Putin - Từ trung tá KGB đến Tổng thống Liên Bang Nga - Chương 11 - Phần 1
VỊ TỔNG TƯ LỆNH TIỄU PHỈ - PUTIN TRONG CHIẾN TRANH CHECHNYA
Oán hận tích tụ của lịch sử đã ủ men cho chén rượu đắng Chechnya khiến cho Nga nhổ đi thì tiếc, nuốt vào chẳng trôi. Trước những hành động điên cuồng của những phần tử ly khai dân tộc, trước sự phong tỏa và kìm hãm của các thế lực phương Tây, Putin mới nhậm chức sẽ lựa chọn sao đây? “Được ăn cả, ngã về không”, Putin đã chọn chiến tranh, chọn sự đối kháng với thế lực phương Tây. Vận mệnh trong cuộc chiến tranh Chechnya của Putin, vị “Tổng Tư lệnh tiễu phỉ” này sẽ ra sao?
Chechnya độc lập, cái nút chết trong lòng người lính Nga
Một ngày hạ tuần tháng 10/1999, trong một lều bạt lớn của căn cứ không quân Mozdok ở Kapkaz của Nga, trước các sĩ quan chỉ huy cao cấp của Nga tiến công Chechnya, Thủ tướng mới nhậm chức Putin nâng cao chén rượu.
Putin nghiêm nghị nói: “Tôi đề nghị mọi người cạn chén vì thắng lợi giành được trong cuộc đấu tranh của Nga với bọn ly khai vũ trang ở Chechnya, vì nền hòa bình lâu dài được thực hiện ở vùng Kapkaz đã chịu bao giày xéo của chiến tranh.”
Nhưng khi mười lăm vị tướng tá nâng cốc chuẩn bị làm một hơi cạn thì Putin lại đặt mạnh cốc rượu xuống tỏ vẻ quan trọng nói: “Các bạn, khi mọi việc kết thúc triệt để, trên mảnh đất này không còn bọn ly khai nữa, tôi sẽ uống chén rượu này.”
Thấy thái độ Putin cứng rắn, các vị tướng tin tưởng ông chân thành. Một sĩ quan có mặt lúc đó nói: “Nghe ông Putin nói vậy, chúng tôi biết rằng ông đứng về phía chúng tôi. Đây là một lá phiếu tín nhiệm chân chính.”
Tướng Vladimir Samanov, chỉ huy quân đội Nga ở Kapkaz nói: “Vladimir Vladimirovich hiện là hình ảnh của rất nhiều người theo đuổi. Tôi không nghi ngờ về điều đó, mà sẽ đi đầu. Nga bị người ta chê cười, đi ăn xin kẻ khác, tất cả những điều đó người Nga đã nếm đủ.” Samanov đã nói với phóng viên Đài Truyền hình quốc gia Nga, nếu lệnh cho quân đội ngừng tiến công Chechnya thì ông sẽ từ chức. Ông nói: “Tôi sẽ bỏ quân hàm, rời khỏi quân đội làm dân thường. Tôi không muốn phục vụ một quân đội như thế này nữa.” Tổng Tham mưu trưởng quân đội vũ trang Nga Anatoli Khvatsnin cũng lên tiếng, nếu ra lệnh ngừng bắn, ông sẽ cùng với các tướng khác từ chức.
Các vị tướng này có biểu hiện đôi chút bị kích động là điều có thể hiểu được, đối với họ Chechnya là một chữ có tính kích thích mãnh liệt, Chechnya đem lại cho nước này nguy cơ quá nhiều, quá lâu rồi! Bi kịch chiến tranh Chechnya 1994-1996 đã để lại trong họ dấu ấn quá sâu sắc.
Nước Cộng hòa Chechnya
Diện tích khoảng 1,7 vạn km2, phía nam là dãy núi cao khó qua lại, có một đoạn ngắn giáp với Gruzia, biên giới còn lại tiếp giáp với Inguts, bắc Osetxchia, vùng biên khu Stavropon và Dagextan. Theo tài liệu mới nhất dân số nước Cộng hòa Chechnya là ba mươi hai vạn, trong đó dân tộc Nga chiếm hai vạn. Thủ phủ Groznui được phát triển lên từ cơ sở thành Groznui xây dựng từ năm 1918, dân số mười lăm vạn. Nước Cộng hòa Chechnya có tổng số 5 thành phố và 448 làng. 5 thành phố là Groznui, Gudekmek, Sali, Urusmantan và Acgon. Nước này chia thành 15 khu hành chính.
Cộng hòa Chechnya thành lập ngày 30/11/1922 trên cơ sở là khu tự trị Chechnya. Ngày 15/1/1934, khu tự trị Chechnya sáp nhập với khu tự trị Inguts. Ngày 5/12/1936 đổi thành nước Cộng hòa tự trị Chechnya - Inguts thuộc Liên bang Nga. Ngày 1/11/1991 Dudaev tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Chechnya - nhà nước chủ quyền, quyết định này bị Đại hội Đại biểu nhân dân Nga lần thứ 5 coi là phi pháp.
Vào thế kỷ 19, vị tướng quân nổi tiếng của nước Nga Alesei Yelmonov đã từng nói một câu như thế này: GọiChechnya là “sào huyệt phỉ” cũng không quá. Cho dù bấy lâu nay người ta không để ý đến nó, song cũng có một số ít người tìm hiểu hàm ý đích thực của câu nói đó. Ngày nay, sau hơn 150 năm chúng ta có thể dám chắc mà nói rằng, điều mà vị tướng quân, nhà hoạt động chính trị sáng suốt Yelmonov chỉ ra không phải là nói nhân dân Chechnya, mà là hệ thống chính quyền địa phương Chechnya và kết cấu xã hội mà nó xây dựng lúc đó.
Tổ tiên của người Chechnya là người Inguts từ xa xưa đã sống ở vùng núi giữa sườn núi bắc Kapkaz với thượng lưu sông Salo Acgong.
Về nguồn gốc của từ “người Chechnya” cũng có nhiều cách nói khác nhau. Nguồn gốc chính xác nhất của từ này là “đại Chechnya” - tên gọi của làng này, rồi dần dần lưu truyền về sau. Người Chechnya tự gọi mình là những người “bà con thường dân”. Trong sử sách nước Nga, những ghi chép sớm nhất về người Chechnya là hiệp ước xác lập vào năm 1708 giữa Aiukhan của Kanmet với Pito Aprasin thân tín của Pie Đại đế.
Sự hình thành và phát triển của dân tộc Chechnya đã trải qua bao sự cọ xát. Thế kỷ 13, bị người Tacta Mông Cổ hủy diệt, cuối thế kỷ 14 lại bị quân Timua giày xéo. Đến thế kỷ 15-16, sau khi nước Kimrtangan giải thể, người Chechnya mới bắt đầu di cư từ miền núi về đồng bằng. Tiến trình này rõ nét nhất từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19. Thế kỷ 16-19 đạo Islam bắt đầu truyền bá ở Chechnya và Inguts láng giềng. Nền kinh tế tự nhiên tự cung tự cấp và nền sản xuất thấp đã duy trì thời gian dài thể chế tộc trưởng, thị tộc và kích thích phương thức mưu sinh kiểu bôn ba, cướp các thực phẩm của các vùng phụ cận phát triển. Người Chechnya coi “phương thức tác nghiệp” này như là một điều hãnh diện.
Chính quyền Nga hoàng không cần biết đến sự sinh tồn của loại người đó trên mảnh đất đoạt từ tay Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ này. Ban đầu, cuộc đấu tranh chinh phục Chechnya tự do đã vấp phải sự chống chọi ngoan cường của dân miền núi, trong cuộc chiến tranh Kapkaz kéo dài gần nửa thế kỷ (1817-1864) sự chống đối vẫn không ngừng. Cuộc chiến tranh này gây cho nhân dân Chechnya những tổn thất nặng nề. Kết quả cũng đã xuất hiện một số lãnh tụ dân tộc miền núi, nhất là Giáo trưởng Samin, nhận thức được cuộc chiến tranh vô bổ, phải giao hảo với Nga.
Sau khi bình định Kapkaz, Chính phủ Nga hoàng về cơ bản giữ thái độ bao dung đối với chế độ truyền thống địa phương và phong tục miền núi. Cả vùng Kapkaz dần dần hội nhập vào nền kinh tế Nga, điều này xúc tiến nền kinh tế và văn hóa Chechnya phát triển, khiến cho công nghiệp và tầng lớp trí thức dân tộc này được nảy nở. Năm 1893 Chechnya khoan được giếng dầu đầu tiên, từ đó đặt cơ sở cho sự phát triển của nền công nghiệp dầu lửa. Đến năm 1914, lượng dầu khai thác của Chechnya chiếm 18% tổng sản lượng dầu lửa khai thác của Nga. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đường sắt Vladi Kapkaz xuyên qua Chechnya được xây dựng.
Cách mạng Tháng Mười và nội chiến kết thúc, Chính phủ Liên Xô bắt đầu áp dụng chính sách bảo hộ đối với dân miền núi, khiến họ đối kháng với Kozac Nga “phản động”, để các làng mạc của Kozac thuộc về dân miền núi cai quản.
Những năm 20-30, do tập thể hóa và hạn chế quyền bầu cử của nông dân giàu có, vùng bắc Kapkaz bắt đầu xuất hiện hành động chống lại Chính quyền Xô viết.
Năm 1992 Nazmotkin Ksinski, Giáo trưởng ở Chechnya và Dagextan, lãnh đạo người Chechnya và Inguts khởi nghĩa. Năm 1922-1924 Quân khu bắc Kapkaz và Tổng cục Bảo vệ An ninh Chính trị Nhà nước thuộc Uỷ ban Nhà nước Liên Xô đã hành động nhưng không thành công. Tháng 8, 9 năm 1925, dưới sự chỉ huy của Ubolevich, Tư lệnh Quân khu bắc Kapkaz đã sử dụng biện pháp trấn áp quy mô lớn. Sau đó còn hành động nhiều lần nữa ở Chechnya: tháng 12/1929, tháng 3, 4/1930 và tháng 3, 4/1932. Năm 1936, tình hình mới yên trở lại, cho đến tháng 9/1938, Chechnya-Inguts thỉnh thoảng có phỉ hoạt động.
Trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc, vùng này thành lập một đảng có tên gọi là “Đảng đặc biệt anh em Kapkaz” - một tổ chức bí mật, còn có mối liên hệ với quân Đức. Năm 1941-1943, sau một loạt hành động quân sự, đảng này bị tiêu diệt. Tháng 2/1944, theo quyết định số 5073 do Uỷ ban Quốc phòng ra ngày 31/1/1944, 38,7 vạn người Chechnya và 9,1 vạn người Inguts bị đưa đến Kazacxtan, Trung Á và Xiberia.
Đến cuối những năm 80, tình hình chính trị xã hội ở Chechnya bắt đầu lên đến đỉnh điểm. Thời gian này không chỉ riêng có Chechnya công khai đưa ra yêu cầu chủ nghĩa dân tộc và khẩu hiệu ly khai.
Tháng 11/1990, được sự đồng ý của Đảng ủy Xô Viết Chechnya - Inguts và Xô Viết Tối cao Liên Xô lúc đó, cho thành lập Đại hội toàn quốc người Chechnya, đại hội nhanh chóng biến thành một tổ chức chính trị, chẳng bao lâu sau bãi bỏ ban lãnh đạo.
Tháng 6/1991, Đại hội Đại biểu lần thứ 2 của Đại hội toàn quốc người Chechnya đã bầu Thiếu tướng Dudaev, người Chechnya, Sư trưởng một sư đoàn không quân, làm Chủ tịch Uỷ ban. Thực ra, trước đó Chechnya đã khẩn trương xây dựng cơ cấu chính quyền chủ nghĩa dân tộc ly khai đối lập với Trung ương. Đầu tháng 9, các phần tử vũ trang dùng vũ lực chiếm tòa nhà làm việc của chính quyền. Được người lãnh đạo nghị viện Nga đồng ý, họ đã thành lập Uỷ ban Tối cao lâm thời gồm một số đại biểu Xô Viết Tối cao Chechnya - Inguts và Đại hội toàn quốc người Chechnya. Xô Viết tối cao Nga cho rằng Uỷ ban này là cơ quan quyền lực tối cao hợp pháp của Chechnya.
Ba tuần lễ sau, Ban chấp hành Đại hội toàn quốc người Chechnya tự động thông qua quyết định về việc giải tán Uỷ ban Tối cao lâm thời và tập trung toàn bộ quyền lực về mình. Ngày 27/10 tổ chức bầu tổng thống và Nghị viện của nước Cộng hòa Chechnya dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các phần tử vũ trang, tổng số chỉ có 10-12% cử tri đi bầu.
Ngày 1/11/1991, Tổng thống mới được bầu Dudaev bất chấp quy định của Hiến pháp Nga đã thành lập nước Cộng hòa Chechnya quốc gia có chủ quyền. Đồng thời dùng vũ lực tước đoạt các nhà làm việc của Xô Viết Tối cao nước cộng hòa và cơ quan bảo vệ pháp luật, làm một số quan chức tử vong. Họ đánh chiếm kho quân sự, tước đoạt khoảng 8,6 vạn khẩu súng, 15 vạn lựu đạn, 260 máy bay và 100 bộ thiết bị kĩ thuật thiết giáp. Nhờ đó mà trong thời gian rất ngắn Dudaev đã tổ chức được đội quân “quốc dân” trang bị hoàn thiện. Chechnya trở thành nơi ẩn dật của bọn tội phạm địa phương và bọn khủng bố dân tộc. Chúng cưỡng bức nhân dân Chechnya chấp nhận hệ thống chính quyền, tham gia vào các hoạt động quân sự quốc tế, buôn lậu và tiền tệ phi pháp.
Năm 1994-1996, Chính phủ Nga bị sức ép tình hình, đã áp dụng một loạt các biện pháp vũ lực mong lập lại trật tự ở nước Cộng hòa Chechnya trở về quỹ đạo của Hiến pháp. Sự ngoan cố của bọn theo chủ nghĩa ly khai đã dẫn đến xung đột vũ trang quyết liệt, lần này do chuẩn bị không đầy đủ, quyết tâm của người lãnh đạo chính trị không kiên quyết làm kéo dài cuộc chiến tranh khiến quân Nga tổn thất nặng nề. Theo thống kê, có hơn bốn nghìn binh sĩ Nga thiệt mạng trong cuộc chiến đấu ở Chechnya, gần một vạn người bị thương, ba trăm người mất tích.
Ngày 27/5/1996 tại điện Kremlin Mátxcơva, Chính phủ Nga và đoàn đại biểu có vũ trang bất hợp pháp Chechnya đã đạt được một hiệp định ngừng mọi hành động quân sự ở Chechnya, ngày hôm sau Tổng thống Yeltsin vội vàng đến ngay Chechnya thị sát và phát biểu về việc giải quyết vấn đề Chechnya, nhấn mạnh kế hoạch hòa bình giải quyết nguy cơ. Đến đây, tình hình căng thẳng ở Chechnya sau gần một năm rưỡi đã có chuyển biến. Nhưng Basaep mới nắm chức tổng tư lệnh vũ trang bất hợp pháp là một tên cuồng tín trong bọn người theo chủ nghĩa ly khai ở Chechnya, chính quyền Nga lo rằng “bầy rắn không đầu” Chechnya sẽ càng rối loạn hơn.
Bị tổn thất nặng nề, quân Nga hận Dudaev đến xương tủy, chỉ muốn xóa sổ luôn hắn, và thế là liên tục năm lần bắn tên lửa vào Dudaev (bốn lần trước đều không đạt hiệu quả). Lần này tên lửa bắn theo tần số sóng điện thoại di động Dudaev sử dụng liên lạc với các sĩ quan chỉ huy quân đội dưới quyền hắn, loại tên lửa tự hành “không đối đất” này có thể tìm mục tiêu theo sóng vô tuyến điện, sau khi trinh sát báo cáo Dudaev bắt đầu gọi điện, tốp không quân liền cất cánh từ căn cứ gần đó phóng tên lửa về hướng phát ra sóng vô tuyến điện, bốn lần trước, trước khi tên lửa đến được mục tiêu Dudaev đã ngừng nói chuyện, tên lửa rơi chỗ khác. Tuy vậy, lần này Dudaev không thoát khỏi số mệnh bi thảm, đặc công Nga với kế sách tỉ mỉ đã dùng biện pháp khoa học kĩ thuật cao hạ thủ được Dudaev.
Tối 21/4, tại một nơi vắng vẻ cách thành phố Groznui 30 km về phía nam, Dudaev dùng điện thoại di động nói chuyện với sứ giả hòa bình giữa Chechnya ở Nga đã bị nhóm hành động đặc công phát hiện và lập tức xác định được vị trí của Dudaev, báo số liệu chuẩn xác cho đơn vị không quân trực 24/24 giờ liên tục chờ lệnh, máy bay chiến đấu Nga lập tức phóng tên lửa và tên lửa tự hành, Dudaev đã biến thành tro bụi.
Lúc đó, trên vũ đài chính trị Chechnya nổi lên mấy nhân vật: Chakaev vì được sự “quan tâm đặc biệt” của Kremlin trở thành người lãnh đạo Chính phủ Chechnya, trong tư tưởng không thể thiếu nhân tố thân Mátxcơva, bị bọn phản loạn Chechnya gọi là bù nhìn của Mátxcơva. Bởi vậy ông ta muốn giữ một khoảng cách nhất định với Mátxcơva, hơn thế có lúc còn phê bình tư lệnh quân Nga xử lý chưa thỏa đáng trong một số hành động quân sự. Andabiev từng là người kiên định ủng hộ độc lập cho Chechnya. Do Dudaev đã bỏ mạng nên đã trở thành tổng thống “đương nhiên”, tuy vậy ông ta chuyển hướng, bất ngờ hội ngộ với Mátxcơva và ký kết hiệp định.
Maxkhadov là tướng lĩnh cao cấp Chechnya đã ký hiệp định với Nga ngày 30/7/1995, mặc dù sau đó hiệp định không được thực hiện, nhưng Mátxcơva vẫn không thừa nhận kỹ xảo đấu tranh của ông ta, cho rằng ông là một viên tư lệnh phiến quân ôn hòa nhất về chính trị và bằng lòng hợp tác.
Basaev, Tư lệnh chiến trường Chechnya mới ba mươi mốt tuổi, tháng 6/1996 làm nên “sự kiện con tin Bukinnovxkh” kinh động thế giới, đưa đến đàm phán hòa bình sau đó, ông ta có ảnh hưởng lớn ở Chechnya, là tên cuồng tín trong bọn theo chủ nghĩa ly khai Chechnya, nổi tiếng về hoạt động khủng bố.
Về một ý nghĩa nhất định nào đó, tình hình Chechnya phát triển tùy thuộc bởi thái độ chính trị của những nhân vật kể trên. Hiệp định đình chiến Chechnya tuy đã ký kết, trong đó không đề cập đến vấn đề địa vị của Chechnya trong Liên bang Nga, mà vấn đề này chính là tiêu điểm chia rẽ Chính phủ Liên bang Nga với lực lượng vũ trang của phái chống đối Chechnya, là hội chứng của vấn đề Chechnya, phái chống đối Chechnya nhất quán yêu cầu Chechnya hoàn toàn “độc lập”, Chính phủ Liên bang lại quyết không nhượng bộ về nguyên tắc là sự toàn vẹn lãnh thổ.
Điều này đã làm cho tiền đề tự trị cao độ của Chechnya là Chechnya phải tồn tại trên bản đồ của Liên bang Nga, bởi vậy trước khi phái chống đối Chechnya chưa chịu từ bỏ lập trường độc lập, nguy cơ Chechnya vẫn chưa thể giải quyết triệt để, mặt khác mọi người còn ngại ngùng trước uy quyền và ảnh hưởng của Andabiev, có dấu hiệu chứng tỏ nội bộ đội ngũ chống đối Chechnya thiếu nhất trí. Bộ Tổng Tham mưu Nga cho hay Matxkhadov và Basaev đều từ chối ủng hộ hiệp định hòa bình, họ dự định “tiếp tục chiến đấu với quân đội Liên bang đến thắng lợi cuối cùng”.
Dư luận cho rằng, hiệp nghị được ký kết đưa đến sự phân hóa trong nội bộ vũ trang Chechnya. Basaep, đầu sỏ bọn vũ trang Chechnya, ra tuyên bố: “Không ai được trao quyền cho Andabiev đàm phán với Nga”, Chính phủ Chechnya tỏ ra hết sức bất bình trước việc Mátxcơva đưa ra đàm phán giữa chính phủ hợp pháp của nước cộng hòa với lực lượng vũ trang bất hợp pháp, người đứng đầu nước cộng hòa ông Trápkáep cho rằng hiệp nghị phải được ký kết giữa Nga với chính phủ hợp pháp Chechnya, bọn thổ phỉ phải bị đưa ra tòa án, đương nhiên không có quyền ký hiệp định.