Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XIII - Chương 238 - 244

238. Đinh Tiền Khê

Đinh Tiền Khê là người huyện Chư Thành (tỉnh Sơn Đông), gia tư giàu có, hào hiệp trọng nghĩa, hâm mộ những kẻ du hiệp thời cổ, bị quan tư nã bắt. Đinh bỏ trốn, tới đất An Khâu gặp mưa, vào trú ở một nhà nọ, nhưng mưa suốt cả ngày không ngớt. Có một thiếu niên bước ra mời ăn cơm, cơm nước rất tử tế. Kế trời tối, Đinh nghỉ đêm luôn lại đó, thiếu niên cũng đem rơm cỏ cho ngựa đầy đủ. Đinh hỏi tên họ, thiếu niên đáp: “Chủ nhân họ Dương, ta là cháu trong nhà. Chủ nhân ưa giao du, có việc đi vắng rồi, trong nhà chỉ có nương tử, nhà nghèo không tiếp đãi được chu đáo, xin khách tha lỗi.” Hỏi tới nghề nghiệp chủ nhân, thì được biết chẳng buôn bán làm lụng gì, chỉ hàng ngày đánh bạc, kiếm ăn cò con.

Hôm sau lại mưa dầm dề. Đinh vẫn được lo cơm nước rất chu tất. Tối đến thiếu niên mang cỏ cho ngựa, bó cỏ ướt đẫm mà lại cọng dài cọng ngắn không đều, Đinh lấy làm lạ. Thiếu niên nói: “Thưa thật với khách, nhà nghèo không có cỏ cho ngựa, đây là nương tử rút tranh lợp nhà xuống đấy thôi.” Đinh lại càng lạ lùng, cho là họ rất thành thật. Sáng ra đưa tiền, thiếu niên không nhận, Đinh ép thiếu niên cầm vào giây lát lại cầm ra trả, nói: “Nương tử nói không phải làm nghề bán quán, chủ nhân ra ngoài thường vài ba ngày chẳng mang theo một đồng, nay khách tới nhà sao lại lấy tiền?” Đinh ca ngợi từ biệt, dặn: “Ta là Đinh Mỗ ở Chư Thành, khi nào chủ nhân về nhớ nói lại rằng lúc nào rảnh mời ghé chơi.”

Mấy năm sau chẳng hề qua lại gì, gặp năm đói kém, Dương càng khổ cực, không còn cách nào sinh sống, vợ rụt rè khuyên tìm tới Đinh, Dương nghe theo. Tới nơi, xưng họ tên với người gác cổng, Đinh quên không nhớ, sai hỏi lại mới nhớ ra, vội chạy chân đất ra mời vào. Thấy Dương áo rách giày nát, bèn đưa vào phòng ấm, bày tiệc khoản đãi, cung kính phi thường. Hôm sau may sắm quần áo cho, Dương được ăn no mặc ấm rất cảm kích, nhưng càng lo lắng cho gia đình, cũng mong được chút gì cầm về. Ở mấy ngày liền, chẳng nghe Đinh nói tặng tiền gì cả, Dương nóng ruột nói với Đinh rằng: “Thật không dám giấu giếm, lúc ta lên đường tới đây thì trong nhà chỉ còn chưa đầy một thăng gạo, nay ta được quá thương lo cho ăn cho ở, dĩ nhiên vui sướng, nhưng vợ con thì làm sao!” Đinh nói: “Chuyện đó không lo, ta đã sắp xếp thay ông rồi, xin cứ thong thả ở chơi ít hôm, ta sẽ giúp tiền về.” Bèn sai người gọi đám con bạc tới, bảo Dương làm cái đánh trọn đêm thắng được trăm đồng vàng, bèn tiễn Dương về. Dương về tới nhà thấy phòng ốc bày biện đầy đủ, vợ mặc quần áo mới, có tỳ nữ hầu hạ, ngạc nhiên hỏi. Vợ đáp: “Chàng đi được vài hôm thì có người chở vải vóc lúa gạo tới vác vào chất đầy nhà, nói là của ông khách họ Đinh tặng. Lại có thêm mười người tỳ nữ cho thiếp sai bảo.” Dương cảm kích vô cùng, từ đó được đủ ăn, không làm nghề cũ nữa.

Dị Sử thị nói: Nghèo mà hiếu khách là điều hay ở đám rượu chè cờ bạc, nhưng người vợ của họ Dương là lạ lùng nhất. Còn nhận ơn của người mà không báo sao đáng là người, nhưng Đinh mỗ quả là kẻ cái ơn một bữa cơm cũng không quên vậy.

239. Con chuột có nghĩa[1]

[1] Nghĩa thử.

Dương Thiên Nhất kể có lần thấy hai con chuột ra kiếm ăn một con bị rắn nuốt mất. Con kia trợn mắt như hạt tiêu đứng nhìn, có vẻ rất căm giận. Rắn ăn no rồi, ngoằn ngoèo bò vào hang, vừa lọt vào hơn một nửa thì chuột lao tới cắn vào đuôi. Rắn tức giận lui ra, chuột lanh lẹn chạy trốn, rắn đuổi không kịp bèn quay lại, bò vào hang thì chuột lại tới cắn vào đuôi như trước. Rắn vào thì theo cắn, rắn ra thì bỏ chạy, cứ thế hồi lâu, rắn trở ra mửa con chuột chết ra trên mặt đất. Chuột tới ngửi ngửi, kêu chít chít như khóc thương rồi tha đi. Bạn ta là Trương Lịch Hữu có làm bài Nghĩa thử hành (Bài hành Con chuột có nghĩa) về chuyện này.

240. Quỷ nhập tràng[1]

[1] Thi biến.

Huyện Tín Dương (tỉnh Sơn Đông) có ông Mỗ ở thôn Thái Điếm. Thôn cách huyện thành năm sáu dặm, cha con ông ta dựng quán cạnh đường cho người buôn bán qua lại nghỉ trọ, có bốn người phu xe chở hàng vẫn vào trọ ở đó. Một hôm trời rất tối bốn người cùng về tới thì quán trọ đã đầy khách. Bốn người không biết làm sao, cứ nài nỉ xin cho trọ lại. ông Mỗ ngẫm nghĩ tìm được một chỗ, nhưng ngần ngại sợ không hợp với khách. Bốn người lại nói chỉ cần có chỗ ngả lưng là đủ chứ không dám chọn lựa khen chê gì cả. Lúc ấy con dâu của ông Mỗ vừa chết, xác còn đặt trong nhà bên kia đường, con trai đi mua quan tài chưa về, ông thấy trong nhà còn rộng bèn dắt khách qua đó nghỉ.

Khách vào tới thì thấy trên bàn có ngọn đèn leo lét, phòng trong buông rèm, cái xác được đắp chăn đậy mặt nằm đó, chỗ ngủ bên ngoài thì có bốn cái giường đặt liền nhau. Mọi người đều đã mệt mỏi, lập tức lên nằm ngủ khò, chỉ còn một người mơ mơ màng màng chưa ngủ hẳn. Chợt nghe trong phòng người chết có tiếng cót két, vội mở mắt ra nhìn, thì thấy rõ dưới ánh đèn cái xác người đàn bà đã giở chăn ngồi dậy. Kế đó cái xác bước xuống đất từ từ bước ra chỗ đám khách nằm ngủ, sắc mặt lợt lạt vàng khè, vén tấm vải che mặt lên trán, cúi xuống trước giường lần lượt thổi vào mặt ba người kia. Y hoảng hốt, sợ sẽ thổi tới mình, vội kéo chăn trùm kín đầu nhắm mắt nín thở nghe ngóng.

Không bao lâu người đàn bà cũng tới thổi vào y rồi đi trở vào. Y nghe tiếng rèm sột soạt, hé chăn ra nhìn trộm thấy cái xác đã nằm lại trên giường như cũ. Y sợ quá không dám lên tiếng, ngầm lấy chân đạp vào mấy người kia thì họ đều nằm yên không động đậy, nghĩ rằng không còn cách nào, chẳng bằng mặc áo trốn đi. Vừa trở dậy mặc áo thì tiếng cót két trong kia lại vang lên, y hoảng sợ vội nằm xuống kéo chăn che kín đầu, thấy người đàn bà lại tới thổi liên tiếp, hồi lâu mới trở về. Giây lát nghe giường trong có tiếng động, biết là cái xác đã nằm xuống, bèn rón rén mặc áo quần trong chăn, rồi nhảy xuống đất bỏ chạy. Cái xác vùng dậy định đuổi, vừa ra khỏi màn thì y đã tung cửa chạy rồi.

Cái xác đuổi theo, y vừa chạy vừa la, muốn đập cửa quán gọi ông Mỗ dậy nhưng sợ không kịp, bèn cứ theo đường về phía huyện thành ráng sức chạy. Tới cửa đông huyện thành, thấy có ngôi chùa, nghe thấy tiếng gõ mõ, vội vàng chạy tới đập ca. Đạo nhân trong chùa thấy có chuyện lạ, lại không mở cửa ngay, y còn chờ thì cái xác đã đuổi tới còn cách có một thước, y càng hoảng hốt. Ngoài cổng chùa có cây bạch dương chu vi khoảng bốn năm thước, y bèn chạy tới đó ẩn núp, cứ cái xác vòng bên này thì y chạy qua bên kia, cái xác càng giận dữ song khách cũng dần dần thấm mệt. Cái xác dừng lại, y đổ mồ hôi thở hổn hển, nép vào gốc cây. Cái xác chợt lao qua, giơ hai tay từ ngoài nhảy xổ vào chụp, y kinh hãi ngã xuống đất, cái xác chụp hụt, ôm gốc cây đứng sững ra đó.

Đạo nhân trong chùa nghe ngóng hồi lâu thấy yên ắng, bèn từ từ mở cửa ra, nhìn thấy y nằm trên mặt đất, nghĩ rằng đã chết, nhưng thấy tim còn đập thoi thóp bèn cõng vào, đến sáng mới tỉnh. Đạo nhân lấy nước cho uống rồi hỏi han, y thuật lại mọi việc. Lúc ấy đã xong hồi chuông sớm, trời đã sáng mờ mờ, đạo nhân ra xem chỗ gốc cây, quả thấy cái thây người đàn bà đứng sững ở đó, cả sợ bèn báo quan. Quan đích thân tới tra hỏi khám nghiệm, sai gỡ tay cái xác ra khỏi gốc cây, mãi vẫn không được. Nhìn kỹ lại thì tám ngón tay đều cong lại như cái móc cắm lút vào thân cây, lại sai mấy người cùng hết sức giật mạnh mới gỡ ra được, nhìn lại thì chỗ ngón tay bấu vào trong gỗ sâu hoắm như lấy dùi đóng vào. Quan sai người tới nhà ông Mỗ dò xét, thì ở đó đang ồn ào rầm rĩ vì xác mất khách chết. Người sai dịch thuật lại chuyện, ông Mỗ bèn đi theo tới chùa, lãnh cái xác về. Người khách khóc nói với quan huyện rằng: “Bốn người cùng ra đi với nhau, nay chỉ có một người trở về, kể lại chuyện này làm sao làng xóm tin được?” Quan huyện bèn phát công văn sai người đưa y về quê.

241. Phun nước[1]

[1] Phún thủy.

Tiên sinh Tống Thúc Ngọc người huyện Lai Dương (tỉnh Sơn Đông) làm quan ở kinh, phủ đệ ở một chỗ rất hoang vắng. Một đêm, hai người tỳ nữ cùng mẹ tiên sinh là Thái phu nhân ngủ ở trong phòng, chợt nghe sau viện có tiếng phùn phụt như thợ may phun nước lên vải để cắt áo vậy. Thái phu nhân bảo một người tỳ nữ dậy xem, người tỳ nữ núp sau cửa sổ nhìn ra thì thấy một bà già người thấp lưng gù, tóc bạc phất phơ, đội một cái mũ chụp cao chừng hai thước, đi vòng quanh nhà, co ro như con hạc, vừa đi vừa phun, mãi vẫn không hết nước trong mồm. Người tỳ nữ kinh ngạc tr vào bẩm, Thái phu nhân cũng ngạc nhiên dậy xem, hai người tỳ nữ đỡ ra cạnh cửa sổ cùng nhìn.

Bà già chợt tới sát cửa sổ, phun thẳng vào trong, giấy dán cửa sổ rách toạch, ba người sợ hãi ngã lăn ra đất, nhưng người trong nhà đều không biết. Mặt trời lên cao, người trong nhà đều tụ họp, gõ cửa phòng không thấy trả lời mới hoảng sợ, vội nhấc cánh cửa lên mà vào, thấy một chủ hai tớ đều nằm chết cứng. Sờ tới thấy một tỳ nữ dưới ngực còn ấm, vội đỡ lên cứu chữa, hồi lâu mới tỉnh, kể lại mọi việc. Tiên sinh tới, đau đớn phẫn hận muốn chết, bèn sai theo vết nước tìm tới một chỗ. Đào xuống hơn ba thước thì lộ ra mớ tóc trắng, lại đào nữa thì thấy có một cái xác, hình dung giống như người tỳ nữ đã trông thấy, sắc mặt vẫn tươi tắn như còn sống. Tiên sinh sai đánh, thì xương thịt đã nát hết, bên dưới lớp da chỉ toàn là nước trong mà thôi.

247. Con quái trong núi[1]

[1] Sơn tiêu.

Tôn Thái Bạch từng kể ông cố của ông đọc sách trong chùa Liễu Câu ở Nam Sơn, có lần tháng tư về nhà, hơn chục ngày mới trở lại. Mở cửa vào thì thấy bụi bặm đầy bàn, tơ nhện ngập song, bèn sai kẻ hầu quét dọn, đến tối mới xong. Kế dọn giường trải chiếu, gối đầu nằm bên song nhìn ra cửa sổ ngắm trăng. Trằn trọc một lúc thì đêm đã yên ắng, chợt có tiếng gió ào ào nổi lên, cổng chùa rít kèn kẹt. Đang nghĩ một mình rằng chắc sư trong chùa quên cài cổng, thì tiếng gió đã tới cạnh phòng ở, kế đó cửa phòng mở tung. Còn đang ngờ vực chưa biết là gì thì tiếng động đã vào tới phòng, lại có tiếng dép quèn quẹt tới sát phòng ngủ, bắt đầu thấy sợ thì cửa phòng ngủ mở ra. Vội nhìn ra, thì thấy có một con quỷ lớn khom lưng bước vào, tiến tới đứng sừng sng ở đầu giường, cao ngang xà nhà, mặt vàng như trái dưa già, mắt sáng lóng lánh nhìn khắp bốn vách, há miệng to như cái chậu, răng chơm chởm dài khoảng ba tấc, liếm mép nuốt nước bọt ừng ục, tiếng rền cả phòng. Ông sợ quá, nhưng lại nghĩ nó chỉ đứng cách mình trong gang tấc, không còn cách chạy trốn nữa, chẳng bằng nhân lúc sơ hở mà đâm. Bèn ngầm rút thanh bội đao dưới gối ra chém hết sức trúng vào bụng nó, nghe leng keng như chém vào đá. Con quỷ cả giận, vươn móng vuốt vồ ông, ông co người lại tránh, quỷ vồ trúng cái chăn, giật lấy rồi căm tức bỏ đi. Ông bị kéo rơi xuống giường, nằm dưới đất la ầm lên, người hầu cầm đèn chạy tới thì thấy cửa phòng vẫn đóng như cũ. Trèo cửa sổ vào trông thấy cả sợ, bèn đỡ ông lên giường, ông mới kể lại chuyện. Mọi người cùng đi tìm kiếm thì thấy cái chăn vắt ở ca phòng ngủ, đem ra cửa mở xem thì thấy vết móng to như cái rổ, năm dấu ngón tay xuyên suốt từ bên này qua bên kia. Trời sáng ông không dám ở lại nữa, cắp tráp về nhà, sau tới hỏi sư trong chùa, thì không thấy có gì khác lạ nữa.

243. Con quái trong đống lúa[1]

[1] Thu trung quái.

Ông họ An ở huyện Tín Dương (tỉnh Sơn Đông) chăm việc đồng áng, gặp vụ lúa thu chín, gặt để thành đống trên bờ ruộng. Lúc ấy ở thôn bên cạnh có kẻ đi trộm lúa, nên ông sai đầy tớ nhân đêm có trăng chở thóc về làng nộp thuế, đong đếm xong thì trở lại, còn tự mình ở lại canh giữ, gối đầu lên cái mác ngủ cạnh đống lúa. Vừa mới thiu thiu, chợt nghe có tiếng người đạp lên lúa sàn sạt đi tới, ngỡ là bọn trộm, vội ngóc đầu dậy nhìn thì thấy một con quỷ cao hơn một trượng, mặt mũi hung dữ tới sát bên cạnh. Ông phát hoảng không biết làm sao, bèn nhảy bật dậy đâm bừa, con quỷ kêu rống như sấm sét bỏ chạy. Ông sợ nó quay trở lại, vác cái mác chạy về, gặp đầy tớ dọc đường, thuật lại chuyện mới rồi bảo họ đừng ra ruộng nữa, song mọi người cũng chưa tin lắm.

Hôm sau đang phơi thóc, chợt nghe có tiếng gầm vang tới, ông hoảng sợ nói: “Con quỷ tới rồi,” rồi bỏ chạy, mọi người cũng chạy tán loạn. Một lúc sau mới dần dần tụ họp lại, ông sai mọi người mang cung nỏ để rình. Hôm sau quả nhiên con quỷ tới, mọi người cùng bắn tên ra, quỷ sợ chạy mất, hai ba ngày không tới nữa. Khi đưa hết lúa về kho xong, rơm rạ còn vứt bỏ ngổn ngang ngoài ruộng, ông sai đầy tớ đánh thành đống, tự mình trèo lên xem xét, đứng cao hơn mặt đất vài thước, chợt nhìn ra xa hoảng sợ kêu lên: “Con quỷ tới rồi!” Mọi người đang vội vàng tìm cung nỏ thì con quỷ đã xông tới sát ông, ông ngã quay ra, nó bèn cắn vào mặt rồi bỏ đi. Mọi người trèo lên cây rơm xem, thì trên mặt ông mất một miếng xương to bằng bàn tay, hôn mê không biết gì nữa, cõng về tới nhà thì chết. Sau đó không thấy nó nữa, không biết đó là loại quỷ quái gì.

244. Chàng Sáu Vương[1]

[1] Vương Lục Lang.

Họ Hứa ở phía bắc thành huyện Truy (tỉnh Sơn Đông) làm nghề đánh cá. Đêm nào cũng mang rượu tới bờ sông, uống rồi mới kéo lưới, uống rượu thì rót một chén xuống đất khấn: “Ma da trên sông tới mà uống,” cứ thế thành lệ. Người khác đánh cá có khi không được chút gì, chứ riêng Hứa thì đêm nào cũng được đầy giỏ. Một đêm vừa đem rượu ra uống một mình thì có một thiếu niên tới quanh quẩn cạnh đó. Hứa mời cùng uống, vui vẻ với nhau, trọn đêm chờ chẳng được con cá nào, Hứa rất thất vọng. Thiếu niên đứng dậy nói: “Xin xuống dưới dòng xua cá lên cho ông,” rồi nhẹ nhàng bước đi. Giây lát quay lại nói: “Cá tới nhiều rồi đấy!” quả nhiên nghe tiếng cá đớp móng vang dưới sông, cất lưới lên thì được vài con dài cả thước. Hứa mừng quá, cám ơn định về, đưa cá biếu thì thiếu niên không nhận, nói: “Nhiều phen được cho uống rượu ngon rồi, bấy nhiêu đâu đã đủ để báo đáp? Nếu như không ghét bỏ, xin cứ cho được uống rượu thế này thôi!” Hứa nói: “Mới uống với nhau có một lần, sao lại nói là nhiều phen? Còn nếu chiếu cố tới nhau mãi, thì đó là điều ta rất muốn, chỉ thẹn không có gì để tỏ bày tình cảm thôi.” Rồi hỏi họ tên, thiếu niên đáp: “Ta họ Vương, không có tên tự, gặp nhau cứ gọi là chàng Sáu Vương được rồi,” rồi từ biệt nhau.

Sáng ngày Hứa bán cá, mua rượu nhiều hơn, tối đến tới bờ sông đã thấy thiếu niên tới trước chờ đó. Lại cùng vui vẻ uống rượu với nhau, được vài chén, vội đứng dậy đi xua cá cho Hứa. Cứ thế được nữa năm, một hôm chợt nói với Hứa: “Được quen biết nhau, tình thân còn hơn cả ruột thịt, nhưng sắp phải xa nhau rồi,” lời lẽ rất ảo não. Hứa ngạc nhiên hỏi, thiếu niên định đáp lại thôi, mấy lần mới nói: “Thân tình như hai người chúng ta, nói ra thì chắc ông không ngờ sợ chăng? Nay sắp chia tay, nói thật cũng chẳng hề gì, ta thật là ma đây. Lúc sống vốn hay rượu, say quá mà chết đuối, mấy năm làm ma ở đây rồi. Trước kia ông đánh cá được nhiều hơn người khác, đều là do ta xua cá vào để đền đáp cái ơn rót rượu xuống đất cho uống đấy. Ngày mai nghiệp căn đã hết, sẽ có người thay, ta sắp đi đầu thai, chỉ còn gặp nhau đêm nay, nên không khỏi bùi ngùi.” Hứa thoạt nghe rất sợ, nhưng gần gũi đã lâu nên không khiếp hãi, lại vì thế mà thương cảm, rót rượu mời nói: “Chàng Sáu uống chén này đi, đừng đau đớn nữa? Gặp nhau rồi lại chia tay, kể cũng đáng buồn, nhưng thoát khỏi nghiệp chướng chính là điều nên chúc mừng, buồn bã thì không phải lẽ,” bèn cùng nhau uống thật say. Hứa hỏi người thay là ai, đáp: “Ông cứ chờ bên sông mà nhìn, trưa mai sẽ có người đàn bà qua sông chết đuối, là kẻ thay ta đấy!” Nghe gà trong làng đã gáy, hai người gạt lệ chia tay.

Hôm sau Hứa chờ bên sông để xem chuyện lạ. Quả thấy có người đàn bà bồng con tới, tới bờ sông thì khuỵu chân ngã xuống nước, đứa bé văng lên bờ, giơ tay quẫy chân khóc ầm lên. Người đàn bà trồi lên hụp xuống vài lần, chợt vùng vẫy bám được vào bờ trèo lên, nằm lăn ra đất thở dốc một lúc rồi trở dậy bồng con đi. Lúc người đàn bà rơi xuống sông, Hứa thấy bất nhẫn muốn nhảy xuống cứu, nhưng lại nghĩ đây là kẻ thay cho chàng Sáu được đi đầu thai, nên đứng lại không tới cứu nữa. Đến khi người đàn bà tự lên được bờ sông, Hứa ngờ rằng lời chàng Sáu nói không đúng. Tối đến ra đánh cá ở chỗ cũ, lại thấy thiếu niên tới, nói: “Từ nay trở đi lại được gặp nhau, không nói chuyện chia tay nữa.” Hứa hỏi tại sao, đáp: “Người đàn bà ấy đúng là sắp phải thay ta, nhưng ta thương đứa bé còn đang tuổi phải bồng ẵm, bắt một người thay mà hại hai mạng sống nên tha cho chị ta. Người thay chẳng biết đến bao giờ mới có nữa, có khi cái duyên giữa hai người bọn ta chưa dứt chăng?” Hứa cảm động than thở khen rằng: “Tấm lòng nhân hậu thương người như thế có thể thấu tới Thượng đế,” từ đó lại gặp gỡ nhau như trước.

Vài hôm sau thiếu niên lại tới từ biệt, Hứa nghĩ rằng chắc lại có kẻ thay. Thiếu niên nói: “Không phải thế đâu, một ý niệm hôm trước quả làm cảm động lòng trời, nay đã trao cho ta chức thổ thần đất Ô Trấn huyện Chiêu Viễn (tỉnh Sơn Đông), sáng mai là ngày phải đi nhậm chức. Nếu ông không quên bạn cũ, xin tới thăm nhau một lần, đừng ngại xa xôi khó nhọc.” Hứa chúc mừng nói: “Ông ngay thẳng mà làm thần, quá đủ để an ủi lòng người, nhưng thần người khác nẻo, dẫu ta không ngại xa xôi khó nhọc, nhưng làm sao được gặp nhau?” Thiếu niên đáp: “Cứ tới đừng lo,” dặn dò mấy lần rồi đi. Hứa về nhà, lập tức sắp xếp hành trang lên đường, vợ cười nói: “Cách đây vài trăm dặm thì quả có một chỗ tên gọi như thế thật, có đều e rằng tượng đất không nói chuyện được với nhau thôi.” Hứa không nghe, đi tới Chiêu Viễn, hỏi thăm người ở đó quả có đất Ô Trấn, bèn tìm tới đất ấy, vào nghỉ ở quán trọ, hỏi thăm đền thờ Thổ thần ở đâu. Chủ nhân kinh ngạc hỏi: “Khách họ Hứa phải không?” Hứa đáp: “Đúng rồi, sao ông biết?” Lại hỏi: “Khách ở huyện Truy phải không?” Đáp: “Đúng rồi, sao ông biết?” Chủ nhân không đáp, vội vã bước ra ngoài. Giây lát thì đàn ông bế con, đàn bà nép ở cửa chen chúc rần rần kéo tới đứng đông đặc phía ngoài.

Hứa ngạc nhiên, mọi người bèn nói: “Mấy đêm trước thần báo mộng rằng có người bạn họ Hứa ở huyện Truy Xuyên sắp tới thăm, phải lo lắng giúp đỡ, bọn ta đã chờ lâu rồi.” Hứa cũng lấy làm lạ lùng, bèn tới đền tế, khấn rằng: “Sau khi chia tay ông, đêm ngày không quên nên lặn lội đường xa cho trọn lời hứa, lại được ơn báo mộng cho dân biết để tiếp đón, tình nghĩa xin ghi tạc trong lòng, song thẹn lễ vật đơn sơ, chỉ có chén rượu đục, nếu không ghét bỏ, xin như ngày còn uống rượu với nhau bên sông,” khấn xong, đất giấy tiền vàng bạc. Lập tức có một cơn gió nổi lên trước bàn thờ vi vút hồi lâu mới tan. Đêm ấy Hứa nằm mộng thấy thiếu niên tới, áo mão rực rỡ khác hẳn ngày trước, cảm tạ nói: “Đường xa vất vả tới thăm nhau, thật ta vừa mừng vừa tủi, nhưng hiện đã giữ chức mọn, không tiện hiện thân gặp mặt, gần trong gang tấc mà như cách trở núi sông, rất là đau lòng. Những cư dân ở đây có chút lễ mọn khoản tặng thay ta, lúc nào ông về, cũng xin sẽ theo tiễn.”

Ở được vài hôm, Hứa muốn về, mọi người khẩn khoản lưu lại, sáng rước chiều mời, mọi người báo tin cho nhau, tranh nhau mang lễ vật tặng tiễn, chưa đầy bữa sáng vật tặng đã đầy túi, già trẻ đều tụ họp đưa ra tới ngoài thôn. Chợt có một con gió trốt nổi lên cuốn theo tới hơn mười dặm, Hứa vái dài nói: “Xin chàng Sáu tự bảo trọng, đừng vất vả tiễn xa như thế. Lòng ông nhân ái vốn có thể tạo phúc cho dân một phương, cố nhân không phải dặn dò gì nữa.” Trận gió còn cuốn quanh hồi lâu mới tan, dân làng cũng kinh ngạc than thở quay về. Hứa về tới nhà cũng hơi dư dật, không phải làm nghề đánh cá nữa. Về sau gặp người ở Chiêu Viễn, hỏi thăm thì được biết Thổ thần ở đó nổi tiếng linh thiêng. Cũng có người nói rằng đó là Thổ thần ở trang Thạch Khanh huyện Chương Khâu, chưa rõ thuyết nào là đúng.

Dị Sử thị nói: Thân trên đường mây xanh mà lòng không quên bạn nghèo hèn, nhờ thế mới được làm thần đấy. Ngày nay những kẻ quý hiển ngồi xe có mấy ai nhìn nhận bạn nghèo đâu! Quê ta có người tên Lâm Hạ, nhà rất nghèo nhưng có người bạn thuở nhỏ nhận chức quan béo bở, cho rằng tìm tới sẽ được giúp đỡ bèn hết sức kiếm tiền ăn đường, bôn ba ngàn dặm, nhưng người bạn đón tiếp khác hẳn với điều y mong muốn, phải vét túi bán ngựa mới về được tới nhà. Đám em họ hay đùa, nhại thiên Nguyệt lệnh trong Lễ ký đặt lời chọc ghẹo rằng: “Đến tháng ấy, ca ca về, mũ lông điêu xơ xác, dù lọng không giương, ngựa cưỡi hóa thành lừa, giày bắt đầu há mõm,” nghĩ cũng là một chuyện buồn cười.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3