Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 12 - Phần 1

Chương 12

Thời tiết và những cuộc hành quân có mối quan hệ mật thiết.

Trong kháng chiến chín năm (1945 - 1954), các cuộc hành quân càn quét lớn của quân đội thực dân Pháp và những mùa hoạt động quân sự lớn của quân đội ta đều chủ yếu diễn ra trong thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau; chẳng hạn các binh đoàn chủ lực của ta trên chiến trường Bắc Bộ hồi đó đã liên tục mở các chiến dịch lớn như chiến dịch Thu Đông (1947), chiến dịch Sông Thao, Sông Lô (1949), chiến dịch Biên Giới (1950), chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Lý Thường Kiệt (1951), Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Các cụm từ Hoạt động quân sự Thu - Đông, Chiến dịch Thu - Đông đã trở thành thuật ngữ quân sự quen thuộc để chỉ các chiến dịch quân sự lớn diễn ra vào lúc mùa mưa kết thúc, mùa khô bắt đầu, thời tiết khô hanh, các sông suối nước cạn dần, dễ qua lại.

Ở chiến trường Đông Nam Bộ, vào giai đoạn đánh Mỹ cũng diễn ra như thế. Quân đội viễn chinh Mỹ càng được trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại càng rất coi trọng yếu tố thời tiết - cụm từ “phản công chiến lược mùa khô” xuất hiện cũng bởi lẽ phải tận dụng tối đa yếu tố thiên thời, không có mưa bão, đường sá khô ráo, sông suối cạn kiệt, bầu trời quang mây.

Với ta cũng thế, tuy trang bị không nhiều, không hiện đại bằng quân đội Mỹ, sức cơ động và phương tiện vận chuyển vẫn chủ yếu dựa vào đôi chân và đôi vai của con người, nhưng vẫn rất cần đến mùa khô, mùa lý tưởng cho các hoạt động quân sự.

Tháng 5 đã đến, những cơn mưa đầu mùa ập đến, cảnh sắc Đông Nam Bộ thay đổi theo chu kỳ. Không phải con người thấy dễ chịu, mà cả mặt đất, cây cối cũng đổi thay, vụt sống lại, vươn nhanh. Nhưng đối với hoạt động quân sự thì mưa lại là những trở ngại. Mưa làm sập hầm hào, mưa cản kế hoạch vượt sông, gây khó khăn cho vận chuyển, tiếp tế, mưa gây ẩm ướt, phát sinh bệnh tật, sức khỏe giảm sút, quân số thiếu hụt và biết bao nhiêu khó khăn khác nảy sinh.

Sau thời gian lui về khu vực suối Bông Trang nghỉ ngơi củng cố rút kinh nghiệm, sư đoàn được lệnh của Bộ chỉ huy Miền: chuẩn bị nhận kế hoạch hoạt động quân sự mùa mưa! Chúng tôi không ngạc nhiên khi nhận điện của Miền, bởi sư đoàn nhiều lần tự nhủ “không thể có chiến tranh theo mùa”.

Cũng vào một ngày mưa, chúng tôi đón anh Trần Văn Trà thay mặt Bộ chỉ huy Miền xuống làm việc với sư đoàn.

Sau ít phút thăm hỏi, anh Trà vào việc ngay. Tất cả chúng tôi đều như hăm hở đón chờ. Còn anh, mở đầu không phải là truyền đạt mệnh lệnh, kế hoạch tác chiến chính thức, mà là ý kiến trao đổi thăm dò, khiến chúng tôi ngỡ ngàng, khó hiểu?

Anh nói:

- Dự kiến của Bộ chỉ huy Miền định tranh thủ thời cơ tiếp tục mở đợt hoạt động ngắn tiến công vào mục tiêu gọn căn cứ Phước Vĩnh.

Mới chỉ đến đây mà mọi người thở phào xua đi cái chờ đợi nhường chỗ cho niềm vui đến nhanh. Vì sự trùng hợp giữa ý định của trên với nguyện vọng của dưới. Bởi Phước Vĩnh là căn cứ nằm trên địa bàn hoạt động của Sư đoàn 9, chính nó đã gây cho chúng tôi nhiều khó khăn, có lúc tưởng như nhiệm vụ phải bỏ dở. Như tháng 6 năm 1965, khi căn cứ Đồng Xoài bị Sư đoàn 9 tiến công, thì từ Phước Vĩnh, lữ đoàn dù 173 đã mò lên chi viện, nhưng bị ta chặn đánh, chúng phải rút trở lại; như trong trận tiến công cụm dã ngoại quân Mỹ ở Nhà Đỏ - Bông Trang vừa rồi, cũng phải dành lực lượng chặn viện từ căn cứ Phước Vĩnh.

Nhưng địch vẫn chưa từ bỏ ý định, chúng tiếp tục củng cố Phước Vĩnh từ một căn cứ dã chiến lúc đầu thành một căn cứ thuộc loại lớn, có công sự vững chắc để uy hiếp Chiến khu Đ, bảo vệ sườn phía đông đường 13 đoạn từ Hớn Quản đi Lộc Ninh, làm bàn đạp mở rộng vùng kiểm soát lên tận Đồng Xoài, Phước Long, lấn chiếm vùng sâu của ta.

Vì vậy chủ trương tiến công căn cứ Phước Vĩnh của Bộ chỉ huy Miền là rất phù hợp với yêu cầu thực tế. Chúng tôi muốn biết thời gian thực hiện càng sớm càng tốt?

Như có gì khó nói, vừa hòa vào cái không khí vui vẻ, sôi nổi của buổi trao đổi, vừa như đắn đo, thăm dò, phút im lặng trôi nhanh, anh Trà mới chậm rãi nói:

- Hiềm một nỗi là lương thực dự trữ ở đây đã cạn, vì địch chặn ta ở biên giới phía bắc không chuyển xuống được!

Mối quan hệ giữa chiến đấu và bảo đảm hậu cần lại được thể hiện rõ nét, bằng xương bằng thịt. Không thể nói hậu cần là phía sau, là yếu tố bảo đảm sau các yếu tố khác. Ông cha ta nói “thực túc binh cường”, là rút ra từ thực tiễn của nhiệm vụ giữ nước trải qua mấy nghìn năm.

Để giải tỏa không khí im lặng, anh Trà nói:

- Tình hình như vậy, anh Năm muốn mang bộ đội đi đâu mà đánh được giặc thì cứ đi!

- Ra Bắc có được không? - Tôi hỏi vui.

- Được chứ sao. - Anh Trà cười, lại tiếp. - Nhưng ngoài đó cần lực lượng phòng không, cần máy bay, tên lửa, đâu có cần bộ binh, coi chừng ra đó bị ế đấy!

Không khí bỗng vui hẳn lên, cái yên lặng tan nhanh, cuộc trao đổi lại trở về tinh thần nghiêm túc và thực tế. Lại anh Trà nói trước:

- Chuyện vui như vậy đủ rồi, bây giờ ta vào việc.

Như vậy là kế hoạch tiến công Phước Vĩnh với mục đích tiêu diệt sinh lực địch, phá thế phản công, thu hút và phân tán không cho chúng tập trung lực lượng đánh lên Lộc Ninh, phá cơ sở kho tàng của ta trên đó, phải chuyển hướng:

- Lực lượng vũ trang địa phương vẫn tổ chức bám trụ quanh căn cứ Phước Vĩnh, tiến công địch bằng nhiều hình thức thích hợp nhằm tiêu hao, gây cho chúng bất ổn định, chỉ lo việc phòng giữ nhà.

- Sư đoàn 5 trụ đánh địch ở hướng đông, đông nam Sài Gòn, chủ yếu trên địa bàn Long Khánh - Bà Rịa.

Sư đoàn 9 có thêm trung đoàn 16 (vừa từ miền Bắc vào tăng cường) ngược lên phía bắc làm nhiệm vụ chủ yếu trên hướng Lộc Ninh, phá thế bao vây của địch, bảo vệ kho tàng. Để thực hiện nhiệm vụ, cần áp dụng biện pháp tiến công bằng sức mạnh (có cả cối 120 ly) diệt trại biệt kích Lộc Ninh, cầu viện đường bộ, đường không, diệt sinh lực địch, tạo khu quyết chiến Lộc Ninh - Bình Long.

Quán triệt ý định của Bộ chỉ huy Miền qua anh Trà truyền đạt Sư đoàn 9 khẩn trương lên đường. Cuộc hành quân khá vất vả đất đỏ miền Đông chẳng có mùa nào ưu ái đối với người lính. Nắng thì bụi lầm, mưa có cái khó của mưa. Đường trơn, bết dính tưởng như mặt đất có gì vừa đẩy vừa níu con người lại, đói mệt vì thế đến nhanh với mọi người.

Chúng tôi đến khu vực Lộc Ninh vào một buổi chiều đẹp trời, đợt mưa tầm tã vừa chấm dứt. Ngay đêm đó Bộ tư lệnh sư đoàn đã họp bàn kế hoạch chuẩn bị chiến đấu. Trên cơ sở tình hình nắm được, quán triệt nhiệm vụ của Bộ chỉ huy Miền, sư đoàn đã có một kế hoạch tổng thể bước đầu, làm định hướng cho các đơn vị triển khai chuẩn bị cụ thể. Dùng sức mạnh của cả xung lực và hỏa lực tiến công vào mục tiêu chủ yếu trại biệt kích bắc Lộc Ninh; đồng thời bố trí một lực lượng mạnh khác sẵn sàng đánh viện đường bộ và đường không, chủ yếu là đường bộ.

Kế hoạch nêu ra được các đồng chí trong Bộ tư lệnh Sư đoàn thảo luận, nhất trí thông qua. Chưa triển khai cụ thể nhưng trong chúng tôi đều thấy có cái gì suôn sẻ, đánh điểm, diệt viện nhất định sẽ diễn ra. Các kho tàng của ta sẽ được bảo vệ cả trước và sau chiến dịch. Cho dù có diễn biến phức tạp, chiến dịch có thể phải kéo dài thì với điều kiện cụ thể ở Lộc Ninh lúc đó chúng tôi vẫn có khả năng đánh dài hơi, vì thế của ta vững, có cả một vùng rừng núi liên hoàn, kéo dài đến Phước Long, đều là cơ sở của ta, địch khó thực hiện thủ đoạn chiến thuật bao vây vu hồi chia cắt. Khả năng tạo ra khu quyết chiến điểm Lộc Ninh - Bình Long sẽ trở thành hiện thực, góp phần phá thế phòng ngự của địch ở khu vực Lộc Ninh - Hớn Quản.

Cái ngày N đang xích gần thì tình hình lại có dấu hiệu rẽ ngoặt. Địch phát hiện Sư đoàn 9 hiện đứng chân ở Lộc Ninh sau khi đã đụng đầu với chúng ở trận Nhà Đỏ - Bông Trang, Cù Đinh, dốc Bà Nghĩa. Tướng hai sao Đơ-puy, tư lệnh sư đoàn bộ binh số 1 “Anh cả đỏ” đã triển khai cuộc hành quân “En Pa-xô” đưa lữ đoàn 3 lên Lộc Ninh mang theo cả công sự làm sẵn để lập tuyến phòng thủ, thực hiện chiến thuật “dự phòng” phá cuộc tiến công Lộc Ninh của ta.

Bầu trời, mặt đất vùng Lộc Ninh bỗng sôi lên trong không khí ác liệt của chiến tranh. Đủ loại máy bay, pháo bầy oanh tạc bắn phá hủy diệt các cánh rừng nghi ta trú quân, các ngả đường, kể cả đường mòn nghi ta lợi dụng tiến quân.

Lúc này không phải lúc để tâm nguyên nhân vì sao lộ mà là lo sao đối phó tức thì trước tình huống gay cấn này. Tiếp tục thực hiện như kế hoạch đã vạch? Không được, vì địch đã tăng cường lực lượng bố trí lại thế phòng ngự, tổ chức thành cụm hành quân lớn, sẵn sàng phản kích, phá cuộc tiến công của ta.

Một cuộc họp Bộ tư lệnh Sư đoàn được triệu tập ngay sau khi Bộ chỉ huy Miền thông báo chính thức là ta bị lộ, địch đã tăng cường lực lượng lên Bình Long, Lộc Ninh đề phòng. Thỉnh thoảng nơi chúng tôi ngồi họp lại rung lên như động đất, báo hiệu máy bay B.52 đang trải thảm rất gần. Rồi trời lại đổ mưa, những trận mưa thoắt đến thoắt tan ào ào trút nước, không tăng bạt, lán trại nào chịu nổi, quần áo mọi người lúc nào cũng sũng nước.

Theo sự phân công, tôi trình bày những suy nghĩ của mình.

- Như vậy là kế hoạch chiến dịch ta đang triển khai phải hủy bỏ, vì nếu tiếp tục chẳng khác nào ta húc vào đá! Theo tôi, mục đích chiến dịch không thay đổi nhưng phải thay đổi toàn bộ biện pháp, coi như làm lại từ đầu, từ khu vực tác chiến, hình thức chiến thuật, tổ chức chỉ huy, bảo đảm chiến đấu. Từ tập kích đánh địch trong công sự, chúng ta chuyển sang phục kích đánh địch trên đường giao thông, đánh địch ngoài công sự.

- Rút khỏi Lộc Ninh? - Có ý kiến chen vào.

- Đúng, chúng ta sẽ rút khỏi Lộc Ninh, chuyển đội hình sư đoàn về đứng chân ở khu vực quốc lộ 13. Vì muốn phá ý định tiến công của ta, địch phải tăng viện đưa pháo lớn và tăng thiết giáp lên Lộc Ninh, kèm theo là khối lượng lớn đạn dược và lương thực. Tốn kém mấy chúng cũng làm, vì quân công tử Mỹ không thể đánh trận theo kiểu con nhà nghèo. Tất nhiên địch phải dựa vào trục đường giao thông để thực hiện âm mưu nói trên, đó là quốc lộ 13. Theo tin mới nhận, địch đã ra lệnh báo động đối với trung đoàn thiết giáp, có phương án sẵn sàng đưa trung đoàn này lên tăng cường khi Lộc Ninh, Hớn Quản bị tiến công.

Vì vậy giải pháp thích hợp với chúng ta lúc này là chuyển sang đánh giao thông, là từ bị dộng chuyển sang chủ động trên hướng khác. Về mặt chủ quan, ta đã được trang bị B.40 từ miền Bắc mới chuyển vào. Tuy còn ít nhưng biết cách tổ chức vẫn phát huy được hiệu quả tối đa của loại vũ khí chống tăng gọn nhẹ mà lợi hại này.

Các anh trong Bộ tư lệnh Sư đoàn đều nhất trí với những vấn đề tôi trình bày trên, và thống nhất một số việc cần làm ngay:

- Khu vực trận địa đánh giao thông địch là đoạn quốc lộ 13 từ ngang ngã ba Đồng Tâm đến bắc Chơn Thành.

- Nghiên cứu trên bản đồ để quyết định những điểm có khả năng xảy ra trận đánh; đồng thời tổ chức đi trinh sát thực địa để xác định trận địa phục kích cụ thể và dự kiến các nơi địch dừng lại đóng quân dã ngoại để có kế hoạch chủ động tập kích khi tình huống xuất hiện.

- Biện pháp chiến thuật là phục kích đánh giao thông, tập kích khi địch đóng quân dã ngoại, pháo kích tiêu hao nhằm làm tê liệt giao thông, phá âm mưu địch lấy Lộc Ninh làm bàn đạp đánh phá căn cứ, kho tàng của ta đặt ở đông bắc thị trấn giáp biên giới Campuchia.

- Để thực hiện lừa địch, ta vừa tung tin vừa tiếp tục một số động tác giả để địch tin rằng ta vẫn tiếp tục triển khai lực lượng đánh Lộc Ninh, buộc địch phải đưa cơ giới lên tăng viện, ta có điều kiện diệt chúng ở những trận địa bày sẵn; đồng thời tổ chức tiến công địch ở mức độ vừa phải, tiêu hao địch, gây áp lực về tâm lý, buộc chúng phải tăng cường phòng thủ, từ bỏ ý định đánh nống ra ngoại vi.

- Phân chia lực lượng: Trung đoàn 1 vừa nghi binh vừa chuẩn bị sẵn sàng khi có thời cơ tiến công, chủ yếu là trại biệt kích; Trung đoàn 2 làm nhiệm vụ chủ yếu đánh phục kích trên đường 13, vì trung đoàn này qua trận phục kích đánh thắng đoàn xe cơ giới Mỹ ở Căm Se (20/l/1965) đã kịp thời rút kinh nghiệm, trình độ tổ chức chỉ huy, trình độ chiến thuật vận động phục kích đánh xe cơ giới địch của cán bộ chiến sĩ đã được nâng lên cả về nhận thức và thực hành; Trung đoàn 3 làm lực lượng dự bị.

Tôi muốn dừng lại kể cùng bạn đọc về nỗi vất vả và tinh thần vượt khó của Trung đoàn 2. Trong giai đoạn chuẩn bị chiến đấu, với nhiều thay đổi, trung đoàn vẫn có mặt ở địa điểm quy định trước thời gian. Ngày 17 tháng 5 từ Sóc Con Trăng chuyển sang phía bắc thực hiện phương án đánh Lộc Ninh, thì trung đoàn được lệnh chống càn. Ngày 21 tháng 5 kế hoạch chống càn vừa xây dựng xong thì ngày 22 tháng 5 được lệnh chuyển hướng hoạt động sang đường 13 làm nhiệm vụ đánh giao thông địch. Ngày 23 tháng 5 toàn trung đoàn hành quân đến địa điểm tập kết ở suối Bông Xôm cách đường 18 năm ki-lô-mét, liền bắt tay vào xây dựng trận địa phục kích theo phương án tác chiến mới của sư đoàn.

Giữa tháng 5 sau khi đi trinh sát thực địa trên hai đoạn đường Lộc Ninh - Hớn Quản, Hớn Quản - Lộc Ninh, Bộ tư lệnh sư đoàn họp trao đổi, quyết định chọn trận địa phục kích là đoạn đường từ ngã ba Cây Đa đến bắc cầu Cần Đâm (dài ba ki-lô-mét rưỡi) thuộc xã Tân Khai.

Như vậy là điểm tác chiến nằm kẹp giữa hai căn cứ quân sự mạnh của địch là tiểu khu Hớn Quản và chi khu quân sự Chơn Thành. Nếu trận đánh xảy ra thì khả năng chi viện bằng không quân, nhất là bằng bộ binh và pháo binh, xe tăng, thiết giáp của địch sẽ xảy ra với lực lượng mạnh và nhanh. Nhưng chúng tôi vẫn chọn vì mặt đường ở đây hẹp, giữa đoạn phục kích có hai đầu cầu bị hư hại, địch có sửa nhưng không bảo đảm, lại có hai suối Tàu Ô, Cần Đâm cắt ngang đầy nước vì đang là mùa mưa, khi qua đó tốc độ xe phải giảm, dễ bị ta chặn đầu, khóa đuôi đội hình bị ùn tắc. Đây là điểm yếu cơ bản địch không thể khắc phục được, còn ta thì có điều kiện lợi dụng để lập trận địa hiểm thực hành tiến công tiêu diệt sinh lực địch.

Để hạn chế sức đột kích mạnh, sức cơ động cao, khả năng chi viện nhiều và nhanh của địch, chúng tôi nhấn mạnh với Trung đoàn 2 là, cần cơ động nhanh, đánh quân viện và quân thoát ly ngoài công sự là chính.

Nếu các trận Bầu Bàng, Nhà Đỏ - Bông Trang tổ chức tiến công theo đội hình sư đoàn, nhằm tạo ưu thế lực lượng vào một trận then chốt để dứt điểm nhanh, thì trong đợt hoạt động này chúng tôi lại chủ trương lấy cấp trung đoàn làm đơn vị tiến công theo kế hoạch chung của sư đoàn, nhằm cùng một thời gian tạo thế đánh địch trên nhiều hướng, nhiều mục tiêu, nhiều yêu cầu cụ thể, phục vụ nhiệm vụ chung của chiến dịch. Từ kinh nghiệm trận đánh xe cơ giới Mỹ ở Căm Se, trên khu vực phục kích dài gần bốn ki-lô-mét, sư đoàn chỉ đạo Trung đoàn 2 đưa toàn bộ lực lượng ra phía trước, hình thành thế chặn đầu, khóa đuôi, đột phá khúc giữa, chỉ để một đại đội làm lực lượng dự bị. Sở dĩ phải dàn mỏng lực lượng, nhưng có trọng điểm như vậy còn do cường độ phản kích của Mỹ mạnh hơn nhiều lần cường độ phản kích của Pháp trong thời ký kháng chiến chín năm. Ngay trên đoạn đường này đã có tiền lệ mỗi khi muốn tăng viện cho Hớn Quản, Lộc Ninh, Mỹ phải tổ chức từng đoàn xe lớn, trước khi xuất phát, chúng dùng không quân, pháo binh bắn phá như đổ đạn hai bên đường (từ mép đường ra hai trăm đến ba trăm mét) sau đó lực lượng tuần đường triển khai bố trí chốt sẵn ở các khu vực hộ tống cho xe qua.

Ngày 25 tháng 5, Trung đoàn 2 hoàn tất toàn bộ công việc chuẩn bị chiến đấu, kể cả làm đường xuất kích ra vị trí xuất phát xung phong cách đường từ hai trăm đến năm trăm mét, nhưng phải chờ mười lăm ngày sau mới có “việc làm”. Thật ra thì không riêng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2 bồn chồn, mong đợi, đã xuất hiện cả nôn nóng, thiếu tin, mà cả Bộ tư lệnh Sư đoàn chúng tôi cũng có chung tâm trạng nao nao, lo lắng: hay là lại bị lộ, địch đề phòng? Nếu vậy thì xử lý thế nào? Sư đoàn cho kiểm tra, chưa thấy có hiện tượng lộ từ phía chủ quan trung đoàn.

Hai mươi mốt ngày ém quân chờ giặc, phải chịu đựng gian khổ, chỉ có cơm vắt với nhúm muối trắng, anh em vẫn kiên trì.

Mặt khác, anh em vẫn tha thiết đề nghị trên chuyển hướng khác, sợ nằm mãi đây lỡ “thất nghiệp”; ngay trong cán Bộ chỉ huy cũng có người tính chuyện như vậy. Trận đánh chưa xảy ra mà việc theo dõi, lãnh đạo tư tưởng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2 không kém phần vất vả, căng thẳng! Ngay cả trong lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn đã xuất hiện sự nản chí, muốn xoay hướng như sợ mình chọn điểm lầm, tính toán, phán đoán địch có cái gì chưa sát?

Kẻ địch thật xảo quyệt. Trước khi khởi sự chúng thăm dò nhằm đánh lạc phán đoán của ta về thời điểm hành quân cụ thể tạo bất ngờ đến phút chót, khi ta biết thì đã muộn. Tám giờ ngày 8 tháng 6, địch xuất hiện ở cầu Tân Khai để sửa cầu. 12 giờ 40 phút, theo tin kỹ thuật, có đoàn xe địch từ Hớn Quản xuống, ta vận động ra chỉ có ba xe Jeep nên không nổ súng. Sau đó lúc 15 giờ nhận được tin kỹ thuật báo có đoàn xe địch xuất phát từ Chơn Thành đi Hớn Quản, toàn bộ đội hình trung đoàn nhanh chóng vận động ra vị trí xuất phát tiến công, tất cả đều sẵn sàng. Nhưng mãi xế chiều, quân của đại đội A, tiểu đoàn 1, trung đoàn kỵ binh số 4 cùng xe tăng và xe bọc thép di chuyển ồ ạt trên đường 13. Khi đoàn xe di chuyển qua Tàu Ô tiến về Hớn Quản thì bị Trung đoàn 272 (tức trung đoàn 2) phục kích.

“Xe tăng dẫn đầu đại đội A bị súng không giật bắn trúng. Còn đoàn quân phía sau bị tê liệt. Việt cộng (tức Quân giải phóng) tiến công các xe mắc kẹt ở giữa. Trận ác chiến diễn ra trong bốn giờ Đại đội A bị loại khỏi vòng chiến”(1).