Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XVI - Chương 432

432. Thần hoa[1]

[1] Hoa thần.

Năm Quý Hợi ta dạy học ở huyện Tất Hạ (tỉnh Sơn Đông), ngụ trong Trác Nhiên đường của ông Sử. Nhà ông trồng đầy hoa cỏ, cứ rảnh rỗi lại cùng ông chống gậy dạo chơi ngắm cảnh. Một hôm đi dạo xa quá trở về thấy mệt muốn nghỉ, cởi giày lên giường ngủ, nằm mơ thấy hai nữ lang quần áo đẹp đẽ tới mời: “Có chuyện muốn nhờ, xin rời gót ngọc.” Ta kinh ngạc đứng lên hỏi là ai triệu, họ đáp: “Giáng phi.” Ta đang hoang mang cũng không nghĩ ngợi gì, cứ đi theo họ. Giây lát thấy một nơi điện gác cao tận mây xanh, dưới có thềm đá, cứ từng chặng từng chặng đi lên, khoảng hơn trăm bậc mới hết. Thấy có cửa son treo rèm, lại có vài người đẹp chạy vào trong báo tin khách tới.

Không bao lâu trở ra dắt vào điện, thấy móc vàng treo rèm ngọc sáng ngời lóa mắt. Trong điện có một nữ nhân xuống thềm ra đón, tiếng vòng ngọc khua leng keng, dáng vẻ như bậc phi tần. Ta đang định vái lạy, Phi đã nói: “Làm phiền tiên sinh, lẽ ra ta phải cám ơn trước.” Rồi gọi tả hữu trải đệm ra, như định làm lễ. Ta hoảng sợ không biết làm sao, vội thưa: “Kẻ quê mùa hèn mọn được ơn trên vời tới đây đã là vinh dự lắm rồi, làm sao còn dám nhận lễ chào khách, lại thêm tăng tội giảm phúc của thần thôi.” Phi sai dẹp nệm bày tiệc, ngồi đối diện với ta. Rượu được vài tuần, ta nói: “Thần uống rượu kém, sợ say thất lễ. Không rõ định sai bảo gì, cho thần hết lo lắng.” Phi không nói, chỉ sai lấy chén lớn mời, ta lại hỏi mấy lần mới nói: “Thiếp là thần hoa, cả nhà yếu ớt tới đây nương tựa, nhiều lần bị con tiện tỳ họ Phong[2] vô lễ lấn lướt. Nay muốn dựa lưng vào thành tử chiến một trận, phiền ông thảo cho một bài hịch.”

[2] Họ Phong: thần gió.

Ta hoảng sợ đứng lên thưa: “Thần học ít tài hèn, sợ phụ lời ký thác nặng nề, nhưng đã đội ơn được ban mệnh, đâu dám không hết sức ngu hèn,” phi mừng rỡ, lập tức ban cho giấy bút ngay trên điện. Các mỹ nhân kê bàn sắp chỗ, mài mực thấm bút, lại có một người búi tóc rủ xuống tới rọc giấy đặt dưới khuỷu tay. Cứ ta viết được một hai câu lại có hai ba người tới đứng sau lưng đọc trộm. Ta vốn vụng về chậm chạp, mà lúc ấy thấy tứ văn cuồn cuộn tuôn ra như sóng sông, chỉ trong khoảnh khắc đã viết xong. Các mỹ nhân tranh nhau đón lấy tới trình cho Phi. Phi xem qua một lượt, cứ quá lời khen ngợi, bèn sai đưa ta về. Ta tỉnh dậy còn nhớ rõ mọi việc nhưng bài hịch đã quên mất quá nửa, nhân viết thêm vào cho đủ.

Xét họ Phong: Nghênh ngang thành nết, độc ác là lòng.

Giúp ác cậy tài, khác xa cỏ rạp. Bắn người ngậm cát, giống hệt yêu tà.

Đế Ngu vui vẻ với hơi hòa, giàu sang chưa đủ thỏa lòng, còn mượn gió nam đưa khí mát. Vua Sở ngu ngơ lòng cảm thán, hiền tài chưa làm xứng ý, những mong lốc lớn để xưng hùng.

Bái Thương mây tan, anh hùng còn mong mãnh sĩ. Mậu Lăng thu thẳm, quân vương lại nhớ giai nhân.

Từ đó ngạo nghễ tự hùng, vì thế rông càn bất kể.

Thét gào vạn chốn, khua rèm ngọc giữa cung sâu. Thổi rít nửa đêm, phủ hơi thu lên cây lạnh.

Hướng vào rừng núi giả oai hùm, lướt tới sông hồ gây sóng dữ.

Lại còn: Khua rèm đẩy cửa, ngắt điệu nhạc chốn ca lâu. Rung vách giật song, phá giấc mơ người chinh phụ.

Vạch rèm thổi chiếu, ngang nhiên làm khách vào màn. Xô cửa lên thềm, hách dịch như thầy lật sách.

Vốn chẳng từng biết mặt, cũng đẩy cổng tiến vào. Đã không giúp níu quần, còn xô người bước tới.

Nhả ráng hồng bên trời biếc, còn khoe giúp bóng trăng tròn. Vờn sóng liễu giữa đồng xanh, lại nói đưa tin hoa nở.

Kẻ về núi đường xa còn bước, thổi cho áo ẩn sĩ phất phơ. Người chơi non hứng rượu đang nồng, giật cho mão thù du lăn lóc.

Xoay chuyển cánh bồng, cuốn trốt như sừng dê bốc thẳng. Tranh giành trời thẳm, tung dây lôi cánh ó sa mau.

Không vâng lời chiếu Tắc Thiên, cứ xui hoa nở. Chưa dứt giải mão quan Sở, đã thổi đèn tàn.

Thậm chí: Thổi cát bốc mờ trời, san non Lý Hạ. Rắc mưa tuôn mịt đất, phá nóc Thiếu Lăng.

Đánh trống Phùng Di, thổi sênh Thiên nữ.

Lãng đãng tới, đá non hóa én; ầm ì qua, ngói điện chia uyên.

Tát nước chửa ra oai, mặt sóng giang đồn run sợ lạy. Ngăn trời vừa giở sức, chân mây chữ nhạn vẹo xiêu hàng.

Giúp buồm nhẹ qua Mã Đương, việc kia còn rõ. Kéo rèm xanh nơi Ngọc điện, ý nọ ra sao?

Tới như chim bể linh thiêng, cũng phải vào cửa Đông tránh núp. Những mong người đi yên ổn, chỉ luống kêu chàng Thạch trở về.

Xưa có hiền tài, mới ngàn dặm cưỡi gió phá sóng. Đời không cao sĩ, được mấy người ruổi gió mà đi?

Dong xe pháo như mây cuồng, để Dạ Lang tự đại. Được Tham Lang hà khí nghịch, khoe Hà Bá là Tôn.

Chị em cùng chịu điêu tàn, họ hàng thảy đều run sợ.

Tàn hồng gãy lục, thảm não sao cùng. Bẻ lá vặt cành, tiêu điều vô hạn.

Ngọc chôn hương lấp, người đẹp xưa xiêm áo lạnh lùng. Sơn lạt sơn phai, cửa hầu cũ gạch vôi rơi rụng.

Giảm sắc xuân trong sớm tối, muôn nét hao mòn. Tung nét hồng khắp tây đông, năm canh phách lối.

Gái u nhàn nơi Giang Hán, đeo cung bước nhẹ giữa vườn xuân. Kẻ tịch mịch chốn lầu cao, nghe ngựa hí buồn trong nội cỏ.

Lúc ấy kẻ thương xuân ôm nỗi sầu “không lời tả oán”. Người dạo cảnh cất khúc hát “chẳng biết làm sao”.

Ngươi lại: Xoay khí hà hơi ra điều thần bí, thổi mây vén ngút hiện vẻ vô cùng.

Thương thay hoa đỏ vẫn còn, lác đác bên tường rụng cánh. Cảm bấy phướn xanh chẳng hạ, phất phơ ngọn cột thương ai?

Cánh rụng nhụy tàn, hồn thơm đã xong buổi ấy. Sáng tươi chiều héo, mạng kia biết gởi năm nào.

Oán áo là dễ tính, mắng ngọn gió vô tình.

Kiện kẻ dữ hung bạo, sớ chưa tới Thiên đình.

Nhắn với các loài hoa thơm, xin học mày ngài bày trận. Nói cho bạn cùng chí khí, hãy đem cây cỏ làm binh.

Đừng rằng mềm yếu không tài, chỉ cốt giậu rào có chí.

Cứ xem oanh én hợp bầy, chung lòng rửa hận. Xin cùng bướm ong kết nghĩa, ra sức diệt thù.

Chèo lan mái quế đủ đánh trận hồ Côn Minh. Cờ liễu lọng dâu thừa rửa hờn vườn Thượng uyển.

Giậu đông người ẩn sĩ, có ra khỏi lều tranh không. Cây lớn bậc tướng quân, phải sôi bừng lòng nghĩa chứ?

Giết loài bạo ngược, rửa nỗi oan hương phấn ngàn năm. Trừ kẻ tham tàn, tan mối hận phong lưu muôn thuở[3].”

[3] Bài hịch này dùng rất nhiều điển tích về gió, đây chúng tôi chỉ cố gắng dịch đúng ý và không chú thích.

Năm truyện phụ lục[4]

[4] Phụ lục ngũ tắc.

I

Phi Yến ngoại truyện chép hậu mắc chiếc quần màu tía của Nam Việt cống, ca múa theo điệu Gió về đưa đi xa (Quy phong tống viễn). Vua sai người hậu ưa thích là Thị lang Phùng Vô Phương thổi sinh hòa theo. Hậu ca múa đến lúc say sưa, gió lớn chợt nổi lên, hậu theo gió giang tay áo nói: “Tiên ơi! Tiên ơi! Bỏ cũ mà theo mới, nỡ quên lòng sao?” Vua nói: “Vô Phương giữ hậu lại cho trẫm.” Vô Phương vứt ống sinh níu chặt lấy quần hậu giữ lại. Hồi lâu gió lặng, hậu khóc nói: “Làm cho ta không lên tiên được.” Vua trọng thưng cho Vô Phương, đưa hậu về cung. Về sau các cung nữ được vào hầu vua lần đầu có người dệt vải may quần theo kiểu ấy, gọi là “quần giữ tiên (lưu tiên quần).

II

Hàn thi ngoại truyện chép Sở Trang vương cùng các bề tôi uống rượu, đến lúc say thì gió thổi tắt đuốc. Có người kéo áo hậu, hậu ngầm dứt đứt dải mũ người ấy rồi nói với vương rằng: “Xin đốt đuốc lên tìm người bị đứt dải mũ.” Vương nói: “Khoan đã.Rồi lập tức ra lệnh: “Hôm nay các ngươi uống rượu với quả nhân, không đứt cả dải mũ thì chưa phải là thật vui.” Vì thế mọi người đều dứt đứt hết dải mũ, không biết người bị hậu dứt đứt dải mũ là ai.

III

Cửu Giang ký chép núi Mã Đương cao tám mươi trượng, chu vi bốn dặm, ở phía bắc huyện Bành Trạch cũ. Núi gối ngang sông lớn, hình dáng như con ngựa, cản gió ngăn sóng nên sông chỗ ấy ba đào nổi cuồn cuộn đánh vào thuyền bè. Người ta rất sợ hãi, dựng miếu ở lưng chừng núi để thờ cúng. Vương Bột thời Đường bị ngược gió đậu thuyền lại dưới núi, gặp một ông già giúp cho ngọn gió thuận nên chỉ một đêm đã tới được Hồng Đô làm bài Tựa gác Đằng vương (Đằng Vương các tự).

IV

Giang hồ kỷ văn chép truyện gió Thạch Vưu rằng con gái họ Thạch là vợ chàng Vưu. Vưu đi buôn xa, vợ ngăn lại không được. Vưu đi mãi không về. Vợ nhớ chồng mắc bệnh chết, lúc sắp chết thở dài nói: “Ta hận không ngăn được chàng, để tới nỗi này. Từ nay nếu có người buôn bán xa nhà lên đường, ta sẽ làm gió lớn ngăn cản giúp những người làm vợ trên đời.” Từ đó những người buôn bán lên đường thấy mũi thuyền bị gió ngược cản trở đều nói: “Gió Thạch Vưu đấy,” rồi hoãn lại không đi nữa.

V

Bác dị ký chép trong niên hiệu Thiên Bảo thời Đường (742-755), xử sĩ Thôi Nguyên Huy đêm ở nhà một mình, hết canh ba chợt có một cô gái tóc xanh tới nói: “Ta trú trong vườn, nay cùng vài người chị em muốn mượn tạm nơi đó để yết kiến ông, có được không?” Nguyên Huy ưng thuận. Người áo xanh dẫn Nguyên Huy vào vườn, có cô gái mặc xiêm màu lục bước lên trước nói: “Ta họ Dương.Rồi chỉ một người khác nói: “Cô này họ Lý.” Lại một người nói: “Ta họ Đào.Rồi chỉ một người mặc áo màu đỏ nói: “Cô này họ Thạch, tên Thố Thố.” Nguyên Huy bảo ngồi xuống rồi hỏi đi đâu. Họ đáp: “Định tới gặp dì Phong thứ mười tám.” Còn chưa ngồi yên chỗ thì ngoài cổng đã có người vào báo: “Dì họ Phong tới.” Nguyên Huy ra chào, thấy họ Phong lời lẽ lạnh lùng, thái độ như gió lướt trong rừng. Chào hỏi xong, tất cả cùng uống rượu. Dì Phong thứ mười tám bưng chén rượu sóng sánh làm đổ vào áo Thố Thố, Thố Thố tức giận phẩy áo đứng dậy. Dì Phong thứ mười tám nói: “Con nhỏ này mượn men rượu à!” Mọi người cùng đứng cả lên, ra ngoài cổng vườn chia tay. Dì Phong thứ mười tám đi về phía nam, các cô gái lại trở vào vườn.

Đêm sau tất cả lại tề tựu, nói: “Phải tới chỗ dì Phong thứ mười tám.” Thố Thố giận dữ nói: “Cần gì phải tới nhà họ Phong, có chuyện chỉ cần nhờ xử sĩ đây là xong, nhưng không biết có được không?” Nguyên Huy hỏi chuyện gì, họ đáp: “Bọn chị em đều ở trong vườn, hàng năm thường bị gió dữ tàn hại, thường xin dì Phong thứ mười tám che ch cho. Nhưng vì chuyện Thố Thố đêm qua nên khó lòng nhờ được nữa, xin xử sĩ cứ đến ngày đầu năm thì làm một lá phướn đỏ trên vẽ hình mặt trời mặt trăng và năm ngôi sao cắm ở phía đông vườn thì bọn ta có thể thoát nạn.” Nguyên Huy nhận lời làm đúng theo như vậy. Đến ngày đầu năm, gió đông nổi lên từ Lạc Nam cuốn tới bẻ gãy cây cối, thổi tung cát đá nhưng cây hoa dày đặc trong vườn vẫn đứng im không động. Nguyên Huy mới sực hiểu rằng các cô gái đều là tinh của các loài hoa, Thố Thố là hoa thạch lựu, dì Phong thứ mười tám là thần gió.

Liêu Trai cdthập di

1. Hoàng Tịnh Nam

Hoàng Tịnh Nam lúc được trưng tập, cùng hai người Hiếu liêm lên kinh. Trên đường gặp một tên cướp khét tiếng, hai người Hiếu liêm sợ, quỳ rạp đưa tiền bạc ra. Hoàng tức giận, tay không tấc sắt nhưng lấy hai tay ôm chân y nhấc lên ném ra, tên cướp không kịp đề phòng bị ngã cả người lẫn ngựa. Hoàng sấn vào đánh y gãy cánh tay, lục túi y lấy hết tiền bạc rồi đuổi đi. Hai người Hiếu liêm phục Hoàng khỏe mạnh, giúp tiền khuyên nên tòng quân. Sau Hoàng lập được kỳ công, làm quan tới chức Tướng quân.

2. Răn quỷ[1]

[1] Dụ quỷ.

Lúc Thượng thư Thạch Mậu Hoa ở Thanh Châu còn là Chư sinh, ngoài cổng quận thành có cái vực lớn, không có mưa cũng không cạn. Trong hạt bắt được mấy mươi tên cướp lớn, xử tử trên bờ vực, ma quỷ tụ họp ở đó phá phách, người đi qua cứ bị kéo xuống vực. Một hôm, có Mỗ đang gặp nguy cấp, chợt bọn quỷ bỏ chạy tán loạn, nói: “Thạch Thượng thư tới đấy!” Không bao lâu thì ông đi tới, Mỗ kể lại chuyện, ông lấy hòn than viết lên vách đá rằng: “Thạch Mỗ ra điều cấm như sau: Xét vì suy nghĩ vô lương, đến nỗi chuốc cơn sấm sét, mưu toan bất pháp, cho nên chịu tội búa rìu. Chỉ nên bỏ lòng quỷ ý ma, lo điều sám hối, ngõ hòng rửa xương tàn cốt nát, thoát cảnh trầm luân. Các ngươi sống chịu cực hình, chết còn họp ác. Hung hăng kéo tới, xõa tóc thành bầy, nhảy nhót sấn lên, vung tay làm dữ. Bùn vàng lấp mũi, còn khoe oai quỷ oan hồn, ban ngày làm yêu, lại dám chặn đường hành khách. Ngoài núi gò ba thước, chỉ do kẻ sống trông coi, giữa trời đất hai ngôi, há để các ngươi hung dữ? Răn về sau đều nên giấu vết, chớ giữ lòng tà, đống xương bên sông Vô Định, chờ lúc luân hồi, mảnh hồn trong mộng kim khuê, về nơi cố thổ. Nếu còn giữ thói xưa, ắt có ngày hối hận.”

3. Người đất Tấn[1]

[1] Tấn nhân.

Mỗ người đất Tấn (tỉnh Sơn Tây) rất khỏe mạnh, tuy không học võ nghệ nhưng người học võ cũng không ai đánh lại. Mỗ qua Trung Châu, có một đệ tử Thiếu Lâm bị y dánh bại, căm hờn về kể lại với sư phụ, bàn nhau bày tiệc mời y tới để làm hại. Mỗ tới, người kia trước tiên đem trà quả ra mời, trong có hạt hồ đào để nguyên vỏ cứng rắn không sao ăn được. Mỗ nhặt lấy đặt lên mép bàn, lấy ngón tay trỏ gõ một cái, hạt hồ đào lập tức vỡ nát. Mọi người hoảng sợ, đối xử với y rất tử tế rồi chia tay.

4. Nữ quỷ[1]

[1] Nữ quỷ.

Vương Bính ở Oanh Kiều huyện Truy Xuyên (tỉnh Sơn Đông), ra khỏi thôn thấy trong miếu Thổ địa có một cô gái đẹp bước ra, cứ liếc nhìn mình mãi. Vương buông lời ỡm ờ, nàng tươi cười vui vẻ, nhưng không có nơi nào hành sự, bèn hẹn đến đêm vui vầy với nhau. Bính nhân đó nói rõ nơi ở, tối đến quả nhiên nàng tới, cùng nhau vui thú rất nồng nàn. Bính hỏi họ tên, nàng không chịu đáp, từ đó lui tới không dứt. Bính ngủ cùng giường với vợ, cô gái cũng tới giao hoan mà vợ Bính vẫn không biết là có người. Bính ngạc nhiên hỏi, nàng mới nói: “Ta là vợ thần Thổ địa,” Bính cả sợ, muốn dứt tình ngay nhưng làm đủ cách vẫn không ngăn trở nàng được. Cứ thế nửa năm, bị bệnh nằm liệt giường không dậy nổi. Người đẹp lại càng hay lui tới, người nhà đều nhìn thấy. Không bao lâu Bính chết, người đẹp vẫn mỗi ngày tới một lần. Vợ Bính quát nàng ta: “Con ma dâm đãng không biết xấu hổ. Người ta đã chết, còn tới làm gì?” Người đẹp bèn đi không trở lại nữa.

Dị Sử thị nói: Thổ địa tuy nhỏ nhưng cũng là thần, há lại để cho vợ tùy ý lăng nhăng, quyết không đến nỗi như thế. Không biết là con ma nào dâm đãng giả danh, khiến cho ngàn năm sau người ta còn nói thôn ấy có vị thần hèn kém bất cẩn, oan thay!

5. Đàn ông sinh con[1]

[1] Nam sinh t.

Tổng binh Phúc Kiến Dương Phụ có tên luyến đồng, trong bụng máy động. Mười tháng đến kỳ, mơ thấy thần nhân mổ hai nách lấy con ra, hai đứa con trai kêu khóc hai bên. Trở dậy nhìn xuống dưới nách, vết mổ vẫn còn rõ ràng. Bèn đặt tên hai đứa con là Thiên Xá, Địa Xá.

Dị Sử thị nói: Xét lại thì việc này xảy ra trước khi Ngô phiên[2] làm phản. Sau khi Ngô làm phản, Trung thừa Mỗ nghi Dương, muốn trừ diệt nhưng sợ Dương làm loạn, bèn lấy cớ khác gọi tới. Vợ Dương trí dũng song toàn, lấy làm ngờ vực, khuyên Dương đừng đi, nhưng Dương không nghe. Vợ Dương khóc mà tiễn, trở về truyền lệnh cho các tướng, khoác giáp cầm gươm để chờ tin tức. Không bao lâu có tin chồng bị giết, bèn làm phản đánh Mỗ. Mỗ hoảng sợ không biết làm sao, may mà quân sĩ ra sức giữ thành, vợ Dương đánh không được bèn rút quân. Vợ Dương đi đã xa, Mỗ mới mặc giáp lên ngựa, kéo quân ra thành hò hét ầm ĩ, người ta kể cho nhau nghe để cười. Vài năm sau giặc bị dẹp yên, không bao lâu Mỗ bạo tử. Lúc chết thấy Dương cầm gươm bước vào, tả hữu cũng đều nhìn thấy. Than ôi, hồn ma tuy mạnh mẽ, nhưng đã không chắp lại đầu vào xác được nữa rồi! Việc sinh con đầy vẻ yêu tà, đã là điềm báo trước chăng?

[2] Ngô phiên: tức Ngô Tam Quế, xem chú thích truyện Bảo Trú, quyển IV.

6. Nước bọt của ma[1]

[1] Quỷ tân.

Lý Mỗ đang ngủ trưa thấy một người đàn bà trong tường bước ra, đầu tóc rối tung, tóc xõa xuống che kín mặt. Người ấy tới trước giường mới lấy hai tay vạch tóc để lộ khuôn mặt, da dẻ đen đủi vô cùng xấu xí. Lý cả sợ định chạy nhưng đã bị người đàn bà chồm lên giường ôm chặt lấy đầu, kề môi vào miệng Lý, dùng lưỡi đẩy nước bọt qua, thấy lạnh như băng, từ từ trôi vào cổ. Lý không muốn nuốt nhưng không sao thở được, nuốt thì thấy lầy nhầy trong cổ họng, vừa hít một hơi thì trong miệng đã đầy nước bọt, nghẹt thở đành phải nuốt vào. Như thế hồi lâu, ngạt thở không chịu nổi nữa, chợt nghe ngoài cửa có tiếng chân người, người đàn bà mới buông tay ra biến mất. Sau đó Lý thấy bụng trương lên đầy tức, mấy ngày không ăn uống gì được. Có người bảo uống nước sâm lư, Lý thổ ra một vật như quả trứng trong suốt, mới dần dần khỏi bệnh.

7. Nghiện ăn rắn[1]

[1] tịch.

Lữ Phụng Nghi là đầy tớ Vương Phủ Lệnh ở hương ta, tính nghiện ăn rắn. Mỗi khi bắt được con rắn nhỏ thì nuốt chng, giống như nuốt cọng hành. Gặp con lớn thì lấy dao chặt ra từng khúc từng khúc, rồi bốc mà ăn, nhai nghe rau ráu, máu me chảy cả xuống cằm. Lại rất giỏi đánh hơi, từng có lần cách bức tường ngửi thấy mùi rắn, vội vàng chạy ra, quả nhiên bắt được con rắn dài một thước, lúc ấy không mang đao, bèn trước hết cắn nát đầu, đuôi còn ngoe nguẩy ngoài miệng.

8. Đầu đà họ Kim[1]

[1] Kim đầu đà.

Kim Thế Thành, người Trường Sơn. Tính không cần kiệm, đột nhiên xuất gia làm đầu đà. Giống như điên khùng, ăn những vật nhơ bẩn mà cho là ngon. Chó dê ỉa đái trước mặt là cúi xuống ăn, tự xưng là Phật. Bọn đàn bà dân quê ngu xuẩn lấy làm lạ, giữ lễ đệ tử có tới hàng ngàn hàng vạn người. Kim quát bảo ăn phân, không ai dám trái lời. Xây dựng điện gác, tiền bạc không đủ, mọi người vui vẻ đóng góp. Huyện lệnh Nam công ghét vì làm việc kỳ quái, bắt tới đánh đòn, sai sửa văn miếu, môn nhân đồn ầm lên với nhau “Phật gặp nạn”, rồi tranh nhau cứu, trong một tuần cung điện ở văn miếu đều xây xong, việc thu góp tiền bạc còn mau lẹ hơn kẻ lại tàn ác đi thu.

Dị Sư thị nói: Ta nghe Kim đầu đà, người ta đều gọi như thế, nói: “Kim Thế Thành là Phật phẩm, đến nỗi ăn nhưng vật cực kỳ nhơ bẩn. Bị đánh đòn không đủ làm nhục, phạt thì lập tức có người cứu, cách xử sự của Nam công sao mà hay thế.” Nhưng xây Học cung lại nhờ tới kẻ yêu tà ăn vật nhơ bẩn, cũng là sự xấu hổ của sĩ đại phu vậy!

9. Yêu tài[1]

[1] Ái tài.

Trong quan trường, có người có em gái vào cung làm Quý nhân sinh con. Có tướng quân Mỗ làm giúp bài khải, trong có câu: “Em trai lớn lên, suốt đời cạnh mây rồng, vàng ngọc chói chang gác vẽ, xá muội phu nhân, mười năm theo kiệu phượng, xiêm y lộng lẫy ráng chiều. Chày giặt có thể cầm, trăng sương không cần đập áo, ngòi ngự có thể cậy, vịnh ngâm đâu nhọc Vân Anh[2].” Quan trên phục tài, cho đổi qua ngạch văn giai, về sau làm tới chức Thông chính sứ.

[2] Chưa rõ điển tích, song theo văn cảnh thì có lẽ hai câu này muốn nói vị Quý nhân kia đã sinh con với vua, không phải lẻ loi như người vợ giặt áo dưới trăng mong chồng về, cũng không phải vất vả như Vân Anh trong tích cầu Lam. Xem thêm chú thích truyện Thụy Vân.

10. Vợ người nbuôn[1]

[1] Thương phụ.

Thương nhân Mỗ ở Thiên Tân, sắp đi buôn nơi xa, vay tiền một người nhà giàu, bị tên trộm rình thấy. Đến đêm, y lén vào nhà núp, định chờ lúc sơ hở lấy trộm. Nhưng người thương nhân vì hôm ấy là ngày tốt, nên đã mang tiền lên đường. Tên trộm rình đã lâu, chỉ nghe vợ người thương nhân trăn trở trên giường, như không ngủ được. Kế đó, trên vách có cánh cửa nhỏ mở ra, cả phòng sáng bừng. Trong cửa có một cô gái bước ra, diện mạo trẻ trung xinh đẹp, tay cầm một sợi dây dài, tới cạnh giường đưa cho người đàn bà. Người đàn bà xua tay từ chối, cô gái cứ đưa người đàn bà bèn cầm dây trở dậy, buộc lên xà nhà, đưa cổ vào tự ải. Cô gái bèn bước ra, cánh cửa trên vách cũng đóng lại. Tên trộm cả kinh, tung cửa ra kêu ầm lên. Gia nhân tỉnh dậy đổ tới, hỏi han lý do, rồi vội xông vào cứu, nhưng người đàn bà không tỉnh lại. Liền bắt tên trộm đưa lên quan. Quan cho rằng tên trộm đã chính mắt nhìn thấy, thì không còn gì phải nghi ngờ, bèn thả y ra. Hỏi người làng, đều nói chủ cũ của nhà ấy từng có người thiếu phụ treo cổ tự tử, tuổi tác diện mạo đều giống hệt như tên trộm nhìn thấy, nên biết đó là ma. Tục truyền người chết dữ đều phải có kẻ thay thế, đúng là như thế chăng?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3