thế nào.

Đăng vội đáp:

- Tốt lắm! Tốt lắm!

- Tốt là thế nào mới được chứ!

- Nguyễn Trãi chịu rồi. Lê Sát tin rằng lũ chúng ta đã ngả về ông ta. Ông ta đã không ngớt ngợi khen bản tấu trình về lễ nhạc của ta. Cả bọn văn thần trố mắt, chịu không làm gì nổi.

- Đức vua cũng về phe chúng ta chứ!

Lương Đăng, kéo Nguyễn Cung và Đinh Thắng ra xa rồi bảo:

- Vua vẫn thích nghịch ngợm ở trong hoàng cung hơn là ngồi ngai vàng thiết triều. Bây giờ ta phải để cho Lê Ngân, Lê Sát trị nhau. Muốn cho Lê Ngân thắng được Lê Sát, thằng Cung phải nói sao cho Trịnh Khả được trọng dụng. Muốn vậy, Nguyễn Cung phải theo kế ta mà làm mới được…

Cung và Thắng nghe Lương Đăng to nhỏ, bàn chọn người làm kế ly gián hai phái đều ghét đám hoạn quan, chịu Lương Đăng là kẻ thâm hiểm. Nguyễn Cung liền gọi một tên người nhà thân cận đến nhà của viên tổng quản Lê Lãnh, bạn học của Phan Thiên Tước, đem biếu hai vò rượu ngon, và một cân thịt lợn rừng. Lãnh cho thái và gọi rượu. Trong lúc ngà say, Lãnh tò mò hỏi han chuyện triều đình. Người nhà của Nguyễn Cung cứ mưu kế sẵn, kể ra bằng hết.

Phan Thiên Tước, có thói quen, hôm nào bực bội trong lòng, liền tìm đến Lê Lãnh uống rượu hàn huyên. Lê Lãnh bữa ấy vừa tìm được bọn người nhà Nguyễn Cung tuôn ra các bí mật của hậu cung, liền kể lại cho Phan Thiên Tước nghe bằng hết. Tước nhẩm kỹ từng việc, không sót việc gì. Có lúc lại giả vờ say, nghe chưa ra, hỏi lại cho rõ.

Đêm ấy về, Tước thức trắng đêm, viết một tờ sớ tâu lên vua như sau:

“Thần Phan Thiên Tước, ở phủ Đô Ngự Sử, cùng bọn ngôn quan Lương Thiên Phúc, Nguyễn Chiêu Phủ, vì quyền lợi của hoàng triều, dập đầu trước cửa khuyết dâng sớ lên Đức vua chí tôn…

Thái Tổ nằm gai nếm mật mười năm mới thu lại được giang sơn gấm vóc. Bệ hạ nối ngôi trời, thần dân mong làm sáng nghiệp vua trước. Lòng dân chúng và triều đình mong Bệ hạ dốc lòng học đạo, tìm người hiền để chăm lo sửa đức, trị dân, mở nước. Nay đại thần tiến cử danh nho Nguyễn Trãi và các vị học cao, tài đức sáng láng đến… hàng tuần chờ Bệ hạ mong vào hầu giảng sách. Bệ hạ, không chịu nghe, bỏ đi cưỡi voi, cưỡi ngựa! Thái Tổ thương Bệ hạ rất mực, chọn bảo mẫu, chăm lo sức khoẻ, thấy Đức vua mải vui, quên áo, dâng áo, Bệ hạ lại mắng chửi, khinh rẻ không chịu mặc. Thái Thần phi, thái Huệ phi là bậc dì của nhà vua, biết vậy vào cung để răn bảo. Bệ hạ sai đóng cửa không cho vào! Người lính thị vệ thấy Nguyễn Trãi, và các quan chờ giảng sách quá lâu. Bệ hạ không đến cho họ hậu giảng, lại đi bắn chim. Họ khuyên can. Bệ hạ không nghe lại lấy cung tên bắn người ta trọng thương! Thái Tổ chọn con các công thần hiếu học để vào học, chơi cùng Bệ hạ, thì đều bị đuổi đi bằng hết… Bệ hạ chỉ tin dùng bọn Nguyễn Cung, Đinh Thắng, Lương Đăng là lũ dễ bảo để xin những việc riêng khó hiểu… Người nói thẳng giữa triều đình thì bị mắng, bọn thái giám nói gì cũng nghe, để đến nỗi nghi kỵ, xa lìa đại công thần… Những điều ấy không phải là phong độ đế vương… Mong Bệ hạ hết lòng thương dân, thương nước mà lưu ý sửa cho kịp. Phàm vua sáng suốt phải tìm bằng được người có tài đức. Triều đình hiện có nhiều, chẳng phải kiếm đâu xa. Chúng tôi biết nói ra những điều này là chờ tội, nhưng lẽ đâu là loại quan can gián, biết điều không hay lại chẳng tâu bày. Lại khi ra thiết triều, trăm quan đều tôn nghiêm, mà khi coi chầu Bệ hạ lại quay trước, quay sau, lúc bỏ hài ngồi xổm lên ngai vàng, mất hẳn vẻ tôn nghiêm. Người làm vua từ xưa đến nay, thừng coi chầu hết sức nghiêm cẩn, khiêm nhường, lấy dung nghi nghiêm chỉnh thuần hậu của thiên tử mà tôn trọng đại thần. Chọn người có công, nghe lời can thẳng, mở đường cho người nói để thấu suốt tình người dưới. Nay Bệ hạ nên noi gương người trước để tỏ rõ là một Đức vua Chí Hiếu với Thái Tổ và để thần dân phấn khích phụng thờ!”

Thái Tôn xem sớ, tức lắm, gọi ngay Nguyễn Cung, Đinh Thắng đến hỏi:

- Phan Thiên Tước là đứa nào mà dám kể xấu ta trong tờ sớ này?

Cung nói:

- Đó là mấy thằng hay chữ lỏng. Chúng nó ngồi rỗi chỉ bới việc ra soi mói.

Thái Tôn nghe càng tức, liền gặng hỏi:

- Nhưng phải có đứa nào mách bảo thì thằng Tước mới biết ngọn ngành đến thế chứ!

Nguyễn Cung thưa:

- Để thần đến nhà thằng Tước, sao chúng nó lại dám coi thường Đức vua đến thế.

Nói đoạn Cung đi ngay. Cung đến nhà Phan Thiên Tước, đem cả quân cấm vệ, cho vây bọc khắp. Gia nhân, nô tỳ hãi hùng chạy dạt vào một chỗ. Phan Thiên Tước mặc áo triều phục, đội mũ đĩnh đạc bước ra. Tước nhìn thẳng vào mặt Nguyễn Cung nói:

- Ông Nguyễn Cung, tôi có tội gì mà đem quân cấm vệ vây nhà?

Cung nói:

- Tội gì sau người sẽ biết.

Nói rồi Cung rút trong tay áo tờ lệnh chỉ! Tước biết nhưng sắc mặt vẫn điềm tĩnh.

Cung cao giọng cật vấn:

- Ông Tước, ai xui ông viết tờ sớ kể tội vua trước mặt quần thần như thế.

Tước vốn ghét Cung, thẳng thắn trả lời:

- Ông đến hỏi việc gì cứ hỏi. Ông không phải hình quan, đừng nói những điều càn rỡ trước một người trung trực.

Cung lại hỏi:

- Ông không sợ tù ngục à?

Tước nói:

- Đã làm người can gián vua thì phải luôn nghĩ rằng, biệt cung, ngục hình đối với mình chẳng có gì là lạ… Quan hình còn bị tống ngục huống chi người chỉ lo việc can vua…

Cung tức lắm, hộc lên:

- Ông cho mình là chính nhân quân tử hả! Lũ người như ông có học mà ngu. Thà ngu như bọn Nguyễn Cung này mà lại được việc. Bây giờ, tôi thi sự gan dạ với ông đây. Ông nói, khinh thường hỏa ngục, biệt giam, nhưng ông không nói tôi khắc bắt ông phải nói đấy.

Mắt Cung xếch ngược, tưởng rách cả mí. Cung quát gọi:

- Thiên quỷ, Diêm quỷ hãy vào đây.

Hai tên vệ sĩ vạm vỡ chuyên giữ việc khảo tra, một đứa đeo mặt nạ đầu trâu, một đứa đeo mặt ngựa, thét to lên một tiếng.

Chúng khiêng vào một chiếc dây xích cực lớn và một lò than hồng.

Mặt Phan Thiên Tước đang đanh rắn, bỗng xìu hẳn đi, và trở nên tái mét. Song Tước vẫn cố giữ níu lấy cái khí phách ban đầu.

Phan Thiên Tước kêu to lên:

- Nguyễn Cung, ngươi lạm dụng quyền vua, làm nhục đại thần, ta không để cho mi yên đâu!

Nguyễn Cung cười nhạt bảo:

- Lửa và xích sẽ buộc ông phải nói. Chi bằng ông nói trước đi, để ta khỏi phải ra tay.

Tước chần chừ một lát rồi hỏi lại:

- Ta nói, ta đành nói. Nhưng này Nguyễn Cung, ta nói điều này, ngươi nghe thì nghe, không nghe thì đừng. Mọi sự bức hại nhau đều dẫn đến thù oán. Đời này không trả được thì đời sau. Ta nói tên người mách ta cho ngươi về tâu vua, nhưng ta khuyên mi đừng có làm hại người ấy.

Nguyễn Cung đực mặt ra một hồi rồi nói:

- Được!

Phan Thiên Tước liền kể lại chuyện đêm uống rượu với Lê Lãnh mà được nghe chuyện trong cung kể hết cho Nguyễn Cung. Cung thỏa mãn rồi không hỏi gì thêm, chỉ quát Thiên quỷ và Diêm quỷ:

- Cho chúng ngươi lui.

Rồi vẫy tay cho quân cấm vệ rút về.

Cung đi được một lát, quay lại bảo Phan Thiên Tước:

- Này ta bảo ông, cây ngay thì dễ đổ, ông dại một lần, chứ dại thêm một lần nữa, ta không giúp ông giữ đầu liền với cổ được đâu.

Tuy Phan Thiên Tước rất khinh Nguyễn Cung, Đinh Thắng, Lương Đăng, nhưng thấy hắn cũng không phải là kẻ bỏ đi cả, liền trầm mặt xuống, lặng lẽ lui vào.

Nhờ sự tâu việc khéo léo mà Tước không bị quở phạt. Tước thầm phục Nguyễn Cung riêng việc này, để bụng không nói với ai, lại tự nhủ mình, phải khôn khéo hơn một chút nữa…

Thế là ngôn quan và hoạn quan, vốn rất ghét nhau, lại có một mối đồng cảm nho nhỏ…