Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 09 - Phần 2

Thoảng gặp một cơn mưa bất chợt, rồi tạnh nhanh, nắng nóng trở lại, làm cảnh vật thay đổi, rõ nhất là nước sông Bé đã nhờ nhờ đỏ chảy mạnh hơn. Dấu hiệu mùa mưa bắt đầu khiến chúng tôi càng phải khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ càng sớm càng tốt.

Thượng tuần tháng 4, Bộ chỉ huy chiến dịch họp (có cả chỉ huy các trung đoàn và đơn vị trực thuộc dự) để nghe chúng tôi báo cáo kết quả chuyến đi trinh sát thực địa, thảo luận và thông qua quyết tâm chiến đấu của chiến dịch.

Cuộc họp diễn ra trong không khí ung dung, đàng hoàng, chững chạc và hưng phấn. Trật tự trở lại thật nhanh khi anh Tấn đứng dậy tuyên bố lý do rất ngắn gọn và nói:

- Anh Thanh muốn chúng ta lúc này thật tỉnh táo, minh mẫn trong khi trao đổi, thảo luận hạ quyết tâm.

Trong khi rất chăm chú nghe tôi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trinh sát thực địa, thỉnh thoảng anh Tấn xen vào hỏi thêm về giá trị phòng thủ, tiến công của khu vực Bà Rá, về đặc điểm các đoạn sông Bé chảy qua thị xã Phước Long, hướng hồ Long Thủy có thể là nơi hiểm yếu không, về sự yểm trở qua lại giữa Phước Long và Phước Bình.

Anh Trần Độ hỏi sâu về dân tình bị dồn vào ấp chiến lược, khu dinh điền, đánh giá, cấp ủy địa phương về khả năng nổi dậy của mũi đấu tranh chính trị.

Sang phần thảo luận về cách đánh, sử dụng lực lượng, bố trí binh hỏa lực thì không khí cuộc họp bỗng sôi động hẳn lên. Các trung đoàn trưởng trong đoàn đi trinh sát thực địa đề xuất nhiều vấn đề thiết thực, bổ ích. Ý kiến bố trí phân tán theo kiểu đánh nhỏ đánh tiêu hao gần như không ai đặt ra. Nhận thức về đánh tập trung đã có bước chuyển biến; nhưng lẻ tẻ có tư tưởng chủ quan hiểu đánh lớn một cách máy móc như kiến nghị đưa cả ba trung đoàn vào chiến đấu, tiến công cùng một lúc, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Phước Long, Phước Bình, cái thế để chúng ta giữ đất đã có vì đoàn cán bộ mở đường từ miền Bắc vào, đoàn cán bộ soi đường từ miền Nam ra đã gặp nhau, con đường chiến lược Bắc - Nam đã và đang có điều kiện thực hiện.

Anh Tấn đứng lên kết luận. Sau khi nhắc lại mục đích, ý nghĩa có tính chất chiến lược của chiến dịch, nhiệm vụ cụ thể của các mũi, các hướng, anh Tấn nhấn mạnh mục đích yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị trong đợt một chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài vừa như kêu gọi, động viên tinh thần trách nhiệm vừa như ra lệnh cho các lực lượng tham chiến phải nghiêm chỉnh chấp hành kế hoạch hiệp đồng chiến đấu giữa các mũi trong một hướng, giữa hướng chủ yếu và hướng thứ yếu của chiến dịch, đồng thời phải hỗ trợ có hiệu quả giữa lực lượng đánh điểm và lực lượng diệt viện khi tiến công các cứ điểm trên toàn địa bàn.

Giai đoạn chuẩn bị không kém phần vất vả, gian khổ đã kết thúc.

Cuộc ra quân đầy hào hứng bắt đầu.

Theo kế hoạch đã vạch, 0 giờ 45 phút ngày 11/5/1965 tiểu đoàn 1 (trung đoàn 1) cùng với tiểu đoàn 840 chủ lực của Quân khu 6 đồng loạt nổ súng tiến công thị xã Phước Long, thì mười lăm phút sau đó tiểu đoàn 5 (trung đoàn 2) tiến công chi khu quân sự Phước Bình cách Phước Long chín ki-lô-mét về phía tây nam.

Nhưng ở hướng Phước Bình đã phát sinh một trục trặc, nếu giải quyết không khéo sẽ dẫn tới toàn bộ kế hoạch chiến dịch bị đổ vỡ.

Số là trước giờ “G”, có chuông điện thoại liên tục đổ hồi về sở chỉ huy chiến dịch.

Anh Tấn nhấc ống nghe, nói:

- Ở đâu gọi! Ai đấy. Trung đoàn 2 à. Có gì cần báo cáo gấp? Cái gì? Nói lại? - Anh Tấn hỏi. - 17 giờ chiều nay à?

Vừa hỏi, tay anh vừa giơ lên nhìn đồng hồ, rồi anh nói tiếp:

- Cần theo dõi chặt và báo cáo kịp thời mọi diễn biến về sở chỉ huy, nhưng tất cả phải thật bình tĩnh.

Anh buông máy với nét mặt không vui, đượm vẻ đăm chiêu suy nghĩ.

Chúng tôi chưa hiểu điều gì đã xảy ra, nhưng qua nét mặt thay đổi rất nhanh của anh, chắc có chuyện chẳng lành.

Bộ chỉ huy hội ý chớp nhoáng. Anh Tấn thông báo:

- Trung đoàn 2 vừa báo cáo có một tiểu đội trưởng quê ở Bến Tre vào hàng địch.

Đúng là một tình huống khôn lường. Nhưng lúc này không phải lúc trách cứ, tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm. Chúng tôi thống nhất một biện pháp tình thế. Trước hết điện cho các đơn vị khẩn trương triển khai, rất có thể Bộ chỉ huy ra lệnh tiến công sớm hơn giờ G quy định. Riêng với trung đoàn 2, nhắc lại cần nghiêm chỉnh chấp hành lệnh của anh Tấn đã nhắc qua điện thoại vừa rồi: Theo dõi chặt chẽ tình hình, nhưng phải thật bình tĩnh và sẵn sàng đợi lệnh.

Chuông điện thoại lại réo, đổ hồi. Trung đoàn 2 báo cáo: Không thấy có động tĩnh gì, trong chi khu vẫn im ắng, pháo sáng vẫn bắn cầm canh như mọi ngày.

Đồng hồ lúc này hai kim đã chập một - chỉ 24 giờ. Không khí trong sở chỉ huy căng thẳng, không gian yên lặng, ai cũng cảm thấy thời gian trôi đi quá chậm. Tuy chỉ còn nửa giờ nữa nhưng ai mà biết được diễn biến của tình hình, chiến dịch vẫn xảy ra nhưng rất có thể rơi vào trạng thái bị động.

Thần kinh mọi người căng nhão cho đến phút chót khi súng nổ rền từ hướng thị xã Phước Long vọng về thì tất cả đều thở phào - thế là chiến dịch vẫn giữ được bí mật đến phút chót.

Trên hướng Phước Bình phát triển thuận lợi. Chỉ bốn mươi lăm phút tiến công, Trung đoàn 2 đã hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm chi khu tiêu diệt, bắt sống toàn bộ quân địch ở đây, ta có ba chiến sĩ bị thương nhẹ.

Khi trung đoàn phát triển vào trung tâm, bắt được người tiểu đội trưởng bỏ vào đồn địch khi chiều, hỏi:

- Sao hàng địch?

- Dạ, tôi không hàng.

- Không hàng sao lại bỏ đơn vị vào đây.

- Vì nhớ nhà, vào để nhờ xe về thăm quê được dễ dàng.

Đúng là địch chủ quan, hoàn toàn bị bất ngờ trước đợt tiến công của ta, chứng tỏ người tiểu đội trưởng không khai báo, mà chỉ có một suy nghĩ giản đơn vào đồn địch có thể dễ dàng xin đi nhờ xe về thăm gia đình.

Trong khi Trung đoàn 2 đang tranh thủ thu dọn chiến trường, chuyển vũ khí đạn dược và các chiến lợi phẩm thu được của địch ra khỏi chi khu, giải thích để phóng thích tại chỗ số tù hàng binh, thì tại Phước Long súng nổ dữ dội.

Trọng tâm công việc của sở chỉ huy chuyển sang hướng thị xã. Lúc này đã 5 giờ sáng, sương mù tan dần, qua hệ thống thông tin chúng tôi được biết các mũi tiến công của ta đã vượt qua cửa mở, đang đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu như: dinh tỉnh trưởng, sở chỉ huy tiểu khu, ty cảnh sát, trung tâm truyền tin, trận địa pháo. Khoảng 10 giờ, địch tổ chức đổ bộ đường không, gồm bốn tiểu đoàn (ba tiểu đoàn bộ binh của trung đoàn 48, một tiểu đoàn 84 biệt động quân) xuống khu vực thị xã, một bộ phận của lực lượng viện binh này đánh bọc phía Đức Hạnh để chặn đường rút của ta từ trong ra, chặn lực lượng chi viện từ ngoài vào. Nhưng các lực lượng của Trung đoàn 3 và tiểu đoàn 840 Quân khu 6 vẫn ngoan cường chiến đấu, trụ lại đánh lui sáu đợt phản kích của địch, mãi chiều ngày 11 tháng 5 các đơn vị mới rút ra đánh địch ở vòng ngoài theo lệnh của sở chỉ huy.

Đến đây, chiến dịch Phước Long(1) đã kết thúc, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trên giao: tiêu diệt hoàn toàn chi khu quân sự Phước Bình, tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở khu vực Phước Long, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng và làm chủ thị xã trong nhiều giờ.

(1) Phước Long là tên chiến dịch trong kế hoạch ban đầu.

Tôi thấy không cần thiết phải nói về diễn biến, kết quả cụ thể, về ý nghĩa chiến thắng của chiến dịch vì các phương tiện truyền thông đại chúng đã phản ánh khá đầy đủ, nhưng với tư cách là người được tham dự, chứng kiến, tôi xin trình bày cùng bạn đọc một số cảm thụ của cá nhân, hy vọng góp thêm những khía cạnh của bức chân dung sự kiện, được tạo dựng bởi lòng dũng cảm và trí thông minh của các lực lượng tham gia chiến dịch.

Giữa hai khu vực quân sự Phước Long và Phước Bình, chúng tôi chọn Phước Long làm hướng tiến công chủ yếu là đúng vì ở đây tập trung các cơ quan đầu não của tỉnh, đánh mạnh vào đây sẽ làm cho thế trận phòng thủ của địch trên toàn địa bàn bị lung lay, dẫn tới sụp đổ. Nhưng địch ở đây không sơ hở, mà trái lại chúng tăng cường phòng thủ hướng bắc, đề phòng đối phương tiến công.

Về phía ta cũng không còn cách lựa chọn nào khác là phải lấy hướng bắc làm điểm đột phá, vì hướng đông bắc tuy địch có sơ hở nhưng địa hình phức tạp, có chỗ dốc ngược như vách đứng, dưới chân là sông Bé, hướng nam vướng núi Bà Rá với các hệ thống phòng thủ dày đặc dưới chân núi.

Phải đánh vào vỏ cứng của địch nhưng vẫn thành công, trước hết là do tinh thần trách nhiệm chiến đấu cao của các đơn vị tham chiến. Trung đoàn 1 mang danh hiệu Bình Giã vẫn còn nóng hổi trong mình khí phách dũng cảm đánh địch và thắng địch trong chiến dịch Bình Giã; tiểu đoàn 840 vẫn phát huy là quả đấm tin cậy của chiến trường Cực Nam Trung Bộ trong kháng chiến chống Pháp, là đơn vị chủ lực tin cậy của Quân khu 6 trong chống Mỹ. Theo kế hoạch ban đầu, đối với Phước Long chúng tôi quyết định dùng một trung đoàn tăng cường bằng cách điều chỉnh trong nội bộ các trung đoàn tham gia chiến dịch, nhưng sau có sự thay đổi, vì Bộ tư lệnh Miền chấp thuận đề nghị của Quân khu 6 xin cho tiểu đoàn 840 đang đứng chân ở khu vực Phước Long được đứng trong đội hình chiến dịch, trước hết thể theo nguyện vọng tha thiết của cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 840 mong có được cơ hội góp phần vào chiến công chung. Như vậy lực lượng một trung đoàn tăng cường cho hướng chủ yếu không thay đổi, chỉ khác thành phần tăng cường là tiểu đoàn 840. Đây là một tiểu đoàn mạnh biên chế bốn đại đội, trong đó có đại đội 85 đặc công, đại đội 54 được tổ chức và huấn luyện tốt ở miền Bắc vừa được bổ sung cho chiến trường.

Cùng với Trung đoàn 1, tiểu đoàn 840 là một đơn vị tăng cường đã đóng góp xứng đáng phần mình trên hướng chủ yếu của chiến dịch. Mùa xuân 1983, tức mười tám năm sau tôi có dịp trở lại Phước Long, rất may mắn được gặp lại một chiến sĩ của tiểu đoàn này, nay là thượng tá Nguyễn Văn Ngoan, chỉ huy trưởng huyện đội Phước Long. Anh quê ở Nam Thanh (Hải Hưng), là chiến sĩ của đại đội 54 từ miền Bắc lên đường vào Nam từ tháng 7 năm 1964, có mặt ở Bù Gia Mập tháng 11 cùng năm và được biên chế về tiểu đoàn 840, hoạt động ở địa bàn Phước Long cho đến nay.

Đưa mắt nhìn nhanh toàn cảnh để định lại trong ký ức anh nói:

- Vẫn là hướng bắc nhưng tiểu đoàn chúng tôi chọn hướng đột phá hơi chếch về phía tây bắc vì ở chỗ này là nơi tiếp giáp giữa hai đơn vị phòng thủ, nên chúng có sơ hở. Mặt khác để tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu đoàn, Quân khu tăng viện cho hai “hoàng tử lưng gù”.

Tôi cắt ngang:

- Hoàng tử lưng gù là cái gì?

- Báo cáo anh, đó là hai khẩu sơn pháo 75 ly của Nhật. - Ba Ngoan trả lời.

- Nhưng tại sao gọi nó là “hoàng tử lưng gù”? - Tôi hỏi tiếp.

Ba Ngoan cười sảng khoái, nói vui:

- Không rõ nó được chế tạo từ bao giờ nhưng trông trên sống lưng có hơi gù nên anh em tự đặt cho nó cái tên “hoàng tử lưng gù”. Nhìn dáng vẻ vừa cổ lỗ vừa xấu xí, nhưng hai hoàng tử đó đã hỗ trợ đắc lực cho tiểu đoàn trong giai đoạn đột phá mở đường.

Như vậy là phải đánh vào hướng mà địch chủ động đề phòng nhưng Trung đoàn 1 Bình Giã, tiểu đoàn 840 đã tìm được điểm yếu trong cái mạnh của địch, đã chỉ huy hiệp đồng tốt sức mạnh của hỏa lực đi cùng chế áp ăn ý, có hiệu quả, với một trung đội đặc công đi trước mưu trí mở đường, các đơn vị bộ binh đã dũng cảm thực hành đột phá đánh chiếm phần lớn các mục tiêu chủ yếu và làm chủ nhiều giờ trong thị xã này.

Đó là một việc làm thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả, lòng yêu nước vô giá mà mỗi chúng tôi mãi mãi kính trọng, biết ơn.

Nhưng mặt khác, đứng về tổng thể chiến dịch, chúng tôi - những người được giao trọng trách cao nhất cũng đã dành thời gian trao đổi, tính toán cho những bước đi chủ động để hỗ trợ cho hướng tiến công chủ yếu. Qua nghiên cứu, theo dõi, phân tích chúng tôi thấy khi địch tăng cường phòng thủ hướng bắc, nhất là ở khu vực Phước Long, đề phòng ta từ Đắc Ơ, Bù Gia Mập đánh xuống, thì lại rất sơ hở, cho ta không có khả năng tiến công từ hướng nam lên, đánh vào chi khu quân sự Phước Bình. Ngay cả lực lượng đồn trú ở căn cứ này do chưa bị ta đánh lần nào nên cũng rất chủ quan, hệ thống công sự sơ sài, việc tổ chức canh gác tuần phòng không được cẩn mật.

Rõ ràng, nếu từ hướng nam chúng ta bí mật hành quân, bất thần đột phá diệt chi khu quân sự Phước Bình là nằm ngoài sự đề phòng của địch. Trong quân sự gặp phải tình huống bất ngờ sẽ dẫn đến tình trạng hoang mang dao động về tinh thần, lúng túng bị động về xử lý đối phó, là những nguyên nhân gây nên đảo lộn, ảnh hưởng đến thế trận, đến cục diện, đến thành bại của trận đánh.

Từ nhận thức trên, Bộ chỉ huy chiến dịch đã hạ quyết tâm: vượt lên mọi khó khăn, tổ chức một lực lượng đủ mạnh đánh địch từ hướng nam lên mà mục tiêu cần diệt là Phước Bình, để hỗ trợ thiết thực cho hướng tiến công chủ yếu.

Và thế là những phán đoán, những mong ước của chúng tôi đã trở thành sự thật. Mười lăm phút sau khi Phước Long nổ súng, thì ở hướng nam Trung đoàn 2 được lệnh tiến công chi khu quân sự Phước Bình. Trận đánh diễn ra bốn mươi lăm phút, ta làm chủ căn cứ, diệt và bắt sống toàn bộ quân địch chốt giữ ở đây.

Sự việc diễn ra quá nhanh, khiến chúng tôi vui mà cứ thấy ngỡ ngàng, thật mà vẫn như mơ. Có thể nói đây là một trận đánh “ngon” nhất mà tôi được chứng kiến.

Nhưng điều khiến tôi tâm đắc là tác dụng thắng lợi ở hướng thứ yếu Phước Bình đẩy nhanh tinh thần suy sụp các lực lượng địch ở Phước Long, tạo đà cho Trung đoàn 1, tiểu đoàn 840 hoàn thành nhiệm vụ phát triển nhanh vào trung tâm thị xã, cổ vũ tinh thần bám trụ trong nhiều giờ để truy quét tàn quân và đánh địch phản kích. Rõ ràng Phước Bình tuy là hướng thứ yếu nhưng nó lại mang tính chất hiểm yếu trên toàn khu vực phòng thủ của địch ở tỉnh Phước Long lúc bấy giờ, nên khi ta đánh chiếm và tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đây đã làm rung chuyển toàn bộ khu vực phòng thủ Sài Gòn ở hướng bắc, đông bắc. Lúc ấy trong giới cầm đầu ngụy quân, ngụy quyền ở Sài Gòn, đã có ý kiến: có thể phải rút bỏ thị xã Phước Long để tránh hiểm họa.

Đợt hai chiến dịch, mục tiêu tiến công là chi khu quân sự Đồng Xoài, không có trong kế hoạch ban đầu, mà được nảy sinh trong quá trình chiến đấu. Đó cũng là lý do cắt nghĩa vì sao giữa đợt một - đánh Phước Long, Phước Bình với đợt hai tiêu diệt sinh lực địch ở Đồng Xoài có khoảng cách những gần một tháng.

Sau chiến thắng địch ở mặt trận Phước Long - Phước Bình, anh Lê Trọng Tấn, anh Trần Độ được Bộ tư lệnh Miền gọi về báo cáo, tôi ở lại hướng dẫn các đơn vị rút kinh nghiệm về tổ chức và thực hành chiến đấu.

Trong lúc tôi đang suy nghĩ sắp tới sẽ làm gì, ở đâu, thì anh Tấn, anh Độ từ Bộ tư lệnh Miền trở về phấn khởi báo tin:

- Có nhiệm vụ mới rồi! Nhưng thời gian gấp lắm, phải chuẩn bị thật khẩn trương.

Liền sau đó cuộc họp Bộ chỉ huy chiến dịch được triệu tập. Anh Tấn phổ biến mệnh lệnh chiến đấu do anh Nguyễn Chí Thanh, thay mặt Bộ tư lệnh Miền giao nhiệm vụ tiếp theo của chiến dịch là tổ chức cuộc tiến công đợt hai vào chi khu quân sự Đồng Xoài và các đồn bốt xung quanh nhằm tiếp tục thực hiện tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực quân ngụy, đẩy mạnh chiến tranh du kích, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, gây chấn động vào vùng ven đô và nội đô. Phải lựa chọn cách đánh quyết liệt vào căn cứ quân sự Đồng Xoài vì địch xây dựng nơi đây thành một trung tâm hành quân để tiến hành các cuộc hành quân càn quét đánh phá căn cứ, kho tàng, tạo lập một cứ điểm vững chắc của tứ giác Bình Long - Phước Long - Đồng Xoài - Chơn Thành trong hệ thống phòng thủ vòng ngoài ở phía bắc Sài Gòn.

Ngừng một lát, anh Tấn hạ giọng như tâm tình:

- Trước khi ra về anh Thanh bắt tay tạm biệt hai chúng tôi nhắc nhở thêm: Phải có biện pháp tập trung binh hỏa lực đánh mạnh, đánh tiêu diệt địch chốt giữ mục tiêu chủ yếu Đồng Xoài góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đồng thời giữ vững thế chủ động tiến công trong tình huống địch chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ vào trực tiếp tham chiến. Đợt một đã thắng, đợt hai thắng giòn giã hơn, gây cho địch thất bại đau hơn, lớn hơn. Nhưng cần phải có biện pháp khắc phục công sự, hầm ngầm của địch, thực hiện bí mật, luồn sâu, đưa lực lượng vào đảm bảo chắc thắng, giảm thương vong đến mức tối thiểu.

Địa hình nơi đây đang còn xa lạ, nhưng nhìn vị trí Đồng Xoài trên bản đồ tình huống, chúng tôi càng thấy sự chỉ đạo của anh Thanh có tầm nhìn xa, tính toán nhiều nước đi cho một thế cờ, củng cố thêm lòng tin và tinh thần quyết tâm đối với những người thực hiện, mặc dầu phía trước đang có biết bao nhiêu khó khăn đang chờ.

Sau khi họp quán triệt nhiệm vụ trên giao, thảo luận thống nhất bước đầu về quyết tâm chiến đấu, Bộ chỉ huy phân công mỗi người một việc: anh Tấn chuẩn bị nội dung mệnh lệnh chiến đấu, anh Trần Độ dự thảo chỉ thị về công tác chính trị, lãnh đạo tư tưởng bộ đội, tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy trận tiến công mục tiêu Đồng Xoài.

Tuy thời gian chuẩn bị không còn nhiều nhưng phải mất gần tuần lễ chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ của bước trinh sát thực địa. Vì yếu tố bất ngờ gần như không còn, sau khi Phước Long, Phước Bình bị ta tiến công, địch ở Đồng Xoài tăng cường đề phòng tuần tra, canh gác, báo động chiến đấu. Thường ngày chúng tung từ một đến hai trung đội ra làm nhiệm vụ cảnh giới ở khu vực sân bay, đưa từ một đến hai trung đội khác ra phục kích ở hướng đông bắc và hướng đông ấp chiến lược để phát hiện các hoạt động của ta. Đêm đêm địch tập bắn(2), báo động những giờ giấc không cố định, vào buổi tối, nửa đêm, gần sáng; mỗi lần kéo dài năm đến mười phút, tất cả các loại súng trong chi khu đều bắn dồn dập, mãnh liệt như một trận đánh thực sự. Khác với Phước Long, ở đây không có điểm cao như núi Bà Rá, mọi yêu cầu quan sát toàn cảnh từ xa đều phải leo lên cây cao nhưng không phải ai cũng biết trèo cây. Hơn nữa, thời gian để tiến hành nhiệm vụ cũng bị hạn chế, các công việc mất nhiều thời gian như tiếp cận mục tiêu, nắm tình hình cụ thể về bố trí binh hỏa lực, hệ thống vật cản, công sự, lô cốt, hầm ngầm lại chỉ làm vào lúc 17 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút là lúc địch đổi gác, ăn cơm, chưa tổ chức tuần tiễu, phục kích. Phần lớn tình hình cụ thể đều dựa vào dân, do dân cung cấp nhưng tiến hành không thể nhanh mà là câu dầm, bắt bóng, có lúc được lúc không. Thường phải chờ dân ra vào ấp chiến lược vào những giờ nhất địch để tiếp xúc, vừa tranh thủ giáo dục, thuyết phục gắn với trao đổi để tìm hiểu những điều cần biết. Có khi chúng tôi còn bí mật, bất thần lúc tranh tối tranh sáng gặp dân ra vào ấp chiến lược để hỏi thêm.

(2) Vừa nhằm hiệu chỉnh tầm hướng, vừa tập báo động hù dọa đối phương rằng chúng luôn tỉnh táo sẵn sàng đánh trả nếu bị ta tấn công.

Hạ tuần tháng 5, Bộ chỉ huy chiến dịch họp lần cuối để chính thức thông qua quyết tâm chiến đấu và các kế hoạch bảo đảm của các đơn vị hỏa lực, đặc công, hậu cần.

Qua báo cáo kết quả tình hình địch của đoàn trinh sát thực địa, các nguồn thông tin của cấp trên, của cấp ủy, chính quyền địa phương, chúng tôi nhất trí đánh giá:

- Tuy chỉ là một chi khu, nhưng Đồng Xoài là một căn cứ quân sự mạnh hơn cả tiểu khu Phước Long, nó có một hệ thống công sự liên hoàn, vững chắc, nhiều lớp; hệ thống hỏa lực được bố trí hiểm hóc, sẵn sàng lưới lửa dày đặc để chặn đối phương trước tiền duyên bị tấn công. Song đây lại là một chi khu tương đối biệt lập, sự chi viện trực tiếp của pháo binh từ các điểm xung quanh bị hạn chế: Đồn gần nhất như cầu Sông Bé cách mười chín ki-lô-mét về phía tây nhưng không có pháo, tiểu khu Phước Thành cách ba mươi ki-lô-mét về phía nam, tiểu khu Phước Long cách ba mươi lăm ki-lô-mét về phía bắc. Về phía ta sau chiến dịch Bình Giã, sau đợt một của chiến dịch này tinh thần phấn khởi, tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên rõ rệt, đã có những trưởng thành về nhiều mặt, nhất là những kinh nghiệm về tổ chức, chỉ huy đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng. Trang bị vũ khí được tăng cường, ngoài bốn khẩu sơn pháo 75 ly của Nhật còn được bổ sung thêm một số vũ khí bộ binh hiện đại kể cả súng phun lửa được đưa từ miền Bắc vào theo đường biển cập bến Lộc An (Bà Rịa) tháng 12 năm 1964. Nhưng nếu nói đánh địch trong công sự vững chắc theo đúng nghĩa của từ này thì đây là lần đầu bộ đội Đông Nam Bộ ra quân, trong khi tư tưởng ngại đánh lớn, đánh tập trung tuy đã được giải quyết nhưng chưa căn bản, chưa đủ cơ sở thực tế để thuyết phục. Tuy không phải là phổ biến, nhưng lẻ tẻ đến đâu vẫn còn nghe những ý kiến: Tiêu diệt địch cỡ nào, đại đội, tiểu đoàn trên cứ khoán, còn hoàn thành ra sao để đơn vị lo, mắc gì phải giao mục tiêu cụ thể.