Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 12 - Phần 2

Trên đây là một đoạn tường thuật tóm tắt của tác giả Mỹ Xten-tơn về trận Cần Đâm. Còn thực tế thì gay go hơn nhiều.

Những ngày chờ địch đã căng, khi địch đến, bên cạnh cái mừng địch đã trúng kế, cái lo lại ập đến: Trước hết làm sao kéo căng đội hình hành quân của địch lọt vào trận địa phục kích của ta, không cho chúng “sổng chuồng” khi ta nổ súng. Sau này khi chiến dịch kết thúc, về tổng kết rút kinh nghiệm, nghe các đồng chí chỉ huy trung đoàn 2 báo cáo diễn biến mới thấy hết được tính phức tạp của trận đụng độ. Khi sư đoàn thông báo - lúc ấy là 15 giờ 20 phút đoàn xe địch xuất phát từ Chơn Thành lên Hớn Quản, mười phút sau đó nghe rõ tiếng động cơ, cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn mới thực sự phấn khởi. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Đi đầu là chiếc M.41 đen trũi như con bọ hung, tiếp đến là M.113, cách nhau mỗi xe năm mươi mét, tốc độ chậm, tỏ ra thận trọng.

Theo đúng kế hoạch, khi đoàn xe đến cầu Tàu Ô, công binh cho nổ mìn ĐH.10, xe địch tăng tốc, như để tránh nguy hiểm. Khi chiếc xe thứ mười bảy lọt vào trận địa, đại đội 1 (tiểu đoàn 4) nổ súng, phút đầu diệt một M.41, hai mươi phút sau diệt thêm bốn chiếc nữa, cả đoàn xe phải dừng lại. Nhiệm vụ chặn đầu của tiểu đoàn 4 đã hoàn thành. Hơn một giờ sau trên hướng tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5 đều hoàn thành nhiệm vụ. Cũng tại đây một tiểu đội của ta phục đánh bất ngờ, bắt được một xe M.113, địch bỏ chạy, nhưng máy vẫn nổ. Biết xe còn tốt, mọi người nhìn nhau thất vọng vì không ai làm nghề lái xe (sau chiến dịch đánh giao thông này, Bộ chỉ huy Miền điện ra Bộ Tổng Tham mưu xin bổ sung lực lượng biết lái xe vận tải quân sự và cả xe tăng, thiết giáp để có người xử lý khi có chiến lợi phẩm thuộc loại cao cấp này).

Nhưng tình hình bỗng chốc trở nên phức tạp. Địch từ phía sau (Chơn Thành) tổ chức thành hai cụm lên phản kích ở khu vực Tàu Ô. Trung đoàn phải đưa lực lượng dự bị (tiểu đoàn 6) vào chiến đấu ở nam, bắc Tàu Ô. 17 giờ, bảy xe M.41, M.113 từ Chơn Thành lên, thọc thẳng vào trận địa ta ở khu vực ngã ba Cây Đa, ta diệt bốn xe, còn ba xe quần nhau với bộ binh ta, chúng chạy thẳng về Tàu Ô hợp điểm với đồng bọn từ Tân Khai đánh xuống. Trận ác chiến diễn ra trong bốn giờ liền, như địch thừa nhận (từ 15 giờ đến 18 giờ mới kết thúc).

Thắng nhưng không trọn vẹn, lực lượng khóa đuôi mỏng, lại thiếu lực lượng dự bị mạnh, khi địch tăng viện ta xử lý lúng túng, không kịp thời, nổ súng không đồng loạt, một số xe địch có điều kiện quay lại cụm thành hình vòng đối phó. Khi pháo địch bắn dữ dội, ta tổ chức rút chưa nhanh nên bị thương vong.

Nhưng trận thắng trong chiến dịch đánh giao thông địch trên đường 13 gây cho Mỹ nhiều lúng túng trong âm mưu mở cuộc hành quân “dự phòng” nhằm phá cuộc tiến công của ta, tạo đà cho những trận thắng tiếp sau của sư đoàn trong đợt hoạt động mùa mưa, lại xảy ra ở địa điểm khác.

Đó là trận phục kích địch trên khu vực cầu Cần Lê mà địch gọi là “trận Srok Dong - là một trận đánh cổ điển trong chiến tranh Việt Nam”(2).

(1) (2) Sách: Sự thăng trầm của đạo quân đánh bộ Hoa Kỳ ở Việt Nam của Xten-tơn do Minh Đạo lược dịch đăng trong Tạp chí Lịch sử quân sự số 19, 20, 21 năm 1987.

Cần Lê cũng là khu vực nằm trong kế hoạch tổng thể đánh giao thông địch trong đợt hoạt động mùa mưa của sư đoàn.

Nhưng khi xảy ra lại là trận phục kích hai chiều, không phải chỉ đánh địch từ Hớn Quản lên mà còn tiến công địch từ Lộc Ninh rút về.

Chiều 27 tháng 6, sư đoàn được tin trinh sát kỹ thuật của Miền: một đoàn xe cơ giới địch đang chuẩn bị xuất phát từ Hớn Quản lên đón quân Mỹ rút từ Lộc Ninh về theo đường 13. Như vậy theo phán đoán của sư đoàn, cuộc hành quân dự phòng “En Pa-xô” của địch đã bị phá sản, âm mưu phá cuộc tiến công của ta đã thất bại, chúng thấy không thể trụ lại vì đường 13 đang tắc nghẽn ở đoạn vừa xảy ra trận đánh của Trung đoàn 2: cầu Cần Đâm. Việc vận chuyển vũ khí, đạn dược, nhu cầu hậu cần cho lính Mỹ gặp nhiều trở ngại.

Bộ tư lệnh sư đoàn hội ý quyết định: Đây là trận đánh do sư đoàn trực tiếp chỉ huy, sở chỉ huy đặt ở điểm cao 124, lực lượng sử dụng:

- Lệnh cho Trung đoàn 1 tạm ngừng kế hoạch tiến công Lộc Ninh, chuyển sang đánh phục kích đoàn xe cơ giới địch từ Hớn Quản lên.

- Trung đoàn 2 đánh địch phản kích phía sau.

- Trung đoàn 3 đánh địch đổ bộ đường không (rút kinh nghiệm trận Cần Đâm, Sư đoàn nhận định: “ Thế nào địch cũng sử dụng sở trường của đội quân công tử - sẽ đổ bộ đường không khi bị đánh để cứu nguy cho bộ binh”).

- Phương châm tác chiến, đánh nhỏ đồng thời chuẩn bị đánh lớn, chặn diệt bộ binh, cơ giới đồng thời đánh địch đổ bộ trực thăng.

Trong quá trình trao đổi kế hoạch tác chiến, một vấn đề nổi lên là bố trí thế nào. Ở đây chỉ cách chi khu quân sự Lộc Ninh có bảy ki-lô-mét, không có địa hình trung bình như Cần Đâm, rừng thưa, đồng trống, phần lớn là cây dừa nước mọc xen với cỏ le. Từ vị trí tập kết đến khu chiếm lĩnh phải vượt qua ba con suối khó khăn trong cả cơ động và giấu quân. Vì vậy phải bố trí thế trận vận động phục kích.

Ý kiến khác (chủ yếu của phái quân sự) thì ngược lại. Làm như vậy khi tiếp cận địch bị trống trải, không an toàn, rất phiêu lưu.

Đây là vấn đề tư tưởng chiến thuật, có ảnh hưởng trực tiếp đến trận đánh nếu không được giải quyết.

Sau khi trao đổi thống nhất ý kiến, Bộ tư lệnh Sư đoàn phân công tôi thực hiện. Trước hết cần gặp các đồng chí cán bộ chủ chốt cấp trung đoàn để trao đổi thông suốt, kết hợp với bàn công việc chuẩn bị cụ thể vừa tranh thủ được thời gian vừa giải quyết vấn đề có chiều sâu, gắn với thực tế.

Trận địa phục kích gần hay xa không theo ý muốn chủ quan, càng không thể cứng nhắc với điều đã học. Nó phụ thuộc trước hết vào nhiệm vụ chiến dịch, vào yếu tố địa hình, vào đối tượng địch cụ thể mà ta có nhiệm vụ xóa sổ. Chúng ta chọn Cần Lê làm trận địa phục kích đánh quân dịch từ Hớn Quản lên đón quân từ Lộc Ninh về, nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ cơ bản của chiến dịch đánh giao thông địch. Nếu thừa nhận chỉ có Cần Lê mới là trận phục kích thứ hai thì phải chấp nhận biện pháp chiến thuật vận động phục kích, vì đặc điểm địa hình nơi đây quyết định. Tiến công hay phòng ngự, tập kích hay phục kích đều có chung một yêu cầu là tạo thế bất ngờ. Ở Cần Lê, tạo yếu tố bất ngờ chính là phải bố trí trận địa phục kích từ xa, thực hiện biện pháp chiến thuật vận động phục kích (đây không phải là điều mới, nó đã được áp dụng trong thời kỳ kháng chiến chín năm trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ).

Tất nhiên là việc cơ động và giấu quân khó, nhưng nếu chúng ta có biện pháp ngụy trang khéo, xây dựng công sự tốt, xuất kích đúng lúc, ta sẽ ở vào thế bất ngờ, trên tầm cao tiến công địch ở tầm thấp, phơi lưng trên trảng trống dài hơn ba ki-lô-mét để ta tiêu diệt.

Lúc nêu vấn đề tranh luận thì hăng, tưởng như không có lối thoát. Nhưng khi trao đổi có lý có tình, kết hợp cả thực tiễn những trận đánh trước đó, thì tư tưởng thông suốt, công việc chạy đều. xin trở lại trận Cần Lê. Sau khi bàn bạc nhất trí, các đồng chí trung đoàn 1 đã khẩn trương bắt tay vào thiết bị chiến trường, xây dựng hầm hào công sự, theo yêu cầu vận động phục kích; làm đến đâu tiến hành ngụy trang đến đó, thực hiện nghiêm kỷ luật giữ bí mật. Nhận lệnh chiều 27 tháng 6, Trung đoàn 1 vừa hành quân, vừa làm công tác chuẩn bị; đến đêm 29 tháng 6 hoàn thành, vào chiếm lĩnh trận địa, tất cả đều sẵn sàng thì sáng hôm sau 30 tháng 6 đã bước vào chiến đấu, khi một đoàn xe địch từ Hớn Quản tiến lên hướng Lộc Ninh; khác với Trung đoàn 2, thời gian chờ đợi quá lâu.

Phải dùng hình thức vận động phục kích, nhưng do có biện pháp bảo đảm tốt, Trung đoàn 1 ngay từ đầu đã đánh địch trên thế bố trí thích hợp, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Khi trận chiến đấu xảy ra, đội hình địch bị chặn đầu khóa đuôi như thân rắn bị quằn, khúc oằn ra, đoạn co lại, là lúc từ vị trí xuất phát xung phong các đơn vị Trung đoàn 1 vận động ra, B.40 cách năm mươi mét, ĐKZ cách một trăm mét là cự ly thích hợp diệt địch.

Việc chặn đầu khóa đuôi, chặn địch từ Hớn Quản lên diễn ra ăn khớp, đội hình hành quân của địch bị ùn, tạo thuận lợi cho ta tiến công tiêu diệt chúng. Sự chống trả có nhưng khác với Cần Đâm, chỉ là lực lượng tại chỗ, số còn sống sót cụm lại, dựa vào vỏ thép hỏa lực chống trả yếu ớt, tuyệt vọng, chỉ có thể trông chờ vào quân đổ bộ đường không.

Chỉ huy sư đoàn chúng tôi vừa trao đổi nhận định như thế, thì sự thật đã xảy ra đúng như nhận định. Gần giữa trưa bầu trời trong, quang mây, từ phía Hớn Quản có tiếng ầm ì vọng đến mỗi lúc mỗi gần, liền đó nhiều máy bay lên thẳng xuất hiện. Chúng đổ quân xuống tây nam trảng Bà Nghi, thực hành phản kích nhằm đẩy lùi áp lực của ta ra xa. Cuộc chiến đấu trở nên gay go, phức tạp. Mãi 19 giờ khi mặt trời gần tắt, trận đánh mới kết thúc. Trung đoàn 1 vừa đánh địch tại chỗ vừa phải chống đỡ với quân tăng viện đổ bộ đường không, tuy thắng lợi nhưng cũng bị thiệt hại.

Mặc dầu rất thông cảm với cấp dưới, nhưng tôi vẫn gọi điện xuống nghiêm khắc: Trung đoàn 3 xuất kích chậm vì sở chỉ huy không ra sát mặt dường, mất thời cơ đánh địch, nên trận đánh không kết thúc nhanh gọn, kéo dài, gây thêm khó khăn cho các trung đoàn bạn.

Các đồng chí trong ban chỉ huy trung đoàn 3 chẳng những không phản ứng, trái lại thấy rõ khuyết điểm của mình gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung nên đã nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm, tích cực sửa chữa, không để cho khuyết điểm này tái diễn. Có đồng chí khóc vì ân hận.

Mặc dù địch đã bị đòn đau, với gần 80 xe tăng, xe bọc thép, hơn 600 lính Mỹ thuộc sư đoàn 1 bị chết và bị thương sau hai trận đụng độ với ta ở Cần Đâm, Cần Lê, nhưng chúng chưa chịu từ bỏ con đường 13, vì đây là đường tiếp tế chính cho Bình Long, Lộc Ninh. Chúng vẫn phải đưa thêm lực lượng và phương tiện chiến tranh lên để củng cố các căn cứ Hớn Quản - Chơn Thành, Minh Hòa nhằm bảo vệ tuyến phòng thủ bắc Sài Gòn.

Để tránh bị ta phục kích, địch tăng cường tuần tra, nghi binh đánh lạc hướng; dùng bom pháo dọn đường, đồng thời chúng còn tìm thêm đường khác, thường xuyên thay đổi quy luật hành quân. Ngoài đường 13, địch còn sử dụng đường đá đỏ nối liền Hớn Quảng - Minh Hòa. Đây là con đường độc đạo nằm giữa đường 13 và sông Sài Gòn nên việc che giấu lực lượng và vận động phục kích của ta gặp nhiều khó khăn.

Thấy những triệu chứng chúng đang chuyển đội hình hành quân sang đường này, Bộ tư lệnh Sư đoàn trao đổi và đi tới thống nhất quyết định khắc phục mọi khó khăn, khẩn trương hình thành thế trận phục kích, sẵn sàng đánh địch khi chúng mở cuộc hành quân, với lực lượng phân công như sau:

- Trung đoàn 2 được tăng cường một tiểu đoàn của trung đoàn 16 làm nhiệm vụ chủ yếu.

- Trung đoàn 1, trung đoàn 3 làm nhiệm vụ chặn viện phía sau.

Ngày 28 tháng 6, Trung đoàn 2 hoàn thành công tác chuẩn bị, bộ đội tiến vào vị trí xuất phát tiến công. Nhưng mãi mười ngày sau (8 tháng 7) trận đánh mới xảy ra. Phải chờ lâu nhưng Trung đoàn 2 đã có kinh nghiệm chờ dài ngày trong trận Cần Đâm, anh em nhanh chóng thông suốt, không xuất hiện tư tưởng nôn nóng.

Mặc dầu đã có nhiều việc làm đánh lạc hướng đối phương, mặt khác rút kinh nghiệm thất bại ở Cần Đâm, Cần Lê mới đây nên khi khởi sự địch vẫn rất thận trọng đưa bộ binh chốt giữ dùng tối đa hỏa lực pháo binh, không quân dọn đường.

Ngày 9 tháng 7, sau ba tiếng bắn phá hủy diệt các vạt rừng hai bên đường, đoàn xe mới vượt qua cầu Xa Cát.

Đây là trận địch chuẩn bị hỏa lực kéo dài chưa từng có trước đó.

Ngồi ở sở chỉ huy chúng tôi thấy như có lửa đốt trong lòng, nghe âm thanh bom đạn liên tục từ phía Trung đoàn 2 dội về mà đứng ngồi không yên! Mặc dầu tin tức từ trung đoàn vẫn được đều đặn báo cáo về sư đoàn qua mạng lưới thông tin. Kiên trì đã được đền đáp, địch bắt đầu dẫn xác đến. Điều chủ yếu mà chúng tôi nhắc Trung đoàn 2 lúc này - cần theo dõi đội hình hành quân của địch để thực hiện chặn đầu, khóa đuôi đúng lúc.

Từ kinh nghiệm Cần Đâm, tôi nhấn mạnh: quyết chia cắt không cho địch co cụm.

Trận chiến đấu lúc đầu diễn ra thật gay go. Nhưng ta ở thế chủ động nên thắng lợi thu được nhanh gọn. Đội hình hành quân của địch lọt vào trận địa phục kích của ta cơ bản bị tiêu diệt. Chúng phải đưa viện binh từ Minh Hòa ra cùng với máy bay lên thẳng đổ quân xuống nam cầu Xa Cát, bị Trung đoàn 3 chặn đánh. Tiểu đoàn thuộc trung đoàn 16 mới từ miền Bắc vào tất cả đều mới lạ, nhưng trong trận đánh lần đầu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, diệt hai phần ba lực lượng địch ở Xa Cát.

Tiểu đội do tiểu đội trưởng Thắng phụ trách bắn cháy chín xe, được giao báo cáo thành tích trực tiếp qua điện thoại về tư lệnh sư đoàn.

- Báo cáo có chín xe “chạy”!

Mới nghe mừng, sau thắc mắc: Cháy hay chạy? Nếu để địch chạy thì thắng lợi cái gì?

- Báo cáo lại. - Nói chậm mới nghe rõ.

- Báo cáo có 9 xe “chạy”.

- Sao lại chạy - đánh vần chữ chạy.

- Báo cáo ch...áy.

- Cháy phải không?

- Dạ đúng.

Tôi reo lên, thế chứ, cả tiểu đội Thắng bắn cháy chín xe.

Một trục trặc thật vui. Sau hỏi ra mới biết Thắng quê ở Nghi Lộc, nơi nổi tiếng phát âm khó nghe nhất của tỉnh Nghệ An, vì trung đoàn 16 từ Khu 4 mới bổ sung vào.

Trận đánh trở nên phức tạp không phải đo lực lượng cơ giới đi trên đường mà là viện binh từ phía Minh Hòa tiến ra và máy bay lên thẳng địch đổ quân xuống phía nam cầu Xa Cát. Trung đoàn 3 lần này tích cực sửa chữa khuyết điểm mắc trong trận Cần Lê, cùng các chiến sĩ thông tin, hậu cần sư đoàn, kể cả các chiến sĩ của Trung đoàn 2 bị thương nhẹ đều tình nguyện tham gia chiến đấu. Trận đánh vì thế phải kéo dài đến ngày 11 tháng 7 mới kết thúc.

Những trận mưa xối xả đã bớt dần, tiết trời bước vào trung tuần tháng 7. Sau trận Xa Cát - Minh Hòa cũng là thời điểm kết thúc cuộc hành quân không theo quy luật thời tiết.

Nhưng chặng đường hành quân ấy đã ghi thêm nét đậm trong sổ vàng của Sư đoàn 9 những chiến công mới. Sự việc bắt đầu từ chủ trương mở cuộc tiến công vào căn cứ Phước Vĩnh, nhưng không có lương thực phải chuyển hướng lên Lộc Ninh, rồi bị lộ, địch mở cuộc hành quân “dự phòng” tăng cường lực lượng bảo vệ Lộc Ninh, buộc chúng tôi phải chuyển hướng từ phía bắc, đội hình sư đoàn quay ngược xuống nam, đánh viện binh địch trên đường 13: Từ chủ động đến bị động rồi lại chủ động, nhưng chủ động sau hay hơn, thông minh hơn. Chúng tôi phải chủ trương mở mặt trận mới - đánh địch trên đường giao thông, kéo địch ra khỏi công sự mà đánh.

Kế hoạch tạo thế của chúng tôi thành công, buộc quân Mỹ phải lên chi viện cho Lộc Ninh và phải đi qua những trận địa bày sẵn ở Cần Đâm - Tàu Ô, ở Cần Lê - Ba Nghi, ở Xa Cát - Minh Hòa để chuốc lấy thất bại. Kết quả là viện binh địch phải bỏ Lộc Ninh co về Hớn Quản, Lộc Ninh bị vô hiệu hóa. Các kho tàng ở bắc Lộc Ninh của ta vẫn được an toàn.

Thắng lợi của chiến dịch đánh phá giao thông địch trên đường 13 đã rõ ràng, nhưng đâu phải suôn sẻ. Vẫn còn có ý kiến cho rằng hoạt động quân sự của ta vừa qua đánh vào chỗ mạnh của địch là không đúng với nguyên tắc tránh mạnh đánh yếu. Tuy có diệt được cơ giới, diệt được tăng, thiết giáp của địch nhưng ta cũng bị tiêu hao.

Anh Thanh lại đến với chúng tôi trong những ngày tổng kết đợt hoạt động này. Anh nghe chúng tôi trao đổi và hỏi cặn kẽ diễn biến các trận “điệu hổ ly sơn”.

- Mình có duyên nợ với Sư đoàn 9 các cậu. - Anh hồ hởi nói ngay giây phút đầu tới sư đoàn.

- Chúng tôi mong hoài, lo anh không đến! - Tôi vẫn bị động khi anh nắm tay tôi, nói. - Nếu anh dù bận không đến thì chúng tôi vẫn buồn, vẫn tiếc!

Anh lắng nghe, anh hỏi:

- Đặc điểm khác nhau giữa tổ chức chiến đấu phục kích đánh quân Mỹ có khác gì với đánh quân đội thực dân Pháp.

Mỗi người một ý, tùy theo cảm thụ của mình mà trả lời những câu hỏi trên đây của anh.

Cuối cùng anh phát biểu tuy ngắn nhưng với tinh thần khen chê thẳng thắn, giúp chúng tôi nhận thức ra nhiều điều hay, bổ ích. Anh nói:

- Sư đoàn 9 một lần nữa chứng tỏ là một đơn vị chủ lực tin cậy của Miền. Phát huy tinh thần trách nhiệm chính trị cao, chủ động tổ chức đợt hoạt động quân sự đánh giao thông địch trên đường 13 đạt hiệu quả rõ rệt, góp phần trực tiếp làm thất bại âm mưu “bẻ gãy xương sống Việt cộng” của Mỹ, diệt lực lượng chi viện cho Lộc Ninh trong khuôn khổ hành quân truy quét tuyến biên giới, đánh phá căn cứ, hậu cần của ta. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến dịch - chiến lược, cần được biểu dương khen thường, cần được rút kinh nghiệm phổ biến kịp thời đến các đơn vị bạn nghiên cứu vận dụng. Vây điểm đánh viện mà Sư đoàn 9 áp dụng trong đợt hoạt động này được xem như một thuật ngữ mới (thuật ngữ thường dùng là đánh điểm diệt viện). Viện đây là các đoàn cơ giới. Ở đây không đánh tăng, thiết giáp thì sẽ không có chỗ đứng chân, không ở yên với địch. Không diệt tăng, thiết giáp thì không thể gọi là đánh Mỹ. Có thể nói thời điểm cáo chung của chiến thuật “thiết xa vận” được bắt đầu từ đây, buộc địch phải chuyển sang chiến thuật “trực thăng vận”. Đường 13 bị chúng ta bước đầu vô hiệu hóa.

Cuối cùng anh kết luận:

- Như vậy là trúng rồi đấy! Các đồng chí cần rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh biện pháp tổ chức thực hiện, vì kẻ địch rất thực tế và ngoan cố, không cam chịu bó tay. Nhiệm vụ sắp tới đang còn rất nặng nề nhưng cũng nhiều triển vọng đang mở ra trước mắt chúng ta. Đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực vươn lên. Chúc các đồng chí khỏe và thu nhiều thắng lợi trong nhiệm vụ mới.

Chúng tôi tiễn anh đầy lưu luyến, biết ơn trong tình đồng chí tình anh em và riêng tôi còn có cả tình cảm thầy trò. Bởi mỗi lần anh có mặt lại mang đến cho chúng tôi những nhận thức mới, giải tỏa cho chúng tôi những băn khoăn vướng mắc, tiếp sức cho chúng tôi lòng tự hào, tự tin mới để tiến về phía trước.