Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 15 - Phần 1

Chương 15

Tháng 7 năm 1969 tôi được Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền cử ra Hà Nội báo cáo kết quả hoạt động quân sự trên chiến trường B2 trong hai năm 1967 - 1968, kết hợp vào Viện quân y 108 điều trị bệnh dạ dày đã giày vò tôi trong nhiều năm.

Ra viện, tôi nhận quyết định ở lại làm phái viên của Quân ủy Trung ương.

Do được tích lũy kinh nghiệm chiến đấu qua tham gia chỉ huy các trận đánh Mỹ ở Bầu Bàng, Dầu Tiếng, Nhà Đỏ - Bông Trang, Cần Đâm, Cần Lê, trong chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của Mỹ vào chiến khu Dương Minh Châu, tôi được các anh lãnh đạo Bộ Quốc phòng giao tham gia cùng với Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch tiến công quân sự đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ vào Đường 9 - Nam Lào; tham gia xây dựng nội dung tập huấn cán bộ phục vụ yêu cầu chiến đấu mới; cùng anh Vương Thừa Vũ, phó Tổng tham mưu trưởng lên Xuân Mai, Sơn Tây tổ chức diễn tập thực binh sư đoàn chiến đấu tiến công hiệp đồng binh chủng diệt cụm quân Mỹ, chiến đoàn ngụy. Lúc này Bộ cũng đã thành lập quân đoàn(1) để đón thời cơ, nhưng sau đó vì nhiều lý do đã giải thể.

(1) Cuối năm 1970 Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập binh đoàn 70 gồm các sư đoàn 304, 388. 320; trung đoàn pháo 43, trung đoàn cao xạ 241 làm nhiệm vụ cơ động chiến lược, chiến dịch do Đại tá Cao Văn Khánh - tư lệnh, đại tá Hoàng Phương - chính ủy.

Thời gian và công việc đã thật sự lôi cuốn tạo thành sự hứng khởi trong tôi. Phần vì được dịp trình bày với các anh lãnh đạo cấp trên, với các cơ quan chức năng của Bộ những suy nghĩ, những tâm đắc của bản thân rút ra từ thực tế đánh Mỹ qua hai mùa khô ở Đông Nam Bộ; phần có điều kiện trao đổi, học hỏi những vấn đề mới về đường lối quân sự, nghệ thuật chiến dịch, tư duy quân sự trong tôi được nâng lên rõ rệt.

Thời gian làm nhiệm vụ phái viên của Quân ủy, tôi được tiếp nhận nhiều nguồn thông tin chỉ đạo chiến tranh, tổ chức thực tiễn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương có tầm nhìn đi trước thời gian, bao quát không gian rộng. Sau thắng lợi ở mặt trận Đường 9 - Nam Lào, sự chuyển biến cục diện chiến lược có lợi cho ta, các anh trong Bộ Chính trị đã hình thành chủ trương về một đợt hoạt động quân sự tiếp theo trong năm 1971 và cho cả năm 1972. Và ở cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, bộ phận giúp việc Quân ủy bắt đầu chuyển động, chuẩn bị dữ kiện để đề xuất, vạch kế hoạch, biện pháp phải làm khi cấp trên đòi hỏi, khi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương có nghị quyết chính thức.

Tuy mới chỉ là dự kiến, tất cả đang còn khuôn trong phạm vi hẹp, nhưng các cơ quan giúp việc Tổng tư lệnh, Quân ủy Trung ương (Bộ Tổng Tham mưu - Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần) đã triển khai thực sự với nhịp điệu khẩn trương, trên tinh thần nghiêm túc.

Từ khả năng đã trở thành hiện thực. Tháng 5 năm 1971 Bộ chính trị họp chính thức ra nghị quyết, tiếp đó Quân ủy Trung ương ban hành nghị quyết tổ chức thực hiện cụ thể.

Kết thúc hội nghị Quân ủy Trung ương, anh Lê Duẩn nêu ý kiến:

- Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương đã có nghị quyết, cần người vào B2 trực tiếp truyền đạt, vì thời gian đang rất khẩn trương, công việc lại nhiều.

Các anh trong Thường trực Quân ủy suy tính. Anh Lê Trọng Tấn huyết áp đang thời kỳ dao động. Rồi tôi được gọi lên. Trước hết các anh thăm hỏi sức khỏe, tình hình gia đình. Tôi báo cáo:

- Dạ dày đã cắt được sáu tháng, ổn định, sức khỏe tốt.

Anh Văn ngắm nhìn thần sắc như muốn thẩm định về bệnh tình ổn định, sức khỏe tốt mà tôi vừa báo cáo, rồi thân mật:

- Hoàng Cầm có thể trở lại chiến trường được không?

- Dạ được. - Tôi trả lời.

- Đi được ngay? - Anh Văn hỏi tiếp.

- Báo cáo sẵn sàng. - Tôi đáp.

- Chuẩn bị gấp. - Anh Văn chỉ thị.

Không gian nơi anh Văn làm việc thoáng đãng và yên tĩnh, thỉnh thoảng có tiếng động cơ xe chạy từ phía đường Hoàng Diệu vọng vào. Căn phòng đơn giản, ngăn nắp mà đầy đủ. Một không khí ấm cúng, một tình cảm bình đẳng, thân mật lan tỏa, anh Văn rót nước mời tôi rồi tiếp tục giao nhiệm vụ:

- Bộ Chính trị đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn toàn miền Nam trong năm 1972, nhằm tiêu diệt một phần lớn lực lượng chủ lực quân ngụy, đẩy mạnh phong trào nổi dậy của quần chúng và đấu tranh chính trị ở các đô thị, giải phóng thêm những vùng đất đai rộng lớn, làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc chính quyền Mỹ phải chấp nhận giải pháp chính trị có lợi cho ta, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài.

Riêng với B2 yêu cầu khẩn trương kết thúc đợt hoạt động phối hợp với bạn trong chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân “Toàn thắng 1/71” của Mỹ - ngụy, chuyển toàn bộ đội hình khối chủ lực về nước triển khai chuẩn bị đợt tiến công quân sự vào đầu mùa khô năm 1972 nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh chiếm một số bàn đạp then chốt, cải thiện thế trận, khôi phục lại cơ sở như trước Mậu Thân 1968. Vì vậy cần cử người vào gấp truyền đạt, để kịp chuẩn bị với các chiến trường khác, vì Đông Nam Bộ là hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.

Buổi làm việc thân tình, cởi mở, nhưng khi kết thúc, tôi vẫn đứng dậy theo tư thế nghiêm, giơ tay chào theo điều lệnh trước lúc ra về. Anh Văn cũng đứng dậy, theo tư thế nghiêm giơ tay chào đáp lễ cấp dưới. Anh lại nở nụ cười quen thuộc, nắm tay tôi lắc nhẹ, chúc tôi khẩn trương chuẩn bị để lên đường theo đúng ngày quy định.

Tôi tranh thủ nghiên cứu nắm vững ý định của cấp trên, thu thập các tài liệu, văn bản có liên quan đến nhiệm vụ của chuyến đi.

Tư tưởng thoải mái, thanh thản, hành trang cũng gọn nhẹ, theo quy định chung của mỗi cán bộ, chiến sĩ lên đường đi B.

Một ba lô con cóc, có đủ quần áo, màn, võng, tăng, bạt, túi thuốc cá nhân, với một định suất ăn khô dự phòng khi tình thế không nấu cơm được, khi địch vây căn cứ, đánh úp, đội hình hành quân phải phân tán.

Nếu phải suy nghĩ tìm hiểu, ấy là vì sao sức khỏe tôi lại chóng bình phục sau khi nằm viện? Vì sao dạ dày của tôi được khâu lại sau khi đã cắt hai phần ba, rồi chỉ bục do thịt bở không còn tế bào nuôi dưỡng.

- Phải cắt hết? - Tôi hỏi.

- Cắt thì dễ, nhưng còn có điều kiện tồn tại, tiếp tục làm việc. - Giáo sư Tôn Thất Tùng giải thích.

Hội đồng khoa học bệnh viện họp bàn cách xử lý. Cứ thử phun Pê-lê-xi-lin vào vùng mổ rồi đóng lại, sau một tuần nếu chịu, sẽ không phải cắt tiếp.

Gần như chưa gặp ca này bao giờ, sau khi làm các công việc kể trên, anh Tùng trao đổi với tôi:

- Chiến đấu gian khổ, ăn uống thiếu thốn, mất hết dinh dưỡng làm da thịt anh bở, hay vì ảnh hưởng chất độc hóa học?

Ngay lúc ấy tôi có suy nghĩ, nhưng cũng thoảng qua, tôi lại tự nhủ, sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Nếu đúng thì nghĩ cũng đến thế, nếu không đúng thì, tư tưởng là rất quan trọng, thanh thản là một thứ thuốc đặc trị không thể mua được.

Đến lúc nhận lệnh thì người đã khỏe, chắc là bệnh lành chứ không ác. Tôi tranh thủ luyện tập, ăn có ít hơn, vì dạ dày cắt nhiều, kết hợp đi xe đạp về thăm nhà vào những ngày nghỉ.

- Anh lại đi!

Chưa kịp nói tiếp thì vợ tôi cắt ngang:

- Đi đâu?

- Đi B.

- Sao phải đi? Anh thuộc diện “phế phẩm”, dạ dày chỉ còn bằng cái chén.

- Lệnh trên. - Tôi trả lời.

Một thoáng im lặng, nhìn nét mặt vợ, tôi thấy có cái gì như ý thức được hai chữ lệnh trên, đồng thời lại buột lên nghi vấn:

- Hay là anh có cái gì trong đó?

- Có nhiệm vụ và có đồng chí.

Một nét buồn lo hiện trên gương mặt vợ, khiến tôi chạnh lòng, chỉ thấy thương, thấy yêu chứ không có gì trách cứ, vì lúc này một nách năm con còn nhỏ dại mà tình hình miền Bắc vẫn đang rất gian khổ và căng thẳng.

Nói gì lúc này cũng thấy khó và không cần thiết. Tôi chỉ im lặng và quay ra âu yếm đàn con, hỏi chúng đủ điều, tạo ra một khung cảnh vui của trẻ thơ làm khuây khỏa tình cảm mẹ cha.

Công việc chuẩn bị xong trước thời gian quy định. Cùng đi với tôi có đồng chí Hiền Tràng, Cục phó Quân huấn vào tổ chức huấn luyện cho các đơn vị chủ lực của Miền theo yêu cầu cách đánh mới, đã qua tập huấn ở Sơn Tây. Như vậy là ngoài nhiệm vụ như đã kể trên, tôi còn được giao thêm công việc phổ biến kinh nghiệm chiến đấu ở mặt trận Đường 9 - Nam Lào.

Tôi đến gặp anh Văn xin thêm ý kiến trước khi lên đường.

Ngay từ phút đầu anh đã tạo tình cảm ấm cúng, chan hòa, cởi mở, lưu luyến giữa người ở lại và người đi xa. Cái nghi thức ban đầu theo điều lệnh nội vụ được xóa đi rất nhanh. Anh mời tôi ngồi, pha trà mời tôi uống, có cả bánh kẹo và thuốc lá. Rồi anh ân tình động viên, khuyên nhủ:

- Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định, Hoàng Cầm sẵn sàng nhận và lên đường gấp như vậy là tốt là tiếp tục phát huy truyền thống nhanh gọn trong lần đầu nhận nhiệm vụ chiến đấu hồi đầu năm 1965. Nhưng phải giữ gìn sức khỏe, vì lúc này sức khỏe là hàng đầu, thiếu nó là không đi hết được chặng đường, không vào đến nơi, không hoàn thành nhiệm vụ. Chú ý mỗi khi xe qua tọa độ (nơi trọng điểm địch đánh phá) nên xuống xe, vì đường khó đi, có thể người bị bắn ra ngoài, vết mổ mới liền chỉ, dễ bục.

Việc chính anh nhắc sau, rất gọn:

- Nhiệm vụ được giao đã rõ, vào đó làm gì do trong ấy phân công.

- Tôi xin làm phái viên đốc chiến.

- Tùy, do Trung ương Cục quyết định.

Tôi đứng dậy hứa nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của anh.

Anh nắm chặt tay tôi hồi lâu, như gắn tình cảm giữa tôi và anh, tình cảm cấp trên cấp dưới, tình đồng chí, đồng đội ấm áp, vì anh đã biết tôi và tôi được biết anh, qua các trận Đông Khê, Nà Sản, Điện Biên Phủ.

Lại tạm biệt Hà Nội, thủ đô phẩm giá của con người, nhưng cũng đầy gian khổ và lắm thử thách. Đó là vào một buổi sáng của những ngày đầu hạ, trên chiếc Gát 69 máy tốt, đồng chí lái xe tay nghề khá, thạo đường. Hai ngày sau, chúng tôi vào tới địa phận tỉnh Quảng Bình, đến đèo Mụ Giạ nơi bắt đầu của con đường mang tên Bác - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

Lần lên đường này không gặp được Bác vì Bác đã đi xa, nhưng bao hồi ức trong tôi về Bác lại hiện về khi xe bắt đầu leo đèo Mụ Giạ và trong suốt chặng đường. Nhớ Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, tôi đứng dưới chân kỳ đài làm nhiệm vụ bảo vệ; nhớ Bác gọi lên hỏi han dặn dò trước khi tôi cùng tiểu đoàn 130 phối hợp cùng Trung đoàn 174 nổ súng tiến công cứ điểm Đông Khê mở đầu chiến dịch Biên Giới năm 1950; nhớ những ngày cùng Sư đoàn 7 nằm ở nam thị xã Thủ Dầu Một, nghe thư chúc Tết Mậu Thân - thúc giục chúng tôi tiến quân hỗ trợ cho nổi dậy Xuân 1968 tạo nên cục diện mới trên chiến trường miền Nam có lợi cho ta, buộc tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, nhận họp hội nghị Paris để tiến hành thương lượng. Con đường xuyên dọc đất nước dài 2.899 ki-lô-mét do công sức của bốn mươi nghìn cán bộ, chiến sĩ đoàn 559 cùng với hàng vạn thanh niên xung phong, dân công tạo dựng, nên thơ mà gân guốc, lắm rừng nhiều núi, lắm thác nhiều ghềnh, lắm nắng nhiều mưa. Những vất vả gian lao, những nguy hiểm quen thuộc lại đến khi đi trên con đường đầy kỳ tích này.

Lời dặn dò của anh Văn là đúng, nhưng cũng phải linh hoạt khi chấp hành do thực tế đặt ra. Nhiều lúc khi qua tọa độ phải khẩn trương, vượt nhanh, chậm là nguy hiểm. Tọa độ thứ nhất cho xe đi chậm thấy êm, tọa độ sau tăng thêm, cũng vẫn không có trục trặc, lại tăng dần, cho đến hết sức. Bằng sự nghiêm túc và linh hoạt, chứng tôi đã an toàn tới đích vào cuối tháng 5 năm 1971.

Người đầu tiên tôi gặp là anh Hoàng Văn Thái, Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền. Anh gầy yếu quá, đi phải chống gậy!

Thấy tôi anh mừng:

- Khỏi bệnh chưa, sao ở ngoài ấy lâu thế?

- Các anh Thường trực Quân ủy giữ lại.

Anh Thái cắt ngang:

- Sao lại vào? - Ngừng một lát anh hỏi vui. - Tự động vào à?

- Lệnh anh Ba(2)!

(2) Tên gọi thân mật anh Lê Duẩn.

Anh cười rạng rỡ, xua đi cái yếu mệt:

- Hay quá! Bọn mình trong này đang mong.

Ngay sau đó tôi gặp cả anh Trần Văn Trà, anh Lê Ngọc Hiền đang còn bận công việc điều hành chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân “Toàn thắng 1/71” của Mỹ - ngụy với quyết tâm xóa sổ chiến đoàn 8 quân đội ngụy Sài Gòn.

Anh Trà cũng xanh gầy, vẫn thoáng nét hào hoa, bận rộn mà vẫn đàng hoàng, tự tin đến nắm chặt tay tôi với nụ cười thân mật.

- Anh Năm ở đây cùng tụi này giải quyết nốt Snun(3) rồi ta tính tiếp.

(3) Là một thị trấn thuộc tỉnh Kra-chi-ê nằm trên đầu mối giao thông then chốt nối đường chiến lược số 13 và đường số 7, cách biên giới Campuchia - Việt Nam ba mươi ki-lô-mét, là căn cứ bàn đạp lấn chiếm và khống chế hoạt động của ta. Tại đây ta đã vây ép, tiến công tiêu diệt chiến đoàn B ngụy hồi tháng 5 năm 1971.

- Xin sẵn sàng! - Tôi đáp.

Những ngày đầu trở lại chiến trường, được gặp lại các đồng chí lãnh đạo chỉ huy cấp trên, bạn bè, đồng cấp làm dậy trong tôi tình cảm ấm cúng, chan hòa, khiến quên đi rất nhanh cái yếu mệt trong chuyến hành quân đường dài vừa mới kết thúc.

Đủ chuyện vui buồn, thành công và cả thất bại được mang ra hàn huyên tưởng chừng không sao dứt nổi.

Các anh thật vất vả, nếm chịu bao thử thách! Nhưng các anh đã đắp xây cho mảnh đất “Miền Đông gian lao và anh dũng” dày thêm bản lĩnh mới, tự hào mới. Được biết sau thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, kẻ địch đã áp dụng đủ loại mưu kế thâm độc và tàn bạo hòng vô hiệu hóa mảnh đất thân thương này; kết hợp chặt chẽ hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” để triệt phá cơ sở hạ tầng; đồng thời tăng thêm lực lượng quân Mỹ(4) mở các cuộc càn quét đánh phá ác liệt làm mất các vị trí bàn đạp của ta ở vùng ven đô; liên tục mở các cuộc hành quân “tìm diệt” tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, tăng cường hoạt động không quân, kể cả máy bay chiến lược B.52 ném bom, rải chất độc hóa học và dùng pháo bầy bắn phá suốt ngày đêm nhằm đẩy các đơn vị chủ lực Miền ra ngoài biên giới. Đồng thời địch bất thần mở các cuộc hành quân quy mô lớn vượt biên, khi thì bằng lực lượng Mỹ, lúc kết hợp với quân ngụy Sài Gòn, hoặc quân ngụy Sài Gòn với quân ngụy

(4) Bước vào năm 1969, tại Đông Nam Bộ địch vẫn duy trì 40% lực lượng Mỹ và chư hầu ở toàn miền Nam, hơn 30% lực lượng quân ngụy. Vẫn duy trì phòng thủ ba tuyến xung quanh Sài Gòn. Địch điều thêm sư đoàn 1 kỵ binh bay với số lượng máy bay lên thẳng 450 chiếc và sư đoàn 101 cơ động đường không của Mỹ từ miền Trung vào, để cùng với sư đoàn 25 bộ binh cơ giới, sư đoàn bộ binh số 1 liên tục hành quân đánh phá trên tuyên biên gtới Việt Nam - Campuchia.

Lon-non từ nhiều hướng tiến công bao vây chia cắt nhằm diệt một bộ phận chủ lực ta, phá hủy kho tàng, quấy rối, phong tỏa con đường chi viện chiến lược của ta từ miền Bắc tỏa xuống.

Âm mưu và hành động trên đây của địch đã gây cho ta nhiều khó khăn. Thực tế từ năm 1969, vùng giải phóng của ta ở Đông Nam Bộ bị thu hẹp và trở nên vùng không dân là phổ biến. Bộ đội chủ lực Miền và các phân khu chỉ còn một bộ phận đứng được ở các căn cứ ven đô, phần lớn lên vùng trung tuyến hoặc vùng biên giới. Tháng 9 năm 1969 các kho hậu cần của Miền chỉ còn 2.000 tấn gạo, không đủ bộ đội ăn trong một tháng. Quân dân miền Đông Nam Bộ lâm vào tình thế vô cùng khó khăn.

Các anh còn cho biết, đã xuất hiện tư tưởng muốn phân tán chủ lực về các địa phương đánh địch hỗ trợ nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương nổi dậy chống phá bình định, khôi phục thế trận chiến tranh nhân dân.

Các anh lãnh đạo Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền đã đề ra chủ trương vừa tiến hành giáo dục động viên mọi người thông suốt có nhận thức đúng về tính quy luật của tập trung, đánh lớn, về vai trò quyết định của quả đấm chủ lực; vừa có biện pháp về tổ chức nhằm khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ tiếp nhận sự chi viện của hậu phương lớn về người(5) và vật chất để củng cố giữ vững khối chủ lực về tổ chức, biên chế đi đôi với tổ chức huấn luyện nâng cao chất lượng chiến đấu, tích cực tăng gia sản xuất, khai thác nguồn hậu cần tại chỗ, tham gia mở đường và bảo vệ các hành lang vận chuyển từ tuyến chiến lược đến các căn cứ của Miền. Đồng thời có kế hoạch hoạt động quân sự chủ động tiến công, thực hiện tiêu hao, tiêu diệt địch, làm thất bại âm mưu địch định đẩy các đơn vị chủ lực ta phải phân tán, không còn tập trung đánh lớn và không còn chỗ đứng chân ở chiến trường miền Nam.

(5) Năm 1969, chiến trường Đông Nam Bộ tiếp nhận và có kế hoạch sử dụng tốt cảc đơn vị được tăng cường từ Tây Nguyên, Quân khu 5 vào; Sư đoàn 1 gồm ba trung đoàn 101C, 95C, 209, các trung đoàn 33, 174, 10 và 20.

Trước những thử thách đầy cam go, tưởng như mọi ngả đường đều bị vít lối, nhưng do có chủ trương và biện pháp cụ thể của lãnh đạo Miền, từ lực tốt hoạt động theo định hướng tạo thế; từ thế đứng từng bước được cải thiện đã tạo điều kiện cho lực tồn tại củng cố và phát triển hoạt động ngày càng có hiệu quả.

Trong hai năm sáu tháng (từ đầu năm 1969 đến giữa năm 1971) quân dân miền Đông Nam Bộ đã liên tục mở chín đợt hoạt động quân sự(6) vừa hỗ trợ nhân dân nổi dậy chống phá âm mưu “bình định” mới của địch với chiến dịch “Phượng hoàng”(7) đầy thâm độc và tàn bạo, vừa tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch ở chiến trường nội địa. Đồng thời phối hợp với quân, dân nước bạn mở chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân “Toàn thắng 1/71” và cuộc hành quân “Chen-la 2” của địch ở vùng đông bắc Campuchia, tạo ra thế mới và lực mới, bàn đạp chiến lược của ta ở tây nam được củng cố và mở rộng.

(6) - Đợt hoạt động quân sự mùa Xuân 1969.

- Đợt hoạt động quân sự mùa Hạ tháng 5/1969

- Đợt tiến công quân sự mùa Thu (11/8 đến 15/9/1969).

- Đợt tiến công quân sự mùa Đông năm 1969.

- Đợt tiến công quân sự Xuân - Hè năm 1970.

- Đợt tiến công quân sự mùa mưa năm 1970.

- Chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân “Toàn thắng 1/71” của Mỹ - ngụy vào đông bắc Campuchia.

- Chiến dịch phản công đường 6, đánh bại cuộc hành quân Chen-la 2.

- Đợt tiến công và nổi dậy tháng 2 năm 1971.

(7) Tên gọi chim trong thần thoại đốt đi rồi sống lại. Địch mở các cuộc hành quân cảnh sát rộng lớn mang tên”Phượng hoàng” nhằm thủ tiêu một thực thể mà chúng cho rằng cũng luôn luôn sống lại từ đống tro tàn - đó là hạ tầng cơ sở Việt cộng (tức cơ sở cách mạng) ở thành thị và nông thôn.

Từ năm 1969, tổ chức “Phượng hoàng” được phát triển nhanh (đi đôi với chương trình “bình định” được đẩy mạnh) có hệ thống hoàn chỉnh từ cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã đều có Ủy ban “Phượng hoàng” do người đứng đầu từng cấp làm chủ tịch (tỉnh trưởng, quận trưởng, xã trưởng).

Mục đích của chiến dịch “Phượng hoàng” là bình định, diệt và vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng của ta bằng thủ đoạn thâm độc và tàn bạo: dùng mật vụ, cảnh sát chìm điều tra nắm tình hình, phân loại cơ sở của ta rồi đề ra chỉ tiêu cho từng cấp phải diệt, phá; triển khai các chiến dịch khủng bố, bắt bớ bừa bãi, không cần biết ai là cách mạng, ai không cách mạng, cốt sao đạt được chỉ tiêu bắt, giết để thượng cấp cất nhắc ban thưởng.

Những bước đi thăng trầm và đầy sóng gió nhưng thật sống động và hào hùng mà tôi được biết trong lần trở lại B2 lần này đã cùng với chiến thắng lớn ở Đường 9 - Nam Lào, ở Tây Nguyên và đồng bằng duyên hải miền Trung được Bộ Chính trị đánh giá như là một thời cơ lớn đã xuất hiện.

Thời điểm hòa nhập vào cuộc sống nơi chiến trường quen thuộc và gắn bó của tôi được bắt đầu. Tôi dành thời gian nhớ lại những vấn đề trong khi nghe phổ biến, các anh Thường trực Quân ủy Trung ương nhấn mạnh, nói rõ thêm không ghi trong văn bản để truyền đạt lại trong cuộc họp Trung ương Cục và Quân ủy Miền hôm nay. Đó là những cơ sở thực tiễn gì để Bộ Chính trị quyết định mở đợt hoạt động quân sự năm 1972 mang ý nghĩa như một cuộc chạy đua lịch sử giữa ta và địch nhằm đưa cuộc chiến tranh đi đến bước ngoặt có lợi cho ta; đó là quyết tâm và mục tiêu cần đạt của cuộc tiến công, là các vấn đề cần lưu ý trong nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch, là công việc cần làm của B2 - Đông Nam Bộ vì là hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược này.

Ngay sau đó, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã thông qua việc tổ chức Bộ tư lệnh chiến dịch(8) đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền để thực sự bắt tay vào điều hành nhiệm vụ. Cùng lúc, Trung ương Cục quyết định bổ sung tôi tham gia ủy viên Quân ủy Miền, giữ chức phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền, thay anh Lê Đức Anh về nhận nhiệm vụ tư lệnh Quân khu IX.

(8) Bộ tư lệnh chiến dịch gồm có: trung tướng Trần Văn Trà, tư lệnh. Thiếu tướng Trần Độ, chính ủy, Đại tá Trần Văn Phác, phó chính ủy. Đại tá Lê Ngọc Hiền. tham mưu trưởng; đại tá Bùi Phùng, chủ nhiệm hậu cần. Bộ chỉ huy Miền thường trực tại Sở chỉ huy cơ bản chiến dịch do trung tướng Hoàng Văn Thái, tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng, chính ủy, đại tá Hoàng Cầm, tham mưu trưởng.