Ngang trái phủ Tây Hồ - Chương 09

9

Lê Sát nhận thấy mình không được vua tin cẩn như trước. Bọn hoạn quan Nguyễn Cung, Đinh Thắng, Lương Đăng đã trở thành những kẻ cực kỳ nguy hiểm. Lê Sát vừa rồi được vua thăng chức, nhưng Sát không nhận. Sát nói:

- Thần làm tể tướng, chức tước chẳng còn gì hơn được nữa, nay nhận thêm, chỉ sợ thiên hạ dị nghị.

Vua cười nói:

- Ngươi chê chức còn thấp chăng?

Lê Sát cố ghìm mình, nói:

- Tâu Hoàng thượng, đó là tâm thành của thần. Vua rũ áo đứng dậy vào cung. Lê Sát vùng vằng tức tối trở về phủ. Đinh Thắng theo vua về trước. Thái giám Nguyễn Cung còn nán lại, sau mới về.

Vua vào nội điện, vẫn chưa hết bực mình, bảo Đinh Thắng:

- Lê Sát coi thường ta quá. Y cậy nhận di chiếu, o ép ta mấy năm nay. Bây giờ ta đủ trí tuệ trị vì thiên hạ rồi, xung quanh ta bao nhiêu người tài giỏi, ta cần gì một chức tể tướng ấy!

Lương Đăng đưa mắt cho Đinh Thắng và Nguyễn Cung. Nguyễn Cung nói:

- Bọn thần thờ Hoàng thượng hết lòng, nhưng quyền tể tướng to quá không dám nói. Lê Sát coi thường cả vua. Đến Lê Ngân là người cùng được nhận di chiếu mà Sát cũng chẳng coi ra gì. Nguyễn Trãi được vời từ Côn Sơn về, Sát cũng gầm ghè khó chịu, giao cho những việc xoàng xĩnh. Cái thói chuyên quyền của Sát không thể coi thường được.

Vua ăn một quả đào, quay sang hỏi Đinh Thắng:

- Ngươi thấy thế nào hở Thắng!

- Tâu, tể tướng chuyên quyền xưa nay có phải là chuyện hiếm đâu.

- Vậy bây giờ các khanh khuyên trẫm nên làm thế nào?

Cung chỉ vào Lương Đăng:

- Người này tuy là hoạn quan nhưng chịu khó học hành lắm. Xin thánh thượng cứ hỏi…

- Ngươi từ lúc nãy tới giờ, sao cứ ngồi im thế?

- Dạ, thần lo cho Thánh thượng.

- Điều lo gì vậy?

- Đáng lo lắm! Đáng lo lắm! Triệt hạ Lê Sát không thành thì vua tôi cũng nguy với hắn. Đã đánh rắn, phải đánh cho bẹp đầu!

- Rất đúng. Lê Sát nắm quyền binh to lắm. Hắn át cả ta. Hắn có coi vua ra gì đâu! Hắn cứ bắt ta, phải thế này thế nọ.

Lương Đăng biết vua đang cơn bực tức, liền tâu luôn:

- Vậy bây giờ nhân lúc Sát dỗi không nhận chức, thì sai Đô ngự sử đài hạch tội… Mặt khác, phải triệu người nắm được cấm binh, về ngay triều đình.

- Người ấy là ai vậy?

- Người ấy chính là Trịnh Khả, hiện đang trấn nhậm ở nam Sách. Thánh thượng hãy triệu người ấy về cung, gọi vào hậu điện trao mật dụ… Một mặt, hãy tạm dùng Lê Ngân thay cho Lê Sát, để dần dần theo kế: đũa bẻ từng chiếc một. Lê Sát nắm triều chính được vì có Lê Hiêu và Lê Ế… Lê Ế hữu dũng vô mưu, lưu ở kinh đô để làm phó cho Trịnh Khả… Phong cho Lê Hiêu làm tổng quản Lộ Khoái.

Vua cho là phải, liền điều Trịnh Khả về, và đưa Lê Hiêu ra khỏi kinh thành ngay. Lệnh vua ban xuống với ấn chỉ thi hành ngay tức khắc.

Tin này đến tai Lê Sát, Sát bực bội ra mặt nói bừa:

- Vua lại định bày trò gì đây? Chắc là bọn quan mất dái (chỉ bọn Lương Đăng) lại to nhỏ nịnh nọt. Ta phải vào gặp thánh thượng mới được.

Nói rồi, mặc áo đại trào, lên kiệu đi ngay.

Lê Sát gặp Nguyễn Cung ngay phía ngoài cấm thành, giữ Cung lại bên kiệu hỏi:

- Này lũ thái giám các ông định bày trò chơi xỏ ta đấy hả!

Nguyễn Cung im lặng không nói gì. Sát cầm chiếc hốt dứ dứ vào mặt Nguyễn Cung:

- Ta bảo cho các ngươi biết, loạn trong cung, xưa nay vẫn là ở lũ hoạn quan các ngươi đấy!

Nguyễn Cung khôn ngoan, khẽ vái Lê Sát:

- Quan đại tư đồ có điều chi giận dữ từ ngoài triều chính, thường vẫn đem về giội lên đầu chúng tôi. Bọn tôi nếu không đội ơn ngài, đâu được gần vua, hưởng lộc trời như thế này, chúng tôi đâu dám quên ơn ngài…

Lê Sát nghe Nguyễn Cung nói, tin là thật, cơn giận nguôi ngoai đi một chút. Sát đi kiệu đi luôn vào nội điện.

Lương Đăng từ phía cửa Tập Hiền nhìn sang, nhíu lông mày khó chịu. Các đại thần vào hoàng cung có ai dám đi kiệu đâu. Chỉ Sát mới dám nghênh ngang như thế!

Lê Sát xộc thẳng vào nội cung, sụp lạy, và tâu:

- Thánh thượng vạn tuế. Vừa rồi tôi được nghe Người xuống chiếu điều Trịnh Khả về, đưa Lê Hiêu ra Lộ Khoái, mà hạ thần và Nội Mật viện chưa hề biết. Như vậy là ý tứ ra sao?

Thái Tôn bực lắm, định mắng ngay vào mặt Lê Sát, nhưng Đinh Thắng đã kịp đưa mắt. Thái Tôn đi lại trong phòng riêng mấy bước, rồi khẽ nói:

- Bây giờ ta có thể xem xét đôi ba việc… Do đó, ta thấy không nên để đại thần, người cứ vò võ mãi ngoài các tỉnh xa xôi, người thì cứ mãi mãi ngồi ngôi cao ở triều đình. Việc đổi chỗ những bề tôi trụ cột, cũng là để thạo việc, giỏi điều hành những việc ta cần đến sau này thôi!

Đinh Thắng thở phào nhẹ nhõm, không ngờ Đức Vua lại nén giận rất nhanh và trả lời minh mẫn đến thế!

Sát lặng thinh không nói, bực bội lắm, dằn mình không nổi, buột ra:

- Thần được Thái Tổ gọi đến bên giường truyền lời di chiếu, lấy thân báo nước không tiếc gì. Nếu Thánh thượng có điều chi ngờ vực, thì cứ xin chỉ bảo. Xin đừng nghe lời ton hót, thóc mách của những kẻ chỉ lăm ly gián vua tôi, nhằm thi hành kế độc…

Thái Tôn không nói gì, Lê Sát đùng đùng bỏ đi.

Sát vừa ra khỏi, Thái Tôn bực bội ra mặt, văng một câu:

- Hắn là bề tôi sao cứ như là vua cha của ta vậy. Ta làm vua, không cần có một người nào cầm tay dắt đi cả. Ta tự biết làm sáng nghiệp của Thái Tổ, ta tự biết cách để quần thần phục tùng, muôn dân thi hành chính lệnh của ta.

- Tâu Thánh thượng, đúng như thế!

- Hắn đã bực vì ta đưa Trịnh Khả vào triều đưa Lê Hiêu ra Lộ Khoái. Đã thế, ta sẽ chặt nốt vây cánh của Sát, như thế hắn mới không thể ngọ nguậy được. Thắng và Cung thấy thế nào?

Đinh Thắng nói:

- Tâu, quyền binh Sát nắm, binh lực Lê Hiêu, Lê Ế nắm. Đó là ở trong triều, Sát dựa vào Lê Văn Linh, Lê Thụ, là những kẻ tham lam, cho tiền là câm bặt, thứ ấy trị lúc nào cũng được. Chỉ có Đặng Đắc chính là mưu thần của Sát, hay bày kế làm cho đồ đảng của hắn ngày càng tác oai, tác quái, bỏ hết người tài, dùng người nịnh. Tên đó phải trị. Sát lại có tên Lê Bang, cậy có con rể, ngông nghênh cầm kiếm ra vào Nội Mật viện, không coi ai ra gì… Sát giết Lê Nhân Chú, vì Chú có tài hơn mình, dìm Nguyễn Trãi vì sợ Trãi át quyền binh của mình… Ngần ấy tội đủ giết đi rồi.

- Nhưng hắn ta công thần hạng nhất của tiên triều.

- Thì lấy công chuộc tội, miễn cho chết.

- Thôi được đấy, mọi việc ngươi phải bàn với Trịnh Khả và Lương Đăng làm gấp ngay đêm nay, khiến Lê Sát trở tay không kịp. Ngươi nghe rõ lời ta chưa?

Đinh Thắng, Nguyễn Cung quì mọp xuống:

- Tiểu thần xin hết lòng, chỉ mong Thánh Thượng nhớ công khuyển mã trong những lúc này!

- Thôi, ta mệt lắm rồi! Sao các ngươi cứ nhiều lời thế.

Rồi quay vào trong điện.

*

Sáng hôm sau vua thiết triều. Các quan đến, mặt mày xớn xác, người nọ nhìn người kia, bởi đêm qua ở kinh thành, việc điều binh khiển tướng dậm dịch suốt đêm. Dinh quan đại tư đồ Lê Sát bị bao vây. Trịnh Khả cho cả quân voi đứng sát bên cửa, voi hí cả đêm vang cả một góc đế thành. Lê Lĩnh, Lê Thụ, Lê Văn Linh, Lê Ế, Lê Hiêu, chức vừa ban đã bị bắt về trị tội. Đặng Đắc vừa nhận chiếu làm an phủ sứ Lạng Sơn, chưa kịp đi, đã bị hạ ngục. Bùi Cầm Hổ, Bùi Ư Đài, Lê Văn An, những người Lê Sát cực ghét, giết không nổi, đầy đi xa, nay được gọi về triều để nhận trọng trách mới.

Vua cho gọi Đinh Cảnh An, Nguyễn Vĩnh Tích đến giao việc khi vua vừa ngồi vào ngai vàng, cũng là lúc Trịnh Khả, áp tải Lê Sát đến. Sát mặt mũi tóc tai phờ phạc.

Mặc phẩm phục đẹp nhất mũ đại thần lóng lánh ngọc châu, hia nhất phẩm, Sát ngồi vào ghế tể tướng như cũ. Vua truyền.

- Các đại thần có việc gì tâu lên! Không ai cả! Vậy nghe ta nói đây… Ta có việc lớn phải bàn với các quan. Trước đây, Thái Tổ mất, ta còn nhỏ, đại tư đồ Lê Sát, đại tư khấu Lê Ngân, đại tư mã Lê Văn An, ba vị công thần đã thay ta làm mọi việc. Việc được cũng nhiều mà việc hỏng cũng lắm. Ta nhỏ tuổi không biết, đành bỏ qua. Gần đây, quần thần có nhiều lời tâu bày, phàn nàn nhiều về tể tướng Lê Sát. Cho người đi điều tra xét hỏi, thấy có nhiều việc kêu ca là đúng, ta đã xuống chiếu vì việc này.

Quan hoàng môn Đinh Thắng chỉ chờ có thế, từ trong hậu điện bước ra và xướng to:

- Chúa thượng ban chiếu!

Tất cả các triều thần đều quì xuống, gục mặt, lắng nghe. Đinh Thắng tuyên đọc:

- Lê Sát theo Thái Tổ được thụ di chiếu, chức đứng đầu các đại thần, tưởng ân sủng triều đình không gì hơn thế. Đáng lý, Sát phải ngày đêm làm hết trọng trách, hết sức phù giúp vua, lo việc nước. Thế mà Lê Sát tự chuyên giữ quyền binh, ghét người hiền. Nhân Chú công đầu trong việc điều binh khiển tướng, lừng lẫy trong trận Chi Lăng, Sát đã mượn khi vua nhỏ tuổi, buộc phải chết. Trịnh Khả không ăn cánh với Sát mà phải ra ngoài xa trị nhậm. Ngôn quan như Bùi Cầm Hổ, Bùi Ư Đài, can gián Sát phải đầy đi Viễn Châu, cổ cùm chân xích… Chung quanh Sát đều là những kẻ dễ sai khiến, dễ bảo, tài đức mỏng manh… Văn thần được Thái Tổ triệu về, Sát không giao việc. Cấm binh y giao cho người tin cẩn của y. Tên vô lại Đặng Đắc, công lao gì mà xui cho người này chức này, người kia chức nọ, Sát cũng nghe. Con rể Sát là thằng nào mà dám nghênh ngang vào Nội Mật viện. Đó chẳng phải là tội hiếp vua làm càn hay sao? Ta giao cho đình thần luận tội…

Chiếu vừa ban, Lê Sát bước ra tâu:

- Thần đã nghe chiếu. Nay Thánh thượng ghép cho thần vào trọng tội này, thế ra là tội của Thái Tổ trao quyền cho đấy!

Đinh Thắng lui vào để Trịnh Khả bước ra nói:

- Quan đại tư đồ, trước mặt vua buông lời xấc xược, vậy thì lỗi vạch ra trong lời chiếu càng minh bạch thêm.

Lê Ngân cảm thấy Lê Sát bị tội, chắc mình cũng không thoát khỏi, liền tâu:

- Tội trạng đại thần phải bàn kỹ mới ra án được. Vả lại đại tư đồ công cũng lớn lắm, cần phải cân nhắc kỹ, tâu Thánh thượng.

Những đại thần bênh Lê Sát đều kéo ra phủ phục phía sau Lê Ngân, không chịu đứng dậy. Vua lại càng bực, nói:

- Chiếu đã ban, các ngươi chớ có nhiều lời. Truất mũ áo của Sát ra. Giao cho hình quan nghị tội và sớm đưa trẫm xem về lời đình thần xem xét…

Các quan tâu:

- Tuân chỉ!

Vua lại nói:

- Từ hôm nay Lê Ngân, Trịnh Khả được giao cho việc võ. Hàn lâm viện thừa chỉ Nguyễn Trãi lo việc văn… Các ngươi vì trẫm mà hết lòng…

Sau đó bãi triều…

Mấy hôm sau, Lê Sát bị trị tội ngay. Cung phủ tan hoang, Lê Sát được tha tội chết, đuổi về quê, sau lại bức tử. Phế Nguyên phi Lê Ngọc Dao, con của Lê Sát, đuổi về làng bố, tuyên phong Chiêu nghi Lê Nhật Lệ, con gái của Lê Ngân làm Huệ phi.

Trị được Lê Sát, bọn Trịnh Khả, Đinh Thắng, Nguyễn Cung, Lương Đăng hể hả nhất. Khả không về phủ, làm việc ngay ở Nội Mật viện. Suốt mấy ngày hôm sau, họ rà soát từng tên lính ngự lâm, từng chức quan nhỏ trong triều, đổi người này, chuyển người khác bàn nhau rất khẩn thiết. Lê Ngân biết mình thế yếu nên Trịnh Khả, Lương Đăng nói gì cũng nghe. Bọn chúng lại tâng bốc Ngân, khiến Ngân nhẹ dạ, cho rằng họ thực bụng giúp mình… Vua điều Lê Khuyển về cho làm thiếu úy, bổng thánh tráng sĩ vệ tổng quản, tham tri chính sự.

Vua bảo với Trịnh Khả:

- Bây giờ việc quân ở tay ngươi, quyền binh đã có ta lo liệu. Lê Ngân ta cho làm đại tư đồ thay Lê Sát chẳng qua là để yên lòng công thần thôi… Bọn người có công đánh dẹp nhưng chẳng có học hành gì, dễ hỏng việc lắm.

Khả bàn việc với Lê Khuyển. Vua vào cung bắt tất cả cung tần xếp hàng dài, đi qua mặt để chọn một người hầu hạ. Đinh Thắng đi. Nguyễn Cung vẫn hầu hạ bên Thái Tôn, khẽ nói:

- Hôm nay bệ hạ nên đến với Huệ phi để Lê Ngân khỏi ngờ vực!

Vua ngắt:

- Ngươi im đi. Hôm nay ta không muốn đến với vương phi, ta thích đám cung tần thì sao?

Cung biết vua bực, lùi lũi đi ra…

Đám cung tần bước vào. Chợt thấy một cô gái cũng khá xinh đẹp được gọi đến tên không thấy ra, rồi từ phía cửa nách, nghe có một tiếng rất trong trẻo:

- Chị ơi, chị ơi, cho em ra theo với, em không đứng đây đâu.

Và cô bé chạy vội ra… Người cung tần tên là Ngọc Xuân con Thái bảo Ngô Từ, vốn trước là gia nhân của tiên đế Thái Tổ, sợ vua quở vội đẩy cô lại:

- Kìa em, ở lại đấy chứ, không phạm tội trước Đức Vua bây giờ.

Thái Tôn thoáng nhìn, thấy cô khoảng mười lăm tuổi, cao, thon thả, hồn nhiên đang sợ hãi bám lấy chị, vua chợt bật cười bảo Ngọc Xuân:

- Cả hai chị em đến đây với trẫm.

Ngọc Xuân dẫn em đến, quỳ xuống vái lạy:

- Thánh hoàng vạn tuế.

Ngọc Dao, em gái của Ngọc Xuân cũng líu ríu:

- Vạn… vạn… tuế.

Vua chợt thấy thích cô bé ngỡ ngàng ngộ nghĩnh, liền có vẻ thích hơn cả đám cung tần, người đẹp trong cung.

Vua hỏi Ngọc Xuân:

- Cô bé này là ai?

- Dạ, em gái của thần thiếp tên gọi là Ngọc Dao! Nó vừa ở quê lên, theo cha thần vào đây!

- Ồ, thôi, nàng hãy lui ra nhé, để ta hỏi chuyện cô bé!

Vua đăm đắm nhìn vào gò má đang đỏ dần lên. Nét tươi ròng trên khuôn mặt thiếu nữ, con mắt hơi bẽn lẽn, hoảng sợ, tò mò, khiến vua càng bị quyến rũ. Vua xuống khỏi ghế ngự, cầm tay Ngọc Dao, khẽ nói:

- Em đừng sợ. Hãy vào đây với ta.

Ngọc Dao sững sờ, không hiểu gì, nhưng cũng cứ theo vua. Mấy viên thái giám đứng gác ở cửa cứ như thể những người gỗ. Căn phòng thơm lừng những mùi trầm và mùi hoa tươi quả lạ. Chiếc võng điều mắc ở giữa hai cột sơn son, thếp vàng. Vua dắt tay Ngọc Dao ngồi lên sập vàng, khẽ nói:

- Nàng đẹp lắm! Đừng sợ! Hãy ở đây với ta.

Vua vỗ tay ba cái.

Một cô hầu gái xinh đẹp tha thướt bưng ra một chén rượu bồ đào sóng sánh trong cốc pha-lê và một khay vải tiến tươi ròng. Vua giơ tay mời:

- Ngọc Dao, nàng ăn vải đi… Vua cầm chén rượu lên, uống một ngụm, đặt xuống, lại tự tay bóc quả vải đầu tiên cho nàng.

Nàng vội cúi mình tạ ơn cầm lấy quả vải.

Vua đã say đắm nàng thật sự. Nàng rộn ràng, hồi hộp, không biết người đàn ông trước mặt sẽ làm gì mình! Nàng có cảm giác như một con chuột nhắt con lần đầu tiên ra khỏi tổ, bị chộp và đang bị con mèo tinh quái vờn đùa… Vua uống hết cả chén rượu, người nóng phừng phừng. Người sán đến bên Ngọc Dao, ôm lấy nàng, tay lùa vào ngực, rồi lần cởi dây buộc xiêm y… Nàng sợ, nhìn quanh, khẽ đẩy vua ra, thì vua càng ghì chặt hơn. Một mùi đàn ông vừa dữ tợn vừa thơm tho, những ngón tay lạ lần trên bờ ngực, bờ lưng, khiến nàng bủn rủn. Vua khẽ nói:

- Nàng hãy chiều ta, đừng sợ, ta sẽ để nàng trong cung.

Bỡ ngỡ, lạ lùng, sợ hãi, Ngọc Dao chống cự yếu đuối, và sau đó, thì nàng rùng mình lo lắng, thấy những cảm giác lạ lùng lấn sâu vào tận nơi kín đáo nhất của mình, một cảm giác khoan khoái đến kỳ lạ, nàng ôm chặt lấy người dằn người trên mình, không cần biết đó là vua hay ai. Nàng ghì chặt đến mức vua nghẹt thở và nằm đờ ra thích thú. Vua dụi mặt vào ngực nàng và hưởng thêm phút khoan khoái cực điểm của cuộc tình hào hứng… Nàng mơ màng thả người ra say đắm trong hương thơm của căn phòng, của hoa quả. Nàng mặc người nàng trao thân sờ nắn, nuối tiếc trước phút cuối của một cuộc giao hoan và khẽ ngủ gục bên nách của nàng. Nàng mơ thấy mình bay lên… Xiêm áo tha thướt của nàng có một sức thần nâng tít nàng lên trời cao!

Nàng bay lên thiên đình. Và hình như, việc nàng lên trời là do thiên cơ đã sắp đặt từ trước. Nàng qua các cửa không bị một ai xét hỏi. Ngọc hoàng thượng đế đang ngự ở ngôi cao, phía dưới bệ ngọc, một tiên đồng xinh xắn đang quỳ lạy, tóc để hai trái đào rất ngộ nghĩnh. Ngọc hoàng nói:

- Con hầu ta mà lòng trần chưa trọn kiếp. Ta thương mà không thể vượt lẽ trời được. Con sẽ giáng lâm làm thái tử nhà Lê, hoàng đế của một nước phía nam. Một kiếp trần nữa, con lại về hầu hạ bên ta như cũ.

Tiên đồng ứa nước mắt, ríu rít nói:

- Con không đi đâu! Con không đi đâu. Ở dưới ấy nhiều nỗi oan trái lắm. Con làm sao chịu nổi.

Thượng đế phủ dụ:

- Luật trời đã định, con không được trái. Con phải nghe lời ta mới được!

- Con không đi đâu! Con không đi đâu. Một đứa bé như con làm một người thường đã khó, làm sao lại làm vua như thượng đế được.

Thượng đế xuýt bật cười, song người vẫn nghiêm mặt nói:

- Tiên đồng, trước mặt các chư tiên, con không nên nhõng nhẻo kẻo ta lại bực mình đấy!

Tiên đồng vẫn gào lên:

- Con không đi! Con không đi!

Thượng đế bắt đầu bực:

- Thằng con này hay nhỉ? Mi lại định bắt chước con khỉ ở Hoa quả sơn bữa nào, định làm loạn thiên cung chắc?

Tiên đồng vẫn gào lên:

- Con không đi! Con không đi đâu!

Ngọc hoàng cau mày, cầm chiếc hốt giáng vào đầu cậu bé con nhà trời bướng bỉnh, điềm tĩnh nói:

- Súc sinh, duyên cớ còn nặng, lại không chịu phục tùng hả! Lôi nó ra!

Chiếc hốt đập thẳng vào giữa trán, tiên đồng khóc tru lên ôm mặt, chạy thẳng ra phía vườn ngự uyển.

Nàng Ngọc Dao bay theo, nhìn vào tận mặt đứa trẻ con trời:

- Trời ơi, cậu bé dung nghi mới đẹp làm sao? Nếu trời cho cậu ấy đầu thai để làm con mình và Thái Tôn thì thật diễm phúc!

Nàng chạy đến để nhìn thấy rõ hơn. Tiên đồng vẫn bưng mặt khóc. Trước trán hình lên một vết đỏ, do thượng đế ném chiếc hốt trúng vào!...

Có bàn tay nào sờ vào ngực mình… Ngọc Dao thức dậy. Thì ra vua. Vua cựa mình một chút rồi lại lăn ra ngủ. Ngọc Dao mỉm cười sung sướng nhớ đến những điều nửa mơ, nửa thực. Nàng sờ vào bụng mình, mặt đỏ bừng. Chẳng lẽ một cuộc truy hoan ban đầu thế này, nàng đã có thai ngay với đức vua ư. Mà đứa con ấy lại là con trai ư? Sau này nó lại được làm vua thật ư? Thật là điều Ngọc Dao chưa hề nghĩ tới.

Nàng khẽ nhấc đầu vua ra khỏi tay mình! Ra khỏi giường ngự, mặc lại xiêm áo, nàng đến trước gương điểm trang. Nàng khêu đèn to lên, ngồi canh cho vua ngủ.

Trời đã sáng, vua vươn vai trở dậy, thấy nàng dịu dàng, quần áo chỉnh tề ngồi bên mình. Nghĩ lại những chuyện đã xảy ra đêm trước, vua mỉm cười nhìn lại Ngọc Dao. Những nét đoan chính dịu dàng của nàng, khiến vua rất ưng ý…

Vua ngồi dậy nói:

- Khanh dậy đã lâu chưa?

- Thần thiếp cũng vừa mới dậy…

- Đêm qua nàng ngủ ngon đấy chứ!

- Dạ, ngon lắm!

Và Ngọc Dao bẽn lẽn, khiến vua càng mến, liền hỏi:

- Nàng có điều chi vui thích vậy.

- Dạ không, đêm qua em nằm mơ!

- Vậy ư? Kể cho ta nghe xem nào!

Ngọc Dao kể lại. Vua lắng nghe và ngồi nhỏm dậy:

- Nếu được đứa con của trời ban cho nàng thì dòng họ Lê của ta diễm phúc biết chừng nào!

Vua vui lắm! Hôm sau nói cho bọn Đinh Thắng, Nguyễn Cung, Lương Đăng biết cả. Lại lập tức cho triệu Ngọc Dao vào cung, ở ngay bên mình, không lúc nào rời. Vua thăng chức cho Ngô Từ, và quí trọng ông thật sự…

Chiêu Nghi Lê thị, con của đại tư khấu Lê Ngân, từ khi Lê Sát bị truất, cha mình thay vào ngôi tể tướng, được phong làm Huệ phi, tức là ngôi hoàng hậu… Tuy được phong ở ngôi cao nhất nhì trong tam cung, lục viện nhưng Huệ phi vô cùng lo lắng. Nàng rất yêu Thái Tôn, nhưng dạo này nàng trái tính không thích vui đùa. Vua một tháng đến thăm nàng một vài lần cho nàng đỡ tủi, chứ ít khi nghỉ lại… Cũng có một đôi đêm vàng ngọc, nàng được ân sủng, song cho đến nay vẫn chưa có tin mừng. Nàng chưa có con… Nàng rất khổ tâm. Nay lại nghe đức vua tuyển Ngọc Dao vào cung, yêu quí lắm, đêm nào cũng sang với ả, Lê Huệ phi buồn lắm…

*

Nguyễn Cung đến thăm Lê Ngân vào một buổi tối. Ngân rước vào trong phòng riêng, không có một ai vào. Mặt mày hớn hở, Cung nói:

- Những điều hôm qua ông chưa tin, liệu ông còn cho là Lê Sát ghê sớm nữa không.

Lê Ngân nói:

- Tôi không ngờ Thánh thượng lại có những đoán quyết nhanh đến như thế.

- Phan Thiên Tước, một tên giảo hoạt biết tới biết lui, chữ nghĩa cũng kha khá, vừa bị bãi chức rồi.

- Tóm lại là phe đảng của Lê Sát đều bị trị tội cả, trị đến nơi đến chốn. Tôi rất trọng và biết ơn ông!

Nguyễn Cung thủng thẳng, xua tay nói:

- Hiện nay ông là đại thần, nắm vận mệnh quốc gia thay Lê Sát rồi đấy. Ông nên biết người hay, kẻ dở, người giúp mình và người hại mình. Thái giám đại tư mã Trịnh Khả gửi biếu ông đôi ngọc quý, gọi là cảm tạ ông về việc đã giúp ông ấy quay trở lại triều đình nắm quyền binh…

Lê Ngân sững người ra một lúc, rồi thật thà hỏi:

- Ông Lương Đăng và ông lại chẳng quan trọng hơn cả ông Trịnh Khả sao!

Nguyễn Cung bật cười, giọng đầy bí hiểm:

- Quan tể tướng quá hồn nhiên. Ông nghĩ thế thật chăng? Lương Đăng còn được đứng chầu vua ở trước mặt, chứ tôi thì luôn luôn là một thằng hầu đứng sau lưng vua thôi. Vua bảo gì tôi làm ấy!

Lê Ngân nói:

- Xin gửi lời cám ơn ông đại tư mã, ông Lương Đăng và ông. Riêng ông Lương Đăng thì sự học vấn quả là đáng khâm phục. Tôi mong rằng được các ông hết lòng giúp rập cho, để cho việc triều đình khỏi hẫng hụt.

Nguyễn Cung nói:

- Ông đã biết chuyện Bùi Cầm Hổ được gọi về làm Trung thừa Đô Ngự Sử chưa? Rồi đây sẽ có chiếu mới vua ban xuống để lấy người về làm thay bè cánh của Lê Sát. Ông hãy đọc qua chỉ dụ của Đức vua rồi sẽ biết.

Lê Ngân khúm núm cầm lấy tờ dụ, giở ra xem. Đó là việc phong cho Trịnh Khả làm tham tri chính sự, thiếu úy, và Lê Thụ cũng sự vào tham tri chính sự. Lại phong cho bọn Lê Lôi, Trần Lựu, Nguyễn Cảnh Thọ… làm đồng tổng quản trị nhậm ở những lộ trấn quan trọng. Lê Khiêm, Lê Chích thì dự vào Thượng Thư Lệnh...

Nguyễn Cung cười, một bên mép dệch ra, bên kia không nhúc nhích:

- Hoàng thượng từ nay sẽ cầm quyền, không ai điều khiển được Người, như trước đây nữa. Ông là tể tướng! Ông cần phải biết điều ấy!

Nói rồi Nguyễn Cung đường hoàng đứng dậy, đi thẳng ra, không cả chào quan đại tư khấu được thay quyền tể tướng. Lê Ngân tức lắm, nhưng bản tính nhu nhược, không dằn lòng được, để cho Nguyễn Cung đi xa một chút, cũng khoác áo đi theo tiễn, nén giận, nói những điều lí nhí trong cổ họng:

- Ông Cung, ông Cung, tôi biết ông đến nhà này vì quí yêu tôi, lại nhắc đến chuyện lần trước đến đây để cùng bàn việc lớn. Ngân này là người rất biết tấm lòng của ông. Xin ông cứ giữ tình thân như cũ. Ông đến lúc nào, Lê Ngân cũng sẵn sàng đón tiếp.

Giảo hoạt, Nguyễn Cung quay lại, khẽ nắm chặt tay Ngân và hứa:

- Ông bây giờ quyền nghiêng nước, bọn tôi là quan hoạn trong cung, đâu dám nhờn.

Nói rồi kính cẩn đi về, không hề lộ ra vẻ ngạo mạn, tham bỉ như khi ngồi với Ngân trong phòng riêng.

Lê Ngân trở vào, lòng buồn rượi… Ngân cảm thấy khi chinh chiến lại dễ sống, dễ chan hòa với người xung quanh. Một mình được giao cho một đạo quân lớn, chỉ cần lo đến miếng cơm, nếp nghĩ của nghĩa quân, biết thưởng đúng lúc, biết phạt kẻ đáng phạt, xung trận phải xông vào chỗ nguy hiểm trước hàng quân, lúc bàn về trận mạc phải nghĩ đến làm sao tổn thất về quân sĩ ít nhất, hành quân biết chọn đường ngắn, đỡ tốn sức, biết lựa người giao việc… để quân sĩ coi mình như cha như anh, mà giao phó tính mạng cho mình… còn bây giờ thì…

Lê Ngân trở vào, đấm tay xuống bàn đánh thình một cái, bọn gia nhân úa cả vào:

- Đại nhân có điều chi buồn phiền vậy.

Lê Ngân lắc đầu, nhưng sắc mặt vẫn hầm hầm. Bọn tôi tớ đưa mắt nhìn nhau. Vợ Ngân từ buồng bên đi sang, ra hiệu cho mọi người lui ra, đến ngồi cạnh Ngân, hỏi:

- Tướng công có điều gì buồn vậy, cho tôi chia sẻ với có được không?

Ngân vốn rất quí vợ, lòng dịu xuống, nói:

- Có nhiều chuyện buồn lắm, phu nhân ạ!

- Chẳng hay tướng quân có chuyện gì bận tâm quá đến như vậy?

- Ta là một kẻ võ biền, theo đức Thái Tổ mà được trao cho đến chức đứng đầu văn võ bá quan, lòng đâu dám mơ tưởng gì hơn nữa. Chỉ sợ vua không tin ta, ta lại dẫm vào bước chân người trước mà thôi.

- Quan tướng nói vậy là ý như thế nào?

- Tể tướng Lê Sát được Thái Tổ yêu là thế. Quyền uy trùm thiên hạ, mà vẫn không thoát được cái chết. Ta ngại lắm! Ta muốn trả quyền tể tướng cho ai làm thì làm!

Phu nhân trợn tròn mắt:

- Sao lại thế! Người ta thì mơ ước có chút quyền hành nhỏ. Quan tướng làm tể tướng lại muốn trả chức cho vua. Lạ thật! Đến bọn đàn bà con gái chúng tôi cũng không ngu đến thế!

Lê Ngân bực mình cau mặt hỏi:

- Phu nhân sao lại dám bảo ta là ngu!

- Cờ đến tay ai người ấy phất! Không phất là ngu. Hãy tìm mọi cách giữ lấy quyền lực. Có quyền là có tất cả!

- Muốn nắm quyền lực được, đâu có dễ!

- Bảo là dễ cũng dễ, bảo là khó cũng khó! Quan tướng phải nghe tôi mới được.

- Nghe gì, làm gì, nói mau đi, sao cứ vòng vo mãi thế?

- Cái chính bây giờ không phải là ra mặt tranh thi với bọn hoạn quan. Đến Lê Sát có bao nhiêu kẻ mạnh bên mình, còn bị tội chết. Bọn hoạn quan ghê gớm lắm, quan tướng không thể coi thường! Hãy giả bộ hoàn toàn theo đúng như sự điều khiển của chúng. Với đại tư mã Trịnh Khả, ông hãy đừng bao giờ tỏ mình là tể tướng. Tể tướng chính là ông ấy bây giờ đấy!

- Phu nhân khuyên ta phải làm gì bây giờ, hãy nói luôn đi, vợ chồng chứ có phải là thuyết khách đâu, rào đón mãi chán lắm!

- Chuyện bức thiết bây giờ là lo sao cho con gái ông gần gũi với nhà vua để nó có một mụn con trai. Đức vua mà ông đang phò tá là một đứa trẻ nhãi, tính khí thất thường. Nó thích gái như chim chóc mê nhau tiếng hót, mê nhau bộ lông. Mà con gái ông dạo này lại hay cau có, hay buồn…

- Lại chuyện đàn bà!

- Này, tôi nói cho ông biết, ông đừng coi thường đám đàn bà con gái chúng tôi. Nhà Trần kia, lão Trần Thủ Độ tàn bạo biết chừng nào mà vẫn thua bà Trần Thị Dung đấy.

Lê Ngân dẫm chân nói:

- Sao hôm nay bà giong chuyện như giong trâu già gặp cỏ thế. Tôi còn có việc của tôi, không con cà con kê với bà được đâu!

- Tôi chỉ nghĩ đến con gái tôi nhiều hơn là nghĩ đến ông!

- Hừm, bây giờ người ta dám nói đến cả những điều láo lếu đến thế đấy!

- Phải, ai lếu láo trước thì hãy tự hỏi mình ấy. Vợ lẽ của Lê Sát, bọn hoạn quan dâng ông, khi trị tội hắn, đáng lẽ ông không nên nhận, nhưng vì nó trẻ và đẹp quá, ông lại vơ lấy và lén lút đến, mỗi khi đi chầu về… Thế đấy! Sao mà ông ngu thế!

- Đó là sắc chỉ của vua. Tể tướng bị trọng tội, vợ con biếm làm thường dân. Lê Sát được chết ở nhà còn là ân huệ. Vua bắt chết bầy tôi phải chết là thế. Tài sản của Sát chia khắp các vương hầu có công trong việc xét xử Sát, ta là tư khấu, vua cho không nhận, ắt sẽ bị lũ hoạn quan dị nghị…

- Thôi đi, vàng bạc châu báu nhận thì còn thanh minh được chứ nhận đàn bà trẻ thì đừng nói gì với vợ chỉ tổ lòi ra thứ hám gái của những lão già sắp chết.

- Thế đấy, thế đấy!

- Này ông đại tư khấu quyền tể tướng! Bây giờ ông nghe tôi nói đây. Đức vua đang mê mẩn nàng Ngô Thị Ngọc Dao con lão Ngô Từ… Con bé đẹp lắm! Bây giờ ông làm quan tể, hãy lợi dụng bọn Nguyễn Cung, Đinh Thắng, sao cho ly gián con bé này với Đức vua, thì nhà vua mới gần con gái ông được.

- Ly gián như thế nào?

- Con bé ấy có mang, nay mai xộ xệ, nhà vua sẽ chán nó. Nó lại biết bịa ra rằng, nó đã lên trời và được tiên đồng hoài thai sẽ sinh ra thiên tử… Ông không liệu kế đi còn chờ gì! Bây giờ ông cho người canh gác thật kỹ Ngô Thị Ngọc Dao, bề ngoài là để bảo vệ hoàng phi, nhưng kỳ thực là chờ có dịp sẽ đánh thuốc độc cho chết đi… Mặt khác, ông phải dặn dò người biết lúc nào vua đi, vua về mật báo cho con gái ta, trang điểm thật đẹp, thật hấp dẫn để gọi vua đến với nó. Chỉ cần vài tuần, nếu con gái ta có thai với Đức vua, sinh ra được hoàng tử, thì đó là diễm phúc lớn nhà này đấy!

Lê Ngân thấy vợ lo việc khá chu tất, thở dài mà nói:

- Hóa ra bây giờ ta không bằng bọn hoạn quan và lũ đàn bà…