Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển II - Chương 033 - 034 - 035 - 036 - 037 - 038 - 039
33. Trị hồ[1]
[1] Phục hồ.
Thái sử Mỗ bị hồ quấy phá bệnh nặng, cầu đảo hết cách vẫn không khỏi phải xin nghỉ quan về làng, nghĩ rằng có thể trốn được. Song trên đường về vẫn bị hồ theo, sợ hãi lắm mà không biết làm sao. Một hôm tới ngoài huyện Trác Môn (tỉnh Hà Bắc), nghe nói có người thầy thuốc tự xưng có thể trị được hồ. Thái sử bèn tìm tới xin thuốc, thì ra là loại thuốc dùng vào việc trong phòng. Bèn lập tức uống vào, tối đến ngủ với hồ, mạnh mẽ lợi hại vô cùng. Hồ run sợ nài nỉ xin thôi, nhưng ông không nghe, càng làm bạo hơn, hồ vùng vẫy lăn lộn mãi vẫn không giật ra được. Lát sau im bặt, nhìn lại thì đã hiện nguyên hình là hồ mà chết rồi.
Mỗ ở hương ta vốn có sở trường của Lao Ái[2], thường nói bình sinh chưa được lần nào thật thỏa mãn. Một đêm ngủ lại ở một quán trọ lẻ loi, chung quanh không có hàng xóm, chợt có người con gái tìm tới, cửa chưa mở đã lọt vào trong phòng. Y biết là hồ, nhưng cũng vui vẻ cùng giao hoan, vừa cởi quần áo ra đã chọc thẳng vào. Hồ đau quá kêu thét lên, giật ra như chim ưng thoát xiềng nhảy ra cửa sổ bỏ chạy. Y còn đuổi tới cửa sổ nhìn theo, lấy giọng đùa cợt gọi rất ai oán, nghĩ rằng hồ sẽ quay lại, nhưng đã chạy biệt tăm. Đó thật là bậc tướng mạnh trị hồ, nếu treo bảng nhận trị hồ thì có thể sống bằng nghề ấy vậy.
[2] Lao Ái: người nước Tần cuối thời Chiến quốc, nổi tiếng vô hạnh, chuyên quyến rũ đàn bà con gái, sau được Tướng quốc Lữ Bất Vi tiến cử làm nhân tình cho mẹ Tần vương Chính (tức Tần Thủy Hoàng). Tương truyền ái có vật kín rất dị thường, từng có lần đùa giỡn lấy làm trục bánh xe, quay tít bánh xe mà không hề đau đớn!
34. Ba vị tiên[1]
[1] Tam tiên.
Có người học trò lên Kim Lăng (tỉnh thành Giang Tô) thi, đi ngang huyện Túc Thiên (tỉnh Giang Tô) gặp ba vị Tú tài. Cùng nhau trò chuyện, thấy đều khoáng đạt hơn đời, rất thích bèn mua rượu mời họ cùng uống. Trong lúc thù tạc, ba người đều xưng tên họ, một là Giới Thu Hành, một là Thường Phong Lâm, một là Ma Tây Trì. Mê mải chuyện trò với nhau, trời tối lúc nào không hay, Giới nói: “Chưa làm phận sự chủ nhà lại được cho uống rượu, theo lẽ rất là không phải. Nhà cỏ cách đây không xa, xin mời tới đó nghỉ lại.” Thường và Ma cũng đứng dậy kéo áo mời mọc, người học trò bèn gọi đầy tớ cùng đi theo.
Tới chỗ núi phía bắc làng, chợt thấy đình viện, ngoài cổng có dòng nước chảy quanh. Vào bên trong thì thấy nhà cửa rất sạch sẽ, chủ nhân gọi trẻ thắp đèn, lại sai đưa người đầy tớ đi nghỉ. Ma nói: “Trước vẫn lấy văn chương họp bạn, nay đã gần đến ngày thi, không nên bỏ phí đêm đẹp. Xin nghĩ ra bốn đề bài, mỗi người rút thăm lấy một, làm văn xong hãy uống rượu. Mọi người theo lời, mỗi người nghĩ ra một đề bài, viết đặt lên bàn, ai rút được đề nào thì tới bàn riêng suy nghĩ mà làm. Chưa hết canh hai tất cả đều làm xong, đưa cho nhau lần lượt xem. Người học trò đọc văn của ba người rất khâm phục, bèn chép lại cất đi. Chủ nhân đưa rượu ngon ra mời khách, rót chén lớn uống liên tiếp, không biết say là gì. Khách từ tạ không uống nữa, chủ nhân cũng chiều lòng, đưa vào một phòng riêng. Người học trò say quá, cứ mặc áo mang giày nằm xuống ngủ thẳng.
Đến khi tỉnh dậy thì mặt trời đã mọc cao, nhìn bốn bên chẳng thấy có nhà cửa phòng ốc gì, chỉ có hai chủ tớ nằm trong hốc núi. Người học trò hoảng sợ vội gọi đầy tớ dậy. Nhìn ra thấy bên cạnh có một cái động, trong có dòng nước cuồn cuộn chảy ra, ngờ rằng mình nằm mơ, nhưng tìm lại trong bọc thì ba bài văn chép lại vẫn còn. Xuống tới dưới núi hỏi dân ở đó, mới biết đó là động Tam tiên, trong động có ba con vật là cua, rắn và ễnh ương rất linh thiêng, hay ra ngoài chơi, thỉnh thoảng họ vẫn trông thấy. Khi người học trò vào thi, đề bài ra đều trùng với ba bài mà tiên đã làm, nhờ vậy được đỗ đầu.
35. Khúc hát ếch[1]
[1] Oa khúc.
Vương Tử Tốn nói lúc ở kinh đô, từng thấy một người diễn trò ở chợ, mang một cái hộp đóng theo cách thức riêng, có mười hai cái lỗ, dưới mỗi lỗ có một con ếch nằm, lấy cái thước nhỏ gõ lên đầu thì kêu lên ồm ộp. Có ai cho tiền thì gõ loạn lên đầu bầy ếch như đánh thanh la, khúc điệu cung bậc nghe rất rõ ràng.
36. Màn kịch chuột[1]
[1] Thử hý.
Lại nói có một người ở chợ huyện Trường An (tỉnh Thiểm Tây) diễn trò bằng chuột, trên lưng đeo một cái túi trong chứa hơn chục con. Mỗi khi tới nơi đông người thì lấy ra một cái giá nhỏ bằng gỗ đặt lên vai, giống như sàn diễn kịch. Rồi vỗ cái trống gỗ, hát vở tạp kịch xưa, khi tiếng hát trỗi lên thì chuột ở trong cái túi bò ra, mang mặt nạ, mặc quần áo, từ lưng y leo lên sàn diễn, đứng hai chân múa may, con làm đào con làm kép, khi vui vẻ lúc buồn rầu đều ăn khớp với thứ tự lớp lang trong vở kịch.
37. Con cọp ở Triệu Thành[1]
[1] Triệu Thành hổ.
Có bà già ở huyện Triệu Thành (tỉnh Sơn Tây) hơn bảy mươi tuổi chỉ có một người con trai. Một hôm y vào núi bị cọp vồ chết, bà già đau đớn chết đi sống lại, kêu khóc tới kiện với quan huyện. Quan huyện cười nói: “Cọp thì làm sao lấy phép quan mà trị tội được?” Bà già càng kêu khóc thảm thiết, không làm sao cho bà ta im đi được. Quan huyện tức giận quát tháo cũng không sợ hãi, lại thương xót bà ta già cả, bèn hứa sẽ bắt cọp trị tội. Nhưng bà già vẫn không ra về, đòi phải nhìn thấy trát quan ra lệnh bắt cọp mới chịu đi. Quan không biết làm sao, bèn hỏi các nha dịch ai đi được. Có một người lính lệ tên Lý Năng đang say ngồi ở đó, tự nói mình đi được, quan bèn viết trát giao cho y, bà già mới chịu ra về.
Người lính lệ tỉnh rượu hối hận, lại cho rằng quan huyện chỉ giả làm ra như thế để bà già không kêu khóc quấy rầy nữa, nên cũng không hề để ý, đem tờ trát tới xin hủy bỏ. Quan giận nói: “Ngươi nói là đi được, tại sao lại hối?” Người lính lệ bí quá, xin hạ trát bắt các thợ săn trong huyện cùng đi, quan ưng thuận. Người lính lệ tập họp các thợ săn ngày đêm rình trong núi, mong bắt được một con cọp để không bị trách phạt. Nhưng hơn một tháng chẳng được gì, bị phạt đánh mấy trăm trượng, khổ quá không biết kêu nài với ai, bèn tới Nhạc miếu ngoài phía đông huyện thành quỳ xuống cầu khẩn, khóc tắt cả tiếng. Không bao lâu, chợt có một con cọp từ ngoài đi tới, người lính lệ cả kinh, sợ bị nó vồ. Nhưng cọp vào tới nơi không ngó ngàng gì tới ai, chỉ ngồi xuống ngay giữa cổng miếu. Người lính lệ khấn rằng: “Nếu người giết con trai bà già kia thì cúi đầu cho ta trói,” rồi rút dây ra buộc vào cổ nó.
Cọp cụp tai chịu trói, người lính lệ bèn dắt nó về huyện đường. Quan huyện hỏi nó rằng: “Có phải là ngươi giết con bà già không?” cọp gật đầu. Quan huyện nói: “Giết người thì phải đền mạng, đó là pháp luật đã định từ xưa. Vả lại bà già chỉ có một đứa con trai, mà ngươi giết đi, bà ta già rồi, làm thế nào sinh sống? Nếu ngươi có thể làm con bà ta, thì ta tha cho,” cọp lại gật đầu. Quan bèn sai cởi dây cho nó đi, bà già vẫn còn oán giận quan huyện không giết cọp để đền mạng cho con trai mình. Sáng ngày mở cửa chợt thấy có một con hươu chết nằm ở sân, bà già đem bán thịt lấy tiền sống qua ngày. Từ đó thường thường như thế, có lần cọp còn mang vàng lụa tới vứt trong sân. Bà già nhờ vậy cũng được dư dả, thấy được chăm sóc còn hơn cả lúc con trai còn sống cũng thương cọp. Có lúc nó tới nằm dưới thềm cả ngày không đi, nhưng người nhà và súc vật đều yên ổn, không bị sợ hãi náo động. Vài năm sau bà chết, con cọp tới kêu gào trong phòng khách. Những tiền bạc bà già gìn giữ tích góp được có thừa để làm đám ma, họ hàng lấy đó chôn cất cho bà. Mộ vừa đắp xong thì cọp ào ào phóng tới, khách khứa chạy sạch. Cọp đứng gào rít trước phần mộ, tiếng vang như sấm, hồi lâu mới đi. Dân ở đó lập đền thờ Nghĩa hổ ở phía đông huyện thành, đến nay vẫn còn.
38. Người lùn[1]
[1] Tiểu nhân.
Trong niên hiệu Khang Hy (1662-1722), có người làm trò mang một cái hộp gỗ nhỏ, bên trong chứa người lùn chỉ cao khoảng một thước. Có ai cho tiền thì mở nắp hộp gọi người lùn ra ca hát. Khi tới huyện Dịch (tỉnh Sơn Đông), quan huyện gọi vào công thự xét hỏi lai lịch người lùn. Ban đầu người lùn không dám nói, quan hỏi mãi mới nói ra làng xóm họ hàng. Thì ra là một đứa trẻ đi học, từ trường về bị người làm trò dụ dỗ làm cho mê man, lại đổ thuốc cho uống, tay chân chợt co rút lại, bị y bắt mang đi làm trò. Quan huyện nổi giận giết người làm trò, giữ đứa trẻ lại trong huyện, muốn chữa bệnh cho nhưng vẫn chưa tìm được cách nào.
39. Lương Ngạn
Lương Ngạn người Từ Châu, bị bệnh nghẹt mũi cứ khụt khịt đã lâu không khỏi. Một hôm đi ngủ, vừa nằm xuống thì chợt thấy lỗ mũi bên trái ngứa ngáy vô cùng, bèn ngồi dậy khịt mạnh. Có một con vật văng ra rơi xuống đất, hình dạng như con chó, to bằng đầu ngón tay. Lại khịt thì văng ra một con nữa, khịt tất cả bốn lần văng ra bốn con, ngọ nguậy như sâu, bò lại ngửi hít lẫn nhau. Chợt bốn con quay ra cắn xé nhau, con mạnh ăn con yếu, cứ ăn xong lại dài ra thêm một chút. Trong nháy mắt chỉ còn có một con to bằng con chuột, thè lưỡi bò quanh, có vẻ còn thèm ăn nữa. Lương rất kinh ngạc, giơ chân giẫm, con vật theo ống quần bò lên, dần dần tới đùi. Lương phất tay áo phủi xuống nhưng nó bám rất chặt không chịu rơi, giây lát chui vào trong áo, bò lên hông. Lương hoảng sợ vội cởi áo ném xuống đất, đưa tay mò bắt thì con vật đã dính chặt vào lưng, lay không động, giật thì đau, kết thành một cục thịt lồi lên, nhắm mắt ngậm miệng, như một con chuột đang nằm vậy.