Việt sử giai thoại (Tập 6) - Chương 52 - 56

52 - PHÙNG VIẾT TU VÀ TRƯƠNG VĂN LĨNH BỊ XỬ TỬ

Tháng 9 năm Nhâm Dần, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 5 (1662), Chúa Trịnh Tạc đã sai triều đình đem ra xét xử một vụ án khá lớn mà cả ba bị can đều là ba bậc quan lớn và kết quả là hai người bị xử tử. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 18, tờ 65 - b và tờ 66 - a) cho biết như sau:

“Quan giữ chức Thiêm đô Ngự sử là Phùng Viết Tu, vì tội bẻ cong phép nước, ăn của đút lót, bị phát giác nên xử phải thắt cổ mà chết. Quan giữ chức Thừa chính sứ của xứ Sơn Tây là Quách Đồng Đức cũng vì tội ăn hối lộ mà bị bãi chức. Vụ án này có liên quan đến viên quan Đồng tri phủ là Trương Văn Lĩnh. Khi còn nhậm chức ở phủ Quốc Oai, (Trương Văn Lĩnh) có nhận của đút lót nên bị xử tử. Văn Lĩnh tuy đã ngoài bảy mươi tuổi mà vẫn bị đem ra hành hình, người đương thời ai thấy cũng thương.”

Lời bàn: Với thiên hạ, ba người không phải là nhiều, nhưng với lực lượng ăn hối lộ, nhất là khi toàn bộ lực lượng này chỉ gồm toàn quan lớn, thì trăm lạy các quan, ba người cũng đủ khủng khiếp lắm rồi.

Ba người phạm cùng một tội danh, nhưng hai người bị xử tử, một người bị bãi chức, nặng nhẹ có khác nhau như vậy, âu cũng bởi triều đình muốn tỏ quyền uy hơn là tỏ sự công minh, cho ai sống, buộc ai chết, tất cả đều tùy hứng.

Nhà nọ ở ven rừng, có phát được một ít nương rẫy, lòng lấy làm thích chí lắm. Có đứa trẻ nghịch ngợm bẻ mất mấy cành cây mới trồng, chủ rẫy bắt được, đánh cho mấy roi tứa máu. Hôm sau, có con voi từ trong rừng ra, phá nát hết cả rẫy, chủ rẫy có súng trong tay mà vẫn bỏ chạy thục mạng. Hàng xóm cười thì ông ta lại bảo: “Tránh voi có xấu mặt nào.”

Phùng Viết Tu, Quách Đồng Đức và Trương Văn Lĩnh, đối với dân đen thấp cổ bé miệng là quan lớn, nhưng đối với triều đình thì cũng kể như đứa trẻ trong câu chuyện nói trên mà thôi. Xã tắc đã bị vua chúa phá nát như con voi phá nát nương rẫy, vậy mà trăm quan vẫn cứ thay nhau tung hô vạn tuế, không chạy thục mạng mà cũng như chạy thục mạng, chẳng khác gì ông chủ rẫy, nào có ai đủ can đảm để nói lời phản bác đâu. Hóa ra, chẳng có gì khủng khiếp hơn, khi mà chân lí chính là sở thích của kẻ mạnh.

Phùng Viết Tu và Trương Văn Lĩnh bị xử tử là phải lắm. Đừng tưởng hậu thế ghét hôn quân ám chúa mà rộng tình với kẻ ăn hối lộ của dân. Sử viết người đương thời ai thấy cũng thương, song, không phải là thương xót mà là thương hại. Vâng, thương hại thay, quan lớn người họ Trương! Ngài đã thọ đến tuổi cổ lai hi, vậy mà vẫn chưa biết sống nghĩa là gì. Bình sinh, ngài là người mà sao chẳng giống người, bị hành hình rồi, ngài về âm phủ, ắt làm ma mà cũng chẳng giống ma!

53 - VUA LÊ HUYỀN TÔNG ĐƯỢC LÊN NGÔI NHƯ THẾ NÀO?

Ngày 12 tháng 5 năm Kỉ Mùi (1619), vua Lê Kính Tông bị giết, con trưởng của Vua là Lê Duy Kỳ, lúc này mới 12 tuổi được đưa lên ngôi, đó là vua Lê Thần Tông.

Lê Thần Tông là vị vua duy nhất của họ Lê được lên ngôi hai lần. Lần đầu, từ năm 1619 đến năm 1643. Bấy giờ, con trưởng của Nhà vua là Lê Duy Hựu đã 13 tuổi, ắt cũng để cầu được yên thân với chúa Trịnh, Nhà vua liền truyền ngôi cho Lê Duy Hựu (ấy là vua Lê Chân Tông), còn mình thì làm Thái thượng hoàng. Năm 1649, Lê Chân Tông mất, hưởng thọ... mười chín tuổi. Chúa Trịnh Tráng liền đến đón Lê Thần Tông trở lại ngôi vua, và Lê Thần Tông ở ngôi cho đến năm 1662 mới qua đời, thọ năm mươi lăm tuổi.

Sinh thời, Lê Thần Tông có lập Lê Duy Tào làm Thái tử...

Các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng đã cất công tra cứu để biết Lê Duy Tào là ai nhưng không được, đành phải viết Lời chua rằng: "Duy Tào là người khác việc này không khảo cứu được" (Chính biên, quyển 32, tờ 41). Như vậy, đúng lẽ thì Lê Duy Tào phải là người lên nối ngôi vào năm 1662, nhưng rất tiếc, ngôi vua lại bất ngờ về tay Lê Duy Vũ là con thứ của Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông, lúc này mới lên tám tuổi. Lê Duy Vũ lên ngôi vào tháng 11 năm 1662, đó là Lê Huyền Tông.

Việc Lê Huyền Tông lên ngôi được sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 18, tờ 65 a - b) chép như sau:

"Tháng 9 (năm Nhâm Dần, 1662 - ND). Vua nhiễm bệnh ung thư, xuống chiếu đổi niên hiệu là Vạn Khánh năm thứ nhất. Đại xá.

Bấy giờ, Vua còn chưa khỏi bệnh, nên có chỉ dụ cho Thượng sư Tây Vương (chỉ Trịnh Tạc - ND) rằng:

- Trước đây, vì chưa có con nối dõi, cho nên mới lấy Duy Tào là người khác họ làm Thái tử. Nay, vì lo việc về sau, trên sợ anh linh của tổ tông đang ở cõi trời, không dám khinh suất, đem ngôi lớn phó thác cho người khác họ. Vậy, hãy phế Duy Tào đi rồi cho hắn theo về với họ mẹ. Nay, con đích (thực ra là con thứ, nhưng vì anh là Lê Duy Hựu tức vua Lê Chân Tông đã mất nên con thứ được coi là con đích - ND) là Duy Vũ đã lên chín tuổi, đã bắt đầu trưởng thành, nhờ Vương (tức Trịnh Tạc - ND) giúp đỡ nên người để nối nghiệp lớn, giữ yên lòng thần dân.

Vương thấy việc này rất hệ trọng, bèn sai các quan văn võ vào thềm son để đợi mệnh, đồng thời, ủy cho bọn Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Thiếu bảo, tước Yên Quận công là Phạm Công Trứ, cùng các quan Hữu Đô đốc kiêm Thái giám, tước Bái Quận công là Lê Viết Đăng, Hằng Quận công là Lê Đăng Tiến, vào chỗ Vua nằm để đợi cố mệnh. Nhà vua khẩn khoản hiểu dụ đến hai ba lần, y như lời dụ trước đó (với Thượng sư Tây Vương Trịnh Tạc). Phạm Công Trứ đem lời Vua trình lại cho Vương hay. Vương và các quan tôn lập Hoàng tử Duy Vũ làm Thái tử, phế Duy Tào làm thứ nhân, cho theo về với họ mẹ.”

Cũng sách trên cho biết, ngày 22 tháng 9 năm 1662, vua Lê Thần Tông mất, Lê Duy Vũ lên nối ngôi vào tháng 11 năm 1662, lấy năm sau (1663) làm năm Cảnh Trị thứ nhất.

Lời bàn: Thêm một lần nữa, hoàng tộc nhà Lê có người bất ngờ... được làm vua. Bấy giờ, ngôi vua chẳng qua là đồ trang sức cho phủ Chúa, ai hợp ý Chúa, kẻ đó được làm Vua, thế thôi. Làm Vua như thế, dễ thay! Nếu thiên hạ không bận việc cuốc cày lại thêm chút liều lĩnh và ham vui nữa, tất tất đều có thể ngồi lên ngai vàng. Xem ra, các chúa Trịnh thuở xưa cũng có tài vặn, đại để như tài tôn lập hoặc thí vua, tài tạo ra những màn kịch bi hài cho cung đình. Trăm quan đặt ra, chẳng qua chỉ cốt để cho thêm đông người biết ngoan ngoãn nghe lời chúa Trịnh mà thôi. Giá thử chúa Trịnh nói rằng con trâu sẽ biết bay, ắt trăm quan chẳng những tin con trâu sẽ biết bay mà còn tin là loài chim sẻ nhất định kéo được cày. Chúa đã bảo mà!

54 - THƯƠNG HẠI THAY, CHƯ VỊ SINH ĐỒ!

Thế kỉ XVII là thế kỉ loạn li, dầu vậy, sĩ tử bốn phương cũng chẳng hề vì thế mà sao nhãng việc dùi mài kinh sử để sẵn sàng ứng thí. Tuy nhiên, thời loạn đến đó đã có bề dày lịch sử cả trăm năm, sự nhiễu nhương đã có quá đủ điều kiện để thấm khắp mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, kể cả các trường thi, nhất là trường thi Hương. Tháng tư năm Giáp Thìn (1664), triều đình vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc đã buộc phải tổ chức cho một loạt sinh đồ thi lại. Chuyện này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 19, tờ 7 - b) chép như sau:

"Mùa hạ, tháng tư, sai quan Phó tướng, hàm Thiếu phó, tước Tông Quận công là Trịnh Hoành, cùng với quan Bồi tụng, chức Lễ bộ Tả thị lang, tước Phong Lộc Tử là Ngô Tuấn, ra bãi sông Nhị để phúc khảo lại Sinh đồ các xứ.

Trước đó, phép thi còn rất lỏng lẻo, cho thí sinh mang sách vào trường thi. Từ năm Canh Tí (tức năm 1660 - ND) đến nay, tuy đã cấm chỉ, nhưng lệnh ấy vẫn chưa được áp dụng nghiêm ngặt khiến cho kẻ đỗ đạt phần nhiều dốt nát, thậm chí, có kẻ còn nhờ người làm bài giúp, dư luận rất xôn xao.

Đến đây, triều đình sai quan phúc khảo Sinh đồ đã đỗ trong ba khoa là Đinh Dậu (tức năm 1657 - ND), Canh Tí (tức năm 1660 - ND) và Quý Mão (tức năm 1663 - ND). Đề thi phúc khảo dùng một bài thơ Đường luật, một bài ám tả chính văn kiêm đại chú trong Kinh và Truyện. Ai đỗ thì vẫn được coi là sinh đồ, ai hỏng phải ở lại học tiếp ba năm nhưng vẫn được cho miễn tạp dịch. Sau, nếu thi lại lần nữa mà vẫn không đỗ mới bắt về làm dân, chịu tạp dịch như mọi dân đinh khác. Bấy giờ, người hỏng thi (phúc khảo) tính ra cũng đến quá nửa.”

Lời bàn: Bấy giờ, nói đi học là học để làm quan, để được bước vào hoạn lộ mà tìm tiền tài và danh vọng. Đỗ Sinh đồ (về sau đổi là Tú tài), tuy chỉ là đỗ thấp nhất trong hệ thống học vị của giáo dục Nho học, nhưng cũng đã có thể được bổ làm quan huyện, bởi vậy, đây chính là mục tiêu phổ biến nhất của sĩ tử thuở xưa. Kẻ biết mình không thể vươn xa thường tìm đủ mọi cách để giành cho được học vị này. Tệ nạn trường thi Hương ngày một nặng nề. Bỏ ra ba quan để hối lộ là đã có thể có học vị Sinh đồ, dân gian mai mỉa gọi đó là Sinh đồ ba quan, kể cũng chẳng sai chút nào.

Kẻ dốt nát mà đỗ đạt, đâu phải chỉ khiến cho đội ngũ những kẻ cầm quyền thiếu năng lực đâu. Con đỏ thừa kẻ chăn dắt nhưng lại thiếu cái ăn, thương thay. Nếu đông tây kim cổ mà vẫn có nơi tự hào là may mắn có lắm quan, thì thiên hạ thời ấy cũng đã có thể ngậm đắng nuốt cay, gạt nước mắt mà tự hào, đằng này...!

Triều đình bắt sĩ tử thi lại là cốt để chọn cho bằng được đấng chân tài chăng? Than ôi, nếu có tài thì họ đã chẳng cam lòng mua học vị Sinh đồ làm gì. Cỏ kẻ độc miệng bảo rằng, đấy chẳng qua là bởi triều đình kiếm cớ để nhận hối lộ lần thứ hai, ngạo mạn và vô lễ quá, nhưng, kẻ hậu sinh thẳng thắn, soi đèn tìm khắp sử sách mà vẫn chẳng thấy chữ nào có thể bào chữa cho triều đình. Tiếc thay. Thôi thì đành dựng bút làm nhang, kính cẩn thỉnh hương hồn chư vị quan phúc khảo thuở nào, về ngay đoạn này, đọc lại, suy ngẫm và tự bào chữa cho mình vậy. Còn như chư vị sinh đồ ba quan trước năm Đinh Dậu (1657) và sau năm Quý Mão (1663) xin chớ có vội cả mừng vì thoát nạn. Sử gia thuở xưa thì ít mà công việc thì nhiều, không làm sao chép hết sự nhiễu nhương trong thiên hạ, song, hậu thế xét người từ công đức có phải từ mảnh bằng của chư vị đâu. Khi cất công tìm kiếm mà chẳng thấy công đức thì chư vị là ai, không nói cũng biết rồi. Phải không?

55 – NGUYỄN ĐỨC TRUNG MẮC ĐẠI HỌA!

Tháng tám năm Mậu Thân (1668), triều đình vua Lê Huyền Tông (1662 - 1671) và chúa Trịnh Tạc (1657 - 1662) đã xử một vụ án khá lớn mà bị can của vụ án này lại chính là Thụy Quận công Nguyễn Đức Trung - con rể của chúa Trịnh Tạc. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 19, tở 20 - b và 21 - a) chép như sau:

"Tước bỏ quan tước của Nguyễn Đức Trung.

Đức Trung người làng Quế Ổ, huyện Lôi Dương (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa - ND), là con của quan Thái bảo Hào Quận công Nguyễn Đức Nghiệp. Đức Trung từng theo đi đánh dẹp, là người quả cảm và thiện chiến, được thăng quan tới chức Đồng tri đô đốc, tước Thụy Quận công. Vương (chỉ Trịnh Tạc - ND) đem con gái thứ là Trịnh Thị Ngọc Lanh gả cho. Nhưng, Trung vốn tính tàn nhẫn, thường cậy có công lao mà kiêu ngạo và ngang tàng, phủ đệ của y lộng lẫy, tiếm lạm cả danh phận kẻ trên. Cha con Trung lại ngầm chứa khí giới, lén đem phân phát cho dân, ngầm mưu làm điều phi pháp. Việc bị phát giác, triều đình xét tội, thấy rõ dấu vết của sự làm phản, nhưng Vương thương (cha con Nguyễn Đức Trung) là người có công đánh giặc, tha cho tội chết, chỉ tước bỏ quan tước mà thôi. Nhưng ba người con (của Nguyễn Đức Trung) là bọn Nguyễn Đức Kiêm thì bị giết.”

Lời bàn: Cha con Nguyễn Đức Nghiệp và Nguyễn Đức Trung phạm hai sai lầm lớn. Một là cả tin ở triều đình, cúc cung tận tụy đem thân trâu ngựa ra phục dịch, gian nan không sợ, hiểm nguy chết chóc cũng không từ, cứ tưởng sáng danh vua chúa là rạng rỡ tên mình, nào có biết đâu, ơn mưa móc của thời loạn chỉ có trong ngôn từ, chẳng dễ gì nhuần thấm kẻ có công lao. Hai là khi đã may mắn có chút vinh hoa phú quý thì ngây ngất mà quên rằng, triều đình cho được thì triều đình cũng có quyền lấy lại được, mà triều đình thì bao giờ cũng thích lấy hơn là thích cho, khoe khoang chỉ tổ làm cho máu tham của đấng chí tôn dồn dập tăng lên, mang đại họa là cái chắc.

Con rể của Chúa chỉ có thể làm cho thiên hạ sợ uy, có đâu lại làm cho Chúa sợ được? Trên Chúa còn có cả Vua, vậy mà Chúa còn không sợ, dám giết cả Vua, huống nữa là sui gia và con rể, vai vế chẳng thể sánh với Chúa?

Nguyễn Đức Nghiệp và con là Nguyễn Đức Trung mất chức, triều đình bớt được hai suất lương, thiên hạ bớt được hai kẻ dám kiêu lộng với Chúa, và thương thay, Nguyễn tộc mất ba mạng sống của anh em Nguyễn Đức Kiêm. Đại họa của đại họa chính là ở chỗ này!

Trách chúa Trịnh Tạc sao mà tệ bạc vậy chăng? Xin chớ phung phí lời nhân nghĩa làm gì, bởi lẽ, nếu không biết tệ bạc đến tận cùng của sự tệ bạc, làm sao có thể gọi là Chúa? Tệ bạc là bài học khai tâm của Chúa thuở thiếu thời đó thôi.

Suy cho cùng, Chúa ấy thì có tôi (Nguyễn Đức Trung) như thế ấy, có gì là lạ đâu.

56 - HẬU VẬN CỦA VŨ CÔNG TUẤN

Vũ Công Tuấn là con của Vũ Công Đắc. Vũ Công Đắc là cháu bốn đời của Vũ Đức Cung (xem thêm Chuyện Vũ Đức Cung). Năm 1594, Vũ Đức Cung từng làm phản, trong thì làm ô nhục gia phong, ngoài thì khiến cho triều đình phải cử binh phạt tội. Nhờ đút lót tiền của và ngựa quý mà Vũ Đức Cung được tha chết, nhưng nỗi hổ thẹn để lại nào phải chỉ một đời. Tiếc thay, hậu duệ của Vũ Đức Cung là cha con Vũ Công Đắc và Vũ Công Tuấn lại tái phạm lỗi lầm của tổ tiên.

Tháng 9 năm Kỉ Dậu (1669), Vũ Công Đắc (lúc này đang là Thiếu phó, trông coi đất Tuyên Quang) ngầm thông mưu với Ma Phúc Trường và cấu kết với dư đảng của họ Mạc để chống lại triều đình. Cơ sự chưa đâu vào đâu thì Vũ Công Đắc mâu thuẫn với Ma Phúc Trường. Trong cơn lo sợ, Vũ Công Đắc đã tìm đường về triều đình để tự thú và xin tha tội, nhưng chưa đến nơi thì bị giết chết. Người đương thời cho rằng, chủ mưu vụ ám hại này, rất có thể là Ma Phúc Trường.

Được tin này, triều đình nghĩ rằng, dẫu sao thì Vũ Công Đắc cũng là người có chút công lao trấn trị vùng Tuyên Quang nên không nỡ dứt tình, bèn bổ dụng con của Vũ Công Đắc là Vũ Công Tuấn làm Đô đốc Thiêm sự, ban cho tước Khoan Quận công, cho được ở lại kinh đô, ngoài ra, còn tuyển dụng con trai con gái của Vũ Công Đắc giao cho chức phận khác nhau. Tiếc thay, đến tháng 5 năm Mậu Thìn (1688), Vũ Công Tuấn lại làm phản, chạy sang Trung Quốc đầu hàng rồi ngầm câu kết với một số thổ tù vùng biên giới và dư đảng của họ Mạc để chống lại triều đình. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 34, tờ 20, 21 và 22) chép như sau:

"Hai châu của Tuyên Quang là Vị Xuyên và Bảo Lạc cùng với châu Thủy Vĩ của Hưng Hóa giáp giới với phủ Khai Hóa của nhà Thanh. Bấy giờ, Vũ Công Tuấn đã chạy sang Vân Nam (Trung Quốc - ND), muốn nhờ Vân Nam giúp sức. Nhân cớ này, Thổ ti của phủ Khai Hóa bèn ép dân đi đánh chiếm cả ba châu (Vị Xuyên, Bảo Lạc và Thủy Vĩ - ND), đặt sở tuần ti ở biên giới để thu thuế người buôn bán.

Quan trấn thủ Hải Dương là Lê Huyến được lệnh đi làm Trấn thủ xứ Tuyên - Hưng (tức Tuyên Quang và Hưng Hóa - ND). (Lê) Huyến bèn cùng với quan Đốc đồng là Đặng Đức Nhuận và Trần Thọ gởi thư sang Vân Nam để tranh biện về việc này, đồng thời, hiểu dụ dân các động phải trở về, nhưng Thổ ti Vân Nam không chịu nghe theo, thành thử, cả ba châu biên giới phải mất về tay nhà Thanh, suốt thời nhà Lê vẫn không sao lấy lại được.”

… "(Vũ) Công Tuấn sau khi đã lẩn lút sang Vân Nam thì phải đến nương nhờ viên Thổ ti là Nùng Tiên Lai. Công Tuấn tự xưng là Giao Cương Vương, ngầm cùng bọn (Mạc) Kính Chửu và (Mạc) Kính Thọ là dư đảng của họ Mạc, tập hợp binh lính đất ấy, cùng với người Nùng đi cướp bóc vùng Tuyên Quang và Hưng Hóa. Trấn thủ Nguyễn Công Triều đem quân đến đánh nhưng không dẹp được. Sau, triều đình phải sai Đốc suất là Lê Hải, Đốc thị là Đặng Đình Tướng đem quân đến tăng cường để lo xếp đặt công việc ở khu vực này.

Bọn Lê Hải nhiều phen đưa thư sang cho Tổng đốc Vân Nam, nhưng viên quan phủ của phủ Khai Hóa (thuộc VânNam - ND) không chịu giúp việc chuyển đạt. Sau, (bọn Lê Hải) phải dùng vải, lụa và bạc để giao kết một cách hậu hĩ với viên Thổ ti đất Mông Tự là Lý Thế Bình, Thế Bình mới chịu chuyển đạt cho. Viên Tổng đốc Vân Nam (được thư), bèn hạ lệnh cho quan ba phủ là Khai Hóa, Lâm An và Quảng Nam (tất cả đều thuộc Vân Nam - ND) đi tra xét cho rõ, bắt phải giao trả (bọn lưu vong là Vũ Công Tuấn) tổng cộng lớn bé hơn 120 người. Bọn Lê Hải hẹn với phiên thần là Nông Văn Cương hội họp ở biên cảnh, bắt Vũ Công Tuấn giết đi, khiến cho đồ đảng của hắn bị tan rã. Bấy giờ, bọn Lê Hải mới kéo quân về.”

Lời bàn: Cứ sử mà xét thì họ Vũ quả là đáng trách. Thời bấy giờ, vua Lê - chúa Trịnh nếu có bạc bẽo với trăm họ, thì dẫu gì, họ Vũ cũng là họ thứ... 101, được hưởng ơn mưa móc chớ có phải thiệt thòi gì đâu. Nếu quả thấy vua Lê - chúa Trịnh bất nghĩa, cần phải loại trừ, thì hãy hiên ngang dựng cờ khởi binh, có đâu nương náu vào đám Thổ ti hạng quèn để làm chuyện cướp bóc xứ sở?

Vũ Công Tuấn mắc bốn đại tội liền. Một là tiếp tục bôi đen gia phả của họ Vũ một cách thậm tệ. Hai là làm việc phản nghịch với triều đình. Ba là tạo cơ hội cho quân Thanh xâm lấn lãnh thổ. Bốn là cướp bóc chính dân lành của mình. Mắc bồn đại tội "trời không dung, đất không tha" như vậy, còn mặt mũi nào mà sống với đời nữa, bị giết cũng là phải lắm thay!

Xưa nay, kẻ phản quốc chẳng bao giờ được ai xót thương.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay