Ngang trái phủ Tây Hồ - Chương 10

10

Tin Nguyễn Trãi lấy cô vợ đẹp nhất phủ Tây Hồ bỗng loan ra khắp kinh thành như một sự kiện mới. Ông Trãi ghê gớm thế đấy. Gần lục tuần rồi mà vẫn lấy được con gái đẹp nhất đô thành. Biết bao đám vương tôn công tử ghen tức, đến phát điên lên vì việc này. Thị Lộ lại là người có học, đâu phải người thường. Lương Đăng, một bữa đến thăm Đinh Thắng và Nguyễn Cung nói:

- Cái lão Nguyễn Trãi bao nhiêu tì thiếp cũng chẳng vừa đâu. Mà lão toàn chọn gái đẹp. Bọn con trai cũng ức với quan Hàn lâm thừa chỉ đấy.

Nguyễn Cung cười tủm tỉm. Đinh Thắng hỏi:

- Sao Cung lại cười?

- Gái đẹp đến thằng khờ còn mê huống là quan Hàn lâm viện thừa chỉ.

Lương Đăng nói:

- Nguyễn Trãi đem Thị Lộ về phủ riêng. Đám cưới như một nhà dân bình thường, xem chừng cũng không phải sự trọng thị. Nguyễn thừa chỉ, rất chu đáo, đưa vàng lụa đến tạ nhà ông đồ, lại mua cho vuông đất đẹp nhất phủ Tây Hồ, dựng ngôi nhà lớn, cho người đến hầu hạ thay con gái. Người ta bảo lúc trước ông đồ này chứa chấp Nguyễn Trãi khi ông ta ở Nam Quan lẩn về kinh đô… Sau khi ông Trãi bị Hoàng Phúc và Trương Phụ bắt, cũng trốn về đây, rồi mới cùng Trần Nguyên Hãn vào tụ nghĩa ở Lam Sơn. Từ ngày theo Thái Tổ trở lại Thăng Long, ông Trãi vẫn đến chơi nhà ông đồ như bạn bè. Bây giờ, thấy cô con gái xinh xắn, lão ấy cuỗm luôn!

Đinh Thắng cười:

- Gần sáu mươi còn lấy được gái tơ, không thể coi thường đâu!

Lương Đăng nói:

- Nguyễn Trãi mới là kẻ đáng gờm của bọn ta. Phía sau ông ấy toàn là những nhân tài nhất nước. Đức Thái Tổ muốn dùng Trãi nhưng sợ tài mà không dám dùng. Khi gọi Trãi về kinh đô, chẳng qua là sợ Sát át vua, triệu về để kiềm chế Sát mà thôi… Thái Tổ rất sáng suốt, nhưng người đời nào thì người đời ấy lo chứ, làm sao người già lo hết được… Sự nghĩ của Thái Tổ lúc chết vẫn còn minh mẫn lắm! Bây giờ ta dựng Trịnh Khả lên, diệt Sát, chỉ còn lo sao diệt được Nguyễn Trãi là xong thôi!

Đinh Thắng cau mày nói:

- Ông ăn nói lỗ mãng thế. Ý nghĩ gì cứ để trong bụng, hoặc nói thì nói nhỏ thôi, sao lại cứ bô bô ra miệng!

Lương Đăng cười bảo:

- Đã làm hoạn quan thì còn sợ gì xấu đẹp nữa, đến cái của quí nhất cũng bị người ta lấy đi mất, sợ mất gì thêm. Các ngươi và ta chịu khổ một đời để cả họ sung sướng. Nếu không biết cách giành lấy quyền lợi thì chúng mình hoàn toàn là một quan thiến thôi!

Nguyễn Cung, Đinh Thắng lặng đi, không dám nói gì thêm.

Mãi sau, Thắng mới hỏi:

- Vừa qua việc xét dâng lễ nhạc lên Đức vua, nghe nói ông tranh luận với ông Trãi nhiều lắm phải không?

- Tranh luận gì! Ta theo sự văn minh của người Trung Hoa. Lễ nhạc chọn cái hay của họ mà làm. Còn ông Trãi thì quá lệ thuộc vào lễ nghi của triều Trần, lấy nhạc của đám hội hè, dân dã làm điển lệ. Nhà Trần dẫu có nhiều công tích, nhưng lễ nhạc hoang dã lắm, sao bằng âm nhạc Trung Hoa có tự hàng ngàn năm nay được… Cho nên Hoàng Thượng chọn lễ nhạc ta dâng lên là đúng…

- Sao bảo bọn quan văn, cho ông là sính ngoại lai, quên quốc hồn, quốc túy.

- Đâu có! Nhạc phải tùy nghi, lúc vui lúc trang trọng, kinh đô là nơi tiêu biểu cho cả nước, phải cho mọi người thấy rằng không một vùng đất nào được lẫn với nhạc vua. Ta đâu có ứng dụng bậy bạ. Ta xem rất nhiều sách, lại cho gọi rất nhiều nghệ nhân đến, chọn khúc nào, tấu cho nhiều người sành nhạc cùng nghe, lại mời cả sứ giả Trung Hoa đến tham bác. Xem xét nhạc từ nhà Chu, nhà Hán, đến nhà Minh, rồi mới cải biên đôi chút và dâng lên chứ đâu dám coi thường! Còn bắt bẻ nhau, thì cái đám hủ nho cũng bắt bẻ được…

Đinh Thắng cười nói:

- Nguyễn Trãi, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Mộng Tuân tất cả đều là hủ nho sao?

- Cái chính là Nguyễn Trãi thôi. Ông ta giỏi nhiều bề, nhưng cái phần lễ nhạc này thì nhầm thật… Nghe đâu ông cũng chịu việc chọn lựa của ta là đúng, song trót đề bạt lên Đức vua những điều không thích hợp, sợ người ta cho kiến thức còn khiếm khuyết cho nên ông ta cãi đến cùng! Nhưng rốt cuộc thì cái tai Hoàng thượng cũng sành!

- Đức vua trẻ trung, thích làm sao thứ nhạc man rợ được… Người rất thích nhạc véo von, trầm bổng, luyến láy… Vũ điệu thì phải lộng lẫy, uyển chuyển… Ông vua này rồi không biết đi đến đâu!

Lương Đăng cười không nói gì cả!

*

Thị Lộ về nhà chồng, Nguyễn Trãi mê nàng thật sự. Ông như trẻ lại. Ông chọn những bộ quần áo đẹp nhất để mặc, ông búi tóc, cạo râu, khác hẳn mọi ngày. Đám đầy tớ bấm nhau, cười khúc khích. Ông biết cũng cười thân mật với chúng… Ông suốt ngày muốn ngồi ở bên nàng, đàm đạo văn chương. Sức học của nàng còn mỏng, không dày, nhưng nàng thông minh và tai quái.

Một bận, nàng hỏi ông về thơ Đường:

- Tướng công thích thơ Đường không?

- Ta thích và mê nữa.

- Tướng công thích tác giả nào trong thơ Đường?

Nguyễn Trãi có thể nói ngay như mọi người, kể cả những bậc lão thực trong đạo nho, hoặc anh học trò mới tập tọng được tam bách thủ. Song câu hỏi đầy ngóc ngách của người mình thương khiến ông phải cẩn trọng. Ông nói:

- Người ta thường tôn sùng Lý Bạch, Đỗ Phủ, sau đó là Bạch Cư Dị, nhưng ta yêu thơ Đường không phải chỉ ba nhà thơ lớn ấy! Ta yêu tất cả…

- Sao vậy tướng công?

- Trong thơ Đường, mỗi bài thơ hay bình đẳng với hàng trăm bài khác. Thơ hay là vô địch. Thơ hay ở mỗi người là thiên tài…

Thị Lộ bỗng thấy vẻ già của Nguyễn Trãi biến đi đâu mất. Trước mặt nàng là một người thầy, một người bạn, một người yêu… Nàng tiến đến gần Nguyễn, choàng tay lấy ông, và ngả đầu vào ngực ông:

- Tướng công đúng là người em mơ thấy, mà lại được ngả đầu vào…

Nàng quay người, ấp bộ ngực non tơ mơn mởn của mình vào Nguyễn, khiến cho ông lặng lẽ, ngây ngất trong tin yêu, hạnh phúc. Ông quờ tay ôm chặt lấy nàng, khẽ luồn vào lưng nàng vuốt nhẹ rồi sờ lần đến những chỗ tự ông thèm muốn hiểu biết và khám phá, ông để má mình áp vào má nàng, khẽ hỏi:

- Em mãi mãi yêu ta chứ?

Thị Lộ ngẩng mặt nhìn vào mặt Nguyễn Trãi. Nàng thấy nếp nhăn trên trán ông cũng có một vẻ đẹp riêng. Những nét thanh tú thừa kế của mẹ của cha, vẫn còn nguyên vẹn, nàng nói:

- Nét đẹp trên người tướng công chẳng bao giờ mất, làm sao mà em không yêu được!

- Thật thế chứ!

- Thật!

Ông riết mạnh lấy nàng, vòng tay vẫn còn chặt lắm, ông dìu nàng vào trong trướng. Nàng nhẹ nhàng, mềm mại theo tay dìu của ông. Khi đi ngang qua ngọn bạch lạp, ông định thổi tắt, nhưng nàng ngăn lại bảo:

- Đừng tắt, tướng công, cứ để nguyên cho nến cháy, tắt mà làm gì!

Nguyễn Trãi từ bấy giờ không bao giờ rời Thị Lộ. Một hôm nàng hỏi ông:

- Em nghe nói tướng công vừa ganh thi với Lương Đăng mà bị thua, có thật thế không?

Được Nguyễn Trãi yêu, dạo này Thị Lộ xem ra có vẻ nhờn, hay hỏi những chuyện tọc mạch. Nguyễn Trãi không lấy thế làm phật lòng, chỉ cười nói:

- Việc soạn lễ nhạc là nhân danh cả quốc gia. Cái mình biết mà không nói, thì đắc tội với vua với nước. Cái mình chưa biết thì cần hỏi những bậc thức giả khác để bàn bạc. Ta theo cách làm ấy. Nhưng bây giờ già rồi, nghĩ ngợi đâu còn minh mẫn nữa. Bên người lúc nào cũng thơm lừng thuốc nọ, thuốc kia… Cách tác nghĩ chưa hết, bạn thân, học trò giỏi không chịu nói thật. Lương Đăng cũng là kẻ chịu khó học hỏi. Có điều soạn lễ nhạc không ai giao cho hoạn quan, bởi vì đó là một sự bất kính. Đạo nho chọn người làm việc tốt, phải là người hoàn hảo. Kẻ đã cam để hoại thân, cầu danh, sao làm những việc quốc gia đại sự được. Nhưng vua là trên hết. Vua chọn nhạc nào thì nhạc ấy được dùng. Ta biết làm sao! Bữa vua hỏi ý ta chỉ nói vài ba câu. Nhưng bọn văn thần vốn ghét đám hoạn quan, nóng nảy không kìm giữ nổi. Nguyễn Liễu đã mắng cả lũ Lương Đăng là loạn triều. Đinh Thắng thay mặt bọn hoạn quan quát lác lại… Phe phái vì thế mà bộc lộ… Ta buồn lắm!

Nguyễn Thị Lộ nói:

- Thế là đại văn thần, đại đô đốc, đều thua bọn hoạn quan cả. Ngày mai, nếu có thể, tướng công cho em vào dự tiệc vua ban ở hoàng cung, có được không!

Nguyễn Trãi đang vui, nói:

- Sao lại không được. Nàng được tin ở đâu mà nhanh thế. Đúng là ngày mai, Đức vua tiếp sứ, Người có cho phép các đại thần đem phu nhân theo, dự tiệc ở Viện Tập hiền. Ngày mai nàng sẽ đi với ta…

Nguyễn Thị Lộ vui lắm, đến bên sập, ngồi kề Nguyễn Trãi, Lộ nói:

- Tướng công đọc lại những bài thơ tướng công làm cho em đi.

Nguyễn Trãi lặng lẽ cười:

- Em vòi vĩnh quá đấy.

Nhưng rồi ông cũng vui vẻ, cao giọng ngâm:

Trận Bướm

Làm sứ đi thăm tin tức xuân,
Lay thay cánh nhẹ mười phân
Nội hoa tốp tốp vay đòi hỏi
Doanh liễu khoan khoan khéo lỡ lần
Thục đế đổ thành réo rắt
Phong vương đắp lũy khóc ran
Chúa xuân réo tập dư ba tháng
Mảng cầm ve mới đỗ quân.

Thị Lộ ngả đầu vào vai ông bảo:

- Em thích bài Cây chuối hơn. Đó là hôm tướng công lần đầu tiên gặp làm thơ cho em, cái hôm tướng công mặc áo nho sinh đến để tỏ tình ấy.

Nguyễn Trãi giơ tay lên, vuốt má Thị Lộ, rồi ôm vào cổ nàng, lòng đầy hứng cảm, khẽ đọc nho nhỏ như một lời tự tình thầm thì:

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mùi thâu đêm…
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem...

Nguyễn Thị Lộ bình:

- Bài này yêu lắm mà ngại ngần dò hỏi… Em không ngờ cái thói đa tình ở tướng công thật gớm ghiếc. Hơn năm mươi tuổi đầu mà thơ vẫn cứ như thuở đang trai…

Nguyễn Trãi cũng buông thả đôi chút:

- Nhưng gương mặt già hẳn thì các cô gái không thích lắm.

Nguyễn Thị Lộ bỗ bã:

- Không, về mặt trí tuệ ai địch nổi tướng công. Còn về sức lựa thì – tướng công cũng còn khỏe lắm!...

Nguyễn Trãi cười, ghì chặt Thị Lộ vào lòng.

*

Nguyễn Thị Lộ theo Nguyễn Trãi vào Viện Tập hiền để tiếp sứ… Nàng mặc bộ áo lụa hồng mỏng tha thướt. Da nàng, một thứ da trời ban, không cần son phấn cũng rực rỡ khác thường… Đại tư khấu Lê Ngân, đại tư mã Trịnh Khả đến trước, đều mang theo phu nhân. Đó là những mệnh phụ già. Sứ giả sang bàn về cương giới, nhưng mang theo mấy xe vàng lụa… Triều đình tặng họ vàng lụa, họ làm ra vẻ khiêm nhường, liêm khiết không nhận, xong họ lại ngầm gặp các đại thần biếu xén, rồi nhờ bán những vật trang sức quý giá ở nhà các bậc mệnh phụ… Chẳng mấy chốc, họ thu về không biết bao nhiêu tiền bạc. Dân chúng đồn rằng: đoàn sứ giả Trung Hoa bán hàng hóa được đến mấy hòm vàng, không dám đem về nơi sứ quán, mà phải gửi cho các thương nhân người Hoa ở Đông bộ đầu…

Hàng hóa đã bán xong, chánh sứ họ Giả hôm nay sắm vai một đại diện thượng quốc. Y bận những bộ phẩm phục mà mũ mà áo đính thêm rất nhiều loại kim cương đá quí, sáng lóng lánh… Người y xức nước hoa đặc biệt thơm hơn các vị vương phi xấu nhất trong bàn tiệc, trét lên mặt nào son, nào phấn, và phủ lên mình thứ thơm tho hảo hạng làm sang trọng thứ da thịt vốn xuất thân từ đồng nội chân lấm tay bùn.

Khi Thị Lộ bước vào, chánh sứ vốn là kẻ quen mùi đàn bà liền dựng đứng người lên… Hắn tưởng mình đang được lạc vào một tiệc bàn đào của Tây Vương Mẫu, mà nhân vật chính của bữa tiệc, nàng tiên đẹp nhất đang đứng sừng sững trước mặt mình.

Viên quan tiếp tân khẽ nói nhỏ vào tai chánh sứ:

- Nhập nội hành khiển, hàn lâm thừa chỉ Nguyễn Trãi và phu nhân…

Chánh sứ xá Nguyễn Trãi, nhưng mắt thì vẫn lấm lét nhìn sang phía Thị Lộ, miệng lẩm nhẩm những câu khách sáo quen thuộc.

- Rất hân hạnh, rất hân hạnh.

Nguyễn Trãi bước vào chính sảnh. Ông nhìn ngược nhìn xuôi một lúc rồi chọn đám văn thần Nguyễn Mộng Tuân, Bùi Cầm Hổ đứng vào nói chuyện. Bên kia Lê Ngân, Trịnh Khả thấy Nguyễn Trãi vái chào cũng vái chào trở lại… Nguyễn Thị Lộ được một thái giám đưa sang một nhà khách khác, dành cho những mệnh phụ… Quan chánh sứ từ lúc thấy Nguyễn Thị Lộ rẽ ngang thì như người mất hồn… Y chào người nọ lẫn sang người kia và chỉ khi có viên quan dẹp đường, hô lên: Đức vua đến, y mới giật mình thức tỉnh, chỉnh đốn lại cân đai, mũ áo.

Vua Thái Tôn bước vào, các đại thần cúi rạp chào. Vua khẽ gật đầu nhã nhặn đáp lại. Vua xinh đẹp, thanh tú. Sứ giả nhà Minh là người tinh khéo, xảo trá cũng giật mình khi thấy dáng đi nhanh nhẹn, tự tin của một ông vua trẻ chớm bước vào tuổi trưởng thành…

Vua nhìn tận mặt từng viên đại thần. Lê Ngân cúi mọp xuống. Trịnh Khả gập nửa người, Lương Đăng thì cúi thấp hơn Trịnh Khả một ít, tỏ ra là người biết nghi lễ và biết chủ mình là ai. Các văn thần tỏ rõ với Lương Đăng rằng, cái thằng hoạn quan soạn ra điển lệ triều đình kia chẳng qua là một kẻ thời xu nịnh, khi vua đi qua họ chắp tay cúi đầu khẽ nói:

- Chúc Thánh thượng vạn thọ vô cương!

Sứ giả lạy vua. Vua miễn lễ và chào lại sứ giả, rất tự nhiên. Vua sai quan tiếp sứ, đem đến những quà tặng dâng lên vua Minh, biếu đoàn sứ thần, rồi ban cho mỹ tửu và mời các quan cùng vào bàn tiệc.

Vua tôi ăn uống vui vẻ, tự nhiên. Sứ thần rất khâm phục. Đang lúc nghe tấu nhạc và xem vũ nữ múa hát, chợt vua nghĩ ra, quay lại hỏi:

- Các mệnh phụ phu nhân đâu cả?

- Tâu họ ăn uống với nhau ở phía bên kia.

- Vậy hả! Ta muốn sang bên ấy được không? Đinh Thắng?

Màn ca vũ luôn tiếp nối, vua chưa thể đứng lên được, dáng bồn chồn. Vua vẫy Lê Ngân, Trịnh Khả lại gần rồi bảo:

- Hai ông điều khiển cuộc vui tiếp tục và khoản đãi sứ thần, ta về trước đây!

Quan tiếp tân sau một màn múa, hát, xướng to:

- Chư vị sứ thần, văn võ bá quan tùy nghi lưu tiệc. Thánh thượng hồi cung!

Đám quan to lại vang lên những câu chúc tụng, từ miệng vọt ra:

- Thánh thượng vạn vạn tuế.

Vua bước ra khỏi phòng tiếp sứ ở Điện Tập hiền, nhưng không về hậu cung mà lại rẽ vào nơi các vị phu nhân đang vui yến tiệc. Tiếng cười khúc khích, tiếng chuyện trò rỉ rả, tiếng hỏi han, lời thưa đáp rất tự nhiên thú vị. Thái Tôn dừng lại một lúc lâu và xem ý có vẻ thích thú lắm. Mùi hoa quả thơm tho, mùi nước thơm, mùi son phấn khá hấp dẫn.

Vua và mấy viên quan hầu cận bước vào. Người trông thấy vua đầu tiên là vợ Lê Ngân. Con mẹ chân lấm tay bùn há hốc mồm không nói thêm được câu nào cả…

Vợ Lê Thụ thì luống cuống không cả cất mồm lên nổi câu chào vua, lắp bắp kêu:

- Nhà vua! Nhà vua!

Thị Lộ đang ngồi bên vợ Bùi Cầm Hổ, hai người đang bàn chuyện văn chương rất tâm đắc, nghe thấy, liền quay mặt lại.

Trước mặt nàng, một trang thiếu niên tuấn tú, đội mũ miện, mặc áo hoàng bào đi hài đỏ trông đầy vẻ hào hoa tươi tắn. Dáng nhanh nhẹn, cử chỉ linh hoạt nhìn quanh, nhìn phải, nhìn trái. Thái Tôn muốn phá cách tất cả những uy nghiêm của một vị vua cần phải có, khiến Thị Lộ có những cảm mến đặc biệt ngay từ những phút ban đầu. Thị Lộ vốn thông minh nhanh nhẹn. Nàng vội cao giọng thay mặt các vị mệnh phụ, tung hô:

- Chúng thần có tội, không biết thánh thượng đến thăm. Xin ngàn lần tha thứ. Đức vua vạn tuế.

Hàng trăm miệng những người đẹp, các bậc mệnh phụ cũng thốt lên theo:

- Đức vua vạn tuế!

Thái Tôn rất vui nói:

- Các bà, các nàng xinh đẹp quá! Ai cũng lộng lẫy. Xin cứ tự nhiên trong bàn tiệc.

Rồi vua đi một lượt nhìn vào tận mặt những người đẹp, với một sự tò mò cố ý, mệnh phụ già hơi khó chịu. Các mệnh phụ trẻ, thì ngược lại! Khi Đức vua đứng bên cạnh, mỗi người lại có một cảm nhận riêng. Người đầu tiên được thấy Mặt Rồng thì e lệ cúi chào và liếc nhìn. Người nhút nhát thì tim đập thình thịch nhưng cũng dành cho đôi phút chiêm ngưỡng. Người bần thần không nói được gì, bởi bất ngờ, không tưởng tượng được Ngài Ngự lại đẹp trai đến thế…

Riêng Thị Lộ thì bình tĩnh chủ động hơn ai hết. Nàng sửa sang khăn áo, và khi vua đến trước mặt, nàng thưa:

- Thần thiếp vinh hạnh được chào Bệ hạ.

- Nàng là ai vậy? - Vua hỏi

- Thần thiếp là vợ mới cưới của Hàn Lâm viện thừa chỉ.

Vua thốt lên:

- Vậy nàng là vợ của ông Trãi.

Thị Lộ bây giờ hơi cảm thấy có chút gì ngỡ ngàng của Đức Vua trong câu hỏi. Nàng lanh lẹ trả lời, rất tự nhiên:

- Đức vua ngạc nhiên lắm sao?

Vua buột miệng:

- Nàng trẻ quá so với quan thừa chỉ!

Nguyễn Thị Lộ im lặng không nói gì. Nàng nhận ra sự thảng thốt của ông vua “trẻ con mới lớn dậy” trước sắc đẹp của mình.

Tự dưng, Thái Tôn lắp bắp:

- Quan Hàn lâm viện thừa chỉ là thầy học của ta, Ngài cao thượng lắm. Nhưng ngài cũng già mất rồi.

Nguyễn Thị Lộ bất ngờ trước nhận xét ấy của Đức vua. Nàng nói:

- Thần thiếp nghĩ là khi một người hiểu kỹ về một người, thì phải gần người ấy thật nhiều. Thánh thượng từ ngày lên ngôi chắc đã hiểu quan Hàn lâm thừa chỉ.

Táo tợn. Nguyễn Thị Lộ buột miệng:

- Mà thánh thượng lại gần những quan thái giám nhiều hơn…

Vua càng ngạc nhiên hơn trước vị phu nhân trẻ đẹp này. Đứng phía sau vua Nguyễn Cung nhíu lông mày. Trong bóng tối mặt y lườm lườm nhìn Thị Lộ.

Vua nói:

- Ngày mai, ta mời nàng vào nội điện, có những chuyện cần phải hỏi thêm. Được chăng?

- Đội ơn Hoàng thượng.

Thấy đứng hơi lâu, Thái Tôn cảm thấy không tiện, vua cáo biệt ra về… Khi tung hô rồi, các phu nhân đều xúm xít lại bàn tiệc. Bây giờ các bà lại to nhỏ, không nói chuyện gì khác ngoài chuyện Đức vua và Thị Lộ.

Một bà mệnh phụ già bĩu môi:

- Gớm, phải thế nào người ta mới lấy được ông Nguyễn Trãi chứ, bây giờ còn lại được vua vời nữa đấy!

Một bà khác chêm vào:

- Cô ta xem vẻ sấn sổ, cố tình để Thánh thượng chú ý đến mình.

Một bà thì rỉ tai với người ngồi bên cạnh:

- Ông vua mới lớn dậy này rồi thì chết về con bé ấy đấy! Rồi bà ngẫm lời tôi mà xem…

Mỗi người một câu. Phía Viện Tập Hiền, dường như đã đến lúc tan. Tiếng ồm ồm của quan đại tư khấu khước từ, tiếng khàn khàn của quan đại tư mã tỏ vẻ đầy quyền uy đã vang ở mặt thềm. Vị quan tiếp tân khẽ nhắc nhở:

- Các quan đã về. Xin các phu nhân ra về kẻo các quan lớn chờ…

Bà nào bà ấy vội vã đứng dậy… Các bà không quên nhặt những quả táo, quả lê từ bên chính quốc mang sang để đem về nhà ăn tiếp…

Đoàn sứ giả đứng ở cổng, vái chào, thỉnh thoảng lại ghé tai một viên đại thần khẽ nói:

- Ngày mai, mong quan đến thăm chúng tôi sớm nhé, thứ hàng quan lớn dặn chỉ còn một ít nữa thôi!

Chiều hôm sau, Đinh Thắng vâng lệnh vua ra triệu Thị Lộ vào cung. Vua đang mười tám tuổi đầy kiêu hãnh, ham muốn. Thị Lộ tuy ngoài hai mươi nhưng biết cách trang sức, ăn mặc, nên dẫu gái dậy thì cũng chưa ăn đứt.

Nguyễn Trãi thấy Thị Lộ trang điểm hơn cả mọi lần. Nàng đẹp thật. Thêm một lần vẻ đẹp đàn bà đã lưu lại trong ký ức chỉ chấp nhận những ấn tượng của ông… Ông cảm thấy có gì đó không ổn trong buổi vua vời này. Ông hỏi Thị Lộ:

- Sao Hoàng thượng lại vời nàng?

- Em quên không nói trước với tướng công! Chả buổi tối hôm qua…

Nàng kể ngọn ngành… À ra thế, Nguyễn Trãi, con người trải đời, cố à lên một tiếng:

- Vậy hả. Nàng nên đi thôi… không phải ai cũng có vinh hạnh này đâu!

Nguyễn muốn dùng từ ân sủng, nhưng lại sợ Nguyễn Thị Lộ nhận ra nỗi vướng mắc sâu kín của mình, nên nhanh miệng nói được cái từ vinh hạnh. Ông cố nén một nỗi buồn ghê gớm, quay gót định lui vào. Nhưng vốn tinh quái, thông minh, Thị Lộ nhận ra ngay. Nàng vội vàng đi theo Nguyễn Trãi kéo ông lại và nói:

- Tướng công chớ phiền lòng. Thiếp sẽ về trước lúc mặt trời lặn…

Nguyễn Trãi nhìn kỹ Thị Lộ rồi nói:

- Ta tin nàng…

Nguyễn Thị Lộ vào cung. Nàng đi qua những lối đi lát đá và những thềm gạch đỏ au… Điện vua ở về phía tây bắc, đi mãi mới đến. Thái Tôn hình như chờ nàng hơi lâu có vẻ sốt ruột. Khi cánh cổng lim vừa hé mở, Đinh Thắng khẽ quát hai viên thái giám chực bên cửa lui ra, và xòe bàn tay vỗ nhẹ ba cái. Bên trong một quan thái giám khác béo, chầm chập, mặt bóng nhẫy, mở cửa. Đinh Thắng nói:

- Đưa Hàn lâm viên thừa chỉ phu nhân vào gặp Hoàng thượng…

- Dạ… dạ…

Thấy tiếng kẹt cổng, Thái Tôn trên thềm đưa mắt nhìn theo… Người đẹp nghiêng thành nghiêng nước đã đến. Cái dáng nàng mới bước ra đã khiến Đức vua phải chú ý. Đĩnh đạc, thon mềm, tự tin, tự sáng trên mỗi bước chân. Thị Lộ tiến đến trước mặt Thái Tôn, vái chào:

- Thần thiếp Nguyễn Thị Lộ đến bái kiến. Chúc Thánh thượng vạn thọ vô cương.

Vua thân đến nâng nàng dậy, nói nhẹ nhàng:

- Vào đây, có ai đâu mà nàng phải lạy ta… Miễn lễ! Miễn lễ!

Vừa nhìn thẳng vào mặt nàng. Gương mặt, làn da, gò má, đôi mắt, ngấn cổ cao… mỗi vẻ đẹp đau nhau thu hút Ngài Ngự… Thái Tôn choáng váng. Người kêu thầm:

- Nàng đẹp quá!

Thị Lộ im lặng. Vua đưa tay dắt nàng lên thềm, mời vào Quán Nghinh Phong, giữa những chim hoa, cây cảnh. Mặt trước là hồ bán nguyệt nho nhỏ, phía bên phải là vườn Ngự. Khác với các bậc vua trước, vườn Ngự khá rộng, ở đó sẵn sàng có chim, thú, những cây cung cứng treo lửng lơ trên cành. Giỏ tên còn vứt bừa bãi xuống đất. Từ lúc lên ngôi, vua ở vườn nhiều hơn là ngồi trên ngai vàng.

Vua sai thị tỳ đem trà và hoa quả lên dâng cho Thị Lộ. Vua rót ngự tửu mời.

Nàng vái nhận rồi từ chối. Từ nãy đến giờ, Thị Lộ vẫn ngồi im lặng, còn vua thì bối rối hết mời ăn thứ nọ, lẫn thứ kia. Vua lúng túng không biết nên mở đầu câu chuyện gì cho thích hợp.

Thị Lộ vẫn ngồi đấy, mắt nhìn ra cây, cỏ. Chợt con vẹt kêu lên mấy tiếng: Thánh thượng vạn tuế.

Thị Lộ thốt lên:

- Con vẹt biết nói.

Thái Tôn cười:

- Lũ quan thái giám dạy cho nó đấy. Suốt ngày ta phải nghe những câu ấy bất cứ chỗ nào, về đến đây, tưởng yên thân, thì con vẹt lại gân cổ lên những câu ta đã chán ngấy ấy!

Thị Lộ cười. Vua hỏi:

- Nàng cười gì vậy?

- Nếu là thần thiếp dạy thì chắc con vẹt sẽ nói một câu khác.

- Nàng định dạy cho nó câu gì vậy?

- Thần thiếp sẽ dạy cho nó câu: “Đức vua dậy sớm! Đức vua dậy sớm!”

Vua vui vẻ nói:

- Câu ấy thì ta lại tức hơn. Vì ta vốn chuộng lối sống phóng túng, không chịu để ai gò ép cả.

Thị Lộ nói:

- “Đức vua dậy sớm!” Câu nói đó hay lắm!

- Ta chẳng thấy hay ho gì cả!

- Thưa, một là nêu được tính chăm lo việc nước của Đức vua, hai là nếu ngài chưa dậy thì gọi ngài dậy, để nhắc nhở ngài nhớ việc nắm trong tay vận mệnh của trăm họ.

- Nàng nói gì mà nghiêm túc thế!

- Dạ, trước mặt Đức vua, còn chuyện nào hơn thế được. Thần là một người đàn bà nghèo ở phủ Tây Hồ. Trót mang lấy sắc đẹp, lúc nào cũng nơm nớp nơm nớp. Được làm vợ lẽ quan Hàn lâm thừa chỉ, về kinh thành, mới thoát khỏi mắt cú vọ của bọn con quan, bọn hào lý. Mỗi người một cảnh ngộ. Nhiều người nghèo khổ và cũng nhiều quan tham, lại nhũng nhiễu bọn tiếm quyền đang giằng xé nhau ở bên Đức vua chẳng lẽ ngài lại không biết hay sao?

- Nàng bạo miệng thế, hay là quan Hàn lâm thừa chỉ xui nàng nói với ta điều này!

- Đức vua mời thiếp vào cung hẳn là có việc. Nếu là việc hầu hạ trên màn trướng như đám thị nữ, thị tỳ, thần xin về ngay, bởi thiếp là vợ của Nguyễn Trãi, người được đức Thái Tổ di chúc lo việc học hành cho Nhà vua… Nếu là việc giúp vua chọn sách, chọn thơ, thì thiếp sẽ sẵn sàng bởi đó đúng là điều “xui” thiếp của Nguyễn Trãi vậy…

Vua nhíu lông mày, nói:

- Sao Nguyễn Trãi lại xui thế?

- Thưa, Nguyễn Trãi thấy vua không thích học theo lối chính thống. Ngài Ngự lại cực kỳ thông minh. Người thích đọc những đoạn cần thiết, những sách hướng dẫn, gợi ý để cai trị thiên hạ hơn là nhai nghiền tứ thư, ngũ kinh, chư tử… Do đó có ý tứ này!

Vua gật đầu:

- Ông Trãi là bạn đức Thái Tổ từ lúc hàn vi. Đức Thái Tổ rất quí ông nhưng sợ ông… Lại thêm bọn Lê Sát, Lê Ngân nói vào thành ra Nguyễn không được dùng. Điều đó có, chính hồi sinh thời Thái Tổ từng nói với hoàng thái hậu bây giờ, ta nghe lỏm được… Thế mới biết lòng ông Trãi trước sau như một.

Vua nhìn Nguyễn Thị Lộ, nét mê đắm vẫn chưa hết, lúc tỉnh, lúc say, lời lẽ có lúc trống không buông thả. Thị Lộ ngồi im. Thái Tôn nói:

- Nàng có thích thơ Đường không?

- Thơ Đường thì ai đọc chữ Hán đều phải biết, tâu Đức vua, người thích những bài nào?

Vua nói:

- Các ông thầy dạy cho ta rất nhiều. Nhưng ta thích nhất bài Cung từ. Nàng nghe nhé:

Cung từ
Tịch tịch hoa thì bế viện môn,
Mỹ nhân tương tịnh lập quỳnh hiên
Hàm tình dục thuyết cung trung sự
Anh vũ tiền đầu bất cảm ngôn.

Thị Lộ cười, cúi mặt không nói. Một lát sau, Lộ ngẩng lên nói:

- Thần xin đọc bài thơ dịch:

Về cung nữ
Cửa viện im lìm, hoa lặng thinh,
Ôm vai, người đẹp đứng bên quỳnh
Nỗi niềm cung cấm lòng mong kể
Chẳng nói, đầu thềm có bóng chim!

Vua khen:

- Nàng hay chữ và mẫn tiệp quá. Nhân có bài thơ về cung nữ ta lại nẩy ra một ý. Hay là nàng vào cung dạy họ lễ nghĩa cho ta… Đám này có người biết đôi ba chữ, nhưng phần lớn thì dốt nát chẳng biết gì cả. Người đẹp mà thiếu phần hiểu biết thì vẫn chưa hẳn là đẹp, phải không nàng.

Nguyễn Thị Lộ nhìn vua, im lặng. Vua lại thấy hụt hẫng. Người thỉnh thoảng lại ngước nhìn sang Thị Lộ, mà không biết nên gợi mở chuyện gì. Cuối cùng vua nói:

- Nàng thích thơ Đường lắm phải không?

- Tâu, thơ Đường là tinh hoa của bao đời nay ai mà không thích!

- Nàng học ai mà giỏi giang vậy?

- Thiếp thụ giáo ở cha thiếp.

- Vậy à? Thân phụ nàng hiện làm gì?

- Cha thiếp chỉ là một ông đồ nghèo!

- Vậy à, tiếc nhỉ!

Vua thấy Thị Lộ đẹp thật! Ngực mơn mởn như mời gọi. Mặt hoa, da phấn, tay thon, không một nét nào chê được. Các bà vợ của Thái Tôn, người nào cũng đẹp, nhưng họ chỉ đẹp từ những vẻ trời cho. Còn nàng, nàng biết làm tôn thêm từ cái dáng, eo lưng, ngấn cổ, gương mặt. Nàng lại là người có học. Vua nhìn thẳng vào mặt Thị Lộ, và thầm nghĩ: Nàng đẹp quá!

Vua nói:

- Ta mời nàng đi chơi thăm hoa, có được chăng?

Thị Lộ cáo lỗi:

- Chiều đã sập xuống rồi, thần thiếp xin được ra về.

Vua giang tay ra, ôm Thị Lộ vào lòng rồi nói:

- Trời ơi, sao trước đây ta không được gặp nàng.

Thị Lộ bừng đỏ mặt, khẽ gỡ tay ra, hơi thở gấp gáp, lùi xa đến bốn năm bước, thưa:

- Xin bệ hạ cho thần thiếp giữ đúng phẩm tiết. Thiếp là gái có chồng!

- Nhưng ở đây có ai đâu! Chỗ này là nội điện, mọi việc là do ta cả!

- Đành rằng là thế, nhưng Thánh thượng đang nhiều việc lớn, muôn dân, trăm quan đều phải trông vào. Nếu bậc Tôn Nghiêm có lời dị nghị, làm sao điều khiển được triều đình.

Vua cúi mặt nói: “Nàng nghĩ rất phải”. Rồi vỗ tay ba cái gọi thái giám lấy kiệu đưa Thị Lộ về.