Putin - Từ trung tá KGB đến Tổng thống Liên Bang Nga - Chương 10

CON THUYỀN NGƯỢC DÒNG - PUTIN CHÈO CHỐNG ĐƯỢC BAO LÂU

Putin khi nhậm chức hiểu rất rõ vấn đề phải đối mặt với Chính phủ mới là vô cùng gay cấn, ngoài việc phải ngăn chặn sự phát triển của thế lực cánh tả trong cuộc tuyển cử ở Duma quốc gia và bầu tổng thống, còn một vấn đề quan trọng nữa là tình hình ở bắc Kapkaz, ở đó đã bùng nổ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của vùng này kể từ sau chiến tranh Chechnya năm 1994.

Từ ngày 2/8, hơn hai trăm phần tử vũ trang bất hợp pháp từ Chechnya đã xâm nhập vào các làng hẻo lánh vùng biên giới phía nam Dagextan và đã đọ súng với lính biên phòng Nga tại địa phương.

Bởi vậy, người ta có lý do tin rằng nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của Putin về cơ bản vẫn là phần việc thời ông ta làm cục trưởng Cục An ninh Liên bang. Chủ yếu giải quyết hai nhiệm vụ: ổn định tình hình ở vùng núi Dagextan và khu vực giáp ranh với Chechnya bằng một sự hy sinh nhỏ nhất, trước ngày bầu cử Nghị viện và bầu tổng thống phải đoàn kết được các quan chức hành chính của địa phương xung quanh Yeltsin. Putin tiếp nhận hai vấn đề này từ tay của Stepasin. Đây có thể là điểm chí mạng mà Stepasin bị Yeltsin bãi chức, điện Kremlin chỉ trích ông ta tỏ ra mềm tay đối với tình hình Dagextan và không muốn liên hiệp với các quan chức hành chính khác để chống lại phong trào “Tổ quốc” của Luzkov.

Theo điện Kremlin, Putin cần phải cứng rắn, cho dù vừa qua ông ta không biểu hiện rõ, nhưng bây giờ phải lập tức chứng minh cho mọi người thấy rõ điểm này. Việc đuổi các phần tử vũ trang Chechnya ra khỏi các làng ở Dagextan không những trợ giúp Putin tạo dựng được một hình tượng thủ tướng cứng rắn đồng thời còn nâng cao uy tín của ông trong quân đội. Điều này vô cùng quan trọng trước ngày bầu cử, ngoài việc có thể lấy thêm được lá phiếu của quân đội (họ sẽ nhất trí bỏ phiếu bầu) còn tăng thêm nhân tố ổn định cho tình hình chính trị đang lộn xộn trước tháng 12/1999 và tháng 6/2000.

Putin đã quyết định lợi dụng cơ hội này. Việc quan trọng đầu tiên mà ông ta làm sau khi nhậm chức quyền Thủ tướng là triệu tập Hội nghị An ninh về vấn đề Dagextan, hội nghị đã vạch kế hoạch và được Yeltsin phê chuẩn. Putin nói ổn định tình hình Dagextan cần một tuần rưỡi đến hai tuần, đó là thời hạn ngắn ngủi. Phương án này đầy mạo hiểm đối với Putin. Nếu hành động thất bại, hoặc quân đội Liên bang hy sinh nhiều, mà phía Chechnya hy sinh ít, sẽ phải có người chịu trách nhiệm. Tổng Tham mưu trưởng Khvatisnin không đáng chịu tội, sau khi thực thi thuận lợi phương án Nga giải quyết hòa bình vấn đề Nam Tư, sau khi thành công mỹ mãn trong việc đưa quân vào đó, Kremlin không dám động đến ông ta, sợ mất lòng quân đội.

Bộ trưởng Nội vụ Grusailo cũng không đáng kết tội, trong sự kiện này ông ta không phải là nhân vật trọng yếu, tiến hành một hành động quân sự quy mô lớn không phải là việc của cảnh sát. Như vậy người có thể đương đầu hứng tội chỉ còn lại Thủ tướng Putin. Có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trên cương vị thủ tướng ông ta thể hiện rõ sức mạnh của mình, nhất là sau khi hành động quân sự thất bại, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lan tràn đến các vùng khác của Dagextan thì sẽ càng như vậy.

Còn một nhiệm vụ nữa mà Putin tiếp nhận từ Stepasin là phải đoàn kết thống đốc các khu vực xung quanh mình để đối chọi với liên minh của Luzkov. Không đợi Nghị viện phê chuẩn chức vụ của mình, Putin đã tiến hành hoạt động một cách tích cực. Tối ngày 12 tháng 8, ông ta đi thăm Tomsk. Ngày hôm sau tham dự Hội nghị Liên minh khu vực “Hiệp định Xiberi” được tổ chức tại đó, vỏ bọc bên ngoài hành động của ông ta là thảo luận dự án năm 2000, nhưng mục đích chính là nhằm tiếp xúc riêng với các quan chức hành chính của Xiberi.

Mong muốn trong vòng hai - ba tháng làm suy yếu lực lượng của Luzkov, bởi vậy Putin phải làm việc khẩn trương, song trong thời điểm này Luzkov cũng không để lãng phí thời gian. “Ngôi nhà của chúng ta - nước Nga” không muốn gia nhập liên minh Tshubai - Ditov, một số quan chức hành chính sẽ gia nhập phong trào Cheknomukdin, như vậy nhiệm vụ của Putin xem ra không đơn giản chút nào.

Những thuộc hạ trong ngành an ninh của Putin và bạn bè sẽ hết sức giúp đỡ vị tân Thủ tướng này. Trong Hội đồng An ninh Liên bang có Cục An ninh Hiến pháp, nó phụ trách công việc tuyển cử của Liên bang, có lẽ gần đây đã tung ra những tài liệu đen có liên quan đến Luzkov, phong trào “Tổ quốc”, những người lãnh đạo nước Cộng hòa trong “toàn Nga” và Đảng Cộng sản. Nếu Putin muốn trở thành người kế tục Yeltsin thì phải hoàn toàn chiếm được cảm tình của điện Kremlin, trong vòng mấy tháng ông ta phải giải quyết được hai vấn đề quan trọng nêu trên. Một khi thất bại sẽ phải tìm được người thay ông ta làm thủ tướng, hoặc tìm người có thể đối trọng với Luzkov trong bầu cử tổng thống, trong băng đạn của điện Kremlin còn có Lebed, Cheknomukdin và Stepasin.

Putin đã không phụ lòng mong đợi của Yeltsin đối với ông ta, mở đầu là vấn đề bắc Kapkaz đã thể hiện rõ sức mạnh của nhân vật thép.

Ngày 10 tháng 8, vừa trở thành quyền Thủ tướng Putin đã cùng Tổng thống Yeltsin và một số nhà lãnh đạo các ngành hữu quan tiến hành thảo luận tình hình Dagextan. Tiếp sau đó quyền Thủ tướng Putin chủ trì Hội nghị Uỷ ban Hành động Liên bang Nga chống chủ nghĩa khủng bố. Trong hội nghị, ông bày tỏ quan điểm không thể nhún nhường trước hành động chà đạp pháp luật và chủ nghĩa khủng bố đang xuất hiện ở vùng Kapkaz, phải có biện pháp chỉnh đốn trật tự và kỷ cương ở đó. Ông nói, những nhà lãnh đạo của Nga đã trao nhiệm vụ cho cơ quan quyền lực Liên bang và địa phương triệt tận gốc sự hỗn loạn ở đó. Putin tuyên bố với các cơ quan thông tấn rằng: "Trong các phần tử vũ trang hoạt động ở Dagextan có phần tử vũ trang Chechnya, để lập lại trật tự ở Dagextan, Chính phủ Nga đã lập một phương án hoàn chỉnh được Tổng thống Yeltsin phê chuẩn, đồng thời tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh quân sự khôi phục trật tự ở Dagextan.

Cùng ngày, máy bay trực thăng vũ trang không quân Nga đã tiến công mãnh liệt vào các phần tử vũ trang bất hợp pháp đóng trên các làng của nước cộng hòa Dagetxtan. Người phát ngôn của không quân Nga nói rằng máy bay đã cất cánh bảy mươi tám lần, với sự phối hợp của pháo mặt đất, đã tiến hành công kích các phần tử vũ trang, sử dụng tên lửa oanh tạc vào cứ điểm của phiến quân.

Song, đến thời điểm hiện tại, nhà đương cục Nga vẫn chưa thể xác định được số thương vong chính xác của các phần tử ly khai. Trong mười ngày tấn công, quân Nga có sáu người chết, nhiều người bị thương. Ngoài ra, hai máy bay trực thăng bị các phần tử ly khai bắn hỏng, trong số nhân viên tổ lái gặp nạn có Trung đoàn phó Trung đoàn trực thăng 487, anh hùng Nga Namov. Ngày 11, quân Nga lại một lần nữa triển khai hoạt động quân sự quy mô lớn đối với các phần tử ly khai. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nga thì: “Quân Nga có mười người chết, hai mươi bảy người bị thương và giành lại một bộ phận làng mạc bị các phần tử vũ trang chiếm lĩnh từ trước đó.” Nga tung vào lữ đoàn mô tô 132 và tiểu đoàn bộ binh 102 Bộ Nội vụ.

Bước sang tháng 11, Putin tiến hành một loạt hành động quyết đoán khiến cho uy tín của Chính phủ mới ngày một lên cao. Phải chăng địa vị của Putin đã vững chắc? Rất nhiều người vẫn giữ quan điểm phủ định.

Đặc biệt tháng 11, Yeltsin đột nhiên bỏ dở kỳ nghỉ ở Sochi bất ngờ trở lại điện Kremlin, càng là bằng chứng cho nhiều người bàn tán, trong đó có Viện trưởng Viện Quỹ chính sách Nga Viacheslav Nikonov. Ngày 6/11 báo Lao Động đăng bài viết của ông ta nhan đề: “Hành động của Yeltsin thâm thuý khôn lường” nêu rõ: “Uy tín của Vladimir Putin lên rất nhanh, xem ra ông hầu như không có lý do phải lo lắng. Ông là thủ tướng duy nhất của Chính phủ, là người kế thừa tổng thống do chính Yeltsin nói ra trong dịp bổ nhiệm thủ tướng, vả lại từ trước tới nay chưa hề có sự hoài nghi nào. Cho dù các nhà phân tích đã bình luận xôn xao từ lâu rằng thủ tướng sẽ bị bãi chức ngay thôi, nhưng bề ngoài hầu như không có dấu hiệu đó. Tôi chỉ xin nhắc một câu, trước khi bãi miễn chức vụ của Krienko, Primakov hoặc Stepasin, giới thông tấn báo chí cho rằng điện Kremlin hoặc Beredovxki khống chế và trực tiếp công kích họ, luôn xảy ra xung đột giữa Thủ tướng với người phát ngôn của gia tộc trong Chính phủ, với Văn phòng Tổng thống, còn bây giờ tất cả đều không còn nữa. Bất luận báo chí của quốc gia hay của bọn trùm tài phiệt đều chỉ nói tốt cho Putin, trong Chính phủ cũng là một vùng êm ả, Văn phòng Tổng thống ngợi ca không biết mệt cho nội các Thủ tướng. Nhiều chuyên gia nhận định trong bối cảnh này nếu nói rằng Putin thất sủng thì đó là ‘một thủ đoạn che đậy’.

Ngoài ra, điều mà điện Kremlin thật sự cần là một người kế thừa có thể bảo vệ được lợi ích của nhân vật hiện đương quyền và tháng 6 sang năm vẫn đủ khả năng giữ họ lại trên vũ đài chính trị. Putin đã chứng minh ông ta có đủ khả năng được sự yêu mến của đa số dân sẽ bầu cho ông, và mọi người cũng bắt đầu thực sự nhận ra ông đủ khả năng vượt xa trong cuộc vận động bầu cử tổng thống sắp tới. Vừa nhận chức thủ tướng lại có thể trở thành nhân vật như tổng thống nhanh vậy sao? Chỉ có Thượng đế mới biết. Bởi vậy có nên mạo hiểm một lần nữa thay thủ tướng không? Còn một điểm cuối cùng, nếu lại một lần nữa thay thủ tướng (trong vòng một năm rưỡi lần lượt thay tới sáu vị thủ tướng) sẽ khiến điện Kremlin trở thành trò cười trước dư luận thế giới và dư luận nước Nga.

Bởi vậy, nếu chỉ nhìn theo logic bề ngoài thì Kremlin không có lý do để hất bỏ Putin. Nhưng nếu nghĩ sâu một chút thì lý do vẫn cứ có thể tìm được. Trong tình hình hiện tại đồng quyền dị lợi, nếu tôi ở vào vị trí tổng thống, bất luận thế nào tôi cũng không bãi chức Putin. Ông là một con chim sẻ đầy sức sống trong tay tổng thống, còn hơn chim thần nhà trời có giỏi cũng không tài nào bắt được nó.

Có điều chúng ta đều biết điện Kremlin thường làm những việc mang tính phi lý, phế truất Cheknomukdin, Kirinenkô, Primacốp, Stepasin về lý trí không ai giải thích được, song vẫn cứ xảy ra, hơn nữa nó hoàn toàn phù hợp với phong cách kiểu Bezantin của ngài Tổng thống.”

Đích thực, thái độ cứng rắn của Chính phủ Putin trong vấn đề Kapkaz dẫn đến tình hình xấu đi trong quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây. Các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu có sự chỉ trích nhẹ hành động quân sự của Nga tại bắc Kapkaz. Đối với áp lực của phương Tây, Putin hoặc không che dấu, hoặc phản đối. Đi đôi với việc đó, Mỹ yêu cầu sửa đổi “Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo”, đàm phán hai ngày với Nga, Putin cũng không hề e ngại chọi lại “đề nghị sửa đổi” mà Mỹ đưa ra, đồng thời ngay hôm đó cùng Trung Quốc, Belarus trao cho LHQ “Dự thảo nghị quyết về việc bảo vệ và tuân thủ” (Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo), nghị quyết này đã được thông qua với số phiếu đa số áp đảo tại Uỷ ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế của Đại hội đồng LHQ. Ngoài ra Nga còn phóng thành công “tên lửa chống tên lửa đánh chặn tầm gần”. Mỹ rất bực tức trước hàng loạt việc làm của Nga, gọi Nga là kẻ “bé xé ra to” trên nhiều vấn đề, đồng thời đe dọa Mỹ sẽ rút khỏi “hiệp ước chống tên lửa đạn đạo”. Dư luận Nga so sánh cảnh tượng Nga-Mỹ đối đầu là “ngày càng giống chiến tranh lạnh”, còn Bộ trưởng ngoại giao Nga thì nói thẳng ra rằng “chiến tranh lạnh phục hồi là điều có thể”.

Đặc biệt là sau khi Putin lại phái sư đoàn quân tinh nhuệ tiễu trừ phiến quân Chechnya xâm nhập Dagextan, truy đuổi đến tận sào huyệt, bao vây diệt quân chủ lực phỉ ngay trên đất Chechnya. Hành động của quân Nga ở Chechnya được sự ủng hộ rộng rãi của xã hội Nga, cũng được nhiều quốc gia trên thế giới thông cảm, bởi lẽ “Chechnya đã trở thành căn cứ của những phần tử khủng bố quốc tế, bọn khủng bố không bị tiêu diệt thì nước Nga không được yên, thế giới cũng mất an ninh”.

Tuy nhiên, trước đó không lâu Mỹ và các nước phương Tây đã oanh tạc Nam Tư, lúc này lại bắt đầu phê phán hành động của quân Nga ở Chechnya. Quốc vụ khanh của Mỹ Albright cho rằng hành động quân sự của Nga ở Chechnya “là điểm chẳng lành, Mỹ quan tâm theo dõi”. Hội nghị Thượng đỉnh “Liên minh châu Âu - Nga” được triệu tập trước đó với chủ để về kinh tế cũng đột nhiên biến thành “cuộc hội thảo” lên án hành động quân sự của Nga ởChechnya. Trong Hội nghị hòa bình Trung đông ở Oslo, Tổng thống Mỹ Clinton gặp Thủ tướng Nga Putin, ông ta nghiêm giọng yêu cầu Chính phủ Nga lập tức đình chỉ “bạo lực” ở Chechnya. Trước đó ông ta còn gọi hành động chống khủng bố của Nga là “xung đột chủng tộc”, thậm chí có một số chính trị gia phương Tây gọi hành động quân sự của Nga là tàn sát những người vô tội, là “xâm lược”. Đối mặt với các phản ứng trên, Putin trong buổi tiếp Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh: “Hành động quân sự của quân đội Liên bang Nga ở Chechnya là một bộ phận của Liên bang Nga, hành động của quân Nga ở Chechnya là để khôi phục lại trật tự pháp luật ở đó, là để tiêu diệt bọn thổ phỉ”, “từ xâm lược dùng để chỉ hành động quân sự của một nước đối với một quốc gia có chủ quyền, hành động quân sự của quân Nga tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố không hề có bất kỳ mưu đồ chính trị nào”. Điều khiến cho Nga bực tức là một số chính trị gia của Mỹ coi hành động của quân Nga ở Chechnya là “phân biệt chủng tộc”. Dư luận Nga bình luận NATO do Mỹ đứng đầu chính là lấy cớ “để thanh lọc chủng tộc Sebia Kosovo” để oanh tạc dã man đối với Nam Tư - một quốc gia có chủ quyền, bây giờ nói hành động của quân Nga cũng là “thanh lọc chủng tộc” rõ ràng là xúc phạm trắng trợn đối với Nga. Chủ tịch Duma Nga vạch rõ vấn đề Chechnya thuần tuý thuộc về nội bộ của Nga. NATO do Mỹ đứng đầu không có quyền can thiệp. Về vấn đề “Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo” có sửa hay không sửa, Nga - Mỹ không chỉ giới hạn trong lời lẽ mà hai bên đều đã có hành động. Ngày 5/11, sau khi Uỷ ban An ninh quốc tế khóa 54 đã thông qua nghị quyết “bảo vệ và tuân thủ” (Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo), Thứ trưởng bộ quốc phòng Mỹ Slokom nói, nếu cuối cùng Mỹ không thuyết phục được Nga đồng ý sửa đổi “Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo”, phía Mỹ sẽ đặt hệ thống phòng ngừa tên lửa quốc gia, Chính phủ Mỹ sẽ tính đến việc rút khỏi hiệp ước này. Trước đó Mỹ đã phóng thử thành công một tên lửa đánh chặn.

Trước sức ép công kích của Mỹ, Nga không hề nao núng. Ngày 2/11, Nga phóng thành công tên lửa chống tên lửa đánh chặn tầm gần. Trước đó Nga còn nhiều lần phóng thử tên lửa chiến lược vượt đại châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Nga Klebanov tuyên bố nếu Mỹ rút khỏi “Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo”, bộ đội phòng không Nga vẫn có đầy đủ khả năng và kĩ thuật để bảo vệ Tổ quốc. Đối mặt với sự uy hiếp của Mỹ, Tham mưu phó thứ nhất quân Nga - Đại tướng Manilov nói: “Nếu bị vũ lực uy hiếp, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trước.” Dư luận Nga bình luận về tình hình đối đầu Nga - Mỹ thì cho rằng cách nói của Ngoại trưởng Ivanov về “phục hồi chiến tranh lạnh” không phải là làn gió thổi vào chỗ trống.

Ngày 24/11, các thành viên Chính phủ Nga tổ chức chúc mừng một trăm ngày Putin chính thức nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, nhưng tại đó lại không thấy cảnh tượng hân hoan vui vẻ. Nghe nói các quan chức Chính phủ quyết định không tổ chức to vì hai nguyên nhân: Hôm đó Thủ tướng Putin bận báo cáo tình hình kinh tế đất nước ở Duma quốc gia, tổ chức mừng không đúng lúc e sẽ bị trích của các Nghị viện, Putin vốn là người không thích các hình thức huyên náo.

Putin đã trở thành chính trị gia nổi danh của Nga. Trong nhân dân Nga đang lưu truyền một câu ngạn ngữ: Không phải chức vị khiến con người vinh dự, mà con người làm cho chức vị quan trọng. Danh tiếng của Putin trong nhân dân lên cao không phải ông là thủ tướng, mà là thành tích chính trị trên cương vị thủ tướng của ông đã thu hút ánh mắt của công chúng về phía mình. Trong thăm dò ý dân được hỏi: “Ông có tán thành việc làm của Thủ tướng Putin không?”, số người trả lời khẳng định chiếm 76%. Ngày 21/11, trong một điều tra dư luận nhan đề “Nếu hôm nay bầu tổng thống, ngài bầu ai?”, số phiếu bầu Putin đạt tới 42%. Có một tờ báo đã khẳng định Putin là “Thủ tướng thép”.

Không còn nghi ngờ, vấn đề Chechnya là việc lớn hàng đầu mà Chính phủ Nga phải giải quyết, vấn đề này giải quyết tốt xấu ra sao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế và bầu cử tổng thống. Có nhà bình luận cho rằng, trước khi Putin lên nắm quyền, vấn đề Chechnya đã từng là quả cân của các chính trị gia, các nhà lãnh đạo quân sự và các lãnh tụ dân tộc địa phương giành giật vốn chính trị cho mình, đồng thời cũng là đầu mối để công kích địch thủ, thoái thác trách nhiệm trong tình hình đó vấn đề Chechnya diễn biến càng thêm phức tạp trở thành “bệnh tim” khó xử lý của chính quyền. Putin sau khi lên nắm quyền đã gánh lấy toàn bộ trách nhiệm của vấn đề Chechnya. Nếu ông không có lập trường cứng rắn, quyết sách dứt khoát về vấn đề này thì hôm nay đây, Chính phủ Nga còn đứng trước nhiều vấn đề khó khăn hơn. Ngoài vấn đề Chechnya còn xuất hiện vấn đề Dagextan, vấn đề Ingus, các tòa nhà bị đánh bom như ở Mátxcơva có thể không chỉ có bốn mà là còn nhiều hơn, số thương vong của quân Nga trong chiến dịch tiễu phỉ ở Chechnya sẽ tăng lên, dòng người tị nạn sẽ gây ra sự chú ý nhiều hơn của thế giới. Bởi vậy, thái độ kiên quyết của Putin trong vấn đề Chechnya được giới quân sự tán thưởng và được trên 90% dân chúng ủng hộ.

Có người cho rằng, Putin ngoài thắng lợi trên chiến trường ra, thành tích về các lĩnh vực khác không rõ nét. Thậm chí có người lại Putin là “quân phiệt” không hiểu kinh tế cũng không nắm được kinh tế. Putin rất bất bình về những lời nói đó, trên truyền hình, ông đặt câu hỏi: Nếu Chính phủ không nắm được kinh tế thì làm sao sản lượng công nghiệp tăng 7,5%, ai đã cải thiện được đáng kể hiện tượng nợ kéo dài? Ai giúp cho tiền lương của người về hưu được tăng lên? Công tâm mà nói, nền kinh tế của Nga gần đây có chuyển biến tốt lên, theo tài liệu Chính phủ công bố hệ số lưu thông hàng hóa năm 1999 là 30%, giá trị tổng sản lượng quốc nội tăng 1,5%-2%, khoản nợ lương người nghỉ hưu giảm đi, tháng 10 trợ cấp cho mỗi người nghỉ hưu năm mươi rúp. Putin nói: “Tiền không nhiều, nhưng chúng ta nhất định phải làm được.” Ngoài ra cân đối giá trị tiền hàng, Chính phủ quyết định từ tháng 11 nâng 15% lương cho người về hưu, từ tháng 2 sang năm nâng tiếp 12%.

Tháng 12/1999, tuyển cử Duma quốc gia Nga, tháng 3/2000, bầu tổng thống. Trước ngày bầu cử, Putin tỏ rõ khả năng đích thực. Có người nói, ở nước Nga chỉ cần lên chức thủ tướng, sự ủng hộ sẽ tăng lên, trước ngày bầu cử ai thi hành chính sách cứng rắn, người đó được ủng hộ cao hơn. Về hai phương diện này, Putin đều chiếm thế thượng phong. Liên minh Thống nhất mới thành lập đã biểu thị hoàn toàn ủng hộ Putin tranh cử tổng thống. Sự ủng hộ của những người lãnh đạo liên minh “Tổ quốc toàn Nga” Primakov và Luzkov, đối thủ tranh cử của Putin thì xuống thấp, điều đó dẫn đến tình hình bầu cử có lợi cho Putin. Bên cạnh đó, có người quy tình hình có lợi ấy thuộc điện Kremlin. Họ cho rằng chiến lược của điện Kremlin phàm là những chuyện chỉ trích người, chuyện tình hình phát triển bất lợi đều do điện Kremlin giải quyết còn Putin chỉ trình diễn ở góc độ chính diện cố gắng tránh xảy ra xung đột trực tiếp với các cá nhân và đoàn thể, cho nên gần đây rất ít người tìm được lý do phê bình ông ta. Hiện tại, sự ủng hộ Putin vẫn tiếp tục tăng cao, song điều đó không có nghĩa là cuộc bầu cử tổng thống đã được định đoạt. Có ý kiến phân tích, tình hình cụ thể sau tuyển cử Duma quốc gia và sự ủng hộ Putin sau tháng 2 sang năm mới là cơ sở để phán đoán được cuộc bầu cử tổng thống. Nếu lúc đó Tổng thống Yeltsin vẫn ủng hộ ông ta, công chúng vẫn thật tâm bầu ông ta, lúc đó ông ta mới có thể thật sự biến giấc mộng tổng thống thành hiện thực.

Hầu hết mọi người cho rằng thành tích chính trị của Putin rõ nét, tình hình phát triển trong tương lai cũng vô cùng có lợi cho ông. Với cương lĩnh kinh tế của ông, có thể bước tiếp sau sẽ hình thành một khiếm khuyết nào đó về tính cách cá nhân của Putin khi làm một chính trị gia, mà cũng có thể được khắc phục trong bước đi sau.

Thành tích chính trị của Putin đã được Tổng thống Yeltsin tán thưởng. Ngày 14/11, Yeltsin tỏ ý nhận định chọn Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Putin để bầu nguyên thủ quốc gia là chính xác. Yeltsin nói: chỉ có Putin “có thể làm được tổng thống đưa nước Nga tiến lên. Bởi vậy trước đây và hiện nay tôi đều ủng hộ ông ra làm tổng thống, tôi không chỉ ủng hộ, mà lòng tin của tôi đã tăng lên theo thời gian. Mọi người có thể thấy mọi việc ông đã làm: có lý, thông minh, mạnh mẽ”.

Nhưng sự tán thưởng của Yeltsin chưa thể chứng minh hoàn toàn tiền đồ của Putin. Bởi vì Yeltsin là một nhân vật biến hóa vô cùng. Người ta nhớ rất rõ, trong thời gian một năm rưỡi từ tháng 3/1998 đến tháng 8/1999, ông ta bốn lần thay thủ tướng Chính phủ khiến mọi người không lường kịp. Thí dụ: Yeltsin “sủng ái” Stepasin, thời gian chấp chính vừa được ba tháng, không có giải thích Yeltsin hạ bệ ông ta khỏi chiếc ghế thủ tướng, thay vào bằng Putin.

Nhưng khi sự ủng hộ Putin ngày một lên cao, có dấu hiệu chứng tỏ Putin vẫn có khả năng bị hạ bệ làm “con cừu thế tội”. Thứ nhất là chiến tranh Chechnya không thể tốc chiến tốc thắng. Ngay từ đầu Putin xuất quân trấn áp bọn khủng bố vũ trang Chechnya, ông ta cho rằng chỉ cần “thời gian từ một tuần rưỡi đến hai tuần là có thể giải quyết được vấn đề. Cho đến nay đã hơn hai tháng vẫn chưa giành được thắng lợi cuối cùng, dân thường bị thương vong. Ông ta không thể không suy nghĩ nhiều hơn vị trí của mình trong lịch sử từ nay về sau.

Thứ hai là quan hệ với các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ xấu đi. Tổng thống Mỹ Clinton chỉ trích Nga “dùng vũ lực không phân biệt đối với dân thường, không tuân thủ công ước Geneva”, yêu cầu Nga đình chỉ hành động quân sự, giải quyết vấn đề Chechnya thông qua đàm phán chính trị. Tổng thống Nga Yeltsin phản đối Mỹ không có quyền chỉ trích Nga tiêu diệt bọn thổ phỉ, tín đồ lưu vong và bọn khủng bố trên lãnh thổ của mình, ông nói: “Một khi trong biên giới nước ta vẫn còn bọn khủng bố, chúng ta sẽ không ngừng hành động quân sự.” Điều này chứng tỏ, sau chiến tranh Kosovo quan hệ hòa hoãn với các nước phương Tây lại một lần nữa nảy sinh mâu thuẫn gay gắt.

Thứ ba là bất lực trong biện pháp giải quyết vấn đề kinh tế trong nước, Putin với bốn mươi bảy tuổi đời, xuất thân từ ngành an ninh tình báo quốc gia, kinh tế là một lĩnh vực mới đối với ông, ông hiểu biết về nó còn quá ít. Nhân vật quan trọng trong ngành kinh tế được ông bổ nhiệm cũng rất ít, coi ông là “Thủ tướng trách nhiệm hữu hạn”. Có người còn cho rằng ngoài thắng lợi trên chiến trường, thành tích của ông Putin trên các lĩnh vực khác không rõ nét, thậm chí có người gọi ông Putin là “quân phiệt”, không hiểu kinh tế cũng không nắm được kinh tế, bởi vậy nguy cơ của nền kinh tế Nga vẫn như cũ. Gánh nặng chi trả hiện chủ yếu dựa vào ngân sách và lượng sự trữ ngoại hối vàng có hạn trong Ngân hàng Trung ương.

Thứ tư là Yeltsin và “gia tộc” từ nay về sau có khống chế được Putin không, điều đó vẫn chưa đảm bảo chắc 100%. Người được bầu làm thủ tướng Nga thường là thay đi đổi lại, nguyên nhân chủ yếu là người kế tục Yeltsin không được tuyển chọn tốt. Trước đây do Putin luôn trung thành vô hạn đối với trên, cứng rắn khác thường đối với dưới, trầm lặng ít lời, đã được lòng Yeltsin. Sau khi Putin lên nắm quyền, khi mà lòng tin trong dân chúng không ngừng lên cao, ông đã công khai tỏ ý quyết tâm ra tranh cử tổng thống năm 2000. Lúc đó, người ta bàn tán về một quy luật là: Một khi Yeltsin hoặc “gia tộc’ của ông ta bắt đầu lo lắng, triển vọng của người kế tục mà họ đã chọn vượt qua Yeltsin thì người đó sẽ mau mau hạ cánh xuống đường băng.

Ở Nga, làn sóng phản đối Yeltsin không dứt. Ngày 7 /11, nhân dịp kỷ niệm tám mươi hai năm Cách mạng Tháng Mười, mọi người giương cao biểu ngữ “Yeltsin là kẻ thù”. Từ lâu Yeltsin vì lợi ích thiết thân của mình đã tính đến người kế thừa ông ta phải đảm bảo được an toàn cho bản thân, gia tộc và những người thân tín khác. Đó là điều kiện đầu tiên, liệu Putin có làm được điều đó không?

Ở Nga đã có tin đồn Thủ tướng có thể bị bãi chức. Bởi vậy ngày 9/11, Sapdulasulov - Phó Chủ nhiệm thứ nhất Văn phòng Tổng thống Nga bác bỏ tin đồn về việc Putin có thể bị hạ bệ. Ông ta nói:

“Đây chỉ là sự bàn tán vô cớ, lời đồn đại về việc thủ tướng Chính phủ có thể bị hạ bệ là cố ý nặn ra xuất phát từ mục đích chính trị của một số người.”

Khoảng thời gian bầu tổng thống Nga ngày một gần lại, liệu chiếc ghế thủ tướng của Putin có ngồi được vững đến ngày giấc mộng tổng thống của ông trở thành hiện thực không? Tất cả vẫn còn là ẩn số.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3